5 quyển sách hay về chiến tranh biên giới Tây Nam mô tả những gì thực sự đã xảy ra ở chiến trường Tây Nam, một sự thật trần trụi: “Nó không chỉ có anh dũng lao lên mà đó còn là cuộc sống hiện tại của người lính chiến vào những năm đầu những năm 1980”.
Chuyện Lính Tây Nam
Gần 5 năm từ 1978 đến 1983 được gói gọn lại trong 300 trang sách chia thành 120 đoản khúc mô tả sự thực đã xảy ra ở chiến trường Tây Nam, một sự thật trần trụi “Nó không chỉ có anh dũng lao lên mà đó còn là cuộc sống hiện tại của người lính chiến vào những năm đầu những năm 1980”.
Chuyện lính Tây Nam cho thấy sự khốc liệt, nghiệt ngã tới mức như trò đùa của chiến tranh. Sự sống và cái chết quá mong manh. Cái chết rình rập, bám theo từng bước chân người lính, ẩn nấp trong từng gốc cây, ngọn cỏ. Nhiều khi không chết bởi họng súng địch bên kia chiến hào, mà chết dần chết mòn bởi ma thiêng nước độc, với những hầm chông, bãi mìn câm lặng.
Nhưng trong khói lửa chiến tranh chết chóc, dưới ngòi bút của một tay bút nghiệp dư, một người “không phải là nhà văn nhà báo” từng tham gia quân ngũ 40 năm trước, thiên nhiên đất nước Chùa Tháp vẫn hiện lên với vẻ đẹp vừa hoang sơ quyến rũ, vừa bí ẩn hiểm độ.
Mùa Chinh Chiến Ấy
Mùa Chinh Chiến Ấy là những mảng hồi ức của nhà văn – chiến binh Đoàn Tuấn về anh và đồng đội trong cuộc chiến biên giới Tây Nam – một cuộc chiến tranh bắt buộc ngay sau ngày thống nhất nước nhà.
Chiến trường K giai đoạn cuối năm 1978 đến giữa những năm 1980 là nơi bộ đội Việt Nam phải đối mặt với một kẻ địch nguy hiểm, liều lĩnh và môi trường xa lạ, khắc nghiệt hơn cả hai cuộc kháng chiến trước đó. Trong bối cảnh âm thầm mà khốc liệt của gần 40 năm về trước ấy, truyện đưa người đọc theo dấu chân tuổi 18 của nhân vật “tôi” – người lính sư đoàn 307, đi tới tận những miền rừng núi heo hút xứ người. Đó là cuộc hành quân dài hàng ngàn cây số: từ Pleiku, theo đường 19 tiến về hướng Tây, để đẩy lùi và tiêu diệt tàn quân Khmer Đỏ ở vùng Đông – Bắc Campuchia.
Thế hệ lính thứ ba, nhập ngũ sau 75, cũng đã khác trước. Họ phần nhiều là những học trò vừa rời ghế nhà trường từ các tỉnh miền Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, đến những thanh niên miền Nam mới làm quen với cuộc sống của chế độ mới. Phải chiến đấu trên mảnh đất không phải quê hương mình, trước những sức ép kinh khủng của chiến tranh, những người lính trẻ vấp phải vô số thử thách về phẩm chất con người lẫn cạm bẫy của việc từ bỏ hàng ngũ. Nhưng họ đã ở lại, đã chiến đấu, hy sinh, năm này qua năm khác… Để ngày trở về, mang theo thứ tài sản vô giá của cuộc đời quân ngũ: tình đồng đội. Năm năm ở chiến trường K của Đoàn Tuấn, với lịch sử chỉ như thoáng chốc, nhưng với mỗi người lính mười tám, đôi mươi ngày ấy là cả một thời tuổi trẻ để lại. Thân thương như máu thịt mình.
Đoàn Tuấn viết trong sáng, tự nhiên, nhưng khi cần cũng không hề né tránh những mảng gai góc của hiện thực. Những trang văn đầy ắp chi tiết dựng lại cả một giai đoạn lịch sử vẫn còn nóng hổi để mỗi người Việt cần nhớ.
Hoang Tâm
Anh – nhân vật chính câu chuyện là một chàng sinh viên tốt nghiệp khoa Văn bị động viên vào quân đội tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia. Anh trở về làm thầy giáo nhiều năm trước khi căn bệnh mất ngủ triền miên khiến anh phải tìm về vùng Cửa Núi, huyện Nguyên Thủy để tìm lại giấc ngủ.
Ở Cửa Núi anh gặp Son Phấn, hai người bước vào cuộc phiêu lưu đầy mộng mị, lạc vào vùng đất của người Mã, người Khi, người Mụ với những bất trắc rập rình và cùng với Son Phấn anh đã tìm lại được giấc ngủ cũng như tìm lại được chính mình.
Con đường tìm lại giấc ngủ cũng là con đường của huyền mị, của mông lung, của thao thức và tỉnh thức. Chỉ đến khi Anh tìm lại được chính mình với sức vóc đàn ông cường tráng thì giấc ngủ cũng tìm đến với anh, trở lại với anh trong bùi ngùi tiếc nuối. Giấc mơ hoang huyễn mà như hiện thực ở Khu du lịch Cửa Núi cùng với Son Phấn như một hành trình đẹp khi con người tìm lại được chính mình giữa bao chồng lấn yêu thương và nghi kỵ, giữa huyền hoặc và sôi động cuộc đời.
Dấu Ấn Chiến Thắng Biên Giới Tây Nam
Nội dung cuốn sách gồm các phần chính:
- Phần I: Một số hình ảnh tư liệu về chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc;
- Phần II: Chỉ thị của Đảng về cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc;
- Phần III: Kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07-01-1979_07-01-2019);
- Phần IV: Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam;
- Phần V: Chiến thắng chế độ diệt chủng, chiến thắng của chính nghĩa và tình đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt Nam_Camphuchia;
- Phần VI: Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc_bài học cho công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước;
- Phần VII: Chính sách đối với Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia
Chia Tay Cửa Rừng
Chia tay cửa rừng là tập thơ của Phạm Sỹ Sáu gồm hầu hết những sáng tác đã viết trong thời gian tác giả là người lính chiến đấu ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Một ít bài được viết trong thời gian đi thực tập ở biên giới phía Bắc năm 1986-1987. Có thể nói đây là bộ sưu tập những bài thơ nổi tiếng của Phạm Sỹ Sáu đã từng được công bố trên các phương tiện truyền thông, tạo nên mối cảm thông sâu sắc với người hậu phương trong giai đoạn đất nước vừa có hòa bình lại vừa có chiến tranh.
Cùng danh mục: