15 cuốn sách phong tục tập quán Việt Nam đầy giá trị lịch sử

15 cuốn sách phong tục tập quán Việt Nam này hữu ích cho độc giả muốn tìm hiểu về cội nguồn dân gian, tín ngưỡng và phong tục tập quán của người Việt.

Tập Tục Đời Người

Tập tục đời người do NXB Hội Nhà văn và Công ty văn hóa Nhã Nam ấn hành, dày hơn 600 trang. Theo kế hoạch dài hơi của nhà nghiên cứu văn hóa – họa sĩ Phan Cẩm Thượng, đây là cuốn thứ hai trong bộ sách về văn minh VN mà ông muốn viết.

“Văn minh ở đây hiểu là đời sống hằng ngày, ví dụ ăn ở, phong tục tập quán, tôn giáo, di chuyển, gia đình dòng tộc, vùng miền… Bộ sách sẽ có 4 phần về văn minh. Phần 1 là sinh hoạt vật chất, chính là quyển Văn minh vật chất của người Việt (đã xuất bản 2011). Văn minh vật chất là những đồ vật như thuyền bè xe cộ đi lại, giường tủ bàn ghế, nồi niêu xoong chảo. Phần 2 là phong tục tập quán của người nông dân thế kỷ 19 – 20 nói trong quyển này. Phần 3 nói về vùng miền. Phần 4 nói về sự thay đổi xã hội VN hiện đại khi bước vào thế kỷ 19”, ông Thượng cho biết.

Việt Nam Phong Tục

Từ Phong tục trong gia tộc, Phong tục xóm làng (hương đảng) đến các phong tục ngoài xã hội, VIỆT NAM PHONG TỤC của học giả PHAN KẾ BÍNH là một bộ biên khảo tương đối đầy đủ về các phong tục tập quán cũ của nước Việt. Là một nhà nho uyên bác mang tư tưởng tân tiến, tác giả không chỉ mô tả từng tập tục, mà còn về gốc tích, nguyên ủy cái tục ấy, nhìn nhận, đánh giá để xem nó hay hay dở, từ đó “xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho cái tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy”. Đến nay, tập sách gần một trăm năm tuổi này vẫn là một trong những công trình khảo cứu có giá trị bậc nhất về các phong tục tập quán trên đất nước ta và nhiều vấn đề được PHAN KẾ BÍNH nhắc tới vẫn nóng hổi tính thời đại.

100 Điều Nên Biết Về Phong Tục Việt Nam

Phong tục làm cho sắc thái văn hóa trở nên đa dạng, phong tục giúp chúng ta phân biệt được cộng đồng này, dân tộc này, nước này khác với cộng đồng khác, dân tộc khác, nước khác. Sống đúng với phong tục của nước mình, dân tộc mình mới là sống đúng với truyền thống. Phong tục Việt Nam nói chung và các phong tục của dân tộc thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam nói riêng là một đề tài vô tận, bởi nước ta có 54 dân tộc với rất nhiều phong tục, nghi lễ văn hóa khác nhau.

Vẻ đẹp của những phong tục trong cách thờ cúng tổ tiên, cách tổ chức lễ tết hay những tục lệ trong hiếu, hỷ,.. là những hoạt động mang đậm ý nghĩa văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Vì thế, nếu muốn hiểu về văn hóa truyền thống thì phải tìm hiểu từ các phong tục bởi đây chính là tấm gương phản ánh chân thực nhất cuộc sống.

Sách giới thiệu một số phong tục, tập tục trong hiếu hỷ hay những ngày lễ tết lớn tiêu biểu nhất của Việt Nam. Hơn nữa, cuốn sách còn giới thiệu một số những tục lệ hay, những ngày lễ của các vùng miền và một số dân tộc tiêu biểu. Hầu hết các phong tục vẫn được duy trì đến ngày hôm nay, nhưng một số phong tục bị mai một đi theo thời gian và một số khác được chắt lọc hoặc được kết hợp với nhau cho phù hợp với xã hội hiện đại.

Đất Lề Quê Thói – Phong Tục Việt Nam

Ngày trước, luật lệ hộ tịch không bắt buộc phải khai sinh cho con ít ngày sau khi đứa bé ra đời, vì vậy không ai vội gì đặt tên cho con ngay và cứ quen gọi tạm bằng tên xấu xí thông thường: thằng cò, cái hĩm, cũng là có dụng ý để cho dễ lẫn lộn, không có gì đặc sắc đẹp đẽ quý báu khiến tà ma dòm ngó quấy nhiễu và cũng là để tránh người ta quở quang” (Đặt tên).

“Từ thời Hùng Vương, ta có tục châm trổ hình vẽ trên mình những hình quái vật dưới nước, để làm nghề đánh cá khi bơi lội khỏi bị nạn giao long cắn hại” (Xăm mình). Nước mắm là gia vị chính yếu thì ở các tỉnh dọc theo miền duyên hải người ta làm bằng cá biển; những thức ăn luộc như thịt gà, vịt, heo và rau đậu, đều chấm nước mắm, các món xào nấu kho đều phải tra nước mắm mới ngon, khắp nước ta từ trẻ đến già không một người nào mà không biết ăn nước mắm và không bữa ăn nào là không có nước mắm, nếu không ăn chay (Mắm).

“Hẳn không một ai lạ gì hai tiếng gia đình. Đơn thuần là một vợ một chồng sống chung trong một nếp nhà với những người con thường chưa đến tuổi trưởng thành. Nhiều người còn có cha mẹ (cũng gọi là bố mẹ) ở chung. Cũng có những gia đình trên cha mẹ lại còn ông bà, kể đến hàng con là bốn đời. Đặc biệt nữa là những gia đình còn có hàng cụ (sinh ra ông bà) kể đến hàng con ở cuối cùng là năm đời. Những trường hợp ít có này được coi là phúc đức lắm, không dễ gì mà được, khác hơn giàu sang có nhiều người được, cho nên thường được mọi người trầm trồ khen ngợi, đồn đại xa gần: Ngũ đại đồng đường (năm đời cùng nhà)” (Gia tộc).

Tộc phả là quyển sổ biên tên từ ông thủy tổ trở xuống lần lượt theo thế thứ tất cả những ngành trong họ đến đời dưới chót. Gia phả là quyển sổ chép các thế hệ của từng nhà; nói vậy không phải nhà nào cũng đều có gia phả. Nhà năm bảy anh em trai thì thường thường chỉ có người anh trưởng lo việc chép kế tiếp vào gia phả của cha để lại. Những người em có học hay có tiền của thì tự làm lấy hay nhờ người sao chép gia phả kia để giữ riêng (Tộc phả, gia phả).

Văn Hóa Tín Ngưỡng Việt Nam

Tác phẩm Văn Hóa Tín Ngưỡng Việt Nam của tác giả Nguyễn Hạnh là tác phẩm biên khảo về tín ngưỡng của người Việt khởi từ thời dựng nước với khái niệm thờ: Trời, đất, tổ tiên. Những niềm tin dân gian của ông bà ta xưa vẫn còn lưu truyền đến ngày nay thông qua kho tàng ca dao.Tiếp đến là sự giao thoa văn hóa với 4 tôn giáo lớn ở Việt Nam là Nho, Phật, Lão, Công Giáo. Chính sự giao thoa giữa tín ngưỡng dân gian Việt Nam và 4 tôn giáo lớn này đã hình thành nên nhiều tôn giáo bản địa như Cao Đài, Hòa Hảo, Hòa Đồng Tôn Giáo. Sự giao thoa, tiếp thu và chọn lọc đó đã làm nên một đặc sắc trong chiều kích tâm linh đó là các tôn giáo du nhập phải được điều chỉnh và chứa đựng được yếu tố tín ngưỡng của người Việt. Chính những ảnh hưởng giao thoa này góp phần tạo nên bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của người Việt xuyên suốt từ thuở dựng nước đến nay.

Tìm Hiểu Luật Tục Các Tộc Người Ở Việt Nam

Việc sưu tầm và nghiên cứu luật tục đã có từ lâu, tuy nhiên, với Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian và bản thân tôi thì thực sự mới bắt đầu từ năm 1994. Từ đó đến nay với nỗ lực chung nhằm sưu tầm, hệ thống và xuất bản tư liệu về luật tục và hương ước các dân tộc ở nước ta, nhiều công trình tư liệu đã được xuất bản, như: “Luật tục Êđê, 1993”, “Luật tục M’nông, 1996”, “Luật tục Thái, 1999”, “Luật tục Giarai, 1999” Bên cạnh sưu tầm và xuất bản luật tục các dân tộc thiểu số, chúng tôi cũng đã sưu tầm, biên dịch và xuất bản hương ước của người Việt theo các tỉnh: “Hương ước Quảng Ngãi, 1995”, “Hương ước Hà Tĩnh, 1996”, “Hương ước Nghệ An, 1998”, “Hương ước Thanh Hóa, 1999”, “Hương ước Thái Bình, 2000”, Đặc biệt, năm 1999, chúng tôi đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Luật tục và phát triển nông thôn Việt Nam hiện nay với sự tham gia đông đảo các học giả trong nước và nước ngoài quan tâm đến vấn đề này. Tiếp đó, năm 2001 từ yêu cầu đòi hỏi của tình hình xã hội Tây Nguyên, chúng tôi đã tổ chức hội thảo Luật tục – Hương ước và những vấn đề phát triển kinh tế xã hội buôn làng các dân tộc Tây Nguyên, coi đó như là những cố gắng nhằm ứng dụng luật tục – hương ước vào quản lý cộng đồng buôn làng các dân tộc hiện nay.

Dẫu rằng công việc điều tra, sưu tầm, hệ thống tư liệu về luật tục và hương ước các dân tộc ở nước ta vẫn cần phải tiếp tục, tuy nhiên, để có cái nhìn chung hơn, chúng tôi thấy cần phải hệ thống lại một số vấn đề đã và đang đặt ra trong quá trình nghiên cứu luật tục các dân tộc. Đó là lý do để chúng tôi biên soạn cuốn sách Tìm hiểu luật tục các tộc người ở Việt Nam mà bạn đọc đang có trong tay.

Phong Tục Đất Phương Nam

“Phong tục tập quán là một bộ phận quan trọng hình thành nền văn hóa”, mà “văn hóa là cái hồn tinh túy của dân tộc”, nên “hồn tính còn thì dân tộc còn”.

Trong những thời kỳ lịch sử khó khăn, khi nước ta bị ngoại bang đô hộ, người Việt Nam vẫn bảo tồn những phong tục tập quán của mình. Theo tác giả, đó là một cách đối kháng rất quan trọng, bên cạnh những cách đối kháng khác.

Chẳng hạn, trải qua một nghìn năm Bắc thuộc, người Việt Nam vẫn duy trì cách nói, cách làm của mình, khác với người Trung Hoa: người Việt Nam nói “vợ chồng” (vợ trước, chồng sau) chứ không nói “phu thê” (phu trước, thê sau): tảo mộ vào tháng Chạp âm lịch chứ không phải vào tháng Ba âm lịch như người Trung Hoa.

Nhờ vậy, sau khi đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập tự do, “ta vẫn là ta” chứ không bị đồng hóa, không bị mất gốc.

Gợi ý

Việt Nam Phong Tục Toàn Biên

“Việt Nam phong tục toàn biên” là công trình tổng hợp, sưu tầm và khảo cứu công phu của Giáo sư Vũ Ngọc Khánh về tập tục, lễ nghi, tín ngưỡng, nếp sống của con người, làng xóm, xã hội…những điểm mấu chốt trong các nét đẹp phong tục Việt Nam.

Nghi Lễ Thờ Cúng Cổ Truyền Việt Nam

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc ta không chỉ thể hiện đa dạng ở những lĩnh vực như: Thơ ca, hội họa tạo hình, nghệ thuật âm nhạc, sân khấu mà còn ở cả khía cạnh lối sống của cả cộng đồng, trong đó có lễ tục, tín ngưỡng. Từ ngàn xưa, bên cạnh việc thờ cúng các vị Thần, thờ Thành Hoàng, thờ Mẫu, thờ Phật, thờ các vị anh hùng có công với đất nước, dân tộc, người Việt còn thờ cúng Tổ tiên. Những đặc thù văn hóa đó đã trở thành nếp sống, phong tục và nghi lễ cổ truyền thiêng liêng của cộng đồng dân tộc Việt.

Những tinh hoa được chắt lọc qua suốt chiều dài lịch sử, biểu tượng cho khát vọng về một cuộc sống vật chất phồn vinh và tinh thần hạnh phúc. Phong tục này bao gồm cả những giá trị đạo đức cao cả, đó là đạo hiếu, lòng biết ơn với những người có công với cộng đồng, dân tộc, thể hiện tấm lòng nhân hậu, vị tha của con người Việt. Chính vì thế, trong đời sống tinh thần của mỗi người Việt, quá khứ vẫn tồn tại trong hiện tại và tương lai là ngọn nguồn của sức sống cộng đồng, hình thành lối sống trọng tình trọng nghĩa. Tín ngưỡng là niềm tin của con người hướng về Thánh, Thần, Tiên, Phật. Tín ngưỡng hay thờ cúng tại gia cũng là trách nhiệm của hậu duệ gửi gắm niềm tin vào Gia tiên, Thánh Thần che chở độ trì cho công việc làm ăn, cuộc sống của con cháu hiện tại cũng như tương lai.

Thọ Mai Gia Lễ

Là một cuốn sách tập hợp các tập tục tang lễ, mà tác giả là cư sĩ Hồ Sĩ Tân (1690-1760), sống ở làng Hoàng Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã ghi chép lại. Cũng có người cho rằng, sách viết theo lời chỉ bảo của Thượng thư Hồ Sĩ Dương (1621-1681). Vì cuốn sách vốn đã rất hoàn bị và tỉ mẩn, nên rất nhiều đời Nho sĩ, triều đình của nước ta, thường trích lục, sao chép lại từng phần rồi chuyền tay nhau, đưa các điều sách nói đến như là kim chỉ nam hành động của mọi tang gia lúc đang bối rối bận rộn.

Tất cả nghi lễ, tục lệ đã có sẵn của người xưa để lại nói về tấm lòng hiếu thảo của con cháu báo đáp công ơn CHA MẸ, ÔNG BÀ, TỔ TIÊN của mình, đồng thời nhắc nhở mọi người đừng bao giờ bỏ quên cội rễ.

Đạo Mẫu Việt Nam

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là việc tôn thờ nữ thần, thờ mẫu thần, thờ mẫu tam phủ, tứ phủ xuất hiện khá phổ biến và có nguồn gốc lịch sử và xã hội sâu xa. Tuy tất cả đều là sự tôn sùng thần linh nữ tính, nhưng giữa thờ nữ thần, mẫu thần, mẫu tam, phủ tứ phủ không hoàn toàn đồng nhất. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa cùng với những ảnh hưởng ngoại lai từ đạo giáo, tín ngưỡng lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trữ và che chở cho con người. Quyển sách đưa đến giá trị, tìm hiểu nghiên cứu những vấn đề chung về Đạo Mẫu, về tín ngưỡng tôn giáo cũng như các giá trị nghệ thuật và văn hóa Việt Nam. Các hình thức thờ Mẫu ở ba miền Bắc, Trung, Nam.

Hương Ước Cổ Làng Xã Đồng Bằng Bắc Bộ

Từ bao đời nay, làng xã đã trở thành đơn vị tụ cư, môi trường sinh hoạt văn hóa – xã hội vô cùng gần gũi, gắn bó với cộng đồng người Việt Nói chung, ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng. Những thành viên trong làng xã đã đoàn kết với nhau để đối phó, chinh phục tự nhiên, đế đấu tranh chống ngoại xâm giữ nước, giữ làng, cùng nhau bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.

Đánh giá về vai trò của làng xã cổ truyền, ngay trong Chiếu Gia Long năm 1804 đã bàn rằng: “Nước là họp các làng mà thành. Từ làng mà đến nước, dạy dân nên tục, vương chính lấy làng làm trước.”

Góp phần không nhỏ tạo nên sức sống trường tồn và đặc trưng của làng xã phải đề cập đến vai trò của hương ước, đặc biệt là loại hình hương ước cổ. Quá trình ra đời của hương ước gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng xã người Việt nói chung, ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng. Vì vậy, hương ước phản ánh hầu hết các mặt hoạt động và sự phát triển của làng xã, thông qua hương ước đã phác họa nên bức tranh toàn cảnh vô cùng đa dạng của làng xã người Việt.

Tết Đoàn Viên

Tết đoàn viên gồm 4 phần: Phong vị Tết, Tết trong tôi là…, Tết đoàn viên, Vĩ thanh. Và mỗi bài viết trong từng phần bằng một cách riêng mỗi tác giả đã nói về những vẻ đẹp khác biệt của Tết. Mỗi bài viết mang đến một phong vị Tết của từng vẻ đẹp, từng thời kì, từng vùng miền… Những vẻ đẹp ấy của Tết hiển hiện trong trời đất, trong cây cỏ hoa lá, trong những ngôi nhà, căn bếp, trong mỗi gương mặt, trong mỗi giọng nói, trong hương nến trên ban thờ, trong hương vị của những món ăn truyền thống. Nhưng dòng chảy lớn nhất, thiêng liêng nhất qua những vẻ đẹp ấy là sự đoàn tụ, sum vầy. Sự đoàn viên không còn chỉ là sự kiện gặp mặt của những thành viên trong gia đình, những người bạn lâu ngày không gặp mà còn là sự gặp lại những phong vị Tết, những vị riêng, mùi riêng của Tết, sự đoàn tụ với những không gian, vùng miền của đất nước, đoàn tụ trong chiều kích thời gian Tết xưa và nay.

Văn Khấn Nôm Truyền Thống Của Người Việt

Theo phong tục và nghi lễ cổ truyền của người Việt Nam, trong các nghi lễ dâng hương bao giờ cũng phải tuân thủ trật tự là: Sắm lễ, dâng lễ, thắp hương và cầu khấn.

Việc cầu khấn bày tỏ lòng thành tâm của người làm lễ dâng hương trước các đấng vô hình linh thiêng: Vong linh tổ tiên, Thần thánh, chư vị Thánh hiền, chư vị Bồ Tát, chư Phật mười phương. Từ xưa, trong chính sử và trong dân gian còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện linh ứng của lời cầu khấn thành tâm.

Lời khấn của người xưa luôn bao hàm sự mong muốn vươn tới cuộc sống tốt đẹp, đạo đức, triết lý làm người, tỏa sáng vẻ đẹp văn hóa, đạo lý cổ nhân được lưu truyền theo năm tháng.

101 Điều Cần Biết Về Tín Ngưỡng Và Phong Tục Việt Nam

Tuyệt đại đa số nhân dân ta có truyền thống sinh hoạt tín ngưỡng lâu đời. Mỗi dân tộc anh em đều có những hình thức tín ngưỡng mang nét đặc sắc riêng của mình. Truyền thống này còn gắn bó chặt chẽ với các sinh hoạt văn hoác mang đậm bản sắc dân tộc qua các nghi lễ thờ cúng, phong tục tập quán và lễ hội dân gian trên khắp mọi miền đất nước.

Chúng ta đều biết, phong tục tập quán là lề lối và thói quen lâu đời của một dân tộc, hay của một nước. Ví dụ: Phong tục thờ cúng Tổ tiên, phong tục gói bánh chưng ngày tết, phong tục trong việc cưới, việc tang.

Mỗi nước có phong tục tập quán riêng, và trong một nướ, mỗi phương ngoài những phong tục chung của toàn quốc cũng có những phong tục riêng và ngay cả trong một địa phương nhiều khi mỗi nhóm người lại có những phong tục riêng.

Những thái độ hành vi nào được lặp đi lặp lại nhiều lần, ăn sâu vào tiềm thức, tâm lý trở thành một thói quen ổn định tương đối lâu dài trong nếp sống của một cá nhân, hoặc một khối cộng đồng trong một địa phương, một dân tộc hoặc nhiều dân tộc thường gọi là tập quán – tức thói quen. Thói quen được truyền lại từ đời này qua đời khác, thế hệ này qua thế hệ khác, làm cho những người đời sau tuân theo một cách không tự giác. Những tập quán có tính chất xã hội; được nêu thành nghi thức, có tiêu chuẩn bắt buộc, truyền miệng hay thành văn, được nêu thành nghi thức, có tiêu chuẩn bắt buộc, truyền miệng hay thành văn, được dư luận xã hội rộng rãi thừa nhận, ủng hộ, bảo vệ và yêu cầu mọi người tuân theo, không theo thì lên án, thường gọi là tục lệ hay phong tục.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

5 quyển sách hay về huyết học, ngành y học chuyên sâu về máu 5 quyển sách hay về huyết học cung cấp một cái nhìn tổng thể toàn diện về cấu trúc, chức năng của máu và các bệnh ảnh hưởng đến…
9 cuốn sách học tiếng Trung hay, gần gũi và dễ hiểu 9 cuốn sách học tiếng Trung hay mang đến cho người đọc những hiểu biết toàn diện và sử dụng ngôn ngữ tiếng Trung một cách hiệu quả nhất.…
5 quyển sách dành cho đạo diễn trau dồi kinh nghiệm, thêm yêu và đam mê với nghề 5 quyển sách dành cho đạo diễn chia sẻ những kinh nghiệm làm nghề và kể lại cuộc đời thăng trầm của nghề đạo diễn mà không phải ai…
Back to top button