50 quyển sách văn học Việt Nam hay mang giá trị nhân văn sâu sắc

50 quyển sách văn học Việt Nam hay này chiếm được tình cảm của nhiều thế hệ người đọc, đi vào đời sống của họ một cách phổ biến và bình dị.

Chí Phèo

Chí Phèo – tập truyện ngắn tái hiện bức tranh chân thực nông thôn Việt Nam trước 1945, nghèo đói, xơ xác trên con đường phá sản, bần cùng, hết sức thê thảm, người nông dân bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Nam Cao không hề bôi nhọ người nông dân, trái lại nhà văn đi sâu vào nội tâm nhân vật để khẳng định nhân phẩm và bản chất lương thiện ngay cả khi bị vùi dập, cướp mất cà nhân hình, nhân tính của người nông dân, đồng thời kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo đó trước 1945.

Những sáng tác của Nam Cao ngoài giá trị hiện thực sâu sắc, các tác phẩm đi sâu vào nội tâm nhân vật, để lại những cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc.

Truyện Kiều

Nói tới văn học cổ điển Việt Nam, trước hết chúng ta phải nhắc đến đại thi hào

Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều của ông. Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ khiêm nhường coi đó là những “…Lời quê góp nhặt dông dài”. Nhưng, thực tế đã cho thấy, bất chấp quy luật và sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian, Truyện Kiều đã khẳng định sức sống bất tử của một tác phẩm bất hủ.

Tác phẩm Truyện Kiều, nguyên tên là Đoạn Trường Tân Thanh, từ khi ra đời đến nay, khoảng 200 năm, trong lịch sử Văn học Việt Nam, chưa có tác phẩm nào được các nhà khảo cứu, phê bình, xuất bản quan tâm đến nó, từ nội dung, hình thức, lẫn văn bản và thời điểm sáng tác đặc biệt đến như vậy. Một trong nguyên nhân chính là vì bản gốc của Nguyễn Du sáng tác không còn nữa.

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”

(Trích Truyện Kiều)

Tắt Đèn

Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố phản ánh rất chân thực cuộc sống khốn khổ của tầng lớp nông dân Việt Nam đầu thế kỷ XX dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Tác phẩm xoay quanh nhân vật chị Dậu và gia đình – một điển hình của cuộc sống bần cùng hóa sưu cao thuế nặng mà chế độ thực dân áp đặt lên xã hội Việt Nam. Trong cơn cùng cực chị Dậu phải bán khoai, bán bầy chó đẻ và bán cả đứa con để lấy tiền nộp sưu thuế cho chồng nhưng cuộc sống vẫn đi vào bế tắc, không lối thoát.

Trong tác phẩm, cảnh đời tràn nước mắt của gia đình chị Dậu đã được tái hiện một cách sống động trong từng câu chữ, chi tiết văn học với nhiều cung bậc cảm xúc của tác giả khiến người đọc không khỏi xúc động.

Số Đỏ

Số đỏ là một tiểu thuyết văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng, đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7 tháng 10/1936 và được in thành sách lần đầu vào năm 1938.

Truyện dài 20 chương và được bắt đầu khi bà Phó Đoan đến chơi ở sân quần vợt nơi Xuân tóc đỏ làm việc. Vô tình Xuân tóc đỏ vì xem trộm 1 cô đầm thay đồ nên bị cảnh sát bắt giam và được bà Phó Đoan bảo lãnh. Sau đó, bà Phó Đoan giới thiệu Xuân đến làm việc ở tiệm may Âu Hóa, từ đó Xuân bắt đầu tham gia vào việc cải cách xã hội. Nhờ thuộc lòng những bài quảng cáo thuốc lậu, hắn được vợ chồng Văn Minh gọi là “sinh viên trường thuốc”, “đốc tờ Xuân”. Hắn gia nhập xã hội thượng lưu, quen với những người giàu và có thế lực, quyến rũ được cô Tuyết và phát hiện cô Hoàng Hôn ngoại tình. Xuân còn được bà Phó đoan nhờ dạy dỗ cậu Phước, được nhà sư Tăng Phú mời làm cố vấn cho báo Gõ Mõ. Vì vô tình, hắn gây ra cái chết cho cụ cố tổ nên được mọi người mang ơn. Văn Minh vì nghĩ ơn của Xuân nên dẫn Xuân đi xóa bỏ lí lịch trước kia rồi đăng kí đi tranh giải quần vợt nhân dịp vua Xiêm đến Bắc Kì. Bằng thủ đoạn xảo trá, hắn làm 2 vận động viên quán quân bị bắt ngay trước hôm thi đấu nên Xuân được dịp thi tài với quán quân Xiêm. Vì để giữ tỉnh giao hảo, hắn được lệnh phải thua. Kết thúc trận đấu, khi bị đám đông phản đối, Xuân hùng hồn diễn thuyết cho đám đông dân chúng hiểu hành động “hi sinh vì tổ quốc của mình”, được mời vào hội Khai trí tiến đức, được nhận huân chương Bắc Đẩu bội tinh và cuối cùng trở thành con rể cụ cố Hồng.

Bằng ngòi bút trào phúng độc đáo, Số đỏ lên án gay gắt cái xã hội tư sản thành thị Việt Nam đang chạy theo lối sống văn minh rởm hết sức lố lăng đồi bại đương thời. Tác giả đã đả kích cay độc các phong trào “Âu hóa”, “thể thao”, “giải phóng nữ quyền”, “tiến bộ”, “cải cách xã hội” mà thực chất chỉ là ăn chơi trụy lạc, làm tiền, chà đạp trắng trợn lên mọi nền nếp đạo đức truyền thống… Ngôn ngữ nghệ thuậ của Vũ Trọng Phụng thấm đẫm cá tính sáng tạo. Một thứ ngôn ngữ vừa gai góc, sắc nhọn, mỉa mai, chua chát. Cũng là thứ ngôn ngữ hướng đến sự phô bày, lên án, tố cáo những mặt trái của xã hội nhưng dữ dội hơn so với các cây bút hiện thực khác.

Bỉ Vỏ

Bỉ vỏ của Nguyên Hồng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán. Qua tác phẩm, những nét tiêu biểu của một lớp người sống dưới đáy xã hội, cuộc sống lầm than, đói khổ của tầng lớp nhân dân lao động và cả bản chất xấu xa thối nát của xã hội thực dân phong kiến đều được khắc họa tài tình dưới ngòi bút tinh tế của tác giả.

Vợ Nhặt

Năm 1945, nạn đói khủng khiếp xảy ra tràn lan khắp nơi, người chết như rạ, người sống cũng dật dờ như những bóng ma. Tràng là một người xấu xí thô kệch, ế vợ, sống ở xóm ngụ cư. Tràng làm nghề kéo xe bò thuê và sống với một mẹ già. Một lần kéo xe thóc Liên đoàn lên tỉnh, Tràng đã quen với một cô gái. Vài ngày sau gặp lại, Tràng không còn nhận ra cô gái ấy, bởi vẻ tiều tụy, đói rách làm cô đã khác đi rất nhiều. Tràng đã mời cô gái một bữa ăn, cô gái liền ăn một lúc bốn bát bánh đúc. Sau một câu nói nửa thật, nửa đùa, cô gái đã theo anh về nhà làm vợ. Việc Tràng nhặt được vợ đã làm cả xóm ngụ cư ngạc nhiên, nhất là bà cụ Tứ (mẹ Tràng) đón nhận người con dâu trong tâm trạng vừa buồn vừa mừng, vừa lo âu, vừa hi vọng nhưng không hề tỏ ra rẻ rúng người phụ nữ đã theo không con mình. Đêm tân hôn của họ diễn ra trong không khí chết chóc, tủi sầu từ xóm ngụ cư vọng tới. Sáng hôm sau, một buổi sáng mùa hạ, nắng chói lóa. Bà cụ Tứ và cô dâu mới xăm xắn dọn dẹp, quét tước trong ngoài. Trước cảnh ấy, Tràng cảm thấy mình gắn bó và có trách nhiệm với cái nhà của mình và thấy mình nên người, trông người vợ đúng là một người phụ nữ hiền hậu đúng mực, không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như lần đầu gặp nhau. Bà cụ Tứ hồ hởi đãi hai con vài bát cháo loãng và một nồi chè cám. Qua lời kể của người vợ, Tràng dần dần hiểu được Việt Minh và trong óc Tràng hiện lên hình ảnh đám người đói kéo nhau đi phá kho thóc Nhật, phía trước là một lá cờ đỏ bay phấp phới..

Hà Nội 36 Phố Phường

Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải… Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu… Ta phải nghe người Pháp nói đến Paris, người ở Paris, mới hiểu được sự yêu quý ấy đến bực nào.

Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật (chúng ta chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội, cũng như người Parisien chính hiệu yêu mến Paris… Trong những cuộc phiếm du, – phiếm du ngoài các phố Hà Nội là một cái thú vô song chỉ người Hà Nội có – ta nên chú ý đến những nét đổi thay của thành phố, nên nhận xét những vẻ đẹp cũng như vẻ xấu của phố phường, thân mật với những thú vui chơi hay những cảnh lầm than, với những người Hà Nội cũng như ta.

Hà Nội có một sức quyến rũ đối với các người ở nơi khác… Ở những hang cùng ngõ hẻm của làng xa, hay ở những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng của Hà Nội chiếu lên nền mây. Để cho những người mong ước kinh kỳ ấy, và để cho những người ở Hà Nội, chúng ta khuyến khích yêu mến Hà Nội hơn, chúng ta nói đến tất cả những vẻ riêng của Hà Nội, khiến mọi sự đổi thay trong ba mươi sáu phố phường đều có tiếng vang ra khắp mọi nơi.

THẠCH LAM

Chùa Đàn

Chùa Đàn được viết vào năm 1945, tuy nhiên, sau khi Việt Minh giành được chính quyền tại Hà Nội, Nguyễn Tuân đã mau chóng giác ngộ Cách mạng và viết thêm phần đầu mang tên Dựng và phần kết mang tên Mưỡu cuối cho tác phẩm xuất bản năm 1946. Phần gốc của Chùa Đàn được đặt ở vị trí thứ hai với tên gọi Tâm sự của nước độc.

Vẫn là phong cách duy mỹ thường thấy ở Nguyễn Tuân, ngòi bút của ông trong tác phẩm này hướng đến việc đi tìm cái đẹp, nhưng không còn là cái đẹp hoài vọng, phảng phất u buồn về một thời xa vắng, về những thú chơi trong Vang bóng một thời. Cái đẹp của Chùa Đàn kỳ quái, bi thương và đau đớn hơn rất nhiều khi con người ta sẵn sàng hy sinh thân mình để dùng nghệ thuật mà tái sinh cho một người khác.

Trúng Số Độc Đắc

Trúng Số Độc Đắc là tác phẩm cuối đời của Vũ Trọng Phụng. Khác với lối viết tiểu thuyết trước, cứ đến ngày báo ra mới viết một chương, đưa in xong hết mới mới thành sách, Trúng Số Độc Đắc được Vũ Trọng Phụng viết một mạch đến khi hoàn thành, tự tay đi đóng thành quyển rồi mới đưa cho nhà xuất bản.

Với cuốn tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng lên án thế gian và người đời nghiêm khác, thế nhưng giọng kể chuyện, tả cảnh, tả tình cứ hồn nhiên, vui vẻ và có dịp là không quên hài hước.

Viết Trúng số độc đắc, Vũ Trọng Phụng đã tập trung tất cả bút lực để theo dõi, phân tích, mô tả những thay đổi trong đời và trong lòng của chỉ một nhân vật. Không có trang nào mà không có Phúc, tất cả chỉ để biểu đạt tâm tư suy nghĩ của anh, cả ngoại hình anh cũng chỉ được phác họa vài dòng ngắn gọn. Ông có cái nhìn rất sáng suốt, tính nhậy cảm thật tinh tế, không những trông thấy những tình cảm được biểu lộ mà cả những ý muốn sơ phát còn tiềm tàng, những ký ức bị quên đi bỗng hiện về, những cảm giác từ lâu sống dậy.

Những Ngày Thơ Ấu

Tác phẩm Những ngày thơ ấu được viết dưới dạng hồi kí của nhân vật xưng tôi, có tên Hồng. Những ngày thơ ấu gồm 9 chương thu gọn một cảnh ngộ; và mỗi cảnh ngộ cũng như là sự thu nhỏ gương mặt xã hội. Sau mỗi chương là sự tăng cấp những khó khăn và tàn lụi của gia đình.

Những ngày thơ ấu mang chất tự truyện được viết trong khoảng lùi thời gian trên 10 năm. Chân thực, chân thực đến cùng trong tự kể về mình, đó là giá trị sớm có trong văn Nguyên Hồng, khiến cho Thạch Lam, trong lời tựa sách in năm 1941 đã có thể viết: “Đây là sự rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại”.

Dế Mèn Phiêu Lưu Ký

“Một con dế đã từ tay ông thả ra chu du thế giới tìm những điều tốt đẹp cho loài người. Và con dế ấy đã mang tên tuổi ông đi cùng trên những chặng đường phiêu lưu đến với cộng đồng những con vật trong văn học thế giới, đến với những xứ sở thiên nhiên và văn hóa của các quốc gia khác. Dế Mèn Tô Hoài đã lại sinh ra Tô Hoài Dế Mèn, một nhà văn trẻ mãi không già trong văn chươ” – Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

“Ông rất hiểu tư duy trẻ thơ, kể với chúng theo cách nghĩ của chúng, lí giải sự vật theo lô gích của trẻ. Hơn thế, với biệt tài miêu tả loài vật, Tô Hoài dựng lên một thế giới gần gũi với trẻ thơ. Khi cần, ông biết đem vào chất du ký khiến cho độc giả nhỏ tuổi vừa hồi hộp theo dõi, vừa thích thú khám phá.” – TS Nguyễn Đăng Điệp

Sống Mòn

“Cuối năm 1944, Nam Cao viết xong Sống mòn. Tập tiểu thuyết ấy quăng đi, ném lại, không lọt qua được lưới kiểm duyệt để xuất bản, tuy rằng soi từng chữ không có chỗ nào bắt bẻ được. Sống mòn tả cuộc sống thiểu não, quẩn quanh, nhỏ nhen của mấy người trí thức tiểu tư sản nghèo, một cuộc sống mù xám cứ “mốc lên, rỉ đi, mòn ra, mục ra”, không có lối thoát. Rộng hơn là vận mệnh mấy con người ấy, ta thấy đặt ra một cách ám ảnh vấn đề vận mệnh chung của cả một xã hội chua xót, đau đớn, buồn thảm, tủi nhục, trong đó, đời sống không còn ý nghĩa, quay về phía nào cũng thấy dựng lên những bức tường bế tắc.”

(Nguyễn Đình Thi)

Tiếng Thu

Nhận định

Những tình cảm tả trong thơ Trọng Lư là một thứ tình cảm dồi dào, mới mẻ, tế vi, tế vi quá cho nên người đọc khó nhận ra, vì thế, những bạn hâm mộ thơ mới ít ưa thơ Trọng Lư bằng thơ Thế Lữ là một nhà thơ mới, “mới” một cách táo bạo.

Nhưng đối phó với phái thơ cũ, thì thơ Trọng Lư là một cái chiến lũy chắc chắn vô cùng, vì thơ Trọng Lư có một cái âm nhạc rất dồi dào, rất phong phú”…

(Nguyễn Hữu Sơn)

Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời

Lúc người còn sống tôi lên mười

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi

Mười Hai Bến Nước

Mười hai bến nước viết để tạ lòng một người tri âm vô danh vắng mặt. Nội dung tập hợp những bài, phần lớn làm ở Huế, nhớ về Hà Nội, trong khoảng thời gian 1941- 1942. Tập thơ khai trương và tổng kết quá khứ đau thương của một đời giang hồ, mà say và nhớ là hai biệt chất dựng nên thơ, cô đọng thành thơ, như thể cậu thanh niên hai mươi tuổi ấy, bỗng“một đêm mái tóc quá quan thay màu”, không những đã sống trọn đời này, mà còn sống lùi về dĩ vãng của đời trước. Huế xưa, Huế nay, Bính trẻ, Bính già, Bính say, Bính tỉnh, như thế nào thì Nhớ và say cũng trào lên nét bút như thế..

Ngoại Ô

Ngoại ô ra mắt người đọc vào những năm cuối của trào lưu văn học hiện thực phê phán – giai đoạn 1940 – 1945, “khi mà không khí văn đàn không còn được sôi nổi, nhộn nhịp như thời kì trước (1936 – 1939) nên ít được phê bình, giới thiệu… làm cho tác phẩm bị giảm tiếng vang”.

Nguyễn Đình Lạp xuất hiện khi trên văn đàn đã có những cây đa, cây đề của lĩnh vực tiểu thuyết như: Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao,… Trong tâm thế của một người đến muộn, Nguyễn Đình Lạp đã xác định cho mình một lối đi riêng: đi vào khai thác một đề tài tương đối mới mẻ – cuộc sống dân nghèo thành thị trước cách mạng.

Lê Phong

“Đọc truyện trinh thám của Thế Lữ có thể thấy tuy mức độ đậm nhạt khác nhau trong từng tác phẩm nhưng chi tiết này, chi tiết khác đều gợi liên tưởng mạnh mẽ đến những truyện tiêu biểu nhất làm nên tên tuổi Edgar Poe…

Mở đầu và chứng cứ cũng như cách phá án đều phảng phất các truyện nêu trên của Poe. Mọi bí mật đều được phanh phui nhờ vào tài quan sát, phán đoán tâm lý nhân vật và những giả thuyết lập luận chặt chẽ logic của nhà thám tử nghiệp dư chứ không phải những thanh tra nhà nước, cảnh sát trưởng chuyên nghiệp. Cuối cùng hung thủ phải lộ mặt đúng như tiên đoán của Dupin, hay Lê Phong. Ở phần kết thúc truyện, việc tập họp đông đủ mọi người để công bố tên hung thủ tương tự như trong Mi cũng là một con người.”

(Hoàng Kim Oanh)

Phù Dung Ơi, Vĩnh Biệt

“Phù dung ơi, vĩnh biệt!” không chỉ là tiếng lòng của một văn sĩ tài hoa trót bén duyên với làn khói bạc mà còn như một tư liệu lột tả chân thực xã hội nước ta thời Pháp thuộc.

Tinh Huyết

Tinh huyết là tập thơ đầu tay của Bích Khê xuất bản năm 1939 và là tác phẩm duy nhất của tác giả được in lúc sinh thời.

Đây là tập thơ với nhiều sáng tạo và cách tân độc đáo; nhiều tìm tòi trong nghệ thuật tạo hình, cấu trúc, ngôn từ; cảm xúc lạ, đẹp. Một số bài có ý thơ phóng túng và lời thơ táo bạo: “Nếu Nguyễn Bính là một miền đồng bằng thân thuộc thì Bích Khê là một đỉnh núi lạ. Có những nhà thơ làm thơ. Có những nhà thơ vừa làm thơ vừa đẩy lịch sử thơ ca duy tân thêm một bước. Có những nhà thơ đem đến một mùa lương thực. Lại có những nhà thơ cầm một dúm hạt giống mới trên tay. Khê thuộc vào hạng thứ hai” (Chế Lan Viên).

“Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi

Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi

Đâu tìm Đào nguyên cho xa xôi

Đào nguyên trong lòng nàng đây thôi”

Nhật Ký Trong Tù

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Người kết tinh trong mình những phẩm chất và giá trị tinh thần cao quý nhất của giai cấp công nhân và dân tộc việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp của Người là một tấm gương sáng vì dân, vì nước. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nhưng dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Người cũng vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Tinh thần ấy thể hiện rõ trong nhiều trước tác của Người, trong đó tập thơ Nhật ký trong tù.

Đây là một tập thơ chữ Hán, gồm hơn một trăm bài thơ, phần cuối có một số ghi chép về quân sự và thời sự, được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian hơn một năm (từ 29-8-1942 đến 10-9-1943) Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trái phép tại các nhà tù ở tỉnh Quảng tây, Trung Quốc. Nhật ký trong tù lên án chế độc nhà tù hà khắc của chính quyền Quốc dân Đảng, thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng và tình cảm nhân đạo cộng sản chủ nghĩa cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tập thơ được đánh giá là một văn kiện lịch sử quan trọng, một tác phẩm văn học xuất sắc, có tác dụng giáo dục sâu sắc phẩm chất và đạo đức cách mạng cho nhiều thế hệ.

Tác phẩm Nhật ký trong tù đã được xuất bản nhiều lần, được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới.

Nỗi Buồn Chiến Tranh

Tác phẩm là dòng hồi ức của người lính về chiến tranh và thời tuổi trẻ đã trải qua trong bom đạn. Đó là lòng tiếc thương vô hạn đối với những người cùng thế hệ với mình đã nằm xuống, là ám ảnh về thân phận con người trong thời buổi loạn ly, và thông qua thân phận là sự tái hiện đầy xót xa về quá khứ, những suy tư nghiền ngẫm về con đường dấn thân của cả một thế hệ sinh ra trong chiến tranh. Bao trùm lên tất cả, là nỗi buồn sâu xa gắn với từng mảnh đời riêng. Tác phẩm đã bước ra khỏi lối mòn về lòng tự hào dân tộc cùng những chiến công và vinh quang tập thể để nêu lên thông điệp về sự ghê tởm, về tính chất hủy diệt của chiến tranh đối với con người.

Vào thời điểm ra đời cuối thập niên 1980, “Nỗi buồn chiến tranh” có thể được xem là tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đầu tiên viết về chiến tranh có cái nhìn khác với quan niệm truyền thống, khẳng định mạnh mẽ vai trò cá nhân trong xã hội, quyền sống, hạnh phúc và đau khổ của con người với tư cách một cá thể độc lập. Tiểu thuyết nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991.

Nhật ký Đặng Thị Thùy Trâm

Một cuốn nhật kí nhặt được bên xác của một nữ Việt Cộng đã suýt bị người lính Mỹ ném vào lửa, nhưng người phiên dịch đã khuyên anh ta nên giữ lại vì “trong đó có lửa”. Nhật kí Đặng Thùy Trâm là những ghi chép hàng ngày của một người nữ bác sĩ về cuộc sống của chị nơi chiến tuyến. Cuốn nhật ký là thế giới riêng của người trí thức nhạy cảm mà không yếu đuối, tha thiết với cuộc sống mà không hề sợ hãi trước những gian nan. Ở đó ta vẫn gặp những băn khoăn trăn trở trước tình yêu, trước cuộc sống phức tạp hàng ngày, những nỗi buồn, nỗi nhớ nhung, sự cô đơn của một người con gái, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy được một ý chí mãnh liệt, những lời nói tự động viên cảnh tỉnh, một lòng can đảm phi thường – những điều đã làm nên một thế hệ anh hùng.

Tuổi Thơ Dữ Dội

Tuổi thơ dữ dội – cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Những Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca, Hòa đen, Bồng da rắn, Vịnh sưa, Tư dát… mỗi người một hoàn cảnh song đều chung quyết tâm, nhiệt huyết và lòng yêu nước, đã tham gia chiến đấu hết mình và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Đúng như tên truyện, độc giả sẽ bắt gặp ở đó những chi tiết thực sự dữ dội về cuộc đời thiếu niên bất hạnh, về cuộc chiến tranh chống giặc tàn khốc nhưng ẩn sâu bên trong ta vẫn thấy những tâm hồn trong sáng và vô tư, thấy sự can trường, dũng cảm phi thường của nhân vật. Tất cả những ai đã từng đọc tác phẩm này hầu như đều không ngăn được xúc động và những giọt nước mắt cảm thương, cảm phục. Đây thực sự là một tác phẩm quý trong kho tàng văn học Việt Nam. Một câu chuyện khơi dậy trong mỗi người tình yêu đất nước và niềm trân trọng ký ức tuổi thơ…

Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ

Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ mời người đọc lên chuyến tàu quay ngược trở lại thăm tuổi thơ và tình bạn dễ thương của 4 bạn nhỏ. Những trò chơi dễ thương thời bé, tính cách thật thà, thẳng thắn một cách thông minh và dại dột, những ước mơ tự do trong lòng… khiến cuốn sách có thể làm các bậc phụ huynh lo lắng rồi thở phào. Không chỉ thích hợp với người đọc trẻ, cuốn sách còn có thể hấp dẫn và thực sự có ích cho người lớn trong quan hệ với con mình.

Cánh Đồng Bất Tận

Đây là tác phẩm đang gây xôn xao trong đời sống văn học, bởi ở đó người ta tìm thấy sự dữ dội, khốc liệt của đời sống thôn dã qua cái nhìn của một cô gái. Bi kịch về nỗi mất mát, sự cô đơn được đẩy lên đến tận cùng, khiến người đọc có lúc cảm thấy nhói tim…

Đất Rừng Phương Nam

Câu chuyện mượn hình ảnh một cậu bé bị lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ để giới thiệu Đất rừng Phương Nam. Nơi đó, một vùng đất vô cùng giàu có, hào phóng và hùng vĩ với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến.

Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi như một xã hội của miền sông nước Tây Nam bộ thu nhỏ. Bởi ở nơi đó, người đọc đã tìm thấy hình ảnh người dân của vùng đất phương Nam từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang – Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau. Bối cảnh trong Đất rừng phương Nam là cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài…

Con Hoang

“Con hoang” là cuốn tiểu thuyết thứ ba của Lê Hồng Nguyên.

Ấn tượng đầu tiên khi đọc “Con hoang” chính là những kiếp người bị giăng mắc trong những định kiến truyền đời đầy những phi lí, bất công, tàn nhẫn. Khép lại 202 trang sách vui buồn cùng với các nhân vật, sẽ vương vấn lại trong ta cảm giác vừa khép lại một bài ca buồn, nỗi đau xé lòng, tiếng than da diết của người phụ nữ sau lũy tre làng với ham ước được sống, nhu cầu được yêu thương, quyền bình đẳng với chính mình. Mỗi số phận trong cuốn tiểu thuyết là sự giày vò với những khát vọng ấy, là ham muốn giải tỏa bản năng của mình đang bị chôn kín, bị đày ải trong bức tường vô hình mà đáng sợ của cái gọi là định kiến, là dư luận xã hội. Văn chương Lê Hồng Nguyên đẹp, buồn, nhưng chứa chan nỗi yêu thương da diết của một ngòi bút nữ. Thiên nhiên trong tiểu thuyết của chị cũng rất đẹp, sống động, và chắc chắn phải khởi thủy từ một tâm hồn lãng mạn tha thiết với cuộc đời chị mới có thể dành cho thiên nhiên những áng văn mềm mại và có sức gợi cảm như vậy.

Ăn Mày Dĩ Vãng

Ăn mày dĩ vãng xoay quanh người cựu binh Hai Hùng, một chiến sĩ quân giải phóng vùng ven đô thành Sài Gòn từ thời Chiến tranh Việt Nam trở về với đời thường trong hiện tại, đã làm một cuộc hành trình lần ngược quá khứ; đi từ hiện tại về quá khứ, từ quá khứ đến hiện tại; nhằm tìm lại người yêu đồng thời cũng là đồng chí của mình.

Hòa bình, những người lính kiêu dũng trong chiến tranh phần lớn đã “về vườn, ăn theo, núp váy vợ. Đứa thì say xỉn tối ngày nằm trên võng nắng; đứa thì lụi hụi trồng tỉa ngoài bưng, mở mồm là càu cạu; đứa thì thở dài phìn phịt giữa một bên là bầy con nhem nhuốc, một bên là thạp gạo chỉ còn cám mùn đọng quẩn dưới đáy; thằng kia sống trụi thùi lụi một mình, hỏi nhà cửa vợ con đâu chỉ giơ cái chai đế lên cười xệch xẹo”[5]. Nhưng cũng có những người như Quân trước là cậu bé giao liên, nay là phó chủ tịch huyện, biết làm giàu cho quê hương và cho bản thân; hoặc như Tuấn, như Tám Tính đã hòa nhập tự nhiên với cuộc sống đời thường và không những thế còn vươn lên làm chủ cuộc sống mới. Trên hết vẫn là nhân vật Hai Hùng, “không vợ không con, không cắc bạc dính túi nhưng có mảnh quá khứ đập phập phồng trong lồng ngực”, với lý tưởng “Cuộc đời một thằng lính còn có gì khác hơn là khôn nguôi hướng về dĩ vãng và cầu mong cho dĩ vãng đó luôn trong lành chân thật”, một cá tính ít nhiều lạc điệu trong thời hiện tại, nơi “người ta đã hầu hết đều bảo nhau quay lưng lại với quá khứ”.

Mùa Lá Rụng Trong Vườn

Mùa Lá Rụng Trong Vườn là tác phẩm mới ra mắt của nhà văn Ma Văn Kháng. Tác giả đã chia sẻ: Cuộc sống là vô cùng. Nghệ thuật từng thời đoạn là có hạn. Ngày nay, nếu bạn đọc gấp lại cuốn sách này sau khi đọc xong trang cuối, gật gù nói rằng: “À, thì ra cái cảnh sống trong gia đình thời hậu chiến cách đây hơn ba mươi năm nó là thế đấy” thì tôi đã vô cùng sung sướng và biết ơn rồi. (…) Mỗi cuốn sách hay đều là nơi lưu giữ bóng hình của cuộc sống đã qua không bao giờ trở lại.

Bên cạnh đó, nhà văn Hồ Anh Thái cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến quyển sách này qua những lời chia sẻ: “Khi cầm cuốn tiểu thuyết mới của anh, Mùa lá rụng trong vườn, tôi không thể bỏ xuống và đã đọc một mạch. Vấn đề gia đình trong xã hội hiện đại cũng đang là vấn đề làm trăn trở nhiều người có tấm huyết. (…) Trăn trở với những điều mọi người đang day dứt, với một thái độ xây dựng, thái độ có trách nhiệm. Đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của tác phẩm. Và tôi nghĩ Mùa lá rụng trong vườn là một cuốn tiểu thuyết thực sự bổ ích trong những năm gần đây.”

Vang Bóng Một Thời

Vang Bóng Một Thời viết năm 1940 đã được dư luận chung coi như một trong những tác phẩm hay và nổi tiếng nhất của nền văn chương Việt Nam, cũng là một trong những tác phẩm được nhắc tới nhiều nhất, được coi như ngang hàng với Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, Ðôi Bạn của Nhất Linh

Giông Tố

Đây là một cuốn sách xứng đáng có vị trí trong bộ Việt Nam danh tác, có nội dung châm biếm sâu cay, đủ để cho ta thấy cái xã hội thối nát nửa Tây nửa Ta, một xã hội đầy sự bần cùng của người nghèo và sự sa đọa của người giàu, giàu lên nhờ bốc lột những người khác, mà đại diện là nghị Hách. Bên cạnh đó, ta cũng thấy có những người lấy tiền người giàu để giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khổ, có thể kể đến tú Anh và khóa Hiền. Hiện lên qua tác phẩm là một bức tranh của những sự bất công, cuồng dâm, tham ô, hối lộ… nhưng cũng đã có những người định hướng được cho mình đường lối đấu tranh để xóa bỏ chế độ “chó đểu” đó.

Truyền Kỳ Mạn Lục

Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm văn xuôi duy nhất của Việt Nam từ xa xưa được đánh giá là “thiên cổ kỳ bút” (ngòi bút kỳ lạ của muôn đời), một cái mốc lớn của lịch sử văn học, sau này được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tác phẩm gồm 20 truyện thông qua các nhân vật thần tiên, ma quái nhằm gửi gắm ý tưởng phê phán nền chính sự rối loạn, xã hội nhiễu nhương. Truyền kỳ mạn lục đã được dịch và giới thiệu ở một số nước như Pháp, Nga…

Bóng Ma Nhà Mệ Hoát

Bóng Ma Nhà Mệ Hoát là một câu chuyện mang tính liêu trai bởi trong đó có hồn ma bóng quế, là câu chuyện về hồn ma của mợ Hoát và cháu gái Phương Thảo.

Hà Nội Lầm Than

“Tác giả Trọng Lang cũng là cây bút viết phóng sự sớm và chuyên nhất với thể văn này trong một thời gian dài. Các tác phẩm chính của Trọng Lang có Trong làng chạy, Đời bí mật của sư, vãi, Gà chọi (1935), Đồng bóng (1935-1936), Hà Nội lầm than (1937), Làm dân (1938), Làm tiền (1939); và sau này còn có thêm Thầy “lang”, Vợ lẽ nàng hầu, Những đứa trẻ (1941-1944)… Các phóng sự, ghi chép của Trọng Lang in khá rõ phong cách điều tra, kể chuyện, khai thác tư liệu thực tế. Nhà văn đã mở rộng diện đề tài, bao quát cả những khía cạnh đời sống tinh thần, phong tục tập quán và thực trạng những lối sống mới đang nảy sinh. Ở đây có cả thế giới muôn màu vẻ của bọn trộm cắp (Trong làng chạy), đời sống nhếch nhác cùng cực nơi thị thành (Hà Nội lầm than, Làm tiền) và muôn mặt những tệ nạn sau luỹ tre làng (Làm dân, Xôi thịt)… Nhiều trang viết thực sự sinh động, phô bày được những góc khuất tối của bọn người trộm cắp, đồng cốt, gái làm tiền, tệ nạn thuốc phiện… Không chỉ phản ánh và bộc lộ thái độ trước các vấn đề xã hội mà Trọng Lang còn tỏ bày khuynh hướng tư tưởng, chỉ ra những nỗi cơ cực, đau xót của lớp người “làm dân” dưới đáy xã hội. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan từng khái quát ý nghĩa sáng tác của Trọng Lang: “Trong số các nhà văn viết phóng sự gần đây, Trọng Lang có óc phê bình hơn cả. Văn ông đanh thép và sắc cạnh, chuyên về tả cảnh nhiều hơn tả tình… Muốn hiểu tâm hồn những hạng dân quê đã bị “lây” ít nhiều thói tỉnh thành, phải đọc những phóng sự của Trọng Lang; nhưng muốn hiểu tâm hồn những người dân quê còn đặc quê mùa, cần phải đọc những tập phóng sự và tiểu thuyết phóng sự của Ngô Tất Tố”.

(Nguyễn Hữu Sơn)

“Người ta có khi khoe rằng đã đi hát cô đầu, và biết nhảy đầm.

Nhưng, tôi quyết rằng không ai dám nhận đã có đi vào…”nhà thổ”, dù chỉ có một lần nhỏ thôi, trong đời mình… Tôi đã đàng hoàng bước vào nhà thổ….”

Vàng Và Máu

“Tôi vẫn mong mỏi sẽ có nhà văn dung hợp được văn Thái Tây với văn Á Đông, để gây một lối văn viết theo óc khoa học mà vẫn giữ được thi vị của văn Tàu.

Nhà văn đó ngay nay đã có: chính là bạn Nguyễn Thế Lữ, thi sĩ trong Tự Lực Văn Đoàn.

Thực vậy, tác giả những truyện VÀNG VÀ MÁU và MỘT ĐÊM GIĂNG đã tỏ ra có bộ óc khoa học của Edgar Poe và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh, hai nhà viết những truyện ghê gớm hay huyền hoặc, làm cho độc giả yếu bóng vía phải rùng mình lúc đêm khuya.

Ấy cũng nhờ có thi vị mà truyện Vàng và Máu không ghê gớm tuy vẫn làm cho ta phải rùng mình. Và nhờ có óc khoa học mà tác giả khiến truyện Vàng và Máu không huyền hoặc chút nào, tuy đọc nhiều đoạn ta vẫn có cái cảm giác như sống trong một thế giới thần tiên, ma quỷ.

Truyện chỉ là một truyện để vàng của người Tàu, xưa nay các cụ già thường kể cho ta nghe. Nhưng truyện Vàng và Máu gần sự thực biết bao. Trong truyện không sự gì xảy ra mà không hợp lẽ, không một cái kết quả nào là không có nguyên nhân chắc chắn vững vàng.

Tác giả lại khéo đặt cốt truyện vào giữa một nơi rừng rú sâu thẳm. Đọc truyện, ta tưởng tượng như đứng trước một cảnh vĩ đại, thâm u. Là vì những cảnh tả trong truyện toàn là những cảnh trong đó tác giả đã sống một quãng đời niên thiếu – tôi muốn nói tỉnh Lạng Sơn, nơi sinh quán của Thế Lữ.”

(Khái Hưng)

Tố Tâm

Tiểu thuyết Tố Tâm được viết 1922, in lần đầu 1925. Nội dung cốt truyện kể về một đôi thanh niên nam nữ yêu nhau, vì lễ giáo phong kiến mà phải chia ly. Tố Tâm ra đời “lập tức gây xôn xao, sôi nổi dư luận một thời”. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết có số lần tái bản kỷ lục lên tới hàng mấy chục lần, đưa tên tuổi Song An – Hoàng Ngọc Phách vào hàng các nhà văn nổi bật lúc bấy giờ.

“Trong cái rừng văn chương tương đối rậm rạp có trăm ngàn bông hoa đua nở, sản xuất ra các nhà văn viết đủ các loại truyện… Song An Hoàng Ngọc Phách chính là một thứ văn gia, tiểu thuyết “của một cuốn sách” trong văn học sử nước ta” – (Vũ Bằng)

“Em bao giờ cũng là gái duy nhất, đã đem lòng yêu anh thì bao giờ em cũng yêu anh, em đã yêu anh thì không thể yêu ai được nữa. Từ khi em bắt lòng em không được tưởng đến cuộc trăm năm với anh, em vẫn yêu anh mà đinh ninh giữ lấy một mối tình vô vọng cho suốt cả đời…”

Bốn Mươi Năm Nói Láo

Qua Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng đã cho độc giả thấy sự thật về chuyện thời đó ra một tờ báo nhanh chóng như thế nào và đóng cửa một tờ báo cũng nhanh chóng và dễ dàng không kém, những vui buồn trong từng số báo, mục báo, bài báo… Rồi cả chuyện bọn thực dân không từ thủ đoạn nào để khủng bố, chèn ép những người làm báo dám công khai đả kích quan trường, lên án chế độ thuộc địa. Chuyện tờ “Công dân” chấp nhận đóng cửa chứ nhất quyết không hạ bút xin lỗi viên tri huyện giết người theo yêu cầu của bọn mật thám. Chuyện các nhà báo mắc bẫy Pháp quay sang đả kích căm thù lẫn nhau. Chuyện hầu hết các nhà báo, nhà văn ai cũng “nghiện lõ đít”, hút á phiện sáng đêm, chơi cô đầu tưng bừng…

Thông qua cuốn hồi ký của Vũ Bằng, người đọc cũng có thể hình dung một cách khá đầy đủ những biến động của báo chí Việt Nam trong suốt khoảng bốn thập kỷ cả ở miền Bắc và miền Nam, từ lúc đánh đuổi Pháp, Nhật đến chuyện Ngô Đình Diệm của chính quyền ngụy quyền bị ám sát. Đó là những câu chuyện vui buồn lẫn lộn, những thách thức những cảm xúc mà ông cùng đồng nghiệp trải qua trong hoạt động làm báo, làm cách mạng. Chuyện kể về những biến động ở Sài Gòn khi Ngô Đình Diệm thoát chết và những tác dụng của những bài báo đối với công luận, chuyện những tờ báo bị đóng cửa hàng loạt như thế nào cũng được Vũ Bằng tái hiện một cách đầy đủ qua hành trình ngòi bút của mình. Cả một thời kỳ sôi động và đầy biến động của báo chí nước nhà đã được Vũ Bằng “tua” lại bằng ký ức của mình tươi mới và nóng hổi như ngày hôm qua qua từng trang viết.

Trịnh Công Sơn – Tôi Là Ai, Là Ai

Trịnh Công Sơn – Tôi Là Ai, Là Ai gồm những bài viết dưới dạng kỷ niệm, hồi ức, cảm tưởng, nghiên cứu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những ca khúc của ông, phần lớn đã được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng từ trước và sau ngày ông mất, của các tác giả là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ, ở trong và ngoài nước.

Mỗi người dưới góc nhìn riêng đã bày tỏ tình cảm, suy tư và nhận thức của mình về cuộc đời và những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chúng tôi hy vọng bạn đọc sẽ cảm nhận được qua cuốn sách Trịnh Công Sơn, Tôi là ai, là ai … những thông tin và nhiều điều hữu ích về cuộc đời và sự nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa mà chúng ta vô cùng yêu quí.

Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh

Cuốn sách viết về tuổi thơ nghèo khó ở một làng quê, bên cạnh đề tài tình yêu quen thuộc, lần đầu tiên Nguyễn Nhật Ánh đưa vào tác phẩm của mình những nhân vật phản diện và đặt ra vấn đề đạo đức như sự vô tâm, cái ác. 81 chương ngắn là 81 câu chuyện nhỏ của những đứa trẻ xảy ra ở một ngôi làng: chuyện về con cóc Cậu trời, chuyện ma, chuyện công chúa và hoàng tử, bên cạnh chuyện đói ăn, cháy nhà, lụt lội, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”hứa hẹn đem đến những điều thú vị với cả bạn đọc nhỏ tuổi và người lớn bằng giọng văn trong sáng, hồn nhiên, giản dị của trẻ con cùng nhiều tình tiết thú vị, bất ngờ và cảm động trong suốt hơn 300 trang sách. Cuốn sách, vì thế có sức ám ảnh, thu hút, hấp dẫn không thể bỏ qua.

Hành Lý Hư Vô

Hành lý hư vô.

Đó là thứ duy nhất có thể mang theo.

Vào đúng khi bạn nhận ra có bao nhiêu đồ đạc cũng chẳng lấp nổi biển trong lòng.

Vào đúng khi bạn có quá nhiều thứ để nhìn nhận lại trước và trong những cuộc chia tay.

Vào đúng khi bạn hiểu cách những mối quan hệ biến dạng sau mỗi cuộc chuyển dời, nhất là giữa người với người.

Vào đúng khi bạn biết là mình có thể buông, nhẹ không.

Hành lý hư vô là tập tản văn mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Đọc nó, người ta khó lòng ngăn cản được nỗi buồn, mà cũng không muốn ngăn cản nỗi buồn bởi cuối dòng chảy cảm xúc ấy là sự đồng cảm, hy vọng và cả dỗ dành.

Một tập tản văn đẹp, hiền, mộc mạc và sâu lắng chứa đựng tấm lòng của người viết.

Giăng Lưới Bắt Chim

Giăng lưới bắt chim là một tập hợp những bài tạp văn, tiểu luận, phê bình, giới thiệu và ghi chú của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã đăng rải rác trên các báo, tạp chí và mạng Internet từ năm 1988 đến năm 2006. Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Hội nhà văn và Công ty Đông A in, tái bản 2 lần. Năm 2006, cuốn sách được Hội nhà văn Hà Nội trao giải thưởng về thể loại sách phê bình, tiểu luận.

Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ

Tập sách hay, dễ thương, và còn nhiều mỹ từ khác nữa xứng đáng được dành cho nó. Hãy tìm đọc nội dung thay vì đọc trước phần giới thiệu sách này viết gì…. Như thế, bạn sẽ càng thích thú hơn với “Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ”.

“Truyện về một thế giới của cả trẻ con lẫn người lớn, được kể lại trong giọng kể của một cậu bé 10 tuổi. Và con mắt của cậu bé ở đây cũng như thể một tấm gương, có độ trong đặc biệt, làm người lớn đọc vào mà cảm động và buồn, vì gương của mình đã đục bớt.” – Nhà văn Phan Thị Vàng Anh

“Nghĩ ngợi loay hoay, nhân đọc cuốn Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ. Ðọc xong ngẩn ngơ lâu lâu. Văn phong đẹp, trong vắt. Người đọc soi vào đấy, thấy cả những ao ước tuổi thơ mình. Ðúng giọng đúng kiểu trẻ con, không phải giả vờ ngọng nghịu như phần lớn người viết truyện thiếu nhi dễ mắc. Nhưng cũng không tự nhiên chủ nghĩa ú ớ trẻ con mãi. Sau khi đã tạo dựng được một thế giới trẻ con đáng tin cậy, tác giả khéo lồng vào đó chất lãng mạn tuyệt vời khiến những ai từng là trẻ con đều phải bâng khuâng.” – Nhà văn Hồ Anh Thái

Oxford Thương Yêu

Truyện dài lấy bối cảnh tại trường đại học Oxford – Anh xoay quanh mối tình của cô sinh viên Việt Nam và người trợ giảng Bồ Đào Nha, với một kết thúc có hậu.

“Oxford thương yêu” lôi cuốn người dọc bằng những đoạn tả cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những quan niệm sống cởi mở và hướng thiện của một lớp thanh niên trưởng thành trong giai đoạn đất nước được đổi mới.

Ở nhiều đoạn, tác phẩm được khắc họa như một bức tranh lung linh màu sắc và sống động hiện thực.

Chuyện Nhà Quê

Cách kể chuyện của Nguyễn Quang Lập trong Chuyện Nhà Quê cuốn hút lạ thường. Đúng như nhà văn Bảo Ninh đã nhận xét, bọ Lập đã rất thành công với thể loại “khẩu văn” qua tác phẩm này. Giọng văn giản dị, chân chất đúng như tính cách của người dân quê dường như đã thu hẹp giữa tác giả và người đọc. Giản đơn trong khắc họa tính cách của từng nhân vật nhưng lại rất cầu kì trong mạch cảm xúc. Có lẽ hiếm ai có khả năng khiến người đọc vừa giận vừa thương như Nguyễn Quang Lập.

Qua những trang viết trong Chuyện Nhà Quê, ông phơi bày những tật xấu của các nhân vật một cách không thương tiếc ngay khi vừa bắt đầu câu chuyện. Lối viết “khẩu văn” đặc trưng của bọ Lập có thể khiến người đọc lần đầu tiên tiếp xúc những tác phẩm của ông có đôi chút choáng ngợp với những suy nghĩ con người, cuộc sống được bộc lộ một cách rất thành thật và hồn nhiên, chẳng hề ngượng ngùng hay cố gắng hoa mĩ. Chẳng hạn như ở truyện ngắn Anh hờ hờ. Tuy người đọc không rõ đây có phải là câu chuyện thật đã xảy ra với tác giả hay không nhưng ông dám đưa cả bản thân mình và những tên tuổi khác vào làm nhân vật như: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Khải… Dù cả truyện ngắn là để phê phán thói hư vinh, xem trọng danh vọng hơn bản chất nghệ thuật của anh Hờ Hờ nhưng tác giả cũng có can đảm tự phê phán thói xấu của chính mình qua một chi tiết trong truyện: khi biết ai về nhà anh Hờ Hờ cũng được đãi cỗ linh đình, ông cũng mong muốn được anh Hờ Hờ mời về nhà và khi có cơ hội đó, ông đã nhận ngay lập tức. Tinh thần tự phê phán đó khiến người đọc phần nào nhớ đến Trung Trung Đỉnh vì ông cũng nhiều lần tự phê phán bản thân qua những truyện ngắn có nhân vật chính tựa như đại diện cho chính bản thân mình. Tuy nhiên, nếu như Trung Trung Đỉnh tự phê phán bản thân mình với một giọng văn trầm buồn, nặng nề thì Nguyễn Quang Lập lại viết với sự hài hước, châm biếm.

Đức Phật, Nàng Savitri Và Tôi

Một cô gái, được tôn là Nữ Thần Đồng Trinh, sau khi giải nghệ trở thành hướng dẫn viên du lịch, đồng thời là người kể chuyện dân gian.

Một cô công chúa ở Ấn Độ cổ đại, bị truy nã, phải chạy trốn qua nhiều vương quốc trên khắp tiểu lục địa. Cuộc chạy trốn kéo dài hơn bốn mươi năm cùng với tình yêu suốt đời dành cho vị hoàng tử, sau này là Đức Phật. Cuộc đời Đức Phật Thích Ca được tái hiện với nhiều chi tiết ít được biết đến. Xã hội Ấn Độ cổ đại và đương đại. Những nhân vật của hơn 2.500 năm trước và của ngày hôm nay. Những âm mưu, những cuộc truy đuổi, tình yêu và đức tin, cái mới và cái cũ… Đó là tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi.

Hàn Mạc Tử – Thơ Và Đời

Hàn Mạc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần là các bút danh khác của ông. Ông có tài năng làm thơ từ rất sớm khi mới 16 tuổi. Ông cũng đã từng gặp gỡ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng khá lớn của chí sỹ nàyTrước đây vì thành kiến sai lầm rằng đây là căn bệnh truyền nhiễm nên bao nhiêu bệnh nhân đã bị hắt hủi, cách ly, xa lánh thậm chí bị ngược đãi , thì Hàn Mặc Tử cũng không là ngoại lệ. Lúc này, gia đình ông phải đối phó với chính quyền địa phương vì họ đã hay tin ông mắc căn bệnh truyền nhiễm, đòi đưa ông cách ly với mọi người. Sau đó gia đình phải đưa ông trốn tránh nhiều nơi, xét về mặt hiệu quả chữa trị thì đúng là phản khoa học vì lẽ ra cần phải sớm đưa ông vào nơi có đầy đủ điều kiện chữa trị nhất lúc bấy giờ là Bệnh viện phong Quy Hò Trong câu chuyện với người em của thi sĩ Hàn Mặc Tử, bác sĩ Gour Vile cũng nói rằng kinh nghiệm từ các trại cùi, không có bệnh nhân nào chỉ đau có từng ấy năm mà chết được. Ông trách gia đình Hàn Mặc Tử không đưa nhà thơ đi trại phong sớm. Và bác sĩ cho rằng, Hàn Mặc Tử chết là do nội tạng hư hỏng quá nhanh do uống quá nhiều thuốc tạp nham của lang băm trước khi nhập viện phong Quy Hòa

Bước Đường Cùng

Cuốn “Bước đường cùng” dày hơn 200 trang, ông hoàn thành trong có hai tuần. Tiểu thuyết gắn liền với số phận của anh Pha. Một người Mỹ đọc tác phẩm này đã nói rằng “Tôi rất thích những nhân vật nông dân Việt Nam như anh Pha trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan. Đọc Bước đường cùng tôi rất xúc động. Tôi hiểu hơn về những khó khăn chồng chất của người nông dân”.

Bước đường cùng đánh dấu đỉnh cao về tư tưởng của nhà văn Nguyễn Công Hoan và là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước Cách mạng.

Lão Hạc

Lão Hạc, một người nông dân chất phác, hiền lành. Lão góa vợ và có một người con trai nhưng vì quá nghèo nên không thể lấy vợ cho người con trai của mình. Người con trai lão vì thế đã rời bỏ quê hương để đến đồn điền cao su làm ăn kiếm tiền. Lão luôn trăn trở, suy nghĩ về tương lai của đứa con. Lão sống bằng nghề làm vườn, mảnh vườn mà vợ lão đã mất bao công sức để mua về và để lại cho con trai lão. So với những người khác lúc đó, gia cảnh của lão khá đầy đủ, tuy nhiên do ốm yếu hơn hai tháng và cũng vì trận bão mà lão không có việc gì để làm .

Lão có một con chó tên là Vàng – con chó do con trai lão trước khi đi đồn điền cao su đã để lại. Lão vừa coi như con vừa coi như một người thân trong gia đình. Tuy nhiên, vì gia cảnh nghèo khó không nuôi nổi nó nên ông lão đành cắn răng bán con chó đi. Lão đã rất dằn vặt bản thân mình khi mang một “tội lỗi” là đã nỡ tâm “lừa một con chó”. Lão đã khóc rất nhiều với ông giáo (người hàng xóm thân thiết của lão). Nhưng cũng kể từ đó, lão sống khép kín, lủi thủi một mình. Rồi một hôm, lão quyết định tìm đến cái chết để được giải thoát sau bao tháng ngày cùng cực, đau khổ.

Và sau khi trao gửi hết tài sản cũng như nhờ vả chuyện ma chay sau này cho ông giáo, Lão Hạc đã kết thúc cuộc đời bằng một liều bả chó do xin từ Binh Tư. Cái chết của lão đau đớn và dữ dội, gây cho người đọc nhiều sự xúc động, xót xa. Lão chết để bảo toàn lòng tự trọng của mình, không để cho cái đói, cái nghèo dồn vào con đường tha hóa như Binh Tư.

Đười Ươi Chân Kinh

Sách của Bùi Giáng được in quá nhiều! Và, những câu thơ vàng thau lẫn lộn, dính mắc, bìu ríu đến nỗi sẽ thực sự là một thách đố để độc giả có thể tìm thấy trong đống hỗn độn thơ văn, khi thì đầy nhóc những chú ngữ tối nghĩa, khi lại chỉ rặt những dây cà dây muống đó một cặp lục bát xuất thần, một bài thơ khiếp người hay một thước văn rực rỡ…

Nói cách khác, đã đến lúc độc giả phát sinh nhu cầu sở hữu một tinh tuyển Bùi Giáng. Đó chính là cái nguyên nhân ra đời của quyển Đười Ươi Chân Kinh này.

Quyển sách này là nơi bạn có thể yên tâm lật giở để thưởng thức “đười ươi thi sĩ”, tức Bùi Giáng, một huyền thoại sống đúng nghĩa, một gương mặt văn học đa tạp thuộc loại kỳ lạ nhất, người thừa kế lớn nhất và tinh quái nhất của Nguyễn Du về lục bát, người mà hồn thơ bị libido “vây khốn” gay cấn khó tả và vì thế, dường như đã trở thành kẻ đem lại nhiều tiếng cười nhất cho thơ ca Việt hiện đại.

Vì vậy, tuyển tập này chủ trương chỉ chọn lọc tất cả những gì “đọc được” trở lên của “đười ươi thi sĩ”, và bằng nguyên tắc này, gạt bỏ ra ngoài hết thảy những gì được cho là tạp nham, không cơ bản, những “sấm ngữ” tối nghĩa, những ám ảnh câu chữ được dùng dai dẳng, được lặp lại liên hồi kỳ trận nhưng không-tiêu-biểu hoặc chỉ-cần-một-đại-diện-là-đủ trong thơ văn Bùi Giáng. Sự tuyển chọn cũng được giới hạn ở những tác phẩm được xuất bản khi tác giả còn sống mà bỏ qua phần di cảo, và dành phần ưu tiên cho những thi phẩm xuất bản trước 1975, hồi Bùi Giáng vẫn còn là một “trung niên thi sĩ” đích thực.

Chiếc Lược Ngà

“Trong sự nghiệp văn chương, Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn xuất sắc của Việt Nam. Các truyện ngắn của ông giản dị và dễ đi vào lòng người. Nó chứa đựng tất cả các yếu tố để làm nên vẻ đẹp cho một câu chuyện: ngôn ngữ đối thoại, cách dựng truyện, lựa chọn nhân vật… Trong các tác phẩm ấy, ông kể câu chuyện xúc động, thật đến mức giống như không phải ông đang viết văn mà là kể cho chúng ta nghe những câu chuyện của chính cuộc đời của ông vậy”.

(Nguyễn Quang Thiều)

“Chỉ mãi đến cuối năm 1977, về làm việc ở Tuổi Trẻ, tôi mới bắt đầu “tìm hiểu” nền văn học cách mạng qua những cuốn sách ở thư viện, với những Mẫn và tôi (Phan Tứ), Hòn Đất (Anh Đức), Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)… Trong các truyện, tôi thích Chiếc lược ngà nhứt, vì lối viết đơn giản như kể chuyện, thật tình, đẫm chất Nam bộ. Nhân vật trong các truyện đều gần gũi, giản dị, sống phóng khoáng, rất anh hùng mà cũng rất đời thường…”

(Nguyễn Đông Thức)

Thám Tử Kỳ Phát

Series Thám tử Kỳ Phát với 5 truyện tiêu biểu, được viết trong khoảng 6 năm (1936 – 1942), gồm: Vết tay trên trần, Nhà sư thọt, Đám cưới Kỳ Phát, Chiếc tất nhuộm bùn, Kỳ Phát giết người. Chuỗi những câu chuyện này kể về chuyến phiêu lưu phá án của anh chàng thám tử Kỳ Phát, và đã trở thành một trong những tác phẩm “ăn khách” nhất một thời. Dưới ngòi bút của Phạm Cao Củng, nhân vật Kỳ Phát với dáng dấp thư sinh, đôi lưỡng quyền cao, cặp mắt đăm đăm đen láy, bình thường rất ít khi mở miệng, đã trở thành một “hình mẫu nhân vật thám tử tiêu biểu” của dòng văn học trinh thám Việt Nam. Đến mức mỗi lần nhắc đến trinh thám Việt, người ta lại nhớ đến danh hiệu “Vua trinh thám” của Phạm Cao Củng và tên của anh chàng Kỳ Phát.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

7 cuốn sách hay về bò sát vô cùng sinh động và chân thực 7 cuốn sách hay về bò sát giúp bạn nhận biết các loài bò sát, bao gồm đặc điểm và môi trường sống của chúng. Nội dung sách được trình…
11 cuốn sách giúp bạn vượt qua khó khăn trong công việc và cuộc sống 11 cuốn sách giúp vượt qua những khó khăn, cung cấp những nền tảng và bí quyết thiết yếu thúc đẩy bạn đón nhận thử thách mới trong cuộc…
5 quyển sách hay về truyền hình hữu ích cho độc giả 5 quyển sách hay về truyền hình này là tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai muốn theo đuổi hay đang làm nghề trong lĩnh vực truyền…
Back to top button