25 cuốn sách hồi ký hay khiến người đọc phải suy ngẫm khi gấp sách lại

25 cuốn sách hồi ký hay kể lại từng lát cắt toàn bộ câu chuyện cuộc đời của những con người có tố chất mạnh mẽ và sâu sắc sẽ là ngọn lửa gợi mở, định hướng, truyền cảm hứng, đam mê cho bất cứ ai muốn khẳng định mình trên thế giới này.

Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không

Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không là tự truyện của một bác sĩ bị mắc bệnh ung thư phổi. Trong cuốn sách này, tác giả đã chia sẻ những trải nghiệm từ khi mới bắt đầu học ngành y, tiếp xúc với bệnh nhân cho tới khi phát hiện ra mình bị ung thư và phải điều trị lâu dài.

Kalanithi rất yêu thích văn chương nên câu chuyện của anh đã được thuật lại theo một phong cách mượt mà, dung dị và đầy cảm xúc. Độc giả cũng được hiểu thêm về triết lý sống, triết lý nghề y của Kalanithi, thông qua ký ức về những ngày anh còn là sinh viên, rồi thực tập, cho đến khi chính thức hành nghề phẫu thuật thần kinh. “Đối với bệnh nhân và gia đình, phẫu thuật não là sự kiện bi thảm nhất mà họ từng phải đối mặt và nó có tác động như bất kỳ một biến cố lớn lao trong đời. Trong những thời điểm nguy cấp đó, câu hỏi không chỉ đơn thuần là sống hay chết mà còn là cuộc sống nào đáng sống.” – Kalanithi luôn biết cách đưa vào câu chuyện những suy nghĩ sâu sắc và đầy sự đồng cảm như thế.

Bạn bè và gia đình đã dành tặng những lời trìu mến nhất cho con người đáng kính trọng cả về tài năng lẫn nhân cách này. Dù không thể vượt qua cơn bệnh nan y, nhưng thông điệp của tác giả sẽ còn khiến người đọc nhớ mãi.

Được Học – Educated

Cô bé Tara sống trên núi, đã vậy còn chưa bao giờ được đi học bởi vì bố của Tara – một người quyết liệt bài bác trường công cũng như bất cứ khía cạnh văn minh nào “phản tự nhiên”, phản lại ý Chúa – muốn như thế. Thậm chí cô bé này không có cả giấy khai sinh, nghĩa là trong hệ thống xã hội cô không tồn tại. Tara tồn tại theo “luật” của bố: cô được định nghĩa qua những công việc nhằm sửa soạn cho ngày Tận thế, những lao động khổ ải ở bãi phế liệu, và trên hết là nề nếp khắc kỷ tuyệt đối thể hiện lòng sùng kính Chúa.

Cô gái ấy lớn lên hầu như chỉ trong cảm giác vi phạm và tội lỗi – đi học là tội lỗi, rung động với bạn khác giới là tội lỗi, mặc váy và áo thun ôm sát là tay sai của quỷ Sa-tăng. Bố Tara đã nuôi dạy cô (cũng như các anh chị em khác) ở một “thành trì” kiên cố đến mức cô hầu như không thể quen với những lời khen, với tình cảm ân cần, ưu ái. Tara Westover không hề hư cấu chuỗi kịch tính trong đời mình (đọc tự truyện, chúng ta sẽ thấy tác giả luôn lo ngại việc kể sai, kể sót): từ chuỗi vận nạn của chính cô đến những tai nạn lần lượt xảy ra với các thành viên gia đình, mà hầu như tất cả đều bắt nguồn nơi tính cách, lối sống kì dị của ông bố. Song càng lật mở những trang sách thì tim chúng ta càng thắt lại với câu hỏi: Sao kia, chuyện này là có thật?

Tara Westover đã vượt qua cái có thật ấy, dĩ nhiên chẳng hề theo cách thẳng băng, dễ dàng, để được đi học; và mãi về sau, khi trở thành Tiến sỹ tại Đại học Cambridge lừng danh, cô đã buộc phải chấp nhận tình cảnh đứt lìa mối quan hệ với hầu hết người ruột thịt.

Lâu Đài Thủy Tinh

Lâu đài thủy tinh là một cuốn hồi ký đặc biệt về một gia đình khác thường, mạnh mẽ và độc nhất vô nhị. Khi tỉnh táo, cha của Jeannette là một người tuyệt vời đầy thu hút giúp trí tưởng tượng của các con mình bay bổng, dạy cho các con vật lí, địa chất, và cách đối diện với cuộc sống không chút sợ hãi. Nhưng khi say xỉn thì ông lại quậy phá và không trung thực. Mẹ cô là người phụ nữ yêu thích tự do ghét cay ghét đắng cuộc sống thường nhật theo khuôn khổ và không muốn gánh nặng nuôi dưỡng gia đình.

Những đứa trẻ nhà Walls phải học cách tự chăm sóc bản thân. Chúng tự mặc quần áo, tự tìm thức ăn, bảo vệ lẫn nhau, và cuối cùng tìm được đường lên New York. Cha mẹ chúng đi theo các con, nhưng lại chọn cuộc sống vô gia cư trong khi các con mình làm ăn khấm khá.

Lâu đài thủy tinh thật sự đáng kinh ngạc – một cuốn hồi ký tràn ngập tình yêu của một gia đình lạ lùng nhưng chung thủy.

Đi Tìm Lẽ Sống

Trước hết, đây là quyển sách viết về sự sinh tồn. Giống như nhiều người Do Thái sinh sống tại Đức và Đông Âu khi ấy, vốn nghĩ rằng mình sẽ được an toàn trong những năm 1930, Frankl đã trải qua khoảng thời gian chịu nhiều nghiệt ngã trong trại tập trung và trại hủy diệt của Đức quốc xã. Điều kỳ diệu là ông đã sống sót, cụm từ “thép đã tôi thế đấy” có thể lột tả chính xác trường hợp này. Nhưng trong Đi tìm lẽ sống, tác giả ít đề cập đến những khó nhọc, đau thương, mất mát mà ông đã trải qua, thay vào đó ông viết về những nguồn sức mạnh đã giúp ông tồn tại.

Ông chua xót kể về những tù nhân đã đầu hàng cuộc sống, mất hết hy vọng ở tương lai và chắc hẳn là những người đầu tiên sẽ chết. Ít người chết vì thiếu thức ăn và thuốc men, mà phần lớn họ chết vì thiếu hy vọng, thiếu một lẽ sống. Ngược lại, Frankl đã nuôi giữ hy vọng để giữ cho mình sống sót bằng cách nghĩ về người vợ của mình và trông chờ ngày gặp lại nàng. Ông còn mơ ước sau chiến tranh sẽ được thuyết giảng về các bài học tâm lý ông đã học được từ trại tập trung Auschwitz. Rõ ràng có nhiều tù nhân khao khát được sống đã chết, một số chết vì bệnh, một số chết vì bị hỏa thiêu. Trong tập sách này, Frankl tập trung lý giải nguyên nhân vì sao có những người đã sống sót trong trại tập trung của phát xít Đức hơn là đưa ra lời giải thích cho câu hỏi vì sao phần lớn trong số họ đã không bao giờ trở về nữa.

Becoming – Chất Michelle

Nội dung của cuốn sách Chất Michelle là những câu chuyện phản ánh chân thực và sâu sắc cuộc đời Michelle Obama do chính tác giả tự kể. Qua từng trang sách, Michelle dẫn dắt độc giả bước vào thế giới riêng của bà – những trải nghiệm đã góp phần tạo nên tố chất rất riêng của Michelle, từ tuổi thơ ở Chicago đến những năm tháng giữ vị trí điều hành, bí quyết cân bằng áp lực giữa công việc và gia đình, cho đến 8 năm quyền lực sống tại Nhà Trắng.

Cuộc đời kỳ lạ của Nikola Tesla

Được mệnh danh là “nhà khoa học điên” của giới vật lý, Tesla là người đi tiên phong đưa kỹ thuật điện, điện từ vào đời sống. Với cách tư duy kỳ lạ của mình, ông đã có đến khoảng 300 bằng phát minh, tiêu biểu như động cơ điện không đồng bộ hay lõi Tesla. Rất nhiều phát minh của Tesla đang được ứng dụng trong các thiết bị điện xung quanh ta ngày nay.

Thật không dễ để hiểu thấu hết những gì đang diễn ra trong đầu Tesla, một thiên tài với trí nhớ hình ảnh, biết tám thứ tiếng và có tầm nhìn vượt thời đại. Những gì ông đã viết trong quyển sách này có thể kỳ lạ và khó tin, nhưng hãy nhớ rằng, người ta đã mất gần một thế kỷ để biết những gì Tesla đề xuất là chính xác và khả thi!

Hy vọng quý bạn đọc có thể nhìn ra được điều gì đó mới mẻ trong những câu chữ của Tesla, bởi đó có thể là những hiểu biết giúp ta thay đổi cả thế giới này.

Nhật ký Đặng Thị Thùy Trâm

Một cuốn nhật kí nhặt được bên xác của một nữ Việt Cộng đã suýt bị người lính Mỹ ném vào lửa, nhưng người phiên dịch đã khuyên anh ta nên giữ lại vì “trong đó có lửa”. Nhật kí Đặng Thùy Trâm là những ghi chép hàng ngày của một người nữ bác sĩ về cuộc sống của chị nơi chiến tuyến. Cuốn nhật kí là thế giới riêng của người trí thức nhạy cảm mà không yếu đuối, tha thiết với cuộc sống mà không hề sợ hãi trước những gian nan. Ở đó ta vẫn gặp những băn khoăn trăn trở trước tình yêu, trước cuộc sống phức tạp hàng ngày, những nỗi buồn, nỗi nhớ nhung, sự cô đơn của một người con gái, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy được một ý chí mãnh liệt, những lời nói tự động viên cảnh tỉnh, một lòng can đảm phi thường – những điều đã làm nên một thế hệ anh hùng.

Trịnh Công Sơn – Tôi Là Ai, Là Ai

Trịnh Công Sơn – Tôi Là Ai, Là Ai gồm những bài viết dưới dạng kỷ niệm, hồi ức, cảm tưởng, nghiên cứu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những ca khúc của ông, phần lớn đã được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng từ trước và sau ngày ông mất, của các tác giả là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ, ở trong và ngoài nước.

Mỗi người dưới góc nhìn riêng đã bày tỏ tình cảm, suy tư và nhận thức của mình về cuộc đời và những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chúng tôi hy vọng bạn đọc sẽ cảm nhận được qua cuốn sách Trịnh Công Sơn, Tôi là ai, là ai … những thông tin và nhiều điều hữu ích về cuộc đời và sự nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa mà chúng ta vô cùng yêu quý.

Những Điều Tôi Biết Chắc

Câu chuyện về Oprah Winfrey là nghị lực sống cho phụ nữ trên thế giới trong suốt 30 năm qua. Cuộc đời, những nỗ lực của bà được tập hợp trong “Những điều tôi biết chắc”. Cuốn sách chứa đựng câu chuyện, lời chia sẻ, suy nghĩ, bài học và cả lỗi lầm của Winfrey trong nhiều lĩnh vực trong đời sống. Đây được mệnh danh là một trong những cuốn sách kỹ năng sống đáng đọc, đặc biệt là cho phụ nữ.

Tôi Là Malala

Hành trình đấu tranh cho quyền được giáo dục của một cô gái đã thay đổi thế giới.

Câu chuyện có tác động mạnh của Malala sẽ mở ra trước mắt bạn một thế giới khác, sẽ làm bạn tin vào hi vọng, sự thật, phép màu cũng như khả năng rằng một người – một con người trẻ tuổi, có thể truyền cảm hứng, tạo ra thay đổi trong cộng đồng mình sống và xa hơn nữa.

Cuốn tự truyện ấn tượng và xúc động, về tinh thần nữ quyền mạnh mẽ, về cuộc đấu tranh cho quyền được giáo dục không ngừng nghỉ của một cô gái trẻ.

Nhật Ký Che Guevara

Đây không phải là câu chuyện về những hành động anh hùng phi thường, hay là những ghi chép của một kẻ nhiều chuyện. Đây là những trải nghiệm để khám phá cuộc sống và cảm xúc thật cùng những ý tưởng trong một cuộc hành trình phiêu lưu lãng tử, đầy vất vả, gian truân xuyên Châu Mỹ La tinh hơn chín tháng của Ernesto Che Guevara và người bạn thân Alberto Granado. Cuộc hành trình thú vị của hai con người trẻ tuổi rong ruổi bên nhau trên một chiếc xe gắn máy cũ cùng với những gì chứng kiến từ thực tế đã thổi bùng lên ngọn lửa ước mơ và khát khao của một con người muốn chinh phục và thay đổi thế giới xung quanh. Và con người đó đã dám sống và làm như vậy. Con người mà sau này khiến cả thế giới phải nể phục. Con người mà cái tên đã trở nên một huyền thoại – Che!

Đọc những dòng nhật ký chân thật của Che, chúng ta sẽ được sống lại, đi cùng với cuộc hành trình lý thú của Che, hiểu được tâm hồn lãng mạn, tình cảm và tính cách đặc biệt của Che, và hiểu được những gì mà chàng trai Ernesto cảm nhận được qua cuộc hành trình này đã góp phần lớn tạo nên con người Che sau này.

Che sinh ra và lớn lên tại Arhentine, tham gia cách mạng và chiến đấu ở Cuba và hy sinh ở Bolivia khi 39 tuổi. Che xuất thân từ một gia đình trung lưu thuộc dòng dõi những người thích dấn thân vào những chuyện phiêu lưu, mạo hiểm. Ngay từ thời thơ ấu, Che đã nghĩ mình thuộc về thế giới này và đất nước Argentina chỉ là nơi sinh ra anh chứ không phải là nơi trú ngụ của anh. Và tất cả những yếu tố đó là cội nguồn của một đứa bé mà số phận đã định trước để trở thành một anh hùng, một con người của mọi con người.

Vào Trong Hoang Dã

Tháng Tư năm 1992, một chàng trai trẻ xuất thân từ một gia đình khá giả ở Bờ Đông bắt xe đi nhờ tới Alaska rồi đơn độc cuốc bộ vào miền đất hoang dã phía Bắc ngọn McKinley. Tên cậu là Christopher Johnson McCandless. Cậu đã tặng toàn bộ số tiền tiết kiệm 25.000 đô la Mỹ cho quỹ từ thiện, bỏ lại xe hơi và gần như tất cả mọi tài sản của mình, đốt cháy tiền mặt trong ví và bắt đầu tạo dựng một cuộc đời mới cho chính mình…

Hơn hai mươi tuổi đời, gia đình giàu có, học vấn cao và một tương lại rộng mở phía trước, vậy mà Christopher McCandless (hay Alexander Supertramp như anh tự gọi mình) đã từ bỏ tất cả để dấn thân vào hành trình đơn độc xuyên qua hết thảy các vùng hoang dã của Bắc Mỹ. Dưới ngòi bút sống động của Jon Krakauer, Vào trong hoang dã, cuốn sách mô tả những trải nghiệm phi thường đó của Christopher McCandless, đã trở thành một cuốn tự truyện nổi tiếng, một tác phẩm khó quên về thiên nhiên và phiêu lưu, ngợi ca một cuộc sống tận hiến và cảm động. Câu chuyện được dựng thành phim vào năm 2007 ở Mỹ.

Bất Phục Tùng

Henry David Thoreau (1817-1862). Nhà thơ, tiểu luận gia, triết gia thực hành, nổi tiếng vì đã sống tinh thần thuyết tiên nghiệm (transcendentalism), điều được thể hiện trong kiệt tác Walden (1854) của ông, và vì đã là người ủng hộ nhiệt thành các quyền tự do dân sự.

Nhắc đến Thoreau nhiều người nghĩ ngay đến… Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, khi hai người bày tỏ quan điểm về chính phủ. Nếu Jefferson nói. “Chính phủ tốt nhất là chính phủ ít cai trị nhất”, thì Thoreau còn đi xa hơn: “Chính phủ tốt nhất là chính phủ không cai trị gì cả”.

Bất phục tùng (Civil Disobedience), bài luận nổi tiếng nhất của Henry David Thoreau (1817-1862), nhà văn và nhà tư tưởng Mỹ, ra đời sau khi ông bị giam một đêm trong tù vì khước từ đóng thuế để phản đối cuộc Chiến tranh Mexico và chế độ nô lệ đang phát triển ở Mỹ. 160 năm sau, sau những gì đang diễn ra trên khắp thế giới càng thấy bài tiểu luận này vẫn đầy tính thời sự, và không chỉ đối với nước Mỹ.

Dịch giả Phạm Nguyên Trường

Feynman Chuyện Thật Như Đùa

Richard Feynman (1918-1988), người đoạt giải Nobel về Vật lý, đã kể về những cuộc phiêu lưu kỳ quặc. Bằng một giọng quá tài tình ông tường thuật lại trong cuốn sách những trải nghiệm của mình khi trao đổi các ý tưởng về Vật lý nguyên tử với Einstein và Bohr cũng như các mưu mẹo về cờ bạc với Nick the Greek; khi mở những cái két khủng lưu giữ những bí mật hạt nhân được bảo quản cẩn trọng nhất; khi đệm trống bongo cho một vở ba-lê; khi vẽ một nữ đấu sĩ bò tót ở trần – và nhiều trải nghiệm khác của một bản năng rất đỗi ngạc nhiên. Nói gọn lại, đây là cuộc sống của Feynman trong tất cả niềm tự hào khác thường của nó – một pha trộn tinh tế của trí thông minh đỉnh cao, tính ham hiểu biết không có giới hạn, và sự tự tin tuyệt đỉnh

Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ

Liệu có gì chung giữa viết văn và chạy bộ? Có, Haruki Murakami trả lời, giản dị, tự tin, bằng hành động viết và bằng cuộc sống của chính mình. Nhà văn Nhật Bản nổi tiếng, tác giả Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển… bên cạnh khả năng viết xuất chúng còn là một người chạy bộ cừ khôi. Trong cuốn sách nhỏ mà thú vị này, bằng giọng văn lôi cuốn, thoải mái nhưng đầy sức mạnh, Murakami kể về quá trình tham gia môn chạy bộ cùng những suy tưởng của ông về ý nghĩa của chạy bộ, và rộng hơn nữa, của vận động cơ thể – sự tuân theo một kỷ luật khắt khe về phương diện thể xác – đối với hoạt động chuyên môn của ông trong tư cách nhà văn. Những nghiền ngẫm của Murakami về sự tương đồng giữa chạy – hành vi thể chất – và viết văn – hành vi tinh thần – thực sự quý báu với những người đọc quan tâm đến văn chương và bản chất của văn chương, đặc biệt người viết trẻ.

Cuốn tự truyện về chạy bộ này không đặt cứu cánh truyền đạt bí quyết làm sao để khỏe mạnh (dù nó hoàn toàn làm được điều đó), mà giúp những bạn đọc yêu mến Haruki Murakami giải đáp câu hỏi: vì sao tiểu thuyết gia này có một sức sáng tạo dồi dào như thế.

Tự Truyện Andrew Carnegie

Andrew Carnegie là một nhà đại tư bản của nước Mỹ nhưng cũng là một trong những người bác ái, đóng góp tài sản, tiền bạc cho sự phát triển của cộng đồng, của quê hương và nhân loại. Sinh năm 1835 ở Xcốt-len, Carnegie đã cùng với gia đình chuyển tới Mỹ. Khi trưởng thành, ở Pittsburgh, ông làm nhân viên điện báo và nhân viên thư ký trong ngành đường sắt và tiếp tục thăng tiến trong công ty đường sắt Pennsylvania. Khi Cuộc Nội chiến nổ ra, ông được giao nhiệm vụ đảm nhiệm hệ thống đường sắt và điện báo của chính phủ Mỹ và ông đã làm xuất sắc công việc này. Ông là người theo Đảng Cộng hoà và là người phản đối chế độ nô lệ. Ngoài khả năng làm việc chăm chỉ, xuất sắc và cách đối xử tốt với mọi người, Carnegie còn có rất tài giỏi trong việc xác định nghề nghiệp. Hệ thống đường sắt của Mỹ phát triển nhanh và ông nói: “Việc sản xuất như của chúng tôi khó có thể phát triển để đáp ứng kịp nhu cầu của người dân Mỹ. Nhờ vậy, ông bắt đầu trở nên giàu có và sau khi bán nhà máy sắt thép lớn nhất nước Mỹ, ông trở thành người giàu có nhất thế giới. Ông về nghỉ hưu trong lâu đài Skibo yêu thích ở Xcốt-len và qua đời tại Lenox, Massachusetts vào năm 1919.

Di chúc của ông để lại với hơn 100 triệu đô la dành cho việc xây dựng các thư viện công cộng trên khắp nước Mỹ và Anh; ông còn dành tặng rất nhiều quà cho các trường đại học. Ông cũng có nhiều đóng góp để thúc đẩy hoà bình và nghiên cứu các nguyên nhân dẫn tới chiến tranh. Dù bản thân không phải là người có văn hoá cao nhưng Carnegie đánh giá cao giá trị của tư duy cởi mở. Giống như Benjamin Franklin, ông biết rằng “nhà lãnh đạo chính là những người ham mê đọc sách” và của cải có được là từ kiến thức uyên thâm và những suy nghĩ sắc sảo. Khi xây dựng thư viện từ thiện đầu tiên, ông không có huy hiệu. Tuy nhiên ông yêu cầu người ta lấy một tấm bảng và khắc vào đó hình ảnh mặt trời cùng với các tia sáng mặt trời và dòng chữ “Hãy để cho ánh sáng chiếu rọi.”

Tự Truyện Helen Keller – Câu Chuyện Đời Tôi

“Tôi khởi sự kể lại đời mình với một nỗi e sợ. Nói theo cách nào đó, tôi cảm thấy một sự do dự mang tính dị đoan khi vén mở bức màn che phủ thời thơ ấu của mình như một lớp sương mù vàng vọt. Khi cố phân định những ấn tượng thuở đầu đời, tôi nhận ra rằng thực tế và trí tưởng tượng của mình khá giống nhau trong suốt những năm nối kết quá khứ với hiện tại. Người phụ nữ trưởng thành vẽ lại những trải nghiệm ấu thơ theo trí tưởng tượng của riêng mình. Bởi vì, một vài ấn tượng nổi lên rõ mồn một từ những năm đầu đời của tôi; nhưng “những bóng đen của tù ngục lại chìm vào quên lãng”.

“Những bóng đen ngục tù” mà tác giả nhắc đến bắt đầu từ lúc bà chưa đầy 20 tháng tuổi, khi cơn sốt viêm màng não đã lấy đi của bà những gì bình thường nhất mà mỗi con người đều được sở hữu. Và cuốn sách mà chúng ta đang cầm trên tay cũng chính là hành trình dài hơn 20 năm mà Helen Keller đã trải qua kể từ khi trở thành người khiếm thị. Trải qua từng ấy năm sống với bóng tối và sự im lặng đến đáng sợ, nhưng những thách thức của cuộc đời dường như là không đủ để đánh gục một trong những người phụ nữ vĩ đại nhất của Thế kỷ XIX. Vượt qua thời thơ ấu gian khó trong hoàn cảnh không thể dùng đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe và trò chuyện như một người bình thường, Helen Keller đã trở thành một biểu tượng của tinh thần tự lực phi thường, đồng thời truyền tải nguồn nghị lực sống vô tận cho những con người cùng cảnh ngộ: “Tính cách không thể phát triển một cách dễ dàng trong bình lặng. Chỉ qua thử thách và gian khổ, tâm hồn ta mới trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành, công thành danh tựu”.

Ba Ơi Mình Đi Đâu

“Ba ơi mình đi đâu?” đã mở ra một thế giới nơi bóng tối ngự trị: thế giới của tật nguyền, của nỗi đau, của day dứt, của thất vọng… Nhưng lối dẫn dắt của Jean-Louis Fournier, một bậc thầy trào phúng đen, lại khiến ta phải cười, phải khóc, phải suy ngẫm và khi gấp sách cũng chính là lúc ta thôi bi lụy. Bởi chính ông, người cha có tới “hai ngày tận thế”, bằng cuốn sách mỏng nhưng lay động tâm can này, đã thắp lên niềm vui sống căn bản, dù mong manh nhưng không bao giờ lụi tắt.

“Một cuốn sách nhỏ để đến với điều cốt tủy.” Tác giả của nó đã muốn như thế khi lần đầu tiên đối diện nỗi đau tật nguyền của các con trai bằng văn chương. Sự dung dị, cảm động và độc đáo tràn đầy ở đó đã khiến “Ba ơi, mình đi đâu?” trở thành một kiệt tác nhỏ, đoạt giải Fémina, là tâm điểm của mùa sách văn học Pháp 2008.

Người Đua Diều

Câu chuyện là lời tự thuật của nhà văn người Mỹ gốc Afghanistan Amir về những năm tháng tuổi thơ đầy niềm vui cũng như lỗi lầm, về những ngày trôi dạt trên đất khách rồi cuộc hành trình trở lại quê hương đổ nát để cứu chuộc tội lỗi cho bản thân và cho cả người cha đã khuất. Theo dòng hồi ức của Amir, người đọc trở lại hơn hai mươi năm về trước, khi Amir còn là một cậu bé mười hai tuổi sống trong vòng tay che chở của Baba giàu sang và thanh thế. Cùng gắn bó với Amir suốt những năm tháng tuổi thơ là Hassan, con trai của người quản gia Ali, một cậu bé lanh lợi, mạnh mẽ nhiều lần xả thân để bảo vệ Amir. Thế nhưng tình bạn và lòng tận tụy của Hassan đã không được đền đáp, một ngày mùa đông năm 1975, Hassan vì ra sức bảo vệ chiếc diều xanh chiến lợi phẩm của Amir đã bị bọn trẻ xấu hành hung và nhục mạ. Sự nhu nhược và hèn nhát đã cản bước Amir cứu bạn, thậm chí, còn biến cậu thành một kẻ gian dối khi bịa chuyện nhằm đuổi cha con Ali và Hassan ra khỏi nhà. Và Amir đã phải trả giá cho lỗi lầm ấy trong suốt phần đời còn lại. Ngay cả khi anh đang sống sung túc trên đất Mỹ, ngay cả khi tìm được một mái ấm cho riêng mình hay thực hiện được mơ ước trở thành nhà văn, nỗi ám ảnh của một kẻ gian dối vẫn ngày đêm đeo đuổi Amir. Và cuối cùng, trở lại Afghanistan để cứu con trai Hassan khỏi tay bọn Taliban là con đường duy nhất để Amir chuộc lỗi với người bạn, người em cùng cha khác mẹ Hassan đã chết dưới họng súng Taliban.

Nhật Ký Anne Frank

Được tìm thấy trong căn gác áp mái, nơi Anne Frank đã sống hai năm cuối đời mình, từ đó cuốn đó nhật ký đặc sắc của cô đã trở thành một tác phẩm kinh điển của thế giới – một lời nhắc nhở thật mạnh mẽ về sự rùng rợn của chiến tranh và là một lời tuyên bố về tinh thần của loài người.

Năm 1942, Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan, cô gái Do Thái mười ba tuổi cùng gia đình phải chạy trốn và sống bí mật. Suốt hai năm trời, cho đến khi nơi ẩn náu của họ bị một kẻ đê tiện chỉ điểm cho bọn Gestapo, gia đình Frank cùng một gia đình khác phải sống chen chúc trong “Chái nhà bí mật” của một tòa nhà cũ. Bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài, họ phải đối mặt với cái đói, với sự buồn chán, với cuộc sống khắc nghiệt, bị giam hãm và mối đe dọa về bị lộ, về cái chết luôn luôn hiện diện trước mắt.

Trong nhật ký của mình, Anne Frank ghi lại một cách sống động những trải nghiệm trong thời gian đó. Suy tư, cảm động, rồi hài hước, những miêu tả của cô là một lời ca ngợi về lòng dũng cảm cũng như sự yếu đuối của con người, một bức chân dung tự họa tuyệt vời về một cô gái trẻ thông minh, nhạy cảm, một tài năng hứa hẹn đã bị cắt ngang một cách bi thảm.

Đọc cuốn nhật ký này bạn sẽ thấy cảm thương lẫn kính phục nghị lực và sức sống mãnh liệt của cô gái trẻ, vượt qua sự “gặm nhấm”, “mài mòn” của những toan tính nhỏ mọn, tầm thường ngột ngạt xung quanh để sống và ước mơ.

Tuesdays with Morrie

Có thể đó là ông bà, hoặc những người thầy cô hoặc đồng nghiệp. Một người lớn tuổi, kiên nhẫn và khôn ngoan, người hiểu bạn khi bạn còn trẻ và tìm kiếm, đã giúp bạn nhìn thế giới như một nơi sâu sắc hơn, đã cho bạn lời khuyên đúng đắn để giúp bạn vượt qua nó.

Đối với Mitch Albom, người đó là Morrie Schwartz, giáo sư đại học của ông từ gần hai mươi năm trước.

Có lẽ, giống như Mitch, bạn đã quên mất người thầy khi bạn phát triển theo cách của mình, và những sự hiểu biết mờ dần, và thế giới dường như lạnh hơn. Bạn có muốn gặp lại người đó không, hỏi những câu hỏi lớn hơn vẫn ám ảnh trong bạn, nhận được sự khôn ngoan cho cuộc sống bận rộn của bạn ngày hôm nay như cách bạn từng làm khi còn trẻ?

Mitch Albom đã có cơ hội thứ hai. Anh ta đã tìm lại người thầy Morrie trong những tháng cuối đời của người đàn ông lớn tuổi. Biết mình sắp chết, Morrie đã đến thăm Mitch tại phòng nghiên cứu của mình vào mỗi thứ ba, giống như khi họ từng quay lại trường đại học. Mối quan hệ nhen nhóm của họ biến thành một “lớp” cuối cùng: Bài học về cách sống.

Những ngày thứ ba với thầy Morrie là một biên niên sử kỳ diệu của thời gian họ bên nhau, qua đó Mitch chia sẻ món quà lâu dài của thầy Morrie với thế giới.

Hoang Dã – Hành trình tìm lại mình trên đường mòn Pacific Crest

Hoang dã là cuốn hồi ký của Cheryl Strayed về chuyến hành trình đi bộ 1.770km dọc theo đường mòn Pacific Crest Trail khi cô 26 tuổi. Sau khi trải qua những năm tháng tàn tạ, mất phương hướng, phải chịu đựng cái chết của người mẹ thân yêu và cuộc ly dị đầy đau khổ, cô đã quyết tâm “xách balo lên và đi”. Và trong suốt cuộc hành trình dài hơn 1000 dặm, cô đã gặp được rất nhiều người, vượt qua nhiều thử thách tưởng chừng như không thể, để rồi chiêm nghiệm lại cuộc đời, tìm lại được chính mình.

Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Con đường kiếm tìm tự do và hạnh phúc của Liz trải dài qua 3 lãnh thổ văn hóa độc đáo, mà cô đặt tên cho từng chặng: Ăn (Italy), Cầu nguyện (Ấn Độ) và Yêu (đảo Bali, Indonesia). Bằng giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, quan sát tỉ mỉ và chớp lấy sự việc một cách láu lỉnh, ranh mãnh cộng với khả năng tự phơi bày những cảm xúc, suy tưởng và khát vọng, ẩn ức… cụ thể nhất của bản thân, Elizabeth đã cuốn hút chúng ta vào hành động chủ động chứng nghiệm những nét văn hóa độc đáo, đồng thời với sự trưởng thành về tâm lý và tâm hồn đáng mơ ước từ chính những biểu hiện văn hóa đặc thù ấy.

12 Năm Nô Lệ

Khi chế độ nô lệ được xoá bỏ ở miền Bắc nhưng vẫn tồn tại ở miền Nam nước Mỹ, Slomon Northup, một công dân da đen của thành phố New York đã bị bắt cóc rồi đen bán làm nô lệ tận miền Nam. Trong số những câu chuyện về nô lệ từng được viết ra trên thế giới, 12 năm nô lệ thực sự là một cuốn sách vô song, bởi nó là câu chuyện có thật, được viết ra bởi một người từng hít thở bầu không khí tự do phương Bắc lẫn nếm mùi nô lê phương Nam, người từng có một gia đình và được tôn trọng, rồi từng trần lưng hứng đòn roi dưới mặt trời Lousiana gay gắt, đổ mô hôi, nước mắt và cả máu trên những đồn điền mía và bông, những nhánh sông của vùng đầm lầy hoang sơ nước Mỹ…

Mười hai năm nô lệ có cả sự chân thật tuyệt đối cũng như một văn phong quyến rũ không ngờ. Dẫu tác giả của nó phải chịu đựng bao khổ đau, những dòng chữ ông viết ra vẫn chưa bao giờ nhuốm màu thù hận. Từ tận đáy lòng, Solomon Northup hẳn là một con người rất tin vào sự bình đẳng của con người. Và bởi chế độ nô lệ đã khuyến khích cái tàn ác trong những người da trắng tàn ác, trói buộc lòng tốt trong những người da trắng tốt bụng, nó đáng bị xoá bỏ như một tất yếu của lịch sử và lương tâm.

Bộ Sách Hồi Ký Lý Quang Diệu

Bộ sách Hồi Ký Lý Quang Diệu gồm hai cuốn: Câu Chuyện Singapore và Từ Thế Giới Thứ Ba Vươn Lên Thứ Nhất kể về câu chuyện phát triển của Singapore, từ một quốc gia thuộc thế giới thứ ba với tài nguyên nghèo nàn, kinh tế yếu kém và xã hội lạc hậu, dưới sự chèo lái của Chính phủ do nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu lãnh đạo, đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm tài chính quốc tế với nền kinh tế tăng trưởng trên 10% trong những năm gần đây, xã hội phát triển và nền khoa học – giáo dục tân tiến.

Bộ sách do đích thân Lý Quang Diệu chắp bút, ghi chép lại cuộc đời của chính mình cùng với những trăn trở, suy tư về đất nước và thời cuộc, những phân tích, đánh giá về tình hình trong nước và quốc tế, những lựa chọn và quyết sách thể hiện một ý chí mạnh mẽ, đầy quyết tâm và tầm nhìn xa rộng khi mà Singapore chỉ có một con đường duy nhất: Liên tục tiến lên phía trước. Trong hoàn cảnh nghèo nàn về tài nguyên, nhỏ bé về diện tích, xuất phát điểm về kinh tế và xã hội đều yếu kém, Singapore không có đường lui, thậm chí không được dừng lại nếu muốn giữ vững độc lập và chủ quyền.

Ngày nay, Singapore đã trở thành một trong những trung tâm tài chính quốc tế lớn, được coi là quốc gia đi đầu trong việc chuyển sang nền kinh tế tri thức với GDP bình quân đầu người vào năm 2014 đạt trên 56.000 USD, một xã hội tiến bộ và nền khoa học – giáo dục tân tiến. Quá trình phát triển của Singapore trong vòng hơn nửa thế kỷ qua, kể từ khi quốc gia này chính thức độc lập vào năm 1965, là một kỳ tích trong thế giới hiện đại và mang dấu ấn sâu đậm của Nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu với tư cách là kiến trúc sư trưởng của công cuộc xây dựng hiện tại và kiến tạo tương lai của đất nước.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

7 quyển sách hay về địa chính trị được trình bày logic, khoa học và lôi cuốn người đọc 7 quyển sách hay về địa chính trị mang đến cho độc giả những hiểu biết sâu sắc và toàn diện về địa chính trị trong chiến lược và…
15 cuốn sách phong tục tập quán Việt Nam đầy giá trị lịch sử 15 cuốn sách phong tục tập quán Việt Nam này hữu ích cho độc giả muốn tìm hiểu về cội nguồn dân gian, tín ngưỡng và phong tục tập…
9 cuốn sách hay về tình yêu thương làm tan chảy trái tim người đọc 9 cuốn sách hay về tình yêu thương chứa đựng những bài học, những triết lý sống, những sự yêu thương và cách sống để yêu thương thông qua…
Back to top button