16 quyển sách tâm linh hay mang đến cho bạn đọc cảm giác thư thái và suy ngẫm về cuộc đời, mang đến sự nâng cao trí tuệ về tình yêu và cuộc sống phù hợp với nhiều lứa tuổi để mọi người nuôi dưỡng cảm xúc và tâm hồn.
Suối Nguồn Tâm Linh
Bước vào cuộc sống, từng ngày ta buông thả tâm và trí trôi theo dòng “nhân duyên, sinh khởi” để sau đó rước lấy sợ hãi, bám víu cái giả hư và quan niệm sai lầm về tự ngã.
Ajahn Chah, bậc minh triết nổi tiếng Á Đông, đã nhấn mạnh “giáo pháp tự nó phát khởi phù hợp với nhu cầu tức thời, nó phải sống trong hiện tại mới thực sự là chánh pháp”. Từ quan niệm đó, nội dung những bài thuyết pháp của ngài nhắc nhở thính chúng phải sẵn sàng nhìn vào tâm của mình, cố gắng “bơi ngược dòng” để tìm về “SUỐI NGUỒN TÂM LINH” để giải thoát khỏi những ràng buộc của trần thế. Đạt đến cảnh giới ấy, bạn sẽ sống trong giáo pháp, chạm được ranh giới của “sự giải thoát, trải rộng tâm thanh tịnh để hòa vào niềm an lạc thênh thang”.
Thức Tỉnh Mục Đích Sống
Chuyển hóa tâm thức con người là trọng tâm của những điều Eckhart Tolle đề cập trong quyển sách nổi tiếng A New Earth – Thức Tỉnh Mục Đích Sống này. Theo ông, sự thức tỉnh là bước kế tiếp sẽ xảy ra trong quá trình phát triển tâm thức của nhân loại. Nhân loại sẽ bước sang một giai đoạn mà sự thức tỉnh trong tâm hồn sẽ tạo ra sự tự do và niềm hạnh phúc miên viễn trong mỗi con người và trên toàn thế giới.
“Thức tỉnh mục đích sống” đã cộng hưởng thật sâu sắc với những điều bên trong tôi và giúp tôi thay đổi nhận thức về bản thân và về cả mọi điều”
Hoa Trôi Trên Sóng Nước
“Hoa trôi trên sóng nước” là một câu chuyện đặc biệt. Đó là câu chuyện đi tìm “kiến tánh”, đạt được giác ngộ của ni sư Satomi Myodo – một trong những ni sư lỗi lạc nhất của Thiền tông Nhật Bản.
Câu chuyện của ni sư Satomi Myodo đặc biệt ở chỗ, trước khi tu tập theo triết lý Phật Giáo, Satomi Myodo đã là vị thầy của Thần Đạo (một tôn giáo phổ biến ở Nhật Bản), được nhiều người kính nể. Hơn 40 tuổi, dù đã tu tập được nhiều công phu như nhìn được quá khứ vị lai và nhiều công phu khác, nhưng từ sâu trong thâm tâm Satomi Myodo vẫn phải chịu những nổi khổ đau dằn vặt của bản ngã, thứ mà bà “nghĩ rằng mình đã diệt được nó nhưng thực ra nó vẫn tiềm ẩn dưới một hình thức tinh tế không ngờ”.
Ở tuổi 40, đi theo con đường tọa thiền của Đức Phật, Satomi Myodo gặp phải 3 trở ngại lớn, ảnh hưởng đến việc tu tập của bà: Đó là việc ưa lý luận, suy nghĩ nhiều; có lòng tham mong cầu đạt ngộ; thụ động do việc thực hành thiền ngoại đạo. Cuối cùng, bằng một lòng dũng cảm và cả khát khao đi tìm sự giác ngộ, Satomi Myoyo đã quyết định vượt qua những trở ngại, định kiến; bà xuất gia, trở thành một người “sơ tâm” chưa biết gì và tu tập theo đúng con đường của Đức Phật.
Theo sự chỉ dẫn của thiền sư Bạch Vân Yasutani, Satomi Myoyo đã thực hành ba phương pháp tham cứu công án, quán hơi thở và Chỉ Quán Đả Tọa của tổ Đạo Nguyên (người sáng lập dòng thiền Tào Động Nhật Bản) để khắc chế ba trở ngại trên. Cuối cùng, Satomi Myoyo tìm được “kiến tánh”, điều mà bà mô tả là “khác với những hình ảnh lạ lùng, những màu sắc, âm thanh và một niềm vui tràn ngập châu thân, lần này con chỉ thấy một sự an lạc thầm kín, nhẹ nhàng không thế diễn tả”.
Nổi tiếng với việc dịch và phóng tác thành công nhiều tác phẩm về tâm linh, tỉnh thức và sức mạnh tinh thần như Hành trình về phương Đông, Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng Tuyết Sơn một lần nữa dịch giả Nguyên Phong (GS. John Vũ) tiếp tục thể hiện thành công việc biên dịch tự truyện Michi của ni sư Satomi Myodo thành tác phẩm “Hoa trôi trên sóng nước” sâu sắc và đầy thu hút.
“Hoa trôi trên sóng nước” không chỉ là một câu chuyện xúc động về hành trình tu tập theo chân Đức Phật của ni sư Satomi Myodo mà chắc chắn còn là những trải nghiệm, chia sẻ sâu sắc và hữu ích với những người đang đi tìm chánh pháp, sự giác ngộ.
Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi
Nhiều người trong chúng ta tin rằng cuộc đời của ta bắt đầu từ lúc chào đời và kết thúc khi ta chết. Chúng ta tin rằng chúng ta tới từ cái Không, nên khi chết chúng ta cũng không còn lại gì hết. Và chúng ta lo lắng vì sẽ trở thành hư vô.
Bụt có cái hiểu rất khác về cuộc đời. Ngài hiểu rằng sống và chết chỉ là những ý niệm không có thực. Coi đó là sự thực, chính là nguyên do gây cho chúng ta khổ não. Bụt dạy không có sinh, không có diệt, không tới cũng không đi, không giống nhau cũng không khác nhau, không có cái ngã thường hằng cũng không có hư vô. Chúng ta thì coi là Có hết mọi thứ. Khi chúng ta hiểu rằng mình không bị hủy diệt thì chúng ta không còn lo sợ. Đó là sự giải thoát. Chúng ta có thể an hưởng và thưởng thức đời sống một cách mới mẻ.
Không diệt Không sinh Đừng sợ hãi là tựa sách được Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết nên dựa trên kinh nghiệm của chính mình. Ở đó, Thầy Nhất Hạnh đã đưa ra một thay thế đáng ngạc nhiên cho hai triết lý trái ngược nhau về vĩnh cửu và hư không: “Tự muôn đời tôi vẫn tự do. Tử sinh chỉ là cửa ngõ ra vào, tử sinh là trò chơi cút bắt. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt” và “Nỗi khổ lớn nhất của chúng ta là ý niệm về đến-đi, lui-tới.”
Được lặp đi lặp lại nhiều lần, Thầy khuyên chúng ta thực tập nhìn sâu để chúng ta hiểu được và tự mình nếm được sự tự do của con đường chính giữa, không bị kẹt vào cả hai ý niệm của vĩnh cửu và hư không. Là một thi sĩ nên khi giải thích về các sự trái ngược trong đời sống, Thầy đã nhẹ nhàng vén bức màn vô minh ảo tưởng dùm chúng ta, cho phép chúng ta (có lẽ lần đầu tiên trong đời) được biết rằng sự kinh hoàng về cái chết chỉ có nguyên nhân là các ý niệm và hiểu biết sai lầm của chính mình mà thôi.
Tri kiến về sống, chết của Thầy vô cùng vi tế và đẹp đẽ. Cũng như những điều vi tế, đẹp đẽ khác, cách thưởng thức hay nhất là thiền quán trong thinh lặng. Lòng nhân hậu và từ bi phát xuất từ suối nguồn thâm tuệ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một loại thuốc chữa lành những vết thương trong trái tim chúng ta.
Ám Ảnh Từ Kiếp Trước: Bí Mật Của Sự Sống Và Cái Chết
Vốn là nhà tâm lý trị liệu truyền thống, TS. Brian Weiss đã kinh ngạc và bi quan khi một trong những bệnh nhân của mình bắt đầu nhớ lại những chấn thương trong kiếp trước mà chúng dường như là chìa khóa để giải quyết những cơn ác mộng và lo lắng lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, chủ nghĩa bi quan của ông bị xói mòn khi cô ấy bắt đầu phát những thông điệp từ “những sinh thể ở giữa không gian,” chứa đựng những tiết lộ quan trọng về gia đình của TS. Weiss và cái chết của con trai ông. Bằng biện pháp kiếp trước, ông có khả năng chữa lành cho bệnh nhân và mở ra một giai đoạn mới đầy ý nghĩa trong nghề nghiệp của chính mình.
Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives – Many Times)
“Muôn kiếp nhân sinh” là tác phẩm do Giáo sư John Vũ – Nguyên Phong viết từ năm 2017 và hoàn tất đầu năm 2020 ghi lại những câu chuyện, trải nghiệm tiền kiếp kỳ lạ từ nhiều kiếp sống của người bạn tâm giao lâu năm, ông Thomas – một nhà kinh doanh tài chính nổi tiếng ở New York. Những câu chuyện chưa từng tiết lộ này sẽ giúp mọi người trên thế giới chiêm nghiệm, khám phá các quy luật về luật Nhân quả và Luân hồi của vũ trụ giữa lúc trái đất đang gặp nhiều tai ương, biến động, khủng hoảng từng ngày.
“Muôn kiếp nhân sinh” là một bức tranh lớn với vô vàn mảnh ghép cuộc đời, là một cuốn phim đồ sộ, sống động về những kiếp sống huyền bí, trải dài từ nền văn minh Atlantis hùng mạnh đến vương quốc Ai Cập cổ đại của các Pharaoh quyền uy, đến Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ ngày nay.
“Muôn kiếp nhân sinh” cung cấp cho bạn đọc kiến thức mới mẻ, vô tận của nhân loại lần đầu được hé mở, cùng những phân tích uyên bác, tiên đoán bất ngờ về hiện tại và tương lai thế giới của những bậc hiền triết thông thái. Đời người tưởng chừng rất dài nhưng lại trôi qua rất nhanh, sinh vượng suy tử, mong manh như sóng nước. Luật nhân quả cực kỳ chính xác, chi tiết, phức tạp được thu thập qua nhiều đời, nhiều kiếp, liên hệ tương hỗ đan xen chặt chữ lẫn nhau, không ai có thể tính được tích đức này có thể trừ được nghiệp kia không, không ai có thể biết được khi nào nhân sẽ trổ quả. Nhưng, một khi đã gây ra nhân thì chắc chắn sẽ gặt quả – luật Nhân quả của vũ trụ trước giờ không bao giờ sai.
Đường Mây Qua Xứ Tuyết
Đường Mây Qua Xứ Tuyết (“The Way of the White Clouds”) ghi lại những điều Anagarika Govinda chứng kiến trong thời gian du hành ở Tây Tạng. Hành trình của tác giả diễn ra vào khoảng thập niên 30 đến thập niên 50 của thế kỷ trước, trước thời kỳ diễn biến chính trị phức tạp dẫn đến sự sáp nhập vào lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như hiện nay. Thời điểm đó, một phần phía tây của Tây Tạng bị xem như nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa Anh nên việc tác giả đi từ Sri Lanka sang Ấn Độ rồi thâm nhập phía tây Tây Tạng (tất cả đều là thuộc địa của Anh), giấy tờ thông hành đều do người Anh kiểm soát. Về phần sau của hành trình, tác giả đi sâu vào phần phía đông Tây Tạng vốn thuộc sự quản lý của chính quyền Lạt Ma tại Lhasa nên lại phải xin cấp thêm giấy thông hành từ chính quyền này.
Trên thực tế, từ thời cổ đại cho đến tận lúc bấy giờ, Tây Tạng vốn chỉ được xem như một vùng đất bí ẩn khép kín, một mắt xích trên con đường tơ lụa huyền thoại nên dù đã nhiều lần bị xâm chiếm, các chính quyền đô hộ tạm thời đều dần dà “bỏ rơi” vùng đất này; do đó, nơi đây được đứng đầu bởi cố vấn tinh thần là các đức Lạt Ma mà cao nhất là Đạt Lai Lạt Ma. Từ góc nhìn của người phương Tây, Tây Tạng được xem như một phần của vương quốc Ấn Độ (vốn bao gồm cả các nước Pakistan, Nepal, Bhutan, Bangladesh, ngày nay) do nơi đây chịu nhiều ảnh hưởng từ tín ngưỡng và tôn giáo Ấn Độ hơn từ phía Trung Hoa.
Những diễn biến chính trị từ thập niên 50 của thế kỷ trước trở về sau này, hẳn nhiên ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến phong tục và đời sống tín ngưỡng của Tây Tạng. Song, nếu tìm hiểu và đặt tâm trí mình trở về với giai đoạn trước khi những biến đổi phức tạp này diễn ra, người đọc sẽ cảm nhận rõ nét hơn về cái “Tự do”, sự uyên thâm và tính nguyên thủy của Phật giáo Tây Tạng mà tác giả Anagarika Govinda và dịch giả Nguyên Phong muốn truyền tải.
Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng
Hành trình 12 năm trong đất Phật huyền bí
Gần 100 năm kể từ ngày ra mắt, Mystyquet et Magiciens du Tibet, cuốn sách vang dội châu Âu của nữ tác giả người Pháp Alexandra David – Neel, mới có dịp đến tay bạn đọc Việt Nam với tên gọi Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng. Cuốn sách là một thiên phóng sự đáng kinh ngạc của tác giả trong hành trình xuyên qua vùng đất Tây Tạng để khám phá các huyền thuật của đạo sĩ nơi đây.
Với ý định tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 đang lánh nạn tại Ấn Độ (vì xung đột chính trị với triều đại Mãn Thanh), Alexandra David – Neel không ngờ các bí mật về huyền thuật Tây Tạng lẫn lời chỉ dẫn sâu xa của những vị đạo sư đã dẫn bà đi xa hơn dự định ban đầu của mình. Sau 12 năm rong ruổi khắp Tây Tạng, Alexandra đã để lại tập sách Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng như một công trình nghiên cứu quan trọng về vùng đất đầy bí ẩn này.
Trước khi cuốn sách của Alexandra ra đời, huyền thuật Tây Tạng hoặc chỉ được biết đến như những câu chuyện hư ảo về phù phép, bùa chú hoặc bị những nhà nghiên cứu Phật học chính thống ở phương Tây xem là mê tín dị đoan. Tác giả Alexandra David – Neel chính là người phụ nữ ngoại quốc đầu tiên với kiến thức Phật học của mình đã đặt chân đến Tây Tạng để tận mắt chứng kiến và ghi chép những hiện tượng kì bí.
Hành Trình Của Linh Hồn
Bạn có sợ chết không? Bạn có tự hỏi điều gì sẽ xảy ra sau khi bạn chết không? Có thể nào bạn có một linh hồn đến từ đâu đó và sẽ trở về đó sau khi thân xác bạn chết đi, hay đó chỉ là một điều ước ao vì bạn quá sợ hãi?
Có một nghịch lý rằng con người, duy nhất trong mọi tạo vật trên Trái đất, phải kìm nén nỗi sợ cái chết để sống bình thường. Nhưng bản năng sinh học của chúng ta không bao giờ cho chúng ta quên nỗi nguy hiểm tối cao này của sự tồn tại của chúng ta. Khi chúng ta già đi, bóng ma của cái chết cũng lớn dần lên trong tâm trí chúng ta. Thậm chí cả những người theo tôn giáo cũng sợ cái chết là sự kết thúc của mỗi cá nhân. Nỗi sợ lớn nhất đối với cái chết đem đến những suy nghĩ về sự vô nghĩa của cái chết, điều kết thúc mọi mối liên hệ với gia đình và bạn bè. Cái chết làm cho mọi mục đích thực tiễn của chúng ta trở nên phù phiếm.
Những câu trả lời đích thực cho đời sống sau cái chết vẫn được đóng kín sau cánh cửa tâm linh đối với đa số mọi người. Đó là bởi vì ở trong chúng ta vốn sẵn có khả năng quên đi danh tính của linh hồn chúng ta, điều mà ở mức độ nhận thức, sẽ giúp cho sự hợp nhất của linh hồn và bộ não con người. Những năm gần đây, công chúng đã được nghe về những người chết tạm thời và sau đó sống lại nói về một đường hầm dài, ánh sáng rực rỡ và thậm chí những gặp gỡ ngắn ngủi với những linh hồn thân thiện. Nhưng không có một ấn phẩm nào trong số các cuốn sách đã được viết mang đến cho người đọc nhiều hơn một cái nhìn thoáng qua về tất cả những gì cần biết về cuộc đời sau cái chết.
Cuốn sách này là một cuốn nhật ký gần gũi về thế giới linh hồn. Nó trình bày một loạt các trường hợp thể hiện chi tiết, rõ ràng về những gì xảy ra cho chúng ta khi cuộc sống trên Trái đất kết thúc. Bạn sẽ được dẫn qua đường hầm tâm linh để đến với chính thế giới linh hồn để tìm hiểu về những biến đổi đối với linh hồn trước khi chúng cuối cùng trở lại trên Trái đất trong một cuộc sống mới.
Tiếng Vọng Từ Những Linh Hồn
Tiếng Vọng Từ Những Linh Hồn là tập phóng sự của nhà báo Hoàng Anh Sướng kể lại hành trình tìm hài cốt của các nhà ngoại cảm như Phan Thị Bích Hằng, Năm Nghĩa, Phan Oanh…
Tâm linh với tư cách là một Bộ môn khoa học đã có những thành tựu nhất định trong cuộc sống, nhưng vẫn còn quá nhiều bí ẩn, xa lạ với nhân loại, thậm chí còn bị lợi dụng hoặc đánh đồng với mê tín dị đoan. Sau những tập phóng sự: Những chuyện kỳ bí về thế giới tâm linh, Bùa ngải xứ Mường, Hạnh phúc đích thực và bây giờ là Tiếng vọng từ những linh hồn, đó thực chất là cuộc hành trình khám phá, đi tìm “sự thật tâm linh” của nhà báo Hoàng Anh Sướng. Nhưng cái cách đi vào thế giới huyền bí còn những điều con người bất lực, không lý giải nổi và khoa học thì đang tiệm cận, Hoàng Anh Sướng đã đi theo lối riêng, không giống những người viết khác.
Cuộc sống và hiện tượng tâm linh nó vốn thế và sự thực đang như thế, Hoàng Anh Sướng chỉ chọn lọc những cái đặc sắc, riêng biệt nhất, nhưng sau khi cảm nhận được cái dị biệt đó thì anh lại nhận ra được cái chung, cái bình thường. Tôn trọng tận cùng hiện thực khách quan, anh không áp đặt ý muốn chủ quan, để người đọc tự nhìn nhận, đánh giá sự việc theo cách riêng của mình. Một chị Năm Nghĩa với hành trình đi tìm được hơn 5000 mộ liệt sĩ, có khả năng đặc biệt đối thoại được với những “người cõi âm”. Và cũng qua từng trang sách, chân dung nhà ngoại cảm Năm Nghĩa hiện lên không phải chỉ với tấm thân gầy, gương mặt âm u, khắc khổ, ưu phiền mà cả một đời sống người đàn bà giản dị, lam lũ nghèo khó, nỗi đau khắc khoải âm thầm đi tìm mộ đồng đội với một tình thương và niềm tin mãnh liệt.
Tập phóng sự Tiếng Vọng Từ Những Linh Hồn được viết với một bút pháp trầm tĩnh, sâu lắng gợi cho người đọc nhiều ngẫm nghĩ. Điều đặc biệt là cái chất phóng sự – nó là thể loại chủ đạo của báo viết, thì dưới ngòi bút Hoàng Anh Sướng lại trở nên có hồn văn Việt. Có những chuyện, những việc kỳ bí huyền ảo, chép thô mộc y nguyên cũng đủ sức hấp dẫn; lại có những trang phóng sự anh viết kỹ càng đến từng câu chữ, dồn nén tình cảm thành hồn văn lấp lánh. Giản lược tối đa tính thông tấn sự kiện, anh hướng ngòi bút chọn nhiều chi tiết lạ, dị biệt và cái nhìn nhân đạo để chứng tỏ, cắt nghĩa sự thật thế giới tâm linh.
Câu Chuyện Dòng Sông
Hermann Hesse sinh năm 1877, được giải thưởng Nobel Văn chương 1946, tác giả nhiều tập thơ và nhiểu cuốn tiểu thuyết bất hủ như Peter Camenzind (1904), Demian (1919), Der Steppemvolf( 1972), Narziss und Goldmund (1930), Das Glaserlenspiel (1943).
Tất cả tác phẩm của Hermann Hesse đều nói lên niềm cô đơn tâm linh của con người thời đại, nỗi thao thức triền miên của những tâm hồn khát khao đi tìm một chân trời mới cho mình và nhất là những nỗ lực vô hạn để vươn lên mọi ràng buộc của thân phận làm người. Trọn tác phẩm của Hermann Hesse là lời thánh ca bay vút lên chín tầng trời, vọng lên nỗi đau đớn vô cùng của kiếp sống và lòng hướng vọng nghìn đời của con người, dù bơ vơ bất lực mà vẫn luôn luôn tha thiết đi tìm giải thoát ra ngoài mọi giới hạn tầm thường của đời sống tẻ nhạt:
“Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này’’
Khi viết dòng thơ trên phải chăng Hermann Hesse đã muốn nói lên tất cả ý nghĩa của sự nghiệp văn chương ông giữa cơn biến động phũ phàng của thời đại? Ý nghĩa thâm trầm ấy cũng bàng bạc trong quyển Câu chuyện dòng sông.
Đọc Câu chuyện dòng sông, chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời đáng sống và chứa đựng muôn ngàn hương sắc tuyệt vời, mà chúng ta thường bỏ quên và đánh mất giữa đời sống thường nhật. Câu chuyện dòng sông là câu chuyện của mỗi người trong chúng ta: đó cũng là hình ảnh muôn thuở của trần gian và của mộng đời bất tuyệt.
Trải Nghiệm Cận Tử
Với nhiều người, chết là một chủ đề kiêng kỵ. Nhiều người ngại ngần suy nghĩ về nó, cho đến khi xảy ra một biến cố như chẩn đoán bệnh tật đe dọa mạng sống, hoặc cái chết đột ngột của một người thân yêu. Điều đó có thể khiến chúng ta rơi vào hỗn loạn, bế tắc. Nhưng mọi người lại rất ít khi dành thời gian để chiêm nghiệm về nó. Và nghịch lý làm sao, chính khi suy tư về ý nghĩa của cái chết và nghĩ về quá trình từ giã cõi đời, người ta mới trở nên cởi mở hơn trước việc khám phá những điều cốt lõi của một cuộc sống viên mãn, gắn kết hơn với những người xung quanh.
Dr Penny Sartori đã có 21 năm làm nghề hộ lý, bắt đầu từ năm 1989. Sartori đã có thời gian công tác tại khắp các phòng ban trong bệnh viện, cuối cùng Sartori dừng chân ở phòng cấp cứu. Tại đây, Sartori đối mặt với cái chết thường xuyên đến mức không có chọn lựa nào khác ngoài việc phải đối diện với “cái tất yếu duy nhất” ấy. Trong suốt thời gian hành nghề, Sartori đã chăm sóc cho hàng ngàn bệnh nhân đang hấp hối cho đến khi họ nhắm mắt lìa đời. Một cuộc gặp gỡ đau đớn đã đưa Sartori vào cơn khủng hoảng, khiến Sartori đặt ra câu hỏi về lẽ sống chết.
Sự hứng thú của Sartori đã thôi thúc cô tìm hiểu, tích lũy, chắt lọc để viết nên cuốn sách này. Với hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về trải nghiệm cận tử (gọi tắt NDE) và chứng kiến nhiều nhân chứng tường thuật về trải nghiệm cận tử của chính mình, Sartori hiểu rằng đây là sứ mệnh của cô, cần chia sẻ kiến thức này để giúp mọi người hiểu hơn về trải nghiệm cận tử. Hơn bao giờ hết, con người cần nhận thức về mối liên kết giữa tâm trí, cơ thể và linh hồn.
Năm 2014, Trải nghiệm cận tử lần đầu được xuất bản tại Anh, ngay sau đó chỉ qua hai bài báo cuốn sách đã được bạn đọc cả thế giới biết đến. Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rằng khoa học không chứa đựng tất cả câu trả lời, mà từ trải nghiệm cận tử chúng ta có thể học được rất nhiều để áp dụng vào đời sống hằng ngày.
Cuốn sách gồm 7 chương, mỗi chương của cuốn sách đề cập đến một câu hỏi chính: Những đặc điểm của NDE, NDE có giống với OBE không? NDE có đau đớn không? Ai đã trải qua NDE diễn ra trong những hoàn cảnh nào? Những động tác thay đổi cuộc sống của NDE, Khoa học giải thích thế nào về NDE? NDE mang lại bài học giá trị nào cho những người chưa từng trải qua NDE? Những ngụ ý sâu xa khác khi biết đến hơn về NDE.
Hy vọng rằng, thông tin về trải nghiệm cận tử nêu ra trong quyển sách này sẽ giúp cho tất cả chúng ta hiểu hơn về chúng, và người đã từng trải qua cũng như những người được thuật lại đều nhận được lợi ích từ sự thấu hiểu này. Việc học hỏi từ những người có trải nghiệm cận tử cũng giúp chúng ta thấu hiểu hơn về sự vô thường của cuộc sống. Kiến thức này tiếp thêm sức mạnh và giúp chúng ta tận hưởng cuộc sống khi còn có thể, cũng như xua tan nỗi sợ liên quan đến cái chết.
Giải Mã Tâm Linh
Bằng chứng khoa học thuyết phục nhất về đời sống sau cái chết:
“Có đời sống sau cái chết không?”… Bác sĩ chuyên khoa xạ trị ung thư Jeffrey Long lý luận: “Nếu bạn tìm hiểu các bằng chứng khoa học thì câu trả lời ở đây chắc chắn là có. “Nghiên cứu nội dung các trải nghiệm cận tử suốt hàng chục năm qua… ông rút ra kết luận gây nhiều tranh cãi đó.”
“Cuốn sách giá trị tìm hiểu về trải nghiệm cận tử này trình bày những bằng chứng thuyết phục cho thấy rằng ý thức con người không bị ràng buộc bởi những hoạt động của não bộ.”
Trò Chuyện Với Hiện Thể
Cuốn sách Trò Chuyện Với Hiện Thể này là duy nhất, bởi nó là một ấn phẩm của J.Krishnamurti được ông nói trực tiếp vào máy ghi âm những khi hoàn toàn cô độc. Lúc đó, tay ông phần nào bị run (ông đã 87 tuổi), vậy thay vì viết, ông ghi âm lời nói của mình. Sau khi từ Ấn Độ về lại California vào tháng 2 năm 1983, ông bắt đầu “Trò chuyện với hiện thể”.
Tất cả các bài, ngoại trừ một bài, đều được thực hiện tại nhà ông ở Pine Cottage thuộc Ojai Valley, cách Los Angeles tám mươi dặm về phía bắc. Nhiều lúc giọng nói của ông trở nên xa xôi nhưng những ý tưởng lại rất gần Krishnamurti trong tinh thần của chính ông.
Mỗi ngày đối với ông là hoàn toàn mới, hoàn toàn tự do tự tại thoát khỏi tất cả gánh nặng ký ức. Đoạn kết, có lẽ là đoạn kỳ diệu nhất, nói về sự chết. Đây cũng là lần cuối cùng, chúng ta được nghe Krishnamurti trò chuyện. Hai năm sau, ông từ trần cũng tại nơi này.
Cởi Trói Linh Hồn
Cởi trói Linh hồn bắt đầu bằng cách dẫn dắt người đọc đi qua mối quan hệ giữa bản thân với những ý nghĩ và cảm xúc của chính mình, giúp độc giả khám phá nguồn gốc và những biến động của năng lượng bên trong. Sau đó, nó đào sâu vào những gì bạn có thể làm để giải phóng bản thân khỏi những ý nghĩ, cảm xúc và những hình thái năng lượng quen thuộc làm giới hạn tâm thức của bạn. Cuối cùng, với cách diễn giải đầy minh triết, cuốn sách này sẽ mở cánh cửa đến một cuộc đời mà ở đó con người sâu thẳm bên trong bạn được sống một cách tự do.
Nhận xét về cuốn sách, Abdul Aziz Said, Giáo sư khoa Nghiên cứu Hòa bình (Peace Studies), Chủ tịch khoa Hòa bình Hồi giáo (Islamic Peace), Đại học Hoa Kỳ không tiếc lời: “Cởi trói Linh hồn là liệu pháp tuyệt vời trên con đường nhận thức tâm linh. Cuốn sách được viết với văn phong rõ ràng và đầy sức thuyết phục. Michael Singer tạo một bước đệm vững chắc cho những ai đang tiến trên hành trình tâm linh”.
Đồng quan điểm, Louis Chiavacci, Phó chủ tịch Ngân hàng Merrill Lynch, một trong mười lăm Nhà cố vấn đầu tư hàng đầu của Hoa Kỳ theo xếp hạng của Barron cho rằng, tác giả Michael Singer đã khai mở tâm trí ông hướng đến một chiều kích tư duy hoàn toàn mới. Thông qua Cởi trói Linh hồn, người đọc được thử thách cả về tâm lý và trí tuệ theo một cách thức đầy mới mẻ và thú vị. “Có lẽ cần phải đọc không chỉ một lần và tốn nhiều giờ để soi tỏ nội tâm, nhưng Cởi trói Linh hồn là cuốn sách cần-phải-đọc cho bất kỳ ai muốn tìm kiếm một sự hiểu biết sâu hơn về bản thân và chân lý”, vị doanh nhân này nhấn mạnh.
Quả thực, Michael A.Singer có lối viết cực kỳ linh hoạt, có khi chậm rãi tỉ tê, có khi hào hứng sôi nổi, đầy tính khích lệ và cổ vũ. Giống như ông đang mỉm cười nhìn sâu vào mắt mỗi người, vì thấy rằng chúng ta đang bắt đầu tự tìm được hành trình riêng để vượt qua giới hạn mà mình tự đặt ra. Thú vị nhất là bất cứ vấn đề nào, dù nhỏ hay lớn, Singer cũng có dẫn chứng hoặc ví dụ đích đáng đi kèm, đó là cách mà ông khiến mọi thứ đều trở nên dễ hiểu và dễ chạm tới. “Rất ít người hiểu được trái tim. Thực ra, trái tim bạn là một trong những kiệt tác của sáng tạo. Nó là một nhạc cụ kỳ diệu”. Singer viết về khái niệm “trái tim – trung tâm của năng lượng nội tại” như thế!
Từng vấn đề, từng gút mắc đều lần lượt được gợi mở và giải quyết trong suốt hành trình vượt qua giới hạn của chính mình, với 5 giai đoạn cũng là 5 phần của cuốn sách: Thức tỉnh tâm thức – Trải nghiệm năng lượng – Giải phóng bản thân – Vượt qua rào cản của chính mình – Sống đúng nghĩa. Đó là một hành trình rất khoa học, phát xuất từ trải nghiệm nội tâm sâu sắc đã đưa tác giả tới con đường nghiên cứu, thực hành yoga và thiền định.
Không Có Cái Chết
Không có cái chết tập hợp nhiều bài viết của các bậc thầy trên con đường tâm thức như: các đạo sư Osho, Meher Baba, Yogananda, Ramana Maharshi, các nhà ngoại cảm Sylvia Browne, Alice A. Baley, Jane Roberts, Jz Knight… cùng rất nhiều các tiến sĩ khoa học, bác sĩ trị liệu, các nhà nghiên cứu tâm linh khác. Trên một phương diện nào đó, có thể nói cuốn sách này là một tập hợp những bằng chứng đầy thuyết phục, sinh động và hấp dẫn về sự tồn tại của LINH HỒN bất diệt.
Các bài viết trong Không có cái chết được sắp xếp một cách khéo léo, đưa người đọc đi từ nhận thức chung về con người và vũ trụ cho tới những bài học, trải nghiệm mang tính cá biệt hơn. Do năng lực hữu hạn của cơ thể vật lý và những ảo tượng của thế giới vật lý che khuất tầm mắt, chúng ta không nhìn thấy được cách mà thực tại hiện hữu, nhưng các bậc thầy tâm thức thì không như vậy. Tâm trí trong sáng, hòa hợp với vũ trụ đã cho phép họ thấu tỏ nhiều bí mật, kết nối được với những thực thể cấp cao từ không gian khác. Và giờ đây, họ có mặt trong cuốn sách này để kể lại với chúng ta điều họ đã trải nghiệm.
Không có cái chết còn tập hợp bài viết của những người bình thường đã trải qua kinh nghiệm cận tử, xuất hồn, nghiên cứu về luân hồi và tái sinh… Có thể nói đây là một cuốn sách phong phú, nhiều góc nhìn về LINH HỒN – mà từ trước tới nay vẫn luôn là một ẩn số đối với con người trên Trái đất.
Cùng danh mục: