Nuôi Con Không Phải Là Cuộc Chiến

Tác giảMẹ Ong Bông
Thể loạiSách chứng khoán, sách tài chính
Số trang316
Năm2014
Rating3.9/5


Nội dung

Bạn đã được làm mẹ, được ôm trên tay sinh linh bé bỏng của mình. Hẳn bạn đang rất băn khoăn và trăn trở với hàng ngàn thắc mắc: làm thế nào để giúp bé làm quen với gia đình, bắt nhịp với cuộc sống mới lạ bên ngoài, làm thế nào để hiểu và đáp ứng đúng những nhu cầu của em bé sơ sinh chỉ mới biết dùng tiếng khóc làm công cụ duy nhất để giao tiếp đây. Những câu hỏi cứ liên tiếp nảy ra, bạn cuống cuồng tìm sự trợ giúp và giải đáp từ nhiều nguồn khác nhau, để rồi dễ dàng rơi vào một vòng xoáy sai lầm và một cuộc chiến mệt mỏi trong sự nghiệp nuôi con nhỏ.

Những ngày đầu tiên bạn sẽ cố gắng cho bé bú liên tục, nhằm kích sữa, để con biết đây là mẹ. Đôi khi bạn sẽ đánh thức con dậy để cho con bú khi thấy bé ngủ li bì vì bạn sợ lâu quá con không bú sẽ bị đói. Bạn liên tục tự hỏi: con bú ít thế có đói không? Mình làm như thế có sao không? Con có ngủ được không? Con có nóng không? Con có lạnh không? Và làm thế nào để con tăng cân nhanh nhất có thể. Con tăng cân thế có chậm so với anh, chị, em hay con nhà hàng xóm không?

Khi được 4 tháng tuổi, tự nhiên bạn thấy con bú ít hẳn, con cáu gắt, con ngủ không yên, con dậy đêm nhiều lần. Bạn nghĩ là con đói, hốt hoảng cho con bú mỗi giờ. Con quấy khóc, chỉ có ti mẹ hay cái bình mới có thể cho con ngủ được. Và chỉ khi ngủ con mới chịu ăn. Mỗi giấc ngủ của con chỉ kéo dài 30 phút rồi con choàng dậy và kích động như chưa bao giờ được nghỉ ngơi. Đêm con dậy liên tục, con đòi bú, bạn nghĩ con ngày bú ít chắc cần bú bù, cả đêm bạn chẳng ngủ vì phục vụ “tiếp dưỡng” cho con. Mẹ mệt và cảm giác càng ngày con càng “khó tính”.6 tháng con bắt đầu ăn dặm, con cứ nhè chẳng ăn được bao nhiêu. Bạn quyết cho con nằm ngửa ra bón để chờ trọng lực của tự nhiên giúp thức ăn “rơi” vào bụng con. Sữa cũng vậy – cách duy nhất để uống sữa là nằm ngửa đút thìa, hay tệ hơn là uống bằng xi-lanh. Con vẫn quấy khóc đêm, dậy liên tục. Bạn cảm giác những đêm mất ngủ có lẽ sẽ kéo dài đến vô tận.

9 tháng, cân nặng của con mãi không tăng, con cự tuyệt và sợ hãi với thức ăn. Sữa giờ phải bỏ ra đút thìa. Mà kể cả vậy, một thìa vào bụng con thì một thìa rơi xuống đất. Lãng phí. Bạn thấy thất vọng và bất lực với con.Bạn đọc hơn trăm trang tài liệu ăn dặm, các loại Tây Tàu Nhật Thổ, nhưng dường như con bạn là đối tượng không phù hợp với bất cứ phương pháp nào.

Bạn đọc hơn trăm trang tài liệu ăn dặm, các loại Tây Tàu Nhật Thổ, nhưng dường như con bạn là đối tượng không phù hợp với bất cứ phương pháp nào.

Mười mấy tháng con chào đời, bạn những tưởng con càng lớn sẽ càng dễ, nhưng không, mọi sự trở nên khó hơn. Lúc này, mỗi bữa ăn bạn phải cho con ra đường đi dạo, phải cho ra sân chơi, phải có đồ chơi nếu con ngồi ghế, đi ăn nhà hàng là một cơn ác mộng. Con có thể đòi hỏi nhiều điều không tưởng, và bạn đáp ứng vô điều kiện, miễn là con ăn…. Cuối cùng con cũng không muốn ăn. Rồi con ăn vạ, con khóc, con dọa nôn ra thức ăn, và thế là bạn lại tìm mọi cách thực hiện yêu sách miễn là con không ăn vạ, con không nôn kẻo con lại sụt cân….

Bạn những tưởng con qua nấc 1 tuổi sẽ có thể cho bạn một giấc ngủ nguyên đêm, nhưng không, con vẫn thức dậy vài lần, mỗi đêm trằn trọc không ngon giấc. Bạn đi khám mọi bác sỹ dinh dưỡng, uống đủ các loại men tiêu hóa và cảm giác bất lực càng thêm bất lực vì bạn không thể thay đổi tự nhiên, không thể làm con béo, hay con ngủ ngoan…Hơn thế nữa, lúc nào bạn cũng cảm thấy như có thêm cái đuôi bất đắc dĩ, bạn vừa chạy ra ngoài 5 phút thì ở trong phòng đã nghe tiếng khóc nức nở. Bạn đi vào nhà tắm làm công tác bí mật cũng phải có khán giả bất đắc dĩ vừa nhăn mũi vừa nhăm nhăm trèo lên lòng . Lâu hơn chút, bạn cảm giác như mình có thêm ông vua bà chúa con trong nhà, thích gì là phải có ngay lập tức, trái ý là lăn đùng ra đất giãy giụa, tiếng khóc át tiếng bom, thậm chí còn dọa đập đầu vào tường, càng ở chốn đông người thì bạn càng được nghe ca nhạc kịch với âm lượng quá tải.

Bạn thường xuyên trong tâm trạng lo sợ con ngã, con khóc; đôi khi bạn cảm thấy xấu hổ khi thấy người đi đường ngoái lại nhìn rồi xì xào nên lại chạy ra bế, ra ôm và lại đáp ứng mọi nhu cầu của các thượng đế tí hon. Hay thỉnh thoảng khi con bị ngã, bạn liền lập tức ra tay “đánh chừa” này, đôi khi ông bà cha mẹ lại được con “phát” miễn phí vài cái tát, hay vài dấu răng trên tay, trên vai. Những tưởng lớn dần bạn nói con sẽ hiểu, thế nhưng đời đâu như mơ, một ngày đẹp trời, thiên thần nhỏ của bạn chỉ biết nói duy nhất từ “không” đối với tất cả những gì bạn yêu cầu hay đòi hỏi ở con: tắm xong thì nhất quyết không chịu mặc quần áo, không chịu ngồi yên một chỗ để ăn, không chịu cất đồ chơi. Nói nhẹ không được chuyển qua nói nặng rồi ép buộc rồi dọa nạt, thế là ngôi nhà biến thành trận chiến nơi có tiếng la hét quát tháo của mẹ và những cơn nức nở của con…

Nếu bất cứ trường hợp nào trên đây giống như những gì xảy ra ở gia đình bạn, thì cuốn sách này là dành cho bạn!

Cuốn sách không là cẩm nang để bé ăn nhiều tăng cân nhanh hay dạy bé nghe lời răm rắp, mà giúp bạn hiểu con mình hơn. Giúp bạn hiểu chu kỳ sinh học của con và cách phối kết hợp cuộc sống gia đình với chu kỳ sinh học đó của bé. Hơn thế, cuốn sách còn hướng dẫn bạn cách cho ăn khi con đói, các thông tin kinh nghiệm và các trường hợp thực tế áp dụng thành công của các “bà mẹ tuyệt vọng” khác giúp bạn có thông tin cũng như nghị lực thay đổi cách áp dụng nuôi và dạy con ở gia đình. Suy cho cùng, nuôi không hẳn đã khó, đến đoạn dạy con còn khó hơn nhiều.

Cuối cùng đây là kinh nghiệm đặt những khuôn khổ hợp lý cho từng lứa tuổi, là bài học về tôn trọng trẻ thơ trong những khuôn khổ ấy. Nó sẽ làm cho kinh nghiệm làm mẹ của bạn ngọt ngào hơn và tránh cho con một tuổi thơ nước mắt bên bát cơm.

Mục lục sách

PHẦN 1: NUÔI CON KHÔNG PHẢI CUỘC CHIẾN

  • Chương 1: Ăn ngủ tự lập – Mẹ Nhàn con Ngoan
  • Chương 2: Những tuần phát triển kĩ năng và tinh thần (The Wonder Weeks)
  • Chương 3: Ăn dặm bé tự chủ – Baby-led weaning
  • Chương 4: Ăn để sống hay sống để ăn? (Dinh dưỡng cho bé)

PHẦN 2: DẠY CON KHÔNG PHẢI CUỘC CHIẾN

  • Chương 5: An toàn cho con
  • Chương 6: Tự lập từ trong nôi
  • Chương 7: Kỉ luật tích cực
  • Chương 8: Con đi nhà trẻ!
  • Chương 9: Con đi du lịch!

Phụ lục: Bình tĩnh làm mẹ.

Thể loại

Nuôi Con Không Phải Là Cuộc Chiến có mặt trong:

Review


Lê Duyên - - Review on: Tiki

Tạm ổn

Mình nghĩ những bạn chuẩn bị làm cha mẹ nên đọc qua quyển này, không áp dụng được cho tất cả các bé nhưng cũng giúp mình có thêm kinh nghiệm về chăm sóc trẻ. Có một số nội dung mà theo ý kiến cá nhân mình ko thích lắm, ví dụ như hướng dẫn rèn bé tự ngủ bằng ti giả. Nói chung nên đọc để tham khảo, nên chú ý quan sát, cảm nhận về em bé của mình để có cách nuôi dạy phù hợp nhất.


Phan Duyên - - Review on: Tiki

Hài lòng

Quyển sách này rất hữu ích đối với người chuẩn bị làm mẹ. Việc nuôi dạy con cần cả một quá trình phải chuẩn bị tinh thần, kiên nhẫn mới thành công được. Đây là phương pháp dạy con mới nhưng để áp dụng được cần phải mua thêm vài quyển sách tặng cho ông bà, để hiểu và ủng hộ phương pháp này mới có thể áp dụng thành công được.


Quỳnh Nhi - - Review on: Tiki

Một quyển sách tổng hợp của nhiều quyển sách nuôi dạy con

Tôi thấy quyển sách này sẽ phù hợp cho mẹ nào chưa từng đọc bất cứ quyển sách nào về phương pháp EASY và ăn dặm chỉ huy. Nếu đã đọc quyển ” Đọc vị mọi vấn đề của trẻ” của Trancy Hogg thì sẽ thấy quyển sách “Nuôi con không phải là cuộc chiến” như 1 bản sao phong cách Việt Nam, với những sơ đồ, bản biểu và hình ảnh dễ thương, dễ hiểu hơn nhưng không được sâu về chuyên môn. Nếu bạn là người ít đọc sách, không có kiên nhẫn để đọc nhiều quyển thì nên mua ” nuôi con không phải là cuộc chiến” để tham khảo, còn muốn biết rõ về EASY thì nên mua ” Đọc vị mọi vấn đề của trẻ” và” Nghệ thuật chăm con” của Trancy Hogg, biết về BLW thì nên mua quyển” Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy” của Gill Rapley & Tracey Murkett để coi thì hay và chuyên sâu hơn.


Trang - - Review on: Fahasa

Giúp nuôi con khoa học và đỡ mệt mỏi hơn

Một quyển sách nên mua cho các bố mẹ hiện đại. Giúp nuôi con khoa học và đỡ mệt mỏi hơn. Ngoài nếp sinh hoạt easy sách còn đề cập đến tuần khủng hoảng và gợi ý chuẩn bị cho bé đi du lịch. Rất hữu ích.


Hạnh - - Review on: Fahasa

Hành trang kiến thức cho việc lần đầu làm mẹ

Mình đã nghiền ngẫm cuốn sách trong suốt thai kỳ để chuẩn bị hành trang kiến thức cho việc lần đầu làm mẹ. Quả thật nhờ cuốn sách mà mình không quá bỡ ngỡ và vất vả trong việc chăm con nhờ áp dụng các phương pháp khoa học được trình bày rõ ràng trong cuốn sách. Các ông bố bà mẹ trẻ như mình nên đọc quyển sách này.


Phương Anh - - Review on: Fahasa

Cuốn sách giáo khoa hướng dẫn cho các mẹ trẻ

Cuốn sách như một cuốn sách giáo khoa hướng dẫn cho các mẹ trẻ không phải đau đầu vật vã với những tiếng khóc của con. Nếu được thì mình khuyên nhưng chị em chuẩn bị làm mẹ hãy ngâm cứu kỹ cuốn này để có thể áp dụng cho bé sớm nhất có thể vì càng sớm thì càng dễ cho bé vào khuôn nếp hơn.


Hoàng Trang - - Review on: Goodreads

Đáng để tham khảo

Phương pháp luyện ngủ mà cuốn sách đề cập mình không thực hiện theo được vì phụ thuộc khá nhiều vào em bé. Tuy nhiên mọi nội dung đều rất đáng để tham khảo.


Tuyen Nguyen - - Review on: Goodreads

Một cuốn sách đáng đọc

Sách gồm 3 phần chủ yếu

  • Phần 1: Viết về việc nuôi con giai đoạn dưới 6 tháng tuổi, cách rèn con vào chu kỳ EASY. Phần này nhấn mạnh rằng không phải như các bà mẹ hay lo nghĩ về cân nặng của bé, giấc ngủ của bé mới là quan trọng. Phần này đọc thì hơi zig zag, thử áp dụng thì thấy bé nhà mình cũng không tuân theo hoàn toàn được. Tuy nhiên cũng đạt được 1 số kết quả tích cực: bé tự ngủ được mà không cần mẹ dỗ, mẹ cũng nhàn hơn
  • Phần 2: Viết về phương pháp ăn dặm BLW
  • Phần 3: Viết về các mẹo chăm bé, cách chuẩn bị cho bé khi đi du lịch hay cách chọn nhà trẻ cho bé

Kết luận thì đây là 1 cuốn sách đáng đọc.

Đọc thử sách

Hiểu tiếng khóc của con

Trước đây, khi mới sinh bé Sâu, tôi rất hoang mang mỗi lần con khóc, nhất là lúc bé ngủ ngày, cày đêm thì tôi không thể phân biệt được con khóc vì đói, hay vì khó chịu, hay vì buồn ngủ. Tháng đầu tiên tôi khủng hoảng vì vụ khóc lóc của con. Thế là tôi quyết tâm lên mạng để tìm hiểu.

Đọc hiểu tiếng khóc của con nói riêng và tín hiệu của con nói chung thật sự rất cần thiết cho các mẹ cho bú trực tiếp, nhất là các mẹ cho con bú theo nhu cầu chứ không theo lịch đã lập sẵn.

Để biết mình có thực sự hiểu tiếng khóc của con hay không, các mẹ có thể tra trên mạng với từ khóa “baby cues” hoặc “tiếng khóc của bé”, bạn hãy đọc cả phần diễn giải và xem cả các clip hướng dẫn trên Youtube để hiểu thật rõ.

“Con đói!”: Tiếng khóc lặp đi, lặp lại, to và càng lúc càng to nếu chưa được đáp ứng. Thậm chí, tiếng khóc nghe còn có vẻ hoang dại. Ngoài ra, biểu hiện nữa là tay bé quơ cào khắp nơi, với bé lớn hơn thì cho tay vào miệng mút mạnh, nghe rõ mồn một tiếng chùn chụt. 

“Con có khí trong bụng, con muốn ợ hơi”: Tiếng khóc thường xuất hiện ngay sau khi ăn xong, nghe chói tai (ở tông giọng cao), cường độ cao. Dấu hiệu khác: Đầu gối co lên đến ngực, ưỡn lưng.

 “Con muốn dừng chơi” – “Thế này là quá sức với con”: Tiếng khóc nghe tương phản nhau, có thể là những tiếng cười và những tiếng càu nhàu thay phiên nhau. Càng lúc cường độ càng cao hơn. Dấu hiệu khác: Bé sẽ quay đầu khỏi âm thanh hoặc ánh sáng quá kích ứng so với bé.

“Con mệt và muốn đi ngủ”: Tiếng khóc nghe giống như bé đang cáu kỉnh, âm thanh không cao, dừng rồi lại tiếp tục rồi lại dừng. Mẹ có thể dỗ dành bé hết khóc, nhưng sau đó bé lại tiếp tục khóc nếu chưa ngủ được.

Dấu hiệu trước khi bé khóc vì buồn ngủ: Dụi mắt, lờ đờ, ngáp, không muốn chơi, mút tay. Đúng với các bé dưới 3 tháng, sau 3 tháng nên căn theo thời gian thức (Waketime(5)) thì chính xác hơn.

“Con bị đau bụng”: Tiếng khóc to, đều đều và có thể kéo dài hàng giờ liền mỗi ngày.

Dấu hiệu khác: Đau bụng thường xuất hiện vào cùng một thời điểm trong các ngày khác nhau, thường là chiều muộn hoặc tối. Nếu bé bị đau bụng thì bụng bé dường như to hơn, gõ vào hơi bộp bộp, bé có thể co duỗi chân liên tục và đánh rắm khi khóc.

“Con thấy chán, con muốn được mẹ quan tâm”: Tiếng khóc nghe giống như là một tiếng hét hơn.

“Con muốn mút mát”: Tiếng khóc nhỏ, kiểu rên rỉ, bé mút môi hoặc mút tay chùn chụt. Đây là kiểu tiếng khóc dễ bị nhầm lẫn với việc bé đói nhất. 

….

Ngủ và tầm quan trọng của giấc ngủ

Các mẹ ở Việt Nam cực kỳ không quan tâm đến giấc ngủ của trẻ mà chỉ lo bé đói nên suốt ngày cho bé ăn.

Chúng tôi coi trọng giấc ngủ của trẻ hơn là ăn vì những lí do sau:

a. Khi em bé sinh ra thì bản năng không bao giờ để mình bị đói. Đói em sẽ đòi ăn, vì dạ dày nhỏ nên em phải ăn thường xuyên, do đó các giấc ngủ của em không dài. Giấc ngủ của các em là một chu kỳ 45 phút gồm 25 phút ngủ sâu và 20 phút ngủ nông (giấc ngủ REM). Trong thời gian này nếu em đói em sẽ dậy và đòi ăn ngay, do đó em không bao giờ để mình đói quá 25 phút đâu. Đây là bản năng tự nhiên. Không một đứa trẻ nào có thể nhịn đói. Các mẹ cần tôn trọng qui luật tự nhiên đó.

b. Việc bé thay đổi môi trường từ trong bụng mẹ ra ngoài môi trường mới. Trong bụng mẹ, bé thích ngủ lúc nào thì ngủ, nhưng ra ngoài bé có ý thức hơn, môi trường thay đổi buộc bé phải HỌC cách tự trấn an bản thân để đi vào giấc ngủ. Bé có thể được sự trợ giúp từ ti mẹ hay ti giả (làm bé tập trung vào ti, từ đó lơ là mất cảnh giác và ngủ gật), vòng tay rung lắc hát à ơi tạo cho bé cảm giác cử động giống như trong bụng mẹ, đơn giản hơn, có một số mẹ để bé ăn no nằm chơi đến lúc bé mệt bé tự đi vào giấc ngủ. Tóm lại, điều kiện mà mẹ và những người xung quanh tạo ra là môi trường để bé đi vào giấc ngủ, tạo cho bé thói quen và “môi trường ngủ”, sau này đến khi mệt, bé cần phải có những điều kiện ấy thì mới có thể ngủ được.

c. Một trẻ sơ sinh trung bình ngủ 18 tiếng/ngày. Bé chỉ thức 45 phút sau mỗi chu kỳ ngủ 3 giờ. Trong đó, 30 phút dành để ti và 15 phút để vệ sinh và vận động “thể thao”. 4 tháng bé vẫn ngủ trung bình 16 – 17 tiếng/ngày, trong đó ban ngày bé thức được dài hơn (chừng một tiếng rưỡi cho mỗi chu kỳ 4 giờ) và giấc đêm bé cũng ngủ liền một giấc dài hơn 6 – 8 tiếng. 1 tuổi nhu cầu ngủ trung bình giảm xuống còn 14 tiếng và đến 2 tuổi, các em ngủ khoảng 12 – 13h/ngày, nhưng không ít hơn 11h/ngày.

Ngủ rất quan trọng vì não của bé phát triển khi ngủ. Các tế bào thần kinh được nhân bản khi ngủ sâu và các kĩ năng cơ bản (lẫy, bò, ngồi, đứng) được tập luyện ở thời kỳ REM (giấc ngủ động). Hơn nữa ngủ tiêu tốn ít năng lượng hơn vì thức ăn các em ăn được hoàn toàn phục vụ vào việc tạo dựng tế bào chứ không phải để đốt cháy cho các hoạt động thể chất, do đó có bé ăn ít, ngủ nhiều mà vẫn tăng cân và chiều cao…

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái Khiến trẻ ham đọc sách, yêu tri thức, tôn sùng trí tuệ, làm cho con ham đọc sách là nhiệm vụ không thể trốn tránh của mỗi bậc cha…
Chỉ Sống Thôi Là Đã Đủ Tuyệt Vời Chúng ta thường quá để ý tới những tiếng nói bên ngoài. Chúng ta luôn mắc kẹt trong những nỗi lo không biết mọi người xung quanh đánh giá…
Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia Tình yêu đích thực luôn vô điều kiện. Nó chẳng thể tồn tại nếu chúng ta không nhận ra và chấp nhận sự khác biệt của nhau. Chừng nào…
Back to top button