19 cuốn sách tự truyện hay kể những câu chuyện chân thực và sâu sắc về cuộc đời của những con người đáng kính trọng cả về tài năng lẫn nhân cách.
Được Học – Educated
Cô bé Tara sống trên núi, đã vậy còn chưa bao giờ được đi học bởi vì bố của Tara – một người quyết liệt bài bác trường công cũng như bất cứ khía cạnh văn minh nào “phản tự nhiên”, phản lại ý Chúa – muốn như thế. Thậm chí cô bé này không có cả giấy khai sinh, nghĩa là trong hệ thống xã hội cô không tồn tại. Tara tồn tại theo “luật” của bố: cô được định nghĩa qua những công việc nhằm sửa soạn cho ngày Tận thế, những lao động khổ ải ở bãi phế liệu, và trên hết là nề nếp khắc kỷ tuyệt đối thể hiện lòng sùng kính Chúa.
Cô gái ấy lớn lên hầu như chỉ trong cảm giác vi phạm và tội lỗi – đi học là tội lỗi, rung động với bạn khác giới là tội lỗi, mặc váy và áo thun ôm sát là tay sai của quỷ Sa-tăng. Bố Tara đã nuôi dạy cô (cũng như các anh chị em khác) ở một “thành trì” kiên cố đến mức cô hầu như không thể quen với những lời khen, với tình cảm ân cần, ưu ái. Tara Westover không hề hư cấu chuỗi kịch tính trong đời mình (đọc tự truyện, chúng ta sẽ thấy tác giả luôn lo ngại việc kể sai, kể sót): từ chuỗi vận nạn của chính cô đến những tai nạn lần lượt xảy ra với các thành viên gia đình, mà hầu như tất cả đều bắt nguồn nơi tính cách, lối sống kì dị của ông bố. Song càng lật mở những trang sách thì tim chúng ta càng thắt lại với câu hỏi: Sao kia, chuyện này là có thật?
Tara Westover đã vượt qua cái có thật ấy, dĩ nhiên chẳng hề theo cách thẳng băng, dễ dàng, để được đi học; và mãi về sau, khi trở thành Tiến sỹ tại Đại học Cambridge lừng danh, cô đã buộc phải chấp nhận tình cảnh đứt lìa mối quan hệ với hầu hết người ruột thịt.
Nhật Ký Anne Frank
Được tìm thấy trong căn gác áp mái, nơi Anne Frank đã sống hai năm cuối đời mình, từ đó cuốn đó nhật ký đặc sắc của cô đã trở thành một tác phẩm kinh điển của thế giới – một lời nhắc nhở thật mạnh mẽ về sự rùng rợn của chiến tranh và là một lời tuyên bố về tinh thần của loài người.
Năm 1942, Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan, cô gái Do Thái mười ba tuổi cùng gia đình phải chạy trốn và sống bí mật. Suốt hai năm trời, cho đến khi nơi ẩn náu của họ bị một kẻ đê tiện chỉ điểm cho bọn Gestapo, gia đình Frank cùng một gia đình khác phải sống chen chúc trong “Chái nhà bí mật” của một tòa nhà cũ. Bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài, họ phải đối mặt với cái đói, với sự buồn chán, với cuộc sống khắc nghiệt, bị giam hãm và mối đe dọa về bị lộ, về cái chết luôn luôn hiện diện trước mắt.
Trong nhật ký của mình, Anne Frank ghi lại một cách sống động những trải nghiệm trong thời gian đó. Suy tư, cảm động, rồi hài hước, những miêu tả của cô là một lời ca ngợi về lòng dũng cảm cũng như sự yếu đuối của con người, một bức chân dung tự họa tuyệt vời về một cô gái trẻ thông minh, nhạy cảm, một tài năng hứa hẹn đã bị cắt ngang một cách bi thảm.
Đọc cuốn nhật ký này bạn sẽ thấy cảm thương lẫn kính phục nghị lực và sức sống mãnh liệt của cô gái trẻ, vượt qua sự “gặm nhấm”, “mài mòn” của những toan tính nhỏ mọn, tầm thường ngột ngạt xung quanh để sống và ước mơ.
Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không
Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không là tự truyện của một bác sĩ bị mắc bệnh ung thư phổi. Trong cuốn sách này, tác giả đã chia sẻ những trải nghiệm từ khi mới bắt đầu học ngành y, tiếp xúc với bệnh nhân cho tới khi phát hiện ra mình bị ung thư và phải điều trị lâu dài.
Kalanithi rất yêu thích văn chương nên câu chuyện của anh đã được thuật lại theo một phong cách mượt mà, dung dị và đầy cảm xúc. Độc giả cũng được hiểu thêm về triết lý sống, triết lý nghề y của Kalanithi, thông qua ký ức về những ngày anh còn là sinh viên, rồi thực tập, cho đến khi chính thức hành nghề phẫu thuật thần kinh. “Đối với bệnh nhân và gia đình, phẫu thuật não là sự kiện bi thảm nhất mà họ từng phải đối mặt và nó có tác động như bất kỳ một biến cố lớn lao trong đời. Trong những thời điểm nguy cấp đó, câu hỏi không chỉ đơn thuần là sống hay chết mà còn là cuộc sống nào đáng sống.” – Kalanithi luôn biết cách đưa vào câu chuyện những suy nghĩ sâu sắc và đầy sự đồng cảm như thế.
Bạn bè và gia đình đã dành tặng những lời trìu mến nhất cho con người đáng kính trọng cả về tài năng lẫn nhân cách này. Dù không thể vượt qua cơn bệnh nan y, nhưng thông điệp của tác giả sẽ còn khiến người đọc nhớ mãi.
Becoming – Chất Michelle
Nội dung của cuốn sách Chất Michelle là những câu chuyện phản ánh chân thực và sâu sắc cuộc đời Michelle Obama do chính tác giả tự kể. Qua từng trang sách, Michelle dẫn dắt độc giả bước vào thế giới riêng của bà – những trải nghiệm đã góp phần tạo nên tố chất rất riêng của Michelle, từ tuổi thơ ở Chicago đến những năm tháng giữ vị trí điều hành, bí quyết cân bằng áp lực giữa công việc và gia đình, cho đến 8 năm quyền lực sống tại Nhà Trắng.
Nhật Ký Che Guevara
Đây không phải là câu chuyện về những hành động anh hùng phi thường, hay là những ghi chép của một kẻ nhiều chuyện. Đây là những trải nghiệm để khám phá cuộc sống và cảm xúc thật cùng những ý tưởng trong một cuộc hành trình phiêu lưu lãng tử, đầy vất vả, gian truân xuyên Châu Mỹ La tinh hơn chín tháng của Ernesto Che Guevara và người bạn thân Alberto Granado. Cuộc hành trình thú vị của hai con người trẻ tuổi rong ruổi bên nhau trên một chiếc xe gắn máy cũ cùng với những gì chứng kiến từ thực tế đã thổi bùng lên ngọn lửa ước mơ và khát khao của một con người muốn chinh phục và thay đổi thế giới xung quanh. Và con người đó đã dám sống và làm như vậy. Con người mà sau này khiến cả thế giới phải nể phục. Con người mà cái tên đã trở nên một huyền thoại – Che!
Đọc những dòng nhật ký chân thật của Che, chúng ta sẽ được sống lại, đi cùng với cuộc hành trình lý thú của Che, hiểu được tâm hồn lãng mạn, tình cảm và tính cách đặc biệt của Che, và hiểu được những gì mà chàng trai Ernesto cảm nhận được qua cuộc hành trình này đã góp phần lớn tạo nên con người Che sau này.
Che sinh ra và lớn lên tại Arhentine, tham gia cách mạng và chiến đấu ở Cuba và hy sinh ở Bolivia khi 39 tuổi. Che xuất thân từ một gia đình trung lưu thuộc dòng dõi những người thích dấn thân vào những chuyện phiêu lưu, mạo hiểm. Ngay từ thời thơ ấu, Che đã nghĩ mình thuộc về thế giới này và đất nước Argentina chỉ là nơi sinh ra anh chứ không phải là nơi trú ngụ của anh. Và tất cả những yếu tố đó là cội nguồn của một đứa bé mà số phận đã định trước để trở thành một anh hùng, một con người của mọi con người.
Tự Truyện Andrew Carnegie
Andrew Carnegie là một nhà đại tư bản của nước Mỹ nhưng cũng là một trong những người bác ái, đóng góp tài sản, tiền bạc cho sự phát triển của cộng đồng, của quê hương và nhân loại. Sinh năm 1835 ở Xcốt-len, Carnegie đã cùng với gia đình chuyển tới Mỹ. Khi trưởng thành, ở Pittsburgh, ông làm nhân viên điện báo và nhân viên thư ký trong ngành đường sắt và tiếp tục thăng tiến trong công ty đường sắt Pennsylvania. Khi Cuộc Nội chiến nổ ra, ông được giao nhiệm vụ đảm nhiệm hệ thống đường sắt và điện báo của chính phủ Mỹ và ông đã làm xuất sắc công việc này. Ông là người theo Đảng Cộng hoà và là người phản đối chế độ nô lệ. Ngoài khả năng làm việc chăm chỉ, xuất sắc và cách đối xử tốt với mọi người, Carnegie còn có rất tài giỏi trong việc xác định nghề nghiệp. Hệ thống đường sắt của Mỹ phát triển nhanh và ông nói: “Việc sản xuất như của chúng tôi khó có thể phát triển để đáp ứng kịp nhu cầu của người dân Mỹ. Nhờ vậy, ông bắt đầu trở nên giàu có và sau khi bán nhà máy sắt thép lớn nhất nước Mỹ, ông trở thành người giàu có nhất thế giới. Ông về nghỉ hưu trong lâu đài Skibo yêu thích ở Xcốt-len và qua đời tại Lenox, Massachusetts vào năm 1919.
Di chúc của ông để lại với hơn 100 triệu đô la dành cho việc xây dựng các thư viện công cộng trên khắp nước Mỹ và Anh; ông còn dành tặng rất nhiều quà cho các trường đại học. Ông cũng có nhiều đóng góp để thúc đẩy hoà bình và nghiên cứu các nguyên nhân dẫn tới chiến tranh. Dù bản thân không phải là người có văn hoá cao nhưng Carnegie đánh giá cao giá trị của tư duy cởi mở. Giống như Benjamin Franklin, ông biết rằng “nhà lãnh đạo chính là những người ham mê đọc sách” và của cải có được là từ kiến thức uyên thâm và những suy nghĩ sắc sảo. Khi xây dựng thư viện từ thiện đầu tiên, ông không có huy hiệu. Tuy nhiên ông yêu cầu người ta lấy một tấm bảng và khắc vào đó hình ảnh mặt trời cùng với các tia sáng mặt trời và dòng chữ “Hãy để cho ánh sáng chiếu rọi.”
Tự Truyện Helen Keller – Câu Chuyện Đời Tôi
“Tôi khởi sự kể lại đời mình với một nỗi e sợ. Nói theo cách nào đó, tôi cảm thấy một sự do dự mang tính dị đoan khi vén mở bức màn che phủ thời thơ ấu của mình như một lớp sương mù vàng vọt. Khi cố phân định những ấn tượng thuở đầu đời, tôi nhận ra rằng thực tế và trí tưởng tượng của mình khá giống nhau trong suốt những năm nối kết quá khứ với hiện tại. Người phụ nữ trưởng thành vẽ lại những trải nghiệm ấu thơ theo trí tưởng tượng của riêng mình. Bởi vì, một vài ấn tượng nổi lên rõ mồn một từ những năm đầu đời của tôi; nhưng “những bóng đen của tù ngục lại chìm vào quên lãng”.
“Những bóng đen ngục tù” mà tác giả nhắc đến bắt đầu từ lúc bà chưa đầy 20 tháng tuổi, khi cơn sốt viêm màng não đã lấy đi của bà những gì bình thường nhất mà mỗi con người đều được sở hữu. Và cuốn sách mà chúng ta đang cầm trên tay cũng chính là hành trình dài hơn 20 năm mà Helen Keller đã trải qua kể từ khi trở thành người khiếm thị. Trải qua từng ấy năm sống với bóng tối và sự im lặng đến đáng sợ, nhưng những thách thức của cuộc đời dường như là không đủ để đánh gục một trong những người phụ nữ vĩ đại nhất của Thế kỷ XIX. Vượt qua thời thơ ấu gian khó trong hoàn cảnh không thể dùng đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe và trò chuyện như một người bình thường, Helen Keller đã trở thành một biểu tượng của tinh thần tự lực phi thường, đồng thời truyền tải nguồn nghị lực sống vô tận cho những con người cùng cảnh ngộ: “Tính cách không thể phát triển một cách dễ dàng trong bình lặng. Chỉ qua thử thách và gian khổ, tâm hồn ta mới trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành, công thành danh tựu”.
Hoang Dã – Hành trình tìm lại mình trên đường mòn Pacific Crest
Hoang dã là cuốn hồi ký của Cheryl Strayed về chuyến hành trình đi bộ 1.770km dọc theo đường mòn Pacific Crest Trail khi cô 26 tuổi. Sau khi trải qua những năm tháng tàn tạ, mất phương hướng, phải chịu đựng cái chết của người mẹ thân yêu và cuộc ly dị đầy đau khổ, cô đã quyết tâm “xách balo lên và đi”. Và trong suốt cuộc hành trình dài hơn 1000 dặm, cô đã gặp được rất nhiều người, vượt qua nhiều thử thách tưởng chừng như không thể, để rồi chiêm nghiệm lại cuộc đời, tìm lại được chính mình.
Tự Truyện Của Một Yogi
Xuất bản lần đầu năm 1946, gần bảy mươi năm qua, Tự truyện của một yogi đã cuốn hút hàng triệu độc giả khắp nơi trên thế giới. Được đánh giá là một trong 100 cuốn sách tâm linh hay nhất thế kỷ 20, câu chuyện về cuộc đời đặc biệt của Paramahansan Yogananda đưa độc giả vào một hành trình khám phá khó quên thế giới của các thánh và yogi, khoa học và phép màu, cái chết và sự phục sinh.
Với một trí tuệ uyên thâm và sự hóm hỉnh đáng mến, thầy đã soi tỏ những bí ẩn thâm sâu của đời người và của vũ trụ – mở rộng con tim và khối óc cho niềm vui, cái đẹp và những khả năng tinh thần vô hạn vốn tồn tại trong mỗi con người. Qua cuốn sách và chính cuộc đời hành đạo của mình, Paramahansan Yogananda, cũng như Gandhi, đã đưa tâm linh vào xu thế chủ đạo của xã hội.
Feynman Chuyện Thật Như Đùa
Richard Feynman (1918-1988), người đoạt giải Nobel về Vật lý, đã kể về những cuộc phiêu lưu kỳ quặc. Bằng một giọng quá tài tình ông tường thuật lại trong cuốn sách những trải nghiệm của mình khi trao đổi các ý tưởng về Vật lý nguyên tử với Einstein và Bohr cũng như các mưu mẹo về cờ bạc với Nick the Greek; khi mở những cái két khủng lưu giữ những bí mật hạt nhân được bảo quản cẩn trọng nhất; khi đệm trống bongo cho một vở ba-lê; khi vẽ một nữ đấu sĩ bò tót ở trần – và nhiều trải nghiệm khác của một bản năng rất đỗi ngạc nhiên. Nói gọn lại, đây là cuộc sống của Feynman trong tất cả niềm tự hào khác thường của nó – một pha trộn tinh tế của trí thông minh đỉnh cao, tính ham hiểu biết không có giới hạn, và sự tự tin tuyệt đỉnh
Lâu Đài Thủy Tinh
Lâu đài thủy tinh là một cuốn hồi ký đặc biệt về một gia đình khác thường, mạnh mẽ và độc nhất vô nhị. Khi tỉnh táo, cha của Jeannette là một người tuyệt vời đầy thu hút giúp trí tưởng tượng của các con mình bay bổng, dạy cho các con vật lí, địa chất, và cách đối diện với cuộc sống không chút sợ hãi. Nhưng khi say xỉn thì ông lại quậy phá và không trung thực. Mẹ cô là người phụ nữ yêu thích tự do ghét cay ghét đắng cuộc sống thường nhật theo khuôn khổ và không muốn gánh nặng nuôi dưỡng gia đình.
Những đứa trẻ nhà Walls phải học cách tự chăm sóc bản thân. Chúng tự mặc quần áo, tự tìm thức ăn, bảo vệ lẫn nhau, và cuối cùng tìm được đường lên New York. Cha mẹ chúng đi theo các con, nhưng lại chọn cuộc sống vô gia cư trong khi các con mình làm ăn khấm khá.
Lâu đài thủy tinh thật sự đáng kinh ngạc – một cuốn hồi ký tràn ngập tình yêu của một gia đình lạ lùng nhưng chung thủy.
Bài Giảng Cuối Cùng
“Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó.” Randy Pausch
Thực tế, đã có nhiều giáo sư được mời thuyết trình “Bài giảng cuối cùng” trước khi chia tay giảng đường. Khi đó họ thường chia sẻ về những thất bại cũng như những tinh hoa rút tỉa từ cuộc đời và sự nghiệp của mỗi cá nhân. Trong khi nghe thuyết trình, cử tọa bao giờ cũng day dứt trước câu hỏi: Giả như đây là cơ hội cuối cùng thì ta có thể gửi gắm thông điệp gì đến mọi người? Nếu ngày mai phải ra đi thì ta muốn cái gì sẽ là di sản để lại cho đời?
Khi Randy Pausch, Giáo sư Tin học giảng dạy tại Carnegie Mellon, được yêu cầu thuyết trình một bài giảng như vậy, ông hình dung đó sẽ là buổi thuyết trình cuối cùng, bởi ông vừa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Nhưng bài giảng của ông – “Chạm tay vào ước mơ tuổi thơ” – không phải là về cái chết mà là về quá trình vượt qua các chướng ngại, về việc lan tỏa cách thức hiện thực hóa ước mơ đến người khác và không bao giờ để hoài phí bất kỳ khoảnh khắc nào trong đời (bởi “Thời gian là tất cả những gì bạn có. Một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra bạn có ít hơn là bạn nghĩ”). Đó là triết lý mà Randy đúc kết từ cuộc sống.
Trong quyển sách này, Randy Pausch đã kết hợp nhuần nhụy giữa óc hài hước, văn phong cuốn hút và sự uyên thâm, đĩnh đạc, giúp cho bài giảng của ông trở thành một hiện tượng lưu dấu ấn trong lòng các thế hệ độc giả. Đây chắc chắn sẽ là cuốn sách được chuyền tay nhau bởi nhiều thế hệ tương lai.
Gã Nghiện Giày – Tự Truyện Của Nhà Sáng Lập NIKE
Một câu chuyện cuốn hút, và truyền cảm hứng…. 24 tuổi, lấy bằng MBA ở Đại học Stanford, trăn trở với những câu hỏi lớn của cuộc đời, băn khoăn không biết tiếp tục làm việc cho một tập đoàn lớn hay tạo dựng sư nghiệp riêng cho mình… 24 tuổi, năm 1962, Phil Knight quyết định rằng con đường khác thường mới là lựa chọn duy nhất dành cho ông… Rồi ông khoác ba lô đi đến Tokyo, Hongkong, Bangkok, Việt Nam, Calcutta, Kathmandu, Bombay, Cairo, Jerusalem, Rome, Florence, Milan, Venice, Paris,, Munich, Vienna, London, Hy Lạp… Để rồi khi về lại quê nhà ở bang Oregon, ông quyết định mở công ty nhập khẩu giày chạy từ Nhật. Ban đầu chỉ một đôi để thử, rồi vài chục đôi, bán tại tầng hầm của gia đình bố mẹ Phil. Đam mê, quyết tâm, dám chấp nhận thất bại, vượt qua nhiều chông gai từ chuyện thiếu vốn, đến chuyện cạnh tranh từ đối thủ nhập khẩu khác… Phil Knight đã đưa công ty nhập khẩu giày ra đời với 50 đô-la mượn của bố phát triển đến doanh nghiệp có doanh số hơn 1 triệu đô-la chỉ 10 năm sau đó, năm 1972.
Tôi Là Malala
Hành trình đấu tranh cho quyền được giáo dục của một cô gái đã thay đổi thế giới.
Câu chuyện có tác động mạnh của Malala sẽ mở ra trước mắt bạn một thế giới khác, sẽ làm bạn tin vào hi vọng, sự thật, phép màu cũng như khả năng rằng một người – một con người trẻ tuổi, có thể truyền cảm hứng, tạo ra thay đổi trong cộng đồng mình sống và xa hơn nữa.
Cuốn tự truyện ấn tượng và xúc động, về tinh thần nữ quyền mạnh mẽ, về cuộc đấu tranh cho quyền được giáo dục không ngừng nghỉ của một cô gái trẻ.
Cuộc đời kỳ lạ của Nikola Tesla
Được mệnh danh là “nhà khoa học điên” của giới vật lý, Tesla là người đi tiên phong đưa kỹ thuật điện, điện từ vào đời sống. Với cách tư duy kỳ lạ của mình, ông đã có đến khoảng 300 bằng phát minh, tiêu biểu như động cơ điện không đồng bộ hay lõi Tesla. Rất nhiều phát minh của Tesla đang được ứng dụng trong các thiết bị điện xung quanh ta ngày nay.
Thật không dễ để hiểu thấu hết những gì đang diễn ra trong đầu Tesla, một thiên tài với trí nhớ hình ảnh, biết tám thứ tiếng và có tầm nhìn vượt thời đại. Những gì ông đã viết trong quyển sách này có thể kỳ lạ và khó tin, nhưng hãy nhớ rằng, người ta đã mất gần một thế kỷ để biết những gì Tesla đề xuất là chính xác và khả thi!
Hy vọng quý bạn đọc có thể nhìn ra được điều gì đó mới mẻ trong những câu chữ của Tesla, bởi đó có thể là những hiểu biết giúp ta thay đổi cả thế giới này.
Tự Truyện Richard Branson – Đường Ra Biển Lớn
Với vẻ ngoài phong trần, “bụi bặm”, mái tóc bồng bềnh và luôn chỉ diện áo sơ mi cùng quần bò, ít ai nghĩ rằng Richard Branson – người đàn ông mang phong cách “hippi” – lại là một tỷ phú giàu có, sở hữu trong tay hơn 250 công ty lớn nhỏ với doanh thu mỗi năm khoảng 5 tỷ đô-la.
Ngay từ những ngày đầu mới chập chững bước đi trên con đường kinh doanh đầy chông gai, Richard Branson đã tự viết nên những quy tắc của riêng mình để xây dựng một hệ thống các công ty mang thương hiệu Virgin với mật độ hiện diện rộng khắp toàn cầu, nhưng lại không hề có trụ sở chính, không hề có hệ thống phân cấp quản lý và quan liêu. Cho đến hiện tại, rất nhiều nhà kinh tế học vẫn không thể giải thích vì sao và bằng cách nào Richard Branson có thể tạo nên được những kỳ tích không tưởng với mô hình quản lý kỳ lạ như vậy.
Richard Branson đã đem đến cho nhân loại hình mẫu mới về một doanh nhân năng động, chăm chỉ và thành công cả trong sự nghiệp lẫn cuộc sống hàng ngày. Đối với ông, gia đình, bạn bè, hạnh phúc cùng những chuyến phiêu lưu mạo hiểm luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời.
Những Điều Tôi Biết Chắc
Câu chuyện về Oprah Winfrey là nghị lực sống cho phụ nữ trên thế giới trong suốt 30 năm qua. Cuộc đời, những nỗ lực của bà được tập hợp trong “Những điều tôi biết chắc”. Cuốn sách chứa đựng câu chuyện, lời chia sẻ, suy nghĩ, bài học và cả lỗi lầm của Winfrey trong nhiều lĩnh vực trong đời sống. Đây được mệnh danh là một trong những cuốn sách kỹ năng sống đáng đọc, đặc biệt là cho phụ nữ.
Phúc Ông Tự Truyện
Cuốn tự truyện kể về những bước thăng trầm của cuộc đời Fukuzawa Yukichi từ khi sinh ra cho đến những năm tháng tuổi già. Qua từng chi tiết nhỏ, từng vấp váp trong đời sống thường nhật hiện lên chân dung một con người kiên nghị, quyết đoán, luôn độc lập trong suy nghĩ, sắc sảo trong phê phán nhưng về mặt tâm tư, tình cảm lại không kém phần trầm lắng, sâu sắc.
Cuốn tự truyện còn tái hiện bối cảnh phức tạp của xã hội Nhật Bản với những chuyển biến dữ dội vào nửa cuối thế kỷ XIX qua những trải nghiệm thực tế và con mắt phân tích sắc sảo của một người đương thời. Con đường chông gai của Nhật Bản trong tiếp thu nền văn minh của phương Tây để tăng cường nội lực văn hóa đã và sẽ còn để lại nhiều bài học quý giá cho nhiều quốc gia có những điểm tương đồng, trong đó có Việt Nam.
Có thể nói, chưa đọc Phúc ông tự truyện thì chưa thể hiểu nhân cách cũng như tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Cuốn tự truyện không chỉ là lời tự thuật chân thực về những thăng trầm trong cuộc đời của riêng Fukuzawa mà còn tái hiện được cả bối cảnh phức tạp của xã hội Nhật Bản trong thời kỳ chuyển biến dữ dội vào nửa cuối thế kỷ XIX. Và một điều cần nói thêm rằng, tất cả những biến động lớn lao đó của lịch sử Nhật Bản được phản ánh qua những trải nghiệm thực tế, sự phân tích sắc sảo với tư cách người đương thời và bằng giọng kể chân thành, ngôn ngữ giàu nhạc điệu của Fukuzawa, nghĩa là những gì được tái hiện lại trong cuốn tự truyện khác xa với sự tường thuật khuôn mẫu ở bất kỳ một cuốn sách về lịch sử nào khác.
12 Năm Nô Lệ
Khi chế độ nô lệ được xoá bỏ ở miền Bắc nhưng vẫn tồn tại ở miền Nam nước Mỹ, Slomon Northup, một công dân da đen của thành phố New York đã bị bắt cóc rồi đen bán làm nô lệ tận miền Nam. Trong số những câu chuyện về nô lệ từng được viết ra trên thế giới, 12 năm nô lệ thực sự là một cuốn sách vô song, bởi nó là câu chuyện có thật, được viết ra bởi một người từng hít thở bầu không khí tự do phương Bắc lẫn nếm mùi nô lê phương Nam, người từng có một gia đình và được tôn trọng, rồi từng trần lưng hứng đòn roi dưới mặt trời Lousiana gay gắt, đổ mô hôi, nước mắt và cả máu trên những đồn điền mía và bông, những nhánh sông của vùng đầm lầy hoang sơ nước Mỹ…
Mười hai năm nô lệ có cả sự chân thật tuyệt đối cũng như một văn phong quyến rũ không ngờ. Dẫu tác giả của nó phải chịu đựng bao khổ đau, những dòng chữ ông viết ra vẫn chưa bao giờ nhuốm màu thù hận. Từ tận đáy lòng, Solomon Northup hẳn là một con người rất tin vào sự bình đẳng của con người. Và bởi chế độ nô lệ đã khuyến khích cái tàn ác trong những người da trắng tàn ác, trói buộc lòng tốt trong những người da trắng tốt bụng, nó đáng bị xoá bỏ như một tất yếu của lịch sử và lương tâm.
Cùng danh mục: