Gương Danh Nhân – Những Bài Học Thành Công

Tác giảNguyễn Hiến Lê
Thể loạiSách truyền cảm hứng
Chủ đềRèn luyện bản thân
Số trang214
Rating3.9/5


Nội dung

Cuốn sách mang đến cho độc giả những bài học kinh nghiệm quý báu về hoàn thiện bản thân và đối nhân xử thế từ câu chuyện của các danh nhân nổi tiếng

Tại sao cuộc đời của những người nổi tiếng và thành công luôn được kể lại mãi về sau? Đó là vì những câu chuyện đó có thể giúp bạn có thêm niềm tin, thêm động lực để sống và làm việc, hoặc tìm ở trong đó những bài học cho riêng mình.

Từ cổ chí kim nhân loại chúng ta đã nhận được rất nhiều đóng góp của các danh nhân. Họ là những người có những cống hiến quan trọng giúp nhân loại thay đổi theo chiều hướng tích cực. Họ thành công trong nhiều lĩnh vực và là những người truyền cảm hứng tuyệt vời cho thế hệ đi sau. Họ là những tấm gương tuyệt vời để chúng ta noi theo.

Bạn muốn hoàn thiện bản thân. Bạn muốn học hỏi những bài học về đối nhân xử thế. Bạn hãy soi vào những người đi trước và nhất là các danh nhân tiêu biểu.

Trong cuốn sách “Gương danh nhân” tác giả đã gom những nhà có tài có đức trong mọi giới. Tác giả hy vọng các bạn độc giả sẽ học hỏi được những điều tốt đẹp của các vị danh nhân tiêu biểu. Qua đó các bạn có thêm nhiều bài học về nhân sinh quan, soi vào các tấm gương danh nhân để dần thay đổi và hoàn thiện bản thân mình.

Cuốn sách giới thiệu tới các bạn độc giả 7 danh nhân tiêu biểu bao gồm:

  • Heinrinch Schliemann: Một người trong 40 năm chỉ ước ao được đào đất
  • Quản Trọng: Một chính trị gia biết bỏ tiểu tiết để mưu đại sự
  • Benjamin Franklin: Một ấn công tự học mà thành một nhà khoa học, một nhà lập pháp và một vị thủ lĩnh
  • Mahatma Gandhi: Lương tâm của nhân loại
  • Léon Tolstoi: Một vị Á Thánh
  • Vương Dương Minh: Một người rất đa tài đã đạt được mục đích là học để làm thánh
  • Abraham Lincoln: Một người quân tử phương Tây đã lấy đức để trị dân

Mỗi danh nhân với đặc điểm tính cách khác nhau, thời đại khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau và công việc khác nhau đem đến cho độc giả những khía cạnh khác nhau trong việc đối nhân xử thế và hoàn thiện bản thân.

Với ngòi miêu tả hấp dẫn về cuộc đời của từng danh nhân, Nguyễn Hiến Lê không chỉ mang đến cho người đọc những thông tin rất thú vị về cuộc sống của những danh nhân mà còn đem đến cho người đọc những bài học bổ ích về đạo đức, đạo lý ở đời.

Mong rằng thông qua cuốn sách này các bạn sẽ có thêm hiểu biết về các danh nhân và tự rút ra cho bản thân mình những bài học quý giá từ câu chuyện của họ. Hãy nhanh tay sở hữu cuốn sách này để từng bước thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực.

Thể loại

Gương Danh Nhân – Những Bài Học Thành Công có mặt trong:

Review


Công Dũng - - Review on: Fahasa

Đáng tìm đọc

Đây là cuốn sách nói về tiểu sử, sự nghiệp của các danh nhân rất hay. Tôi đọc một chương online của sách này về Quản Trọng và lên tìm rồi đặt mua luôn cuốn này.


Doãn Văn - - Review on: Goodreads

Có thêm những động lực để cố gắng hoàn thiện bản thân

Cuốn sách cho mình biết thêm về những bậc danh nhân trong lịch sử của nhân loại. Từ tiểu sử của họ, mình có thêm những động lực để cố gắng hoàn thiện bản thân,vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, kiến tạo lên tương lai của riêng mình.

Đọc thử sách

HEINRINCH SCHLIEMANN

Một người trong non 40 năm chỉ ước ao được đào đất

Con người đó thực kỳ dị: sinh trưởng ở Đức, định đi lính cho Hòa Lan, rồi nhập tịch Huê Kỳ, làm giàu ở Nga, học ở Pháp, nổi danh ở Hi Lạp, du lịch khắp phương Tây và phương Đông, có lần ghé thăm Sài Gòn, và thông trên một chục thứ tiếng, vừa sinh ngữ, vừa cổ ngữ, từ tiếng Anh, tiếng Pháp đến tiếng Hi Lạp, La Tinh, tiếng Ba Lan, Á Rập…

Kỳ dị hơn nữa là ông nuôi một cái mộng từ hồi tám tuổi, rồi quyết chí làm giàu để có phương tiện thực hiện mộng đó, và khi đã thành tỉ phú, tuổi đã gần năm mươi, mà không chịu hưởng cảnh an nhàn phú quý như người khác, ông đem tất cả sản nghiệp, sinh lực ra để làm một việc mà nhiều người cho là điên khùng, việc Đào Đất. ông đào đất không phải là để tìm mỏ đồng, mỏ sắt, mà chỉ để tìm một cổ tích, tức di tích thành Troie, một thành ở bờ biển Tiểu Á.

Rồi chẳng những ông tìm được di tích thành Troie mà còn tìm được nhiều dấu vết của một nền văn minh cổ – nền văn minh ở miền biển Egée[3] – do đó ông chép lại cho nhân loại được nhiều trang cổ sử và nổi danh là nhà khảo cổ bực nhất ở thế kỷ trước. Những tìm tòi của ông và những người nối gót ông đã giúp cho sử học có tính cách khách quan hơn, khoa học hơn. Về phương diện đó, công của ông với nhân loại không kém công của Fustel de Coulanges, vị sử gia Pháp đồng thời với ông, người đã đặt nền tảng cho khoa sử học hiện thời.

Đời của ông chia ra làm hai thời kỳ rõ rệt:

– Thời kỳ dự bị, tức tuổi thơ và nhũng năm buôn bán (từ năm 1822 đến năm 1867).

– Thời kỳ thực hành, tức thời ông đào được những cổ tích ở Ithaque, Troie, Mycenes và Tyrinthe (từ năm 1868 đến năm ông mất 1890).

***

Đọc tiểu sử Heinrich Schliemann tôi thấy rằng hoàn cảnh có ảnh hưởng lớn đến tâm hồn, hành vi con người, nhưng con người cũng phải có đủ khả năng để tiếp nhận hoàn cảnh rồi sửa đổi, có khi tạo thêm những hoàn cảnh mới nữa thì mới làm được những việc lớn. Schliemann bẩm sinh đã có tánh yêu thích cái gì bí mật kỳ dị, cổ kính; nhờ sinh ở một miền nhiều cổ tích, lại nhờ được thân phụ và một người bạn gái khuyến khích, lòng yêu thích đó phát triển mạnh mẽ thành một lòng ham mê nồng nhiệt, nhưng muốn thỏa mãn lòng ham mê đó, cần có hai phương tiện: học rộng và có nhiều tiền, nên ông tạo ra những phương tiện này bằng cách vừa kinh doanh, vừa tự học. Vậy ông vừa được nhờ hoàn cảnh, vừa gây thêm hoàn cảnh. Ông sanh ngày mùng 6 tháng giêng năm 1822 tại Neuboukov, một tỉnh nhỏ ở Đức. Thân phụ ông là Ernst Schliemann, một mục sư Tin lành. Năm sau, thân phụ ông đổi qua làm mục sư ở làng Ankershagen và ông ở đây luôn tám năm với gia đình.

Làng Ankershagen có rất nhiều cổ tích trong một không khí bí mật, rùng rợn. Người ta đồn ngay trong vườn nhà thờ, hồn của vị Mục sư trước thường hiện lên; và gần đó, trên một cái đầm nhỏ, cứ nửa đêm là hồn một thiếu nữ ôm bình bạc thấp thoáng sau rặng cây. Từ hồi nhỏ ông thường tò mò đi coi một con gò tương truyền có chôn một đứa nhỏ trong một cái nôi bằng vàng, và một cái tháp tròn mà theo dân làng, thì bên cạnh cũng chôn cất nhiều bảo vật. Cổ tích kích thích óc tưởng tượng của ông nhất là một lâu đài từ thời Trung cổ, tường dày non hai thước, ở trong có những lối đi bí mật và dưới chân có một đường hầm dài có lẽ đến tám cây số. Người ta đồn rằng hồi xưa một tên tướng cướp tàn bạo ở trong lâu đài đó, có lần y liệng một người chăn bò vào vạc dầu, sau y bị tấn công, thua, chôn giấu hết của cải rồi tự tử. Dân làng lại còn nói thỉnh thoảng đào được những quan tài rất dày từ thời La Mã. Nghe những chuyện đó, ông tuy còn nhỏ mà đã có ý muốn sau này đào những di tích đó lên để xem.

Thân phụ ông không phải là nhà khảo cổ, nhưng thích cổ sử và thường kể cho ông nghe những truyện Hi Lạp, La Mã. Nhưng trận Troie[4] làm ông say mê và ngay từ hồi tám tuổi ông đã tin chắc rằng thành Troie vẫn còn di tích, đào lên sẽ thấy, chứ không thể bị tàn phá đến mức mất tiêu đi được. Và ông nhất định một ngày kia trở lại thành Troie để đào kiếm những di tích đó.

Gặp bạn nào, ông cũng nhắc về thành Troie và những di tích trong làng ông. Ông hăng hái quá, bị chúng chế nhạo. Chỉ có hai em gái, Louise và Minna Meincke, con một chủ điền ở làng bên cạnh là tin ông, bênh vực ông. Nhất là cô em, Minna, cùng tuổi với ông, rất chăm chú nghe ông và cũng tin chắc như ông rằng thành Troie có thực. Hai người thường gặp gỡ nhau trong các cuộc hội họp, trong các giờ học khiêu vũ, thường dắt nhau đi coi những cổ tích trong miền, thường ngắm những cánh cò trắng mà mơ mộng tới những xứ xa xăm, bí mật và cùng hứa với nhau, sau này sẽ cưới nhau rồi thực hiện cái mộng tìm di tích thành Troie. Lúc đó họ mới tám tuổi đầu, và non nửa thế kỷ sau, Schliemann mới thực hiện được cái mộng chung hồi niên thiếu ấy, mà lại thực hiện một mình, không được Minna giúp sức!

Là vì hai người mới thân với nhau, đã phải xa nhau rồi. Nguyên do tại cảnh nhà Schliemann suy sút. Ông chưa đầy chín tuổi thì thân mẫu ông qua đời, để lại bảy người con. Rồi một việc khác xảy ra, làm cho ai nấy đều xa lánh gia đình ông. Song thân của Minna không cho hai người gặp nhau nữa. Ông đau khổ vô cùng. Trong cuốn Tự truyện ông viết: “Ngày nào cũng vậy, tôi ngồi một mình hàng giờ, mặt ướt đẫm nước mắt mà đau xót nhớ lại những giờ sung sướng tôi đã được ở bên cạnh nàng”? Thân phụ ông thấy vậy, cho ông qua học ở một làng khác, nơi một người anh ruột làm mục sư. Ông học hai năm, rất tấn tới về tiếng La Tinh, nhưng cảnh nhà túng bấn, ông phải xin đổi qua học nghề, và năm 1936, mới mười bốn tuổi, ông thôi học, ra làm một chân sai vặt trong tiệm tạp hóa ở Mecklembourg – Strelitz.

Vài ngày trước khi ông xa nhà để lại nơi đó mưu sinh, tình cờ gặp ông Minna trong nhà một người quen. Sau năm năm cách biệt, hai người nhìn nhau khóc, rồi ôm nhau mà nghẹn ngào không nên tiếng. Song thân của nàng bước tới, hai người lại phải rời nhau. Nhưng từ đó, Schliemann tin chắc rằng dù mình bơ vơ ở nơi xa lạ, thì lúc nào người bạn gái cũng nghĩ tới mình; niềm tin đó làm lòng ông ấm lại, và ông thấy có một nghị lực phi thường, quyết thắng mọi trở ngại, thành công cho kỳ được, để khỏi phụ lòng người yêu. Ông chỉ thầm vái trời cho mình sớm có một địa vị để kịp thời cưới nàng.

Ông phải làm công năm năm rưỡi trong tiệm tạp hóa đó, làm mọi việc lặt vặt như đong rượu, cân cà, đếm khoai, quét nhà, làm như mọi, từ năm giờ sáng tới mười một giờ khuya, nhưng ông không lấy làm cực khổ, chỉ buồn một nỗi muốn học thêm mà không có thì giờ. Một đêm ông được nghe người thợ xay bột ngâm thơ của Homère, thi hào bất hủ của cổ Hi Lạp. Ông không hiểu một tiếng Hi Lạp mà những vần du dương đó cũng làm ông cảm động vô cùng. Rồi nghĩ đến thân phận mình, ông tủi hổ, khóc: Làm tên sai vặt trong cửa tiệm tạp hóa đó thì đến bao giờ mới học được tiếng Hi Lạp, mới có phương tiện để tìm cố tích ở Troie!

Ít lâu sau, vì khiêng một cái thùng nặng quá, ông khạc ra máu, phải xin thôi việc, rồi xin làm thủy thủ tập sự trong một chiếc tàu nhỏ đi Nam Mỹ.

Tàu mới rời bến được vài ngày thì chìm trong một cơn bão, ông được người ta vớt lên. Người ta muốn đưa ông về xứ sở, ông quyết liệt từ chối vì ở xứ sở, ông không thấy có tương lai gì hết mà đòi qua Hòa Lan để xin vô quân đội Hòa Lan.

Nhưng tới Hòa Lan, ông được viên công sứ Đức giúp đỡ, tìm cho một chân chạy giấy trong một hãng buôn. Công việc đó nhẹ nhàng, ông được rảnh rang, quyết học thêm ngoại ngữ.

Nghị lực của ông đáng phục mà phương pháp học sinh ngữ của ông mới mẻ. Ông nhịn ăn, nhịn mặc, sống khổ sở trong một căn gác xếp sát mái nhà, mùa đông thì lạnh như cắt mà mùa hè thì nóng như thiêu, ráng để dư được nửa số lương để có tiền học. Ông cắm cổ học tiếng Anh. Ông đã chép cách ông học trong đoạn dưới:

“Tôi tự đặt ra một phương pháp là đọc thật nhiều, đọc lớn tiếng mà không dịch; mỗi ngày học một bài, xong thì viết về những đầu đề liên quan tới đời sống hàng ngày, nhờ một giáo sư sửa những bài viết đó rồi về nhà đọc thuộc lòng. Ký tính của tôi kém vì đã lâu không có dịp luyện nó, nhưng cả trong giờ làm việc, có phút nào rảnh là tôi học. Muốn tập được giọng nói của người Anh, mỗi chủ nhật tôi lại một nhà thờ Anh nghe hai lần giảng đạo, vừa nghe vừa nhẩm mỗi tiếng của mục sư. Đi làm công việc cho hãng, dù trời mưa, tôi cũng đem theo sách để học; đứng nối đuôi ở Sở Bưu Điện tôi cũng cầm một cuốn sách để đọc. Nhờ vậy ký tính của tôi lần lần mạnh lên, và chỉ cần chăm chú đọc ba lần một chương dài hai chục trang tiếng Anh, là tôi có thể nhớ để trả bài cho các học trò của tôi rồi. Theo cách đó, tôi học thuộc cuốn The Vicar of Wakefield và cuốn Ivanhoe. Làm việc quá như vậy, tôi mắc bệnh khó ngủ, trong những lúc trằn trọc, tôi nhẩm lại những trang đã đọc ban tối. Tôi thấy công việc nhẩm lại bài ban đêm đó rất có ích vì ban đêm ta dễ nhớ hơn và dễ tập trung tư tưởng hơn: tôi nhiệt liệt khuyên độc giả dùng cách đó, nhờ vậy sau sáu tháng tôi đã thông tiếng Anh”.

Trong sáu tháng sau, ông học tiếng Pháp, bằng cách học thuộc lòng Les Aventures De Télémaque và Paul et Virginie… Rồi ông học qua tiếng Hòa Lan, tiếng Y Pha Nho, tiếng Ý, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nga, cứ sáu tháng là nói được, ông học lớn tiếng làm cho những người mướn chung một nhà với ông phải khó chịu, phàn nàn với chủ nhà, và hai lần ông phải đổi chỗ ở. Có lần ông mướn một người Do Thái không biết một tiếng Nga nào cứ tối lại nhà ông nghe kể truyện Télémaque bằng tiếng Nga trong hai giờ.

Nhờ ông biết tiếng Nga mà năm 1846, một hãng nọ nhờ ông làm đại lý ở Saint Petersbourg. Ngay từ tháng đầu ông đã thành công. Lúc này tự xét mình đã có một tương lai khả quan rồi, xứng đáng làm chồng người yêu của ông rồi, ông bèn cậy người hỏi nàng Minna cho ông. Đau đớn thay! Người ta trả lời rằng nàng mới xuất giá mấy tuần trước. Hồi về già. nhớ lại chuyện đó, ông còn than thở:

“… Tôi thất vọng quá, không còn làm được việc gì nữa rồi hóa đau. Tôi nhớ lại tuổi thơ của chúng tôi, những mộng mà chúng tôi đã ấp ủ, những dự định lớn lao mà chúng tôi tính chung sức nhau thực hành. Bây giờ đây sắp tới lúc có thể thực hành được thì lại vắng nàng, một mình, tôi làm sao nổi?… Tôi đã chiến đấu mười sáu năm để mong cưới được nàng thì trời già độc địa lại trao nàng cho một người khác!”

Mười sáu năm trời! Dài hơn thời gian Kim Trọng đeo đẵng Thúy Kiều. Trong mấy năm sau, ông đau khổ, sức làm việc kém đi, nhưng nhờ nghị lực và thời gian vết thương lần lần lành lại. Tuy nhiên ông vẫn chưa chịu lập gia đình và ngoài bốn mươi tuổi ông mới cưới một người Hi Lạp cũng ham mê tìm tòi những cổ tích như ông.

Từ năm 1847, công việc làm ăn của ông mỗi ngày một phát đạt. Ông vẫn làm đại lý cho hãng cũ, lại mở thêm một hãng mới chuyên buôn chàm.

Năm 1849, ông qua Californie (Mỹ) thăm một người anh mà từ lâu ông không được tin tức. Tới nơi mới hay anh ông đã mất. Ông đương ở Californie thì ngày mồng 4 tháng 7 năm 1850, xứ đó thành một tiểu bang của Huê Kỳ, và hết thảy người ở trong xứ đều phải vào quốc tịch Huê Kỳ.

Sau đó, ông trở về Nga, khuếch trương việc bán chàm ở Moscou và Saint Péterbourg. Mặc dầu bận việc, ông cũng ráng học thêm hai sinh ngữ nữa: tiếng Thụy Điển và tiếng Ba Lan.

Năm 1854 một việc may mắn làm ông thành đại phú. Hồi đó chiến tranh Crimée giữa Nga và Thổ đương phát. Tàu bè ngoại quốc không thể vào hải cảng Nga được. Những thùng chàm của ông mua ở Amsterdam phải gởi tới Memel ở Đức rồi do đường bộ mà vô Nga. Ngày 3 tháng 10, ông tới Konigsberg, thấy trên một cổng của thành khắc hai câu này: Mặt của thần tài thay đổi như Mặt trăng. Nó tăng rồi giảm, luôn biến chuyển.

Không hiểu làm sao, lần đó, đọc câu ấy, ông có cảm tưởng ông sắp bị một tai nạn. Khi gần tới Memel, nơi ông đã gởi hàng tới, ông hay tin rằng sau một hoả hoạn dữ dội, thành phố Memel đã ra tro, và trên một khu mênh mông chỉ còn trơ những bức tường cháy đen và ống khói. Tới nơi, ông chạy đi kiếm người đại lý của ông, người này chỉ đám tro tàn, bảo: “Đó ở dưới đó”. Ông điếng người đi. Thế là hàng triệu bạc kiếm được trong tám năm rưỡi đã tiêu tan hết. Nhưng ông không thất vọng, quyết chí gây lại sự nghiệp. Tối hôm đó, ông sắp đi Saint Pêterbourg thì có người cho ông hay rằng hàng hóa của ông còn nguyên vẹn, vì khi tàu tới, kho của hãng đã chật, người ta phải chất tạm hàng của ông ở một nơi khác, mà nơi này không bị cháy. Người đại lý của ông không hay điều đó, tưởng hàng của ông cũng chất trong kho và đã cháy cùng với kho.

Ông mừng quá, tưởng mình ở trong một giấc mơ. Nhờ hàng khan, ông bán được giá cao, rồi buôn thêm ít mặt hàng khác nữa và chỉ trong một năm, tài sản ông tăng gấp đôi.

Độc giả chắc còn nhớ, từ hồi nhỏ, ông đã muốn học tiếng Hi Lạp. Trong thời mới buôn bán, ông không dám học nó, sợ mê nó mà bỏ bê công việc làm ăn, mà không làm ăn thì không có tiền để sau này tìm di tích thành Troie được. Đầu năm 1856, ông không thể nén lòng ham học đó nữa, mướn hai giáo sư để dạy ông. Ông vẫn theo phương pháp cũ, học sáu tháng thông tiếng Hi Lạp, rồi học ba tháng tiếng cổ Hi Lạp. Trong hai năm sau, ông chuyên đọc văn chương cổ Hi Lạp, như hai tác phẩm Iliade và Ođyssée. Ông không phí công học ngữ pháp, mà chỉ học thuộc lòng những đoạn hay, học tới khi thấm nhuần ngữ pháp mà không ngờ.

Năm 1858, ông học lại tiếng La Tinh mà ông đã bỏ dở từ hai mươi lăm năm trước.

Lúc đó tiền của đã sẵn, lại thông được hai cổ ngữ tức Hi Lạp và La Tinh đủ để khảo cổ, ông muốn bỏ luôn nghề buôn. Ông đi du lịch khắp nơi: Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Ý, Ai Cập và Syrie, ông có cơ hội học thêm tiếng A Rập. Rồi ông trở về Hi Lạp, thăm thành Athènes, định lại Ithaque[5] tìm cổ tích thì có một việc kiện cáo bắt ông phải về Saint Pétersbourg. Vụ kiện kéo dài tới bốn năm, ông phải luôn luôn có mặt ở Saint Pétersbourg, đành lại phải tiếp tục buôn bán cho qua ngày. Không ngờ “con trăng” của ông vẫn chưa tới độ khuyết, công việc kinh doanh “miễn cưỡng” đó phát đạt lạ lùng. Lúc đó gặp hội nội chiến ở Huê Kỳ, giá bông vải vọt lên vì bông vải ở Nam Huê Kỳ không xuất cảng được, ông được hưởng những số lời vĩ đại, cả chục triệu Đức kim.

Cuối năm 1863 ông mới bỏ hẳn nghề buôn mà làm theo sở thích của ông là đi tìm di tích thành Troie. Trong cuốn Tự truyện nhan đề là Đời tôi, ông viết:

“Tôi trọng tiền thật, nhưng chỉ trọng nó vì nó là một phương tiện giúp tôi đạt được mục đính lớn lao mà tôi đã tự vạch ra cho tôi… Tháng chạp năm 1863, khi tôi đã thắng kiện và được hoàn đủ số tiền người ta giật của tôi, tôi bắt đầu giải nghệ”.

Nhưng trước khi thực hành mộng lớn trong đời ông, ông muốn du lịch nhiều năm nữa. Ông lại Tunis, thăm cảnh hoang tàn ở Carthage, rồi qua Ấn Độ, leo Hi Mã Sơn, ghé Singapour, Java, Saigon, từ Saigon thẳng lên Trung Hoa, coi những thắng cảnh ở Hồng Kông, Hàng Châu, Bắc Kinh, tới chân dãy Vạn Lý trường thành. Sau ông qua Nhật, rồi qua Mỹ, thăm thác Niagara. Trong thời gian đó ông viết cuốn Trung Hoa và Nhật Bản. Mùa xuân năm 1866, ông sang Ba Lê và ở đó học hai năm về khoa khảo cổ.

Thời kỳ dự bị trong đời ông tới đây chấm dứt. Năm đó ông đã 46 tuổi, mà mộng khảo cổ của ông từ hồi ông tám tuổi, bây giờ mới bắt đầu thực hành. Tính ra ông đã dự bị trong ba mươi tám năm.

Ông đã gặp nhiều vận may, nhưng ta phải nhận chính ông đã tự giúp ông rồi Trời mới giúp ông: Ông đã hăng hái học sinh ngữ và nhờ biết nhiều sinh ngữ ông mới thành một thương gia quốc tế mà mau làm giàu. Và trong đời đã có mấy người đeo đuổi một mục đích trong ba mươi tám năm như vậy, đã chuẩn bị kỹ càng như vậy: Để dành tiền, học tiếng cổ Hi Lạp, tiếng La Tinh, rồi 44 tuổi, còn học hai năm về khảo cổ nữa.

***

Đọc tiểu sử của Mã Viện, tôi thấy có vài nét đẹp. Hồi trẻ Mã tới một miền hoang để khai phá và nuôi súc vật, chẳng bao lâu giàu lớn. Nhưng một hôm Mã nghĩ thân nam nhi mà không làm nên sự nghiệp gì, cứ kéo dài cuộc đời nô lệ cho đồng tiền thì nhục lắm, bèn phân phát hết nô lệ cho bà con, hàng xóm, rồi đi tìm Hán Quang Võ, quyết chí lập võ công.

Heinrich Schliemann cũng có chí lớn như Mã. Hồi 40 tuổi ông đã thành một tỉ phú, và sau ba chục năm phấn đấu, ai không mong được nghỉ ngơi? Nhưng không, ông cho rằng lúc đó mới là lúc ông bắt đâu làm việc, bắt đầu sống. Ông quyết tâm tiêu hết sản nghiệp vào việc đào đất để tìm di tích thành Troie. Không ai tin rằng ông thành công, trừ ông và cố nhân của ông là Minna lúc đó đã cách biệt hẳn ông rồi. Không tìm được, tất nhiên là công lao và tiền của ông sẽ tiêu tan, mà tìm được thì chỉ có danh chứ không có lợi gì. Biết vậy mà ông vẫn tìm, vì khảo cổ là lẽ sống của ông, vì tiếng gọi của những anh hùng ngàn xưa ở Troie văng vẳng bên tai ông hoài. Ông nóng nảy, chỉ mong mau mau được cầm cái cuốc để cuốc đất. Ông cần có một người bạn trăm năm đồng chí, mà duyên trước đã lỡ, ông định kiếm người khác. Ông nghĩ tại Athènes, kinh đô của Hi Lạp, sẽ có những thiếu nữ thích Homère như ông. Ông bèn lại Athènes, vô một nữ học đường nói với bà hiệu trường rằng ông muốn cưới một nữ sinh nào thuộc lòng tập Odyssée. Tức thì một cuộc thi mở ở trong trường và nữ sinh được giải nhất ít bữa sau thành bà tỉ phú Schliemann.

Tháng tư năm 1868, ông qua La Mã rồi tới Ithaque. Ithaque là một trong những đảo nhỏ rải rác ở gần bờ biển phía tây Hy Lạp. Theo truyền thuyết, một ông vua hoang đường của Hy Lạp là Ulysse có cung điện tại đó. Ulysse từ biệt bà vợ trẻ là Pênélope để vượt biển, qua Tiểu Á chiếm thành Troie. Chiếm thành rồi, Ulysse trở về xứ, nhưng lạc đường thành thử mười năm mới tới nhà. Bà vợ kiên nhẫn nuôi con và đợi chồng: nhiều nhà quyền quý phao tin chồng bà đã chết để hỏi bà, bà phải hẹn lần để thêu xong một tấm vải, rồi sẽ nhận lời, nhưng ngày thêu được bao nhiêu, đêm bà tháo bấy nhiêu, thành thử không khi nào xong.

Truyện đó có vẻ một truyền kỳ. Thi hào Hy Lạp Homère chép lại thành hai tập thơ: tập Iliade tả những chiến công anh dũng của Ulysse với Troie, và tập Odyssé kể những bước gian truân mạo hiểm của Ulysse khi thắng Troie, tìm đường về xứ mà lạc lối.

Hai tập thơ đó là những tác phẩm bất hủ của nhân loại, đã làm vẻ vang cho Hi lạp, đã được dịch ra hết thảy các thứ tiếng ở Châu Âu, giá trị cũng tựa như Kinh Thi, Sở Từ của Trung Hoa, hoặc kinh Vệ Đà của Ấn Độ. Nhưng tác giả, Homère là ai, sống ở thời nào, thì không ai biết chắc.

Schliemann chẳng những thích Homère mà còn tin rằng hết thảy những điều Homère chép trong hai tập Iliade và Odyssée đều đúng sự thực. Lòng tin của ông không hề bị lay chuyển. Ông biết rằng chưa có chứng cứ gì hết, nhưng ông cũng vẫn tin mãnh liệt, và quyết đào đất tìm di tích để đem chứng minh cho nhân loại. Và ông tới đào Ithaque để đào đất, dân ở đảo dẫn ông lại núi Actos mà họ cho rằng ở trên ngọn hồi xưa có lâu đài của Ulysse. Ông thấy một bức tường đổ, chung quanh là núi đá. Trong vài khe đá có một chút đất đủ cho những cây mọc lên. Ông đào những khe đá đó. Ông chép lại công việc ông như vậy:

“Nóng gay gắt, hàn thử biểu của tôi lên tới 52 độ, tôi khát nước ghê gớm mà không có lấy một giọt nước, một giọt rượu. Nhưng tôi nghĩ được dẫm lên nền cũ của lâu đài Ulysse, tôi hăng hái vô cùng, quên cả nóng, cả khát. Khi tôi khảo sát ở chung quanh, khi thì mở tập Odyssé ra đọc lại những đoạn cảm động, tả những việc xảy ra ở nơi đó, khi tôi ngắm cảnh đẹp đẽ bốn bề dưới chân núi.”

Hôm sau, ông mướn bốn người thợ, chỉ cho họ đào. Ông cũng tiếp tay với họ, kiếm được hai chục bình cổ ở một nơi mà hồi xưa có lẽ là khu mồ mả của một gia đình nào đó. Đào nữa, ông gặp được những thanh gươm, lưỡi dao, nhưng không có một hàng chữ nào khắc trên đá, trên đồng cho ông biết về thời đại của các vật ấy.

Làm việc từ năm giờ sáng đến giữa trưa ông mới nghỉ để ăn miếng bánh mì. Ông bảo bữa cơm đó là bữa cơm ngon nhất đời ông vì ông được ăn trên nền cũ của lâu đài Ulysse.

Mấy hôm sau, ông tiếp tục đào hoặc đi thăm khắp đảo, nhận được những chỗ đã tả trong Odyssée. Tới đâu dân làng cũng xúm lại, đòi ông ngâm Odyssé cho họ nghe, và họ cảm động tới rớt nước mắt khi thấy một người xứ lạ thuộc kỹ sử của tổ tiên họ, thuộc cả nhưng vần cổ thi của họ mà hiện nay họ không còn hiểu được nữa.

Ở Ithaque ông không kiếm được di tích gì quý báu, ông bèn qua thành Troie. Tới nơi, ông sung sướng vô cùng, tưởng đâu như được trở về quê hương kiếp trước nào của ông, rồi ông nhớ lại những mộng hồi nhỏ. Ông sắp bắt tay vào việc đây, mà cố nhân của ông thì ở đâu? Ông xem xét kỹ địa thế làng Pinarlashi mà mọi người đều cho là dựng trên nền cũ của thành Troie. So sánh với nhưng đoạn văn tả trong Iliade thì ông thấy thành Troie hồi xưa phải gần biển hơn kia. Ông tin Homère như tín đồ tin Chúa vậy, một mình chống lại tất cả các nhà bác học đương thời, mà quả quyết rằng Troie không phải ở đó.

Miền đó hồi ấy hoang vu, khách lỡ đường phải ngủ giữa trời. Chiều hôm đầu, ông xuống sông Scamande ăn bánh nhạt và uống nước sông. Những hôm sau, ông dò xét kỹ tìm được đồi Hissarlick mà ông tin là nền cũ của Troie.

Ông viết một tập kỷ yếu, ghi những kết quả tìm tòi, gửi về trường Đại học quê ông là Mecklembourg và được tặng chức tiến sĩ triết học.

Tháng mười năm 1871, ông bắt đầu đào đồi Hissarlick, luôn mười một tháng. Lúc đó ông đã cưới bà Sophie, cũng ngưỡng mộ Homère như ông. Hai ông bà cất nhà trên đồi, mướn ba người cai để chỉ huy từ 100 đến 150 phu đào. Ông gặp nhiều nỗi khó khăn, như sự ngăn cản của chủ đất, khí hậu bất hảo, bệnh tật, sự thiếu dụng cụ, nhưng càng gặp khó, ông càng hăng, quyết chứng thực rằng những việc kể trong Iliade có thực và dân tộc Hy Lạp đã viết được những trang sử vẻ vang đó.

Ông đào ngang, dọc sâu 15 thước, sau cùng một hôm gặp di tích thành Troie. Ông mừng vô hạn. Mục đích ông đã đạt. Dự tính của ông đã đúng. Tin tưởng của ông đã thành sự thực. Ông hô hào thế giới tới ngắm nền văn minh cổ của Hi Lạp.

Và chính ông cũng không ngờ được rằng số tiền ông đã tính liệng đi để làm một việc thoả sở thích lại đem về cho ông những số lời vĩ đại. Ở dưới một chân tường, ông thấy một kho vàng: những bình bằng vàng nặng nửa ký, những bình xách nước bằng bạc, vòng, dây chuyền, mũ miện, toàn bằng vàng. Thực là truyện Alibaba trong Một ngàn lẻ một đêm. Kho vàng của vua Priam[6] vào nằm trong những rương của ông. Cả những cái rực rỡ của một thời cổ mà Homère đã tả trong thơ, thì bây giờ ông ngắm được, rờ được, cầm được. Tháng sáu năm 1873, sau năm năm đào đất, ông về Athènes, chở theo tất cả bảo vật đó và những tài liệu để soạn cuốn Đồ cổ ở Troie. Ông đã tính nghỉ nhưng thần tài nào đã chịu cho ông nghỉ. Như bạn sẽ thấy, đó mới chỉ là bước đầu. Con trăng của ông vẫn chưa đầy.

Cuối tháng hai năm 1874, xuất bản xong cuốn Đồ cổ ở Troie, ông lại Mycènes, một tỉnh mà Homère đã ca tụng là nhiều vàng. Mycènes có những bức tường đá dày tới nỗi mà cổ nhân cho rằng chỉ có những người khổng lồ mới xây nổi. Đó là cung điện của những triều vua hùng cường, luôn luôn chống với vua thành Troie.

Ở đây ông gặp nhiều nỗi khó khăn do nhà cầm quyền địa phương, nhưng ông giải quyết được hết. Ông đào hai năm, tìm được những lâu đài, lăng tẩm của vua chúa thời cổ và những kho vàng còn quý hơn ở Troie cả về lượng lẫn về phẩm, vì nghệ thuật ở Mycènes còn tiến linh ở Troie. Ông đánh một bức điện tín cho vua Hy Lạp, trong có đoạn:

“… Tôi đã thấy trong những lăng tẩm những kho vàng mênh mông đầy những đồ cổ bằng vàng. Chỉ kho vàng đó cũng đã đủ chất đầy một viện khảo cổ lớn, lạ lùng nhất thế giới, và làm cho hậu thế sẽ tới Hy Lạp để thăm nó. Tôi làm việc vì yêu khoa học, cho nên tôi không muốn giữ bảo vật đó mà tặng cho nước Hy Lạp”

Ông đã có lần muốn nghỉ, giao công việc cho một viện khoa học nào đó tiếp tục, nhưng không viện nào nhận, ông lại đành phải làm lấy. Trong những năm 1878- 1883, ông trở lại hai lần nữa ở Troie. Ông dùng 150 phu, nhưng vẫn đích thân chỉ huy mọi việc. Ông đào sâu thêm, thấy cứ hết lớp cổ tích này, lại tới một lớp cổ tích khác, thành thử ở một chỗ mà trước sau có sáu thành chồng chất lên nhau. Cứ thành trước bị tàn phá thì người tới sau san phẳng đi rồi dựng ngay một châu thành khác lên. Ông dùng hết tâm lực để vẽ bản đồ những thành đó. Công việc cực kỳ gian nan. Nhà cầm quyền Thổ nghi kỵ ông là gián điệp của Đức, cố ý vẽ bản đồ thành lũy Dardanelles, cho lính canh từng cử động của ông, cấm các kiến trúc sư giúp việc ông không được đo, nhắm, ghi chép gì hết. Ông đành phải nhớ rồi về nhà chép lại. Nhờ những tài liệu đó, ông soạn thêm cuốn Troie.

Trong hai năm sau (1884 – 1885) ông đào ở Tirynthe[7] tìm được những lâu đài cổ mà kiến trúc rất đẹp, giúp cho khoa cổ sử có thêm những tài liệu cực quý.

Hồi đó ông đã 62 tuổi, mà tinh thần vẫn cường tráng. Đúng 4 giờ thiếu 15 ông dậy, ra biển lội mười phút, lên bờ uống cà phê xong, rồi cưỡi ngựa về Tirynthe trước khi mặt trời mọc. Trưa nào nắng quá thì ông gối đầu trên đá mà ngủ, lấy nón che mặt. Chiều tối mới về nhà.

Năm 1886, ông về Athènes nghỉ ngơi trong một biệt thự đẹp nhất châu thành. Gia sản của ông mênh mông. Những danh nhân khắp thế giới lại thăm ông hoặc thư từ với ông. Nhà trang hoàng bằng toàn những báu vật ông đào được, và trong khung cảnh đó, hai ông bà thường ngâm thơ Homère với nhau sau những giờ xếp đặt lại tài liệu.

Nhưng một người hoạt động như ông không bao giờ chịu ở nhà lâu. Vẫn say mê những cái bí mật của thời cổ, ông đi đu lịch Ai Cập thêm hai lần nữa, vào cuối năm 1886 và cuối năm 1887. Ông ngược dòng sông Nil, thăm các đền đài, lăng tẩm, vào làng thổ dân, nói tiếng Á Rập với họ, tụng kinh Koran với họ.

Sau hai lần du lịch đó, ông lại hăng hái muốn tìm những di tích chứng tỏ sự liên quan giữa nền văn minh Troie và nền văn minh Ai Cập. Ông định đào ở tỉnh Quadesh, rồi qua tỉnh Cnossos ở đảo Crète, nhưng việc không thành.

Đương lúc đó, một việc xảy ra làm ông phải trở lại Troie một lần nữa. Nguyên do như vầy: Một viên đại tá hồi hưu nọ tên là Boetticher, chưa hề đặt chân lại Troie lần nào mà dám viết bài báo trong mấy năm, rồi lại viết sách để chỉ trích Schliemann là đã bịa đặt; đã đưa những tấm hình, những bản đồ giả mạo về Troie, chứ thực ra Troie chẳng có lâu đài cổ gì hết, mà chỉ là một nơi để thiêu những thi hài. Như vậy có động trời không chứ. Thực là không làm sao hiểu tâm lý hạng người đó, nhưng nếu ta để ý nhận xét thì thấy họ nhan nhản ra đấy, thời nào cũng có, ngay ở chung quanh chúng ta đấy. Lạ lùng nhất là một nhà khảo cổ Pháp tên Boetticher, làm cho dư luận hoang mang. Schliemann bèn mời địch thủ của ông cùng các nhà bác học qua Troie và tháng ba năm 1890, ông lại đào thêm di tích ở Troie, lần này với một quy mô rộng lớn hơn, tìm thêm được nhiều nền cũ và nhiều đồ cổ nữa ở vào thời từ 1500 tới 1000 năm trước tây lịch.

Qua tháng bảy ông đau ở tai, về Athènes nghỉ ngơi, định năm sau trở lại đào nữa. Ông phải mổ hai tai, vừa mổ xong, cậy sức mạnh, ông đi Berlin, Paris thu xếp công việc. Tới Paris, bệnh tái phát, ông không chịu ở lại chữa, qua Naples. Tai ông sưng lên, làm mủ, mủ lan qua óc, ông mê man và chết trong một dưỡng đường ở Naples. Năm đó là năm 1890. Ông 68 tuổi.

Thi hài ông đưa về Athènes, Vua Hy Lạp và các chính khách Đức, Anh, các nhà bác học khắp thế giới, hoặc lại đưa đám, hoặc tỏ lời thương tiếc một người đã có công lớn với văn minh nhân loại.

Công lớn đó, chính ông cũng không ngờ được. Cái mộng của ông và nàng Minna hồi tám tuổi chỉ là tìm những di tích thành Troie khi Ulysse qua đó xâm chiếm, những di tích của nền văn minh Hy Lạp cổ. Nhưng ông đã đào được nền móng của sáu châu thành chồng chất lên nhau ở Troie mà ông chưa biết rõ là ở những nơi nào. Non nửa thế kỷ sau, năm 1938, nhà khảo cổ C. W.Blegen đào thêm được ở Troie nền móng ba châu thành nữa, thành thử trước sau, ở ngọn đồi Hissarlick có hết thảy chín châu thành xây cất trong một khoảng là ba mươi lăm thế kỷ, từ thời đá mài tới thời La Mã.

Không những vậy, năm 1900, một nhà khảo cổ Anh, ông Arthur Evans, đào thấy ở đảo Crète nhiều cổ tích chứng tỏ rằng nơi đó là trung tâm một nền văn minh mà ông Schliemann đã tìm được ở Mycènes và Tirynthe, song không biết là nền văn minh nào. Nền văn minh đó là nền văn minh Egée rất rực rỡ, có trước nền văn minh Hy Lạp khoảng ngàn năm, và làm trung gian cho văn minh Ai Cập và văn minh Hy Lạp. Vậy nhờ Schliemann, nhờ đức tin mãnh liệt, lòng kiên nhẫn vô biên của ông mà non hai ngàn năm cổ sử đã được chép lại cho hậu thể. Khi hạ quan tài ông xuống huyệt, nhà khảo cổ Đức Dorpfeld, bạn cộng tác của ông, chào ông lần cuối: “Anh đã cần cù làm việc, xin chúc anh yên tĩnh nghỉ ngơi”. Có bao nhiêu người đáng nhận một lời khen như vậy?

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

Nuôi Con Không Phải Là Cuộc Chiến Khi em bé sinh ra thì bản năng không bao giờ để mình bị đói. Đói em sẽ đòi ăn, vì dạ dày nhỏ nên em phải ăn thường…
Phút Dành Cho Mẹ Bà mẹ một phút - người có phương pháp nuôi dạy con cái chỉ gói gọn trong vòng một phút nhưng lại mang tính giáo dục cao, giúp bọn…
Tài Chính Doanh Nghiệp – Corporate Finance Các quyết định tài chính tốt sẽ làm tăng giá trị cho công ty và cổ đông của nó và quyết định tài chính tồi sẽ phá hủy giá…
Back to top button