5 quyển sách hay về gốm sứ cho bạn đọc nhiều tư liệu quý giá

5 quyển sách hay về gốm sứ giúp hệ thống hóa và cung cấp nguồn tư liệu cập nhật về gốm sứ Việt Nam và thế giới từ trước cho đến nay.

Kinh Gốm

Tạng tính của tôi hợp với triết Đông hơn là triết Tây. Tôi đọc Kinh Dịch, Lão, Trang, Phật nhưng càng về sau thì càng thích tư tưởng của Phật giáo. Thích tự nhiên chứ không cố gắng gì. Có nhiều con đường để đến với Phật, tịnh độ tông, mật tông, thiền tông… Tôi thích thiền tông, thích con đường “đốn ngộ” của Thiền. Quan niệm về cái đẹp của thiền chính là tối giản vì thiền vốn vô ngôn. Chắt lọc, hàm súc, cô đọng là mỹ học thiền.

Tôi đến với gốm từ lúc còn là sinh viên. Tuần nào cũng đạp xe sang làng Bát Tràng xem, chơi học hỏi các công đoạn của nghề gốm, than củi, lò bễ, làm đất, tạo hình sản phẩm, vẽ khắc hoa văn, men thuốc, vào lò, ra lò… Thích gốm, mê gốm dẫn đến chơi gốm, sưu tầm gốm cổ Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn (thực chất cũng là học). Như trên đã nói, tôi thích tư tưởng nhà Phật hoàn toàn tự nhiên, với gốm cũng vậy, hữu duyên thôi. Chính thế nên ý tưởng làm triển lãm “Kinh gốm” ra đời. Chọn những câu kinh điển của nhà Phật và những câu thơ Thiền (Việt Nam) viết lên lọ, đĩa gốm kèm minh họa. Những câu này ngắn gọn, có khi chỉ vài ba chữ nhưng chứa đựng những tư tưởng lớn, giản dị mà sâu sắc, rất hiện đại và khoa học. Ví dụ có một cái lọ ghi câu “Thực tướng vô tướng”. Hiểu được vậy thì sẽ hiểu một hạt cải có thể chứa được cả quả núi. Hoặc một vại sành ghi câu “Phiền não tức bồ đề”. Nếu thế gian này không còn phiền não, chỉ có toàn vui vẻ, hạnh phúc thì chả cần tâm Bồ đề, chả cần Bồ tát và Phật cũng “thất nghiệp”.

Trong ngũ hành thì Thổ ở giữa, trong Thổ có Kim, có Hỏa, có Thủy, có Mộc. Tất cả đều ở Thổ mà sinh ra rồi khi diệt lại về với Thổ.

Chuyện Thổ là chuyện sinh diệt, mà cũng là chuyện người, phận người, cõi người, chuyện Thổ là chuyện thành trụ hoại diệt, chuyện được mất, vui buồn, hạnh phúc, bất hạnh… Thổ ở trung cung, ở giữa cho nên Thổ là đạo vì đạo không nghiêng về bên nào. Tôi thích Thổ vì thích cái sự “trung đạo” của Thổ. Còn một lẽ nữa, Thủy thì chủ động, Thổ chủ tĩnh, tôi thích tĩnh, tĩnh tại, yên tĩnh.

Gốm hiểu theo một nghĩa nào đó chính là tam tài thiên địa nhân. Trời cho người ấy cái nghiệp chơi với đất, sống với đất. Gốm nối trời đất và người làm một. Gốm cũng là tam tài đất nước lửa. Thủy hỏa hài hòa, thủy thổ cân bằng đấy là lẽ trời, đấy là đạo. Chỉ có gốm là đủ cả ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ. Gốm là đạo.
Tôi không làm được gì ngoài tối giản dù là vẽ tranh, làm tượng, làm gốm hoặc thiết kế đồ họa… Tối giản là tôi, tôi là tối giản. Tối giản là “cá tính cốt tử” của tôi, là ADN, là vân tay, là người nào của ấy, là căn cước tôi – Lê Thiết Cương.

Tối giản là thiền, là yên tĩnh, là vô ngôn, là kiệm lời, kiệm hình, kiệm mầu, kiệm nét là nói bằng im lặng, “im lặng sấm sét”

Nhà Phật quan niệm, đi tu chính là trở về mình, tìm ra được cái “bản lai diện mục” của mình, kiến tính thành Phật, “ngoái đầu là bờ” giống như nghề nghệ thuật, làm nghệ thuật chính là làm mình, tìm mình, trở về nội tâm của mình.

Dự án nghệ thuật Kinh Gốm ngoài hai chuyện Phật và gốm còn thêm một chuyện nữa là chuyện bảo tồn truyền thống vì muốn bảo tồn thì cách tốt nhất là phải làm hiện đại truyền thống ấy, làm mới truyền thống ấy. Phải đưa được mỹ thuật hiện đại vào những Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Thanh Hà (Hội An) ấy để cho cái vại muối dưa, cái lon giã cua, cái niêu kho cá vừa là nó mà lại là một nó khác, đẹp và hiện đại. Nó phải sống được trong đời sống hiện đại.

Phần cuối cuốn sách là những bức tranh vẽ trên chất liệu bột màu / vải màn là chất liệu mà tôi vẽ trong khoảng 15 năm (1990-2005). Sự mộc mạc giản dị của chất liệu này hợp với chất Thiền, đó là lý do tôi “vẽ” thơ thiền Lý – Trần bằng bột màu / vải màn. Tôi viết bình chú, minh họa cho những câu thơ thiền và những câu kinh điển của nhà Phật trên tinh thần ngắn gọn, dễ hiểu và bằng cách hiểu của tôi. Qua gốm, qua hội họa và phần bình chú có thể sẽ giúp cho tư tưởng Phật giáo dễ tiếp cận hơn với mọi người.

Trần Nhân Tông có câu:

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch / Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

Nghĩa là: Ở trong nhà mình vốn có sẵn của quý rồi còn phải tìm đâu nữa, trước cảnh mà tâm mình là không thì khỏi cần hỏi thiền là gì?

Trong lòng mình vốn đã thích Kinh Phật, thích gốm thì… Kinh Gốm thôi chả thắc mắc gì nữa.

Lê Thiết Cương

10.2020

Đồ Sứ Ký Kiểu Thời Nguyễn (Commissioned Patterned Porcelains In The Nguyễn Era)

Thuật ngữ đồ sứ ký kiểu được dùng để chỉ những đồ sứ do người Việt Nam, gồm cả vua, quan và thường dân đặt làm tại các lò gốm sứ Trung Hoa trong khoảng thời gian từ nửa sau thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, với những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa, hiệu đề. Tùy theo niên đại ký kiểu đồ sứ mà thuật ngữ này có thêm các định ngữ chỉ thời gian đi kèm như:

  • Đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh: chỉ những đồ sứ do Trung Hoa làm theo yêu cầu và mẫu mã do triều đình Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài đặt làm từ nửa sau thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII.
  • Đồ sứ ký kiểu thời chúa Nguyễn: chỉ những đồ sứ do Trung Hoa làm theo yêu cầu và mẫu mã do các vị chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tiêu biểu là chúa Nguyễn Phúc Chu, đặt làm từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII.
  • Đồ sứ ký kiểu thời Tây Sơn: chỉ những đồ sứ được đề thơ Nôm được đặt làm cuối thế kỷ XVIII.
  • Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn: chỉ những đồ sứ do người Việt đặt hàng từ 1804 đến 1925 dưới các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Khải Định.

Nghìn Năm Gốm Cổ Champa

Văn minh Champa để lại những di sản quý cho nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Trên mảnh đất miền Trung Việt Nam hiện nay, sự hiện hữu của các di tích văn hóa Champa vẫn còn rõ nét và ngày càng thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Nghiên cứu đồ gốm Champa – một loại hình di vật “gốc”, có ý nghĩa quan trọng trong việc xác lập và phục dựng diện mạo đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Champa trong lịch sử đang ngày càng được chú trọng.

Khi nói tới gốm Champa, đa phần người nghiên cứu và công chúng thường nghĩ đến gốm Gò Sành thế kỷ XIV, XV (Bình Định) và gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận). Trong khi đó còn một khối lượng lớn đồ gốm tìm được trong các địa điểm khảo cổ học Champa thế kỷ I-X vẫn chưa được nghiên cứu và công bố một cách đầy đủ, khoa học và hệ thống.

Cuốn sách Nghìn năm gốm cổ Champa sẽ hệ thống hóa và cung cấp nguồn tư liệu cập nhật về gốm Champa trong suốt 1.000 năm lịch sử (từ thế kỷ I đến thế kỷ X), góp phần bổ’ sung nhận thức mới về đồ gốm Champa và nghề sản xuất gốm truyền thống của cư dân vương quốc Champa. Bên cạnh đó nội dung cuốn sách còn đi sâu phân tích ảnh hưởng của các mối quan hệ tiếp xúc, giao lưu văn hóa đối với sản xuất và buôn bán đồ gốm Champa trong 10 thế kỷ, đồng thời nghiên cứu đồ gốm Champa trong bối cảnh rộng hơn (trong nước và khu vực) nhằm làm rõ nguồn gốc, vị trí, vai trò của đồ gốm Champa.

Gốm – Nguyễn Hữu Nam

Tiểu thuyết Gốm lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử vị vua cách mạng Hàm Nghi bị phế truất khỏi ngai vàng, bí mật tham gia phong trào Cần Vương trước khi phải chịu cảnh lưu đày biệt xứ tận Phi châu. Song song trong đó là câu chuyện gặp gỡ tình cờ giữa chàng thợ gốm trẻ tuổi tài hoa đến từ làng Phước Tích và tay chủ lò gốm Long Trường đến từ Đại Pháp. Trong quá trình hoàn thiện bức tranh gốm vẽ chân dung đương kim hoàng đế, cả hai bất ngờ bước vào cuộc đối đầu tư tưởng căng thẳng, vào xung đột về quan điểm và xu hướng sáng tạo nghệ thuật, sự khám phá bản thể và đối phương.

Như tác giả Nguyễn Hữu Nam chia sẻ, khi bắt tay viết Gốm anh không có nhiều vốn liếng kiến thức về nghề cổ truyền này. Đọc tư liệu thôi chưa đủ, anh tham gia những hội chợ đồ gốm, rong ruổi ở làng gốm Tân Vạn, vào từng hộ có lò gốm đang trên bờ lăn lốc, tàn lụi… Những người thợ gốm nhem nhuốc lam lũ với thù lao ít ỏi đang cố giữ cái nghề truyền thống mà cha ông trao truyền, những con người mang vẻ muôn năm cũ ấy, rách giấy vẫn cố giữ lấy nghề ấy được anh tái hiện trên nền cảnh của ngôi làng có “Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế” bên dòng Ô Lâu hiền hòa xứ Huế thế kỷ XIX. Ở Gốm, có những trang viết dành cho nghề gốm cổ truyền tuyệt mỹ của dân tộc, và sự ngưỡng vọng dành cho đức vua Hàm Nghi.

Gốm Sứ Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những chiếc nôi của văn minh nhân loại. Những thành tựu rực rỡ của nền văn minh ấy được kết tinh trong nhiều lĩnh vực như: kỹ thuật, kiến trúc, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, triết học, tôn giáo, văn học… hết sức phong phú và đặc sắc, trong những tinh hoa đó không thể không nhắc đến gốm sứ Trung Quốc.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, gốm sứ Trung Quốc phát triển từ gốm thô đến gốm mịn, từ gốm không phủ men đến gốm tráng men, từ gốm gia dụng đến gốm trang trí, từ gốm sứ trắng đến gốm sứ màu. Quá trình sản xuất và ứng dụng gốm sứ Trung Quốc, không chỉ dừng lại ở những sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, mà còn phát triển thành sản phẩm nghệ thuật tinh tế mang tính thực dụng và tính thẩm mỹ cao. Cùng với bước chân của người Trung Quốc, gốm sứ Trung Quốc đã đến được khắp các châu lục trên thế giới.

Để giúp cho độc giả có thêm tài liệu tham khảo, học tập và nghiên cứu về gốm sứ Trung Quốc, chúng tôi xin giới thiệu cuốn Gốm sứ Trung Quốc của tác giả Phương Lý Lợi. Bản dịch của ThS. Quỳnh Hoa đã thể hiện chân thực tác phẩm, mang đến cho độc giả những thông tin khá đầy đủ về quá trình chế tác và phát triển gốm sứ Trung Quốc qua các thời kì lịch sử. Tác phẩm đưa người đọc vượt qua không gian và thời gian đến với nhiều thời đại của đất nước Trung Quốc, tìm hiểu chất liệu, công nghệ chế tác, kiểu dáng và hoa văn trang trí trên các dòng gốm sứ từ khi đồ gốm ra đời cho đến nay. Ngoài ra, trong cuốn sách còn có những hình ảnh minh họa sinh động giới thiệu về lịch sử của gốm cổ có cả ngàn năm tuổi được lưu giữ trong các viện bảo tàng ở Trung Quốc và các viện bảo tàng nổi tiếng trên thế giới. Những báu vật này được chế tác một cách tinh tế với nhiều yếu tố như lịch sử, cuộc sống, hội họa, thơ ca, thi pháp, điêu khắc… được kết hợp hài hòa thể hiện trên các hiện vật.

Dưới góc độ lịch sử văn hóa, cuốn sách mang nội dung phong phú, đa dạng, cụ thể sinh động, đem đến cho người đọc nhiều thông tin có giá trị trong việc tìm hiểu về lịch sử gốm sứ Trung Quốc, và còn là nguồn tư liệu cho sáng tác nghệ thuật, cho nghiên cứu, cho sản xuất gốm sứ có giá trị cao trong tương lai.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

5 quyển sách hay về điện công nghiệp mang giá trị thực tiễn cao 5 quyển sách hay về điện công nghiệp giúp bạn đọc tiếp cận kiến thức về lĩnh vực điện công nghiệp một cách khoa học và đạt hiệu quả…
7 quyển sách hay về lý tưởng sống ý nghĩa, thú vị và trọn vẹn 7 quyển sách hay về lý tưởng sống giúp bạn biết được rằng mỗi sớm mai thức dậy mình đang sống vì điều gì và làm thế nào theo…
7 quyển sách dạy con của người Do Thái và Israel, đọc để trở thành những bậc cha mẹ tốt hơn 7 quyển sách dạy con của người Do Thái và Israel cung cấp thông tin về cách nuôi dạy một đứa trẻ có phẩm chất, đạo đức và giá…
Back to top button