9 cuốn sách hay về người An Nam giúp bạn đọc có thêm tư liệu về đặc điểm, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa của người An Nam trong tiến trình chung của lịch sử Việt Nam.
Tâm Lý Dân Tộc An Nam
Công trình nghiên cứu Tâm lý dân tộc An Nam (Psychologie du Peuple annamite) được Paul Giran – một quan chức cai trị thuộc địa Pháp, xuất bản vào năm 1904 sau hơn ba năm thu thập và tích lũy quan sát ở Đông Dương, để phục vụ công cuộc thực dân của nước Pháp trên đất An Nam.
Tác phẩm ra mắt người đọc Pháp quốc năm 1904, vào thời điểm những cuộc chinh phục bằng sức mạnh quân sự của người Pháp trên Vương quốc An Nam và bán đảo Đông Dương đã bước vào hồi kết, và công cuộc thuộc địa hóa xứ sở này dần chuyển sang một giai đoạn mới. Những kinh nghiệm ở Bắc Phi (Algérie, Tunisie, Maroc…) cho người Pháp hiểu rằng để duy trì sự hiện diện của họ ở An Nam nói riêng và xứ Đông Dương nói chung, họ cần đến một quá trình lâu dài.
Đó là phải tìm cách làm sao cho sự phân ly mẫu quốc – thuộc địa không trở thành một sự đứt gãy thảm khốc về nhiều mặt. Và để tìm ra con đường, trước hết những người Pháp cần phải hiểu về tâm lý dân tộc An Nam, mà công trình nghiên cứu này của Paul Giran chính là một trong những tài liệu tham khảo cho các chính khách ở mẫu quốc lúc bấy giờ.
Trong công trình của mình, Paul Giran đề xuất một nghiên cứu về dân tộc An Nam; “để khám phá những sức mạnh sâu kín của đời sống cộng đồng hoặc riêng tư; rút ra các nguyên tắc tối thượng chi phối việc thành lập các thiết chế xã hội hoặc chính trị; phân tích mọi ảnh hưởng mạnh mẽ đã định hình nên lịch sử và sự tiến hóa của nó.” Hai nguyên nhân chính, theo Paul Giran, đã góp phần vào sự hình thành bản sắc dân tộc An Nam: chủng tộc và môi trường, đó cũng là đối tượng mà công trình này tập trung khảo sát.
Để hiểu thấu đáo “tâm hồn và thần minh” của người An Nam, Paul Giran, cũng như nhiều đồng nghiệp của ông, đã thâm nhập và sinh sống để học ngôn ngữ và hiểu người bản xứ. Qua đó, khắc họa nên đặc điểm quốc gia, sự tiến hóa lịch sử, trí thông minh, xã hội và chính trị An Nam; tất cả nhằm phục vụ cho công cuộc thực dân của nước Pháp.
An Nam Truyện
An Nam Truyện – Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa là tập hợp các ghi chép về Việt Nam trong 17 bộ chính sử xưa của Trung Quốc, bao trùm một khoảng thời gian dài, từ thời nhà Tần, Hán đến năm 1911, khi cuộc Cách mạng Tân Hợi chấm dứt triều đại phong kiến cuối cùng ở nước này. Đồng thời, ngoài những ghi chép trực tiếp về vùng đất Việt cổ được biết đến với tên gọi Giao Chỉ, An Nam… thì những ghi chép về các vương quốc xưa đến nay tuy không còn mà đã là một phần của lãnh thổ Việt Nam hiện đại như: Chiêm Thành, Phù Nam, Chân Lạp… cũng được chọn dịch và ghi chép vào sách này để bạn đọc có thêm tư liệu về lịch sử của các vùng đất ấy trong tiến trình chung của lịch sử Việt Nam.
Tâm Lý Người An Nam
“Trên hết, người An Nam giữ mối hằn thù thâm sâu đối với bất cứ kẻ ngoại bang nào có thể tới để đánh bật họ ra khỏi tín ngưỡng, tập tục và định chế của họ. Dù cho người Trung Quốc hay người châu Âu đến xâm lăng xứ sở, sai khiến họ nhân danh một người chủ này hay người chủ kia, điều đó chẳng mấy quan trọng đối với họ, chừng nào người ta còn tôn trọng tôn giáo, luật lệ và tập quán của họ.”
Paul Giran, một quan chức của chính quyền Đông Dương thuộc địa, có tham vọng tường giải tâm lý dân tộc An Nam, bằng một cuộc truy nguyên về cội nguồn dân tộc đó ở đại gia đình dòng giống Mông Cổ chiếm cứ vùng trung tâm châu Á, đánh giá những nhân tố tác động thuộc về môi trường tự nhiên và nhân văn, để rồi đúc kết nên cá tính và tâm hồn bản địa trải qua cuộc tiến hóa dài lâu của lịch sử. Với kiến văn sắc sảo và sự hiểu biết khá phong phú của Paul Giran về lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa Việt Nam, Tâm lý người An nam là một tư liệu có giá trị lịch sử, chí ít là khi đối sánh với tâm lý thực dân cai trị.
Hội Kín Xứ An Nam
Cuốn sách này nghiên cứu về hội kín ở xứ An Nam, khởi từ sự bất ngờ và ngỡ ngàng của người Pháp về chuỗi sự kiện mưu loạn bạo động diễn ra ở khắp 3 kỳ vương quốc An Nam kéo dài từ cuối thế kỷ 19 đến trước năm 1930; đặc biệt là sự kiện 1913 ở Chợ Lớn (Phan Xích Long và các huynh đệ) và vụ Khám Lớn Sài Gòn năm 1916. Georges Coulet đã không hiểu làm thế nào mà tại cùng một thời điểm, ở khắp nơi trên toàn cõi Nam kỳ lại đồng loạt bùng nổ khởi nghĩa.
Đào sâu nghiên cứu, tác giả Coulet nhận ra đây không thể là ngẫu nhiên, là sự bột phát của đám đông quần chúng mà phải có sự sắp xếp và tổ chức tinh vi. Từ đây mà ông tìm kiếm để bóc tách hòng tìm hiểu về hội kín.
Ba Năm Ở An Nam Hay Nha Trang 100 Năm Trước
Được xuất bản lần đầu tiên năm 1910 bằng tiếng Anh với tựa đề Three years in Vietnam và năm 1912 bằng tiếng Pháp với tựa đề Mes Trois Ans d’Annam của bà Gabrielle M. Vassal – một phụ nữ người Anh lấy chồng là sỹ quan quân y người Pháp J.J. Vassal. Khi ông được bổ nhiệm làm việc ở Viện Pasteur Nha Trang, bà đã theo ông và có thời gian 3 năm ở đây. Trong khi ông bận rộn với công vụ và việc nghiên cứu những chứng bệnh nhiệt đới sau này sẽ làm ông nổi tiếng, bà đã thu vén công việc và để bớt nỗi nhớ nhà, bà đã bỏ công nghiên cứu cảnh vật quanh mình, thích thú tìm hiểu cảnh vật và con người. Bà quan sát cảnh quan, phong tục người An Nam với cặp mắt tinh tường rồi thuật lại một cách rõ ràng sinh động. Không chỉ quan sát, bà còn lặn lội đến tận nơi những dân tộc thiểu số sinh sống mà từ trước đến giờ ít ai biết rõ.
Những sinh hoạt hàng ngày, ngày Tết, tôn giáo và những tập tục mê tín dị đoan của người An Nam, vị trí của người đàn bà trong xã hội … được bà kể lại bằng giọng văn chân phương, dung dị với cả tấm lòng, bằng đôi mắt bao dung của một người phụ nữ Phương Tây. Nha Trang là một địa danh rất xưa. Nhưng để thành một nơi nghỉ mát nổi tiếng khắp bán đảo Đông Dương trong những năm 1930, Nha Trang đã bắt đầu một cách rất khiêm tốn. cái bình dị, khiêm tốn này như thế nào cách đây 100 năm? Và cuốn sách này có thể tới tay bạn đọc Việt Nam cũng là cả một câu chuyện ly kỳ.
An Nam Chí Lược
Từ lâu, giới nghiên cứu học thuật ở nước ta và ở cả nhiều nước trên thế giới đã biết đến bộ sách An Nam chí lược. Đặc biệt ở Trung Quốc, bộ sách này được công nhận là tài liệu của Nhà nước và cũng từng được Tứ khố toàn thư giới thiệu và xuất bản nhiều lần ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Thiển Tây… An Nam chí lược trong vài thế kỷ nay cũng được dịch, xuất bản, giới thiệu tại các nước Nhật Bản, Anh và Pháp.
Tại Việt Nam ta, từ trước đến nay, nhiều nhà nghiên cứu tuy có sử dụng, khai thác các sử liệu trong An Nam chí lược, coi đó như những cứ liệu thành văn đáng tin cậy, phản ánh một chặng dài lịch sử từ thế kỷ XIV trở về trước.
Nội dung sự thực lịch sử nước ta chứa đựng trong bộ sách này thật đa dạng và phong phú. An Nam chí lược là một nguồn tư liệu quan trọng, một phương pháp cho những bộ lịch sử Đại Việt của các tác giả khác (không nhiều lắm) viết lúc đương thời.
An Nam Cung Dịch Ký Sự
An Nam cung dịch kỷ sự là một sử liệu độc đáo trên nhiều mặt. Thêm vào đó, Chu đã từng cư ngụ ở đất Thuận-Quảng nhiều lần trong khoảng 12 năm từ năm 1646 cho đến năm 1658. Bởi thế, lối quan sát và nhận định của Chu về tình hình học thuật, xã hội và chính trị của Đàng Trong, cũng như những điều Chu nhận xét về một số nhân vật mà Chu đã từng tiếp xúc trong thời gian bị câu lưu mang nét sống động của một người có óc quan sát chứ không phải là những lời bình phẩm chung chung của một khách bàng quan.
Người đọc không nhất thiết sẽ đồng ý với tất cả những nhận xét của Chu. Thậm chí, một vài nhận xét của Chu có thể làm độc giả người Việt không mấy hài lòng. Chu là một nhà trí thức tuy khá am tường về Việt Nam nhưng ưu tiên của Chu là “bài Thanh phục Minh”, khác với hoài bão với những người Việt trên bước đường Nam tiến. Tuy nhiên, ý nghĩa của An Nam cung dịch kỷ sự là tập ký sự này cho ta một bức tranh về tình hình Đàng Trong vào thế kỷ XVII với một số nét chấm phá mới mẻ. Chính vì thế, việc phân tích và đánh giá An Nam cung dịch kỷ sự không phải đơn giản, đòi hỏi người đọc có thái độ muốn bình tâm tìm hiểu một cách khách quan về những nhận xét của Chu trong thời gian bị quản thúc ở Hội An và Thuận Hóa.
Ngoài ra, qua tập ký sự của Chu Thuấn Thủy, chúng ta có thể tìm thấy những thông tin bổ ích khác về tình hình Đàng Trong giữa thế kỷ XVII. Chẳng hạn về ngôn ngữ, về cộng đồng người Hoa và người Nhật ở Hội An, tình hình học thuật, thư mục những sách chữ Hán ở Đàng Trong lúc bấy giờ, tình trạng thích bói toán, khuynh hướng chuộng bằng cấp hư danh, đánh giá người theo khả năng làm thơ phú chứ không chú trọng đến thực học.
Làng Xã Của Người An Nam Ở Bắc Kỳ
“Xét cho cùng thì dù chúng ta sử dụng cách thức nào đi nữa, chính quyền bảo hộ vẫn có bổn phận phải chấn hưng xã An Nam bằng cách trang bị cho nó một số thiết chế như của chúng ta, đặc biệt là bằng cách giảm quyền lực tuyệt đối của tầng lớp chức sắc xã. Làm như vậy, chính quyền bảo hộ chắc chắn sẽ thu phục được sự ủng hộ hoàn toàn của tầng lớp dân chúng thông minh và dễ mến, những người, với ước muốn hưởng những thành quả của nền văn minh và tiến bộ, sẽ sẵn sàng hợp tác cùng với chính quyền bảo hộ, để biến thuộc địa vốn được thiên nhiên ưu ái này thành một trong những xứ sở thanh bình và thịnh vượng nhất trên thế giới.”
Quan điểm mới mẻ này đã thôi thúc viên công sứ Pháp nhưng rất gắn bó với xứ An Nam, Paul Ory, học tiếng Việt để có thể trực tiếp nói chuyện với người Việt, từ đó tìm hiểu những nét đặc sắc riêng có của làng xã ở Bắc Kỳ, “đơn vị cơ bản và chủ yếu hợp thành vương quốc An Nam”, trên mọi phương diện của nó.
Một tài liệu tham khảo thú vị và chứa đựng không ít bất ngờ, ngay cả với người Việt Nam trong thời hiện đại.
Nghệ Thuật Xứ An Nam
Sáng tạo nghệ thuật chỉ có thể nở rộ trong một xã hội hưng thịnh, phồn vinh, dưới sự cai trị của những ông hoàng giàu sang và nhờ vào một chế độ bảo trợ sáng suốt. Tất cả những điều đó đều thiếu vắng ở xứ An Nam, nơi đến cả những thú vui của cuộc sống thái bình cũng còn là điều hiếm. Ấy thế mà, các nghệ nhân xứ này, từ đời này sang đời khác, vẫn tạo ra được một dấu ấn riêng hết sức duyên dáng, thanh lịch, thậm chí quyến rũ, nhờ tài khéo léo đến hoàn hảo trong kỹ thuật chế tác.
Cuốn sách là cái nhìn khách quan và toàn cảnh của một người Pháp từng sinh sống và gắn bó với xứ An Nam một thời gian dài, được minh họa bằng 16 bức ảnh tư liệu quan trọng, giúp độc giả hình dung rõ hơn về bối cảnh chung của xã hội An Nam đầu thế kỷ 20, cũng như nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa và các ngành thủ công mỹ nghệ ở nước ta thời kỳ đó.
Cùng danh mục: