Chữa Lành Đứa Trẻ Bên Trong Bạn

Tác giảCharles Whitfield
Thể loạiTâm lý, Bản ngã
Số trang176
Năm1987
Rating4.3/5


Nội dung

Cuốn sách này là quá trình khám phá và phục hồi dành cho những người trưởng thành gặp tổn thương từ gia đình.

Khái niệm “Đứa trẻ nội tâm” trở thành một phần của nền văn minh nhân loại từ cách đây ít nhất 2000 năm. Carl Jung gọi khái niệm này là “Đứa trẻ thần thánh” (Divine Child), còn Emmet Fox gọi là “Đứa trẻ kì diệu” (Wonder Child).

Hai nhà tâm lý trị liệu Alice Miller và Donald Winnicott đã đề cập đến nó như là “chân ngã” (cái Tôi đích thực) của chúng ta. Nhiều chuyên gia khác trong lĩnh vực nghiên cứu chứng nghiện rượu và chất kích thích khác gọi nó là “Đứa trẻ nội tâm” (Inner Child).

Thuật ngữ Đứa trẻ nội tâm dùng để nói về phần tâm hồn vô cùng sôi nổi, tràn đầy sức sống, sáng tạo và mãn nguyện trong sâu thẳm mỗi người; đây chính là Đứa trẻ nội tâm – là Chân Ngã – là con người thực sự của chúng ta.

Những chấn thương tâm lý xuất hiện lặp đi lặp lại sẽ làm gián đoạn quá trình phát triển lành mạnh của một đứa trẻ, điều này sẽ khiến phản xạ “chiến đấu, chạy trốn hoặc tê liệt” của trẻ trở nên mất kiểm soát.

Trải qua quá trình 10 năm nghiên cứu và tìm hiểu hơn 330 báo cáo khoa học khác nhau được thực hiện trên 230.000 người ở trên khắp thế giới, tôi có thể khẳng định rằng: chấn thương tâm lý từ tuổi thơ tạo ra vô số những hậu quả gây tổn thương khác nhau và được biểu hiện theo nhiều cách, bao gồm một hoặc nhiều hội chứng phổ biến được gọi chung là những rối loạn tâm thần – từ trầm cảm, đến nghiện ngập, tâm thần phân liệt – kéo theo một loạt các rối loạn về thể chất khác.

Những căn bệnh còn được gọi là “rối loạn chấn thương phổ quát” này thể hiện mối liên hệ mật thiết với quá khứ tuổi thơ phải trải qua những tổn thương liên tiếp. Hơn nữa, trái ngược với những kiến thức tâm thần học hiện đại, có rất ít bằng chứng cho thấy nguyên nhân của những chứng bệnh này xuất phát từ một rối loạn chuyển hóa gen trong tính chất hóa học của bộ não.

Thực tế được ghi nhận qua các nghiên cứu về sự bất thường của não bộ cho thấy chính những sự bất thường này dường như mới là cơ chế gây ra sự rối loạn, với những tổn thương liên tiếp trong thời thơ ấu và giai đoạn sau đó là nguyên nhân cho cả rối loạn tâm thầm và cơ chế gây ra nó.

Phần đông các gia đình trên khắp thế giới đều chưa thể hiện được vai trò của mình trong việc cung cấp và hỗ trợ các nhu cầu lành mạnh của con trẻ. Hậu quả là quá trình phát triển thần kinh cùng tâm lý bình thường và lành mạnh của trẻ từ sơ sinh cho tới giai đoạn trưởng thành bị gián đoạn nghiêm trọng.

Để có thể tồn tại, bản ngã thực sự của đứa trẻ – (Cái Tôi đích thực hay Đứa trẻ nội tâm) – thứ đã bị tổn thương nghiêm trọng phải lẩn trốn vào sâu bên trong khu vực vô thức của tâm trí. Thứ xuất hiện bên ngoài là một bản ngã hay tiềm thức giả mạo và nó đang cố gắng giành quyền kiểm soát cuộc đời của chúng ta, nhưng không thể thành công đơn giản bởi vì nó chỉ là một cơ chế phòng vệ để tránh không bị tổn thương và nó hoàn toàn không có thật. Động lực của cái tôi giả mạo này chủ yếu dựa trên nhu cầu phải luôn là người làm đúng và kiểm soát được mọi thứ.

Cách gọi tên chính xác những gì đã xảy ra với chúng ta cũng như những yếu tố tạo nên đời sống nội tâm của mình khi các sự kiện đó xuất hiện, bao gồm những cảm xúc phong phú mà chúng ta có và học cách cho phép bản thân trải qua những nỗi đau cảm xúc thay vì tránh né nó.

Một trong số những nguyên tắc quan trọng nhất của việc chữa lành được gói gọn như sau “one day at a time”, tức là khi chúng ta làm gì thì hoàn toàn chú tâm vào việc mình làm mà không cần phải suy nghĩ hay lo lắng đến những việc khác, bởi vì suy nghĩ hay lo lắng cũng vô ích và không cần thiết.

Dù quá trình chữa lành có kéo dài bao lâu, chỉ cần áp dụng lời khuyên này, thì quan điểm của chúng ta có thể thay đổi ngay lập tức: giúp cho cuộc hành trình chữa lành tổn thương không chỉ dễ chịu hơn mà còn đầy ý nghĩa, để chúng ta luôn sống trọn vẹn và hết mình với khoảnh khắc hiện tại.

Với từng chút kiên nhẫn, khi cho phép mình được trải nghiệm lại những nỗi đau từng bị đè nén và được quyền đau khổ, chúng ta có thể dần dần giải phóng bản thân khỏi những mâu thuẫn nội tâm chưa được giải quyết suốt bao nhiêu năm qua, đồng thời cũng khám phá ra rằng: tương lai sẽ luôn là một điểm đến còn chưa được xác định. Cuộc sống của chúng ta thuộc về hiện tại, là nơi mà cuối cùng chúng ta luôn có thể tìm thấy sự yên bình.

Thể loại

Chữa Lành Đứa Trẻ Bên Trong Bạn có mặt trong:

Review


Ngọc Diệp - - Review on: Tiki

Hài Lòng Về Cuốn Sách

Cuốn sách giúp tôi hiểu ra đc giá trị bản thân mình hơn , những cảm xúc tâm lý bị đè nén , bản thân mình có quyền trong mọi cảm xúc . Cám ơn cuốn sách hữu ích.


Mỹ Miều - - Review on: Fahasa

Nội dung khó nhưng phải thử thách với não bộ

Mình chưa bao giờ cần nhiều thời gian để ngẫm suy về một vấn đề trong sách nhiều đến thế, do người phiên dịch dịch chưa sát ý , hay do vấn đế quá mới lạ. Nhìn tựa đề là thấy ăn mắt rồi. Sách có nhiều vấn đề rất mới mẻ, theo ý kiến cá nhân mình sách phù hợp cho ai trên 20 tuổi , ở khoảng giai đoạn này bạn sẽ bị chi phối bởi rất nhiều thứ , cảm xúc có thể lên xuống , mất phương hướng , sa đà vào những cuộc chơi . Sách giúp ta tìm được gốc rễ của vấn đề làm ta suy tư cho nên ta phải kiên trì suy ngẫm kết hợp với việc từ tìm câu trả lời


Anh Thanh - - Review on: Fahasa

Một quyển sách đáng đọc

Tôi bị cuốn hút ngay từ khi được biết tên cuốn sách từ một người thân thiết. Đây không phải là cuốn sách về thai giáo, mà là một quyển sách rất thú vị khám phá tâm lý con người. “Đứa trẻ” ở đây, chính là “đứa trẻ nội tâm”.

Quyển sách vượt qua khỏi khuôn khổ tham vấn trị liệu tâm lý thông thường, cung cấp cho người đọc công cụ tự chữa lành những chấn thương tâm lý trong xã hội.

Tác giả sách là một chuyên gia quốc tế nghiên cứu về rối loạn hành vi, phục hồi. Mặc dù bìa sách viết “Quá trình khám phá và phục hồi dành cho những người trưởng thành gặp thương tổn từ gia đình”, nhưng với khái niệm “Đứa trẻ nội tâm” theo nghĩa rộng, tác giả đã cung cấp nhiều công cụ giúp những ai đọc qua có thể tìm hiểu sâu sắc về bản thân, thậm chí hiểu sâu hơn về stress một cách khoa học.

Tác giả cũng nêu lên phương pháp nhận diện cảm xúc, hành vi, thái độ của con người trong quá trình tìm hiểu về các triệu chứng tâm lý và đề xuất phương pháp chính bạn tự phục hồi.

Sách ý nghĩa, khiêm tốn về số trang (hơn 200 trang), nên nhiều bạn sẽ thấy đọc nhanh hết sách. Để hiểu sâu hơn về bản thân, tâm lý, bạn cần đọc thêm một số sách khác nhé.

Đại ý vào đoạn viết ý nghĩa: Đứa trẻ nội tâm là phần vô cùng sôi nổi, tràn đầy sức sống, sáng tạo, và mãn nguyện trong sâu thẳm mỗi người.

– Trải qua nhiều biến cố, khó khăn, đứa trẻ nội tâm lẩn sâu trong tầng sâu vô thức con người, khiến chúng ta nhiều khi không cảm nhận trọn vẹn niềm hân hoan hay chưa phải là chính mình.

– Sự ràng buộc hay nhu cầu được kiểm soát mọi thứ là gốc rễ gây nên những phiền muộn về tâm lý.

Sách hay, nên đọc bạn nha.

Mr. Thanh


Quỳnh Nga - - Review on: Fahasa

Cảm động

By the way, mình đọc cuốn sách và khóc 2 ngày vì nó khơi gợi lại những nỗi đau trong quá khứ của mình. Sau đó, mình đã cảm thấy khá hơn và chấp nhận được những chuyện đó. Nhưng đó là do mình tự cảm thấy thế thôi,mình không nghĩ mục đích của tác giả là thế. Đọc sách để soi chiếu lại hành vi cư xử của bản thân, nguyên nhân do đâu mà có. Thông thường là do những tổn thương do cách cư xử của người lớn để lại, hiểu tại sao họ làm như vậy. Từ đó biết thấu hiểu và tha thứ cho họ, cũng như cho chính mình.


Tran Thu - - Review on: Goodreads

Tất cả chúng ta đều có đứa trẻ bên trong cần chữa lành

Một cuốn sách đi sâu về ứng dụng tâm lý học để chữa lành đứa trẻ bên trong bạn. Tất cả chúng ta đều có đứa trẻ bên trong cần chữa lành, Quá trình này không hề dễ dàng chút nào. Nó đòi hỏi ,mỗi người cần can đảm và nhẫn nại. Áp dụng qúa trình hồi phục 12 bước và sự hỗ trợ của nhóm.


Xuan Do - - Review on: Goodreads

Dành cho người mới

Viết không sâu lắm nhưng khá tổng quát và đầy đủ, phù hợp với những người bắt đầu tìm hiểu về khái niệm chữa lành và đứa trẻ bên trong.

Đọc thử sách

Hợp nhất câu chuyện ký ức

Câu chuyện của chúng ta có thể nói với chúng ta nhiều điều về bản thân mình. Vậy tại sao việc kể lại câu chuyện của chính mình lại quan trọng đến thế? Dù câu trả lời không hề đơn giản, thì các nhà nghiên cứu và các bác sĩ vẫn đang dần dần tìm thấy những mảnh ghép cho bức tranh toàn cảnh này. Như bác sĩ Whitfield đã khẳng định: “Chúng tôi bắt đầu tìm ra được mối liên hệ giữa hành vi con người trong hiện tại với những sự kiện đã xảy ra thời thơ ấu. Ngay khi chia sẻ câu chuyện của mình, chúng ta bắt đầu thoát ra khỏi vị thế của một nạn nhân, hay một kẻ luôn chịu đày đọa, hay của những hành động cưỡng chế tái hiện.”

Nghiên cứu đã chứng minh rằng, không phải những sự kiện tuổi thơ, mà chính là việc có thể diễn giải được cách chúng ta hành động hay không hành động trong sự kiện đó mới là yếu tố quan trọng nhất. Nói cách khác, một câu chuyện cá nhân được kể trọn vẹn giúp ta hợp nhất được cả cảm xúc và lý trí. Như bác sĩ Whitfield đã nói: “Chia sẻ câu chuyện của mình là một hình thức kì diệu giúp chúng ta khám phá và chữa lành Đứa trẻ nội tâm”. Hành động đơn giản đó buộc não bộ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc, bao gồm việc kết hợp cảm xúc, hành vi, ý thức và cảm giác. Trong quá trình đó, ta sẽ xác định và sắp xếp lại những sự kiện đã xảy ra trong cuộc sống, hành vi và cảm xúc của mình từ một cái nhìn bao quát, hiểu biết và lành mạnh hơn.

Quá trình hợp nhất này sẽ hiệu quả nhất khi ta thực hiện ở những nơi an toàn, chẳng hạn như: những buổi trị liệu tâm lý theo nhóm và cá nhân, các buổi họp mặt của nhóm tương trợ, viết nhật kí, hay chỉ đơn giản là dốc bầu tâm sự với một người bạn thân. 50 năm nghiên cứu đã trôi qua và một trong những phát hiện vững chắc nhất được công bố là: Sự an toàn và chất lượng của một mối quan hệ trị liệu là yếu tố tiên đoán chính xác nhất cho thành công của quá trình điều trị. Với nền tảng này, bác sĩ có thể giúp bệnh nhân tìm ra ý nghĩa trong các câu chuyện cuộc đời của họ thông qua những không gian an toàn mà ở đó người bệnh sẵn sàng mạo hiểm rũ bỏ tâm lý phòng thủ không lành mạnh để vượt qua nỗi đau và lắng nghe tiếng nói khích lệ từ sâu thẳm nội tâm của mình, đồng thời khám phá những nhận thức mới mẻ về bản thân và thế giới xung quanh họ. Một số người gọi trải nghiệm này là khoảnh khắc “à ra thế” – hay “hạnh ngộ”. Họ thấy gắn bó với bản thân nhiều hơn, cảm thấy được nối kết và hợp nhất hơn, bớt tâm lý tự vệ hơn. Tất cả những biểu hiện đó đều là dấu hiệu của sự tăng trưởng nội lực.

Các Phật tử thường miêu tả bản ngã như một củ hành tây với lớp vỏ trùng trùng, mà mỗi lớp đều là một chương mới của cuộc đời để ta khám phá và hợp nhất. Bác sĩ Whitfield giải thích rằng: “Khi chúng ta thay đổi bản thân, chúng ta bắt đầu hợp nhất và đưa sự thay đổi đó vào cuộc sống hàng ngày. Sự hợp nhất ở đây nghĩa là hiểu được sự toàn vẹn từ những mảnh riêng biệt”. Việc hiểu rõ mối liên hệ giữa sự hợp nhất với hạnh phúc của mình là điều vô cùng quan trọng. Bộ não của chúng ta càng được hợp nhất thì sẽ càng tinh vi và khỏe mạnh hơn, như minh họa trong câu chuyện dưới đây:

Marcus lớn lên trong một gia đình có cha là kẻ nghiện rượu. Ông ta thường xuyên dùng thắt lưng da để đánh đập con trai mỗi khi say. Khi được 12 tuổi, Marcus quyết định rằng anh sẽ không bao giờ cho phép ai làm tổn thương mình thêm nữa và tuyên bố rằng: “Kẻ nào dám đụng đến tôi, tôi sẽ đánh hắn nhừ tử”. Mặc dù Marcus có khá nhiều bạn nhậu, anh thường xuyên dính vào mâu thuẫn với những người đàn ông có quyền lực, như sếp, thầy giáo, cảnh sát nam và cả những nhà trị liệu nam giới. Khi được hỏi, anh nói rằng: “Tôi cảm giác như có một người nào khác đang ở bên trong và điều khiển tôi, điều này khiến tôi không thể kiểm soát nổi bản thân mình nữa.” Trong quá trình điều trị, Marcus quả thực rất khó khăn trong việc kiểm soát và diễn giải cảm xúc của mình. Anh đã miêu tả cơn giận dữ của mình là “Hoặc là tất cả hoặc không gì cả – hoặc là tôi cảm thấy quá nhiều, hoặc là tôi không cảm thấy gì hết.”

Phần lớn ngôn ngữ của não bộ được biểu hiện thông qua cảm xúc, nhưng Marcus thậm chí còn không thể gọi tên hay điều khiển tốt cảm xúc của mình. Chúng tôi coi khó khăn này là vấn đề của việc hợp nhất và Marcus cần một vài kĩ thuật trị liệu để giúp bản thân giải quyết vấn đề. Đầu tiên, anh cần nhận biết được cảm xúc đó, tiếp theo diễn giải rồi phản hồi lại một cách kịp thời và hiệu quả – Một chương trình phục hồi có thể hỗ trợ anh luyện tập tất cả các bước này. Sau đó tập thiền có thể làm thay đổi cách não bộ vận hành, chẳng hạn như: thiền chánh niệm giúp tái tạo năng lượng tinh thần và cảm xúc, cũng như thôi thúc chúng ta có thái độ và phản hồi với cuộc sống theo cách thức mới mẻ, tích cực hơn. Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay sẽ giới thiệu chi tiết từng bước để đạt được những kĩ năng phục hồi này.

Đối với những đứa trẻ như Marcus, việc phải lớn lên trong môi trường gia đình không êm ấm kích thích phần cuống não phát triển và hoạt động mạnh hơn bình thường. Đây là nơi cư ngụ của các hệ thống phản ứng căng thẳng và chỉ cần một kích thích nhỏ thôi cũng dẫn đến cảm giác sợ hãi, lo lắng, giận dữ, thịnh nộ và hành xử bốc đồng. Những tổn thương liên tiếp xuất hiện ở thời thơ ấu cũng có thể dẫn tới các khó khăn trong việc sử dụng kỹ năng đồng cảm, giải quyết vấn đề, hay khả năng tư duy trừu tượng và khái quát. Hơn nữa, những người như Marcus dễ “đọc” nhầm ngôn ngữ cơ thể của người khác, tỉ dụ như nét mặt, ước tính quá mức sự đe dọa, dẫn tới việc anh ta không có khả năng kiểm soát và điều chỉnh những nỗi đau cảm xúc của mình. Thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi, anh phải trải qua một tình huống làm gợi nhớ đến những kí ức đau thương của tuổi thơ. Ví dụ, khi làm việc, nếu người quản lý của Marcus là nam giới và người đó giận dữ với anh, thì não bộ của Marcus sẽ nhận ra và tiến vào trạng thái “chiến đấu hoặc chạy trốn”, rồi bùng phát một cơn giận dữ khác…

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

Ở Lại Thành Phố Hay Về Quê Không có sự phản biệt về cao thấp, sang hèn hay đúng sai, mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn cách sống thích hợp với mình nhất.…
Thức Tỉnh Mục Đích Sống Khi ta nhìn ngắm vẻ đẹp của một bông hoa, bông hoa ấy có thể đánh thức, dù chỉ trong thoáng chốc, cảm nhận về cái đẹp ở trong…
Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại – Các Vấn Đề Nhận Thức Luận Trong lĩnh vực khoa học, chủ nghĩa hậu hiện đại ngay từ khi xuất hiện cho đến nay, đã có sự phát triển và ảnh hưởng khá rộng tới…
Back to top button