5 quyển sách hay về thổ dân cho người đọc cái nhìn sâu sắc và khách quan về những bộ lạc, thổ dân cùng những ảnh hưởng to lớn của họ đến lịch sử, văn hóa và đời sống nhân loại của ngày nay.
Không Nhà – Tommy Orange
Không nhà là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả người Mỹ,
Tommy Orange, xuất bản năm 2018, nhan đề gốc là There There.
Bạn thường hình dung gì về một cuốn tiểu thuyết? Rằng nhân vật sống ở khu phố nọ, làm việc rồi đi du lịch ở chỗ kia, gặp ai đó rồi yêu rồi kết hôn, có vài ba mối quan hệ phức tạp nhưng rồi cũng được xử lý ổn thỏa và sẽ có một cái kết bi kịch hoặc vui vẻ?
Không nhà, hoàn toàn không như thế! Đó là những lát cắt về mảnh đời, cuộc sống, những vật lộn với trầm cảm, nghiện rượu, thất nghiệp, thách thức xã hội trong cuộc sống đô thị, những ám ảnh từ lịch sử tổ tiên của từng nhân vật trong cộng đồng người châu Mỹ bản địa(thổ dân da đỏ/người Indian) thế hệ mới.
Các nhân vật tưởng không liên quan đến nhau, nhưng cuối cùng lại có những liên kết nhỏ, như một mạng nhện mà tâm mạng là Trung tâm cộng đồng người Indian ở Oakland, là linh hồn tổ tiên người Indian. Từ cuộc nổ súng xa xưa làm thay đổi lịch sử người Indian đến cuộc nổ súng giữa đô thị hiện đại đều đẫm máu người Indian…
Cuốn sách là “một áng sử thi của người Mỹ bản địa thế hệ mới” (The New York Times), một cuốn sách “được bao trùm bởi nỗi buồn sâu sắc”, được tạo nên bởi “một người viết mới nhưng lại mang trong mình trái tim truyền thống…” (Theo Louise Erdrich, nữ nhà văn người Mỹ, từng giành giải Pulitzer năm 2009).
Không nhà đã được trao Giải thưởng Vàng cho cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Giải thưởng sách California.
Không nhà đạt vị trí số 1 trong danh sách bán chạy nhất của San Francisco Chronicle, đạt vị trí số 8 trong danh sách bán chạy nhất và thuộc top 10 cuốn sách đáng đọc nhất năm theo bình chọn của Thời báo New York.
Là tác phẩm nằm trong danh sách rút gọn của Huy chương Carnegie cho tiểu thuyết xuất sắc của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ năm 2019. Tác phẩm giành “Giải thưởng John Leonard” của Giải thưởng sách quốc gia năm 2018 cho cuốn sách đầu tiên với tác giả mới và Giải thưởng PEN Hemingway Foundation/PEN 2019.
Là ứng cử viên cho giải Pulitzer 2019.
Vầng Trăng Máu: Cuộc Thảm Sát Người Osage Và Sự Ra Đời Của Tổ Chức FBI
Trong bối cảnh thế giới ngày nay, khi các nguồn nhiên liệu tái tạo được tôn vinh là nguồn nhiên liệu phát triển bền vững, không phát thải và thân thiện với môi trường, dầu mỏ cùng các nhiên liệu hóa thạch khác bị buộc tội là thủ phạm gây ra biến đổi khí hậu cùng hàng loạt các cáo buộc khác về ô nhiễm môi trường. Tiềm ẩn trong giá trị của dầu mỏ là quyền lực, có thể tác động và quyết định cục diện chính trị toàn cầu. Lịch sử thế giới ghi nhận nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu quy mô lớn nổ ra để giành quyền kiểm soát tài nguyên được ví là “vàng đen” này.
Vầng trăng máu là một công trình nghiên cứu khá tận tâm, cho thấy một góc nhìn về những cuộc chiến tranh giành dầu mỏ ở quy mô nhỏ, gói gọn trong phạm vi các ngôi làng quy hoạch dành cho những thổ dân bản địa châu Mỹ vào đầu những năm 1900. Cuốn sách phơi bày lịch sử đẫm máu trải dài nhiều thập kỷ, mà nạn nhân chính là một trong những bộ tộc thổ dân hùng mạnh nhất thời bấy giờ, những người Osage.
Bị Chính phủ Mỹ buộc rời khỏi vùng đất rộng lớn màu mỡ sau cuộc Nội chiến, người Osage phải ly hương và định cư trên một vùng đất mới khô cằn không sức sống. Nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ nằm dưới những làng định cư này, trong cơn sốt dầu mỏ trên khắp nước Mỹ, người Osage trở thành những cư dân giàu có nhất thế giới. Từ cuộc sống săn bắt trong những căn lều gỗ nhỏ, từ gia sản gần như là hai bàn tay trắng, người Osage bỗng chốc có người hầu kẻ hạ, có xe hơi, dinh thự và tất cả những vật phẩm xa xỉ nhất thời bấy giờ. Dầu mỏ được coi như điềm phúc bất ngờ được ban tặng bởi Đấng tối cao mà người Osage luôn kính sợ, nhưng họ không ngờ rằng, nó cũng chính là điềm báo chết chóc bao trùm lên vận mệnh của toàn bộ tộc.
Thông qua cuốn sách này, bạn đọc sẽ có thêm hiểu biết về những trang lịch sử đã bị xé nát một cách thô bạo, những con người vô tội bị đẩy ra bên rìa xã hội – không được công nhận, không được bảo vệ, không làm gì sai nhưng vẫn phải chịu ngược đãi, phân biệt và không được quyền đòi “công lý”. Như tựa đề của mục cuối cùng khép lại cuốn sách, đây quả thật là “lời khóc than của máu”!
Sinh Ra Để Chạy
Sống ngăn cách với thế giới qua hẻm núi Copper Canyon (Mexico), người thổ dân Tarahumara đã tôi rèn khả năng chạy bộ hàng trăm dặm không ngơi nghỉ mà không gặp chấn thương nào. Nhà báo kỳ cựu đồng thời cũng là người chạy bộ hay mắc chấn thương Christopher McDougall đã lên đường tìm bí mật của họ. Dọc hành trình, anh đưa người đọc từ phòng thí nghiệm ở Đại học Harvard xuống thung lũng nóng như nung, lên những đỉnh cao buốt giá xuyên miền Bắc Mỹ, quê hương của người chạy bộ siêu phàm đẩy cơ thể đến cực hạn và cuối cùng là cuộc so tài thế kỷ trong hẻm núi Copper Canyon giữa những vận động viên chạy bộ cự phách nhất nước Mỹ và tộc người chạy bộ. Câu chuyện khó tin của McDougall không chỉ cuốn hút trí não mà còn tiếp sinh lực cho cơ thể khi bạn nhận ra từ thẳm sâu bên trong, mình được SINH RA ĐỂ CHẠY.
Sinh ra để chạy không phải là một cuốn sách giáo khoa về chạy bộ. Bạn sẽ không tìm thấy những kiến thức chuyên sâu, có tính kỹ thuật của môn chạy bộ, hay các bài tập, hướng dẫn giúp bạn chạy được nhanh hơn, xa hơn. Thay vào đó, tác giả Christopher McDougall lại dẫn dắt người đọc vào một câu chuyện vượt cả không gian và thời gian, tới các ngóc ngách tận cùng của Trái đất, đi ngược về lịch sử xa xưa của nhân loại, để tìm hiểu về chạy bộ như một trong những bản năng cơ bản nhất của con người. Đan quyện vào cuộc du hành xuyên thời gian, không gian đó, là câu chuyện về những cá nhân cụ thể, có đời sống xã hội bình thường như mỗi chúng ta, nhưng khi xỏ chân vào đôi giày chạy và lướt xuống đường mòn, họ bỗng lột xác thành dị nhân siêu đẳng, với khả năng chạy bộ ở cự ly siêu dài trong thời gian không tưởng. Và để đối chứng với những siêu nhân chạy bộ thời hiện đại ấy, Christopher đã tìm thấy một đối thủ hoàn hảo, một bộ tộc ẩn nấp sâu trong vùng núi cao Sierra ở Mexico, những người vẫn giữ được tác phong và lối sống thanh bạch như chính tổ tiên của họ hàng nghìn năm trước, người Tarahumara. Cao trào của cuốn sách, là một cuộc tỷ thí vượt thời gian, một giải chạy vô tiền khoáng hậu, giữa những người chạy bộ giỏi nhất thời hiện đại của nước Mỹ và những người thổ dân đại diện cho người chạy bộ nguyên thủy.
Dù kể chuyện về những dị nhân siêu phàm nhất, nhưng tác giả Christopher McDougall đã khéo léo phản chiếu chính hình ảnh của bản thân mình, một người chạy bộ nhập môn, vào mạch kể. Do đó, bất kỳ ai đọc Sinh ra để chạy cũng sẽ tìm thấy ở đâu đó hình bóng của chính mình trong sách. Cuốn sách không chỉ là một cuộc phiêu lưu, một cuộc tìm hiểu cội nguồn của chạy bộ, mà còn lột tả những cảm xúc chân thực, những nỗi niềm suy nghĩ, những tình cảm buồn vui, những vỡ òa của các nhân vật xoay quanh từng bước chạy.
Với những ai chưa từng chạy bộ, cuốn sách có thể là một lời giải đáp cho băn khoăn “chạy để làm gì?” hoặc “chạy bộ có gì hay?”, còn đối với những người đã trót đem lòng yêu môn chạy bộ, cuốn sách là một thiên sử thi, vừa lãng mạn, vừa hùng tráng, tràn đầy lòng tự hào của một giống loài “Sinh ra để chạy”.
Trí Tuệ Dân Tộc Úc
Úc, đất nước non trẻ mà mênh mông như cả một lục địa, là quê hương của loài chuột túi đáng yêu, của thứ vũ khí boomerang độc đáo như đồ chơi con trẻ, với nền văn hóa thổ dân đầy màu sắc, như thể hàng ngàn năm đã ngưng đọng ở nơi đây, những hình ảnh cổ xưa và hiện đại cùng tồn tại trên vùng đất này.
Cuốn sách trình bày về điều kiện tự nhiên, cuộc sống hoang dã của thổ dân Úc trước khi người châu Âu đặt chân lên xứ sở của họ. Nước Úc hiện nay là một tổ hợp kỳ lạ của văn hóa toàn cầu, như nó đã là một tổ hợp kỳ lạ của thiên nhiên toàn cầu, nhưng trước hết, nước Úc là đất nước của tương lai, của những giấc mơ phi lịch sử…
Từ Rừng Thẳm Amazon Đến Quê Hương Bolero
10 năm sau tác phẩm Dặm đường lang thang (NXB Trẻ, 2006), cây bút du ký Nguyễn Tập lại cho ra mắt độc giả cuốn sách thứ hai: Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero.
Cuốn sách này như một bộ phim tài liệu đặc biệt, ghi chép lại hành trình dấn thân khám phá, thâm nhập Nam Mỹ của tác giả. Như trong lời mở sách (Tại sao Nam Mỹ?), tác giả viết đại ý, Nam Mỹ với những cô hoa hậu nóng bỏng, với những cầu thủ bóng đá mạnh mẽ, tài năng như Maradona từng hấp dẫn anh từ ngày thơ ấu. Nhưng giấc mơ chinh phục Nam Mỹ lại bùng lên khi anh xem cuốn phim Motocycle Diaries kể về chuyến du hành xuyên Mỹ Latinh của chàng sinh viên y khoa năm cuối Che Guevara.
Vậy là vác balô lên đường cho những chuyến đi dài ngày: năm 2008, Nguyễn Tập có 2 tháng ăn dầm nằm dề ở xứ sở của người Quechua – hậu duệ dân Inca; 2009, lại có hai chuyến đi Mexico; cuối năm 2011, anh dành 4 tháng thâm nhập vào những bộ lạc thổ dân vùng Amazon, Peru và Bolivia. Và gần đây nhất, anh trở lại đó với những ngày làm cư dân Cuba. Chuyến khám phá Cuba – quê hương xì gà và Bolero kết thúc chỉ trước khi ông Fidel Castro qua đời vài ba hôm.
Chất liệu thực tế đi vào cuốn du ký này ngồn ngộn. Những câu chuyện từ bùa chú, ma thuật, bói toán còn sót lại nơi những đô thị song trùng đời sống văn minh – hoang dã, những phong tục lạ lùng của những bộ lạc trong rừng thẳm, những thành phố đá, hòn đảo trôi dạt, đảo búp bê… được viết lại chân xác, vắn gọn cùng với các tranh ký họa cho thấy tác giả có một cách tiếp cận thực tế rất riêng, không hề giống những người viết hồi ký kiểu “tô vẽ” như thường gặp ở những cuốn du ký của các tác giả trẻ mới nổi gần đây. Ở mỗi vùng đất tác giả đi qua, anh cũng dành mối quan tâm đặc biệt đến thân phận những người Việt lang thang, lưu lạc, đôi chỗ dành mối liên tưởng đến sự tương đồng văn hóa với quê hương mình. Chính điều này làm cho cuốn du ký có nhiều cơ tầng liên tưởng.
Cuốn du ký này gồm 4 phần: Amazon (Trong rừng thẳm Amazon), Mexico (Xứ sở của những chiếc đầu lâu pha lê, Peru (Bay trên thành phố đá) và Cuba (Lang thang trên quê hương Bolero).
Chất du ký bụi bặm, phiêu lãng và mạnh mẽ truyền cảm hứng đủ để những độc giả trẻ sau khi gấp sách lại, có thể thu xếp những hành trình kỳ thú của riêng mình
Cùng danh mục: