15 cuốn sách hay về điện ảnh giúp bạn hiểu thêm về nghệ thuật thứ bảy

15 cuốn sách hay về điện ảnh đưa bạn trở lại với cội nguồn của điện ảnh và đi vào tìm hiểu, nắm bắt các cơ sở vật chất chủ yếu giúp điện ảnh hình thành, đứng vững và đi lên.

Đặng Nhật Minh – Điện Ảnh & Cuộc Đời

Cuốn sách hấp dẫn người đọc vì những chuyện cảm động về gia đình đạo diễn những năm kháng chiến, những chuyện “bếp núc” xung quanh những bộ phim nổi tiếng của Đặng Nhật Minh. Với giọng văn kể chuyện chân thành nhưng không né tránh, cuốn hút người đọc. Cuốn sách còn hấp dẫn bởi những suy nghĩ, nhận xét tinh tế, sự bày tỏ chính kiến mạnh của tác giả trong đời sống điện ảnh đất nước mấy chục năm qua.

Những Nụ Hôn Điện Ảnh

“Tôi không hay biết gì về nguồn gốc của mình. Tôi sinh ra tại Paris từ một người mẹ không biết mặt còn bố tôi chuyên chụp ảnh các nữ diễn viên. Ít lâu trước khi qua đời, ông mời thổ lộ với tôi rằng, tôi có mặt trên đời này là nhờ một nụ hôn điện ảnh.”

Eric Fottorino tặng cuốn tiểu thuyết thứ tám những từ ngữ êm dịu, gần như mong manh, để tôn vinh điện ảnh, để kể về một thời đã qua, khi tình yêu vẫn còn có thể hiện ra như một trò chơi mạo hiểm.

Nhận định

“Eric Fottorino kể về thời thơ ấu của mình với một nghệ thuật sáng-tối tinh tế…”

(Michel Alescat)

“…cuốn sách vẽ nên một nền dư địa chí hết sức cá nhân của một Paris đã biến mất từ lâu, nơi thấp thoáng hinh bóng trong suốt của Modiano.”

(Telerama)

Film Book: Khi Chúng Ta Là Nhân Vật Chính

Với Film Book, bạn có thể tìm thấy trang viết vừa nồng nhiệt, vừa tỉnh táo về gần 60 bộ phim bao trùm lên mọi thể loại – từ những bộ phim đang cực hot đến các tác phẩm điện ảnh kinh điển, từ những bộ phim yêu đương lãng mạn đến những bộ phim tâm lý “nặng ký” có thể khiến bạn ám ảnh không ngừng… Tất cả, được Bùi Dũng “chắt chiu và nghiêm cẩn”, bằng tất cả sự quan sát và chiêm nghiệm của bản thân, để giúp người đọc trong hành trình mở cánh cửa bước vào thánh đường điện ảnh.

Đọc những gì Bùi Dũng viết, chính là bạn đang thấy một góc nhìn lạ, tiếp cận một ý tưởng lạ về một bộ phim tưởng chừng quen thuộc. Hay nói như nhạc sĩ Dương Thụ: “Những gì trong Dũng được đánh thức, được nhìn ra, sự cộng hưởng và phát lộ những cảm xúc từ phim, nhờ phim đều được Dũng chia sẻ chân tình. Những chia sẻ rất cá nhân cộng với vốn hiểu biết phong phú về phim mà anh đã dày công thu nhận là một quà tặng quý báu cho những ai mê phim, hoặc mới bắt đầu bước vào thế giới đầy mê hoặc của nghệ thuật thứ bảy.”

Không chỉ gây thú vị về nội dung, Film Book còn khiến bạn đặc biệt tò mò bởi đây là CUỐN SÁCH TƯƠNG TÁC NGHỆ THUẬT ĐẦU TIÊN tại Việt Nam – Một cuốn sách không – chỉ – để – đọc, mà còn có thể thỏa sức tô màu sáng tạo, đồng thời, với sự kết hợp công nghệ thực tế ảo (AR), cuốn sách đặc biệt này còn cho bạn trải nghiệm về việc… XEM PHIM ngay trên sách.

50 Huyền Thoại Điện Ảnh Thế Giới

Tôi say mê điện ảnh từ khi còn là một đứa trẻ nhỏ, đã từng mơ ước trở thành một diễn viên hay một hoạt động nào đó liên quan đến điện ảnh, mà ngày đó do trí óc non nớt, và hoàn cảnh của một thành phố nhỏ như Huế, tôi thực sự chưa hình dung ra được.

Có điều là trong gia đình tôi chưa có một ai làm nghệ thuật cả. Ông bà, cha mẹ tôi vẫn coi nghề diễn viên là “xướng ca vô loài”, nhưng không phải vì thế mà tôi gạt bỏ ước mơ của mình. Tôi vẫn âm thầm sưu tập hình ảnh, tư liệu điện ảnh từ những ngày thơ dịa ấy. Và có đêm, đợi cả nhà tắt đèn đi ngủ, tôi lén mở cửa sổ leo tường trốn đi coi hát đình, hát chợ – để rồi sáng hôm sau chịu một trận đòn nên thân, nhưng tôi vẫn chứng nào tật đó, niềm đam mê đối với điện ảnh không thể bỏ được, hoắc có khi tôi phải nhin ăn, nhin tiêu từng đồng để đủ tiền mua vé xem phim, những bộ phim trong đó có những diễn viên mà tôi rất đỗi ngưỡng mộ, coi là thần tượng..

Qua Pixar Là Vô Cực

Một cuộc gọi đã bắt đầu cho một hợp tác lâu dài trong lương lai: “Xin chào Lawrence. Tôi là Steve Jobs. Một vài năm trước tôi có nhìn thấy ảnh của anh trên tạp chí và tôi đã nghĩ là một ngày nào đó chúng ta sẽ làm việc cùng với nhau.”

Sau khi bị buộc nghỉ việc ở Apple, Steve Jobs chuyển mối bận tâm của mình sang Pixar, lúc bấy giờ là một công ty hầu như chưa có tên tuổi trong lĩnh vực đồ họa – nghệ thuật.

Một ngày nọ, Jobs gọi điện thoại cho Lawrence Levy, một luật sư tốt nghiệp đại học Harvard và hiện là nhân viên cấp cao làm việc tại Thung lũng Silicon. Jobs chưa từng gặp mặt Lawrence và đã gọi điện với hy vọng sẽ thuyết phục được anh về làm cho Pixar, giúp Steve phát triển Pixar.

Những gì Levy tìm hiểu được về Pixar lúc đó chỉ là một công ty đang trên bờ vực phá sản. “To Pixar and Beyond” là một câu chuyện phi thường về những gì diễn ra sau đó: Làm thế nào Levy, Jobs và đội ngũ Pixar phát triển và thực hiện một lộ trình gần như không tưởng để giúp Pixar chuyển mình từ một công ty đồ họa – nghệ thuật không tên tuổi thành một trong những câu chuyện thành công vĩ đại nhất Hollywood.

Tất cả đều diễn ra trong thế giới của Sillon Valley và Hollywood, độc giả sẽ được dẫn dắt đi qua những câu chuyện của Pixar, Disney, các công ty luật và các ngân hàng đầu tư. Những thực tế thú vị và chân thực từ những bước đầu đi lên của Pixar, những rủi ro mà Pixar đương đầu, sự hợp tác và tình bạn lâu dài của Levy và Jobs, Levy đã nhận ra một Pixar khác hơn như thế nào, tất cả đều có tính ứng dụng cao trong mọi phương diện cuộc sống của chúng ta.

Cuộc Chiến Disney

Cuộc chiến Disney là câu chuyện mê hoặc về một trong những công ty giải trí và truyền thông quyền lực nhất nước Mỹ, về những người lãnh đạo nó cũng như những người muốn lật đổ chế độ cai trị đó. Một câu chuyện đầy những nút thắt, những nhân vật để đời và đạt tới đỉnh cao ly kỳ, hồi hộp đến mức hoàn toàn có thể là chủ đề cho một bộ phim thần thoại về Disney, chỉ có điều chúng hoàn toàn là sự thật.

Các bạn sẽ được chứng kiến quá trình ra đời của những bộ phim huyền thoại như Nàng tiên cá, Người đẹp và Quái thú, Vua Sư tử, Aladdin và cây đèn thần, Câu chuyện đồ chơi, Cướp biển vùng Ca-ri- bê. Các bạn sẽ được gặp lại những cái tên đình đám như Tom Hanks, Steve Jobs, Pixar, Johnny Depp. Cùng với đó là lịch sử hoạt động suốt 20 năm của Disney, từ năm 1984 đến năm 2003, dưới sự dẫn dắt của Michael Eisner, tràn đầy những thăng trầm, những cuộc chiến phe cánh, tranh giành quyền lợi, chức vụ, những chiến lược kinh doanh, v.v. Có thể nói, toàn bộ cuốn sách là một vở kịch bi tráng và sống động về quá trình phát triển của Disney, một trong những đế chế có ảnh hưởng nhất thế giới.

Kiến Thức Học Sinh Trung Học Điện Ảnh – Sự Ra Đời Của Điện Ảnh

Đây là một cuốn sách nằm trong loạt sách tìm hiểu về điện ảnh do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Mục đích của sách là giúp các bạn đọc, kể cả các bạn có nghề, đang hành nghề làm phim, tìm hiểu rõ thêm nghệ thuật thứ bảy yêu quý của mình từ gốc gác trở đi.

Cuốn sách này sẽ đưa bạn trở lại với cội nguồn của điện ảnh và đi vào tìm hiểu, nắm bắt các cơ sở vật chất chủ yếu giúp điện ảnh hình thành, đứng vững và đi lên…

Kiến Thức Học Sinh Trung Học Điện Ảnh – Điện Ảnh Nghệ Thuật Thứ Bảy

Hẳn bạn cũng công nhận với chúng tôi một sự thật là ngày nay không ai là không yêu điện ảnh, không ai lại không thích xem phim. Nhưng, có lẽ, cũng còn nhiều người trong chúng ta biết hoi ít về điện ảnh, về cái gọi là “bếp núc” của môn nghệ thuật thứ bẩy này.

Tuy tuổi đời đã được già một thế kỷ nay, nhưng so với các bậc đàn anh, đàn chị, như văn học, kiến trúc, âm nhạc hoặc hội họa… là những bậc cao niên tính bằng thiên niên kỉ thì, rỗ ràng, điện ảnh còn quá ư non trẻ. Trẻ mà khỏe. Trẻ mà cường tráng rất mực đó, có phải không?! Đúng là “hậu sinh khả úy” thật rồi!

Hiện nay nhiều người cho rằng, điện ảnh đã trở nên lép vế, nếu không nói là lạc hậu là lỗi thời. Đúng là điện ảnh sau gần nửa thế kỷ tồn tại đã bị truyền hình lấn át, rồi khi sắp sửa bước vào tuổi 100 thì lại tiếp tục bị video chèn ép. Nhưng điện ảnh không hề bị lạc hậu và cũng chẳng hề lỗi thời chút nào!

Về mặt nghệ thuật và kỹ thuật nó vẫn xứng đáng là bậc đàn anh của phim video và phim truyền hình. Nó vẫn có quyền tự hào về việc hai người đàn em của nó dù có giỏi tới mấy, dù được người đời trọng vọng tói đâu, cũng đều lấy không ít kinh nghiệm và ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ nghệ thuật của mình.

Điện Ảnh Việt Nam: Lịch Sử – Tác Phẩm – Nghệ Sĩ – Lý Luận – Phê Bình – Nghiên Cứu

Điện ảnh Việt Nam: Lịch sử – Tác phẩm – Nghệ sĩ – Lý luận – Phê bình – Nghiên cứu của tác giả Trần Trọng Đăng Đàn gồm 4 tập. Đây là tác phẩm nghiên cứu được thực hiện trong hơn 20 năm của tác giả. Nội dung sách đề cập toàn bộ lịch sử điện ảnh Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho đến đầu thế kỷ XXI. Trong khung nghiên cứu, lý luận, phê bình của tác phẩm bao gồm 7190 tác phẩm điện ảnh do 6866 nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam thực hiện.

Cơ sở lý luận làm nền tảng cho việc nghiên cứu công trình điện ảnh này là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Những tiểu kết, tiểu luận, tổng kết, kiến nghị của tác giả công trình là rất có ích cho nhiều đối tượng độc giả, đặc biệt có ích cho giới nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, văn nghệ, giới nghệ sĩ điện ảnh và cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, hoạch định chính sách, đề xuất chủ trương, đường lối về văn hóa, văn nghệ và khoa học xã hội – nhân văn.

Điện Ảnh Nhật Bản Và Việt Nam Đương Đại – Giao Lưu Văn Hóa Và Ảnh Hưởng

Điện ảnh Nhật Bản là một trong những nền điện ảnh có sức sáng tạo, đột phá mãnh liệt với sự ảnh hưởng sâu đậm, mạnh mẽ của khuynh hướng “điện ảnh nghệ thuật”, “điện ảnh tác giả”. Dấu ấn của phong cách cá nhân và dân tộc, của sự đề cao hình thức thể hiện cũng như giá trị nhân văn đã mang lại cho các bộ phim Nhật Bản qua nhiều thời kỳ những dáng nét riêng, những vẻ đẹp riêng cũng như những thú vị và bất ngờ riêng.

Việc làm phim của Nhật Bản thực sự bắt đầu từ năm 1897 khi một cameraman làm việc cho anh em nhà Lumière quay những thước phim ở Tokyo. Trong suốt hơn 100 năm qua điện ảnh Nhật Bản đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm những vẫn luôn có những tác phẩm đặc sắc và những thế mạnh riêng. Nhiều nhà làm phim kỳ cựu trên thế giới đã học cách làm phim của các đạo diễn Nhật Bản để áp dụng cho phim của mình, nhưng ở Việt Nam, có rất ít đạo diễn cũng như khán giả tiếp cận được với nền điện ảnh Nhật Bản độc đáo và nhiều bí ẩn này.

Tuy vậy trong những năm gần đây, điện ảnh Nhật Bản đã bắt đầu có những tác động đến các nhà làm phim, các nhà phê bình và công chúng Việt Nam.Nhiều khán giả Việt Nam đã thể hiện niềm ngưỡng mộ và yêu thích của mình đối với điện ảnh Nhật Bản qua sự quan tâm tới những bộ phim, qua các bài phê bình, nghiên cứu, từ đó so sánh, đối chiếu với điện ảnh Việt Nam. Cuốn sách “Điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam đương đại: giao lưu văn hóa và ảnh hưởng” là một trong rất nhiều góc nhìn đa chiều như thế về sự riêng biệt của nền điện ảnh Nhật Nam và Việt Nam cũng như sự tiếp nhận, cải biên giữa hai nền điện ảnh châu Á. Cuốn sách đặc biệt ở chỗ, không chỉ tập hợp các bài nghiên cứu chuyên sâu từ các chuyên gia mà còn thể hiện điểm nhìn đa chiều về điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam của các nhà phê bình mới – là những bạn trẻ Việt Nam đang từng bước tiếp xúc, quan tâm và tìm hiểu về một nền điện ảnh Nhật Bản lớn mạnh. Những poster phim, những hình ảnh đặc sắc được giới thiệu trong cuốn sách này chắc hẳn sẽ khơi gợi cho các bạn trẻ sự hứng thú, niềm đam mê kiếm tìm những khuôn hình thực sự từ màn ảnh.

Hậu Trường Phim Ảnh

Hậu trường phim ảnh là sự kết hợp giữa đạo diễn Việt Linh và Phó chủ nhiệm Hội Cascadeur TPHCM, hé lộ những câu chuyện cười ra nước mắt chốn hậu trường. Xem phim, người ta chỉ thấy những cảnh quay thật đẹp, thật xúc động chứ mấy ai biết đằng sau đó là bao hy sinh thầm lặng của cả một ê kíp. Ví dụ như trong phim Mê Thảo có cảnh quản gia Tam (diễn viên Đơn Dương) nằm chết thẳng cẳng dưới đất, Nguyễn (diễn viên Dũng Nhi) trước khi phóng hoả đốt tửu phần (mộ rượu) đã đối ẩm cùng Tam. Người xem chỉ thấy cảnh Nguyễn ngồi bên, uống một ngụm rượu thì đổi lên miệng Tam một vệt mời. Đạo diễn vừa hô “cắt” thì Đơn Dương bật dậy ho sặc sụa do nước chảy vào mũi, mà phải cố gắng nín thở sợ hư cảnh phim.

Là một đạo diễn xuất sắc với nhiều giải thưởng lớn về nghệ thuật trong và ngoài nước, Việt Linh đã ghi dấu trong lòng người đọc, người xem nhiều tác phẩm điện ảnh cũng như văn học có giá trị như: Nơi bình yên chim hót, Dấu ấn của quỷ, Chung cư, Mê Thảo – Thời vang bóng…; các tập truyện, tuỳ bút Chuyện mình chuyện người, Chuyện và truyện, Năm phút với ga xép, Ở đây có nắng, Dạo chơi vườn điện ảnh, Ý tưởng nghề nghiệp…

Viết Kịch Bản Điện Ảnh Và Truyền Hình

…Nhắc đến kịch bản Thelma & Louise của tác giả Callie khouri, chúng tôi muốn nói đến sự đóng góp để làm cho nghành nghệ thuật này ngày càng phong phú, đa dạng hơn không chỉ do các nhà biên kịch chuyên nghiệp làm việc trong các hãng phim hay các trung tâm vô tuyến truyền hình, mà bao gồm có sự tham gia của đông đảo quần chúng trong bất cứ ngành nghề nào, lĩnh vực nào của xã hội miễn là người đó có lòng yêu thích đối với bộ môn nghệ thuật điện ảnh, có năng lực sáng tạo và có một kĩ thuật chuyên môn cần thiết. nhất là trong trái tim họ luôn sôi sục ngọn lửa sáng tạo.

Trong cuốn sách nhỏ này, chúng tôi không có tham vọng gì hơn là cố gắng trình bày những hiểu biết và kinh nghiệm thực hành để người đọc có thể nắm vững những nguyên tắc cơ bản trong việc viết một kịch bản phim điện ảnh và truyền hình, không quá nặng tính giáo khoa, mà cốt khơi gợi cho người đọc có được lòng tin, biến nó thành ngọn lửa sáng tạo, để trở thành một nhu cầu, một đòi hỏi bức xúc, một sự thật thôi thúc không thể không viết.

Nếu điều đó trở thành hiện thực dù chỉ trong muôn một, cũng chính là mục tiêu và niềm hạnh phúc mà chúng tôi mơ ước… – Sâm Thương

Những Bộ Phim Trong Đời Tôi

Vượt lên thân phận thấp kém của một trò giải trí chợ phiên, điện ảnh đã đi những bước dài cùng với sự tiến bộ vượt bậc của kỹ năng con người: từ câm đến nói, từ trắng đen đến màu, từ phim nhựa đến băng từ,…đã tận dụng tối đa sự phát triển kỹ thuật, kỹ xảo điện ảnh để chắp cánh cho công cuộc sáng tạo nghệ thuật. Song điều đáng nói hơn tất cả là con người đã dùng điện ảnh như một phương tiện để tư duy, một cách thế để giao lưu , hiệp thông với đồng loại, con đường tra vấn bản chất của hiện hữu. Để chứng minh sự hiện hữu của mình trước cuộc đời, và cũng không chỉ để chứng minh mà còn thể hiện trách nhiệm làm người của mình trước cuộc đời đó.

Qua việc giới thiệu các bộ phim, đối với bản thân chúng tôi không chỉ nhằm giới thiệu với độc giả, những người muốn tiếp cận với điện ảnh, mà để học hỏi, làm giàu thêm kiến thức nghề nghiệp vốn ít ỏi của mình.

Những bộ phim trong đời tôi này gồm những bài phân tích phê bình được chúng tôi tuyển chọn và hiệu đính lại, gồm những bộ phim như:

  • Công dân Kane,1941 của Orson Welles
  • Kẻ cắp xe đạp,1948 của Vittorio de Sica
  • Anh hùng, 2001 của Trương Nghệ Mưu
  • Trung Đội, 1986 của Oliver Stone
  • ..

Chân Trời Của Hình Ảnh

“Phim chuyển thể – từ chất liệu văn học, sân khấu, ngay cả từ một bộ phim khác – là một phần quen thuộc với khán giả yêu điện ảnh. Bằng một góc nhìn học thuật chuyên môn, đào sâu vào thể loại này – mà Đào Lê Na đã gọi lại tên “phim cải biên” để sát với nghĩa hơn – cuốn sách “Chân trời của hình ảnh” còn độc đáo và thú vị khi phân tích dòng phim này qua các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn huyền thoại Nhật Bản Akira Kurosawa. Với một kho tư liệu đồ sộ cùng nhiều góc nhìn mới lạ về rất nhiều tác phẩm điện ảnh của thế giới, trải dài từ quá khứ đến hiện tại, trải rộng từ châu Mỹ, châu Âu sang châu Á và cả đến Việt Nam, cuốn sách đem đến cho người đọc một cái nhìn vừa rộng, vừa sâu về hai đề tài được hoà quyện một cách gắn bó đặc biệt: phim cải biên và những tác phẩm của Akira Kurosawa.”

(Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh)

“Đi từ diện đến điểm, từ hệ thống đến bộ phận, công trình đã xuất phát từ sự phức hợp của các lý thuyết đến cải biên học và cuối cùng là nhà cải biên bậc thầy, Kurosawa Akira. Tôi đánh giá cao khả năng diễn giải và lập luận của tác giả. Công trình có những trang viết sắc sảo thể hiện năng lực cảm thụ văn học và điện ảnh cùng những tri thức văn hoá đa dạng của người viết.

Tác giả đã thuyết phục được người đọc rằng: đạo diễn điện ảnh cũng là một trong số những người đọc văn học, đã cải biên một văn bản văn học thành tác phẩm điện ảnh. Cải biên như thế nào là sự phản ánh một cách đọc và diễn giải văn bản của người đạo diễn với những công cụ đặc trưng của điện ảnh.”

(Nhà lý luận, nghiên cứu và phê bình văn học Trương Đăng Dung)

Tủ Sách Tri Thức Bách Khoa Bằng Hình – Điện Ảnh

Từ lâu, con người đã thử chiếu hình ảnh. Từ 3.000 năm trước, tại Trung Quốc, người ta đã biết chiếu những hình bóng cử động của các con rối lên một tấm màn. Đến thế kỷ XVIII, các bức hoạ đã được chiếu lên bằng ảo đăng. Thế kỷ XIX, người ta làm hình ảnh cử động được bằng các đồ chơi quang học, loại đồ chơi mà khi các hình ảnh lướt qua, người ta có cảm giác chúng đang cử động. Cùng thời gian đó, nhiếp ảnh được phát minh: điều này cho phép phân tích các cử động. Sau đó, người ta chế tạo ra máy ghi lại các hình ảnh nối tiếp nhau…

Nhờ kết hợp những phát minh của những người đi trước, hai anh em nhà Lumière đã hoàn thiện máy chiếu bóng (cinematography) vào năm 1895, loại máy đầu tiên quay và chiếu những hình ảnh sống động trên màn ảnh rộng. Điện ảnh tái tạo lại những hành động có thực đã đạt được thành công nhanh chóng. Georges Méliès, người Pháp, đã phát minh ra kỹ xảo điện ảnh, giống như ở rạp hát, ông đưa vào điện ảnh những bối cảnh, các kiểu quần áo và sáng tạo ra những kỹ xảo đầu tiên. Điện ảnh trở thành một môn nghệ thuật mới. Cùng thời điểm đó, các trường quay ngày càng lớn dần và các rạp chiếu cũng phát triển.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

7 cuốn sách hay về đọc vị, đọc tâm thuật giúp ích trong giao tiếp và cuộc sống 7 cuốn sách hay về đọc vị, đọc tâm thuật giúp người đọc học cách phát hiện ra điều người khác nghĩ hay cảm nhận một cách dễ dàng…
5 cuốn sách hay về bản lĩnh truyền tới cuộc đời bạn một niềm cảm hứng sống mạnh mẽ 5 cuốn sách hay về bản lĩnh giúp bạn xây dựng cho mình một bản lĩnh sắt đá để xuyên qua tất cả những rào cản bên trong và…
Những quyển sách hay về thuốc lá bất kỳ ai cũng nên đọc Những quyển sách hay về thuốc lá cho bạn đọc những thông tin thiết thực về nguy cơ và tác hại của thuốc lá lên đời sống, con người…
Back to top button