25 cuốn sách chuyển thể thành phim được giới thiệu giúp mở rộng và hiện thực hóa các cuốn sách yêu thích của bạn trên màn ảnh. Lựa chọn xem phim trước hay đọc trước là ở bạn.
Bộ sách Harry Potter
Bộ truyện bảy tập Harry Potter là tác phẩm đáng tự hào nhất, nổi tiếng nhất đồng thời cũng là tác phẩm mang lại danh tiếng cho sự nghiệp văn chương của nữ tác giả người Anh J. K. Rowling.
Nội dung câu chuyện giả tưởng từng gây sốt trên nhiều thị trường sách này kể về cuộc chiến của cậu bé Harry Potter một mình chống lại một phù thủy hắc ám Chúa tể Voldemort, người đã giết cha mẹ cậu để thực hiện tham vọng làm chủ thế giới phù thủy. Harry Potter đã chắp cánh cho trí tưởng tượng của trẻ em trên toàn thế giới bay cao bay xa trong thế giới pháp thuật huyền hoặc. Truyện bắt đầu với một nhân vật bình thường, thậm chí là có phần tầm thường và nó diễn ra ngay bên cạnh chúng ta, bắt đầu từ sân ga 9¾ ở nhà ga Ngã tư Vua. Lần lượt bảy tập truyện sẽ đưa độc giả đi khám phá con đường trở thành pháp sư đầy chông gai, thử thách của Harry cùng với các bạn của mình tại ngôi trường phù thủy Hogwarts.
Bộ sách Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn
Lấy bối cảnh tại vùng đất giả tưởng Middle Earth, câu chuyện là cuộc hành trình tìm kiếm và tiêu diệt chiếc nhẫn quyền lực (One Ring) thuộc về Chúa tể bóng đêm Sauron, kẻ đã chết hàng ngàn năm trước nhưng vẫn còn tồn tại trên thế gian và luôn muốn cướp lại chiếc nhẫn nhằm tái sinh quyền lực.
Chiếc nhẫn được Sauron tạo ra để thống trị vùng Middle Earth, tuy nhiên, dưới sự tàn ác của hắn, tộc Người đã cùng với tộc Tiên tạo thành liên minh đứng lên chống lại đế chế của Sauron. Cuộc chiến diễn ra ác liệt dưới chân núi Doom, cuối cùng, vua của loài người – Elendil đã bị Sauron giết chết, còn Sauron bị chính con trai của Elendil là hoàng tử Isildur chặt đứt ngón tay. Chiếc nhẫn tách khỏi Sauron, toàn bộ đội quân ma quỷ bị chế ngự, nhưng linh hồn của Sauron đã nhập vào chính chiếc nhẫn của hắn, và hắn chỉ chết khi chiếc nhẫn bị phá hủy hoàn toàn.
Tuy nhiên, chiếc nhẫn vẫn sống sót và trải qua một thời gian dài mất tích và lưu lạc, cho đến khi được truyền đến tay chàng trai Frodo Baggins thuộc tộc người Hobbit. Lúc này, trọng trách tiêu diệt chiếc nhẫn nằm trên vai của anh cùng với tám người bạn trong Hiệp hội bảo vệ nhẫn (The Fellowship of the Ring).
Tác phẩm của Tolkien nhận được sự yêu mến của hàng triệu độc giả trên khắp thế giới. Với trí tưởng tượng tràn đầy hóm hỉnh được viết bởi một niềm hứng khởi thuần khiết và một giọng văn mang sức mạnh đáng kinh ngạc, “Chúa tể của những chiếc nhẫn” vẫn đang là một cơn sốt chưa bao giờ hạ nhiệt và là cuốn sách không thể thiếu trong bộ sưu tập những cuốn truyện phiêu lưu thần kỳ hay nhất từ trước đến nay.
Bộ sách Trò Chơi Vương Quyền
Bộ sách đồ sộ và đình đám Trò chơi vương quyền là một series tiểu thuyết sử thi viễn tưởng của tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ George R. R. Martin. Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Cuộc chiến hoa hồng” và “Ivanhoe” Martin bắt đầu viết bộ sách vào năm 1991 và năm 1996 ông cho ra mắt ấn phẩm đầu tiên. Cuốn tiểu thuyết cũng như cả bộ sách nhanh chóng nhận được sự đón chào nhiệt liệt của một lượng fan hâm mộ khổng lồ, trở thành các tác phẩm best seller của nhiều bảng xếp hạng uy tín. Từ dự định viết một bộ ba tập lúc ban đầu, đến nay Martin đã đẩy kế hoạch đó lên thành bảy tập; và tập năm của bộ sách đã được phát hành vào 12/07/2011 vừa qua.
Ngoài việc đoạt được hàng loạt các giải thưởng danh giá như giải khoa học viễn tưởng Hugo Award, bộ tiểu thuyết “Trò chơi vương quyền” đã được bán bản quyền cho hơn 20 nước và dịch ra hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới. Tại quê hương của mình, tập thứ tư và thứ năm của bộ sách liên tục đứng ở vị trí số một trong Danh sách bán chạy nhất New York Times vào năm 2005 và 2011. Về số lượng, series tiểu thuyết này đã bán được hơn 7 triệu bản tại Mỹ và hơn 22 triệu bản trên toàn thế giới. Kênh truyền hình HBO đã chuyển thể series tiểu thuyết này sang series phim truyền hình chất lượng cao, đậm chất Holywood khiến danh tiếng của bộ sách cũng như tên tuổi của tác giả ngày càng vang xa.
Bộ sách viết về cuộc tranh giành quyền lực của bảy lãnh chúa vùng đất Weterlos và Essos, gồm những khu vực do các dòng họ lớn cai trị, trong bối cảnh nhiều thế lực đen tối có sức mạnh siêu nhiên như người Ngoại nhân, quỷ bóng trắ luôn đe dọa xâm chiếm Weterlos.
Lấy cảm hứng từ các sự kiện lịch sử như lịch sử nước Anh thời kỳ “Cuộc chiến hoa hồng”, nhưng Martin cố tình bất chấp các quy ước về thể loại giả tượng để viết nên bộ tiểu thuyết này. Bạo lực, tình dục và sự mơ hồ về đạo đức thường xuyên hiển thị trong tác phẩm của ông. Nhân vật chính thường xuyên bị giết, các sự kiện được nhìn nhận dưới nhiều góc nhìn khác nhau, kể cả qua cái nhìn của các nhân vật phản diện, điều này khiến độc giả không thể nghiêng về các nhân vật “anh hùng” như các cuốn tiểu thuyết thông thường khác; đồng thời cũng khẳng định thêm sự thật rằng những nhân vật anh hùng không thể đi qua các biến cố mà không bị tổn thương, mất mát giống như trong đời thực. Chính vì vậy, Trò chơi vương quyền nhận được vô số những lời khen ngợi về chủ nghĩa hiện thực. Đồng thời bộ tiểu thuyết cũng nhận được những bình luận quan trọng về vai trò của phụ nữ và tôn giáo được thể hiện trong tác phẩm.
Xứ Cát
Một thời điểm rất xa trong tương lai…
Từ đời này sang đời khác, người Fremen trên hành tinh sa mạc lưu truyền lời tiên tri về một đấng cứu tinh sẽ dẫn dắt họ giành lấy tự do đích thực…
Từ thế hệ này sang thế hệ khác, những nữ phù thủy Bene Gesserit mỏi mòn chờ đợi sự xuất hiện của một B.G. nam giới duy nhất, người có thể vượt qua mọi giới hạn không gian – thời gian…
Là Lisal al-Gaib của người Fremen, là Kwisatz Haderach của học viện Bene Gesserit, chàng công tước trẻ tuổi Paul Atreides đã làm tất cả những gì có thể để thay đổi định mệnh đó. Cha bị giết chết, mẹ bị cho là kẻ phản bội, gia tộc bị tàn sát, bản thân bị săn đuổi đến đường cùng, Paul đơn độc dấn thân vào một cuộc phiêu lưu sinh tử, không hề biết rằng mỗi hành động của mình sẽ góp phần quyết định vận mệnh của cả thiên hà. Sa mạc Arrakis khắc nghiệt tưởng như sẽ là nơi chôn vùi vĩnh viễn vinh quang của gia tộc Atreides, nhưng hóa ra lại thành điểm khởi đầu cho một huyền thoại mới…
Là một trong những cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng bán chạy nhất mọi thời đại, Xứ Cát không chỉ là lựa chọn đối với những tín đồ của Chúa nhẫn, Chiến tranh giữa các vì sao… mà còn chinh phục độc giả đủ mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp và sở thích bởi sự đa dạng và phức tạp của con người và không gian trong truyện, bởi sự tinh tế trong xây dựng tâm lý, bởi sự hấp dẫn, căng thẳng và bất ngờ của cốt truyện, bởi sự độc đáo và thú vị của khối lượng kiến thức khổng lồ cũng như bởi sự hấp dẫn trong những tư tưởng về tôn giáo, về tự do, về tình yêu, về sự sống và cái chết…
Biên Niên Sử Narnia
Narnia…một vùng đất bị đóng băng bởi mùa đông vĩnh cửu…một vùng đất đang chờ đợi để được giải phóng.
Bốn nhà thám hiểm bước qua cánh cửa của chiếc tủ áo và rơi vào vùng đất của Narnia – một vùng đất đang chịu sự thống trị bởi quyền năng của mụ Phù thuỷ Trắng. Nhưng khi mọi hy vọng gần như đã bị dập tắt thì Sư tử vĩ đại Aslan trở về, được xem là bắt đầu của những thay đổi lớn lao…
Giết Con Chim Nhại
Nào, hãy mở cuốn sách này ra. Bạn phải làm quen ngay với bố Atticus của hai anh em – Jem và Scout, ông bố luật sư có một cách riêng, để những đứa trẻ của mình cứng cáp và vững vàng hơn khi đón nhận những bức xúc không sao hiểu nổi trong cuộc sống. Bạn sẽ nhớ rất lâu người đàn ông thích trốn trong nhà Boo Radley, kẻ bị đám đông coi là lập dị đã chọn một cách rất riêng để gửi những món quà nhỏ cho Jem và Scout, và khi chúng lâm nguy, đã đột nhiên xuất hiện để che chở. Và tất nhiên, bạn không thể bỏ qua anh chàng Tom Robinson, kẻ bị kết án tử hình vì tội hãm hiếp một cô gái da trắng, sự thật thà và suy nghĩ quá đỗi đơn giản của anh lại dẫn đến một cái kết hết sức đau lòng, chỉ vì lý do anh là một người da đen.
Cho dù được kể dưới góc nhìn của một cô bé, cuốn sách Giết con chim nhại không né tránh bất kỳ vấn đề nào, gai góc hay lớn lao, sâu xa hay phức tạp: nạn phân biệt chủng tộc, những định kiến khắt khe, sự trọng nam khinh nữ… Góc nhìn trẻ thơ là một dấu ấn đậm nét và cũng là đặc sắc trong Giết con chim nhại. Trong sáng, hồn nhiên và đầy cảm xúc, những câu chuyện tưởng như chẳng có gì to tát gieo vào người đọc hạt mầm yêu thương.
Gần 50 năm từ ngày đầu ra mắt, Giết con chim nhại, tác phẩm đầu tay và cũng là cuối cùng của nữ nhà văn Mỹ Harper Lee vẫn đầy sức hút với độc giả ở nhiều lứa tuổi.
Thông điệp yêu thương trải khắp các chương sách là một trong những lý do khiến Giết con chim nhại giữ sức sống lâu bền của mình trong trái tim độc giả ở nhiều quốc gia, nhiều thế hệ. Những độc giả nhí tìm cho mình các trò nghịch ngợm và cách nhìn dí dỏm về thế giới xung quanh. Người lớn lại tìm ra điều thú vị sâu xa trong tình cha con nhà Atticus, và đặc biệt là tình người trong cuộc sống, như bé Scout quả quyết nói “em nghĩ chỉ có một hạng người. Đó là người”.
451 Độ F
Hãy mường tượng một thế giới nơi truyền hình thống trị và văn chương ngấp nghé trên bờ tuyệt chủng, nơi thông tin nông cạn được tung hô còn tri thức và ý tưởng thì bị ruồng rẫy, nơi tàng trữ sách là phạm pháp, ta có thể bị bắt chỉ vì tản bộ trên vỉa hè, còn nhiệm vụ của những người lính không phải cứu hỏa mà là châm mồi cho những đám cháy…
Khi khắc họa cái xã hội giả tưởng ấy qua con mắt nhìn khủng hoảng niềm tin của anh lính phóng hỏa Montag, Ray Bradbury chắc không thể ngờ vào tính tiên tri khủng khiếp của cuốn sách. Xã hội chúng ta đang sống ngày nay giống với những gì Bradbury mô tả đến rùng mình: một nền văn minh lệ thuộc quá nhiều vào truyền thông, giải trí và công nghệ. Bởi lẽ đó, hơn sáu chục năm kể từ lần đầu xuất bản, 451 độ F vẫn đủ sức khiến bất kỳ ai đọc nó phải sửng sốt và choáng váng
Charlie Và Nhà Máy Sô Cô La
Ngài Willy Wonka là người sản xuất sôcôla lạ lùng nhất, kì quái nhất và cũng phi thường nhất trên thế giới này!
Chuyến phiêu lưu kì thú của Charlie Bucket bắt đầu khi cậu bé tìm thấy một chiếc vé vàng quý báu của ngày Willy Wonka và trứng thưởng cả một ngày vui chơi trong nhà máy sôcôla kì lạ. Cậu không hề biết rằng có nhiều điều bất ngờ đang chờ đợi mình phía trước.
Các tác phẩm của Roald Dahl đã được dịch và in hàng triệu bản khắp nơi trên thế giới.
“Charlie và nhà máy sôcôla” là một trong những cuốn sách cho trẻ em được yêu thích nhất mọi thời đại và được Hollywood dựng thành bộ phim ăn khách vào năm 2005, với sự góp mặt của diễn viên nổi tiếng Johnny Depp trong vai ngài Willy Wonka.
“Charlie và nhà máy sôcôla” đứng đầu danh sách trẻ nên đọc ở tiểu học do National Association for the Teaching of English và tạp chí TES (ấn phẩm hàng tuần của Anh dành cho giáo viên tiểu học) bình chọn.
Vào Trong Hoang Dã
Tháng Tư năm 1992, một chàng trai trẻ xuất thân từ một gia đình khá giả ở Bờ Đông bắt xe đi nhờ tới Alaska rồi đơn độc cuốc bộ vào miền đất hoang dã phía Bắc ngọn McKinley. Tên cậu là Christopher Johnson McCandless. Cậu đã tặng toàn bộ số tiền tiết kiệm 25.000 đô la Mỹ cho quỹ từ thiện, bỏ lại xe hơi và gần như tất cả mọi tài sản của mình, đốt cháy tiền mặt trong ví và bắt đầu tạo dựng một cuộc đời mới cho chính mình…
Hơn hai mươi tuổi đời, gia đình giàu có, học vấn cao và một tương lại rộng mở phía trước, vậy mà Christopher McCandless (hay Alexander Supertramp như anh tự gọi mình) đã từ bỏ tất cả để dấn thân vào hành trình đơn độc xuyên qua hết thảy các vùng hoang dã của Bắc Mỹ. Dưới ngòi bút sống động của Jon Krakauer, Vào trong hoang dã, cuốn sách mô tả những trải nghiệm phi thường đó của Christopher McCandless, đã trở thành một cuốn tự truyện nổi tiếng, một tác phẩm khó quên về thiên nhiên và phiêu lưu, ngợi ca một cuộc sống tận hiến và cảm động. Câu chuyện được dựng thành phim vào năm 2007 ở Mỹ.
12 Năm Nô Lệ
Khi chế độ nô lệ được xoá bỏ ở miền Bắc nhưng vẫn tồn tại ở miền Nam nước Mỹ, Slomon Northup, một công dân da đen của thành phố New York đã bị bắt cóc rồi đen bán làm nô lệ tận miền Nam. Trong số những câu chuyện về nô lệ từng được viết ra trên thế giới, 12 năm nô lệ thực sự là một cuốn sách vô song, bởi nó là câu chuyện có thật, được viết ra bởi một người từng hít thở bầu không khí tự do phương Bắc lẫn nếm mùi nô lê phương Nam, người từng có một gia đình và được tôn trọng, rồi từng trần lưng hứng đòn roi dưới mặt trời Lousiana gay gắt, đổ mô hôi, nước mắt và cả máu trên những đồn điền mía và bông, những nhánh sông của vùng đầm lầy hoang sơ nước Mỹ…
Mười hai năm nô lệ có cả sự chân thật tuyệt đối cũng như một văn phong quyến rũ không ngờ. Dẫu tác giả của nó phải chịu đựng bao khổ đau, những dòng chữ ông viết ra vẫn chưa bao giờ nhuốm màu thù hận. Từ tận đáy lòng, Solomon Northup hẳn là một con người rất tin vào sự bình đẳng của con người. Và bởi chế độ nô lệ đã khuyến khích cái tàn ác trong những người da trắng tàn ác, trói buộc lòng tốt trong những người da trắng tốt bụng, nó đáng bị xoá bỏ như một tất yếu của lịch sử và lương tâm.
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Tam Quốc diễn nghĩa là một tiểu thuyết dựa vào lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam Quốc (220-280). Tiểu thuyết này được xem là một trong bốn tác phẩm cổ điển hay nhất của văn học Trung Quốc.Tác phẩm là kho tàng đồ sộ về lịch sử trong đó chúng ta có thể thấy hiện lên thời kỳ Tam Quốc đầy hỗn loạn với những nhân vật lịch sử nổi tiếng như Lưu Bị,Gia Cát Lượng,Tào Tháo….Tam Quốc diễn nghĩa đã đi sâu vào lòng người dân đến mức không ai không biết tới những nhân vật nổi tiếng trong thời Tam Quốc,những trận đánh lịch sử trận Xích Bích,Hổ Lao Quan…
Sau nhiều thế kỷ tồn tại tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa ngày càng nổi tiếng và đem đến một sức hút mãnh liệt trong lòng độc giả.Hi vọng lần tái bản này có thể tiếp nối niềm đam mê Tam Quốc diễn nghĩa diễn ra trong nhiều thế kỷ qua và thỏa mãn được độc giả Việt Nam.
Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao
Mặc dù phép màu y học đã giúp thu hẹp khối u và ban thêm vài năm sống cho Hazel nhưng cuộc đời cô bé đang ở vào giai đoạn cuối, từng chương kế tiếp được viết theo kết quả chẩn đoán. Nhưng khi có một nhân vật điển trai tên là Augustus Waters đột nhiên xuất hiện tại Hội Tương Trợ Bệnh Nhi Ung Thư, câu chuyện của Hazel sắp được viết lại hoàn toàn.
Sâu sắc, táo bạo, ngang tàng, và thô ráp, Khi lỗi thuộc về những vì sao là tác phẩm thương tâm và tham vọng nhất của John Green, tác giả của những giải thưởng, nhưng đồng thời lại khám phá một cách khéo léo nét hài hước, li kỳ, và bi thảm của việc sống và việc yêu.
Không Gia Đình
Không Gia Đình là tiểu thuyết nổi tiếng nhất trong sự nghiệp văn chương của Hector Malot. Hơn một trăm năm nay, tác phẩm giành giải thưởng của Viện Hàn Lâm Văn học Pháp này đã trở thành người bạn thân thiết của thiếu nhi và tất cả những người yêu mến trẻ khắp thế giới.
Không Gia Đình kể về chuyện đời Rémi, một cậu bé không cha mẹ, họ hàng thân thích. Sau khi phải rời khỏi vòng tay của người má nuôi, em đã đi theo đoàn xiếc thú của cụ già Vitalis tốt bụng. Kể từ đó, em lưu lạc khắp nơi, ban đầu dưới sự che chở của cụ Vitalis, sau đó thì tự lập và còn lo cả công việc biểu diễn và sinh sống cho cả một gánh hát rong. Đã có lúc em và cả đoàn lang thang cả mấy ngày đói khát rồi còn suýt chết rét. Có bận em bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ hàng tuần. Rồi có lần em còn mắc oan bị giải ra tòa và phải ở tù. Nhưng cũng có khi em được nuôi nấng đàng hoàng, no ấm. Song dù trong hoàn cảnh nào, Rémi vẫn giữ được sự gan dạ, ngay thẳng, lòng tự trọng, tính thương người, ham lao động chứ không hạ mình hay gian dối. Cuối cùng, sau bao gian nan khổ cực, em đã đoàn tụ được với gia đình của mình.
Tác phẩm đã ca ngợi sự lao động bền bỉ, tinh thần tự lập, chịu đựng gian khó, khích lệ tình bạn chân chính. Ca ngợi lòng nhân ái, tình yêu cuộc sống, ý chí vươn lên không ngừng…Không Gia Đình vì thế đã vượt qua biên giới nước Pháp và tồn tại lâu dài với thời gian.
Cha Và Con ( The Road )
“Cha và con” là tác phẩm nghệ thuật về cái đẹp đến sững sờ, hoang dã và đau xót. Lấy bối cảnh là một mùa đông dài vô tận hậu Khải huyền, Cormac McCarthy viết về một người đàn ông không tên cùng đứa con trai, lang thang trong một thế giới điên loạn, lạnh lẽo, tối tăm, nơi tuyết tuyết rơi chuyển màu xám xịt, hướng về phía bờ biển, tìm kiếm một nơi nào đó có sự sống và ấm áp. Ở thế giới hoang tàn này không gì có thể sống sót nổi, con người thậm chí còn biến thành kẻ ăn thịt chính đồng loại của mình để tồn tại.
Cách viết và chọn lọc từng từ trong tác phẩm gợi lên một cách rõ ràng kết cấu, màu sắc lẫn nhiệt độ trên con đường họ đi qua, đặt trong ngữ cảnh phù hợp, nó làm bật lên nỗi sợ hãi, sự băn khoăn, tàn ác và mối đe dọa như hơi thở ngay sau gáy ám ảnh người đọc trong từng bước chân. Không những có một cốt truyện hay mà chiều sâu nhân vật nhờ cách khai thác các thủ pháp nghệ thuật cũng được khắc họa tuyệt vời dù các cuộc trò chuyện của cha và con hầu như rất ít ngôn từ được nói ra bằng lời. Đây là cuốn tiểu thuyết không dễ đọc và cảm nhận nhưng sức ám ảnh đằng sau mỗi tầng ý nghĩa của nó vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống thường nhật dù không phải ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra được.
Trước Ngày Em Đến
Cô biết từ trạm xe buýt đến nhà có bao nhiêu bước chân. Cô ý thức được rằng mình thích làm việc trong quán cà-phê Bánh Bơ, cũng như cô không còn yêu gã bạn trai Patrick nữa.
Điều Lou không thể nào ngờ tới chính là cô sắp bị mất việc và sắp sửa phải đối diện với một chuyện kinh hoàng.
Will Traynor thì thừa hiểu tai nạn mô-tô đã cướp đi mọi ước muốn sống của anh. Anh biết rằng mọi thứ trong cuộc đời này chẳng có ý nghĩa gì, cũng như niềm vui là một thứ gì đó ở đâu đâu ngoài tầm với. Anh còn biết được làm cách nào để đặt dấu chấm hết cho tất cả những điều này.
Tuy nhiên, điều Will không thể tưởng tượng nổi là Lou sắp sửa làm náo loạn cuộc đời anh. Cả hai đều không biết rằng họ sẽ làm thay đổi nhau.
Ông Trăm Tuổi Trèo Qua Cửa Sổ Và Biến Mất
Vào ngày sinh nhật lần thứ 100 của mình, cụ ông Allan Karlsson đột nhiên trèo qua của sổ ngôi nhà dưỡng lão – Nhà Già – và biến mất. Ở cái tuổi 100 hiếm ai đạt tới thì cụ có thể đi đâu được? Một cuộc truy tìm trên khắp nước Thụy Điển diễn ra từ phía những người có trách nhiệm chăm nom cụ cũng như chính quyền sở tại. Song song với cuộc truy tìm nhân đạo ấy, một cuộc truy tìm đuổi bắt khác gay cấn hơn, xảy đến từ một tên tội phạm, kẻ đã ngớ ngẩn hoặc đúng hơn, bất cẩn trao vali 50 triệu crown vào tay cụ già này.
Nhưng một người đã sống qua một thế kỷ thì không dễ gì tóm cụ ta được. Cuốn tiểu thuyết hồi tưởng lại cuộc đời phiêu lưu của Allan Karlsson, người đã đi khắp thế giới từ những năm trước Đại chiến thế giới thứ nhất đến cuộc Thế chiến thứ hai, từ nước Nga Xô Viết tới nước Mỹ siêu cường và nước Trung Quốc con rồng đang lên ở Viễn Đông. Cuốn tiểu thuyết với giọng điệu hóm hỉnh trào lộng, dẫn dắt người đọc chu du cùng Allan qua những tình huống giả tưởng làm bật lên cái nhìn tưng tửng về thế giới này. Những xung đột văn hóa, ý thức hệ và những nét khác thường của các vùng đất xa xôi, càng chứng tỏ sự đa dạng của nhân loại trong thế giới có vẻ phẳng này.
Cuốn tiểu thuyết Ông trăm tuổi bốc hơi qua cửa sổ đã trở thành hiện tượng quốc gia ở Thụy Điển, đem lại cho người đọc một cái nhìn hài hước kín đáo của văn hóa Bắc Âu, nơi có truyền thống tôn quý văn học lâu đời.
Bố Già
Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết Bố già là sự gặp gỡ giữa một bên là ý chí cương cường và nền tảng gia tộc chặt chẽ theo truyền thống Mafia xứ Sicily với một bên là xã hội Mỹ nhập nhằng đen trắng, mảnh đất màu mỡ cho những cơ hội làm ăn bất chính hứa hẹn những món lợi kếch xù. Trong thế giới ấy, hình tượng Bố già được tác giả dày công khắc họa đã trở thành bức chân dung bất hủ trong lòng người đọc.
Từ một kẻ nhập cư tay trắng đến ông trùm tột đỉnh quyền uy, Don Vito Corleone là con rắn hổ mang thâm trầm, nguy hiểm khiến kẻ thù phải kiềng nể, e dè, nhưng cũng được bạn bè, thân quyến xem như một đấng toàn năng đầy nghĩa khí. Nhân vật trung tâm ấy đồng thời cũng là hiện thân của một pho triết lí rất “đời” được nhào nặn từ vốn sống của hàng chục năm lăn lộn giữa chốn giang hồ bao phen vào sinh ra tử.
Với kết cấu hoàn hảo, cốt truyện không thiếu những pha hành động gay cấn, tình tiết bất ngờ và không khí kình địch đến nghẹt thở, Bố già xứng đáng là đỉnh cao trong sự nghiệp văn chương của Mario Puzo.
Đại Gia Gatsby
Là bức chân dung của “Thời đại Jazz” (Jazz Age, cái tên do chính Fitzgerald đặt cho thời kỳ 1918 – 1929), đại gia Gatsby nắm bắt vô cùng sâu sắc tinh thần của thế hệ cùng thời ông: những ám ảnh thường trực về thành đạt, tiền bạc, sang trọng, dư dật, hào nhoáng; song đồng thời là nỗi âu lo trước thói sùng bái vật chất vô độ và sự thiếu vắng đạo đức đang ngày một lên ngôi. Phất lên nhanh chóng từ chỗ “hàn vi”, Gatsby, nhân vật chính của câu chuyện, những tưởng sẽ có tất cả – tiền bạc, quyền lực, và sau rốt là tình yêu -, nhưng rồi ảo tưởng tình yêu đó tan vỡ thật đau đớn, theo sau là cái chết tức tưởi của Gatsby, để cuối cùng lập tức bị người đời quên lãng. Là lời cảnh tỉnh để đời của Scott Fitzgerald về cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”, Đại gia Gatsby được ví như một tượng đài văn học, một cánh cửa cần mở ra cho những ai quan tâm tới văn học và lịch sử tinh thần nước Mỹ thời hiện đai.
Đại gia Gatsby (The Great Gatsby) từ lâu đã được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông và đại học ở nhiều nước trên thế giới. Cuốn tiểu thuyết “khác thường, tuyệt đẹp, cấu trúc phức tạp song trên hết là giản dị” (như lời chính nhà văn) đứng thứ hai trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 của Modern Library, và nằm trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh từ 1923 đến 2005 do tạp chí Time bình chọn.
Kiêu Hãnh Và Định Kiến
Khắp làng trên xóm dưới Herfordshire xôn xao: Netherfield sắp có người thuê, mà còn là một quý ông chưa vợ với khoản lợi tức lên đến năm nghìn bảng mỗi năm. Chao ôi, quả là tin đáng mừng đối với gia đình ông bà Bennett, vốn có tới năm cô con gái cần phải gả chồng. Giữa những quay cuồng vũ hội cùng âm mưu toan tính của cả một xã hội ganh đua nhau tìm tấm chồng tốt cho các cô gái, nổi lên câu chuyện tình của cô con gái thứ cứng đầu Elizabeth và chàng quý tộc Darcy – nơi lòng Kiêu hãnh phải nhún nhường và Định kiến cần giải tỏa để có thể đi đến kết cục hoàn toàn viên mãn.
Suốt hơn 200 năm qua, Kiêu hãnh và Định kiến luôn nằm trong số những tiểu thuyết tiếng Anh được yêu mến nhất. Chính Jane Austen cũng coi tác phẩm xuất sắc này là “đứa con cưng” của bà. Tài năng của Austen quả thực đã biến câu chuyện tình sôi nổi nơi miền quê nước Anh thành một bản châm biếm sắc sảo hóm hỉnh và một viên ngọc quý trong kho tàng Anh ngữ.
Sự Im Lặng Của Bầy Cừu
Sự Im Lặng Của Bầy Cừu kể về vụ án giết người hàng loạt xảy ra nhưng không để lại dấu vết. Điều kỳ lạ là Lecter – một bác sĩ tâm lý bị tâm thần đang điều trị tại Dưỡng Trí Viện biết rất rõ về hành vi của kẻ sát nhân nhưng chỉ im lặng. Cho đến khi con gái của thượng nghị sĩ bị bắt cóc thì cuộc đối đầu của nữ nhân viên thực tập FBI và vị bác sĩ tâm thần đã đến cực điểm. Cuối cùng tất cả cũng đều lộ diên, thủ phạm là một tên có nhân cách bệnh hoạn, một kẻ tâm thần rối loạn cựu kỳ nguy hiểm…
Những cuộc phỏng vấn ở xà lim với kẻ ăn thịt người ham thích trò đùa trí tuệ, những tiết lộ nửa chừng hắn chỉ dành cho kẻ nào thông minh, những cái nhìn xuyên thấu thân phận và suy tư của cô mà đôi khi cô muốn lảng tránh… Clarice Starling đã dấn thân vào cuộc điều tra án giết người lột da hàng loạt như thế, để rồi trong tiếng bức bối của chiếc đồng hồ đếm ngược về cái chết, cô phải vật lộn để chấm dứt tiếng kêu bao lâu nay vẫn đeo đẳng giấc mơ mình: tiếng kêu của bầy cừu sắp bị đem đi giết thịt.
Bác Sĩ Zhivago
Tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago được Pasternak viết xong năm 1956, nhưng do nội dung không thích hợp với đời sống văn học, chính trị Liên Xô lúc bấy giờ, nên đã bị Viện Văn học Moskva và Hội Nhà văn Liên Xô kịch liệt phản đối, các nhà xuất bản ở Liên Xô từ chối xuất bản, còn bản thân Pasternak bị Hội Nhà văn Liên Xô kịch liệt lên án, đả kích.
Dù không được xuất bản trong nước và bị lên án dữ dội, nhưng tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago vẫn tìm được đường đến với độc giả các nước phương Tây. Năm 1957, bản thảo truyện được in thành sách tiếng Nga tại Ý. Năm sau có ấn bản tiếng Ý và tiếng Anh. Pasternak nhờ đó mà được đề nghị nhận giải Nobel văn chương năm 1958, nhưng chính quyền Xô viết bấy giờ ép ông phải từ chối nhận giải thưởng này. Mãi đến 1988, tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago mới được cho in và xuất bản tại Nga.
Cho đến tận ngày nay, Bác sĩ Zhivago vẫn được xem là cuốn tiểu thuyết gây sóng gió bậc nhất, là tác phẩm văn học điển hình nhất của cuộc chiến tư tưởng giữa hai siêu cường thời Chiến tranh lạnh.
Thủy Hử
Thủy Hử là một trong Tứ đại danh tác của nền văn học cổ điển Trung Quốc. Qua giọng văn sống động của tác phẩm, một trăm linh tám anh hùng Lương Sơn mỗi người một vẻ, một xuất thân, một tính cách, một cuộc đời hiện lên qua từng trang sách. Trong quá trình tụ nghĩa Lương Sơn, họ gặp quan tham thì chống, gặp ác bá thì trừng, đặt chữ “nghĩa” làm phương châm hành động. Lối hành động không câu nệ và tính cách hào sảng ấy nơi các nhân vật đã quyện xoắn những mẩu chuyện rời thành một thế giới võ lâm thu nhỏ, tạo cảm giác sảng khoái trong từng câu chữ.
“Văn chương Thủy Hử không “dệt gấm thêu hoa” như Tây Sương Ký, không “nhả ngọc phun châu” như Hồng Lâu Mộng mà là “nhạc trỗi chuông ngân”, hùng hồn, dồn dập. Văn chương Thủy Hử thì vẫn gần gũi với truyện kể dân gian. Tác phẩm Thủy Hử giữ được tính sống động của nhân vật trong ngôn ngữ gần gũi với đời sống hằng ngày, trong lối hành văn ít trang sức tô điểm.” – Giáo sư Lương Duy Thứ.
Mười Người Da Đen Nhỏ
Mười người phát hiện rằng mình đã bị lừa ra đảo để “trả giá” cho “tội ác” đã gây ra, họ ứng với 10 bức tượng nhỏ đặt trên bàn ở phòng khách. Những ngày sau đó từng người lần lượt thiệt mạng tương tự cái cách bài đồng dao trong phòng mỗi người đã mô tả. Kỳ lạ hơn là sau khi một người qua đời, số tượng trong phòng khách bằng cách nào đó đều giảm đi một.
Người đầu tiên thiệt mạng là Anthony Marston, anh ta chết vì ngộ độc với triệu chứng tương tự người bị nghẹn. Sau Marston là Ethel Rogers, bà quản gia chết được chồng phát hiện đã chết vì dùng thuốc ngủ quá liều. Vị tướng Macarthur dường như linh cảm được cái chết sẽ đến nên đã bỏ ăn mà ngồi nhìn ra biển và lảm nhảm một mình, bác sĩ Armstrong sau đó phát hiện ông đã chết vì bị một vật cứng đập vào sau đầu.
Người thứ tư thiệt mạng là Thomas Rogers, trong lúc bổ củi chuẩn bị cho bữa sáng, dường như Thomas đã để trượt tay và làm lưỡi búa bay thẳng vào đầu. Là người luôn tin rằng mình không làm gì trái với Đức tin, rằng những người khác chết là do bị Chúa trừng phạt, tuy nhiên Emily Brent cũng không thể sống sót, bà bị tiêm thuốc độc vào cổ sau bữa ăn trưa, vết tiêm trên cổ bà tương tự như vết ong đốt.
Buổi tối hôm đó đến lượt quan tòa Wargrave được bác sĩ Armstrong phát hiện đã thiệt mạng vì bị bắn vào đầu trong khi đang đội bộ tóc giả của quan tòa. Bản thân bác sĩ vào ngày hôm sau cũng được những người còn lại phát hiện đã chết đuối ở vách đá. Blore là người thứ tám thiệt mạng trên đảo, viên thám tử tư bị bức tượng trong phòng cô Vera Claythorne rơi trúng đầu trong lúc hai người còn lại đang ở ngoài bờ biển bên xác bác sĩ Armstrong.
Rơi vào trạng thái hoảng loạn, Claythorne lừa cướp được súng của Lombard và giết chết tay cựu lính đánh thuê. Cuối cùng cô trở lại phòng và treo cổ tự tử với chiếc ghế và dây thòng lọng do một ai đó đã bày sẵn…
Đây là một vụ án mà không hề có sự hiện diện hay dấu vết của thủ phạm.
Án Mạng Trên Chuyến Tàu Tốc Hành Phương Đông
“Kẻ sát nhân đang đồng hành cùng chúng ta – trên chuyến tàu này…”
Vừa quá nửa đêm, chuyến tàu tốc hành phương Đông nổi tiếng buộc phải ngừng lại vì tuyết rơi quá dày. Vào buổi sáng, tay triệu phú Simon Ratchett được phát hiện nằm chết trong toa riêng của mình với mười hai nhát dao, cửa khoang được khóa từ bên trong. Một trong những hành khách có mặt trên chuyến tàu là thủ phạm.
Một mình giữa cơn bão tuyết cùng nhân dạng mù mờ về tên sát nhân qua lời chứng của mọi người, thám tử Hercule Poirot phải tìm ra chân tướng kẻ thủ ác giữa mười hai kẻ thù của nạn nhân, trước khi tên giết người kịp đào thoát…
Đứa Trẻ Thứ 44
Matxcơva một ngày tháng Hai…
Thanh tra Leo Demidov nhận được thông tin có một vụ án mạng xảy ra trên đường ray, một đứa trẻ hơn bốn tuổi bị lột trần, mổ ruột, miệng nhét đất. Mọi lời khai đều xác thực đây đơn thuần chỉ là một tai nạn thảm khốc. Sự việc tưởng đã lắng lại, cho tới khi Leo tình cờ phát hiện ra, bên ngoài phạm vi Matxcơva, còn có rất nhiều cái chết thương tâm và bí ẩn như thế. Không thể công khai điều tra, Leo – với sự sát cánh của người vợ – từng bước vén tấm màn đen tối đã che đậy cái chết của những đứa trẻ trên khắp đất nước, cùng lúc ấy quá khứ của anh cũng được hé lộ, và con người anh lần đầu tiên hiện ra chân thật ngay cả với chính anh.
Kịch tính, dữ dội, đôi lúc đến cường điệu, Đứa trẻ thứ 44 là một trong số không nhiều câu chuyện trinh thám có khả năng gây xúc động ngay cả với những người ít quan tâm đến thể loại này nhất. Không chỉ là hành trình đi tìm sự thật đằng sau những kỳ án, nó còn là hành trình tìm lại chính mình của cá nhân, là câu chuyện về tình yêu và gia đình, và trên hết thảy, là lời khẳng định khó khăn nhưng quả quyết về chiến thắng cuối cùng của niềm tin vào công lý và lương tâm con người.
Cùng danh mục: