Tác giả | Uyên Bùi, BS Trí Đoàn |
Thể loại | Sách làm cha mẹ, gia đình, sức khỏe |
Số trang | 300 |
Năm | 2016 |
Rating | 3.9/5 |
Nội dung
Để con được ốm có thể coi là một cuốn nhật ký học làm mẹ thông qua những câu chuyện từ trải nghiệm thực tế mà chị Uyên Bùi đã trải qua từ khi mang thai đến khi em bé chào đời và trở thành một cô bé khỏe mạnh, vui vẻ. Cùng với những câu chuyện nhỏ thú vị của người mẹ là lời khuyên mang tính chuyên môn, giải đáp cụ thể từ bác sỹ Nguyễn Trí Đoàn, giúp hóa giải những hiểu lầm từ kinh nghiệm dân gian được truyền lại, cũng như lý giải một cách khoa học những thông tin chưa đúng đắn đang được lưu truyền hiện nay, mang đến góc nhìn đúng đắn nhất cho mỗi hiện tượng, sự việc với những kiến thức y khoa hiện đại được cập nhật liên tục. Cuốn sách sẽ giúp các bậc phụ huynh trang bị một số kiến thức cơ bản trong việc chăm sóc trẻ một cách khoa học và góp phần giúp các mẹ và những-người-sẽ-là-mẹ trở nên tự tin hơn trong việc chăm con, xua tan đi những lo lắng, để mỗi em bé ra đời đều được hưởng sự chăm sóc tốt nhất.
Trên thị trường có nhiều đầu sách về chăm sóc trẻ, tuy nhiên đa phần đều là nội dung được dịch từ các sách nước ngoài nên phần nào đó không phù hợp với các gia đình Việt bởi sự khác biệt về suy nghĩ và ý thức hệ cùng những quan niệm sống. Đặc biệt là các cuốn sách ấy không bao giờ nhắc tới cách xử lý các vấn đề đời thường, những kinh nghiệm dân gian hay phương pháp chăm sóc trẻ từ “kinh nghiệm cá nhân” của các mẹ tràn lan trên các diễn đàn và mạng xã hội – những điều đang tồn tại trong xã hội Việt ta hiện nay. Do đó, Để con được ốm trở thành một tác phẩm độc đáo khi đi sâu vào vấn đề chăm sóc con trẻ cùng những điều bất cập trong xã hội Việt, trong những gia đình Việt, giữa các thành viên trong gia đình. Để con được ốm không phải là cuốn “bách khoa toàn thư” chữa bách bệnh ở trẻ em, nó đơn giản là lời sẻ chia và động viên gửi đến các bà mẹ trẻ nói riêng và các gia đình nói chung.
Hi vọng, cuốn sách sẽ khiến các bậc phụ huynh cảm thấy như một luồng gió mát giúp “cởi phăng”, “cuốn bay” những suy nghĩ, những định kiến không đúng như những lớp áo giáp vững chắc về hiều biết, về cách chăm sóc trẻ khi bệnh cũng như khi khỏe.
Thể loại
Để Con Được Ốm có mặt trong:
- 25 quyển sách làm cha mẹ hay, rất dễ đọc và đưa ra những lời khuyên hợp lý
- 15 cuốn sách nuôi dạy con hay làm cha mẹ nên đọc
Review
Chí Trung - - Review on: Tiki
Sách hay, hữu ích, mở mang nhiều điều
Đúng là sách gối đầu giường dành cho các bà mẹ bỉm sữa. Sách hay, hữu ích với cách đưa ra thông tin bằng giọng văn vừa hóm hỉnh lại vừa mô tả chân thực cảm xúc mẹ bỉm sữa của tác giả Uyên Bùi cùng với những tư vấn thuyết phục của bs Trí Đoàn. Những mẹ nào sắp sinh có thời gian thì nên tìm đọc trước, để không bỡ ngỡ khi bị đùng 1 cái, “ngay lập tức được trời thẳng tay thảy vào thế giới làm mẹ”. Mẹ nào đang bỉm sữa lần đầu cũng càng nên đọc xem những câu chuyện có quen thuộc không, cách xử lý của mình đã chuẩn chưa ^^ Khuyến khích cho cả các ông bà cùng đọc để kết hợp kinh nghiệm dân gian 1 cách khoa học nhất, không gây mâu thuẫn thế hệ
Tugumi - - Review on: Tiki
Sách gối đầu giường của những gia đình có con nhỏ
Đây là quyển sách mình thấy nhà nào có trẻ nhỏ cũng nên trang bị. Nội dung khá đầy đủ tất cả những “bệnh” mà một em bé rất hay gặp phải, giải thích nguyên nhân, cách xử lí, những hiểu lầm thường thấy. Các mẹ nên cho các bố đọc cùng để ko đơn độc trong hành trình vừa nuôi con vừa phải chiến đấu vs “các thế lực bên ngoài
Hồng Hạnh - - Review on: Tiki
Cực kì hài lòng
Cuốn sách rất bổ ích với những ai lần đầu làm mẹ như mình vì nhiều điều thắc mắc mình tìm thấy trong cuốn sách này như là vacxin, dùng máy lạnh, con phát triển như thế nào… để hướng tới việc làm sao cho con phát triển khoẻ mạnh bình thường mà không bị lung lay bởi những ý kiến khác nhau khi con dùng thuốc để chữa bệnh hay phát triển như bạn bè cùng trang lứa bởi mỗi đứa trẻ là một cá thể không giống nhau.
Hồng - - Review on: Fahasa
Thực tế và hữu ích
Sách viết rất thực tế và giúp các mẹ đỡ lo lắng hơn về mỗi khi con của mình bị bệnh nhé . Chích ngừa vacxin như thế nào là đúng , Có nên ép con ăn, đi dong cho con ăn hay không … Những gì dễ diễn ra với con bạn cũng sẽ có trong sách này hết nhé. Các mẹ nên tìm mua sách rất ý nghĩa .
Thảo - - Review on: Fahasa
Đáng tin cậy
Sách được viết bởi một trong những bác sỹ nhi giỏi nhất Việt Nam, không lạm dụng thuốc kháng sinh, đề cao sức đề kháng tự nhiên của các con dựa trên khoa học hiện đại. Các bố mẹ hiện đại rất nên tìm đọc.
Thu Trang - - Review on: Fahasa
Sách gối đầu giường của mình trong hành trình làm mẹ
“Để con được ốm” là một trong những cuốn sách gối đầu giường của mình trong hành trình làm mẹ. Sách thực sự giúp mình “giác ngộ” nhiều “ngộ nhận” khi chăm sóc con. Tất cả những vấn đề đề cập trong sách, mình từng đã ít nhất một lần trải nghiệm từ khi có con, và những giải đáp trên căn cứ khoa học của Bs. Trí Đoàn thực sự đầy thuyết phục. Bởi lẽ, kể từ khi đọc sách, mình đã “gan lì”, “bình tĩnh” áp dụng và để con tự “chiến đấu” với những bệnh thông thường. Con vẫn cứ hay ốm vặt, sổ mũi ho, bình quân mỗi tháng một lần. Nhưng điều tuyệt vời là con đã kiên cường chiến đấu và chiến thắng, từng trận, từng trận. Mình được củng cố niềm tin vào sách sau mỗi trận con ốm rồi tự khỏi, trải qua những diễn biến đúng như giải thích trong sách, mình không cuống quýt mua siro nọ kia như trước kia để bắt con uống rồi dằn vặt vì thương con phải uống nhiều. Thực sự, đây là một cuốn sách hữu ích, giúp các mẹ có thể xử trí thông thái khi con ốm.
Phùng Lệ - - Review on: Goodreads
Một cuốn sách đáng đọc, không chỉ đối với mẹ mà với bất kì ai bị ốm
Cuốn sách là sự kết hợp giữa tác giả Uyên Bùi – Một bà mẹ trẻ đã trải qua giai đoạn chăm con và Bác sĩ Đoàn – Một bác sĩ có kinh nghiệm trong việc khám và điều trị cho trẻ, vì vậy, cách tiếp cận và truyền đạt các kiến thức về y học khá dễ hiểu và gần gũi, và cho độc giả thấy nhiều hơn một góc nhìn.
Về bố cục sách rất rõ ràng. Sách chia thành nhiều chương tương ứng với các vấn đề khác nhau trong quá trình phát triển của trẻ. Mỗi chương sẽ bắt đầu bằng những trải nghiệm của bản thân hoặc từ sự chứng kiến, chiêm nghiệm khi quan sát những bà mẹ xung quanh của tác giả Uyên Bùi, do vậy, có lẽ tất cả các bà mẹ Việt Nam nào cũng đều có thể thấy mình trong đó. Sau là lời giải thích của bác sĩ: nguyên nhân, bản chất vấn đề và phương pháp, cách thức xử lý các vấn đề đó. Có lẽ là cuốn sách có sự tham gia của bác sĩ, nên cảm thấy mọi thứ khá khoa học và logic.
Về nội dung: sách đề cập đến những căn bệnh, những hiểu nhầm thường gặp khi chăm sóc bé ốm, và cái đích cuối cùng nhất vẫn là thông điệp: cơ thể bé cần phải trải qua những trận ốm để các kháng thể mới nhiều và lớn dần lên, bé trở nên khỏe mạnh. Ba mẹ không nên lạm dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh mà hãy để cơ thể tự lành. Mọi người sẽ hiểu được bản chất của việc bị ốm bằng việc giải thích ngắn gọn và dễ hiểu nhất của một bác sĩ chuyên ngành.
Một cuốn sách đáng đọc, không chỉ đối với mẹ mà với bất kì ai bị ốm.
Thai Huong - - Review on: Goodreads
Có thêm những hiểu biết về cách nuôi con
Có thể nói hành trình nuôi con là hành trình nhiều gian khó những cũng nhiều cảm xúc nhất đối với người mẹ. Với những chia sẻ hết sức chân thành của để con được ốm giúp cho những người mẹ có thêm những hiểu biết về cách nuôi con, cùng con trải qua những chứng ngại vật trong quá trình lớn lên. Từ những tình huống rồi đi tới lời khuyên của bác sỹ giúp cho người đọc đi vào tình huống một cách tự nhiên. Tuy nhiên, như những gì mà tác giả viết, đây chủ yếu chia sẻ, trò chuyện việc cùng con giải quyết các chướng ngại vật hơn là cung cấp kiến thức. Tuỳ vào mỗi người, mỗi độ tuổi sẽ có những cảm nhận riêng về cuốn sách. Riêng mình, mình thấy cuốn sách cũng khá được, chắc nó sinh ra cho bà mẹ bỉm sữa nên phần nhiều mình cảm thấy không hợp gu lắm.
Bùi Hà - - Review on: Goodreads
Cách tiếp cận khoa học và bài bản
Cuốn sách hay được viết bởi 1 bác sỹ có tâm và nhiều kinh nghiệm trong ngành Nhi khoa. Sách động đến những vấn đề rất Việt Nam theo cách tiếp cận khoa học và bài bản. Sách sẽ là cuốn gối đầu giường của nhiều bậc cha mẹ mỗi khi có vấn đề thắc mắc về sức khoẻ của con.
Đọc thử sách
KHÔNG nên so sánh trẻ với con số trung bình
Mỗi bé đều khác nhau và có sự tăng trưởng và phát triển khác nhau. Do đó, việc bé ở bách phân vị thứ bao nhiêu không quan trọng, điều quan trọng nhất là con bạn có tăng trưởng theo tốc độ được dự đoán hay không. Muốn biết được tốc độ tăng trưởng của bé thì phải theo dõi qua một quá trình.
Ví dụ: bé có cân nặng ở bách phân vị thứ 10. Trong những lần đi khám định kỳ tiếp theo, bé vẫn tăng trưởng ở kênh bách phân vị thứ 10 đó (tất nhiên chỉ số có thể xê dịch qua lại một chút, tùy thuộc vào tốc độ tăng trưởng của từng thời kỳ, nhưng nói chung vẫn đi lên theo hướng của kênh đó), thì nghĩa là bé vẫn tăng trưởng hoàn toàn bình thường.
Ví dụ khác: bé có cân nặng ở mức bách phân vị thứ 60, nhưng qua quá trình theo dõi, cân nặng của bé liên tục chuyển qua kênh khác, qua mức bách phân vị 50, rồi 40, rồi 30 v.v., thì bé này có thể có vấn đề về tăng cân. Tuy nhiên, vì cân nặng tăng sụt rất nhanh nên nó là một chỉ số phản ánh dinh dưỡng không được trung thực lắm (cũng có khi nó “nói dối”). Vì thế, sự tăng trưởng về chiều cao phản ánh dinh dưỡng trung thực hơn. Nếu qua quá trình theo dõi, bé vẫn tăng trưởng chiều cao theo kênh của bé và vẫn phát triển trí não và vui chơi lanh lợi bình thường thì có nghĩa là bé vẫn tăng trưởng bình thường.
Do đó, chúng ta không thể chỉ căn cứ vào con số trung bình của bảng tăng trưởng để phán quyết rằng: “Ở tuổi này, bé phải nặng x kg thì mới bình thường. Còn nếu bé chỉ được y kg (y < x) thì bé bị thiếu ký, hay biểu hiện suy dinh dưỡng.” Ví dụ, chúng ta thường bắt gặp các chẩn đoán như thế này: “Chỉ số cân nặng trung bình của trẻ 1 tuổi là 9,5 kg, bé 1 tuổi nặng 8,5 kg, vị chi bé thiếu 1 kg, do đó, bé phải uống x ml sữa mỗi ngày, ăn y khối lượng thức ăn và bổ sung thuốc abc…” Điều này là hoàn toàn không chính xác. Con số 9,5 kg đó chỉ là con số trung bình của (ví dụ) 100 bé 1 tuổi, chứ không phải con số tối thiểu mà bé 1 tuổi phải đạt được.
Trong thực tế, tôi thường gặp trường hợp các mẹ hay sốt ruột nếu thấy trẻ tăng trưởng thấp hơn “chuẩn” và lo lắng rằng con bị tăng cân chậm hay còi xương. Ví dụ cụ thể nhất là các mẹ có con ở độ tuổi 3 tháng đầu thường “báo cáo” mỗi tháng con “chỉ” tăng 300-500 gram, nên mẹ cho rằng con chậm tăng cân, thiếu canxi và có nguy cơ còi xương. Tuy nhiên, những lo lắng này hoàn toàn không đúng bởi cơ thể con người không phải lúc nào cũng tăng trưởng giống nhau, quan trọng nằm ở mốc cuối cùng. Não trẻ luôn báo tín hiệu cho cơ thể cần từng này chất dinh dưỡng, thì trẻ sẽ tiếp nhận bấy nhiêu đó, chứ không phải theo ý chúng ta mong muốn. Và gene của trẻ quyết định trẻ tăng trưởng nhiêu đây, thì trẻ sẽ phát triển bấy nhiêu đây, nó là “kênh riêng” chứ không phải là so sánh sự phát triển của trẻ với một con số cụ thể. Mỗi trẻ có sự phát triển khác nhau nên không thể so sánh với nhau.
Ví dụ: tôi muốn đi từ Sài Gòn đến Hà Nội, có thể trong vòng ba ngày đầu tôi muốn rong chơi, những ngày sau tôi vọt lên, sau đó tôi lại đi rong chơi tiếp, so với người ngày nào cũng đi đều đặn thì là như nhau, miễn sao tôi đến Hà Nội là được. Điều này tương tự như sự tăng trưởng ở mỗi trẻ.
Do đó, điều quan trọng bạn cần quan tâm là cân nặng của bé nằm ở bách phân vị thứ bao nhiêu và có tăng lên đều đều theo kênh bách phân vị đó hay không. Và để theo dõi sự tăng trưởng của con mình, các phụ huynh có thể theo biểu đồ tăng trưởng của WHO và CDC để chấm cân nặng và chiều cao của bé lên đó. Và cần theo dõi chiều hướng tăng trưởng của bé theo thời gian. Theo tôi được biết, smart phone bây giờ cũng có những app biểu đồ tương tự, download trên App store hay Google store. Các phụ huynh có thể nhập các số liệu vào app để theo dõi sự tăng trưởng bình thường của bé..
Cùng danh mục: