Chờ Đến Mẫu Giáo Thì Đã Muộn

Tác giảIbuka Masaru
Thể loạiSách làm cha mẹ, giáo dục con cái
Số trang240
Năm2013
Rating3.9/5


Nội dung

Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn là cuốn sách bàn về phương pháp giáo dục trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi của tác giả Ibuka Masaru, người sáng lập tập đoàn Sony đồng thời là một nhà nghiên cứu giáo dục.

Dựa trên những nghiên cứu về sinh lý học của não bộ và di truyền học, ông đã khẳng định sự phát triển về trí tuệ và năng lực của trẻ được quyết định trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, giai đoạn này là “thời kỳ thích hợp” để “nuôi dạy một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn, vui vẻ, có trí tuệ thông minh và khỏe mạnh”.

Nghe thì có vẻ không hợp lý cho lắm, bởi chúng ta, đặc biệt là các bậc cha mẹ Việt thường quan niệm rằng một đứa trẻ ở độ tuổi này vẫn chưa đủ nhận thức để có thể hiểu những gì chúng ta nói, huống hồ gì là giáo dục. Nhưng bằng những chứng cứ khoa học trong suốt nhiều năm nghiên cứu của mình, ông Ibuka đã chỉ ra rằng chính sự chưa trưởng thành khiến trẻ em sơ sinh có khả năng vô tận. Hãy so sánh trẻ em với những loài động vật khác trong thế giới tự nhiên. Khi chúng được sinh ra, chúng đã có những bản năng cơ bản như có thể tự đi lại, có thể tự bơi sau một vài giờ đồng hồ. Nhưng con của chúng ta lại không biết gì ngoài việc khóc và bú.

Chúng như những tờ giấy trắng mà các bậc cha mẹ có thể viết gì lên đó cũng được. Ngoài ra, bộ não con người gồm có khoảng 14 tỉ tế bào não và chúng sẽ được liên kết với nhau để xử lý toàn bộ nhận thức thông tin. Tiếp nhận các kích thích bên ngoài càng nhiều bao nhiêu thì các liên kết hình thành càng nhiều bấy nhiêu. Ấy vậy mà, đến khoảng 3 tuổi trẻ đã hoàn thành 70 – 80% các liên và có trọng lượng não bằng 80% não người lớn. Nếu xem bộ não như một CPU của máy tính thì giai đoạn 0 đến 3 tuổi là thời gian để hoàn thành ổ cứng và từ 4 tuổi trở đi là thời gian để update các phần mềm. Như vậy, tính cách, khả năng tư duy, liên kết sự việc và sáng tạo của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào sự giáo dục trong giai đoạn sơ sinh thay vì phải chờ trẻ trưởng thành.

Thể loại

Chờ Đến Mẫu Giáo Thì Đã Muộn có mặt trong:

Review


Su Si - - Review on: Tiki

Hài lòng về sách

Mình rất thích quyển sách này, nó cho biết tầm quan trọng trong việc dạy con trước 3 tuổi, ba mẹ mà có bé còn nhỏ thì nên đọc quyển này, kết hợp với quyển Bí ẩn não phải của Shichida thì rất tuyệt.Con lúc từ 0-3 tuổi gia đình cực kỳ quan trọng với bé, bố mẹ phải dành thời gian chơi và quan sát con để có thể hướng dẫn con kịp thời. Bé học thông qua những trò chơi, bố mẹ phải chơi cùng con để dạy con. Giai đoạn trước 6 tuổi là phải dạy đạo đức, cực kỳ quan trọng và cấp thiết, để tạo nền tảng nhân cách tốt đẹp cho con.


Phạm Phượng - - Review on: Tiki

Mở ra những tư duy mới về cách dạy con

Được giới thiệu đây là một cuốn sách dạy con theo phương pháp của người Nhật, cuốn sách thực sự mở ra cho mình những tư duy mới về cách dạy con. Khác với suy nghĩ để con trẻ phát triển thật tự nhiên, cuốn sách nêu ra các quan điểm rất mới về tiềm năng của trẻ khi vừa được sinh ra; nhưng tiềm năng đó chỉ được khai phá với sự giúp sức của người lớn, đặc biệt là mẹ-người gần gũi nhất với trẻ


Lan Hương - - Review on: Tiki

Sách khá hay

Cuốn sách chỉ ra những lợi ích của việc giáo dục cho trẻ trong thời kỳ từ 0-3 tuổi. Tác giả đã đưa ra những luận điểm vô cùng thuyết phục, giáo dục cho trẻ ở độ tuổi này không phải để biến con mình trở thành thiên tài mà để giúp con sống vui, khoẻ và có ý nghĩa. Và trong bất kỳ một lĩnh vực gì, phải khơi gợi được hứng thú của trẻ trước khi muốn trẻ bắt tay vào thực hiện chúng. Cuốn sách như một sự mở mang đầu óc và khai thông tâm lí với những ai chưa nắm rõ hoặc coi nhẹ việc giáo dục con cái trong độ tuổi này. Tuy nhiên, nếu muốn tìm hiểu chi tiết hơn về cách thức thực hiện và phương pháp nuôi dạy con thì những cuốn sách khác sẽ phù hợp hơn.


Mỹ Vân - - Review on: Fahasa

Sách nền để giới thiệu cho bố mẹ thấy vì sao cần giáo dục con mình trước 3 tuổi

Theo mình thì sách dùng để tham khảo các tình huống thực tế đã xảy ra dẫn đến việc hình thành nhân cách của trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi. Nếu nói thích thì cũng không hẳn là thích mà nếu nói không thích thì cũng không hẳn là không thích. Mình đánh giá quyển sách này như sách nền để giới thiệu cho bố mẹ thấy vì sao cần giáo dục con mình trước 3 tuổi. Sách hoàn toàn không đưa ra cách thức thực hiện hay như thế nào. Nội dung chủ yếu dẫn chứng những câu chuyện để phụ huynh tham khảo và rút ra kinh nghiệm chứ không phải là sách thực hành. Những mẫu chuyện thực sự bổ ích. Tuy nhiên, vì mình thích các sách giáo dục phải cụ thể về phương pháp và cách thức thực hiện nên mình cho đây là sách dẫn đề thôi.


Duyên - - Review on: Fahasa

Tầm quan trọng của việc định hướng cho trẻ

Mình có dịp đọc quyển sách này khi đến nhà chị mình chơi. Bản thân là một người yêu trẻ con và cũng như nhìn thấy tựa đề rất thú vị nên mình đã quyết định đọc thử nó. Không ngờ sách rất hay, rất bổ ích, câu chữ đơn giản, không cầu kì nên rất dễ hiểu, dễ nhớ. Sách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hướng cho trẻ, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ vào giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi. Trước giờ, mình cứ đinh ninh rằng bé ở độ tuổi này thì còn quá non nớt để hiểu được mọi thứ xung quanh nên không cần phải vội vàng dạy dỗ. Nhưng khi đọc sách rồi thì mình đã phải suy nghĩ kĩ càng lại. Cuốn sách cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của người mẹ, người mẹ là người thầy đầu tiên của con, là người hiểu rõ nhất, là người định hướng cũng như giúp trẻ phát triển những khả năng của bản thân.


Trung Anh - - Review on: Fahasa

Giáo dục sớm là điều cần thiết cho con trẻ

Mình bị ấn tượng ngay khi nhìn thấy cái tiêu đề của cuốn sách (cuốn hút theo cái cách hài hước và thú vị ^^). Là một người lần đầu làm bố, mình cũng tò mò và ít kinh nghiệm như những ông bố trẻ khác. Và cuốn sách đã cho mình nhiều điều bất ngờ về thế giới trẻ thơ, cung cấp cho mình nhiều kiến thức bổ ích để qua đó mình hiểu được tầm quan trọng của việc GIÁO DỤC SỚM là như thế nào!


Jarvis - - Review on: Goodreads

Khuyến khích bố mẹ dành thời gian bên cạnh con nhiều hơn

Một quyển sách cần thiết cho các bố mẹ trẻ về việc hãy tạo điều kiện cho trẻ khám phá khả năng của mình, tìm hiểu thế giới xung quanh. Cũng như việc khuyến khích bố mẹ dành thời gian bên cạnh con nhiều hơn. Quyển sách đặt nặng vai trò thời gian của người mẹ bên cạnh con mình để cùng chơi, cùng hiểu và là người thầy bậc nhất dành cho con.

Tuy nhiên còn khía cạnh người mẹ cũng như trách nhiệm kinh tế, sự nghiệp của mẹ chưa được nhắc đến, có thể do nền văn hoá Nhật Bản. Đây là một ấn phẩm khơi gợi viêc mạnh dạn cho trẻ tiếp xúc vs nhiều lĩnh vực khác nhau cũng như đề cao việc thai giáo cho trẻ từ 0 đến 3 tuổi


Quỳnh Anh - - Review on: Goodreads

Có định hướng và tự tin hơn trong quá trình dạy con

Chờ đến mẫu giáo thì đã muôn, còn mình chờ đến khi đọc sách này thì sắp muộn. Tác giả Masaru Ibuka quả là một người đầy nhiệt huyết và có tầm nhìn khi những điều ông viết ra cách đây mấy chục năm vẫn còn nguyên giá trị đến bây giờ. Hay là Việt Nam mình so với Nhật Bản cách nhau xa đến vài chục năm như vậy??? Ông viết sách cho người Nhật đọc nhưng mình vẫn tự chiêm nghiệm được để áp dụng cho cách dạy con mình. Quả là 1 quyển sách hay, có thể làm thông suốt tư tưởng của mình, giúp mình có định hướng và tự tin hơn trong quá trình dạy con.


Valkyrie Vu - - Review on: Goodreads

Tất cả những ai đã, đang hoặc sẽ có con nên đọc cuốn này

Cuốn này phải nói là đã mở mắt cho mình rất nhiều về giáo dục trẻ em . Nó cũng phù hợp với triết lý dạy con của mình . Mình rất quan tâm đến việc giáo dục sớm cho trẻ em vì mình tin vào tiềm năng vô hạn của trẻ con nhất là vào khoảng từ 0-3 tuổi . Mình không có ý định và cũng không muốn tạo ra những thiên tài , mình chỉ mong khai phá được hết tiềm năng của con . Mình muốn con trở thành một đứa trẻ khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần , tự lập , ngoan và có cá tính .

Mình khuyên tất cả những ai đã , đang hoặc sẽ có con nên đọc cuốn này .

Đọc thử sách

Trẻ có thể tiếp thu mọi kiến thức trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi

Nagata Masuo là một người cha nổi tiếng với việc nuôi dạy con mình từ tuổi ấu thơ. Ông đã từ bỏ công việc làm giáo viên lâu năm để dành hết tâm huyết nuôi dạy con. Khi ông bắt đầu áp dụng phương pháp giáo dục sớm cho con mình thì cậu con trai được 2,5 tuổi, còn cô con gái mới được 3 tháng. Kết quả là hai anh em nhà Nagata đã được ví là hai anh em thần đồng vì có thể nói thành thạo 5 thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức. Khi đó đã có rất nhiều ý kiến lên án ông bà Nagata đã nhồi nhét, bắt ép con mình học quá nhiều. Đa số mọi người đều cho rằng đối với trẻ nhỏ việc bị nhồi nhét quá nhiều thứ vào đầu sẽ là gánh nặng tâm lí tạo ra áp lực, làm cho trẻ phát triển không bình thường như những đứa trẻ khác.

Nhưng đáp trả lại dư luận, thực tế gia đình Nagata rất bình yên, hạnh phúc, con cái khỏe mạnh, đó chính là câu trả lời đúng đắn nhất cho những lời chỉ trích và hoài nghi của dư luận. Tôi không bàn đến việc đúng sai khi người cha tham gia đảm nhiệm vào việc nuôi dạy và giáo dục con cái ở nhà, nhưng những phương pháp giáo dục của ông Nagata để phát triển khả năng trí tuệ của trẻ ở tuổi ấu thơ là những kinh nghiệm vô cùng quý giá. Chúng ta hãy nghe những lời chia sẻ về phương pháp giáo dục rất độc đáo của ông Nagata.

“Tôi đã cho các con mình học tiếng Anh, Ý, Pháp, Đức hầu như đồng thời cùng một lúc. Mỗi lần nghe chương trình dạy tiếng nước ngoài trên sóng radio, bạn có để ý thấy mỗi bản tin phát bằng tiếng Anh sẽ được phát lại bằng tiếng Pháp không. Và tôi đã luyện cho con nghe những bản tin bằng các thứ tiếng khác nhau. Ngoài ra, mỗi lần chơi những bản nhạc bằng piano tôi để những bản nhạc bằng tiếng Ý, còn lúc giải thích thì tôi viết ra cho trẻ bằng tiếng Anh, tiếng Đức, Pháp. Nếu như thuyết minh mà không hiểu thì sẽ không thể nắm bắt được cách cảm thụ bản nhạc, nên trẻ sẽ càng có thêm động lực để học tiếng nước ngoài.

Cho trẻ học 5 ngoại ngữ cùng một lúc không sợ trẻ bị loạn chữ hay sao là câu hỏi của rất nhiều người. Thực tế, các chương trình dạy tiếng nước ngoài rất nhẹ nhàng. Với mỗi phát âm chương trình sẽ luyện cho trẻ rất cẩn thận và trẻ sẽ từ từ tập phát âm theo (trích “Phát triển trí tuệ trẻ thơ”, xuất bản năm 1970, kì thứ 5).

Bởi vì khả năng tiếp thu của trẻ thơ ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi cao hơn người lớn chúng ta rất nhiều nên những lo lắng như “nhồi nhét quá nhiều” là không cần thiết. Khả năng tiếp thu những kích thích của não trẻ không khác gì một miếng bọt biển, khi nào đã hấp thu đầy đủ thì não sẽ tự nhiên dừng lại. Chính vì thế, từ câu chuyện của gia đình Nagata điều chúng ta cần suy nghĩ không phải là việc nhồi nhét quá nhiều vào đầu trẻ mà là việc cho trẻ tiếp xúc với quá ít những kích thích từ bên ngoài.

Chỉ có trẻ nhỏ mới có khả năng tiếp thu bất cứ cái gì mà chứng có hứng thú

Ở những phần trước chúng ta đã hiểu được rằng trẻ 0 tuổi đều rất thông minh và có khả năng hấp thu kiến thức tuyệt vời. Ở giai đoạn này, sự hấp thu kiến thức của trẻ đơn thuần giống như một thao tác máy móc mà không có quá trình chọn lọc và lí giải những kiến thức này. Nghĩa là toàn bộ những gì được kích thích vào não bộ sẽ tự động lưu lại trong não.

Ở thời kì này, quan trọng nhất không phải là ta sẽ dạy những gì cho trẻ mà là làm cho trẻ có hứng thú và say mê với cái gì. Bởi vì trẻ con sẽ hấp thu và ghi nhớ rất tốt những gì chúng có hứng thú. Không chỉ như vậy, quá trình này còn giúp nuôi dưỡng sự đam mê, sáng tạo và ham muốn học tập, là những yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng để hình thành nên tính cách và khả năng làm việc trí óc sau này của trẻ.

Hầu hết các bậc cha mẹ đều thường xuyên đọc đi đọc lại truyện cổ tích hay những câu chuyện thần tiên cho con nghe và nhiều khi chính bản thân cũng không hề biết từ khi nào trẻ đã học thuộc lòng những câu chuyện đó. Rồi khi tình cờ chúng ta đọc sai đoạn nào đó là lập tức trẻ sẽ chỉ ra chỗ sai. Chính nhờ khả năng nhớ nguyên mảng tuyệt vời mà trẻ đã học thuộc lòng được tất cả những câu chuyện ấy.

Rồi khi có hứng thú với những câu chuyện đó, trẻ bắt đầu muốn tự mình đọc. Dù không biết đọc, nhưng nhìn vào mỗi bức tranh trong câu chuyện là trẻ có thể nhớ lại, đối chiếu với những gì được lưu giữ ở kí ức nguyên mảng và có thể đọc lại lưu loát. Chính trong thời kì này trẻ sẽ liên tục hỏi cha mẹ và người xung quanh rằng đây là chữ gì? Chữ này đọc như thế nào? Đó chính là bằng chứng cho thây trẻ bắt đầu có hứng thú.

Đây là câu chuyện về một người bạn của tôi. Cô đã dạy chữ cho con, tạo cho con sở thích đọc sách ở giai đoạn còn nhỏ. Như tôi đã nói ở phần trước trẻ con thường nhớ chữ Hán giỏi hơn là chữ Hiragana. Nhưng đáng tiếc là những cuốn ehon bây giờ ngoài hiệu sách lại chỉ toàn viết mỗi chữ Hiragana. Vì thế cô ấy đã mua ở hiệu sách cũ những cuốn sách có phiên âm cách đọc Hiragana đi kèm với chữ Hán để vừa đọc vừa chỉ mặt chữ Hán cho con. Khi đã thuộc lòng những câu chuyện được đọc thì con trẻ bắt đầu có hứng thú với những chữ Hán. Cô ấy đã kiên nhẫn và tỉ mỉ dạy con từng chữ Hán. Sau đó, khi thấy cha đọc báo trẻ đã chỉ vào những chữ Hán và đọc cho cha nghe khiến cả nhà vô cùng kinh ngạc, dần dần trẻ cũng bắt đầu thích đọc báo. Kết quả là đến khi bắt đầu vào lớp một, trẻ đã có thể đọc báo một cách thành thạo. (Báo của Nhật có rất nhiều chữ Hán nên đối với bậc tiểu học việc đọc được báo là điều vô cùng khó).

Câu chuyện trên muốn khẳng định một điều rằng trẻ ở giai đoạn 3 tuổi không cần phải vất vả vẫn có thể nhớ và tập trung học bất cứ điều gì nếu trẻ có hứng thú với cái đó.

Thời kì trẻ thơ nếu trẻ không được dạy cái gì thì sẽ mãi không biết cái đó

Do tính chất công việc nên tôi thường xuyên phải dùng tiếng Anh để giao tiếp. Những lúc ấy tôi luôn cảm thấy thiếu tự tin nhất với việc phát âm và ngữ điệu lên xuống khi nói. Tiếng Anh giọng Nhật của tôi không phải là đối tác không hiểu, nhưng có rất nhiều trường hợp họ vẫn làm mặt rất khó hiểu hoặc là tôi phải viết từ đó ra giấy để giải thích cho họ. Những kinh nghiệm như vậy đã khiến tôi có động lực bắt đầu luyện phát âm tiếng Anh vào mỗi sáng.

Thế nhưng, hàng xóm cạnh nhà tôi có một cậu bé mới 14 tháng tuổi lại có thể phát âm tiếng Anh rất chuẩn, và những âm mà người Nhật hay bị sai như “R” hay “L” thì cậu bé đó lại nói rất rành rọt. Sự khác nhau rất lớn này nằm ở chỗ tôi bắt đầu học tiếng Anh khi vào trung học cơ sở, còn cậu bé đó từ 0 tuổi đã được mẹ cho nghe băng cassette tiếng Anh mỗi ngày. Khi cậu bắt đầu biết nói thì đã được mẹ cho học và giao tiếp tiếng Anh với một cô giáo người Mỹ.

Điều ấy chứng tỏ một điều rằng vì nhận thức nguyên mảng của chúng ta đã bị lấp đầy bởi ngôn ngữ mẹ đẻ nên khi tiếp nhận ngôn ngữ khác sẽ vô cùng khó khăn.

Trẻ từ 0 đến 3 tuổi có khả năng nhận thức nguyên mảng nên ngôn ngữ nào trẻ được tiếp xúc ở thời kì này cũng sẽ được lưu lại trong não. Hơn nữa, như phần trên tôi đã giới thiệu, giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi đang là quá trình hình thành mạng liên kết giữa các tế bào trong não nên lúc này tiếng mẹ đẻ hay bất cứ một ngôn ngữ nào cũng đều được hình thành như nhau ở trong não. Chính vì lí do đó mà trẻ đến 3 tuổi có khả năng nói bất kì ngôn ngữ nào mà không gặp khó khăn gì. Ngược lại, nếu như cha mẹ bỏ qua thời kì này thì sau này muốn con cái có được khả năng tiếp thu dễ dàng như thời kì từ 0 đến 3 tuổi sẽ phải nỗ lực rất nhiều, mà nhiều khi nỗ lực ấy cũng không đem lại những kết quả như mong muốn. Có thể mãi mãi ta sẽ không thể phát âm ngôn ngữ đó như người bản địa được.

Việc không áp dụng phương pháp giáo dục trẻ sớm mà đợi đến khi đi học thì sẽ trở nên quá muộn không chỉ đúng với trường hợp về học ngoại ngữ mà còn đúng với những lĩnh vực khác. Khả năng cảm thụ âm nhạc hay là khả năng phát triển cơ quan thần kinh vận động cũng sẽ được quyết định trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi. Chính vì thế, những vận động viên thể thao càng được luyện tập ngay từ nhỏ thì sẽ càng giỏi.

Hàng năm vào dịp nghỉ hè, có rất nhiều người nước ngoài dẫn con đến tham quan lớp học violin của thầy Suzuki. Ban đầu tất cả mọi người đều không hề biết tiếng Nhật. Thầy Suzuki nhận thấy rằng trong gia đình thì người nói tiếng Nhật giỏi nhất chính là trẻ nhỏ chưa đi học, rồi đến các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở và cuối cùng là các bậc cha mẹ. Sau khoảng 1 tháng thì các em bé đã có thể nói được tiếng Nhật khá tốt trong khi đó các bậc cha mẹ thì đi đâu cũng phải nhờ con phiên dịch và họ trở về nước mà chỉ có thể nói được câu “Xin chào”.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

90% Trẻ Thông Minh Nhờ Cách Trò Chuyện Đúng Đắn Của Cha Mẹ Về bản chất, mỗi đứa trẻ đều mang trong mình một “sức mạnh” tuyệt vời. Nhưng trước hết, chúng ta phải tin tưởng vào sức mạnh ấy đã! Khi…
Nói Sao Cho Trẻ Chịu Nghe, Nghe Sao Cho Trẻ Chịu Nói ĐỂ GIÚP TRẺ XỬ LÝ CẢM XÚC: 1. Lắng nghe chăm chú hết sức. 2. Công nhận cảm xúc của chúng bằng những từ cảm thán “Ồ,” “Ừm”... “Ra…
Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives – Many Times) Người ta chết đi và đầu thai trong kiếp sống khác. Trong mỗi kiếp, họ phải học một số bài học để trở nên tốt đẹp hơn. Có người…
Back to top button