Ăn Dặm Không Phải Là Cuộc Chiến

Tác giảMẹ Ong Bông, Hachun Lyonnet, Bubu Hương
Thể loạiSách dạy trẻ ăn dặm, sách nuôi dạy con
Số trang389
Năm2015
Rating3.9/5


Nội dung

Chắc hẳn các bạn đã biết đến sự có mặt của cuốn sách “Nuôi con không phải là cuộc chiến”, một cuốn cẩm nang để bé ăn ngon miệng, dạy bé nghe lời, một cuốn sách giúp bạn hiểu con mình hơn của nhóm tác giả Đỗ Liên Hương (Mẹ Ong Bông), Nguyễn Thanh Hương (mẹ BuBu), Nguyễn Thu Hà. Và giờ đây, cuốn sách Ăn dặm không phải là cuộc chiến được viết nối tiếp theo thành công của cuốn sách “Nuôi con không phải là cuộc chiến”. Như tựa đề bộc lộ, cuốn sách này nhấn mạnh vào chủ đề ăn uống lành mạnh và chủ động cho trẻ em từ lứa tuổi bắt đầu tập ăn dặm, đồng thời cung cấp các thông tin dinh dưỡng cơ bản thiết yếu, các thực đơn gợi ý, các công thức nấu ăn và các mẹo nhỏ để bữa ăn cân bằng và hấp dẫn. Đây là cuốn sách giúp cha mẹ gợi mở và xây dựng mối quan hệ lành mạnh của trẻ em với ẩm thực – một hoạt động không thể thiếu hàng ngày.

Cuốn sách trang bị các thông tin khoa học để cha mẹ hiểu trẻ ăn bao nhiêu là đủ? Thế nào là bình thường? và cái gì sẽ giúp ham thích và có thể có thể chủ động tự ăn uống? Những trạng thái tâm lý và thể chất của trẻ em theo mỗi lứa tuổi và những hiểu nhầm thường gặp của cha mẹ với những thay đổi này? Cuốn sách đưa ra những gợi ý về cách chế biến bữa ăn gia đình lành mạnh, đủ dinh dưỡng. Hướng dẫn cha mẹ lên thực đơn cân bằng theo tuần cho gia đình, đồng thời kèm theo các thực đơn mẫu.

Ngoài ra, cuốn sách còn là tổng hợp những lời tâm sự của nhiều ông bố, bà mẹ trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam đã áp dụng cách cho bé ăn uống chủ động và tích cực: những kinh nghiệm áp dụng và biến hóa theo từng gia đình, những khó khăn và thành công của quá trình kiên trì và tôn trọng nhu cầu của trẻ.

Hơn cả, sách viết nhiều về những lời khuyên an toàn cho các bé bắt đầu ăn dặm, về tầm quan trọng của dinh dưỡng lành mạnh (ăn ít muối, ít đường, cân bằng…) ngay từ bước đầu. Cuốn sách theo sát phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy, nhưng cũng gợi mở các giải pháp cho các gia đình không thực hiện phương pháp này từ đầu, hay thực hiện kết hợp với ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật. Cuốn sách còn bao gồm rất nhiều thông tin khoa học, dinh dưỡng cũng như giải thích những hiểu nhầm thường gặp trong ăn uống và dinh dưỡng, dành cho cả người lớn lẫn trẻ em. Những nội dung này được trình bày bằng hình ảnh đẹp mắt, biểu đồ dễ hiểu – dễ nhớ và dễ áp dụng.

Các thực đơn trong sách đã được lựa chọn từ các nguyên liệu dễ kiếm ngay tại Việt Nam sau đó được trực tiếp các tác giả nấu thử nghiệm. Trong mỗi món ăn có những gợi mở mới để làm thay đổi và đa dạng từng món ăn. Trong cuốn sách, cha mẹ sẽ có thông tin về con ăn bao nhiêu là đủ, lịch ăn uống thế nào là khoa học và hơn cả, làm thế nào để con biết cảm giác đói và sự thích thú khi thưởng thức các món ăn. Hơn thế, cuốn sách còn đưa đến những gợi ý cách gắn bó tình cảm gia đình thông qua bữa ăn, các hoạt động cùng con nấu nướng hay cách chuẩn bị bữa tiệc sinh nhật của con. Cuốn sách nhấn mạnh đến tôn trọng nhu cầu dinh dưỡng tự nhiên của trẻ: ăn dặm mà không phải ép con ăn.

Với cuốn sách này, nhóm tác giả mong muốn cha mẹ có thái độ đúng đắn và thông tin phù hợp để có thể tạo dựng tình yêu với ẩm thực cho bé thơ: một nền tảng lành mạnh về dinh dưỡng, mối quan hệ tích cực với việc ăn uống, giảm tình trạng trẻ em bị ăn uống thụ động, hay bị cưỡng ép ăn không theo nhu cầu. Với nhiều ảnh minh hoạ đẹp mắt và dễ hiểu, kèm các câu chuyện về ăn chủ động đúc kết từ kinh nghiệm của nhiều mẹ Việt, như lời nhắn nhủ và động lực cho những gia đình có mong muốn giáo dục tích cực và tôn trọng nhu cầu tự nhiên của trẻ em. Sách dành cho ông bà, cha mẹ và những người trực tiếp trông trẻ em từ 6 tháng tuổi.

Thể loại

Ăn Dặm Không Phải Là Cuộc Chiến có mặt trong:

Review


Minh Khánh - - Review on: Tiki

Tham khảo và tạo động lực

Sách đẹp, hình ảnh bắt mắt rõ ràng. Nội dung phù hợp với các mẹ bỉm sữa có đủ thời gian để theo con suốt thời kỳ ăn dặm. Nếu mẹ đi làm giờ hành chính và gửi trẻ thì có thể không hiệu quả do không áp dụng phương pháp hoàn toàn. Tuy nhiên, sách vẫn là một nguồn tham khảo hữu ích và tạo động lực tốt.


Le Ngan - - Review on: Tiki

Must-have book cho các mẹ có con tập ăn dặm

Mình đặt mua 2 quyển, gồm quyển này và Ăn dặm kiểu Nhật vì mình muốn tìm hiểu cả 2 phương pháp và chọn ra cái thích hợp nhất cho điều kiện của mình và phù hợp với cá tính của con. Trong quá trình đọc sách, mình học được rất nhiều thứ, không chỉ đơn thuần là cách ăn dặm, là cách chuẩn bị đồ ăn cho con, mà còn là các kiến thức khoa học để giải thích cho phương pháp ăn dặm BLW. Hình thức sinh động và lối viết gần gũi, xúc tích và rõ ràng là những điều mình yêu thích ở quyến sách này. Đồng hành cùng 3 tác giả từ Nuôi con không phải là cuộc chiến đến Ăn dặm không phải là cuộc chiến, mình tin là khi con bước vào giai đoạn ăn dặm, mình sẽ không cảm thấy quá lúng túng, cũng như mình đã rất vững vàng cùng bé vượt qua những tháng đầu đời với nề nếp mà mình học được từ quyển Nuôi con. Cảm ơn bộ 3 tác giả rất nhiều.


Thu Trang - - Review on: Tiki

Phương pháp nuôi con mới

Mình biết đến phương pháp BLW từ cuốn “Nuôi con không phải cuộc chiến”. Vì rất thích cuốn sách đầu tiên của nhóm 3 tác giả này nên mình đã mua cuốn thứ 2 này từ thời gian đầu phát hành. Cuốn sách chỉ dẫn rất kĩ về những phản ứng của trẻ trong từng giai đoạn và cách xử lý phù hợp. Điểm hay của phương pháp này là vượt qua những định kiến của người lớn về khả năng của trẻ, đưa ra những thử thách mà người lớn nghĩ là không thể, để bé tự quyết định làm hay không và làm như thế nào. Sách dày, giấy đẹp, màu sắc tươi vui, kích thích thị giác và tinh thần của người đọc.


Bảo Trâm - - Review on: Fahasa

Tôn trọng nhu cầu của trẻ và giúp trẻ yêu thích các món ăn

 Với gần 400 trang giấy in màu đẹp đẽ, với các món ăn dặm cho bé được trình bày bắt mắt, hấp dẫn, có tác dụng kích thích vị giác rất tốt. Và không chỉ có thế, Ăn dặm không phải là cuộc chiến được trình bày công phu từ các kiến thức khoa học của phương pháp ăn dặm chỉ huy, để bố mẹ có cơ sở, có niềm tin nuôi dưỡng con một cách thuận theo phương thức tôn trọng sự phát triển tự nhiên, tôn trọng nhu cầu của trẻ và giúp trẻ yêu thích các món ăn, để giai đoạn ăn dặm là một món quà đầy yêu thương chứ không phải cuộc chiến. Có lẽ để viết được một cuốn sách kỳ công đến thế, nhóm tác giả đã đặt vào cuốn sách trọn vẹn tình yêu thương yêu thương con trẻ và yêu thương những bữa ăn ngon và hạnh phúc.

Đọc cuốn sách, các bố mẹ không chỉ có các bí kíp, các kiến thức khoa học mà còn tim hiểu được tâm lý và nắm bắt được kỹ năng của con trong từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn phát triển của con chứ không phải các mốc thời gian khô cứng.

Đọc thử sách

BÉ NGỒI CHƯA VỮNG

Có một số mẹ vẫn còn băn khoăn về khái niệm ” ngồi vững” của BLW. Họ không hiểu ngồi vững tức là đặt ngồi thì bé ngồi vững hay là bé phải tự chuyển từ thế nằm sang tư thế ngồi được thì mới là ngồi vững.

Câu trả lời là nếu khi bạn đặt bé ngồi, bé đã có thể ngồi vững trong khoảng 30 giây đến 1 phút, hoặc bé có thể ngồi ếch (kiểu chống tay xuống sàn) được từ 1-2 phút thì tức là bé đã đạt đủ điều kiện ngồi của BLW.

Ngoài ra, bạn cũng nên cho bé thử ngồi vào ghế ăn, nếu như bé ngồi mà vẫn bị nghiêng người sang một bên, đầu bé vẫn có dấu hiệu lắc lư khi ngồi ở ghế dù đã được mẹ chèn ở hai bên và sau lưng thì tốt nhất bạn đừng cho bé ăn vội. Nếu bé đã có thể ngồi vững vàng ở trên ghế ăn dù được chèn hay không được chèn thì cũng tức là bé đã đạt đủ điều kiện Ngồi vững của BLW.

BÉ CHƯA BIẾT CẦM NẮM THỨC ĂN

Có một số bé dù đã hội đủ các điều kiện tập ăn BLW, bé biết cầm đồ chơi lên và nhai đồ chơi nhưng khi được ngồi vào ghế ăn, bé lại không biết hoặc không thèm cầm đồ ăn lên bỏ vào miệng mà chỉ cầm chơi chơi ở trên bàn hoặc ném hoặc bóp nát.

Có một số nguyên nhân lí giải cho hành vi này của bé, bạn hãy quan sát con thật kĩ và tìm hiểu xem trường hợp của con bạn là do nguyên nhân nào gây ra.

Nguyên nhân 1: Kích thước món ăn chuẩn bị không phù hợp: có thể mẹ cắt thực phẩm ngắn và bé quá khiến bé khó cầm nắm hoặc miếng thực phẩm quá trơn hoặc miếng thực phẩm quá mềm

Cách khắc phục: Nếu kích thước món ăn quá ngắn hoặc nhỏ bạn hãy cắt to và dài lên. Bạn sẽ không sợ con bị hóc đâu vì con còn cắn nhỏ miếng thức đó ra rồi mới đưa vào miệng mình nhai và ….ọe cơ mà.

Nếu miếng thực phẩm quá trơn, bạn hãy dùng dao lượn sóng để cắt với các loại củ, hoặc rửa sạch vỏ của trái cây và cho bé cầm cả vỏ

Nếu miếng thực phẩm quá mềm hãy làm cho nó cứng hơn, mẹ/bố chỉ cần luộc/hấp thực phẩm mềm hơn một chút xíu so với người lớn ăn là bé có thể xử lý tốt rồi mà giảm đi được nỗi lo bé bóp nát đồ ăn

Nguyên nhân 2: Mẹ để quá nhiều đồ ăn lên khay ăn hoặc mẹ để cả đĩa đồ ăn lên khay ăn và bé chỉ chọn gặm đĩa. Việc mẹ sử dụng đĩa đặt lên khay khiến con chỉ tập trung vào đồ quen thuộc và dễ gặm là đĩa nhựa. Nếu mẹ để quá nhiều đồ ăn lên khay ăn thì có sẽ bối rối vì không biết nên chọn thanh thức ăn nào để chơi.

Cách khắc phục: Hãy đặt thẳng miếng thức ăn trực tiếp lên khay ăn. Nếu bạn lo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của khay thì trước khi bé ăn hãy dùng nước sôi để tráng bàn cho bé sau đó lau sạch lại bằng khăn sạch (đã tiệt trùng càng tốt).

Mỗi lần cung cấp đồ ăn cho bé, bạn chỉ lấy cho bé tối đa 2 miếng thức ăn để lên khay ăn. Bé nghịch hết 2 miếng đó thì bắt đầy lấy thêm từng miếng một.

Nguyên nhân 3: Bé chưa biết cầm nắm thức ăn. Có thể bé cầm nắm đồ vật rất giỏi nhưng lại chưa biết cách cầm nắm đồ ăn.

Cách khắc phục: Chúng ta sẽ sử dụng chiến thuật “hỗ trợ giảm dần ” để cho bé tập làm quen với thức ăn. Chiến thuật gồm các bước như sau

Bước 1: Bạn đưa miếng thức ăn lên tận mồm bé nhưng không ấn thức ăn vào mồm con mà chỉ để hờ hững ở gần môi con, nếu con há mồm cắn miếng thức ăn bạn có thể chuyển sang bước 2. Mục đích của bước này là để xem bé có thích thử làm quen với “đồ chơi” mới là thức ăn hay không.

Bước 2: Mẹ vẫn cầm miếng thức ăn nhưng chỉ đưa đến gần mồm bé thôi, và chờ cho đến khi bé cầm tay mẹ để đưa thức ăn vào miệng minh. Khi bé quen với hành động này bắt đầu chuyển sang bước thứ 3.

Bước 3: Mẹ cầm thức ăn đến nửa chừng quãng đường từ tay mẹ lên đến miệng và chờ bé cầm tay mẹ đưa thức ăn vào miệng. Khi bé quen với bước 3, chuyển sang bước 4.

Bước 4: Mẹ cầm thức ăn đưa cho bé cầm. Khi bé đã chịu cầm thức ăn, nếu bé chịu đưa lên miệng thì hãy khen bé ” Con cầm thức ăn đưa lên miệng giỏi quá” và khi bé quen rồi thì chuyển sang bước 7 luôn. Nếu bé chưa biết cách đưa lên miệng, mẹ hãy cầm tay bé để đưa lên miệng bé, khi bé quen với bước 4, chuyển sang bước 5

Bước 5: Mẹ đưa cho bé cầm thức ăn và lần này chỉ cầm tay bé đến nửa chừng quãng đường, khuyến khích bé tự hoàn thành việc đưa thức ăn lên mồm. Khi bé thành công hãy khen bé. Nếu bé chưa tự làm được, quay trở lại bước 4. Khi bé quen với bước 5, chuyển sang bước 6.

Bước 6: Mẹ đưa cho bé cầm thức ăn và lần này chỉ hất tay bé đồng thời nói với bé rằng ” con hãy tự đựa lên miệng và thưởng thức nhé”. Khi bé thành công, hãy khen bé. Nếu bé chưa tự làm được, quay trở lại bước 5. Khi bé quen với bước 6, chuyển sang bước 7.

Bước 7: Mẹ hãy nói với bé rằng hôm nay mẹ sẽ không cầm thức ăn đưa cho bé nữa mà hãy đặt thức ăn lên bàn và cổ vũ bé cầm thức ăn đưa lên miệng, mẹ có thể vừa nói vừa sử dụng ngôn ngữ cử chỉ là di miếng thức ăn về phía tay bé. Khi bé thành công, hãy khen bé. Nếu bé chưa tự làm được, quay trở lại bước 6. Khi một khi bé thực hiện được bước 7 thì kết hoạch “hỗ trợ giảm dần” đã thành công.

Nguyên nhân 4: Bé chưa sẵn sàng.

Cách khắc phục: Bạn hãy quay trở lại phần 1 và tìm đúng trường hợp của bé.

BÉ NÉM, VỨT ĐỒ ĂN

Cũng như trường hợp bé không biết cầm nắm thức ăn, ở trường hợp này chúng ta cũng sẽ đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao bé đã đủ điều kiện để tập ăn dặm BLW rồi nhưng vẫn không chịu đưa lên miệng ăn mà chỉ ném, vứt và nghịch đồ ăn.

Nguyên nhân 1: Mẹ để quá nhiều đồ ăn lên khay ăn hoặc mẹ để cả đĩa đồ ăn lên khay ăn và bé chỉ chọn gặm đĩa, vứt thức ăn đi .

Cách khắc phục: Xem phần 3.

Nguyên nhân 2: Mẹ làm thức ăn quá nhừ.

Cách khắc phục: Hãy điều chỉnh lại cách luộc/hấp thức ăn của bạn.

Nguyên nhân 3: Bé chưa biết đưa đồ ăn lên miệng.

Cách khắc phục: Thực hiện bước 4-5-6-7 của chiến thuật ” hỗ trợ giảm dần”.

Nguyên nhân 4: Bé chưa sẵn sàng.

Cách khắc phục: Hãy quay lại phần 1 và tìm trường hợp thích hợp với những biểu hiện của con bạn nhất.

BÉ KHÓC KHI NGỒI TRONG GHẾ ĂN.

Bé đã đủ điều kiện tập ăn dặm BLW rồi, thậm chí còn có thể đưa thưc ăn lên miệng và nhai được rồi nhưng chỉ ngồi một tí trong ghế ăn là bé lại khóc. Hãy cùng tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục cho hành vi này của bé.

Nguyên nhân 1: Bé sợ ghế ăn. Có một số bé nhạy cảm khi được đặt ngồi vào ghế ăn thì cảm giác như bị nhốt vì không gian chật hẹp của ghế ăn và khóc lóc vì sợ.

Cách khắc phục: Ngay khi con có đủ các dấu hiệu sẵn sàng, đừng vội vàng cho bé tập BLW ngay mà hãy cho bé ngồi thử vào ghế ăn cùng với một số đồ chơi quen thuộc của bé trước đã. Nếu bé chơi ngoan thì bạn có thể tạp cho bé ăn ngay lập tức. Nếu bé khóc, hãy bế bé ra và dỗ dành bé. Sau đó hãy cho bé xem ảnh các bạn khác đang ngồi ghế ăn,và nếu được hãy kể một câu chuyện thật vui nhộn liên quan đến việc ngồi ghế ăn. Lần thứ 2 cho bé vào ghế, hãy liên tục trấn an bé, khi bé khóc hãy vòng tay qua người bé, và ôm bé (bé vẫn ngồi trong ghế ăn) và trấn an bé. nếu bé nín khóc hãy tiếp tục ôm bé thêm một lúc nữa, trong khi cho bé chơi đồ chơi trong ghế ăn hoặc nói chuyện với bé, các ngày sau giảm dần sự hỗ trợ, khi bé có thể ngồi vào ghế mà không khóc, hãy khen ngợi bé và chuẩn bị cho bé tập ăn dặm BLW. Nếu bạn ôm bé mà bé vẫn không hết khóc, trái lại còn gào to hơn thì hãy cho bé ra khỏi ghế ngay lập tức, trấn an bé và thử lại sau 3 ngày. Trong thời gian đó, hãy kể các câu chuyện và cho bé xem ảnh bạn khác ngồi ghế ăn, nếu có thể hãy cho bé nhìn thấy tận mắt 1 bé khác đang ngồi ghế ăn.

Nguyên nhân 2: Bé bị mỏi. Có một số ghế ăn có khay ăn hơi cao so với bé, khiến bé ngồi được một lúc thì bị mỏi và khóc để đòi ra.

Cách khắc phục: Chèn thêm gối ở lưng và mông của bé.

Nguyên nhân 3: Bé không cầm nắm được đồ ăn hoặc không đưa đồ ăn lên miệng được.

Có thể vì bé chưa biết cầm nắm hoặc mẹ chuẩn bị thức ăn quá ngắn hoặc quá mềm khiến bé cầm lên bị gãy hoặc bị nát, bé không biết phải làm sao nên tỏ thái độ bằng cách khóc.

Cách khắc phục: Hãy trấn an bé, tìm hiểu rõ nguyên nhân xem do bé chưa biết cầm nắm hay do mẹ chuẩn bị đồ ăn chưa tốt để có cách khắc phục phù hợp vào lần tập sau.

Nguyên nhân 4: Bé bị đói hay bị mệt vì ngủ không đủ hoặc có vấn đề về sức khỏe.

Cách khắc phục: Hãy đảm bảo bé được bú sữa ít nhất 1.5 tiếng trước khi tập BLW. Tuyệt đối không cho bé tập ăn khi bé đói hoặc mệt.

Nguyên nhân 5: Bé chưa sẵn sàng.

Cách khắc phục: Hãy quay lại phần 1 và tìm trường hợp thích hợp với những biểu hiện của con bạn nhất.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

Nhật Ký Của Mẹ Mở đầu cuốn sách hình ảnh người mẹ hiện ra là người “chỉ thích rong chơi” và “chưa từng nghĩ đến việc chăm sóc một em bé”. Thậm chí…
Nói Sao Cho Trẻ Chịu Nghe, Nghe Sao Cho Trẻ Chịu Nói ĐỂ GIÚP TRẺ XỬ LÝ CẢM XÚC: 1. Lắng nghe chăm chú hết sức. 2. Công nhận cảm xúc của chúng bằng những từ cảm thán “Ồ,” “Ừm”... “Ra…
Dạy Con Kiểu Nhật – Giai Đoạn Trẻ 0 Tuổi Trong 12 tháng đầu sau sinh, thế giới của trẻ dường như hoàn toàn thay đổi. Từ một đứa trẻ vẫn chưa thể mở to mắt, mới chỉ biết…
Back to top button