15 quyển sách hay về Sài Gòn vừa lâu đời vừa luôn luôn mới mẻ

15 quyển sách hay về Sài Gòn là những trang viết về không gian ký ức, nối quá khứ đến hiện tại, đưa xa về gần, dẫn ráp nhiều thế hệ về vùng đất Sài Gòn vừa lâu đời vừa luôn luôn mới mẻ.

Sài Gòn Năm Xưa

Dựa vào cuốn Ký ức lục khảo về lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận của học giả Trương Vĩnh Ký viết năm 1885 (tức là sau 25 năm Sài Gòn bị thực dân Pháp chiếm đóng), Vương Hồng Sển đã… kể tiếp, nhắc lại những sự biến đổi từ thuở đó cho đến ngày Sài Gòn trở về với dân Việt….

Ở đây, tác giả chú trọng nhiều nhất là những đoạn sử vụn vặt buổi giao thời: Pháp – Nam – Chà – Chệc chung đụng, những chuyện Tây đến, Tây đi, những việc chưa ai nói rõ ràng, tác giả đã được nghe đến tận tai hoặc thấy tận mắt, nhiều đoạn do hiểu biết riêng, lắm đoạn nhờ các cố lão thuật lại.

Vọng Sài Gòn

“Đọc sách để thư giãn, nhưng không phải với cuốn này. Miêu viết là để bạn đọc đấu vật với tiềm thức của chính mình, cào xới đến xây xát cả tàng thức để tìm cho ra những hạt đậu tốt/xấu mà mảnh đất này để lại. Để biết mình đang yêu một thành phố như thế nào.”

– Liêu Hà Trinh, MC, diễn viên

“Người viết cuốn sách có tình yêu nồng nàn đến dữ dội đối với vùng đất Sài Gòn khiến cho bất cứ ai, dù sống ở đây chưa lâu hay có gốc gác nhiều đời ở vùng đất này, vừa cảm thấy gần gũi nhiều điều cuốn sách đề cập đến, vừa cảm thấy tình không đủ nặng, yêu chưa da diết và còn nhiều thờ ơ với nó, khi đọc những trang viết của Trác Thúy Miêu.”

– Phạm Công Luận

Sài Gòn Vang Bóng

Trong nhiều năm qua, những tác phẩm viết về Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh luôn được người đọc đón nhận một cách yêu thương, nồng nhiệt. Đặc biệt là những trang viết về những không gian ký ức, nối quá khứ đến hiện tại, đưa xa về gần, dẫn ráp nhiều thế hệ.

Dường như bao nhiêu trang viết về Sài Gòn cũng chưa đủ, như con đường chưa đi đến cuối cùng, như dòng sông chưa uốn lượn hết các luồng rạch, như bầu trời chưa mở hết các chiều kích của nó. Như thế, những trang sách về Sài Gòn còn là một thách thức không nhỏ đối với những người cầm bút.

Viết để thỏa tâm tình riêng tư mình rất khó, nhưng viết để thỏa niềm mong nhớ, kỳ vọng của độc giả lại càng khó hơn. Viết để bộc bạch chân thành thẳng thắn những suy tư không dễ, viết để cung cấp những tư liệu thú vị mà chuẩn xác lại càng không dễ chút nào.

Sài Gòn vang bóng của nhà báo Lý Nhân Phan Thứ Lang là một cuốn sách đầy ắp những tư liệu về Sài Gòn xưa. Đó là chuyện về chợ Bến Thành xưa và nay; chuyện về Dinh Xã Tây, tức tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện thời; chuyện xây dựng Phủ đầu rồng tức Dinh Độc Lập được xây dựng như thế nào; chuyện ly kỳ về chùa Khải Tường được giải mã ra sao…

Sài Gòn Tạp Pín Lù

Cụ Vương Hồng Sển (1902-1996) là một nhà văn đặc biệt Nam bộ mà cũng là một học giả, một nhà cổ ngoạn có một không hai Việt Nam. Ông có một bút pháp độc đáo, duyên dáng… mà vài thập kỉ của thế kỉ XX chưa có nhà văn nào có thể so sánh được.

Vào buổi vãn niên, ông có mấy tác phẩm mà ông cho là “tâm đắc” của mình được xuất bản, trong đó có cuốn Sài Gòn tạp pín lù (tức Sài Gòn năm xưa II, III) nối tiếp Sài Gòn năm xưa I xuất bản từ năm 1962 tại Sài Gòn.

Nói như tác giả (VHS), Sài Gòn tạp pín lù là ông nhớ đâu viết đó và viết bằng máy chữ nên rất tự do, tự nhiên, chân thành và không kém thân tình. Sài Gòn tạp pín lù đến với chúng ta tuy trễ, nhưng vẫn được độc giả say sưa đọc bởi vì bút pháp cùng với văn phong cố hữu có một không hai của nhà cổ ngoạn họ Vương. Có thể nói Sài Gòn tạp pín lù như là một thứ Sài Gòn vang bóng của tác giả và của cả dân Sài Gòn từng vui buồn với đất Bến Nghé từ bao giờ cho đến bây giờ..

Sài Gòn Những Biểu Tượng

Sài Gòn, những biểu tượng là cách tiếp chạm nhỏ nhẹ, bặt thiệp và truyền cảm hứng với một vấn đề lớn lao của đô thị. Sài Gòn trong tập sách này, dù là quá khứ xa hay hiện tại gần, dù là tiếng nói nghiêm cẩn của khoa học hay là những xúc cảm bay bổng, dù nói về con người hay cửa nhà, di sản hay môi trường… thì đều hàm chứa những tâm tình và nỗ lực tìm tòi hiểu biết.

Không Gian Gia Vị Sài Gòn

Không gian gia vị Sài Gòn là tập tùy bút thứ hai của tác giả Trần Tiến Dũng sau tập Món ngon và gia vị cảm xúc. Hàng ngày ở Sài Gòn và miền Nam, khi đứng trước tổng hòa các mùi hương của đời sống đang từng giây, từng phút hiện hữu trong không gian, tác giả luôn cảm nhận thấy mình đang thụ hưởng một đặc ân được bao bọc, hàm dưỡng trong nguồn hương Sài Gòn với toàn bộ sự phong phú vô ngần của nền văn hóa ẩm thực đa bản sắc, đa dân tộc vừa lâu đời vừa luôn luôn mới mẻ.

Đây là một tập sách, phần nào đó sẽ mở cho bạn vào không gian gia vị Sài Gòn cũng như một vài địa phương gần gũi khác. Bạn có tin là nguồn hương gia vị từ các món ăn, thức uống sẽ mời bạn vào một cuộc hành trình, không phải trở về cũng không phải ra đi mà đơn giản là cảm thụ trọn vẹn từng khoảnh khắc hiện hữu, ở chính nơi chốn đang sáng tạo từng món ngon với sự ân cần nêm nếm vào đó gia vị tình yêu, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc từ đời này qua đời khác trong không gian bếp Việt! Nghệ thuật sáng tạo món ăn không phải để có các tác phẩm phô bày, triển lãm, người Việt sáng tạo món ngon để chính mình được hào hứng sống và để thực khách xa gần thỏa mãn vì được vui sống. Vậy hà cớ gì bạn và tôi từ chối không rời buông gánh lo âu mà sống cùng nguồn gia vị Sài Gòn, có gì mà phải mắc cỡ trong việc được Sài Gòn mời món ngon món lạ. Sài Gòn rất thật lòng được nhìn bạn ăn khoái khẩu và khoái chí khi nghe bạn khen..

Sài Gòn Chuyện Đời Của Phố

Sài Gòn – Chuyện đời của phố gồm 36 bài viết về những câu chuyện gợi nhớ một Sài Gòn xưa: Con đường ký ức, Hồn đô thị, Nhà cổ ven đường, Tìm lại giấc mơ xưa, Nhiếp ảnh gia của nghệ sĩ Sài Gòn, Ban hợp ca Thăng Long, Một cuộc thi hoa hậu, Giai nhân một thưở. Những góc phố nhỏ Sài Gòn lần đầu tiên kể về chuyện đời của mình sau bao nhiêu năm tưởng chừng đã chìm sâu vào ký ức.

Đọc Sài Gòn – chuyện đời của phố giống như ngồi trong quán cà phê đầu hẻm, vừa nhìn cuộc đời trôi qua vừa nghe người già kể những câu chuyện xưa nay, dắt dây nhau một cách khó ngờ. Trong đó có người lạ và có cả người quen, có chuyện hấp dẫn, có chuyện lê thê. Nhưng chắc chắn là không hề nhàm chán.

Sài Gòn Còn Chút Gì Để Nhớ

Nếu Nhớ sao xe cộ Sài Gòn của Ngô Kế Tựu là những phương tiện giao thông một thời hằn sâu trong hoài niệm của người Sài Gòn, thì Sài Gòn còn chút gì để nhớ của anh là gói ghém rất nhiều những mảng ký ức về một Sài Gòn thập niên 60 – 70.

Có người nhớ tiếng rao trên đường phố, nhớ tiếng ồn ào trong khu xóm lao động, nhớ cảnh nhộn nhịp Sài Gòn dịp Tết những ngày còn thơ, những cuộc tình lang thang dưới vòm me xanh lá trên con đường Duy Tân đầy bóng mát… Có người nhớ những món ăn vặt, từ bánh tráng khoai mì tròn như bàn tay con nít đến cuốn bò bía bằng ngón tay cái người lớn…

Tựa cuốn sách là một câu hỏi hay là một truy vấn ký ức của người Sài Gòn tha hương?

Sài Gòn – Thị Thành Hoang Dại

Sài Gòn – Thị thành hoang dại là quyển sách viết về Sài Gòn, về những người nhập cư đã rời xa quê hương để đi tìm một “miền đất hứa”. Họ thắp lửa trong tim, mang vào thành phố. Có người tìm thấy tổ ấm, tình yêu và sức mạnh của mình giữa Sài Gòn. Nhưng cũng có người đã gục ngã, tổn thương và đánh mất chính mình.

Ngôn Ngữ Văn Hóa Vùng Đất Sài Gòn Và Nam Bộ

“Từ thập niên 1990, tiếng Việt Sài Gòn đã được đưa vào giảng dạy cho người nước ngoài tại Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh. Kể từ lúc đó, tiếng Việt Sài Gòn ngày càng được các ngành giáo dục và du lịch chú ý khai thác để đáp ứng nhu cầu của người nước ngoài đến làm việc và học tập ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Từ thập niên 2000, tiếng Việt Sài Gòn đã chiếm được vị trí quan trọng trên các kênh truyền hình, phim quảng cáo, phim truyện trong nước và phim truyện nước ngoài có lồng tiếng Việt, phủ sóng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam…

Tuy nhiên, có một hiện tượng bất thường là trong khi tài liệu về tiếng Việt Sài Gòn dành cho người nước ngoài rất dễ tìm ở các cơ sở giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, thì tài liệu về ngôn ngữ của vùng đất Sài Gòn dành cho chính những người Việt Nam, người Sài Gòn có nhu cầu lại tương đối hiếm, nội dung lại chuyên sâu, chỉ thích hợp cho các nhà ngôn ngữ học. Hơn thế nữa, hầu như chẳng có mấy tài liệu trong số đó chú ý trang bị cho người đọc cái nền tảng của tiếng Việt Sài Gòn là văn hóa của vùng đất Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh, văn hóa và ngôn ngữ của vùng Nam Bộ. Tách rời ngôn ngữ khỏi văn hóa, tách rời Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh ra khỏi cái nôi Nam Bộ, tức là tách rời cây ra khỏi đất và tách rời thân cây ra khỏi rễ – một thao tác phân lập mà nhiều nhà ngôn ngữ học Việt Nam thường lạm dụng mặc dù trái với quy luật tồn tại và tiến hóa của bản thân ngôn ngữ.

Từ thực tế đó, chúng tôi nghĩ rằng biên soạn một cuốn sách giới thiệu tổng hợp về ngôn ngữ – văn hóa của vùng đất Sài Gòn và Nam Bộ sẽ là một đóng góp thiết thực trong tình hình tư liệu hiện nay. Trong đó, phần tri thức về văn hóa của vùng đất Sài Gòn và Nam Bộ là phần kiến thức cơ sở, cung cấp những tri thức văn hóa học thiết yếu về văn hóa Sài Gòn và Nam Bộ, qua đó trang bị một nền móng vững vàng giúp cho người đọc dễ dàng nắm hiểu, vận dụng ­mảng tri thức tiếp theo là những tri thức ngôn ngữ học về tiếng Việt Sài Gòn và tiếng Việt Nam Bộ. Ngoài ra, nhằm giúp ích thiết thực cho những học viên, bạn đọc có nhu cầu học tập, sử dụng tiếng Việt Sài Gòn để hành nghề, tác nghiệp, sách có thêm một chương trình bày về ngôn ngữ giao tiếp của tiếng Việt Sài Gòn…”

Lời tựa

Gợi ý

Sài Gòn Chở Cơm Đi Ăn Phở

Với văn phong hóm hỉnh, đôi khi bông phèng, người viết dẫn độc giả từ quán thịt chó “xôm tụ” ở hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh đến gánh hàng rong trên vỉa hè, quán phở trên đường Nguyễn Văn Đậu, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Văn Hai. Cuốn sách nhỏ vừa mang chút niềm tự hào của một người chuyên ăn hàng rong: Sài Gòn món gì cũng có, món ngon miền nào cũng hội tụ về đây; nhưng cũng phảng phất chút buồn khi trong thời đại công nghiệp, văn hóa ẩm thực Việt Nam có chút phôi phai, rồi ăn cái ngon mà nơm nớp lo hóa chất, lo ngộ độc thực phẩm. Mời bạn đọc cuốn “Sài Gòn chở cơm đi ăn phở” để hình dung đầy đủ về một hành trình khám phá ẩm thực.

Sài Gòn Chợ Lớn Rong Chơi

Tên gọi Sài Gòn có từ bao giờ và nghĩa ra sao, qua lịch sử mấy trăm năm, đã thấy nhiều cuộc tranh luận gây cấn, đưa ra không ít l. lẽ công phu, mà éo le thay, đến nay vẫn chưa thể xác quyết chung cuộc. Vậy thì, người Sài Gòn là như thế nào, chẳng thể nào chỉ ra cặn kẽ cho được, nhưng vẫn có người Sài Gòn đấy, không chỉ về phong thổ, nơi cư trú, hay hành chính, mà còn cả văn minh, văn hóa, tập quán, bản sắc và tâm tính…

Phân biệt hay định nghĩa thế nào là người Sài Gòn rất khó, nhưng nếu sống tại thành phố này đủ lâu, nhận ra được người Sài Gòn khá dễ… Có người Sài Gòn nói giọng Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Huế, rồi giọng Thanh – Nghệ – Tĩnh, rồi giọng Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang… Có người Sài Gòn nói tiếng Hoa, tiếng Khmer, Chăm…, mà hình như, cả 54 dân tộc đều có đủ. Có người Sài Gòn chưa bao giờ có quốc tịch Việt Nam và chưa thông thạo tiếng Việt… Từ những lý do nhì nhằng và cũng khá rõ ràng như vậy, nhà báo Nguyễn Hà đặt tôi viết loạt bài Người Sài Gòn cho tạp chí Sành Điệu từ đầu năm 2012. Yêu cầu không hề chơi chơi, vì mỗi số phải chọn hai nhân vật “cùng nghề và có vài điểm chung”, người trước có thể đã chết, người sau thì còn trẻ. Riêng tựa đề thì phải bắt đầu bằng hai chữ Sài Gòn. Và cũng với lý do, tạp chí này nhìn chung nữ tính (theo hướng đông đảo giới nữ đọc), nên tôi được đề nghị viết về giới nam – nghĩa là người Sài Gòn “giống đực”.

Nhưng rồi sau một năm cấp tập, tôi dần cạn vốn, mà độc giả cũng ngán nam, tôi được đề nghị chuyển qua nữ giới, đi được hơn nửa năm 2013, thì tới phiên tạp chí ngán, dừng lại hẳn. Khi tổ chức thành cuốn sách, tôi đắn đo rất nhiều về việc có nên bổ sung thêm nhân vật hay không, nhất là vài người đồng tính, lưỡng tính, “đa hệ” – vốn sinh sống và đóng góp cho Sài Gòn không ít điều tốt đẹp. Nhưng rồi nghĩ tới nghĩ lui, tôi vẫn muốn giữ cấu trúc liền mạch với tư duy như lúc viết, nên đành để dành nhiều nhân vật dự định cho tập 2, nếu tập 1 phát hành tốt đẹp. Chính vì vậy, hoàn toàn không phải do thiếu tôn trọng giới, mà vì ràng buộc kỹ thuật cấu thành ngay từ đầu, sách sẽ được đọc theo kiểu “tiền nam hậu nữ”, ai thích nam đọc từ trước, ai thích nữ đọc từ sau. Đây là điều mà bản thân tôi thấy rất áy náy, mong quý độc giả, đặc biệt giới nữ và các giới khác hỷ xả lượng thứ. Và cuối cùng, tại sao tôi chọn những người Sài Gòn như trong tập sách này, nếu phân trần ra, cũng có tiêu chí này kia, nhưng rồi thôi.

(La Hán Phòng)

SaiGon Vẫn Hát

Sài Gòn Vẫn Hát là một cuộc hành trình chạy đua với thời gian và níu giữ những điều thầm lặng, vô danh. Quyển sách này được viết ra giữa lúc những mầm đổi thay đang chớm nở, như quyết định giải thể những hàng cây có niên đại gần như song hành với cái tên của thành phố này, hay việc toan dỡ bỏ tòa thương xá đã quá đỗi thân thuộc được gieo vần trong khúc thi ca– chú gà Gandi đã im bặt tiếng gáy, cuộc hành trình như một ngọn lửa, bắt đầu nhen nhúm ngay trong lòng thị tứ..

Làng Báo Sài Gòn

Làng báo Sài Gòn tái hiện một thời kỳ làm báo sôi nổi của trí thức Sài Gòn và Việt Nam, với những tờ báo có số phận chỉ vài tháng hay vài số báo, thậm chí một số báo duy nhất, trong bối cảnh bi thương mà hào hùng của một dân tộc bị mất nước nhưng quyết không cam chịu làm nô lệ.

Sài Gòn Khâu Lại Mảnh Thời Gian

Quyển sách tập hợp những bài viết ngắn nhìn lại Sài Gòn ngày hôm qua, không phải bằng cặp mắt của nhà nghiên cứu mà của một người tha thiết yêu Sài Gòn, gắn bó với mảnh đất này từ bé và kể lại các câu chuyện thông qua những mảnh kỷ niệm; đó có thể là những câu chuyện hết sức sống động về chuyện ăn, uống, giải trí, thói quen sinh hoạt… cho đến những nhận định sâu sắc hơn về lịch sử, dấu tích cha ông trên một vùng đô thị đang hiện đại hóa từng ngày.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

9 quyển sách hay về người phụ nữ quyến rũ và nổi bật 9 quyển sách hay về người phụ nữ quyến rũ chia sẻ những bí quyết mà bất kỳ cô gái quyến rũ nào cũng cần phải biết. Nghệ Thuật…
7 quyển sách hay về rủi ro tín dụng và cách quản lý, thẩm định, xử lý hiệu quả 7 quyển sách hay về rủi ro tín dụng giúp người đọc hiểu được rủi ro tín dụng là gì, ảnh hưởng như thế nào đến ngân hàng và…
19 quyển sách văn học Nga nên đọc trong đời 19 quyển sách văn học Nga này có sức ảnh hưởng lớn lao đối với sự phát triển của văn học Xô Viết và Tây Âu nói riêng, văn…
Back to top button