Tôtem Sói

Tác giảKhương Nhung
Thể loạiSách văn học
Chủ đềMông Cổ, Lịch Sử Trung Quốc
Số trang562
Rating3.9/5


Nội dung

Tiểu thuyết Tôtem sói hoàn toàn không theo một bố cục tiểu thuyết kinh điển. Đây như thể là câu chuyện cố tình làm ra vẻ “biết đâu kể đó” của một nhân vật như thể là nhân vật chính – một thanh niên trí thức Bắc Kinh tên là Trần Trận, cùng các thanh niên trí thức khác đi về đất Nội Mông “lao động thực tế”. Câu chuyện được kể lại qua cái nhìn của Trần Trận, một trong bốn thanh niên trí thức Bắc Kinh, những người bị quy kết là con em của bọn “xã hội đen đi theo con đường chủ nghĩa tư bản”, bọn “độc quyền học thuật phản động” trong những ngày tháng “Đại cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc. Do cảnh ngộ, và do ác cảm với bọn “Hồng vệ binh ngu si dốt nát”, nên đầu mùa đông năm 1967 họ đã tạm biệt Bắc Kinh ồn ào, cùng nhau đi tìm cuộc sống yên bình trên thảo nguyên Nội Mông. Ở đây, Trần Trận đã được ông già Pilich nhận làm con nuôi. Và từ ông – một người sinh ra và lớn lên trên thảo nguyên Ơlôn, mang trong mình mọi tri thức sống và văn hóa của thảo nguyên – Trần Trận bắt đầu có tình cảm với sói, yêu sói và tôn thờ sói… Thậm chí Trần Trận còn chui vào hang sói bắt sói con về nuôi để tìm hiểu về cuộc sống của loài sói…

Vị trí của sói đối với thảo nguyên thật quan trọng. Nói như ông già Pilich “Sói chết sạch thì thảo nguyên cũng hết sống. Thảo nguyên mà chết, người và gia súc sống nổi không?”. Tình cảm của người dân thảo nguyên với sói cũng hết sức phức tạp. Họ giết sói nhưng đồng thời họ tôn thờ sói và “học tập từ sói”. Trong con mắt của người dân thảo nguyên, sói không phải là kẻ thù của họ. Sói chính là người bảo vệ thảo nguyên. Thảo nguyên có bốn đại họa: chuột, thỏ, rái cá cạn và dê vàng vì chúng là những động vật tận diệt đồng cỏ. Sói bắt chuột, bắt thỏ, bắt rái cá, đuổi dê vàng. Mùa đông trên thảo nguyên, súc vật chết bị đóng băng, đến mùa xuân khi băng tan, thịt súc vật bắt đầu thối rữa, chính sói lại là người dọn sạch những mầm dịch đó cho thảo nguyên. Chính vì vậy người dân thảo nguyên giết sói nhưng vẫn chung sống cùng sói. Họ học tập từ sói “chiến thuật” vây bắt con mồi, học từ sói tính kiên nhẫn và lòng quả cảm…

Điểm nhấn tạo sự lôi cuốn nhất của cuốn tiểu thuyết là ở chỗ tác giả thông qua thế giới sói đã tìm cách lý giải điều bí ẩn lớn của lịch sử: “Tại sao Thành Cát Tư Hãn lại có đủ sức mạnh tung hoành, xâm chiếm từ Á sang u, chỉ với một đội quân không lấy gì làm đông đảo?”. Thành Cát Tư Hãn đã học được sự hung bạo, kiên nhẫn, mưu trí, chiến thuật từ sói chăng? Vì sao dân tộc Mông Cổ suốt đời sống trên lưng ngựa lại sùng bái sói, thờ tôtem sói?

Cuốn sách dạy cho chúng ta cách ứng xử với tự nhiên. Sự săn bắt tận diệt của con người là một đại họa. Người dân thảo nguyên Nội Mông săn bắn bao giờ cũng chừa những con cái đang bận đàn con, chừa những con nhỏ chỉ săn bắt những con đực. Vì họ quan niệm rằng nếu tận diệt thì sau này sẽ không còn nguồn thức ăn, cũng đồng nghĩa với việc tuyệt đường sống của chính họ…

Thể loại

Tôtem Sói có mặt trong:

Review


Nguyễn Nguyên - - Review on: Fahasa

Sự kết hợp tuyệt vời của lịch sử và trí tưởng tượng, của văn hóa đại chúng và sự phản chiếu của cái tôi

Vậy là Totem sói đã trở lại và khoác cho mình một chiếc áo mới, lộng lẫy và đẹp đẽ hơn. Nhớ ngày đầu đọc Totem sói, tôi thật sự choáng ngợp với sự hùng vĩ và khoáng đạt của thảo nguyên và cuộc sống du mục của người Mông cổ. Họ hung hãn, hùng mạnh nhưng cũng rất thao lược, tài năng và tràn đầy tự do.

Tác giả cho ta một góc nhìn khác về một dân tộc luôn đóng vai ác trong lịch sử của các dân tộc khác. Họ đâu phải chỉ có chiến tranh, những bầy ngựa mạnh mẽ, những người đàn ông chỉ biết chinh chiến. Họ còn có những người phụ nữ đằng sau, những đức tin mãnh liệt, cùng những thủ tục văn hóa đặc trưng ít người biết tới.

Cuốn sách này là sự kết hợp tuyệt vời của lịch sử và trí tưởng tượng, của văn hóa đại chúng và sự phản chiếu của cái tôi. Viết về cả một dân tộc, chỉ để thấu hiểu bản chất của từng con người. Rất nên đọc.


Nhan Nguyen - - Review on: Goodreads

Một cuộc sách tuyệt vời về loài sói nói chung và sói thảo nguyên nói riêng

Một cuộc sách tuyệt vời về loài sói nói chung và sói thảo nguyên nói riêng. Tác giả bằng chính 11 năm trải nghiệm và 32 năm nghiền ngẫm của mình đúc kết ra một cách nhìn hoàn toàn mới mẻ về nền văn minh Hoa Hạ 5000 năm qua.

Thông qua chứng cứ lịch sử, Khương Nhung cho thấy rằng sự cân bằng Sói tính của tộc du mục và Cừu tính của tộc nông canh chính là chìa khóa để quốc gia hưng thịnh. Nhưng trong bản địa khu vực nông canh, điểm yếu của Cừu tính ngày càng bị lộ rõ: đớn hèn, yếu đuối, bảo thủ và phục tùng; trong khi Sói tính -dũng cảm, mạnh mẽ, quyết liệt và bất khuất – ngày càng phai nhạt. Lang đồ đằng – Totem Sói – cần được đánh thức và vực dậy, được đặt đúng vị trí xứng đáng để người dân ngưỡng vọng và noi theo.


Long Nguyen - - Review on: Goodreads

Sói, cao nguyên Nội Mông và câu chuyện lịch sử

Một câu truyện về sói, về tập tính, sự khôn ngoan và kiên cường của chúng, về cuộc sống của những người dân du mục sinh ra trên lưng ngựa, lớn lên bằng những trận chiến với sói trên cao nguyên Nội Mông, hơn hết nó là câu chuyện về nguồn gốc của người Hán hiện đại những kẻ đã chiếm trọn một vùng đồng bằng Hoa Bắc rộng lớn đuổi những con dân Bách Việt xuôi xuống miền Nam và về sự thay đổi trong cách sống từ du mục sang nông canh.

Một tinh thần Đại Hán hừng hực có lẽ sẽ không phù hợp với nhiều người nhưng nếu đã từng mơ ước về thảo nguyên rộng lớn hoặc đam mê tìm hiểu về chó sói hoặc lịch sử cổ đại thì đây là cuốn sách bạn không thể bỏ qua.

Đọc thử sách

Ông già Pilich nằm yên trong hố tuyết, nheo mắt nhìn chăm chú đàn dê trên sườn dốc và đàn sói ngày càng tiến lại gần, bảo Trần Trận: Ráng đợi chút nữa, học săn bắt, trước hết phải học tính kiên nhẫn của sói.
 
Có ông già bên cạnh, Trần Trận vững tâm hơn. Cậu gạt băng đọng trên lông mi, chớp chớp mắt nhìn ông già, giơ ống nhòm quan sát đàn dê vàng trên sườn dốc chênh chếch trước mặt và vòng vây của bầy sói. Bầy sói chưa hành động.
 
Từ sau lần con ngựa ô chạm trán với bầy sói, cậu hiểu con người trên thảo nguyên thực tế luôn bị sói bao vây rất gần. Ban ngày chăn cừu, ra khỏi lều không xa là đã trông thấy hàng loạt dấu chân còn mới, trên dốc dưới bãi dấu chân càng nhiều hơn, có cả những bãi phân sói màu xám nhạt. Đêm đêm cậu gần như trông thấy bóng sói vật vờ như trong cõi u linh, nhất là trong những đêm đông rét buốt, những cặp mắt sáng xanh như đom đóm chỉ cách đàn cừu vài chục mét, ít là hai ba cặp, năm sáu cặp, nhiều là mười mấy cặp, nhiều nhất là cái lần cậu dùng đèn pin của con trai ông già, đếm được hai mươi lăm cặp. Du mục nguyên thủy cũng như du kích hành quân, càng gọn nhẹ càng tốt. Chuồng cừu mùa đông chỉ là xe cũ, rào lưu động và những tấm thảm lớn quây thành một vòng bán nguyệt, chỉ chắn gió, không ngăn được sói. Khoảng trống rất lớn ở phía nam hoàn toàn dựa vào đàn chó và đám phụ nữ gác đêm. Đôi khi sói lọt vào trong chuồng, sói và chó cắn nhau văng vào vách lều, đụng phải người ngủ sát bên trong. Trần Trận từng hai lần bị đánh thức kiểu ấy, nếu không có bức vách, con sói rơi trúng người cậu. Du mục nguyên thủy, người và sói thảo nguyên chỉ cách nhau hai lớp thảm. Có điều cho đến bây giờ, Trần Trận chưa có dịp nào quần nhau với sói. Những con sói Mông Cổ thiện chiến xuất quỷ nhập thần hơn du kích đồng bằng Hoa Bắc. Những đêm bị sói quấy nhiễu, Trần Trận buộc phải tỉnh ngủ, cậu dặn Caxưmai trực đêm thấy sói vào chuồng nhớ đánh thức, cậu sẽ giúp một tay. Ông già Pilich thường vê vê bọ râu dê mà cười mỉm, ông bảo ông chưa thấy người Hán nào hăng hái như cậu. Hình như ông già rất bằng lòng về chàng thanh niên trí thức Bắc Kinh đầy nhiệt huyết này.
 
Rồi thì Trần Trận cũng được chứng kiến một cuộc ác chiến giữa người và sói dưới ánh đèn pin trong một đêm giông bão cuối năm.
 
“Trần Tận (Trận)! Trần Tận (Trận)!”
 
Trần Trận bị tiếng gọi giật giọng của Caxưmai và tiếng chó sủa điên cuồng đánh thức. Đêm đã khuya. Cậu xỏ vội đôi ủng và chiếc áo khoác ngoài, cầm đèn pin và roi ngựa bước ra khỏi lều, hai chân run bắn. Trong quầng sáng đèn pin có tuyết bay lất phất, cậu trong thấy Caxưmai đang túm chặt cái đuôi rất dài một con sói gộc. Con sói có chiều dài suýt soát một thân người trưởng thành. Caxưmai định lôi nó ra khỏi đàn cừu dày đặc. Con sói muốn quay lại cắn người, nhưng đàn cừu vì sợ gió, sợ lạnh nên đỏ xô về phía bức tường chắn gió, ken chặt đến nỗi nửa thân trước của con sói bị kẹt cứng không cựa quậy được, chi còn mỗi cách cắn văng mạng những con cừu hai bên và hai chân trước bám đất chơi trò kéo co với Caxưmai để thoát ra khỏi đàn cừu, quay lại cắn trả. Trần Trận loạng choạng chạy về phía Caxưmai, nhất thời chưa biết xử lý ra sao. Hai con chó to lớn sau lưng Caxưmai cũng bị đàn cừu che chắn, không thể tiếp cận con sói, chỉ quáng quàng bên ngoài mà sủa uy hiếp con sói. Năm sáu con chó nhà ông Pilich và toàn bộ chó của những nhà lân cận đang quần nhau với bầy sói tại phía đông chuồng cừu. Tiến sủa, tiếng rú, tiếng gào kinh thiên động địa. Trần Trận rát muốn giúp Caxưmai một tay, nhưng cậu run quá, không nhích nổi nửa bước. Cậu vốn rất muốn chạm tay vào con sói, giờ đây ý tưởng đó tan như bọt xà phòng. Nhưng Caxưmai thì cứ tưởng cậu định đến giúp, vội hét: Đừng lại gần kẻo bị sói cắn! Đuổi đàn cừu để lấy chỗ cho chó vào!
 
Caxưmai ngả người về phía sau, ra sức kéo đuôi con sói đến nỗi mồ hôi đầy mặt. Cô dùng cả hai tay bẻ gập đuôi khiến nó đau quá, há miệng đỏ lòm hớp gió lạnh, hận nỗi không thể quay lại cắn chết tươi con người phía sau cho hả giận. Trườn lên không ăn thua, con sói bò giật lùi thật nhanh, quay được người lại cắn Caxưmai. “Soạt”, vạt áo dài của cô bị rách toạc. Cặp mắt lá răm của cô gái Mông Cổ lóe sáng như mắt con báo hoa, cô vẫn túm chặt đuôi sói, nhảy lùi một bước để kéo thẳng nó như cũ, rối ra sức lôi con sói về phía mấy con chó.
 
Trần Trận hoa mắt, cậu giơ cao đèn pin để Caxưmai nhìn rõ con sói, còn tay cầm gậy thì vụt lia lịa, bất kể vào đầu hay vào tai nó. Đàn cừu nhốn nháo, vì sợ con sói trong bóng tối nên tranh nhau chạy tới chỗ quầng sáng. Trần Trận đâm ra bất lực, không xua được đàn cừu theo ý muốn. Cậu nhận ra Caxưmai đang yếu thế, con sói đã dướn lên một bước.
 
“A má! A má!” – Có tiếng trẻ kêu thất thanh.

Bayan, đứa con trai lên chín của Caxưmai xông ra khỏi lều, trông thấy mẹ với con sói, nó kêu lạc cả giọng. Như chơi trò nhảy cừu, nó nhảy tưng tưng trên lưng những con cừu đến chỗ mẹ, cùng mẹ tóm đuôi con sói. Caxưmai hét to: Tóm cẳng nó! Bayan chuyển một tay tóm cẳng con sói rồi ra sức kéo. Sức dướn của con sói bị giảm nhiều, hai mẹ con đã ghìm được nó tại chỗ. Tiếng chó vẫn sủa râm ran phía đông. Đàn sói rõ ràng giương đông kích tây. Bộ phận chủ lực khống chế đàn chó, yểm hộ cho những con xông vào chuồng cừu. Mạn giữa và phía tây hoàn toàn do hai mẹ con Caxưmai cố thủ, không cho con sói gộc dồn một số cừu ra ngoài bằng cách chọc thủng tấm thảm chắn.
 
Ông già Pilich cũng ra chỗ đàn cừu. Ông vừa dồn cừu, vừa gọi: Balưa! Balưa! Balưa tiếng Mông Cổ có nghĩa là “hổ”. Đó là con chó săn sói, giống chó Tạng, to lớn nhất đàn, cực kỳ hung hãn, thân tuy không dài bằng, nhưng cao và ức nở hơn sói nhiều. Nghe tiếng gọi của chủ, Balưa lập tức rút khỏi cuộc chiến, chạy tới bên chủ, hơi thở toàn mùi máu. Ông già vội đón chiếc đèn pin từ tay Trần Trận soi về phía con sói. Balưa lắc đầu một cái thật mạnh, buồn như vệ sĩ bị mất chức, điên cuồng nhào tới chỗ con sói, đạp cả lên đầu lũ cừu. Ông già bào Trần Trận: Dồn cừu về phía sói! Lèn chặt sói lại, không cho nó chạy thoát! Nói rồi ông nắm tay Trần Trận, hai người dồn cừu về phía con sói và mẹ con Caxưmai.
 
Con Balưa hung dữ miệng phì khói, cuối cùng vào tới chỗ Caxưmai, nhưng con sói bị kẹt giữa đàn cừu không một kẽ hở. Những con chó săn khôn ngoan của Mông Cổ đều không cắn vào những chỗ có thể làm hỏng bộ da sói. Con Balưa tìm không ra chỗ thích hợp để cắn, nó cuống quít rên ư ử. Thấy con Balưa,Caxưmai liền né sang bên, tì đuôi sói vào gối rồi dùng sức mạnh toàn thân mà bẻ, “rắc” một tiếng, xuơng đuôi con sói bị gãy. Con sói đau quá tru thảm thiết, bốn chân bám trụ lơi ra, mẹ con Caxưmai nhân đà giật mạnh nó ra khỏi đàn cừu. Con sói toàn thân run rẩy, ngoái lại nhìn vết thương. Balưa thừa cơ nhảy tới ngoạm trúng cổ họng con sói, rồi mặc cho nó quẫy đạp, con Balưa dùng hai chân trước chặn ức, hàm răng sắc nhọn bập trúng họng, máu sói vọt ra hai bên mép chó. Con sói giãy giụa trong vài phút rồi ngã vật, thân mềm nhũn. Caxưmai chùi máu trên mặt, thở ra một hơi. Trần Trận nhìn sắc mặt đỏ au tưởng chị dùng son làm bằng huyết sói, đẹp man rợ như phụ nữ thời tiền sử.
 
Mùi máu sói lan ra không khí, đàn chó im bặt, lũ sói bỏ chạy, thoáng cái đã mất hút trong đêm. Chỉ lát sau, từ những trảng cỏ phía tây bắc vọng lại tiếng hú dài thê thảm tiễn đưa viên tướng của chúng vừa trận vong.
 
Mình là đồ vô tích sự, dát như cừu! Trần Trận thẹn thùng tự trách. Mình không bằng những con chó thảo nguyên, không bằng phụ nữ thảo nguyên. Đứa trẻ lên chín mình cũng không bằng. Caxưmai cười, lắc đầu bảo: Không đúng, nếu không có chú đến giúp thì nó bắt mất cừu rồi. Ông già Pilich cũng cười: Học trò người Hán như cậu mà biết dồn cừu, biết soi đèn pin, tôi mới thấy là một.
 
Rốt cuộc Trần Trận cũng sờ được vào cái xác còn nóng của con sói. Cậu hối hận vì hồi nãy không kéo đuôi con sói cùng với Caxưmai, bỏ lỡ dịp ngàn năm có một tay không bắt sói. Sói Ơlôn quả thực to vật vã, lông lá đầy mình như hắc tinh tinh, chết rồi mà vẫn oai phong, chỉ như say rượu nằm dưới đất, có thể vọt dậy bất cứ lúc nào. Trần Trận sờ cái đầu to đùng của con sói, lấy hết can đảm ngồi xuống, giang ngón cái và ngón giữa đo chiều dài từ chóp mũi dến chót đuôi. Chín gang tay, vị chi là một mét tám, cao hơn cậu mấy phân. Trần Trận hít hà ngạc nhiên quá đỗi.
 
Ông già Pilich dùng đèn pin soi đàn cừu. Có ba bốn con đã bị sói cắn cụt khu đuôi béo mẫm, mỡ và máu trộn lẫn, chảy từng vệt. Ông già bảo, đổi bốn năm cái đuôi cừu lấy một con sói không lỗ vốn. Ông cùng Trần Trận kéo con sói về lều, đề phòng lũ chó hàng xóm cắn xé bộ da cho đỡ tức. Trần Trận cảm thấy chân sói to hơn nhiều so với chân chó. Cậu xoè bàn tay ướm thử, trừ các ngón tay, bàn chân sói vừa bằng bàn tay người lớn. Thảo hèn sói chạy rất ổn định trên tuyết hoặc trên đá sỏi. Ông già bảo: Ngày mai tôi dạy cậu lột da sói làm xà cạp chân.
 
Caxưmai bê từ trong lều ra nửa chậu thịt vụn lẫn xương khao Balư và lũ chó. Trần Trận cũng ra theo, luôn tay vuốt ve cái đầu to bự và tấm lưng cánh phản của con Balư. Con chó vừa nhai xương rau ráu vừa vẫy đuôi tỏ vẻ biết ơn. Trần Trận không nén được, hỏi Caxưmai: Lúc nãy chị có sợ không? Cô cười: Sợ chứ, tôi sợ sói bắt mất cừu, mất công điểm. Tôi là Tổ trưởng sản xuất, để mất cừu thì xấu hổ chết! Caxưmai võ vỗ đầu con chó, luôn miệng khen: Balư sai (giỏi lắm)! Balư sai (giỏi lắm)! Con Balư nhả miếng xương, ngẩng lên đón bàn tay của cô chủ rồi rúc mõm vào ống tay áo cô, đuôi phe phẩy. Trần Trận thấy rõ con Balư nhận ra tình cảm của cô chủ đối với nó trong lúc đói lòng giữa đêm đông. Caxưmai bảo: Cậu Trận này, sau Tết, tôi sẽ cho cậu một con cún rất đẹp, chăn nuôi đúng kỹ thuật không khó, cậu nuôi tốt, nó sẽ như con Balư. Trần Trận rối rít cảm ơn.
 
Vào trong lều rồi, Trần Trận vẫn chưa hết sợ, nói: Hồi nãy cháu sợ quá. Ông già nói: Khi ấy tôi cũng thấy thế khi cầm tay cậu. Mà sao cậu run ghê thế? Ra trận mà tay run thế thì làm sao cầm chắc tay dao? Muốn trụ lại trên thảo nguyên, phải tài giỏi hơn sói. Từ nay tôi sẽ thường xuyên đưa cậu đi săn sói mới được. Xưa kia Thành Cát Tư Hãn tuyển quân, bao giờ cũng tuyển những thợ săn giỏi.
 
Trần Trận gật đầu liền mấy cái, nói: Cháu tin là như thế. Chị Caxưmai mà lên ngựa ra trận, tài giỏi hơn Hoa Mộc Lan nhiều. Hoa Mộc Lan là một nữ tướng rất nổi tiếng đời Hán.
 
 Ông già nói: Hoa… Hoa Mộ La (Mộc Lan) của người Hán rất hiếm, còn Caxưmai của Mông Cổ thì rất nhiều, nhà nào cũng có. Ông già cất tiếng cười khà, y hệt tiếng cười của con sói chúa.
 
Từ ấy Trần Trận ngày càng muốn tiếp cận, quan sát, nghiên cứu lũ sói. Cậu lờ mờ cảm thấy rằng, thảo nguyên và người thảo nguyên có mối quan hệ bí ẩn. Có lẽ phải hiểu rõ sói thảo nguyên thì mới hiểu được thảo nguyên và người thảo nguyên, mà sói thảo nguyên là khâu bí ẩn nhất. Trần Trận rất muốn có thêm những cảm xúc chân thực của cậu về sói, thậm chí cậu rất muốn tự mình bắt được sói con đem về nuôi. Khi nảy ra ý nghĩ này, bản thân cậu cũng giật mình. Nhưng mùa xuân càng tới gần, ý nghĩ này càng mãnh liệt.
 
Tuy vậy, cậu vẫn vô cùng cảm kích về tấm lòng của ông già.
 
Trần Trận cảm thấy ông già hích tay cậu rồi chỉ lên sườn dốc. Cậu vội chĩa ống nhòm về phía ấy, đàn dê vàng vẫn đang hối hả gặm cỏ. Nhưng cậu trông thấy một con sói lớn tách khỏi vòng vây, nhằm hướng núi phía tây chạy đi. Cậu chột dạ, khẽ hỏi ông già: Chẳng lẽ đàn sói bỏ cuộc, hoài công mình phục cả buổi ở đây!

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

Nghệ Thuật Quản Lý Tài Chính Cá Nhân Mọi kết quả, thành công hay thất bại, giàu có hay nghèo đói, đều có một hoặc nhiều nguyên nhân cụ thể gây nên. Mọi nguyên nhân hoặc hành…
Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia Tình yêu đích thực luôn vô điều kiện. Nó chẳng thể tồn tại nếu chúng ta không nhận ra và chấp nhận sự khác biệt của nhau. Chừng nào…
Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives – Many Times) Người ta chết đi và đầu thai trong kiếp sống khác. Trong mỗi kiếp, họ phải học một số bài học để trở nên tốt đẹp hơn. Có người…
Back to top button