Nghệ Thuật Quản Lý Tài Chính Cá Nhân

Tác giảBrian Tracy
Thể loạiTài chính, Tự lực
Số trang258
Năm2017
Rating3.9/5


Nội dung

TIỀN BẠC là niềm đam mê bất tận và nỗi khổ đau cùng cực của nhân loại, là chủ đề cực độ nhạy cảm nhưng tột cùng cuốn hút trong xã hội loài người. Người ta kiếm tiền, tiêu tiền, lại lo lắng nghĩ cách kiếm tiền, rồi tự hỏi tại sao cuộc đời mình khó khăn đến thế. Ai cũng muốn đạt được một cuộc đời tự do về tài chính, nhưng bạn thực sự dành ra bao nhiêu tâm huyết và sức lực để giành lấy nó? Bạn có nghiêm túc suy nghĩ cải thiện năng lực kiếm tiền của bản thân, thận trọng tính toán khi chi tiêu, và khôn khéo cân nhắc lúc đầu tư? Hay nói trắng ra, bạn đã chú ý quản lý tài chính cá nhân đến mức nào để trở nên tự do tài chính?

Bất chấp vô số công trình nghiên cứu vi mô và vĩ mô, hiểu biết của cộng đồng về tiền bạc vẫn còn rất mơ hồ, và thái độ của mọi người về quản lý tài chính cá nhân vẫn còn rất mông lung.

Trong cuốn sách “Nghệ thuật quản lý tài chính cá nhân”, Brian Tracy cùng cộng sự Dan Strutzel sẽ liên tục vén lên những bức màn bí ẩn về tiền bạc, mạnh mẽ xóa sạch mọi nhầm tưởng hoang đường, thẳng thắn điểm mặt chỉ tên từng hành vi và thái độ lố bịch của con người trong việc kiếm tiền, tiêu tiền và sản sinh dòng tiền; đồng thời trực tiếp phơi bày cho bạn thấy, trong bộ môn nghệ thuật quản lý tài chính cá nhân vĩ đại, bạn là tay mơ hay một nghệ sĩ đại tài.

Dù bạn cuồng say hay căm ghét đồng tiền, tôn sùng hay chối bỏ nó, bạn cũng không thể thoát khỏi vòng xoáy của nó. Hãy học cách làm chủ đồng tiền, làm chủ cuộc chơi với một trong những tác phẩm mới nhất của tác giả nổi tiếng Brian Tracy.

Thể loại

Nghệ Thuật Quản Lý Tài Chính Cá Nhân có mặt trong:

Review


Thiện Hưng - - Review on: Tiki

Khoa Học về Tiền

Sách chia sẻ theo hình thức hỏi và trả lời giữa Dan và Brian Tracy. Sách không dạy cụ thể cách thức quản lý tài chính cá nhân như tựa đề tiếng Việt, là không có những ví dụ bạn phải để dành bao nhiêu %, đầu tư như thế nào.. Nhưng nội dung là những kiến thức, kinh nghiệm và nghiên cứu của BrianTracy về quy luật tạo ra đồng tiền, giữ tiền, và đầu tư. Nó chính xác là khoa học về Tiền Bạc. Khi viết những dòng nhận xét này mình chưa đọc hết sách mà chỉ đọc lướt. Cảm nhận cá nhân là quyển sách này khá là hay vì nó chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của Brian Tracy, một trong những Guru về kinh doanh và phát triển bản thân bậc nhất hiện nay. Nó tạo cho mình một cái nhìn tổng thể, một bản đồ về Tiền. Mình nghĩ tác giả có thể để đúng tên tiếng Anh của quyển sách để tránh sự hiểu lầm nó là một giải pháp quản lý tài chính cụ thể nào đó dù rằng áp dụng những quy luật này để quản lý tài chính là OK.


Ngo Ha - - Review on: Tiki

Cuốn sách nên học về tài chính cá nhân

Cuốn sách có nhiều kiến thức, thông tin thú vị về khái niệm tài chính, cụ thể là về tiền. Cách “kiếm tiền, đầu tư”. Đặc biệt là những kế hoạch để quản lý tiền. Nên đọc và áp dụng từ những quy mô nhỏ, sau đến mức lớn hơn. Lối văn của B.Tracy thì vẫn thế, vừa lý thuyết vừa thực tiển để áp dụng.


Quý Khánh - - Review on: Tiki

Quyển sách mở ra tầm nhìn tài chính mới

Brian Tracy là 1 doanh nhân, tác giả cũng như người thầy người hướng dẫn tận tâm và xuất sắc. Quyển sách này được ông viết theo dạng câu hỏi – trả lời. Những câu hỏi mà những người bình thường như chúng ta hay thắc mắc và gặp phải trong quá trình tìm hiểu và xây dựng về tài chính cá nhân. Bằng cách trả lời đi thẳng vào vấn đề, không lan man và hết sức dễ hiểu. Mình có cảm nhận như đang được tham dự lớp học của ông vậy. Có 1 đoạn mình nhớ nhất “Nếu muốn thu nhập của bạn tăng gấp đôi hãy tìm người có gấp đôi thu nhập của bạn. Sau đó hãy suy nghĩ ngược bằng cách nào mà anh ta lại làm được vậy. ” Hãy đọc nó đi.


Phuc - - Review on: Fahasa

Quản lý tài chính là điều quan trọng của mỗi người

Ai sinh ra lớn lên đều phải lựa chọn cho mình 1 công việc mưu sinh nào đó, có người thành công, có người thất bại. Và để đạt được thành công có nhiều yếu tố, trong đó quản lý tài chính là một yếu tố chính vì vốn dĩ địa vị xã hội hay thành công thường được đánh giá theo khả năng tài chính. Với kinh nghiệm dày dặn trong nghề diễn thuyết của mình, Brian Tracy đã đúc kết nhiều bài học ý nghĩa từ kinh nghiệm xương máu của bản thân và qua những bài học ý nghĩa ông thu nhận được từ những người đã qua ông tư vấn, biến chúng thành những kiến thức vô cùng hữu ích, giúp độc giả nhận ra nhiều vấn đề về tài chính mà bản thân đang mắc phải, từ đó tìm được cách khắc phục và phát triển tài chính của mình.


Sáng Thanh - - Review on: Fahasa

Không thấy có điểm gì ấn tượng lắm

Cuốn sách này không dành cho bạn nào học về tài chính, quản trị kinh doanh, đầu tư; do kiến thức trong này chỉ liên hệ một chút so với kiến thức liên quan tới ngành khi học trong trường đại học. Sách viết theo lối phỏng vấn đặt câu hỏi phỏng vấn-trả lời. Phần đầu viết về khái niệm cơ, tiếp đến đưa ra một số nguyên tắc trong tài chính cá nhân như tiết kiệm, bảo hiểm, đầu tư; phần cuối viết về các quy luật kinh tế học cơ bản như giá trị, lợi ích cận biên, đánh đổi, khan hiếm. Nhìn chung một số bạn không chuyên có thể đọc để làm giàu thêm kiến thức thôi. sách không đề cập sâu về tài chính cá nhân (mình khá thất vọng điểm này). Mình đọc lướt qua, không thấy có điểm gì ấn tượng lắm!

Đọc thử sách

Chúng ta đang sống trong một thế giới tuân theo quy luật, chứ không phải ngẫu nhiên. Mọi chuyện xảy ra không phải do may mắn, cũng không phải do tình cờ. Luật nhân quả phát biểu rằng, tất cả mọi thứ xảy ra đều có lý do. Luôn có nguyên nhân cho mọi sự việc. Đó chính là quy luật bất biến quyết định vận mệnh con người. Nó nói rằng mọi thứ xảy ra đều có lý do, bất kể ta có biết lý do hay không. Nó là quy luật, và điều này có nghĩa là anh hoàn toàn có thể kiểm soát được tương lai của mình.

Mọi kết quả, thành công hay thất bại, giàu có hay nghèo đói, đều có một hoặc nhiều nguyên nhân cụ thể gây nên. Mọi nguyên nhân hoặc hành động đều có hệ quả dạng này hay dạng khác, bất kể chúng ta có trông thấy hay không, có thích nó hay không. Isaac Newton, nhà vật lý vĩ đại nhất trong lịch sử, gọi đây là luật về lực và phản lực (định luật III Newton). Định luật này phát biểu rằng, trong mọi trường hợp, khi vật A tác dụng một lực lên vật B, thì vật B cũng tác dụng lại một lực lên vật A; hai lực này có cùng giá trị, cùng độ lớn, nhưng ngược chiều. Đây là quy luật của vũ trụ.

Nói cách khác, nếu anh tạo ra giá trị, anh sẽ thu lại giá trị – lực và phản lực. Nếu anh không tạo ra giá trị, anh sẽ không thu về giá trị. Anh không thể vi phạm quy luật tự nhiên này. Napoleon Hill, tác giả cuốn sách Nghĩ giàu & Làm giàu, nói rằng mọi người đừng cố vi phạm quy luật tự nhiên, cũng đừng mong vượt mặt nó. Nó là lý do chính cho sự thành công.

Quy luật nhân quả này nói rằng tất cả các thành tựu, giàu sang, hạnh phúc, thịnh vượng và thành công đều là hệ quả trực tiếp hay gián tiếp của nguyên nhân hoặc hành động cụ thể. Earl Nightingale nói, chẳng bao giờ có chuyện một người ngồi trước lò sưởi trống không và khẩn nài, “Hãy cho tôi chút hơi nóng, rồi tôi sẽ bỏ vào ít gỗ.” Không phải như vậy. Anh phải cho gỗ vào lò sưởi trước, rồi mới nhận được hơi ấm. Anh phải đầu tư vào rồi mới lấy được thứ mình muốn.

Chẳng khác nào người nông dân nói với cánh đồng, “Cho tôi một vụ mùa, rồi tôi sẽ gieo hạt giống.” Thế giới hiện đầy rẫy những người tuyên bố rằng, “Nếu muốn tôi làm việc chăm chỉ hơn, họ phải trả tôi nhiều tiền hơn.” Không thể có chuyện đó được, điều anh thực hiện là làm việc chăm chỉ hơn và năng suất hơn, rồi cấp trên, hoặc người khác, sẽ trả cho anh nhiều tiền hơn.

Định luật này cũng hàm ý rằng, nếu anh hiểu rõ kết quả anh muốn, anh có thể đạt được nó. Anh có thể nghiên cứu về những người khác, những người đã cùng đạt được một mục tiêu giống vậy, và bằng cách bắt chước theo những gì người khác đã làm, anh có thể nhận về được những kết quả tương tự.

Khi nhận diện được những nguyên nhân này và đưa chúng vào cuộc sống và các hoạt động cá nhân, anh sẽ nhận được kết quả tương tự như hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người khác đã nhận được. Thú vị là, năm 1900, có 5.000 triệu phú trên thế giới. Và khi tôi bắt đầu nghiên cứu chủ đề này vào năm 1980, con số này đã lên tới 1 triệu, trong đó đa số là người Mỹ. Đến năm 2000, con số là 7 triệu. Đến nay, đã có 10 triệu triệu phú, và con số này đang tăng với mức 10-12% mỗi năm. Hàng triệu triệu người bắt đầu từ hai bàn tay trắng và trở thành triệu phú, nhờ thực hiện một số việc nhất định theo một phương pháp nhất định.

Nếu chỉ có một người trở thành triệu phú, anh có thể nói đó là chuyện hiếm hoi. Nếu hai người, anh có thể nói đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng nếu hàng triệu triệu người, với bối cảnh khác nhau, giới hạn và ràng buộc khác nhau, trở thành triệu phú, thì chắc chắn tồn tại một số quy luật và nguyên tắc nhất định được họ áp dụng hiệu quả.

Tôi học rằng, cuộc sống rất khách quan. Cuộc sống không thiên vị ai. Chẳng có thế lực vĩ đại nào trong vũ trụ muốn anh thành công lớn. Cuộc sống luôn trung lập. Giống như vị thần công bằng với đôi mắt nhắm chặt, cuộc sống chỉ nói rằng, nếu anh làm theo những người thành công, anh sẽ thu được những kết quả tương tự, và ngược lại.

Tôi không thấy thoải mái chút nào khi lần đầu nghe được điều này. Nhưng nó là kẻ bảo trợ tuyệt vời nhất cho thành công. Anh có thể ngớ ngẩn, có thể cao hay thấp, đen hay trắng, được giáo dục bài bản hoặc không, dân nhập cư hay người bản xứ, tất cả đều không quan trọng. Đó là lý do tại sao tất cả mọi người đều muốn đến Mỹ, Úc, New Zealand, Anh, Phần Lan – những quốc gia có hệ thống tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh – bởi ở đó, anh có thể khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng rồi đạt được thành công tài chính. Mỗi dịp ghé qua các quốc gia này, tôi thường gặp những người bạn đến từ Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới, họ đều là triệu phú, họ đến đó và bắt đầu làm những việc mà các doanh nhân thành đạt khác đã làm.

Biểu hiện quan trọng nhất của quy luật nhân quả cho thấy, suy nghĩ chính là nguyên nhân, và hoàn cảnh là kết quả. Nói cách khác, suy nghĩ khác nhau sẽ tạo ra nhiều kết quả độc đáo khác nhau. Những suy nghĩ của anh là lực lượng sáng tạo chính trong cuộc sống của anh. Anh có thể tạo nên toàn bộ thế giới theo cách anh nghĩ. Mọi người, mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống của anh đều được tạo nên theo suy nghĩ của riêng anh. Khi thay đổi suy nghĩ, anh sẽ thay đổi cuộc sống của mình, đôi khi chỉ trong vài giây.

Nguyên tắc quan trọng nhất góp phần tạo nên thành công cá nhân hay thành công kinh doanh là: Anh sẽ trở thành những gì mà anh dành nhiều thời gian suy nghĩ. Đây là bí mật lạ lùng nhất của Earl Nightingale, nhưng đã được nhắc đến trong Kinh Thánh: Khi hắn tưởng trong lòng thế nào, thì hắn đúng là thế ấy1. Anh trở thành người thế nào phụ thuộc suy nghĩ hoặc đức tin của anh.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

Lợi Thế Bất Công Nội dung Độc giả Việt Nam đã biết đến tác giả Robert T. Kiyosaki thông qua bộ sách Dạy Con Làm Giàu. Bộ sách đó đã giúp độc giả…
Nguyên Tắc Kỷ Luật Bản Thân Thức dậy mỗi sáng sớm hơn năm phút có thể không có ý nghĩa gì nhiều khi xét trên cơ sở hàng ngày, nhưng lại có một hiệu ứng…
Tôi Tự Học Học để làm gì? Và tại sao ta phải học? Ta phải quan sát chung quanh ta, ta sẽ thấy có hai hạng người: học vì tư lợi, và…
Back to top button