Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can

Tác giảĐặng Hoàng Giang
Thể loạiKỹ năng sống
Số trang210
Năm2018
Rating3.8/5


Nội dung

“Từ chỗ vô danh cách đây bảy, tám năm, bây giờ, nếu gõ “bức xúc” vào Google, ta sẽ được 29 triệu kết quả, gấp gần 10 lần “Ngọc Trinh” một con số ấn tượng cho một làn da xấu xí như vậy.”

Đây là một trong rất nhiều các quan sát thú vị, kèm theo các giải mãi hóm hỉnh, không kém phần chua xót song cũng rất giàu nhân văn trong tuyển tập BỨC XÚC KHÔNG LÀM TA VÔ CAN của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. 26 bài viết là 26 câu chuyện từ quen thuộc như thịt chó, ấn đền Trần, phẫu thuật thẩm mỹ, từ thiện câu like…đến ngỡ như vĩ mô xa xôi nhưng lại ảnh hưởng mật thiết đến cuộc sống từng cá nhân như sự tàn phá của kinh tế thị trường, lí do khiến quốc gia thất bại, du lịch đại trà, hay các vấn đề văn hóa không bao giờ hết nóng như sính ngoại, truyền hình thực tế…Không chỉ phân tích khách quan và bình luận sắc sảo, tác giả còn đề xuất nhiều giài pháp bất ngờ và đầy trách nhiệm, khiến các bài viết, trước khi được tập hợp lại trong tuyển tập này, đã nhận được hàng trăm nghìn lượt xem và rất nhiều chia sẻ từ đông đảo cư dân mạng.

“Một góc nhìn thằng thắn và tỉnh táo, xoáy vào những vấn đề bằng những con dao mổ sắc cạnh của tri thức… Từ lâu, những cây viết của nước ta vẫn dùng dao gọt hoa quả có lưỡi lượn sóng để mổ xẻ các vấn đề. Chúng ta thiếu những con dao mổ lạnh, nằm trong những bàn tay ấm.”

Thể loại

Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can có mặt trong:

Review


Hồng Nhi - - Review on: Tiki

Hài Lòng

Một cuốn sách hay và mang ý nghĩa thiết thực trong thời đại này, thời của smartphone và Facebook, cuốn sách nêu rất rõ vấn đề và trực tiếp đưa ra những mong muốn và giải pháp để khắc phục những vấn đề đó, giọng văn đôi khi có phần hóm hỉnh không hề gây chán hay buồn ngủ. Quyển này rất hợp với những bạn trẻ để rèn luyện thái độ sống, tuy nhiên cũng hợp với những người… lớn lớn mà hay có thái độ bức xúc !!!


Mèo Mập Vương - - Review on: Tiki

Một Cuốn Sách Tuyệt Vời

Không phải tuyệt vời mà là tuyệt diệu! Đủ rộng, đủ zui, đủ sâu. Được lý giải và sáng tỏ những chuyện hàng ngày ở xung quanh.

Những bài học rút ra cho bản thân:
1. GDP nay hết thần thánh. Nay họ đo toàn GNH. Gross National Happiness: Chỉ số hạnh phúc quốc nội.
2. Cái đẹp có thể thấy ở mọi nơi từ vẻ đẹp của người chạy marathon về chót
3. Lý giải mấy zụ hôi bia, đánh chết mấy người trộm chó
4. Ai cũng có thể và có nghĩa vụ trở thành anh hùng. Chờ siêu nhân tới khi nào!
5. Nghèo không việc gì phải cúi đầu.
6. Truyền thông dẫn mình về đâu đến nỗi hôm qua suýt đi tắm trắng
7. Danh vọng, tiền bạc hay là hạnh phúc?
8. Không chỉ đơn giản là không làm điều xấu, mà còn là không đi theo đám đông để làm điều xấu
9. Việt Nam có tỷ phú đô la nên zui hay buồn? Và hiểu rõ hơn vì sao chênh lệch giàu nghèo thật sự nó ghê òm!
10. Đã từng thấy “Đắc nhân tâm”, “làm giàu không khó”, “đọc vị bất kỳ ai” có gì đó sai sai mà không hiểu vì sao. Giờ thì bắt đầu hiểu.
11. Bức xúc không làm ta vô can. Đó có thể là cách né tránh trách nhiệm.
12. Đọc cuốn này sau 28 tuổi mới tuyệt.


Mỹ Hạnh - - Review on: Tiki

Một Cuốn Sách Phản Biện Xã Hội Với Quan Điểm Bình Tĩnh Và Sâu Sắc

Bức xúc không làm ta vô can nêu lên một cách nhìn khác của tác giả đối với các vấn đề trong xã hội. Ở một đất nước hiện nay mà ai cũng có thể làm một “nhà phê bình” ở trên thế giới mạng, cả xã hội như lên đồng khi nhảy vào chửi rủa một vấn đề, một cá nhân khi chưa biết tốt xấu thì những quan điểm và bình luận một cách khách quan và sâu sắc của tác giả khiến người đọc bình tĩnh và suy nghĩ cẩn thận hơn. Mình đặc biệt thích quan điểm của tác giả về những cuốn sách self-help. Trước giờ mình đọc rất nhiều sách nhưng không hề thích những quyển sách như Dạy con làm giàu, Tôi tài giỏi, bạn cũng thế, Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống,…Trong khi đó rất nhiều người đọc và tán thưởng những cuốn sách này, có đôi lúc mình nghĩ có phải đã bỏ qua những cuốn sách hay như thế. Nhưng quan điểm của tác giả đã giúp mình hiểu rằng việc mình bỏ qua những cuốn sách này là đúng đắn. “Trong thế giới quan của Carnegie, con người là một động vất ích kỷ và nông cạn. Họ thích được nghe tới tên mình, muốn được tỏ ra quan trọng và thèm khát sự khen ngợi…Nhiều nguyên tắc của Đắc Nhân Tâm phục vụ cho những con người giả tạo, cơ hội và thao túng”. Điều mình tiếc duy nhất là đọc được cuốn sách này quá muộn. Nếu có thể, mình muốn gửi những lời này đến tác giả, để cảm ơn anh đã trình bày được những quan điểm “hợp” với mình đến thế.


Vy - - Review on: Fahasa

Một quan điểm rất hay

Thể loại sách này chắc hẳn còn khá mới ở Việt Nam, nhưng nếu bạn hay đọc báo và nắm thông tin bạn sẽ thấy thân thuộc với nó đến từng câu chữ. Những vấn đề xã hội được nhìn dưới một quan điểm mới, có những điều lạ những điều mới mà bạn phải ồ à vì đôi lúc bản thân cảm thấy nhưng không thể nói ra thành lời, có những điều tác giả truyền tải khiến người đọc có thể không đồng ý, mỗi cá nhân có một quan điểm nhưng điều hay ở tác giả là lý giải khá logic cho quan điểm của bản thân ông ấy. Rất đáng để chúng ta học hỏi!


Khanh - - Review on: Fahasa

Đáng mua, đáng đọc

Sách là tập hợp những bài viết về nhiều vấn đề khác nhau đang hiện hữu trong cuộc sống, đang là chủ đề hot trên Facebook như like để giúp đỡ người nghèo, hiện tượng cuồng người nổi tiếng, nghiện truyền hình thực tế, du học,… Tác giả có cách nhìn khá sâu sắc và riêng biệt, đáng để suy ngẫm. Tuy còn một số lí lẽ cá nhân mình cảm thấy còn chưa xác đáng, nhưng cuốn sách vẫn cho mình cái nhìn đa chiều hơn về những hiện tượng đang được bàn tán hàng ngày trên mạng xã hội.


Trần Việt - - Review on: Fahasa

Cuốn sách về những vấn đề nóng trong xã hội

Mình thấy nhiều bạn đọc quyển này nên quyết định mua, vì thực ra đây là tập hợp rất nhiều những câu chuyện trong đời sống thường ngày mang tính thời sự, lại được tác giả viết rất có tâm. Tác phẩm gây ấn tượng với mình ngay từ bài viết đầu tiên có tên Vẻ đẹp của người chạy marathon về chót. Lối viết và cách suy luận của Đặng Hoàng Giang rất trau chuốt, logic và cảm được cái tình. Ngoài việc nêu ra các thực trạng xã hội tha hóa thời hiện đại, tác giả còn thể hiện quan điểm cá nhân, giải pháp hạn chế và khắc phục những điều chưa tốt đó. Cuốn sách thật sự rất bổ ích cho mọi người.


Hồng Sơn - - Review on: Goodreads

Nên đọc từ từ

Cuốn sách này nên được đọc từ từ, mỗi ngày một, hai bài viết. Vì mặc dù không phải hoàn toàn không đồng ý với những góc nhìn, luận điểm của tác giả nhưng khi đọc cuốn sách một cách liên tục nhiều lúc khiến tôi cảm thấy tác giả như đang cố tình tìm cách thể hiện quan điểm ngược lại với đám đông để chứng tỏ mình là người “đứng một mình” thay vì một tư duy phản biện và mang tinh thần xây dựng.


Nick Nguyen - - Review on: Goodreads

Chỉ nêu ra hiện tượng, chứ chưa viết về bản chất

Hơi thất vọng khi tác giả viết về kinh tế xã hội mà không nhắc đến chính trị với luật pháp, về văn hoá mà không bàn về kiểm duyệt. Chắc đây là những đề tài nhạy cảm, viết ra thì khó mà được đăng báo. Nhưng nếu không viết hết thì cũng chỉ nêu ra hiện tượng, chứ chưa viết về bản chất được.

Bài lập luận được nhất chắc là “Ngó Mỹ, Dòm Nhật, Hóng Do Thái: Lựa chọn nào cho ta”. Mình thì thích nhất bài cho con đi du học. Bài dở nhất chắc là “Cái Tát Hữu Hình Của Bàn Tay Vô Hình”. Tiến sĩ kinh tế mà phân tích quá đơn giản về kinh tế Việt Nam cũng như vai trò của thị trường và nhà nước. Again, không nhắc đến chính trị ở đây thì thấy hơi thiếu thiếu.

Nghĩ lại thì cuốn sách này cũng nên được trân trọng. Việt Nam cần xây dựng văn hoá phê bình xã hội. Nếu nhìn mỗi chương như một bài để đăng báo thì cũng không đến nỗi nào. Nhưng nếu nhìn vào cả quyển sách thì không đặc biệt lắm.


Midolari - - Review on: Goodreads

Dành cho ai có hứng thú với thời đại cuộc sống hiện nay

Một quyển sách khá thú vị, phải công nhận là tác giả ĐHG đọc rất nhiều và đôi khi trong sách tác giả có trích dẫn những câu nói, đoạn trích từ các sách của các tác giả khác để ủng hộ cho quan điểm của mình. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác những đoạn trích 1 phần đó có phù hợp và chính xác không thì e rằng sẽ phải ngồi đọc hết những quyển sách được nêu tên.

Đọc Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can sẽ thấy được sự đối lập giữa tư duy cả bảo thủ và phóng khoáng của tác giả. Bảo thủ ở “Cơ thể giả, khát vọng thật” khi tác giả cho rằng phẫu thuật thẩm mĩ là “sự huỷ hoại bản thân, xuất phát từ sự chối bỏ cơ thể”… ở “Sự khốn cùng của tư duy triệu phú” khi tác giả chê bai những cuốn sách self-help chỉ hướng đến mục đích là làm giàu…. Sự phóng khoáng của tác giả thể hiện rõ nhất qua việc bạn hoàn toàn có thể ngồi lên sách, xé nó làm giấy bọc xôi, hay khoét ra làm chậu trồng hoa… nhưng tác giả lại một mực gay gắt với những công trình kiến trúc tân hiện đại Thế kỷ 18 mang âm hưởng Pháp, những công trình lai căng kệch cỡm ở xứ thiên đường . (Tác giả có lẽ chưa đến Penang, Malaysia nơi có những ngôi nhà cổ lai giữa kiến trúc Trung Quốc và Anh, Hà Lan mà vẫn đẹp đến giờ). Có rất nhiều bài tôi không đồng ý với quan điểm của tác giả.

Nhưng tôi thật sự thích quyển sách này vì khi đọc sách não của tôi có cảm giác thoả mãn, tác giả hiểu biết và có chính kiến riêng về nhiều vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế – điều mà không nhiều tác giả ở VN hiện nay có. Nếu bạn có hứng thú với thời đại cuộc sống hiện nay cùng các vấn đề trên, còn chần chừ gì mà không mua quyển này về đọc .

Đọc thử sách

Họ phá phách vô phương hướng và vô nghĩa

Vì sao những người dân Đồng Nai vốn bình thường hiền lành, thân ái với nhau, lại trong tích tắc trở nên khác hẳn, hăm hở lao vào núi bia đổ, lễ mễ khuân ra mấy bịch, rồi háo hức quay lại làm đợt nữa. Điều gì làm cho những thanh niên Nghệ An, cuối tuần vừa đi chơi với bạn gái, bỗng hăng lên lao vào “đánh hôi” kẻ trộm chó như đi trẩy hội. Lý do nào khiến những công nhân xây dựng ở Thái Nguyên, hằng ngày chăm chỉ mang cặp lồng cơm đi làm, bỗng trở nên hung hãn và đập phá chính ngay công việc đem lại miếng cơm manh áo cho mình? Sẽ hời hợt nếu ta chỉ đưa ra những bình luận chung chung về sự suy đồi của đạo đức, về sự xuống cấp của xã hội, về niềm tin bị đánh mất, về người Việt thiếu văn hóa, vân vân và vân vân. Để có thể hiểu được những hiện tượng này và truy tìm nguyên nhân, chúng ta cần phải nhìn sâu hơn vào tâm lý đám đông và xem nó vận hành như thế nào.

Một đám đông có những yếu tố đặc biệt. Thứ nhất, trong đám đông, các thành viên của nó vô danh. Khác với lúc đứng riêng rẽ một mình, cái vô danh trong đám đông đem lại cho người ta một sự an toàn và cảm giác được bảo vệ nhất định. Thứ hai, đám đông gây phấn khích. Những người đã từng ở trong một sân vận động khổng lồ đều biết cảm giác đó khác với cảm giác có được khi xem trận bóng trước màn hình ti vi. Số đông cộng hưởng và tạo ra một năng lượng đặc biệt, một sự hưng phấn có sức lây lan lớn. Lúc đó, cô gái nhút nhát nhất cũng có thể văng tục ngon ơ và cho ngón tay vào mồm, cùng huýt sáo la ó trọng tài.

Đám đông cũng đem lại cho các cá nhân trong nó một cảm giác về quyền lực. Trong đám đông, những người vốn thấp cổ bé họng bỗng có cảm giác mình mạnh mẽ. Chúng ta hẳn còn nhớ một người đàn ông Đồng Nai vừa bê bia vừa trừng mắt quát người tài xế xe tải: “Báo công an đi, ông thách đấy!”

Và cuối cùng, đám đông rùng rùng chuyển động và trăm người như một cùng làm một hành vi nào đấy, khi họ được một sự kiện bất ngờ châm ngòi. Giả sử như hàng trăm thùng bia ở Đồng Nai kia được xếp ngay ngắn ven đường, thì dù chỉ có một người trông coi thôi, chắc cũng không ai nghĩ tới chuyện xông vào lấy. Bia đổ tung tóe ra đường tạo ra một tình huống lạ, một điều bất thường, kết hợp với sự vô danh, phấn chấn lây lan, cảm giác quyền lực và an toàn, làm giảm đáng kể ý thức trách nhiệm của mỗi người về hành vi của mình, biến một bà mẹ mẫu mực thành một người hớt hải gom bia mặc dù trong nhà không có ai uống, để tới lúc tỉnh cơn say mới hối hận về hành động của mình. Trong đám đông, con người dễ đánh mất bản thân.

Tuy nhiên, chen chúc nhau để lượm mấy lon bia trên mặt đường, hay để bẻ mấy cành hoa trong một hội chợ vẫn khác xa với việc xông vào đánh đấm tới chết một kẻ trộm chó, hay châm lửa đốt rụi hàng chục cái xe máy. Điều gì khiến đám đông trở thành một sức mạnh phá hủy – nhiều khi phá hủy chính môi trường sống của bản thân họ? Những sự kiện trên có điểm gì chung với những lần các cổ động viên bóng đá ở Anh bỗng nhiên hỗn chiến và giật tung ghế của sân vận động, với làn sóng đập phá và hôi của ở London năm 2011 làm toàn thế giới kinh ngạc, hay với sáu ngày bạo lực và cướp bóc ở Los Angeles năm 1992 làm 53 người tử vong?

Điểm chung của Nghệ An 2014 (thanh niên nông thôn), Samsung Thái Nguyên 2014 (công nhân xây dựng), London 2011 (thanh niên nhập cư) và Los Angeles 1992 (thanh niên da đen) là: đám đông này là đám đông của những người ngoài lề, những người thấp bé trong xã hội, thu nhập thấp hoặc thất nghiệp, và không có cơ hội. Họ mang sẵn trong mình một sự cáu kỉnh và chán nản. Họ bực bội với bản thân, với cuộc đời mình, với những thứ xung quanh. Khi họ nhập vào một đám đông, như Gustave Le Bon nhận xét trong Tâm lý học đám đông (bản dịch tiếng Việt của Nhà xuất bản Tri thức năm 2006), họ đánh mất tính cá nhân, tính độc lập, khả năng đánh giá và phán xét đạo đức, họ bị cuốn vào ảnh hưởng phi lý của tập thể xung quanh. Do đó, đám đông có thể làm những hành động phá hủy và bạo lực mà mỗi cá nhân, nếu đứng riêng biệt, sẽ không bao giờ nghĩ là họ có thể làm. Chỉ cần một sự kiện nhỏ xảy ra: một công nhân bị bảo vệ đánh vào đầu, một con chó bị trộm.

Thực chất, sự hung hãn của người nghèo, của những người ở đáy xã hội, tới từ cảm giác bất lực, ngoài lề, không làm chủ được cuộc đời mình. Họ thấy mình như kẻ lạ trên chính đất nước của mình, bị bỏ rơi, bị lãng quên. Họ thấy mình kém cỏi, vô giá trị. Cũng vì thế, khi đã ngấm cái say của một đám đông nổi loạn thì họ hân hoan như đang tham dự một cuộc vui điên dại. Một tờ báo đã rất chính xác khi chạy tít cho vụ Nghệ An “Đánh trộm chó đông như đi hội”. Ai xem những video quay cảnh bạo loạn ở nhà máy Samsung hẳn cũng nhận ra không khí vui vẻ, phấn khích, các bình luận xôn xao, tiếng huýt sáo, reo hò, tiếng cười sảng khoái, như ở một buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng mà ai cũng được tham gia góp vui. Ít nhất, trong khoảnh khắc đó, họ có cảm giác mình là người thắng, người mạnh, rằng cuộc sống thú vị, sôi động, làm họ quên đi cái mòn mỏi hằng ngày của mình. Đám đông cho họ một bản sắc, cho họ một nơi để thuộc về.

Đám đông “mới” của ngày nay khác đám đông “cũ” của năm 1945. Đám đông cũ, qua quá trình được “vận động” tham gia cách mạng, đã phát triển cho mình một ý thức hệ. Sau 30 năm kinh tế thị trường, công nhân và người nghèo bây giờ đã mất đi ý thức về bản thân như một giai cấp. Họ đơn giản bị kẹt trong cái bẫy nghèo truyền xuống từ thế hệ trước để lại. Họ là sản phẩm của văn hóa nghèo khổ, những người, mà như Oscar Lewis đã định nghĩa trong Văn hóa của nghèo khổ năm 1998, “có rất ít ý thức về lịch sử. Họ là những người bên lề, chỉ biết tới những vật lộn của bản thân, chỉ biết được hoàn cảnh của địa phương họ, thế giới hẹp của họ, cách sống riêng của họ. Thông thường, họ không có kiến thức, tầm nhìn hay ý thức hệ để nhận ra điểm tương đồng giữa những vấn đề của họ và vấn đề của những người giống họ trên thế giới. Nói một cách khác, họ không có ý thức giai cấp, mặc dù họ rất nhạy cảm với sự phân biệt về đẳng cấp.” Chúng ta, những người đã quen với các đại tự sự cách mạng, ngạc nhiên nhận ra rằng những đám đông nổi loạn bây giờ không có quan điểm xã hội hay thông điệp chính trị gì. Những công nhân đập phá ở Thái Nguyên không đưa ra một đòi hỏi cụ thể gì cho doanh nghiệp hay công đoàn; những người dân đánh trộm chó ở Nghệ An không có yêu cầu gì với công an hay chính quyền địa phương. Họ phá phách một cách vô phương hướng và vô nghĩa. Chính vì vậy, sự hung hãn bùng phát thường bất ngờ với các nhà bình luận xã hội và các nhà chức trách, lúc đó họ mới bối rối đi tìm lý do và lời giải thích.

Lời giải thích đơn giản nhất có lẽ đến từ Martin Luther King: “Không có gì nguy hiểm hơn là xây dựng một xã hội mà trong đó một nhóm lớn có cảm giác họ không được can dự, rằng họ không có gì để mất. Nếu người ta có quyền lợi trong xã hội, người ta sẽ bảo vệ xã hội, nhưng nếu không, họ sẽ vô thức muốn phá hủy nó.”

Chúng ta hãy dành cho đám đông những người nghèo đô thị, những thanh niên nông thôn, những công nhân ở các khu công nghiệp, một phần tử tế của miếng bánh, một cảm giác xã hội là của họ, phục vụ họ. Một cảm giác thực sự chứ không phải chỉ trên các khẩu hiệu và văn kiện.

Nếu không, họ sẽ không để cho những người khác yên.

Tháng Giêng 2014

Lại chuyện bia, thịt chó và ấn đền Trần

Từ bao giờ người Việt có thói quen lấy khoái cảm từ việc tự xỉ vả bản thân? Mấy hôm nay, người ta chuyền tay nhau các con số 3 tỉ lít bia, 5 triệu con chó, và 500.000 ấn đền Trần được tiêu thụ trong một năm như những minh chứng hùng hồn cho sự bệ rạc và xuống dốc của người Việt. Chúng ta đang tự mô tả mình như một cộng đồng chỉ quẩn quanh dọc ba cạnh của hình tam giác mà ba đỉnh là quán bia, đền chùa và quán thịt chó (trong đó cạnh nối quán bia và quán thịt chó là được lưu thông nhiều nhất).

Tôi muốn kêu gọi: chúng ta hãy bình tĩnh. Chúng ta có thể không thông minh như người Do Thái, không chăm chỉ như người Nhật Bản, hay không xinh đẹp như (đàn ông) Ả Rập, nhưng chúng ta đâu có đến nỗi nào. Đề nghị tất cả ngồi xuống, chúng ta sẽ lần lượt làm rõ từng chuyện.

3 tỉ lít bia

Theo con số của các nhà sản xuất bia thì người Việt tiêu thụ 3 tỉ lít bia một năm, hay bình quân 33 lít trên một đầu người. Vậy là mỗi tuần, mỗi người uống chừng 0,6 lít bia. Tôi không cho rằng đây là con số gây sốc. Tất nhiên, có người có thể lý luận là phải bỏ ra ngoài phép tính này trẻ em, người già, phụ nữ, vân vân. Nhưng kể cả như vậy, suy ra, mỗi người đàn ông Việt cũng chỉ uống cỡ 1,2 lít bia, hay là hơn hai cốc vại một chút, một tuần. Một con số khiêm tốn. Bạn không tin ư? Xin thưa, tửu lượng này tương đương với mức độ của Ý (là những người mà ta biết là ngoài bia ra còn uống khá nhiều rượu vang). Mà Ý lại chỉ bằng một nửa Brazil. Mà Brazil lại chỉ bằng hai phần ba Úc. Nói cách khác, người Úc uống bia nhiều gấp 3 lần người Việt.

Quán quân thế giới là những người Tiệp Khắc anh em, năm 2012 họ tiêu thụ 160 lít bia mỗi người, thêm bớt mấy cốc không thành vấn đề. Lại có một số người lý luận là thể tích của người châu Âu to hơn nên họ có thể uống nhiều hơn trước khi bị lú lẫn. Nhưng ngược lại, ta phải nhớ là ở xứ lạnh không ra mồ hôi như Tiệp Khắc thì 160 lít của họ sẽ gần với 180-200 lít hơn, còn 33 lít ở ta thì thực ra chỉ còn 20 lít vì mùa hè nó túa ra theo lỗ chân lông hết, vả lại bia hơi vỉa hè thì làm sao mà đo được lượng cồn với Pilsner Urquell. Có thể tranh luận nhiều hơn, nhưng tóm lại, chúng ta không có gì phải băn khoăn ở đây.

5 triệu con chó

Bây giờ sang chuyện 5 triệu con chó bị đưa lên bàn ăn hằng năm ở Việt Nam (theo nguồn tin của tờ báo Anh The Guardian). Vấn đề này cần phân tích công phu hơn một chút. Người ta ăn chó ở Cameroon, Ghana, Nigeria, và không những ở những nước “lạc hậu” này, mà còn ở Canada (với điều kiện con chó phải bị giết trước sự có mặt của một thanh tra liên bang), Thái Lan, Nhật Bản, và tất nhiên, ở Hàn Quốc. Chúng ta hãy dừng lại ở đất nước này. Mỗi năm người Hàn xếp lên đĩa khoảng 8.500 tấn thịt chó. Giả định rằng mỗi con chó nặng trên dưới 10 kg, số lượng thịt này sẽ tương đương với khoảng 850.000 con chó. Công nhận là chưa thấm tháp gì, nhưng ta phải lưu ý dân số Hàn Quốc chỉ có 50 triệu. Như vậy, nếu dân số tương đương với Việt Nam, lượng chó đi vào bếp ở Hàn Quốc sẽ là hơn 1,5 triệu con. Vẫn còn thấp hơn nhiều so với con số 5 triệu của ta.

Nhưng, và bây giờ các bạn hãy bám chắc vào mép bàn hay thành ghế để khỏi ngã: mỗi năm, người ta dùng thêm 93.600 tấn, tức là hơn 9 triệu chú cẩu nữa, để sản xuất ra một loại nước lên men tên là Gaesoju, nôm na là rượu chó, mà người Hàn Quốc thề là rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt để “điều hòa tiêu hóa”, và nhất là “sau phẫu thuật”. Vị chi tổng cộng là 11 triệu con chó, cho cả ăn lẫn uống. Không rõ vì sao người Hàn lại bị phẫu thuật nhiều như vậy.

500.000 ấn đền Trần

Khác với bên trên, trong chuyện ấn đền Trần thì chúng ta không có điều kiện làm các so sánh quốc tế với độ tin cậy cao. Tuy nhiên con số nửa triệu là khá ấn tượng, cộng với các loại ấn của các đền khác nhau trong cả nước, cũng như các lễ lạt chùa chiền khác nữa thì về mặt thống kê có thể nói trung bình gia đình nào cũng có người đầu năm đến nhang khói nhờ thánh thần phù hộ. Câu hỏi được nhiều người đặt ra ở đây là vì sao bây giờ người Việt lại nhờ cậy tới thần linh nhiều như vậy.

Theo các nhà xã hội học, người ta càng có nhu cầu bám vào các thế lực siêu nhiên khi cuộc sống của người ta càng bấp bênh, bất an, ngoài vòng kiểm soát. Nói một cách khác, khi xã hội không có thượng tôn pháp luật, không đem lại cho người dân an sinh, cảm giác an toàn, chắc chắn, được che chở, bảo vệ, thì người ta phải nương tới cửa thánh thần.

Chẳng ngoài vòng kiểm soát hay sao nếu như bạn không chắc là miếng đất có sổ đỏ của bạn, hay cái đầm cá bạn vẫn canh tác hàng chục năm nay, tới sáng mai liệu có còn thuộc về bạn, hay đã nằm trong dự án của một đại gia nào đó rồi. Rõ là bạn muốn khấn bái để các thánh giúp bạn không bị trượt chân ngã đúng lúc đang ở trong đồn công an, đập gáy vào dùi cui mà thiệt mạng chứ. Để các thần trao cho đứa bé sơ sinh trong gia đình bạn sức đề kháng chống cự lại với vắc xin bệnh viện được bảo quản đúng quy trình chứ. Để bà Chúa Thượng ngàn cho năm nay mưa thuận gió hòa để cái đập thủy điện lơ lửng bên trên đầu bạn không xả lũ đúng quy trình chứ.

Những cái “quy trình” mà lúc nào cũng đúng, nó cứ lừng lững tiến như xe lu, cán bẹp mọi thân phận không may dính phải nó, người ta biết nhờ vào ai mà tránh nếu như không vái tứ phương.

Nhưng còn một cái bấp bênh cuối cùng nữa, đó là không rõ các thánh thần có còn tai mà nghe tiếng cầu khẩn của dân hay không. Đằng trước hàng chục nghìn dân đen nhốn nháo, quần áo nhếch nhác, chen chúc nhau trước cửa đền Trần là mấy hàng quan chức, trang nghiêm trong những bộ com lê đen trịnh trọng, như đang ở một cuộc họp trung ương. Họ trò chuyện và hứa hẹn gì với đức Thánh Trần, sẽ chẳng ai biết được. Nhưng gì thì gì, ở chỗ linh thiêng này cũng như nơi trần tục, quan phải xong thì mới tới lượt dân.

Cho nên các bạn ơi, đừng có chê bai hay chế nhạo người dân mà tội nghiệp họ. Cuối cùng, chỉ còn mỗi quán thịt chó và quán bia là những nơi mà người dân có thể vui vẻ bên nhau và trú ẩn chốc lát trước một cuộc sống đầy bất trắc.

Tháng Hai 2014

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

Con Đường Tự Do Tài Chính Sách cho những lời khuyên rất thiết thực về việc làm thế nào để ta đạt được tự do tài chính. Vấn đề còn lại là ta phải có…
Dạy Con Kiểu Nhật – Giai Đoạn Trẻ 2 Tuổi Giai đoạn 2 tuổi chính là lúc trẻ thành thạo các chức năng hoạt động cơ bản như đi, đứng, sử dụng tay... Trẻ biết thể hiện cảm xúc…
Cơ Hội Thứ Hai Cho Tiền Bạc Và Cuộc Đời Của Bạn Và Cho Thế Giới Chúng Ta Nội dung ĐỊNH NGHĨA VỀ SỰ ĐIÊN RỒ: “Điên rồ là cứ làm đi làm lại những điều tương tự và trông chờ kết quả khác biệt”. – Albert…
Back to top button