Những Ông Trùm Tài Chính

Tác giảLiaquat Ahamed
Thể loạiSách tài chính, Lịch sử thế giới, Tiểu sử
Số trang564
Năm2009
Rating3.9/5


Nội dung

Mọi người đều cho rằng cuộc Đại Khủng Hoảng 1929 là kết quả của rất nhiều biến cố vượt ngoài tầm kiểm soát của các cá nhân cũng như chính phủ. Tuy nhiên, Liaquat Ahamed đã chỉ ra rằng quyền lực tập trung trong tay một số chủ ngân hàng là nguyên nhân chính gây ra cuộc Đại Khủng Hoảng 1929. Hậu quả của nó kéo dài trong nhiều thập kỷ và là tiền đề của Chiến tranh Thế Giới thứ Hai. Quãng thời gian khủng hoảng đó đã gợi lên nhiều cảm hứng trong các bài báo.

Những ông trùm tài chính đưa ra một cái nhìn mới về bản chất của cuộc khủng hoảng toàn cầu và còn là lời nhắc nhở chúng ta về những tác động to lớn tiềm ẩn từ các quyết định của một số ít chủ ngân hàng, sai lầm của họ, và về nhưng hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra ảnh hưởng đến cả nhân loại.

Thể loại

Những Ông Trùm Tài Chính có mặt trong:

Review


Minh Thư - - Review on: Tiki

Thú vị

Đây là một quyển sách và là một tư liệu lịch sử khá thú vị Những nhân vật hiện lên trong quyển sách đều mang những vai trò và sứ mệnh riêng trong quá trình vận hành nền tài chính toàn cầu. Cách mà họ sống, họ xử lý và giải quyết vấn đề cũng là một điều đáng để bậc hậu thế phải lưu tâm tới.


Hoàng Kha - - Review on: Tiki

Mở ra nhiều hiểu biết về tài chính thế giới

Một cuốn sách hay để hiểu về những nền tài chính lớn trên thế giới, thấu hiểu sự vận hành của hệ thống tài chính toàn cầu, ngoài ra còn biết được những câu chuyện, âm mưu, thủ đoạn, sự thao túng đằng sau các thế lực ngầm.


Emerline LA - - Review on: Goodreads

Đáng đọc

Đây là một cuốn sách dài, bảy trăm rưỡi trang giấy ghi lại quãng thời gian gần 20 năm, từ khi thái tử Áo-Hung bị ám sát, châm ngòi đệ nhất thế chiến, tới lúc cuộc khủng hoảng 1929-1933 đã đến hồi ngã ngũ. Những sự kiện được ghi lại xen lẫn chân dung phác họa những nhân vật trọng yếu của một thời kì đầy biến động cả về kinh tế và chính trị. Dù sao, như lời một nhà báo mà tôi yêu thích, “kinh tế cũng là chính trị.”

Nội dung nghe có vẻ to tát và “nguy hiểm”, độ dày hơn 700 trang hẳn cũng khiến nhiều người e dè, nhưng thực sự cuốn sách khá dễ đọc, không đi quá sâu vào những kiến thức chuyên ngành khô khan. Giọng văn cuốn hút và những lời bình dí dỏm rải rác trong sách cũng là một điểm cộng lớn.

Đọc thử sách

Những thống chế tiền tệ

CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG: 1914 – 1919

Dòng tiền vô tận tạo thành nguồn lực tiếp sức cho chiến tranh.

CICERO, Philippics

KHI NHỮNG ÁNG MÂY đen dần bao trùm lên khắp châu lục già trong suốt tuần lễ định mệnh đầu tiên của tháng Tám năm ấy, mối lo canh cánh trong lòng mỗi chủ ngân hàng cũng như mỗi bộ trưởng tài chính dường như không dành cho những công tác chuẩn bị về mặt quân sự hay động thái của các đội quân mà lại hướng về quy mô và khả năng cầm cự của kho dự trữ vàng mình đang nắm trong tay. Nỗi ám ảnh đó có gì đó thật cổ lỗ. Nói cho cùng, đây là năm 1914 chứ đâu phải năm 1814. Tiền giấy đã được sử dụng rộng rãi trong hơn hai thập kỷ qua, và các lái buôn và thương nhân đã phát triển nên những hệ thống tín dụng cực kỳ tinh vi, phức tạp. Suy nghĩ cho rằng quy mô của chiến tranh có thể bị hạn chế bởi số lượng vàng sẵn có dường như đã quá lỗi thời rồi. Vậy mà tạp chí United Empire của London lại dám dõng dạc tuyên bố rằng chính “lượng tiền đồng và vàng thỏi sẵn có trong kho của các cường quốc châu Âu tại thời điểm các cuộc xung đột bùng phát” là nhân tố chủ chốt quyết định “mức độ tàn khốc… và có lẽ là cả thời hạn của chiến tranh.”

Sự tập trung thái quá vào một vấn đề hết sức tầm thường là dự trữ của ngân hàng chính là triệu chứng của thói tự mãn rất phổ biến trong những tháng đầu của cuộc chiến tranh. Mặc dù tình trạng kích động xâm chiếm tất cả các đường phố từ Berlin đến Paris, London, song một bầu không khí mơ hồ vẫn lơ lửng khắp nơi. Không ai có thể hiểu nổi cuộc chiến tranh này nổ ra vì mục đích gì và tại sao, nhưng cũng chẳng ai nghĩ nó sẽ kéo dài quá lâu. Khi binh lính của tất cả các bên hành quân ra chiến trường, trong đầu ai cũng chắc mẩm sẽ cho quân địch nếm mùi thất bại, còn các tướng lĩnh thì ra sức hứa hẹn rằng tất cả anh em sẽ được sớm về nhà để kịp chung vui Giáng sinh với gia đình. Bị lóa mắt bởi tâm lý lạc quan của các quan chức quân đội, giới tài chính cũng bấm đốt nhẩm tính rằng vì chiến tranh sẽ chẳng mấy mà kết thúc, nên việc tối quan trọng cần làm là giữ gìn một trạng thái tài chính ổn định, sao cho kho vàng được nguyên vẹn đến những phút cuối cùng.

Các chủ ngân hàng cũng như các nhà kinh tế học thiển cận đến mức tự cho phép mình bị thuyết phục rằng riêng bản thân nguyên tắc “tiền tệ lành mạnh” cũng đủ khiến mọi người phải suy nghĩ một cách lý trí và đưa chiến tranh đến hồi kết. Ngày 30 tháng Tám, năm 1914, khi các cuộc giao chiến còn chưa kéo dài được tròn một tháng, Charles Conant của tờ New York Times đưa tin cho hay cộng đồng ngân hàng quốc tế đều rất tự tin rằng sẽ không xảy ra chuyện “phát hành tiền giấy vô tội vạ và tình trạng tiền mất giá đột ngột” là nguyên nhân của thảm họa lạm phát trong những cuộc chiến trước đây. Các chủ ngân hàng cũng không ngần ngại tuyên bố, “Ngày nay chúng ta đã có kiến thức sâu sắc hơn hẳn về khoa học tiền tệ so với thời xưa.”

Ngài Felix Schuster, chủ tịch hội đồng quản trị Liên hiệp London và Smith’s Bank, một trong những viên chức ngành ngân hàng xuất sắc nhất của thành phố, còn tự tin đến nỗi đi đâu cũng khẳng định như đinh đóng cột rằng chiến tranh sẽ chấm dứt hoàn toàn chỉ trong vòng sáu tháng – bởi lẽ những thiệt hại do các hoạt động thương mại bị gián đoạn là quá to lớn. John Maynard Keynes, khi ấy mới ba mươi mốt tuổi, là giảng viên bộ môn kinh tế học tại King’s College, Cambridge, đã bất ngờ biến mình thành chuyên gia về tài chính chiến tranh khi tuyên bố với các bạn bè vào tháng Chín năm 1914 rằng “chiến tranh không thể kéo dài quá một năm” vì đến thời điểm đó, toàn bộ nguồn của cải mà châu Âu có thể tận dụng để chi trả cho cuộc chiến sẽ “cạn kiệt”. Tháng Mười Một năm 1914, tờ Economist dự báo chiến tranh sẽ kết thúc trong vài tháng nữa. Cũng trong tháng đó, tại một bữa tiệc chiêu đãi tổ chức tại Paris để chào mừng chuyến thăm của Bộ trưởng Chiến tranh, Nguyên soái – Huân tước Kitchener, Bộ trưởng Tài chính Pháp đã hồ hởi công bố rằng “chuyện đánh đấm” sẽ phải chấm dứt trước tháng Bảy năm 1915 vì hết tiền. Giới chức phía quân Đồng minh không phải là những người duy nhất mang ảo tưởng này. Bộ trưởng Tài chính Hungary, Nam tước Janos Teleszky, khi được hỏi riêng về việc Hungary có thể chi trả chiến phí trong bao lâu nữa, đã trả lời là ba tuần.

Và cứ như thế, các nhà tư bản tài chính châu Âu nhìn châu lục già ngày càng lún sâu thêm vào cuộc chiến đẫm máu, hệ thống tín dụng dần sụp đổ, các thị trường chứng khoán trên thế giới đóng cửa, và chế độ bản vị vàng ngừng hoạt động , họ cứ mãi bám vào ảo tưởng rằng thương mại toàn cầu sẽ chỉ bị gián đoạn trong một thời gian ngắn và thế giới sẽ nhanh chóng trở lại với “hoạt động kinh doanh như thường lệ.” Chẳng mấy ai tưởng tượng nổi rằng có thể họ đang phải chứng kiến những giây phút hấp hối sau chót của cả một trật tự kinh tế.

Các chuyên gia dường như đã quên rằng những đối tượng đầu tiên bị tổn thương bởi chiến tranh không chỉ có sự thật mà còn bao gồm cả nền tài chính lành mạnh nữa. Chưa có một cuộc chiến tranh lớn nào xảy ra trong thế kỷ trước – ví như các cuộc chiến tranh của Napoléon và Nội chiến Mỹ chẳng hạn – bị ngăn chặn chỉ vì nguồn vàng cạn kiệt. Đó đều là những cuộc chiến mà người ta đánh nhau đến không còn một manh giáp mới thôi, trong đó tất cả các bên tham chiến chẳng từ một phương kế nào – thuế khoá, vay nợ, thậm chí in ra những khoản tiền lớn chưa từng thấy – để có đủ nguồn tài lực phục vụ chiến tranh.

Đến cuối năm 1915, tính trên toàn châu Âu, mười tám triệu người đã được huy động. Trên chiến trường phía Tây, hai đạo quân khổng lồ – ba triệu người đến từ các nước Đồng minh và hai triệu rưỡi người Đức – ở trong thế bất phân thắng bại, binh lính chỉ biết loanh quanh trong những chiến hào kéo dài tới 500 dặm chạy từ Kênh đào qua Bỉ và Pháp lên đến tận biên giới Thụy Sĩ. Như một con rắn khổng lồ say ngủ nằm vắt ngang cả khu vực Tây Âu, chiến trường cũng chìm trong cảnh im lìm. Bằng một thứ logic kỳ quặc, hàng trăm ngàn người đã bị cuốn vào cảnh nồi da nấu thịt, sự hy sinh đau đớn của họ được viện ra để bào chữa cho việc tiếp tục chiến tranh, và cứ thế, cỗ máy chém giết tạo ra đà chạy cho chính mình.

Dẫu vậy, tâm lý tự mãn hoành hành trong suốt những tháng đầu của cuộc chiến phải mất một thời gian khá dài mới biến mất hẳn. Ngay cả khi đã bước vào năm 1916, niềm tin mù quáng cho rằng đây sẽ chỉ là một cuộc chiến ngắn ngủi vẫn còn in đậm dấu ấn của nó khi hết vị tướng này đến vị tướng khác tự tiên đoán quân đội của mình sẽ giành được chiến thắng chỉ sau sáu tháng nữa. Vào thời gian này, năm thế lực chủ chốt – Anh, Pháp, Nga, Đức, Áo – Hungary – ném qua cửa sổ khoản tiền khổng lồ 3 tỷ đô-la mỗi tháng, chiếm gần 50% tổng GDP của tất cả các nước này cộng lại. Trong lịch sử chưa từng có cuộc chiến tranh nào lại ngốn nhiều tiền của từ nhiều đất nước đến thế trong cùng một thời điểm.

Mỗi quốc gia lại vận dụng những biện pháp khác nhau để tạo nguồn quỹ chi trả cho chiến tranh. Tuy nhiên, vẫn có một số cách chung nhất. Nếu chỉ dựa vào thuế để trang trải khoản chi phí khủng khiếp nói trên thì kết quả tất yếu sẽ là thuế suất bị đẩy lên đến mức cao đến phi lý, chẳng khác mấy so với việc đem hết tiền của dân sung công. Thay vào đó, các bên tham chiến chủ yếu viện đến các khoản vay nợ. Song đến khi đã khai thác cạn kiệt tất cả các nguồn vay tiềm năng, họ đành phải trông chờ vào một cái mẹo cũ xưa như chính bản thân chiến tranh vậy: lạm phát. Tuy nhiên, không giống như các vị vua thời Trung cổ phải cạo mép các đồng tiền để lấy vàng và bạc – cắt xén – hoặc cho phát hành những đồng tiền đúc bằng thứ hợp kim rẻ mạt – giảm phẩm chất đồng tiền – các chính phủ trong cuộc Đại chiến quay sang cầu cạnh các ngân hàng Trung ương, những tổ chức có khả năng dùng các thủ thuật kế toán cực kỳ tinh vi để che đậy quá trình này. Đến lượt mình, các ngân hàng Trung ương cũng quên nguyên tắc hoạt động số một là chỉ phát hành tiền tệ được đối ứng bởi vàng, và thản nhiên in thêm tiền.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

Dạy Con Kiểu Nhật – Giai Đoạn Trẻ 1 Tuổi Cuốn sách này sẽ giới thiệu phương pháp để trẻ trở thành thiên tài với trí tuệ phi thường. Bạn hãy kiên trì đừng cho rằng “không thể” và…
Óc Sáng Suốt Những cảm xúc thoáng qua, những ký ức mơ màng, những mộng tưởng bâng quơ lảng vảng trong đầu óc những khí nhàn rồi... đó là lối tư tưởng…
Cha Mẹ Nhật Dạy Con Lắng Nghe Hơn Là La Mắng Trẻ nhỏ cho dù đang chơi ở xa cha mẹ nếu có niềm vui thì liền quay lại tìm cha mẹ để muốn chia sẻ điều đó. Khi cảm…
Back to top button