Óc Sáng Suốt

Tác giảThu Giang – Nguyễn Duy Cần
Thể loạiRèn luyện, phát triển bản thân  
Số trang180
Năm2011
Rating4.3/5


Nội dung

Óc Sáng Suốt là một trong những tác phẩm tiêu biểu của học giả Thu Giang – Nguyễn Duy Cần. Thông qua cuốn sách này, tác giả hướng dẫn cho người đọc những phương pháp để rèn luyện cho mình một bộ óc minh mẫn và sáng suốt, tư duy có hiệu quả để thành công trong công việc và cuộc sống. Cuốn sách này xuất bản lần đầu tiên cách đây hơn nửa thế kỷ (1952), dù đã trải qua một thời gian rất dài nhưng giá trị tư tưởng của sách vẫn phù hợp và có thể áp dụng trong đời sống hiện nay. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Thể loại

Óc Sáng Suốt có mặt trong:

Review


Đăng Đại - - Review on: Tiki

Một Cuốn Sách Đáng Đọc

Sách của cụ Nguyễn Duy Cần thì khỏi cần phải bàn về chất lượng nội dung, nhưng phần lớn trong số đó là những tư tưởng hoài cổ chắt lọc tinh hoa , lấy phần cốt tủy của phẩm chất tuyệt nhất của con người, còn phần lớn sách về phát triển bản thân chú trọng vào việc thay đổi bên ngoài làm căn bản ít khi nhìn vào sâu bên trong đee làm gốc . theo ý kiến cá nhân mình vì là người phương Đông nên mình thích lối tư tưởng tìm ra căn nguyên gốc rễ hơn nên đọc sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần là một sự lựa chọn sáng suốt nếu bạn muốn tìm hiểu và học tập tinh hoa Đông phương!


Nguyên Thảo - - Review on: Tiki

Nội Dung Sách Hay, Sâu Sắc, Hành Văn Đậm Chất Phương Đông

Mình có 2 cuốn của cụ Nguyễn Duy Cần là “tôi tự học” và “óc sáng suốt”. Đọc sách thấy được Tác giả là người cực uyên bác, trí tuệ rất cao, nội dung sách viết sâu sắc. Cuốn óc sáng suốt, nội dung đi tìm nguyên nhân cốt lõi của việc có được óc sáng suốt, nhận định sáng suốt, việc làm sáng suốt… sách có tính lý luận cao. Tuy nhiên, nói thực là mình ko thích hành văn của tác giả, lối nói của tác giả rất đậm chất phương đông những thập niên 90 – khẩu ngữ sử dụng hán ngữ nhiều; do đó hành văn ít suôn sẻ, cộng với sách mang đậm lý thuyết nên khi đọc không có sức cuốn hút. NÓi chung, nó hơi khô khan. Hợp với các cụ lão niên hơn.


Thiện Thuật - - Review on: Tiki

Cuốn Sách Cần Thiết Trên Con Đường Lập Thân

Là một người trẻ thuộc lứa 9x đời cuối, tôi được cha và ông nội khuyên nên đọc những tập sách của học giả Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần … Quyển sách óc sáng suốt trong bộ 4 cuốn về lập thân của học giả Thu Giang khiến tôi rất tâm đắc. Quyển sách cung cấp những phương pháp rành mạch, logic, sâu sắc giúp người đọc rèn luyện phản xạ, tập trung tinh thần cao, khuyến khích khả năng đọc, tự tìm hiểu nhất là tong thời đại ngày nay khi mà giới trẻ ngày càng lười đọc, hay đọc chưa được sâu và hay tìm những thứ thông tin rẻ tiền để thay thế.


Minh Vương - - Review on: Fahasa

Làm chủ vận mệnh

Đọc xong Tôi tự học, thấy hay quá. Tiêu đề lại là “Óc sáng suốt” tôi đã mua ngay khi có tiền mà không do dự. Và cũng như Tôi tự học, nó không khiến tôi thất vọng. Với mục đích tối thượng là tạo nên 1 bộ óc sáng suốt, minh mẫn. Tác giả đã viết nên và chỉ dạy các phương pháp theo 5 thuật: Quan sát, tập trung, tư tưởng, ghi nhớ, tổ chức tư tưởng. Tin tôi đi. Nếu bạn có thể áp dụng 1 cách thuần thục những chỉ dẫn của cuốn sách này. Bạn sẽ ở 1 đẳng cấp mới. Đúng như tác giả nói, làm chủ vận mệnh của mình. Văn phong ngắn gọn, xúc tích dễ hiểu. Từng trang sách như từng kho báu, dẫn bạn tới đỉnh vinh quang. Nhưng 1 điều cần nhắc nhở trước. Đọc xong bạn không thành superman luôn được đâu. Những phương pháp này phải áp dụng 1 cách chăm chỉ, thường xuyên, sáng tạo vận dụng vào mọi lĩnh vực thì lúc đó mới mơ mộng được.


- - Review on: Fahasa

Phương pháp rèn trí, luyện óc, rạn lọc tinh thần của người xưa

Tác Thu Giang – Nguyễn Duy Cần mang đến một phương pháp tư duy độc lập, tập trung, tăng cường sự tự quan sát, tự suy nghĩ, phân tích, kết luận tìm ra điểm mấu chốt của mọi sự vật, sự việc, đặc biệt không nên quá lệ thuộc vào người khác vào những nhận định, quan điểm có sẵn. Để vận dụng, ứng phó, liên hệ, giải quyết nhiều vấn đề, tình huống từ một tổ hợp phức tạp dính líu đến các sự vật, hiện tượng xung quanh. Chúng ta luôn đặt tâm trí vào sự hoài nghi, tư đó nâng cao tính tìm tòi, học hỏi, khám phá tự chứng minh thực tiễn. Quá trình tự học nên tập sự quan sát, nghiên cứu những vấn đề đơn giản rồi mở rộng tầm nhìn đến những vấn đề lớn hơn, đòi hỏi sự tập trung cao độ và liên hệ nhiều phương diện hơn. Rèn luyện cho con người bản tính tự lập trong tư duy phân tích, suy luận sao cho trở thành một kỹ năng thiết yếu trong tính cách con người. Bước đầu yêu cầu chúng ta phải kiên trì rèn luyện từng bước một, không nên vội vàng, đốt cháy giai đoạn. Nhờ vậy, dù trong bất kỳ tình huống nào, công việc nào, con người đều có khả năng tìm ra phương pháp giải quyết rốt ráo, công việc luôn đạt hiệu quả cao nhất. Hy vọng với quyển sách nhỏ bé này sẽ mang lại nhiều điều bổ ích cho bạn nhé!


Độc Cô Công Tử - - Review on: Fahasa

Một cuốn sách hay và đáng đọc

Một cuốn sách hay và đáng đọc. Cuốn sách hướng dẫn ta cách rèn luyện cho mình một bộ óc minh mẫn và sáng suốt, tư duy có hiệu quả . Ta cần phải có một cái đầu lạnh, một đầu óc sáng suốt và mình bổ sung thêm là 1 trái tim nóng để không bị cuốn theo những hướng truyền thông mà các báo đài tạo dựng đặc biệt là trong thời đại công nghệ như giờ. Dĩ nhiên, một đầu óc sáng suốt cũng cần có thể làm những việc nghiên cứu nghiêm túc như nghiên cứu về khoa học hay sử học.

Tuy nhiên, có điểm trừ cho cuốn sách này. Nó viết cách đây khá lâu rồi nên cái dùng từ của tác giả khá khác so với hiện tại và có chút khó hiểu. Theo mình thì sách viết hơi khó liên hệ các chương với nhau.

Nói chung đây là 1 cuốn sách hay, đáng tiền và đáng thời gian đầu tư vào nó.


Vỹ Hồng - - Review on: Goodreads

Một quyển sách hay và đáng đọc, nhưng bạn sẽ phải bỏ một ít công sức và phải có lòng kiên trì để hoàn thành được nó

“Óc sáng suốt” hướng dẫn ta cách tiếp nhận, xử lý và lưu trữ thông tin. Mặc dù đã được xuất bản hơn nửa thế kỉ trước nhưng quyển sách vẫn tỏ ra rất thích hợp, nhất là trong thời buổi hiện nay, khi mà công nghệ thông tin và truyền thông phát triển nhanh và mạnh đến nỗi nó có thể lấn lướt và xâm phạm vào cuộc sống của chúng ta. Ta cần phải có một cái đầu lạnh, một đầu óc sáng suốt để không bị cuốn theo những hướng truyền thông mà các báo đài tạo dựng.

Dĩ nhiên, một đầu óc sáng suốt cũng cần có thể làm những việc nghiên cứu nghiêm túc như nghiên cứu về khoa học hay sử học.

Tuy vậy, quyển sách vẫn có một số điểm trừ. Thứ nhất là về ngôn ngữ. Vì được xuất bản hơn nửa thế kỉ trước, đôi khi các từ ngữ mà tác giả dùng lại có nghĩa khác so với nghĩa hiện nay. Nếu không chú ý, ta có thể sẽ hiểu sai ý tác giả.

Thứ hai là về phần tổ chức. Sau đọc qua quyển sách, mình cảm thấy rất khó để liên kết các chương, các phần lại với nhau. Đây có thể là do mình chưa quen với cách tổ chức của tác giả. Tuy nhiên, sự liên kết là khó thấy chứ không phải là không thấy được. Bên dưới mình có đính kèm một sơ đồ mình tự tạo trong nỗ lực liên kết các phần lại với nhau.

Thứ ba là về giọng điệu. Mình có đọc quyển “Tôi tự học” của cùng tác giả, xuất bản một vài năm sau “Óc sáng suốt”. Trong quyển ấy, tác giả tự nhận là mỗi người một khác, những gì có tác dụng đối với tác giả không có nghĩa sẽ có tác dụng đối với người khác. Vậy nên tựa đề chỉ là “Tôi tự học” chứ không phải “Tự học”. Ở “Óc sáng suốt”, mình không thấy được sự khiêm tốn ấy của tác giả. Tác giả trình bày những phương pháp rèn luyện như là một chân lý. Cộng với cấu trúc khó hiểu, tác giả đôi khi làm cho người đọc cảm thấy bị xa lánh khi không có cùng tiếng nói.

Kết luận thì đây là một quyển sách hay và đáng đọc, nhưng bạn sẽ phải bỏ một ít công sức và phải có lòng kiên trì để hoàn thành được nó.


Roronoa Zoro - - Review on: Goodreads

Có lẽ để hiểu kỹ và ghi nhớ được những điều trong sách thì phải đọc đi đọc lại vài lần

Kể mà có 3.5 sao thì tôi sẽ chọn nó cho cuốn này. Một cuốn sách theo kiểu kỹ năng sống, nhưng được viết cách đây từ rất lâu. Chính vì vậy tác giả dùng khá nhiều từ, cụm từ không hợp thời đại, đôi khi rất khó hiểu. Nội dung sách cũng khá là hàn lâm, đúng chất các học giả thế hệ cũ. Có lẽ để hiểu kỹ và ghi nhớ được những điều trong sách thì phải đọc đi đọc lại vài lần. Sách thích hợp với người cần xây dựng lý thuyết, còn nếu bạn tìm một cuốn thiên về hướng dẫn thực hành thì có lẽ cuốn này chưa phù hợp.

Có vài điểm đáng ghi nhớ mình lưu ý sau khi đọc xong:

– Tập quan sát mọi sự vật xung quanh để cho mình một sự nhạy bén, một khả năng đánh giá sự việc nhanh nhẹn hơn.
– Sự chú ý là vô cùng quan trọng. Chú ý, chú tâm, đặt hết cả tâm huyết và tập trung vào một việc thì hiệu quả sẽ rất lớn.
– Nhẫn lại làm nên thiên tài. “Thiên tài chỉ là việc duy trì sự nhẫn lại trong một thời gian dài mà thôi”.
– Hãy có thái độ ngạc nhiên trước sự vật, bạn sẽ học hỏi đc nhiều hơn. Đấy chính là cái tinh thần của khoa học. (Giống với nguyên lý ly nước đầy)
– Sự học sẽ hiệu quả hơn nếu ta có cảm xúc mãnh liệt với nó (Học English cũng vậy)
– Tư tưởng là con mắt của tinh thần. Có 3 yếu tố chính của tinh thần: Tình cảm, trí tuệ, tư tưởng.


Minh Pham - - Review on: Goodreads

Đây là một cuốn sách mà mình muốn đọc lại nhiều lần

Giống như cuốn “Thuật tư tưởng” của cùng tác giả, cuốn sách “Óc sáng suốt” bàn luận về sự cần thiết, những yếu tố của việc suy nghĩ (tư tưởng) một cách sáng suốt, có lý trí và vẽ ra cho người đọc những cách đào luyện tư tưởng sáng suốt. Cuốn sách dù được viết cách đây nhiều chục năm nhưng những kiến thức và kiến giải trong đó (dù được viết và diễn đạt theo lối cổ, không gần gũi lắm với bạn đọc trẻ tuổi) vẫn không hề lạc hậu, và rất gần gũi với những khái niệm hiện đại như bản đồ tư duy (mind-map), tư duy so sánh, cách lợi dụng cảm xúc cho việc ghi nhớ,…Đọc nhiều đoạn, mình như thấy lại những khái niệm mà mình đã học được trong khóa học nổi tiếng “Learning How to Learn” trên coursera.

Cuốn sách cũng đưa ra những chỉ dẫn chi tiết (qua năm chương sách) để giúp đọc giả rèn luyện “thuật” quan sát, tập trung tinh thần, thuật tưởng tượng, thuật tổ chức tư tưởng, thuật trí nhớ.

Đây là một cuốn sách mà mình muốn đọc lại nhiều lần.

Đọc thử sách

A.FAVRE

Tiểu dẫn

Người xưa có nói : Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, đó là chân hạnh phúc của con người.

Sự thật dĩ nhiên như vậy. Thiếu một trong hai điều kiện trên đây thì không thể bàn đến hạnh phúc được. Vả lại, có được một thân thể tráng kiện mà không có tinh thần sáng suốt thì có xứng đáng gọi là người chưa ? Đối với con người mà có một điều kiện vật chất thôi, không đủ.

Có một định luật về sinh lý mà không một ai tránh khỏi là : bất kí một cơ quan nào thiếu tập luyện, thiếu hoạt động sẽ trở thành phế vật. Mà khối óc ta cũng là một cơ quan như các cơ quan khác có làm cách gì tránh khỏi được cái công lệ tự nhiên ấy. Nếu không tập luyện, nhứt là không hoạt động, lâu ngày rồi nó cũng sẽ thành phế vật không sai.

Nhưng bảo rằng không hoạt động có quá đáng không ? Vậy chớ ai là người không tư tưởng, không phán đoán ? Vậy chớ hằng ngày ta không thấy họ bàn bạc cãi lẫy nhau đến đánh đập nhau, tương tàn tướng sát nhau sao ? Có lẽ họ tư tưởng nhiều hơn họ ăn, ngủ, thở, hát…nữa kia. Thế mà bảo khối óc họ thiếu hoạt động là nghĩa lý gì ? Không. Muôn vàn lần không. Nào ai dám bảo là họ không tư tưởng. Nhưng có điều là họ tư tưởng theo kẻ khác, họ tư tưởng theo giai cấp họ, họ tư tưởng theo sách vở, theo báo chí, theo radio, theo đảng phái hay theo tôn giáo họ. Họ đâu có tư tưởng. Hiện thời thuật nhổi sọ đã đến một trình độ cực kỳ tinh vi, người ta chỉ còn là một bộ máy mặc tình ai sai-sử dụng cách nào cũng được. Cái hiểm tượng há không phải là một ác mộng cho cả thảy chúng ta ngày nay sao ?

Nếu ta nhận cho cái định nghĩa về con người của Pascal là đúng([1]), thì để cho khối óc ta thành phế vật hay không săn sóc đến sự huấn luyện nó là một việc hết sức ô nhục cho cái nhân phẩm mình.

Có được một khổi óc sáng suốt là có được một lợi khí chắc chắn để gìn giữ địa vị ưu thắng trên trường đời, luôn cả cái phẩm cách con người của mình. Thật vậy, một kẻ mà khối óc u mê tăm tối, hỗn độn mù mờ chắc chắn sẽ không làm nên trò trống gì nếu không đi làm tay sai cho kẻ khác, hay sống nhờ nơi kẻ khác họ dìu dắt nâng đỡ cho.

Cũng là « đầu đen máu đỏ » như ai, thế sao lại phải ỷ lại vào kẻ khác họ « nâng niu ẵm bế » mình như một đứa bé lên hai trong khi mình cũng có đủ điều kiện tinh thần vật chất như họ ? Vậy, tập luyện cho mình có một khối óc sáng suốt để có thể tự lập và định đoạt lấy mạng vận của mình đầu phải chỉ để mưu hạnh phúc cho mình mà thôi đâu, mà đó là cả một vấn đề nhân phẩm của mình nữa.

*
 
* *
 
Giờ muốn có được một khối óc sáng suốt, ta phải làm thế nào ?

Có thể trông cậy nơi giáo dục ở nhà trường không ? Chắc chắn là không thể hoàn toàn trông cậy nới đó được. Có nhiều duyên cớ mà có lẽ duyên cớ nầy là quan trọng nhứt : chương trình quá nặng nề mà thời gian để tiêu hóa rất ngắn ngủi. Trong ba bốn năm mà bắt đầu óc phải chứa đựng không biết bao nhiêu điều mà có lẽ suốt đời ta, nếu thật thông minh, cũng không đủ để tiêu hóa. Ta nên nhớ : một sự hiểu biết gì mà không phải tự mình tìm ra, không phải là hiểu biết. Huống chi, bắt người ta phải thâu nhận những điều người ta chưa muốn thâu nhận để thi cử thì cái biết ấy hoàn toàn không ích lợi gì cho khối óc thông minh của mình cả. Đó chẳng qua là một sự nhồi sọ mà thôi. Những cấp bằng ấy là những cấp bằng trí nhớ, một lối trí nhớ cơ giới (mémoire mécanique) không thể hoàn toàn đảm bảo sự thông minh trí thức của họ được như có nhiều người lầm tưởng. Phần đông những kẻ có cấp bằng trung học hay đại học mà làm nên một kỳ công đại nghiệp gì đều nhờ cái học tiếp tục của họ sau khi ra trường. Những thí sinh qua khỏi cuộc thi rồi, không bao lâu họ sẽ trả lại nhà trường cả và chỉ giữ lại một ít hiểu biết vụn vặt, những cái hiểu biết ngoài da hết sức dở dang, chỉ đủ làm một phận sự thơ lại trong các công sở mà phận sự không cần đến thông minh, chỉ biết cúi đầu làm theo những gì mà bề trên đã sẵn sàng vạch trước. Một anh tú tài vừa tách ghế nhà trường có thể có một cái biết của một nhà thông thái, nhưng mà là một thứ biết không ra hồn : cái gì cũng biết mà không có một thứ gì thật biết. Phải nói : người ta « ăn nhiều quá », nhưng « chưa kịp tiêu ». Vấn đề văn hóa là một vấn đề thời gian. Bỏ thời gian thì công trình văn hóa phải dở dang hư hỏng cũng như phải có thời gian hoa mới có thể nở, trái mới có thể chín, cây mới có thể mọc… vậy. Bởi thế nói đến công trình văn hóa ở nhà trường thật khó mà trông mong một cách ổn thỏa được.

Những phương pháp giáo dục ở nhà trường, đứng về phương diện trí dục đành là khuyết điểm rồi, nhưng về phương diện đức dục và cách thức cư xử ở đời thì hoàn toàn lại càng khuyết điểm hơn nữa. Thanh niên ra đời, sau khi rời bỏ nhà trường, thật bỡ ngỡ lạ thường… Bởi vậy, như tôi đã nói ở trên, phần nhiều những kẻ lập nên kỳ công đại nghiệp gì ở đời đều nhờ nơi công phu tự học cả. Muốn được thế họ phải trải qua không biết bao nhiêu gian lao khổ cực để tìm lấy cho mình một lề lối, một kỷ luật để tự dìu dắt trên con đường tu tập. Nhưng tiếc thay, đâu phải hojluoon luôn đều được may mắn cả đâu : một phần đông vì thiếu thời giờ bởi vấn đề sinh kế mà phải « bán đồ nhi phế », hoặc thiếu tài liệu vì thời cuộc mà phải đành buông trôi ý chí của mình…

Quyển sách nầy viết ra đây là vì những bạn trẻ ấy.

Đây là tinh hoa của rất nhiều bộ sách về phép huấn luyện trí não của các bực vĩ nhân hiền triết đông-tây mà tôi đã đọc qua và tóm tắt cho các bạn, luôn cả những kinh nghiệm của tôi trong thời gian tự học… Cốt cầu được đơn giản và rõ ràng, bao giờ tôi cũng nhắm về thực tiễn hơn là lý thuyết suông.

*

Người ta thường dung cái danh từ « đa văn quảng kiến » để chỉ những bực tài hoa xuất thế đâu phải là không có lý do. Nhãn quan và thính quan là nguồn gốc của một phần rất lớn trong sự hiểu biết của ta. Kẻ nào khéo điêu luyện giác quan thì kinh nghiệm của họ về việc đời càng thêm phong phú và sâu rộng. Trái lại có nhiều kẻ đi trên đường đời như người mơ ngủ : họ có mắt nhưng không biết xem, họ có tai nhưng không biết nghe… Những người như thế chắc chắn khối óc họ luôn luôn lù mù, tinh thần họ luôn luôn tăm tối có khác nào kẻ đui người điếc đâu.

Nhưng quan sát mà được tinh vi đúng đắn là nhờ khéo biết tập trung tư tưởng. Thiếu tập trung tinh thần thì các quan năng đặc biệt như trí nhơ, trí phán đoán hay suy luận đều không thể phát triển được. Trong phép điêu luyện tinh thần, phải lấy nó làm gốc. Bởi vậy, trong quyển nầy tôi đã phải dành cho nó và thuật quan sát một địa vị tương đương và quan trọng nhất.

Trong khi quan sát, ta còn phải để ý đặc biệt về yếu tố này: trí tưởng tượng. Sỡ dĩ trong khi quan sát mà thường bị sai lầm là vì nhận xét không tinh và vì óc tưởng tượng quá mạnh nhưng không quy củ. Trong khi quan sát không gì nguy bằng để cho trí tưởng tượng chen vào, nó thường làm cho ta thấy sự vật, không phải y như sự vật ấy đã xảy ra, mà là theo ý của ta muốn cho sự vật ấy phải xảy ra như thế nào. Trái lại, nếu biết huấn luyện nó cho có qui củ thì trí tưởng tượng sẽ là một lợi khí giúp ta tìm chân lý một cách hết sức đắc lực. Những bực thông thái đã phát minh được những gì đều nhờ biết dùng trí tưởng tượng tạo ức thuyết để dẫn đường trong con đường tìm chân lý. Thiếu trí tưởng tượng, là thiếu một cơ năng quí báu nhứt của tinh thần. Nó là tinh lực của tư tưởng. Thiếu nó, con người không sáng tạo được gì cả mà đời sống cũng không còn gì là hứng thú.

Biết quan sát cho tinh, biết tưởng tượng cho đúng cũng chưa đủ gọi là sáng suốt. Tư tưởng mà đúng đắn, trước hết là nhờ tư tưởng có trật tự và có một trí nhớ trung thành. Thiếu sự tổ chức tư tưởng thì không thể nào có được trí nhớ trung thành, mà không có trí nhớ trung thành thì chắc chắn không làm gì tư tưởng cho có đầu đuôi minh bạch được. Trí nhớ đây, không còn là một thứ trí nhớ cơ giới nữa, mà là một thứ trí nhớ của tinh thần hoạt động điều hòa.

Vì nhứng lẽ nói trên, tôi chia công phu huấn luyện tinh thần làm năm phần, sắp theo thứ tự sau đây:

A – Thuật quan sát;
B – Thuật tập trung tinh thần; C – Thuật tưởng tượng;
D – Thuật tổ chức tư tưởng;
E – Thuật nhớ lâu;

Một chương trình như thế tuy đơn giản thật nhưng cũng có thể tạm gọi là vừa đủ cho các bạn muốn đào tạo cho mình một khối óc sáng suốt, hoặc không được thế, thì ít ra cũng không đến nỗi mù mờ như xưa nữa.
Những bạn nào muốn lên một từng cao hơn, hãy đọc tiếp quyển sách kế tiếp của nó, quyển THUẬT TƯ TƯỞNG.
 
Ta có thể gọi quyển này là quyển nhập môn cho Thuật Tư Tưởng cũng nên.
 
Đọc xong quyển này, các bạn nếu thực hành ngay từng nguyên tắc, chắc chắn cuộc đời bạn sẽ thấy đổi mới, tinh thần bạn sẽ thấy minh mẫn hơn xưa nhiều. Và được bấy nhiều cũng đã nhiều rồi… Nguyễn Duy Cần

TƯ TƯỞNG LÀ GÌ?

TRƯỚC khi bàn qua những phương pháp tư tưởng cần định nghĩa tư tưởng là gì? Tư tưởng là một chữ khó định nghĩa, vì nó có cái nghĩa vừa rộng rãi, vừa thay đổi. Thử lấy một vài trường hợp đặc biệt mà người ta thường đem chữ ấy ra dùng:

A.__ Người ta hay dũng chữ « tư tưởng » để chỉ « bất kỳ là thứ gì thoáng qua trong đầu óc ». Cái định nghĩa này thật hàm hồ… là vì, sự thật, phàm tư tưởng một điều gì, tức là để tâm đến điều ấy, tuy rằng để tâm một cách sơ sài hay sâu rộng cũng vậy.

B. __ Tư tưởng cũng dùng để chỉ « những ý nghĩ ở ngoài sự nhận thức của giác quan ». Ta tư tưởng những vật gì ta không thể thấy, nghe, hay rờ rẫm được.
 
C. __ Tư tưởng lại cũng dùng để chỉ « những ý kiến căn cứ đàng hoàng trên một số bằng cớ chắc chắn », về định nghĩa này, có 2 loại như sau đây, cần phải để ý phân biệt:
 
a) có khi ta chỉ nhận suông một ý kiến nào, không cần đòi hỏi hay tìm kiếm những lý lẽ hay bằng cứ để làm cơ sở cho ý kiến ấy.

b) có khi trái lại, ta chỉ nhận một ý kiến, khi nào ta tìm thấy nó có cơ sở vững vàng, bằng cứ chắc chắn. Lối này, là lối tư tưởng chính đính (pensée réfléchie). Chỉ có lối tư tưởng này là có giá trị thôi. Cho nên nó là trụ cột của quyển sách này vậy.

Sau đây, ta thử phân tích rộng ra, những lối tư tưởng trên đây cho dễ hiểu hơn. A. __ Tư tưởng lông bông, không phải là tư tưởng.

Những cảm xúc thoáng qua, những ký ức mơ màng, những mộng tưởng bâng quơ lảng vảng trong đầu óc những khí nhàn rồi… đó là lối tư tưởng mà ta không nên vì nó đỡ phải mất thời giờ vô ích. Trái lại, tư tưởng đính chính là một sự liên lạc chặc chẽ, chớ không phải là một sự tiếp tục hoang mang những ý nghĩ không đầu đuôi, không dính líu với nhau đâu. Bắt đầu từ ý này sang ý kia, bắt từ ý kia sáng ý nọ không dính dấp gì với nhau cả, đó không phải là tư tưởng đính chính. Tư tưởng là khi nào mỗi ý nghĩ đều để lại một dư nghĩa, dùng làm chỗ nối cho một ý nghĩa khác theo sau và cuồn cuộn như dòng nước chảy…

B. __ Tư tưởng dùng để chỉ vào « những sự vật ở ngoài nhận thức của giác quan » cũng chưa phải là tư tưởng hoàn toàn được.

Một người kia thuật cho ta nghe một câu chuyện. Nếu ta hỏi họ có thật nghe thấy chuyện ấy như thế không, thì có khi người đó sẽ trả lời: đó toàn là sự ước định mà thôi: « Tôi nghĩ nó như thế… » Đây, người ấy không tư tưởng theo quan sát mà một phần do nơi sự « sáng tạo » mà ra. Những việc người ấy thuật cho ta nghe có thể hữu lý lắm, cái này ăn chịu với cái kia, chằng chịt ráo riết như sự thật vậy. Lối tư tưởng này, nếu được liên lạc nhau, cũng có phần na ná với lối tư tưởng chính đính. Thường lối tư tưởng này để chỉ có những người có óc luận lý họ bày ra được thôi. Đó là lối tưởng tượng đi tiền đạo cho lối tư tưởng chính đính sẽ bàn sau nầy.

C.__ Lối tư tưởng « chỉ nhận suống một ý kiến, mà không tìm coi nó có cơ sở hay bằng cứ chắc chắn không », cũng không phải là tư tưởng hoàn toàn.

Khi ta nói: « Người ta tin rằng trái đất hình giẹp » hoặc: « Tôi tưởng anh không có ở nhà »… v.v., đó là ta đã tỏ ra một « ý kiến ». Ta tuy đã quả quyết, đã chứng minh một việc, những tư tưởng lối này có thể là những ức thuyết chưa kiểm tra, ngẫu nhiên phát sanh ra trong đầu óc ta. Ta cũng không lo tìm kiếm những lý lẽ, những bằng cứ để làm cơ sở cho nó. Ta chỉ thu nhặt nó, vô tâm đem sáp nhập nó vào tâm trí ta một cách thờ ơ lơ đễnh… Lối tư tưởng này là lối tư tưởng theo tập quán, theo giáo dục, hòa lẫn với dục vọng bồng bột của ta. Ta gọi là « thành kiến » vì nó không căn cứ vào một lẽ hiển nhiên nào cả.

Trái lại, « tư tưởng chính đính » là « kết quả của một sự khám xét chặt chẽ, dày dặn, tinh mật một ý kiến nào; và có thêm rất nhiều bằng cứ, lý lẽ chính đính làm cơ sở cho nó ».Tỉ như trước kia, người ta đều tin rằng « trái đất hình giẹp »…Người ta tin suông như thế…

Đến sau Christophe Colomb cho nó là hình tròn. Ở đây không còn phải là một lối tin tưởng suông như trước nữa, trái lại, nó là kết quả của một quan sát rất chu đáo những sự thực đã xảy ra: ông đã suy đi xét lại sự hiển nhiên trước mắt ông cho đến khi ông không thấy còn chỗ nào nghi ngờ nữa, bấy giờ ông mới quả quyết tin là nó là thế ấy.

Hoài nghi đối với bất kỳ là cái chi do cựu lệ truyền lại, ông không chịu thối lui trước sự khó nhọc để quan sát, để kiểm tra những điều ông nghe thấy, ông tìm kiếm đủ bằng cứ để chứng minh điều ông suy nghĩ, chừng ấy mới chịu tin ý kiến mình là phải. Dầu kiết luận của ông có sai lầm đi nữa, ý kiến của ông đã nhận là một ý kiến rất khác xa ý kiến kia của những người « tin suông » trước ông: ý kiến ông là kết quả của lối « tư tưởng chính đính

».

Tóm lại, « tư tưởng chính đính » là tư tưởng có bằng cứ chắc chắn, không phải lối tư tưởng vu vơ, bổng lổng thêu lêu, không gốc rễ.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái Khiến trẻ ham đọc sách, yêu tri thức, tôn sùng trí tuệ, làm cho con ham đọc sách là nhiệm vụ không thể trốn tránh của mỗi bậc cha…
Người Mẹ Lang Thang Hiromi chăm sóc những đứa trẻ chỉ có bố mà thiếu vắng tình yêu của mẹ, những ông bố thường xuyên vắng nhà dài ngày hay những đứa trẻ…
Ăn Dặm Không Phải Là Cuộc Chiến Ngay khi con có đủ các dấu hiệu sẵn sàng, đừng vội vàng cho bé tập BLW ngay mà hãy cho bé ngồi thử vào ghế ăn cùng với…
Back to top button