Tác giả | Thích Nhất Hạnh |
Thể loại | Nuôi dưỡng tâm hồn, Tôn giáo, Cảm xúc |
Số trang | 252 |
Năm | 2001 |
Rating | 4.3/5 |
Nội dung
Giận là một cuốn sách hay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nó mở ra cho ta những khả năng kỳ diệu, nhưng lại rất dễ thực hành để ta tự mình từng bước thoát khỏi cơn giận và sống đẹp với xã hội quanh mình.
Giận được xuất bản tại Hoa Kỳ ngày 10.9.2001, trước biến cố 11.9.2001 có một ngày. Vì thế Giận đã trở thành quyển sách bán chạy nhất Hoa Kỳ – 50.000 bản mỗi tuần – trong vòng 9 tháng
Tại Hàn Quốc, quyển sách này đã bán được 1 triệu bản trong vòng 11 tháng. Rất nhiều độc giả nhờ đọc sách này mà đã điều phục được tâm mình, sử dụng ái ngữ lắng nghe để hoà giải với người thân, đem lại hạnh phúc trong gia đình và trong cộng đồng của họ.
Thể loại
Giận có mặt trong:
- 11 cuốn sách hay về ứng xử trong cuộc sống vô cùng thực tế
- 15 quyển sách hay về đối nhân xử thế đầy thực tế và gần gũi với mọi người
- 25 cuốn sách hay về cuộc sống vô cùng giản dị và gần gũi
- 15 quyển sách hay dạy làm người hướng người đọc đến những giá trị chân thiện mỹ
- 25 cuốn sách hay về kỹ năng sống cần thiết cho mọi bạn đọc
Review
Tuyết Mai - - Review on: Tiki
Giá Mình Biết Đến Cuốn Sách Sớm Hơn
Thực sự cuốn sách đã là câu trả lời cho những day dứt về bản thân mình suốt một thời gian dài. Mình luôn cảm thấy ân hận sau mỗi cơn giận, luôn tự nhắc mình không tái phạm nhưng suốt ngày tái phạm.
Tình cờ được đứa bạn tặng cho cuốn sách này. Nó đã thay đổi bản thân mình rất nhiều mặc dù vẫn chưa đọc hết cuốn sách.
Mình sẽ tặng lại cuốn sách cho người khác và đề nghị họ sẽ tặng lại cho người khác nữa sau khi đọc xong.
Cảm ơn thầy Thích Nhất Hạnh. Con có thể hiểu tại sao thầy là người thứ 2 sau Đà lai Lạt ma nổi tiếng thế giới về Phật giáo.
Hiền Phương - - Review on: Tiki
Hóa Giải GIẬN DỮ, Đưa Đến BÌNH AN
Sách của thầy Thích Nhất Hạnh lúc nào cũng phải chờ, không phải bao giờ cũng có sách để mua. Và đều là những quyển sách thật tuyệt vời. Điểm yếu của bản thân tôi chính là hay nổi nóng, dẫn đến không kiềm chế được và cư xử nhiều khi không như mong muốn. “Giận” giúp tôi thay đổi, biết cách giải thoát chính mình khỏi những giận dữ nhờ cách “ôm ấp cơn giận bằng chánh niệm” và thực hành “tiếng nói yêu thương chân thật”. Trải lòng cùng cuốn sách, tôi nhận ra rằng: Bình an là thuộc tính tự nhiên của con người, hành trình đến với bình an là hóa giải giận dữ, đến với bình an là đến với hạnh phúc tại tâm ta.
Tường Vy - - Review on: Tiki
Nên Mua
Không cần phải là người theo đạo Phật mới đọc hiểu quyển sách này. Lời sư thầy Thích Nhất Hạnh rất dễ hiểu, nhẹ nhàng đi vào lòng người. Mình mua quyển sách này lúc đang giận một người bạn với hi vọng sau khi đọc xong sẽ nguôi giận, nhưng quyển sách không đem lại điều mình muốn nên mình ngưng đọc. Một thời gian sau, khi hết giận, đọc lại quyển sách mới thấy thấm thía. Sau này khi giận ai, cứ áp dụng bài học thì hết giận ngay. Do đó, mình khuyên các bạn nên mua quyển sách này về đọc để rút ra được bài học cho bản thân trước rồi sau này có giận thì nhớ tới mà áp dụng được
Hoài Hương - - Review on: Fahasa
Đọc và thực hành
Đây là một trong các sách nổi tiếng của Thầy Thích Nhất Hạnh. Khi chúng ta nổi giận, chúng ta không thể kiểm soát được hành động cũng như lời nói của mình, gây tổn hại đến cho đối phương. Nhiều người đã hối tiếc về các hành động mất kiểm soát của mình trong lúc nóng giận. Cảm ơn Thầy đã viết cuốn sách này, để tôi và bạn bè có thể hiểu & học cách điều phục tâm trong lúc giận cũng như thực hành ái ngữ với những người thân trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp để cải thiện các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.
Thảo - - Review on: Fahasa
Một cuốn sách chữa lành và giúp bạn thấu hiểu nhiều thứ
Thích Nhất Hạnh lại gửi tặng cho chúng ta những điều rất hay trong cuộc sống. Có những thứ ta ngộ nhận bấy lâu nay ta đúng nhưng thực ra thì ta hoàn toàn sai. Khi giận ta không được chối bỏ nó mà ta phải tận tình, quan tâm, chăm sóc nó. Một cuốn sách chữa lành và giúp bạn thấu hiểu nhiều thứ, nó sẽ hàn gắn mọi rạn nứt giữa bạn với thế giới ngoài kia. Khi đọc cuốn sách tâm hồn ta được bình thản, nhẹ tênh… và ta nhận ra được nhiều thứ mà trước đây vì cố chấp mà ta phủ nhận nó. Một cuốn sách cô động và sâu sắc. Rất cần thiết cho những người hay tức giận và mất kiểm soát. Thật tuyệt vời vì trên đời có tồn tại cuốn sách như thế này…Hãy sớm đọc cuốn sách để thay đổi tích cực. Cố lên!
Lan Anh - - Review on: Fahasa
Thoát khỏi cơn giận và sống đẹp với xã hội quanh mình
Sách cho ta cái nhìn rất khách quan về việc có nên giận ai đó không,vì một việc gì và tại sao phải giận
Khi ta giận, khi một ai đó làm cho ta giận, ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình. Không nên nói gì hết. Không nên làm gì hết. Khi đang giận mà nói năng hay hành động thì chỉ gây thêm đổ vỡ mà thôi… Như thế là không khôn ngoan. Phải trở về dập tắt lửa trước đã… Giận là một cuốn sách hay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nó mở ra cho ta những khả năng kỳ diệu, nhưng lại rất dễ thực hành để ta tự mình từng bước… thoát khỏi cơn giận và sống đẹp với xã hội quanh mình.
Tuyen Tran - - Review on: Goodreads
Nhẹ nhàng, sâu lắng, giản dị và hiệu quả
Nhẹ nhàng, sâu lắng, giản dị và hiệu quả. Khi mỗi lần mở sách là chỉ muốn yêu thương thật nhiều. Cách viết và giảng giải như tâm tình, những bài tập rất dễ thực hiện và càng đọc càng nhận ra được lẽ sống của hạnh phúc.
Khi ta giận, khi một ai đó làm cho ta giận, ta phải trở về với thâm tâm và chăm sóc cơn giận của mình. Không nên nói gì hết, không nên làm gì hết. Khi đang giận mà nói năng hay ành động thì chỉ gây thêm đổ vỡ mà thôi. Như thế là không khôn ngoan. Giận cũng là bản thân mình, là một cảm xúc sai lầm nhưng không xấu xa, không nên ghét bỏ. Phải biết ôm ấp và chăm sóc cho cơn giận, để biến cơn giận thành yêu thương, biến rác thành hoa…
Mình coi đây là một cuốn sách gối đầu, vì mình là đứa nóng tính. Và giờ đã đỡ nóng tính hehe
Thùy Linh - - Review on: Goodreads
Giữ cho tâm mình tĩnh, đặc biệt trong những khi sóng gió
Hầu hết các cuốn sách đã đọc, và những bài giảng đã nghe của thầy, đều xoay quanh một vài ý nhất định, về cách giữ cho tâm mình tĩnh, đặc biệt trong những khi sóng gió.
Đây cũng là một cuốn như vậy, và đặc biệt hơn, nó giống như một sự neo đậu, mỗi khi căng thẳng, mất bình tĩnh, tôi chỉ cần nhớ đến tựa sách của thầy, đơn giản, ngắn gọn, chỉ một chữ “Giận” là đã có thể tìm lại về hơi thở của mình, neo lại hơi thở, neo lại cảm xúc và lắng lại , như một cốc nước táo 🙂
Lizz D - - Review on: Goodreads
Giải tỏa cơn giận
Những từ như chánh niệm, từ bi, giác ngộ, hóa thân, chuyển kiếp… hay làm mình có cảm giác như đang đọc tiểu thuyết kiếm hiệp và mình không thích lắm, nhưng mà bỏ qua cái hình thức bề ngoài ấy đi thì mình tìm được rất nhiều điều trong quyển sách này. Trong những điều ấy, cái cái mình đã làm được, có cái thì không (ví dụ như cách mình “truyền thông” với mọi người chẳng hạn), có cái chắc đã đọc qua ở đâu đó rồi, có cái lại mới mẻ rất thời sự.
Mình rất đồng tình với quan điểm của tác giả về “cơn giận”. Mình cũng thích câu chuyện Angelina và David. Những người bạn mình gặp, nhưng món mình được ăn, những điều mình được trải nghiệm…đối mình là điều gì đó may mắn giống như David gặp được Angeline vậy. Mình vẫn luôn trân trọng những điều ấy, vì cuộc sống nếu như không có chúng thì đối với mình sẽ buồn chán biết bao, buồn ơi là sầu.
Đọc thử sách
Mở đầu
Thực Tập Hạnh Phúc
Theo tôi, hạnh phúc có nghĩa là ít đau khổ. Nếu không chuyển hóa được đau khổ thì không thể nào có hạnh phúc.
Rất nhiều người đã đi tìm hạnh phúc từ bên ngoài, nhưng hạnh phúc thật sự chỉ có thể có được tự bên trong. Theo lối sống bây giờ, người ta cho rằng hạnh phúc là có thật nhiều tiền bạc, nhiều quyền lực và có địa vị cao sang trong xã hội. Nhưng nếu nhìn cho kỹ thì sẽ thấy có rất nhiều người giàu sang hay nổi tiếng mà vẫn đau khổ, mà vẫn tự tử.
Vào thời Bụt, Bụt và Tăng đoàn của Ngài, mỗi vị chẳng có gì ngoài ba chiếc áo và một bình bát thế mà quý Ngài rất mực hạnh phúc bởi vì quý Ngài đã đạt được một điều vô cùng quý báu, đó là tự do.
Theo lời Bụt dạy, điều kiện căn bản của hạnh phúc là tự do. Tự do đây không phải là tự do trong lãnh vực chánh trị mà là tự do khi không còn bị sân hận, kiêu căng, ghen ghét, tuyệt vọng, và si mê ràng buộc. Những tâm hành sân hận, kiêu căng, ghen ghét, tuyệt vọng, và si mê đó Bụt gọi là những chất độc. Khi tâm còn bị những chất độc đó chế ngự thì không thể nào có được hạnh phúc.
Muốn thoát ra khỏi sân hận thì cần phải tu tập, dầu cho bạn là tín đồ Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn độ giáo hay Do thái giáo. Chúng ta không thể cầu xin Bụt, Jesus, Thượng đế hay Mohammed lấy sân hận ra khỏi tâm thay cho ta được. Có những phương pháp cụ thể giúp diệt trừ tham, giận, si, mê. Nếu thực tập những phương pháp đó và chuyển hóa đau khổ của tự thân thì chúng ta sẽ có thể giúp những người khác chuyển hóa đau khổ của chính họ.
Chuyển Đổi Tình Trạng
Giả sử trong một gia đình mà hai cha con giận nhau. Giữa cha và con không còn có sự truyền thông. Cả hai cha con đều khổ và cùng mong thoát ra khỏi tình trạng bế tắc do giận hờn gây nên nhưng không biết phải làm thế nào.
Một pháp môn tốt là một pháp môn có thể đem áp dụng vào đời sống hằng ngày và giúp chuyển hóa khổ đau. Khi buồn giận ta đau khổ như bị thiêu đốt trong địa ngục. Những lúc đó ta phải tìm tới những người bạn có tu tập để xin giúp đỡ, để học hỏi cách thức đối trị buồn giận, ganh tị, tuyệt vọng trong ta, hầu mong có thể chuyển đổi tình trạng.
Lắng Nghe Với Tâm Từ Bi Làm Vơi Bớt Khổ Đau
Một người mà lời nói đầy sân hận, căm hờn là vì người ấy đang vô cùng đau khổ. Vì đau khổ mà người ấy nói ra những lời chua chát, cay đắng, trách móc khiến cho ta khó chịu và tìm cách xa lánh. Muốn thấu hiểu và chuyển hóa cơn giận thì phải học phép thực tập hạnh lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ái ngữ. Có một vị Bồ Tát có khả năng lắng nghe với tâm từ bi rộng lớn, đó là Bồ Tát Quán Thế Âm. Chúng ta phải thực tập hạnh lắng nghe sâu như Ngài thì mới có thể hướng dẫn một cách cụ thể khi một người đầy sân hận tìm đến xin giúp đỡ để tái lập truyền thông.
Lắng nghe với tâm từ bi có thể làm người khác bớt khổ. Tuy nhiên, mặc dầu có nhiều thiện chí ta cũng khó lắng nghe một cách sâu sắc nếu ta không thực tập lắng nghe với tâm từ bi. Nếu ta có thể ngồi yên và lắng nghe người ấy với tâm từ bi chỉ trong một giờ thì ta có thể làm vơi bớt khổ đau của người ấy rất nhiều. Ta lắng nghe với một mục đích duy nhất là để cho người kia có cơ hội giãi bày tâm tư và nguôi bớt khổ đau.
Phải lắng nghe thật chăm chú. Phải lắng nghe với tai, với mắt, với cả thể xác lẫn tâm hồn. Nếu ta chỉ giả vờ lắng nghe, nếu ta không lắng nghe hết mình thì người kia sẽ nhận ra ngay và khó mà vơi bớt khổ đau. Phải luôn luôn giữ tâm từ bi trong khi lắng nghe. Muốn vậy trong khi lắng nghe ta phải theo dõi hơi thở chánh niệm và duy trì ý hướng muốn giúp người kia.
Lắng nghe với tâm từ bi là một phép thực tập rất sâu sắc. Ta lắng nghe mà không phán xét, không trách móc. Ta lắng nghe chỉ vì ta muốn giúp người kia vơi bớt khổ đau. Người kia có thể là cha, là mẹ, là con trai, con gái, là vợ hay chồng của ta. Thực tập lắng nghe sâu sắc chắc chắn có thể giúp người khác chuyển hóa sân hận và khổ đau của họ.
Một Quả Bom Sắp Nổ
Tôi có biết một thiếu phụ ở tại Bắc Mỹ. Thiếu phụ này có đạo Cơ Đốc. Bà ta đã rất đau khổ vì hai vợ chồng sống với nhau không được hòa thuận. Cả hai đều có học thức và đều đậu bằng tiến sĩ (Ph.D.). Nhưng người chồng luôn luôn gây gổ với vợ con. Ông không bao giờ có thể nói chuyện với vợ con. Trong gia đình, ai cũng tránh né ông vì khi nào ông ta cũng như một quả bom sắp nổ. Tâm sân hận của ông rất lớn. Ông nghĩ rằng vợ và các con của ông khinh khi ông, bởi vì không ai muốn đến gần ông. Thực ra thì vợ ông và các con ông đâu có khinh ông. Họ chỉ sợ ông thôi. Họ sợ đến gần ông rồi ông nổi tam bành lên thì nguy.
Rồi một ngày kia người vợ không chịu đựng được nữa và có ý muốn tự tử. Nhưng trước khi thực hành ý định bà ta gọi điện thoại cho một bà bạn để thổ lộ tâm tình. Bạn của bà ta, một Phật tử có tu tập, trước đây đã từng mời bà tham dự thiền tập, những mong bà ta bớt khổ đau phần nào nhưng bà ta luôn luôn từ chối, viện lý một tín đồ đạo Chúa như bà không thể tu theo đạo Bụt.
Chiều hôm đó khi bà bạn Phật tử biết được ý định muốn tự tử của bạn mình liền nói với bà ta qua điện thoại: ” Chị nói chị là bạn của tôi mà nay chị muốn chết. Vậy thì trước khi chị thực hành ý định tôi chỉ xin chị một điều là tôi mời chị nghe một bài pháp thoại của Thầy tôi mà chị đã từng từ chối. Bây giờ, nếu quả chị là bạn của tôi, xin chị hãy lấy taxi đến đây và nghe cái băng pháp thoại này rồi sau đó chị muốn gì thì tùy chị.”
Khi người bạn đến, bà bạn Phật tử để cho bà ta ngồi một mình trong phòng khách để nghe bài pháp thoại về Nghệ Thuật Tái Lập Truyền Thông. Suốt thời gian trên một giờ đồng hồ nghe pháp thoại bà ta đã chuyển hóa sâu sắc. Bà đã khám phá ra được nhiều điều. Bà ta đã ý thức rằng chính bà đã có trách nhiệm một phần nào về đau khổ của bà và bà đã làm cho chồng đau khổ rất nhiều. Bà ý thức rằng bà đã không giúp ích gì cho ông. Vì tránh né ông mà bà đã làm ông ngày càng thêm khổ. Qua bài pháp thoại bà đã hiểu rằng muốn giúp chồng thì bà phải biết lắng nghe với tâm từ bi. Điều này trong năm năm qua bà đã không làm được.
Gỡ Bom
Sau khi nghe bài pháp thoại bà ta rất nao nức. Bà ta muốn về nhà ngay để giúp chồng. Nhưng bà bạn Phật tử nói rằng: “Không được đâu chị. Chị không nên làm chuyện đó ngay ngày hôm nay vì pháp môn lắng nghe là một pháp môn rất sâu. Chị phải thực tập ít nhất là một hay hai tuần lễ để có thể lắng nghe sâu sắc,” và bà ta đã mời bà bạn của mình tham dự một khóa tu.
Trong khóa tu có khoảng hơn bốn trăm người tham dự, cùng ăn, cùng ở, cùng thực tập trong sáu ngày. Trong sáu ngày đó, tất cả mọi người cùng thực tập hơi thở chánh niệm để đem thân tâm về một. Tất cả mọi người thực tập đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm, để hết tâm ý vào mỗi bước chân, mỗi cử chỉ đồng thời quán chiếu và ôm ấp tâm tư cũng như khổ đau của chính mình.
Họ không những chỉ nghe pháp thoại mà còn thực tập lắng nghe nhau để tìm hiểu niềm đau, nỗi khổ của người kia và họ chỉ nói với nhau những lời nói dịu dàng dễ thương (ái ngữ). Bà bạn theo Cơ Đốc Giáo đã thực tập hết lòng bởi vì đối với bà đây là một vấn đề sống chết.
Sau khóa tu, khi về nhà, bà rất bình tĩnh, lòng bà tràn ngập thương yêu. Bà quyết tâm muốn giúp chồng gỡ trái bom ra khỏi tim. Bà đi đứng chậm rãi, theo dõi hơi thở để được thêm bình tĩnh và nuôi dưỡng tâm từ bi. Chồng bà đã cảm nhận sự khác lạ nơi bà khi thấy bà đi đứng chánh niệm như vậy. Rồi tối hôm ấy bà đến gần và ngồi yên bên chồng. Đây là một điều mà bà không bao giờ làm được trong năm năm qua.
Bà ngồi yên như vậy khá lâu, có lẽ gần mười phút. Xong rồi bà nhẹ đặt bàn tay lên tay chồng và nói “Anh ơi, em biết trong năm năm qua anh đã đau khổ rất nhiều, em nay rất thông cảm. Em biết em đã là một phần lớn nguyên nhân làm anh khổ. Em đã không an ủi anh mà còn làm cho anh khổ thêm. Em đã làm rất nhiều lầm lỗi. Em rất ân hận. Em xin anh cho em một cơ hội để làm mới lại. Em muốn anh được hạnh phúc, nhưng em đã không biết phải làm thế nào và em đã làm cho tình trạng càng ngày càng đen tối. Em không muốn tình trạng này kéo dài mãi. Xin anh giúp em đi. Em cần anh giúp em để em có thể hiểu anh hơn và thương anh hơn. Anh nói cho em nghe những tâm tư sâu kín trong tim anh. Em biết anh đã rất đau khổ. Xin anh cho em biết những niềm đau nỗi khổ của anh để em không còn tạo thêm khổ đau cho anh như trong quá khứ. Không có anh giúp em thì em không làm gì được. Em chỉ muốn thương yêu anh mà thôi.” Khi bà nói như vậy thì chồng bà đã khóc. Ông ta khóc như một đứa bé.
Đã từ lâu vợ ông luôn luôn chua chát với ông. Bà chỉ có to tiếng, lời nói luôn đầy giận dữ, cay đắng, trách móc, phê phán. Cả hai vợ chồng chỉ biết gây gổ với nhau. Đã bao năm qua, có khi nào mà bà đã nói được với ông những lời thương yêu, ngọt ngào như ngày hôm nay! Khi thấy chồng khóc, bà ta cảm thấy tình thế đã có phần hy vọng. Cánh cửa trái tim của chồng bà lâu nay khép kín nay đã bắt đầu hé mở. Bà biết lúc này bà phải rất cẩn thận, và bà đã tiếp tục thực tập hơi thở chánh niệm, rồi bà nói, “Anh ơi, anh nói ra tất cả những gì sâu kín trong tim anh cho em nghe đi. Em muốn cư xử với anh hay hơn. Em không muốn tạo thêm lỗi lầm gì nữa.”
Bà vợ là một người trí thức, cũng có bằng Ph.D. Nhưng cả hai đã đau khổ vì không biết cách thực tập lắng nghe với tâm từ bi. Nhưng ngày hôm đó, người vợ đã thực tập lắng nghe với tâm từ bi rất thành công. Lắng nghe với tâm từ bi đã có một tác dụng chữa trị mầu nhiệm cho cả hai người. Chỉ vài giờ đồng hồ sau hai vợ chồng đã làm hòa được với nhau.
Cùng danh mục: