11 cuốn sách tặng cho giáo viên vô cùng chân thành và cảm động giúp thay lời muốn nói của người học trò đến với những người thầy, cô yêu mến của mình.
Totto – Chan Bên Cửa Sổ
Không còn cách nào khác, mẹ đành đưa Totto-chan đến một ngôi trường mới, trường Tomoe. Đấy là một ngôi trường kỳ lạ, lớp học thì ở trong toa xe điện cũ, học sinh thì được thoả thích thay đổi chỗ ngồi mỗi ngày, muốn học môn nào trước cũng được, chẳng những thế, khi đã học hết bài, các bạn còn được cô giáo cho đi dạo. Đặc biệt hơn ở đó còn có một thầy hiệu trưởng có thể chăm chú lắng nghe Totto-chan kể chuyện suốt bốn tiếng đồng hồ! Chính nhờ ngôi trường đó, một Totto-chan hiếu động, cá biệt đã thu nhận được những điều vô cùng quý giá để lớn lên thành một con người hoàn thiện, mạnh mẽ.
Totto-chan bên cửa sổ là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ trẻ em trên toàn thế giới suốt ba mươi năm nay. Sau khi xuất bản lần đầu vào năm 1981, cuốn sách đã gây được tiếng vang lớn không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới. Tính đến năm 2001, tổng số bản sách bán ra ở Nhật đã lên đến 9,3 triệu bản, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong lịch sử ngành xuất bản nước này. Cuốn sách đã được dịch ra 33 thứ tiếng khác nhau, như Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc…Khi bản tiếng Anh của Totto-chan được xuất bản tại Mỹ, tờ New York Times đã đăng liền hai bài giới thiệu trọn trang, một “vinh dự” hầu như không tác phẩm nào có được.
Chiến Binh Cầu Vồng
Trong ngày khai giảng, nhờ sự xuất hiện vào phút chót của cậu bé thiểu năng trí tuệ Harun, trường Muhammadiyah may mắn thoát khỏi nguy cơ đóng cửa. Nhưng ước mơ dạy và học trong ngôi trường Hồi giáo ấy liệu sẽ đi về đâu, khi ngôi trường xập xệ dường như sẵn sàng sụp xuống bất cứ lúc nào, khi lời đe dọa đóng cửa từ viên thanh tra giáo dục luôn lơ lửng trên đầu, khi những cỗ máy xúc hung dữ đang chực chờ xới tung ngôi trường để dò mạch thiếc…? Và liệu niềm đam mê học tập của những Chiến binh Cầu vồng đó có đủ sức chinh phục quãng đường ngày ngày đạp xe bốn mươi cây số, rồi đầm cá sấu lúc nhúc bọn ăn thịt người, chưa kể sự mê hoặc từ những chuyến phiêu lưu chết người theo tiếng gọi của ngài pháp sư bí ẩn trên đảo Hải Tặc, cùng sức cám dỗ khôn cưỡng từ những đồng tiền còm kiếm được nhờ công việc cu li toàn thời gian …?
Chiến binh Cầu vồng có cả trong sáng tuổi học trò lẫn những trò đùa tinh quái, cả nước mắt lẫn tiếng cười – một bức tranh chân thực về hố sâu ngăn cách giàu nghèo, một tác phẩm văn học cảm động truyền tải sâu sắc nhất ý nghĩa đích thực của việc làm thầy, việc làm trò và việc học.
Được Học – Educated
Cô bé Tara sống trên núi, đã vậy còn chưa bao giờ được đi học bởi vì bố của Tara – một người quyết liệt bài bác trường công cũng như bất cứ khía cạnh văn minh nào “phản tự nhiên”, phản lại ý Chúa – muốn như thế. Thậm chí cô bé này không có cả giấy khai sinh, nghĩa là trong hệ thống xã hội cô không tồn tại. Tara tồn tại theo “luật” của bố: cô được định nghĩa qua những công việc nhằm sửa soạn cho ngày Tận thế, những lao động khổ ải ở bãi phế liệu, và trên hết là nề nếp khắc kỷ tuyệt đối thể hiện lòng sùng kính Chúa.
Cô gái ấy lớn lên hầu như chỉ trong cảm giác vi phạm và tội lỗi – đi học là tội lỗi, rung động với bạn khác giới là tội lỗi, mặc váy và áo thun ôm sát là tay sai của quỷ Sa-tăng. Bố Tara đã nuôi dạy cô (cũng như các anh chị em khác) ở một “thành trì” kiên cố đến mức cô hầu như không thể quen với những lời khen, với tình cảm ân cần, ưu ái. Tara Westover không hề hư cấu chuỗi kịch tính trong đời mình (đọc tự truyện, chúng ta sẽ thấy tác giả luôn lo ngại việc kể sai, kể sót): từ chuỗi vận nạn của chính cô đến những tai nạn lần lượt xảy ra với các thành viên gia đình, mà hầu như tất cả đều bắt nguồn nơi tính cách, lối sống kì dị của ông bố. Song càng lật mở những trang sách thì tim chúng ta càng thắt lại với câu hỏi: Sao kia, chuyện này là có thật?
Tara Westover đã vượt qua cái có thật ấy, dĩ nhiên chẳng hề theo cách thẳng băng, dễ dàng, để được đi học; và mãi về sau, khi trở thành Tiến sỹ tại Đại học Cambridge lừng danh, cô đã buộc phải chấp nhận tình cảnh đứt lìa mối quan hệ với hầu hết người ruột thịt.
Được học, được giáo dục là niềm vui, niềm hạnh phúc, với một số người đó còn là cứu rỗi. Như Tara. Dẫu giá phải trả cực kỳ đắt đỏ, dai dẳng, thấu xương. Nhưng cô đã chọn để được tự do, để trở nên tốt đẹp hơn, dù bao đơn độc.
Khuyến Học
Khuyến học không phải là tác phẩm đồ sộ và sâu sắc nhất của ông nhưng lại là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản. Khi mới đựơc in lần đầu, cuốn sách này có một số lượng ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản thời đó chỉ khoảng ba mươi lăm triệu người. Chỉ riêng điều đó đã cho thấy đây thực sự là cuốn sách gối đầu giường của mọi người dân Nhật trong thời kỳ Duy Tân. Kể từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản Iwanami Bunko cũng đã tái bản đến bảy mươi sáu lần.
Trong cuốn sách này, Fukizawa Yukichi đề cập tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Với các chương viết về sự bình đẳng, quyền con người, ý nghĩa của nền văn học mới, trách nhiệm của nhân dân và chính phủ trong một quốc gia pháp trị khuyến học đã làm lay chuyển tâm lý người Nhật Bản dưới thời Minh Trị. Với tuyên ngôn “trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”, Fukuzawa Yukichi đã gây kinh ngạc và bàng hoàng – như “không tin vào tai mình” – cho đa số người Nhật Bản vốn bị trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, quen phục tùng phó mặc và e sợ quan quyền suốt hàng trăm năm dưới chính thể phong kiến Mạc phủ. Ông khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn.
Về học vấn, Fukuzawa Yukichi phê phán lối học “từ chương” và nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên “thực tế”. Nền học vấn thực học phải gắn liền với cuộc sống hằng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng. Việc tiếp thu văn minh phương Tây phải có chọn lọc. Quan điểm xuyên suốt cuốn sách là “làm thế nào để bảo vệ nền độc lập Nhật Bản” trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang muốn biến toàn bộ châu Á thành thuộc địa.
Bài Học Phần Lan 2.0
Bài Học Phần Lan 2.0 là câu chuyện về quá trình xây dựng nền sư phạm Phần Lan trong 4 thập kỷ qua. Tác giả nhấn mạnh vào các giải pháp mang tính cách mạng của Phần Lan, khác biệt của chúng với nước Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới.
Phần Lan chứng tỏ rằng chính sách lấy giáo viên là trung tâm, chuyên nghiệp hóa đội ngũ giáo viên, xây dựng niềm tin giữa nhà trường và xã hội, đầu tư vì nền giáo dục công bằng thay vì thành tích, đã cực kì thành công, biến Phần Lan thành hình mẫu giáo dục của mọi quốc gia trên thế giới.
“Bài học Phần Lan 2.0” sẽ là cuốn sách gối đầu giường của mọi nhà sư phạm và phụ huynh Việt Nam. Các ý tưởng trong sách gần như tưởng phản hoàn toàn với tình trạng chạy theo thành tích, cải cách liên miên nhưng bế tắc, gây sức ép học hành lên con cái, của nhà trường và phụ huynh nước ta.
Emile Hay Là Về Giáo Dục
Émile Hay Là Về Giáo Dục (Émile ou de l’éducation) là sự hoà quyện giữa văn chương và triết lý. Như tiêu đề của nó đã chỉ ra, đó là một chuyên luận về giáo dục, hay đúng hơn là một chuyên luận về “nghệ thuật hình thành con người”. Tuy nhiên, cũng có thể coi đó là một tiểu thuyết xã hội – sư phạm với nhân vật hư cấu là cậu bé Émile. Việc giáo dục Émile chỉ nhằm một mục đích: đào tạo một con người tự do, có khả năng tự bảo vệ chống mọi sự gò ép khiên cưỡng; mà muốn đào tạo một con người tự do thì chỉ có một cách duy nhất là đối xử với họ như một sinh thể tự do, tôn trọng tự do của đứa trẻ. Chính ở chỗ này nảy sinh một sai lầm nghiêm trọng trong cách hiểu tác phẩm, tuy rằng Rousseau đã cẩn thận phân biệt rõ việc tôn trọng các nhu cầu tự nhiên của đứa trẻ (và tự do là nhu cầu đầu tiên trong các nhu cầu đó) với việc thỏa mãn các ham muốn, các ý thích thất thường của trẻ.
Bách khoa toàn thư Việt Nam có viết: “Cùng với những vấn đề về giáo dục được đặt ra, Rousseau phê phán nền giáo dục đương thời đàn áp nhân cách của trẻ, kể cả dùng nhục hình. Ông cho rằng bản tính con người vốn là thiện, nhưng đã bị xã hội bất bình đẳng huỷ hoại, nên cần xây dựng một nền giáo dục mới, phù hợp với thiên nhiên và bản tính vốn có của con người. Nhân vật chính là Émile – người được hưởng sự giáo dục toàn diện, trong đó thầy tôn trọng nhân phẩm trò, giáo dục trò bằng sự thuyết phục. Tác phẩm thể hiện lòng yêu trẻ tha thiết, tinh thần dân chủ và chủ nghĩa nhân văn, tôn trọng tự do và nhân phẩm con người.” Tư tưởng sư phạm của Rousseau được phản ánh trong các đề án cải cách giáo dục quốc dân của Pháp thời Cách mạng 1789 và có ảnh hưởng đến nhiều nhà tư tưởng – sư phạm, như J. H. Pestalozzi, A. S. Makarenko, J. Dewey v.v… Cho đến nay, Émile hay là về giáo dục vẫn là một tác phẩm được đọc nhiều nhất và phổ cập nhất về đề tài này. Đặc biệt ở Nhật Bản, người ta bắt buộc tất cả các giáo viên mầm non phải đọc cuốn sách này trước khi bước vào nghề.
John Dewey Về Giáo Dục
Triết học giáo dục của Dewey chống lại những mục tiêu giáo dục làm cho thầy và trò bị “đứng im một chỗ” thay vì cùng chuyển động. Một nền giáo dục chỉ chăm chăm vào những mục tiêu cố định, cả thầy lẫn trò sẽ nhao vào một khung cảnh xã hội và lịch sử bất biến – chính cái khung cảnh, cái môi trường rất sớm bị lạc hậu so với những biến chuyển của cuộc sống thực. Mặt khác, nói theo một góc độ tích cực, thì những mục tiêu giáo dục cho một con người nhất thiết phải kết hợp được một cách nhuần nhuyễn sự phát triển văn hóa của cá nhân với sự phát triển của xã hội trên những phương diện tích cực của nó.
Dewey cũng quan tâm tới phương diện dạy học của người thầy. Ông lưu ý (như một sự phê phán) rằng từ thời cổ đại Hy Lạp, việc dạy học chú trọng vào suy lý về lý thuyết chứ không tập trung chú ý vào trải nghiệm thực tiễn. Ông chứng minh rằng sự tiến triển của bản thân các môn khoa học là cả loạt trải nghiệm trong tiến trình con người thu nạp các hiểu biết. Do đó Dewey nghiêng về cách dạy học ở đó người học giáp mặt với một vấn đề có thực từ đó công việc học là công việc hoạt động và gắn với một thực tại xã hội – cái điều ông gọi bằng nền sư phạm hành dụng..
Bài Giảng Cuối Cùng
“Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó.” Randy Pausch
Thực tế, đã có nhiều giáo sư được mời thuyết trình “Bài giảng cuối cùng” trước khi chia tay giảng đường. Khi đó họ thường chia sẻ về những thất bại cũng như những tinh hoa rút tỉa từ cuộc đời và sự nghiệp của mỗi cá nhân. Trong khi nghe thuyết trình, cử tọa bao giờ cũng day dứt trước câu hỏi: Giả như đây là cơ hội cuối cùng thì ta có thể gửi gắm thông điệp gì đến mọi người? Nếu ngày mai phải ra đi thì ta muốn cái gì sẽ là di sản để lại cho đời?
Khi Randy Pausch, Giáo sư Tin học giảng dạy tại Carnegie Mellon, được yêu cầu thuyết trình một bài giảng như vậy, ông hình dung đó sẽ là buổi thuyết trình cuối cùng, bởi ông vừa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Nhưng bài giảng của ông – “Chạm tay vào ước mơ tuổi thơ” – không phải là về cái chết mà là về quá trình vượt qua các chướng ngại, về việc lan tỏa cách thức hiện thực hóa ước mơ đến người khác và không bao giờ để hoài phí bất kỳ khoảnh khắc nào trong đời (bởi “Thời gian là tất cả những gì bạn có. Một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra bạn có ít hơn là bạn nghĩ”). Đó là triết lý mà Randy đúc kết từ cuộc sống.
Trong quyển sách này, Randy Pausch đã kết hợp nhuần nhụy giữa óc hài hước, văn phong cuốn hút và sự uyên thâm, đĩnh đạc, giúp cho bài giảng của ông trở thành một hiện tượng lưu dấu ấn trong lòng các thế hệ độc giả. Đây chắc chắn sẽ là cuốn sách được chuyền tay nhau bởi nhiều thế hệ tương lai.
Người Thầy – Hồi Ức Của Một Nhà Giáo Mỹ
Một cuốn tự truyện với lối viết hóm hỉnh, văn đối thoại rành mạch, rõ ràng. Frank McCourt, một nhà văn đồng thời cũng là một thầy giáo dạy văn tại các trường trung học ở New York đã một lần nữa vẽ lại câu chuyện của đời mình – câu chuyện của một nhà giáo Mỹ. Có những khó khăn, có những gian truân vất vả trong con đường tìm kiếm một phương pháp giảng dạy tốt nhất và cũng có cả những bất ngờ, những thành tựu được đền bù xứng đáng từ những “gai góc bền chí” mà ông đã bỏ ra. Cứ thế câu chuyện lớn của cuộc đời “người thầy” với kinh nghiệm giảng dạy 30 năm hiện lên chân thật nhất trong mắt người đọc. Đó là một người thầy mà tất cả chúng ta đều mong ước có được, với tâm huyết và nhiệt thành với nghề, luôn tâm lý và giành được sự yêu thương, quý trọng từ những học trò năng động và cả nghịch ngợm ở lứa tuổi mới lớn.
Frank McCourt thật sự đã mang một sức ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài lên học sinh của mình thông qua những bài học phát huy trí tưởng tượng. Từ việc bắt phải đem cả sách nấu ăn trong giờ học sáng tác hay ra đề cho cả lớp viết thư xin lỗi chúa trời thay cho Adam hoặc Eva, cho đến những chuyến trải nghiệm thực tế đầy bổ ích. Những giờ học của ông luôn rộn ràng và tràn đầy năng lượng như thế. Nhưng vẫn không thiếu những thông điệp đan cài về cuộc sống về sự nhường nhịn lẫn nhau trong từng câu thơ trẻ nít nhất.
Đây ắt hẳn là một tác phẩm mà tự bản thân mỗi người nên tự chiêm nghiệm để hiểu và thấm thía thêm về nghề giáo. Một quyển sách và một câu chuyện liên can tới tất cả chúng ta. Một hành trình cần được khám phá bởi chính tất cả mọi người.
Bụi Phấn
“Bụi Phấn” là tuyển tập những câu chuyện Hạt giống tâm hồn hay nhất về tình Thầy Trò, được thiết kế rất đẹp và công phu, để mỗi người con, những thế hệ học trò bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đến với những Thầy, Cô giáo.
“Bụi Phấn” với những câu chuyện ý nghĩa, giản dị, sâu sắc lay động lòng người về tấm lòng tận tụy và trái tim yêu thương không ngừng nghỉ của người thầy. Trong những trang sách này, bạn sẽ tìm thấy vẻ đẹp của trái tim và tâm hồn người thầy lại một lần nữa được sống dậy trong vinh quang của lòng biết ơn và sự trân trọng. Cùng những ký ức về tuổi thơ thân thương bên mái trường với ghế đá, lớp học, chỗ ngồi thân quen, những tiết học, những bài kiểm tra…đều ghi dấu trong miền ký ức mỗi người. Và hơn tất cả, lung linh, tươi đẹp tỏa sáng là tình cảm thầy trò được kết lại, bện chặt bởi những sợi dây vô hình.
Hơn 100 trang sách chưa thể nói hết tình cảm chân thành của những người học trò đối với thầy cô, nhưng mỗi câu chuyện trong “Bụi Phấn” sẽ thay lời muốn nói đến với những người thầy, cô yêu mến của mình.
Những Tấm Lòng Cao Cả
Những tấm lòng cao cả (Cuore) ra đời từ những năm 80 của thế kỷ 19 đã làm cho tên tuổi nhà văn Edmondo De Amicis (1846 – 1908) trở nên nổi tiếng khắp thế giới.
Cho đến nay tác phẩm bất hủ này vẫn vang vọng và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc đặc biệt là các em thiếu nhi ở các thời đại khác nhau.
Đó là một câu chuyện giản dị, với những con người bình thường nhất nhưng nhân cách của họ, mối quan hệ của họ, cùng những tấm lòng cao cả, thánh thiện của họ mãi là những bài học đạo đức sâu sắc và đáng quý.
Một cậu bé ngưòi Ý, Enrico, hằng ngày ghi lại những việc lớn nhỏ diễn ra trong đời học sinh của cậu, những cảm tưởng và suy nghĩ của cậu thành một cuốn nhật ký.
Cùng danh mục: