5 quyển sách hay về nhân quyền trình bày rõ nét sự khác biệt về tầng lớp, giai cấp, về quyền con người trong pháp luật, kinh tế, xã hội và chính trị.
Bàn Về Khế Ước Xã Hội
Khế ước xã hội là tên gọi vắn tắt của bản luận văn lớn mà J. J. Rousseau đặt dưới một nhan đề khá dài: Bàn về khế ước xã hội hay là các nguyên tắc của quyền chính trị (Du Contrat social – ou principes du droit politique).
Về lai lịch cuốn sách, tác giả viết: “Luận văn nhỏ này trích từ một công trình nghiên cứu rộng lớn mà trước kia tôi đã viết, nhưng vì chưa lượng được sức mình nên phải bỏ đi từ lâu”.
Về mục đích cuốn sách, tác giả viết: “Tôi muốn tìm xem trong trật tự dân sự có hay không một số quy tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người. Và có hay không luật pháp đúng với những ý nghĩa chân thực của nó”. Với luận văn này, J. J. Rousseau muốn “gắn liền cái mà luật pháp cho phép làm với cái mà lợi ích thúc đẩy phải làm, khiến cho công lý và lợi ích không tách rời nhau”.
Toàn bộ luận văn trên dưới sáu vạn chữ được chia làm bốn quyển:
- Quyển thứ nhất gồm 9 chương, mở ra những ý niệm chung về sự hình thành một xã hội người từ trạng thái tự nhiên chuyển sang trạng thái dân sự và những ý niệm chung về việc thành lập Công ước xã hội.
- Quyển thứ hai gồm 12 chương, chủ yếu bàn về vấn đề lập pháp.
- Quyển thứ ba gồm 18 chương, bàn chủ yếu về vấn đề cơ quan hành pháp.
- Quyển thứ tư gồm 9 chương, bàn tiếp nhiều vấn đề, trong đó nổi lên vấn đề cơ quan tư pháp.
Những người yêu J. J. Rousseau và đã đọc Khế ước xã hội thường nói: đọc Khế ước xã hội thật là mệt. Vì văn chương của tác giả vừa uyên thâm, vừa uẩn súc; cách lập luận của ông dựa vào phương pháp logic kiểu Descartes, rành rọt, hiển nhiên, nhưng đồng thời bao quát nhiều ý niệm, soi vào nhiều góc cạnh của vấn đề, lại phải trình bày rất khéo léo những quan điểm đối nghịch với chính thống đương thời.
Bài luận văn có những câu dài tới trên 10 dòng, phải tách nhỏ ra một cách linh hoạt thì mới diễn dịch được tư duy của tác giả. Nhưng thật là một niềm vui lớn cho người nghiên cứu khi nắm bắt được những ý lớn và khái quát được tư tưởng vĩ đại của J. J. Rousseau trong Khế ước xã hội. Cuốn sách được in chui và phát hành đầu năm 1762, khi mà Chính phủ Hoàng gia và Nghị viện Pháp ra lệnh đốt một số sách của Rousseau. Ông phải chạy trốn, sống cuộc đời lưu vong, không ổn định và nghèo khổ, cho đến ngày 2/7/1788, từ giã cõi đời tại làng Camenonville, và chôn trên hòn đảo Dương Liễu heo hút ngày 4/7/1788.
Bàn Về Tự Do
Khác với việc tiếp cận các học thuyết tư tưởng phương Đông, việc tiếp cận các trào lưu tư tưởng tinh hoa của phương Tây đối với độc giả Việt Nam đã và vẫn đang gặp phải không ít khó khăn. Không nói tới các nhà tư tưởng cổ đại như Socrates, Plato, Aristotle, v.v… mà ngay cả các nhà tư tưởng cận đại của phong trào Khai sáng, độc giả cũng hiếm có cơ hội để có được bản dịch các tác phẩm kinh điển quan trọng. Nhìn tổng thể, có thể nói các sách biên khảo khoa học và các học thuyết quan trọng của phương Tây vẫn chưa được giới thiệu một cách nghiêm túc và hệ thống ở Việt Nam.
Khoảng trống về đề tài quan trọng này là điều bất lợi lớn với một đất nước đang muốn xây dựng nền kinh tế tri thức và mở rộng quan hệ kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hoá với các nước phát triển. Trên tinh thần mong muốn truyền tải những tư tưởng đó, bồi đắp thêm những khoảng trống về tri thức còn thiếu hụt, chúng tôi xin giới thiệu với độc giả bản dịch luận văn Bàn về tự do (On Liberty – 1859) của John Stuart Mill qua bản dịch của Nguyễn Văn Trọng.
Mặc dù được viết ra cách đây đã gần 150 năm nhưng Bàn Về Tự Do vẫn còn nguyên giá trị và là tác phẩm giữ vị trí quan trọng trong tư duy lý luận và tư tưởng phương Tây. Thời Canh tân Minh Trị ở Nhật Bản và thời Phong trào Ngũ Tứ ở Trung Quốc, hai nước đã cho dịch và phát hành rộng rãi cuốn sách này để mở mang tri thức cho dân tộc.
Hiến Pháp Mỹ Được Làm Ra Như Thế Nào
Cuốn sách đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về sự ra đời của Hiến pháp Mỹ, như một lời lý giải cho rất nhiều người có cùng mối băn khoăn. Vậy Hiến pháp Mỹ đã được làm ra như thế nào? Nó được làm ra trong những cuộc tranh luận nảy lửa tưởng như không có lối thoát và những mối bất đồng sâu sắc, bởi những bộ óc vĩ đại có một không hai trong lịch sử, và bằng một tinh thần mà người ta khó có thể tìm một tính từ nào thay thế ngoài cách gọi – “tinh thần Mỹ”. Đó là sự tôn trọng đặc biệt lẫn nhau, thừa nhận những quan điểm hoàn toàn khác biệt, chấp nhận và cùng thỏa hiệp để đi tới lợi ích chung cuối cùng.
Nội dung cuốn Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào? bao gồm những mẩu chuyện rất hấp dẫn về quá trình soạn thảo Hiến pháp, về những cuộc tranh luận cực kỳ gay go và nan giải trong quá trình soạn thảo bản Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787, những bức thư đầy tính nhân bản và trách nhiệm của những người tham sự Hội nghị lập hiến.
Đặc điểm của cuốn sách này là không chỉ trình bày những luận điểm hậu thuẫn cho việc thành lập ra Nhà nước Liên bang với tên gọi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ như hiện nay mà cả những luận điểm chống lại sự hình thành này, đó là những điều chúng ta chưa hoặc là rất ít có điều kiện biết đến.
Có thể nói bản Hiến pháp Hoa Kỳ được xây dựng như ngày nay cũng một phần nhờ những chống đối đó, điển hình là Tuyên ngôn Nhân quyền. Do đó, cuốn Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào? có cách tiếp cận về lịch sử lập hiến khá toàn diện, không chỉ góp phần giải thích ý nghĩa của bản Hiến pháp Mỹ mà còn giúp người đọc hiểu được quá trình xây dựng một đạo luật.
Hiến Tặng
Joan Lion, 17 tuổi, một vận động viên điền kinh tài năng, là người hiến tặng riêng cho một ngôi sao cực kỳ xuất chúng trong số các ngôi sao – cô con gái hư hỏng của tay Thống đốc đang nắm quyền. Cả cuộc đời, Joan luôn khắc sâu trong đầu những luật lệ hà khắc của Hệ thống, sẵn sàng tuân thủ theo mọi mệnh lệnh từ giới chức trách, nhưng cô vẫn nuôi dưỡng một ý niệm tự do mơ hồ từ sâu thẳm bên trong. Mọi giấc mơ của Joan đột ngột chấm dứt khi cô biết lần hiến tặng tiếp theo sẽ là lần cuối cùng. Con gái của Thống đốc thèm muốn nguyên nhân sâu xa nhất cho năng lực điền kinh ưu việt của Joan: Trái tim của cô.
Không thể van xin hay thỏa thuận gì hết, Joan buộc phải chạy trốn một mình và trở thành kẻ bị săn đuổi. Trong cuộc chiến sinh tồn, Joan phải tìm mọi cách để không bị rơi vào tay lực lượng an ninh tàn bạo, dồng thời tìm kiếm nơi chốn an toàn nằm ngoài những bức tường thành của đất nước. Những thử thách nguy hiểm này không chỉ đánh thức ý thức tự vệ từ lâu bị đè nén trong cô, mà còn khơi dậy những khát khao về một cuộc sống đúng nghĩa – một cuộc sống tự do.
Hỏi – Đáp Về Quyền Con Người, Quyền Và Nghĩa Vụ Của Công Dân
Quyền con người đã được quy định cụ thể trong hàng trăm văn kiện pháp luật quốc tế và trở thành một hệ thống tiêu chuẩn pháp lý toàn cầu, được các quốc gia trong đó có Việt Nam, cam kết tôn trọng và thực hiện. Ở Việt Nam, việc phổ biến và giáo dục nhân quyền ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, khuyến khích.
Cuốn sách Hỏi – đáp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân gồm bốn phần và hai phụ lục.
- – Phần I: Khái lược về quyền con người;
- – Phần II: Luật nhân quyền quốc tế và cơ chế của Liên hợp quốc về bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền;
- – Phần III: Nội dung khái quát của một số quyền con người cơ bản theo pháp luật quốc tế và Việt Nam;
- – Phần IV: Khái quát về lịch sử, quan điểm và chính sách về nhân quyền ở Việt Nam;
- Phụ lục 1: Danh mục các văn kiện quốc tế về nhân quyền;
- Phục lục 2: Danh mục một số điều ước quốc tế về về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo để tìm hiểu về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong nội dung các văn kiện, pháp luật quốc tế, trong lịch sử chính trị, tư tưởng và pháp luật của Việt Nam.
Cùng danh mục: