Những cuốn sách phải đọc trước khi chết

Những cuốn sách phải đọc trước khi chết để tìm ra ý nghĩa của bản thân và cuộc sống. Bạn đã đọc được bao nhiêu quyển?

Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn

Tập đại thành Tiểu thuyết kỳ ảo của J.R.R. Tolkien

Kỷ Đệ Nhất, các Valar kết liễu Morgoth.

Kỷ Đệ Nhị, Tiên và Người đánh bại Sauron.

Và nay, giữa Kỷ Đệ Tam tưởng đã hòa bình, báu vật của Sauron lại ngóc đầu trong lòng núi. Và thêm một anh chàng Hobbit bỗng thấy mình từ biệt tổ ấm yên bình, dấn vào cuộc phiêu lưu mỗi bước lại thêm xa, thêm gian nan, thêm hệ trọng.

Bên cậu sát cánh Đoàn Hộ Nhẫn, Con Người cùng Phù Thủy, Tiên với Người Lùn, vượt đèo cả đầm sâu, qua rừng vàng mỏ tối, vào sinh ra tử hòng lần nữa cứu Trung Địa khỏi rơi vào tay CHÚA TỂ NHỮNG CHIẾC NHẪN.

Giết Con Chim Nhại

Nào, hãy mở cuốn sách này ra. Bạn phải làm quen ngay với bố Atticus của hai anh em – Jem và Scout, ông bố luật sư có một cách riêng, để những đứa trẻ của mình cứng cáp và vững vàng hơn khi đón nhận những bức xúc không sao hiểu nổi trong cuộc sống. Bạn sẽ nhớ rất lâu người đàn ông thích trốn trong nhà Boo Radley, kẻ bị đám đông coi là lập dị đã chọn một cách rất riêng để gửi những món quà nhỏ cho Jem và Scout, và khi chúng lâm nguy, đã đột nhiên xuất hiện để che chở. Và tất nhiên, bạn không thể bỏ qua anh chàng Tom Robinson, kẻ bị kết án tử hình vì tội hãm hiếp một cô gái da trắng, sự thật thà và suy nghĩ quá đỗi đơn giản của anh lại dẫn đến một cái kết hết sức đau lòng, chỉ vì lý do anh là một người da đen.

Cho dù được kể dưới góc nhìn của một cô bé, cuốn sách Giết con chim nhại không né tránh bất kỳ vấn đề nào, gai góc hay lớn lao, sâu xa hay phức tạp: nạn phân biệt chủng tộc, những định kiến khắt khe, sự trọng nam khinh nữ… Góc nhìn trẻ thơ là một dấu ấn đậm nét và cũng là đặc sắc trong Giết con chim nhại. Trong sáng, hồn nhiên và đầy cảm xúc, những câu chuyện tưởng như chẳng có gì to tát gieo vào người đọc hạt mầm yêu thương.

Gần 50 năm từ ngày đầu ra mắt, Giết con chim nhại, tác phẩm đầu tay và cũng là cuối cùng của nữ nhà văn Mỹ Harper Lee vẫn đầy sức hút với độc giả ở nhiều lứa tuổi.

Thông điệp yêu thương trải khắp các chương sách là một trong những lý do khiến Giết con chim nhại giữ sức sống lâu bền của mình trong trái tim độc giả ở nhiều quốc gia, nhiều thế hệ. Những độc giả nhí tìm cho mình các trò nghịch ngợm và cách nhìn dí dỏm về thế giới xung quanh. Người lớn lại tìm ra điều thú vị sâu xa trong tình cha con nhà Atticus, và đặc biệt là tình người trong cuộc sống, như bé Scout quả quyết nói “em nghĩ chỉ có một hạng người. Đó là người”.

Suối Nguồn

“… Trong lịch sử nhân loại, hiếm thấy ai phát biểu quan điểm này về con người. Ngày nay, quan điểm này hầu như không tồn tại. Tuy nhiên, chính quan điểm này – dù tồn tại ở các cấp độ khác nhau của sự khao khát, ao ước, đam mê và hoang mang đau khổ – là quan điểm khởi đầu cuộc sống của những người ưu tú nhất của nhân loại. Đối với đa số họ, đây thậm chí không phải là một quan điểm rõ ràng mà chỉ là một cảm giác mơ hồ, khó nắm bắt, nó được tạo thành từ những nỗi đau trần trụi và từ niềm hạnh phúc không thể diễn tả nổi. Nó là cảm giác về một kỳ vọng lớn, rằng cuộc sống của một người là quan trọng, rằng những thành tựu lớn lao có thể nằm trong khả năng, và rằng những điều vĩ đại còn nằm phía trước.

Bản chất của con người – và của bất cứ sinh vật nào – không phải là đầu hàng, hoặc phỉ nhổ và nguyền rủa sự tồn tại của mình; điều ấy thực ra đòi hỏi cả một quá trình suy đồi mà tốc độ của nó tuỳ thuộc mỗi người. Một vài người đầu hàng vào lần đầu tiên tiếp xúc với áp lực; một vài người mặc nhiên đầu hàng; một số khác đi xuống từ từ và cứ thế mất dần ngọn lửa mà chính họ cũng không hề nhận ra nó đã tàn lụi như thế nào. Sau đó, tất cả biến mất trong cái đầm lầy khổng lồ gồm những người già cỗi, những người rao giảng rằng trưởng thành bao hàm việc chối bỏ chính kiến, rằng sự ổn định bao hàm việc chối bỏ những giá trị riêng, và rằng sống thực tế có nghĩa là phải gạt bỏ sự tồn tại. Chỉ một số ít người kiên quyết không đầu hàng và tiếp tục tiến lên; họ biết rằng không thể phản bội ngọn lửa kia; họ học cách nuôi dưỡng nó, cho nó hình hài, mục đích và sự sống… Tóm lại, dù tương lai mỗi người khác nhau, ở vào thời điểm bắt đầu cuộc sống, nhân loại luôn tìm kiếm một hình ảnh cao cả về bản chất con người cũng như về cuộc sống.

Có rất ít cột chỉ đường trong cuộc tìm kiếm này. Suối nguồn là một trong những cột chỉ đường đó. Đây chính là một trong những lý do cơ bản nhất khiến cho suối nguồn có sức hấp dẫn lâu dài; nó tái khẳng định tinh thần của tuổi trẻ, nó tuyên bố về chiến thắng của con người, nó chỉ ra người ta có thể làm được những gì…”.

Vào Trong Hoang Dã

Tháng Tư năm 1992, một chàng trai trẻ xuất thân từ một gia đình khá giả ở Bờ Đông bắt xe đi nhờ tới Alaska rồi đơn độc cuốc bộ vào miền đất hoang dã phía Bắc ngọn McKinley. Tên cậu là Christopher Johnson McCandless. Cậu đã tặng toàn bộ số tiền tiết kiệm 25.000 đô la Mỹ cho quỹ từ thiện, bỏ lại xe hơi và gần như tất cả mọi tài sản của mình, đốt cháy tiền mặt trong ví và bắt đầu tạo dựng một cuộc đời mới cho chính mình…

Hơn hai mươi tuổi đời, gia đình giàu có, học vấn cao và một tương lại rộng mở phía trước, vậy mà Christopher McCandless (hay Alexander Supertramp như anh tự gọi mình) đã từ bỏ tất cả để dấn thân vào hành trình đơn độc xuyên qua hết thảy các vùng hoang dã của Bắc Mỹ. Dưới ngòi bút sống động của Jon Krakauer, Vào trong hoang dã, cuốn sách mô tả những trải nghiệm phi thường đó của Christopher McCandless, đã trở thành một cuốn tự truyện nổi tiếng, một tác phẩm khó quên về thiên nhiên và phiêu lưu, ngợi ca một cuộc sống tận hiến và cảm động. Câu chuyện được dựng thành phim vào năm 2007 ở Mỹ.

Harry Potter

Bộ truyện bảy tập Harry Potter là tác phẩm đáng tự hào nhất, nổi tiếng nhất đồng thời cũng là tác phẩm mang lại danh tiếng cho sự nghiệp văn chương của nữ tác giả người Anh J. K. Rowling.

Nội dung câu chuyện giả tưởng từng gây sốt trên nhiều thị trường sách này kể về cuộc chiến của cậu bé Harry Potter một mình chống lại một phù thủy hắc ám Chúa tể Voldemort, người đã giết cha mẹ cậu để thực hiện tham vọng làm chủ thế giới phù thủy. Harry Potter đã chắp cánh cho trí tưởng tượng của trẻ em trên toàn thế giới bay cao bay xa trong thế giới pháp thuật huyền hoặc. Truyện bắt đầu với một nhân vật bình thường, thậm chí là có phần tầm thường và nó diễn ra ngay bên cạnh chúng ta, bắt đầu từ sân ga 9¾ ở nhà ga Ngã tư Vua. Lần lượt bảy tập truyện sẽ đưa độc giả đi khám phá con đường trở thành pháp sư đầy chông gai, thử thách của Harry cùng với các bạn của mình tại ngôi trường phù thủy Hogwarts.

Bố Già

Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết Bố già là sự gặp gỡ giữa một bên là ý chí cương cường và nền tảng gia tộc chặt chẽ theo truyền thống Mafia xứ Sicily với một bên là xã hội Mỹ nhập nhằng đen trắng, mảnh đất màu mỡ cho những cơ hội làm ăn bất chính hứa hẹn những món lợi kếch xù. Trong thế giới ấy, hình tượng Bố già được tác giả dày công khắc họa đã trở thành bức chân dung bất hủ trong lòng người đọc.

Từ một kẻ nhập cư tay trắng đến ông trùm tột đỉnh quyền uy, Don Vito Corleone là con rắn hổ mang thâm trầm, nguy hiểm khiến kẻ thù phải kiềng nể, e dè, nhưng cũng được bạn bè, thân quyến xem như một đấng toàn năng đầy nghĩa khí. Nhân vật trung tâm ấy đồng thời cũng là hiện thân của một pho triết lí rất “đời” được nhào nặn từ vốn sống của hàng chục năm lăn lộn giữa chốn giang hồ bao phen vào sinh ra tử.

Với kết cấu hoàn hảo, cốt truyện không thiếu những pha hành động gay cấn, tình tiết bất ngờ và không khí kình địch đến nghẹt thở, Bố già xứng đáng là đỉnh cao trong sự nghiệp văn chương của Mario Puzo.

Chuông Nguyện Hồn Ai

Chuông nguyện hồn ai là đỉnh cao trong cuộc đời sáng tác của Ernest Hemingway. Ông viết về cuộc nội chiến Tây Ban Nha bằng trái tim nhà văn và tấm lòng của người chiến sĩ trong hàng ngũ các Lữ đoàn Quốc tế tình nguyện chiến đấu cho nền Cộng hòa của xứ sở bò tót này. Nghĩa là ông không chỉ viết bằng bút mà cả bằng súng, đúng như lời công kích chủ nghĩa phát xít của ông tại Đại hội lần thứ hai các nhà văn Mỹ – 1937. Chuông nguyện hồn ai lập tức được cả thế giới đón nhận, và đến hôm nay hàng chục triệu bản với hàng chục thứ tiếng đã đến tay bạn đọc.Nhưng… tháng Bảy năm 1961, Ernest Hemingway đã ra đi ở tuổi 62 không còn trẻ nữa nhưng cũng chưa thể gọi là già, nhất là với một nhà văn và một con người có sức khỏe, có đời sống gần gũi thiên nhiên như ông. Xuất thân làm báo và cả khi đã viết văn vẫn gắn bó với nghề báo, E. Hemingway thường sử dụng cách viết ngắn gọn, chính xác, giản dị và nhiều thông tin. Ông là tác giả có nhiều đóng góp cho lối hành văn hiện đại hôm nay. Các nhà nghiên cứu, phê bình xếp ông vào Thế hệ (các nhà văn) lạc lõng (Lost Generation) như F. Scott Fitzgerald, John Dos Passos, William Faulkner (Giải Nobel Văn học năm 1949).

Người Xa Lạ

Người xa lạ của Albert Camus được khởi thảo năm 1938, hoàn tất năm 1940 và xuất bản lần đầu năm 1942. Tiểu thuyết khắc họa chân dung nhân vật Meursault trong khoảng thời gian kể từ ngày mẹ của Meursault chết ở trại tế bần dành cho người già cho đến gần cái chết của chính anh ta. Cuốn sách được chia thành 2 phần với 11 chương, với kiểu tự thuật về cuộc đời của nhân vật tôi – Meursault, một nhân viên thư ký lãnh việc gửi hàng hóa.

Bắt Trẻ Đồng Xanh

Bắt Trẻ Đồng Xanh là một cuốn sách nhỏ, mỏng và chẳng giống ai. Điều đó cũng là tính cách của nhân vật chính, Holden – nổi loạn, thiếu giáo dục, và lạ lùng.

Holden không thích cái gì cả, cậu chỉ muốn đứng trên mép vực của một cánh đồng bao la, để trông chừng lũ trẻ con đang chơi đùa. Holden chán ghét mọi thứ, cậu lan man, lảm nhảm hàng giờ về những thói hư, tật xấu, những trò giả dối tầm thường mà người đời đang diễn cho nhau xem. Holden thô thiển, tục tĩu và chẳng tuân theo khuôn mẫu nào của cuộc sống, cậu cứ là chính cậu thôi.

Bắt Trẻ Đồng Xanh đã mượn suy nghĩ của một chàng trai trẻ để nhìn về cuộc sống một cách hài hước và thông minh. Ngôn từ đơn giản, đôi khi rất thô tục thể hiện con người nhân vật, cuốn sách đi vào lòng người bởi những triết lý giản đơn vẫn đang hiện hữu từng ngày trong cuộc sống. Và rồi sẽ đọng lại trong lòng người đọc một ý nghĩ tưởng như đã quên mất từ lâu: Mình là chính mình.

Thất Lạc Cõi Người

Thất Lạc Cõi Người là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng của văn học Nhật Bản hiện đại và là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Dazai Osamu. Thất Lạc Cõi Người mang nhiều nét tự thuật, là một tiểu thuyết tự truyện. Sau khi hoàn thành tác phẩm này, Dazai cùng với người tình là Tomie trầm mình tự sát ở hồ nước ngọt Tamagawa, chấm dứt cuộc đời 39 năm ngắn ngủi. Cuộc đời của Dazai là cuộc đời đau thương và vỡ mộng. Tự sát đến năm lần, nghiện rượu, nghiện thuốc giảm đau, vào bệnh viện tâm thần, ly dị vợ, tái hôn, một con trai tật nguyền, đường văn chương lận đận. Tất cả những điều này in dấu trong tác phẩm của ông, làm nên nét độc đáo và mang lại vinh quang cho Dazai Osamu.

Bên Phía Nhà Swann

“Rồi đột nhiên ký ức đó hiện ra. Mùi vị ấy chính là mùi vị mẩu bánh madeleine mà mỗi sáng chủ nhật ở Combray (vì ngày hôm ấy tôi không ra khỏi nhà trước giờ lễ mi xa), cô Léonie lại cho tôi sau khi đã chấm vào trà hoặc nước lá bồ đề, mỗi lần tôi đến chào cô trong phòng cô ở. Trước đây, khi chưa nếm vị của nó, tôi chẳng nhớ gì mỗi lần nhìn thấy cái bánh madeleine nhỏ[…] Nhưng khi, của một thời quá vãng đã chẳng còn lại một chút gì, khi người đã chết, sự vật đã bị hủy diệt, thì duy nhất vẫn còn lại đó, mỏng manh nhưng dai dẳng, không hình hài nhưng bền vững thủy chung, hương và vị vẫn còn ở đó rất lâu, như những linh hồn, để tưởng nhớ, chờ đợi và hy vọng, giữa cái hoang tàn của tất cả, và không hề nao núng, để mang trên cái giọt mong manh của chúng, cả dinh thự mênh mông của hoài niệm.”

Bên phía nhà Swann là tập đầu tiên trong bộ tiểu thuyết đồ sộ Đi tìm thời gian đã mất của một trong những văn hào lớn nhất của nước Pháp và của thế giới, Marcel Proust. Cách đây một trăm năm, trong lần xuất bản đầu tiên, nó từng là chủ đề tranh luận của mọi diễn đàn văn học. Một trăm năm sau, người ta vẫn không ngừng viết, nói, tranh luận về nó. Đi tìm thời gian đã mất thực sự là một khởi thuỷ cho nền tiểu thuyết hiện đại, với bút pháp mới lạ, với những chủ đề được bàn luận sâu rộng và đầy chất thơ về nghệ thuật và triết học, về hồi ức và thời gian… Tác phẩm từ lâu đã là niềm kiêu hãnh của văn chương Pháp, là một cuốn Kinh thánh văn chương cho mọi tác gia cũng như người đọc văn học.

Walden – Một Mình Sống Trong Rừng

Walden – Một Mình Sống Trong Rừng là một hồi tưởng đầy chiêm nghiệm suy tư về quãng đời “hai năm hai tháng hai ngày” sống một mình trong một mảnh đất rừng bên cạnh đầm Walden, “Giọt nước của Trời”, “đáng yêu hơn kim cương” trong một ngôi nhà tự xây lấy, và bằng lao động của chính đôi tay mình.

Ở Walden, ông đã số́ng nhiệt thành say mê đầy tỉnh thức “Tôi đi vào rừng bởi vì tôi muốn sống thong dong, chỉ đối diện với những sự kiện tinh tuý nhất của cuộc sống, và xem thử tôi có thể học được những gì nó phải dạy tôi hay không, và không để đến khi tôi gần chết mới khám phá ra rằng mình chưa hề sống”. Ông chủ trương sống đơn giản vì “Phần lớn những xa xỉ và cái được gọi là tiện nghi không chỉ không tuyệt đối cần thiết, mà còn rõ ràng cản trở việc nâng cao phẩm giá con người”. Ông mang vào rừng giấc mơ về một cuộc sống vô ưu đầy vui thú.

451 Độ F

Hãy mường tượng một thế giới nơi truyền hình thống trị và văn chương ngấp nghé trên bờ tuyệt chủng, nơi thông tin nông cạn được tung hô còn tri thức và ý tưởng thì bị ruồng rẫy, nơi tàng trữ sách là phạm pháp, ta có thể bị bắt chỉ vì tản bộ trên vỉa hè, còn nhiệm vụ của những người lính không phải cứu hỏa mà là châm mồi cho những đám cháy…

Khi khắc họa cái xã hội giả tưởng ấy qua con mắt nhìn khủng hoảng niềm tin của anh lính phóng hỏa Montag, Ray Bradbury chắc không thể ngờ vào tính tiên tri khủng khiếp của cuốn sách. Xã hội chúng ta đang sống ngày nay giống với những gì Bradbury mô tả đến rùng mình: một nền văn minh lệ thuộc quá nhiều vào truyền thông, giải trí và công nghệ. Bởi lẽ đó, hơn sáu chục năm kể từ lần đầu xuất bản, 451 độ F vẫn đủ sức khiến bất kỳ ai đọc nó phải sửng sốt và choáng váng

Trăm Năm Cô Đơn

Trăm năm cô đơn là câu chuyện về dòng họ Buênđya tồn tại bảy thế hệ, người đầu tiên bị trói vào gốc cây và người cuối cùng bị kiến ăn, một dòng họ tự lưu đày vào cõi cô đơn để trốn tội loạn luân. Trong cõi cô đơn ấy, những Accađiô, Aurêlianô, Rêmêđiôt và những Amaranta đã ra đời, sống với số phận bi đát như đã được định trước: lay lắt trong nỗi cô đơn và hoài nhớ, thấp thỏm lo phạm tội loạn luân. Nhưng rồi họ yêu nhau mãnh liệt và lấy nhau với hy vọng tình yêu sẽ cải tạo nòi giống mình. Nhưng họ vẫn đẻ ra những đứa con có đuôi lợn và chính nó đã kết liễu dòng họ Buênđya.

Trăm năm cô đơn là lời kêu gọi mọi người hãy sống đúng bản chất người – tổng hòa các mối quan hệ xã hội – của mình, hãy vượt qua mọi định kiến, thành kiến cá nhân, hãy lấp bằng mọi hố ngăn cách cá nhân để cá nhân mình tự hòa đồng với gia đình, với cộng đồng xã hội. Vì lẽ đó Garcia Márquez từng tuyên bố cuốn sách mà ông để cả đời sáng tác là cuốn sách về cái cô đơn và thông qua cái cô đơn ông kêu gọi mọi người đoàn kết, đoàn kết để đấu tranh, đoàn kết để chiến thắng tình trạng chậm phát triển của Mỹ Latinh, đoàn kết để sáng tạo ra một thiên huyền thoại khác hẳn. Một huyền thoại mới, hấp dẫn của cuộc sống, nơi không ai bị kẻ khác định đoạt số phận mình ngay cả cái cách thức chết, nơi tình yêu có lối thoát và hạnh phúc là cái có khả năng thực sự, và nơi những dòng họ bị kết án trăm năm cô đơn cuối cùng và mãi mãi sẽ có vận may lần thứ hai để tái sinh trên mặt đất này.

Moby Dick – Cá Voi Trắng

Câu chuyện kể về cuộc phiêu lưu của thủy thủ lang thang Ishmael, và chuyến đi của mình trên một con tàu săn cá voi được chỉ huy bởi thuyền trưởng tên Ahab. Ishmael sớm nhận rằng trong chuyến đi này, Ahab có một mục đích, để tìm ra một con cá voi trắng tên là Moby Dick, nó rất hung dữ và bí ẩn. Trong một cuộc gặp gỡ trước đó, con cá voi đã phá hủy thuyền Ahab và cắn cụt chân Ahab, bây giờ ông ta quyết tâm phải trả thù. Moby Dick luôn bị tàu của thuyền trưởng Ahab theo sát và trong chuyến săn bắt cuối cùng, một cuộc quyết đấu giữa đoàn người đi săn cho Ahad dẫn đầu với Moby Dick, con cá voi này đã tấn công quyết liệt đoàn đi săn, làm lật tung chiếc tàu săn cá voi và kéo thuyền trưởng Ahab xuống biển xanh sâu thẳm. Kết cục trận chiến chỉ còn một mình Ishmael sống sót còn Moby Dick tiếp tục tự do giữa đại dương.

Trong tác phẩm “MOBY DICK – CÁ VOI TRẮNG”, Melville sử dụng biểu tượng cách điệu, ngôn ngữ, và ẩn dụ để khai mở các chủ đề phức tạp. Thông qua cuộc hành trình của nhân vật chính, các khái niệm của lớp và địa vị xã hội, thiện và ác, và sự tồn tại của Thiên Chúa là tất cả sự trải nghiệm như Ishmael phỏng đoán dựa trên niềm tin cá nhân của mình và vị trí của mình trong vũ trụ, cùng với các mô tả của ông về cuộc sống của một thủy thủ trên một tàu săn cá voi.

Chùm Nho Phẫn Nộ

John Steinbeck sinh ngày 27 tháng 2 năm 1902 tại Salinas trong một gia đình nghèo. Lớn lên ông theo học khoa Sinh vật trường Đại học Tổng hợp Standford. Ra trường, ông phải làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Với vốn sống phong phú, Steindford sớm bước vào con đường văn học và liên tục cho ra mắt một loạt các tác phẩm. Tác phẩm đầu tiên giúp cho tên tuổi của ông nổi tiếng là tiểu thuyết “Về chuột và người”. Năm 1939, tác giả cho ra mắt tác phẩm lớn nhất của mình là tiểu thuyết “Chùm nho phẫn nộ”.

“Chùm nho phẫn nộ” là tác phẩm đau buồn nhất về nước Mỹ, về những người nông dân bị bóc lột đến cùng cực, bị chà đạp về tinh thần. Ngay từ khi ra đời, nó đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi sôi nổi trong giới bạn đọc, nhiều lời hết lòng ca ngợi nhưng cũng có nhiều người không tiết lời nguyền rủa. Nhờ tính khái quát cao, “Chùm nho phẫn nộ” đã trở thành tác phẩm cổ điển của văn học Mỹ và văn học thế giới hiện đại nói chung.

John Steinbeck là một nhà văn lớn của nước Mỹ và thế giới, đồng thời ông cũng là một cây bút phức tạp và đầy mâu thuẫn. Một lúc, ông vừa là tác giả của những tác phẩm thực sự có giá trị lớn về nội dung tư tưởng và văn học như “Chùm nho phẫn nộ”, lại vừa là người viết ra những quyển sách sơ lược hoặc sa vào triết lý rối rắm. Ông mất ngày 20 tháng 12 năm 1968 tại NewYork

Giữa Lòng Tăm Tối

Giữa lòng tăm tối là câu chuyện phiêu lưu hải hồ của Marlow, cùng với tính hiếu kỳ thản nhiên của một trí óc tế nhị và trạng thái điềm tĩnh của một con tim sắt đá, ông dấn thân vào một vùng tăm tối vô phương thấu hiểu, đối diện cùng những ảo tưởng thời đại, cùng những kẻ nói ngôn ngữ tự do, mơ giấc mơ quyền lực.

Triệu Phú Khu Ổ Chuột

Trong bóng tối của xã hội Ấn Độ hỗn tạp, bùng nhùng những nghèo đói, bệnh tật, nhà thổ, giết thuê, mafia ấy, lại có người chiến thắng một trăm triệu rupi trong một chương trình truyền hình nổi tiếng “Ai là triệu phú”: một anh bồi bàn. Ram Mohammad Thomas, cái tên mang trong mình nhiều tôn giáo, phức tạp như chính những biến cố trong cuộc đời mình, đã bị bắt ngay sau khi giành được giải thưởng lớn. Người ta không tin kẻ xuất thân nghèo hèn có thể làm được điều kỳ diệu đến thế. Thực chất, người ta không muốn chi trả cho anh một khoản tiền khổng lồ như vậy, người ta, bao gồm cả cảnh sát – người chấp pháp, người thi hành công lý, đã tra tấn kẻ chiến thắng cùng khổ, chỉ để anh nói rằng: “Tôi đã gian lận”. Câu chuyện sẽ kết thúc nếu không có sự xuất hiện của một nữ luật sư trẻ, tạm thời giải cứu và tình nguyện làm người làm chứng cho câu chuyện thật của cậu.

Tôn Tử Binh Pháp

Được xưng tụng là tuyệt tác binh thư hàng đầu của thế giới cổ đại, binh thư kinh điển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, Tôn Tử Binh Pháp là một cuốn cổ thư “kỳ quái”, “để trong vườn sẽ tỏa mùi thơm của hoa quý, ném xuống đất sẽ vang tiếng kêu của bạc vàng”.

Nó không chỉ được các vua chúa từ đông sang tây xem như sách gối đầu giường, bí kíp quân sự không thể thiếu, mà còn được nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực như triết học, kinh doanh, tâm lý học, ngôn ngữ học, thể dục thể thao,… ứng dụng để nghiên cứu và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Tôn Tử Binh Pháp với văn từ gọn ghẽ, nghĩa lý sâu xa, âm điệu bay bổng, nhờ đó sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng của “thánh điển binh học” này vô cùng rộng lớn, được dịch ra trên 100 thứ tiếng và xuất bản hầu khắp trên toàn thế giới.

“Biết người biết mình, trăm trận không nguy.

Không biết người chỉ biết mình, một được một thua.

Không biết người không biết mình, hễ đánh là nguy.”

– Thiên Mưu công, Tôn Tử Binh Pháp

Cái Dũng Của Thánh Nhân

Cái Dũng Của Thánh Nhân của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần đề cập đến cách ứng xử của con người trong xã hội và các phương pháp tu dưỡng để đạt đến một tinh thần điềm đạm, an nhiên trước mọi hoàn cảnh khó khăn sóng gió của cuộc đời.

Đi Tìm Lẽ Sống

Nhiệm vụ lớn lao nhất của mỗi người là tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Frankl đã nhìn thấy ba nguồn ý nghĩa cơ bản của đời người: thành tựu trong công việc, sự quan tâm chăm sóc đối với những người thân yêu và lòng can đảm khi đối mặt với những thời khắc gay go của cuộc sống. Đau khổ tự bản thân nó không có ý nghĩa gì cả, chính cách phản ứng của chúng ta mới khoác lên cho chúng ý nghĩa. Frankl đã viết rằng một người “có thể giữ vững lòng quả cảm, phẩm giá và sự bao dung, hoặc người ấy có thể quên mất phẩm giá của con người và tự đặt mình ngang hàng loài cầm thú trong cuộc đấu tranh khắc nghiệt để sinh tồn”. Ông thừa nhận rằng chỉ có một số ít tù nhân của Đức quốc xã là có thể giữ được những phẩm chất ấy, nhưng “chỉ cần một ví dụ như thế cũng đủ chứng minh rằng sức mạnh bên trong của con người có thể đưa người ấy vượt lên số phận nghiệt ngã của mình”.

Suối Nguồn Tươi Trẻ

Suối Nguồn Tươi Trẻ sẽ tiết lộ cho bạn bí quyết của sức khỏe và sinh khí của tuổi thanh xuân.

Suối Nguồn Tươi Trẻ được biết đến lần đầu tiên vào năm 1939, trong cuốn sách Con mắt khải huyền của Peter Kelder – là một bí quyết màu nhiệm vô cùng đơn giản, chỉ gồm 5 động tác, hay gọi theo cách của các Lạt ma Tây Tạng là 5 thức.

Bảy trung tâm năng lượng mà các Lạt ma nhắc đến chính là 7 luân xa theo quan niệm của y lý học cổ truyền phương Đông. Liên hệ với y học hiện đại phương Tây, các luân xa được một số nhà nghiên cứu coi là đối chứng siêu hình của các tuyến nội tiết, với vị trí và vai trò tương đương.

Những lợi ích thực tế của Suối Nguồn Tươi Trẻ bao gồm: sinh lực dồi dào; tinh thần minh mẫn, an nhiên, thư thái; cơ bắp săn chắc; ngủ tốt; thở sâu; sức khỏe toàn diện nâng cao, ít ốm vặt; vóc dáng trẻ trung, linh hoạt; giảm cân; cải thiện sinh hoạt vợ chồng.

Sức Mạnh Của Thói Quen

Chìa khoá quan trọng nhất để mở cánh cửa thành công chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn những thói quen tốt với nhau.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phân biệt thói quen tốt và thói quen xấu? Thói quen có nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta hay không?

Với ba phần khá đầy đặn, Sức mạnh của thói quen cho bạn cái nhìn toàn diện không chỉ về thói quen cá nhân, của tổ chức mà còn là của toàn xã hội, cùng với lời khuyên để vận dụng các thói quen đó.

Muốn thay đổi thói quen, bạn phải phá vỡ những việc làm tuỳ hứng hàng ngày – câu “thần chú” này chỉ đường cho bạn tới thành công.

Sức mạnh của thói quen sẽ làm bạn say mê bởi những ý tưởng thú vị, những nghiên cứu ấn tượng, những phân tích thông minh và những lời khuyên thiết thực.Và những độc giả đã đưa cuốn sách này vào danh sách bestseller của Thời báo New York suốt 40 tuần đã kiểm chứng điều đó.

Ngày Cuối Trong Đời Socrates

Cuốn sách là một loạt bốn cuộc đối thoại của Socrates khi ông bị Bồi thẩm đoàn của Hội đồng Thành quốc kết tội hủ hóa thanh niên và coi thường thần linh của Thành quốc. Ông đã tự biện giải cho chính mình để chống lại những kẻ âm mưu đẩy ông vào khốn cùng, đưa ra những chân lý cũng như những lời phản biện sâu sắc. Tuy bị kết án tử hình, được bạn bè và quý nhân giúp vượt ngục nhưng với tinh thần cao quý và giữ gìn danh dự trong sạch hơn người, Socrates đã từ chốt vì theo ông “Tránh cái chết không khó, tránh đê tiện khó hơn nhiều. Vì đê tiện chạy nhanh hơn cái chết.”

Ông chủ trương khi sống thì sống sao cho phải đạo làm người, khi chết cũng chết như thế, không có gì bận lòng, thể xác cát bụi trở về với cát bụi, linh hồn bất diệt phiêu du trong cõi bao la. – Đỗ Khánh Hoan

Emile Hay Là Về Giáo Dục

Émile Hay Là Về Giáo Dục (Émile ou de l’éducation) là sự hoà quyện giữa văn chương và triết lý. Như tiêu đề của nó đã chỉ ra, đó là một chuyên luận về giáo dục, hay đúng hơn là một chuyên luận về “nghệ thuật hình thành con người”. Tuy nhiên, cũng có thể coi đó là một tiểu thuyết xã hội – sư phạm với nhân vật hư cấu là cậu bé Émile. Việc giáo dục Émile chỉ nhằm một mục đích: đào tạo một con người tự do, có khả năng tự bảo vệ chống mọi sự gò ép khiên cưỡng; mà muốn đào tạo một con người tự do thì chỉ có một cách duy nhất là đối xử với họ như một sinh thể tự do, tôn trọng tự do của đứa trẻ. Chính ở chỗ này nảy sinh một sai lầm nghiêm trọng trong cách hiểu tác phẩm, tuy rằng Rousseau đã cẩn thận phân biệt rõ việc tôn trọng các nhu cầu tự nhiên của đứa trẻ (và tự do là nhu cầu đầu tiên trong các nhu cầu đó) với việc thỏa mãn các ham muốn, các ý thích thất thường của trẻ.

Bách khoa toàn thư Việt Nam có viết: “Cùng với những vấn đề về giáo dục được đặt ra, Rousseau phê phán nền giáo dục đương thời đàn áp nhân cách của trẻ, kể cả dùng nhục hình. Ông cho rằng bản tính con người vốn là thiện, nhưng đã bị xã hội bất bình đẳng huỷ hoại, nên cần xây dựng một nền giáo dục mới, phù hợp với thiên nhiên và bản tính vốn có của con người. Nhân vật chính là Émile – người được hưởng sự giáo dục toàn diện, trong đó thầy tôn trọng nhân phẩm trò, giáo dục trò bằng sự thuyết phục. Tác phẩm thể hiện lòng yêu trẻ tha thiết, tinh thần dân chủ và chủ nghĩa nhân văn, tôn trọng tự do và nhân phẩm con người.” Tư tưởng sư phạm của Rousseau được phản ánh trong các đề án cải cách giáo dục quốc dân của Pháp thời Cách mạng 1789 và có ảnh hưởng đến nhiều nhà tư tưởng – sư phạm, như J. H. Pestalozzi, A. S. Makarenko, J. Dewey v.v… Cho đến nay, Émile hay là về giáo dục vẫn là một tác phẩm được đọc nhiều nhất và phổ cập nhất về đề tài này. Đặc biệt ở Nhật Bản, người ta bắt buộc tất cả các giáo viên mầm non phải đọc cuốn sách này trước khi bước vào nghề.

Lược Sử Thời Gian

Lược sử thời gian là cuốn sử thi về sự ra đời, sự hình thành và phát triển của vũ trụ. Tác giả đưa vào tác phẩm của mình toàn bộ tiến bộ tiến trình khám phá của trí tuệ loài người trên nhiều lĩnh vực: Triết học, Vật lý, Thiên văn học…

Chúng ta sống cuộc sống hàng ngày của chúng ta mà hầu như không hiểu được về thế giới chung quanh. Chúng ta cũng ít khi suy ngẫm về cơ chế đã tạo ra ánh sáng Mặt trời – một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự sống, về hấp dẫn – cái chất keo đã kết dính chúng ta vào Trái đất mà nếu khác đi chúng ta sẽ xoay tít và trôi dạt vào không gian vũ trụ, về nguyên tử đã cấu tạo nên tất cả chúng ta và chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào sự bền vững của chúng. Chỉ trừ có trẻ em (vì chúng còn biết quá ít để không ngần ngại đặt ra những câu hỏi quan trọng) còn ít ai trong chúng ta tốn thời gian để băn khoăn tại sao tự nhiên lại như thế này mà không như thế khác, vũ trụ ra đời từ đâu, hoặc nó có mãi mãi như thế này không, liệu có một ngày nào đó thời gian sẽ trôi giật lùi, hậu quả có trước nguyên nhân hay không; hoặc có giới hạn cuối cùng cho sự hiểu biết của con người hay không. Thậm chí có những đứa trẻ con, mà tôi có gặp một số, muốn biết lỗ đen là cái gì; cái gì là hạt vật chất nhỏ bé nhất, tại sao chúng ta chỉ nhớ quá khứ mà không nhớ tương lai; và nếu lúc bắt đầu là hỗn loạn thì làm thế nào có sự trật tự như ta thấy hôm nay và tại sao lại có vũ trụ.

Lược Sử Vạn Vật

Lược sử vạn vật là cuốn sách phổ biến khoa học trình bày một cách ngắn gọn lịch sử nghiên cứu khoa học tự nhiên, những thành tựu khoa học trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên chính: vật lý, hóa học, sinh học, địa chất, thiên văn… với nhiều tên tuổi, giai thoại và sự thật.

Với cuốn sách này, người đọc sẽ biết được những giới hạn trong tri thức của con người về vũ trụ và cả về chính trái đất. Đây là cuốn sách khoa học phổ thông bán chạy nhất nước Anh năm 2005 với hơn 300.000 bản in. Nhà phê bình người Anh, Craig Brown thậm chí đã nhận xét rằng tác phẩm này xứng đáng bán được 500.000.000.000 cuốn (theo cách nói của chính Bryson, “bằng với số proton có trong một dấu chấm câu”).

William McGuire “Bill” Bryson, tác giả cuốn sách Lược sử vạn vật – A Short History of Nearly Everything sinh năm 1951, là tác giả nổi tiếng hàng đầu trong thể loại non-fiction ở Bắc Mỹ, với vô số người hâm mộ trên khắp thế giới.

GEN: Lịch Sử Và Tương Lai Của Nhân Loại

Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại được sắp xếp cả theo thứ tự niên đại lẫn chủ đề mà đường cong chính yếu là lịch sử. Mukherjee bắt đầu dẫn dắt từ khu vườn trồng đậu của Mendel, trong một tu viện hẻo lánh ở Moravia vào năm 1864, nơi Gen được khám phá rồi nhanh chóng bị quên lãng. Được kể song song với câu chuyện này là học thuyết tiến hóa của Darwin. Gen đã mê hoặc các nhà cải cách Anh và Mỹ, những người nuôi hy vọng thao túng di truyền học người để tăng tốc quá trình tiến hóa và giải phóng nhân loại. Ý niệm này leo thang đến tột đỉnh ghê rợn ở Đức thời Quốc xã vào những năm 1940 với những thí nghiệm dị hợm, mà đỉnh điểm là sự giam cầm, triệt sản cưỡng bức, gây chết êm dịu, và giết người hàng loạt.

Có những câu chuyện lồng trong mỗi câu chuyện, nhưng cuốn sách này còn là một câu chuyện rất cá nhân – một lịch sử riêng tư. Tác giả dẫn giải từ chính những bi kịch gia đình với một số thành viên của nhiều thế hệ mắc phải những bệnh trạng tâm thần khó hiểu, đây cũng chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuốn sách, đặt ra những trăn trở về khả năng tiến xa đến đâu của loài người trong hành trình từ phòng thí nghiệm khoa học di truyền ra với thực tế.

Mukherjee đã rất thành công với Lịch sử ung thư – Hoàng đế của bách bệnh (đạt giải Putlitzer 2011), và tới Gen, vẫn nguyên vẹn lối kể chuyện lôi cuốn tài năng, bằng con mắt của một chuyên gia, một nhà nghiên cứu khoa học – uyên bác, đa chiều, đầy khám phá và bằng ngòi bút của một người trong cuộc – trải nghiệm, lay động, đầy ám ảnh.

Nguồn Gốc Các Loài

Nguồn Gốc Các Loài là tên rút gọn của cuốn sách Về Nguồn Gốc Các Loài Qua Con Đường Chọn Lọc Tự Nhiên, hay Sự Bảo Tồn Những Chủng Ưu Thế Trong Đấu Tranh Sinh Tồn (của Charles Darwin, xuất bản năm 1859). Đây là một cuốn sách khoa học hiếm có khi bán hết 1250 bản in lần đầu trong vòng một ngày và trong một thời gian ngắn đã làm “rung chuyển” cả thế giới. Cuốn sách này là kết quả của những quan sát của Darwin trong chuyến đi gần 5 năm, từ 1831 đến 1836, trên con tàu biển Beagle vòng quanh thế giới, cùng với những suy tư và nghiên cứu của ông trong hai mươi năm sau đó, trong đó ông đặt vấn đề có tính quyết định về biến đổi luận hay sự tiến hóa. Sách của ông đã được xuất bản nhiều lần, sửa đổi, liên tục cập nhật cho đến khi ông mất.

Charles Robert Darwin (1809-1882) là một nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực tự nhiên học. Ông là người đã phát hiện và chứng minh rằng mọi loài đều tiến hóa theo thời gian từ những tổ tiên chung qua quá trình chọn lọc tự nhiên. Nếu như sự tiến hóa được cộng đồng các nhà khoa học và công chúng chấp nhận ở thời đại Darwin, thì lý thuyết chọn lọc của ông trong những năm 1930 được xem như lời giải thích chính yếu cho quá trình này, và ngày nay đã trở thành nền tảng cho lý thuyết tiến hóa hiện đại. Khám phá này là lý thuyết thống nhất cho các ngành khoa học sinh vật, có thể đưa ra lời giải thích duy lý cho sự đa dạng loài.

Súng, Vi Trùng Và Thép

Cuốn sách giải thích vì sao các nền văn minh Á – Âu (bao gồm cả Bắc Phi) lại tồn tại được, cũng như đã chinh phục các nền văn minh khác, cùng lúc ông bác bỏ các lý thuyết về sự thống trị của các nền văn minh Á –Âu dựa trên trí tuệ, đạo đức hay ưu thế di truyền. Jared Diamond lập luận rằng, sự khác biệt về quyền lực và công nghệ giữa các xã hội loài người có nguồn gốc từ sự khác biệt về môi trường, trong đó sự khác biệt này được khuếch đại không ngường. Qua đó, ông giải thích tại sao Tây Âu, chứ không phải các nền văn minh khác trong thế giới Á – Âu như Trung Quốc, lại trở thành các thế lực thống trị

Mục đích của cuốn sách này là cung cấp một lược sử về tất cả mọi người trong khoảng 13.000 năm trở lại đây. Câu hỏi đã khiến tôi viết ra cuốn sách này là: tại sao lịch sử đã diễn ra trên mỗi châu lục một khác? Nếu như câu hỏi này lập tức khiến bạn nhún vai cho rằng bạn sắp phải đọc một luận văn phân biệt chủng tộc thì, xin thưa, không phải vậy. Như bạn sẽ thấy, những lời đáp cho câu hỏi này tuyệt không bao hàm những sự khác biệt về chủng tộc. Cuốn sách này tập trung truy tìm những lý giải tối hậu và đẩy lùi chuỗi nhân quả lịch sử càng xa bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Sapiens: Lược Sử Loài Người

Sapiens tập trung vào các quá trình quan trọng đã định hình loài người và thế giới quanh nó, chẳng hạn như sự ra đời của sản xuất nông nghiệp, việc tạo ra tiền, sự lan truyền của những tôn giáo, và sự nổi lên của những nhà nước quốc gia. Không giống như những quyển sách khác cùng loại, Sapiens đã có một lối tiếp cận liên ngành học, bắc cầu qua những khoảng cách giữa lịch sử, sinh học, triết học và kinh tế theo một lối trước đây chưa từng có. Hơn nữa, lấy cả quan điểm vĩ mô và vi mô, Sapiens không chỉ đề cập đến những gì đã xảy ra và tại sao, mà còn đi sâu vào việc những cá nhân trong lịch sử đó đã cảm nhận nó như thế nào.

Câu hỏi lớn và sâu sắc của Harari là: chúng ta thực sự muốn gì? Có cách nào để đạt được hạnh phúc cho con người chúng ta, hoặc thậm chí liệu chúng ta có biết được nó là gì hay không? Trong cốt lõi của nó, Sapiens biện luận rằng chúng ta không biết về bản thân chúng ta, huống chi biết được những nhu cầu của những loài sinh vật khác. Chúng ta đã quá thường xuyên bị những tưởng tượng hư cấu của chúng ta lừa dối. Lịch sử cũng là một hư cấu, nhưng một hư cấu đã được kiềm chế bởi thực tại và biện luận: một hình thức của huyền thoại – một hư cấu hữu ích – khiến nó có thể mang lại sự giác ngộ của sự tự biết chính mình.

Gen Vị Kỷ

Gen vị kỷ là cuốn sách đầu tay của Richard Dawkins, được công bố năm 1976, và cũng nổi tiếng nhất trong số các công trình khoa học của ông.

Không chỉ sử dụng rất tài tình hình ảnh so sánh và phép nhân cách hóa để giải thích khoa học, Richard còn sáng tạo ra thuật ngữ “gen vị kỷ” để chứng minh gen là trung tâm của thuyết tiến hóa. Thế giới của gen vị kỷ có những cuộc chạy đua khốc liệt, sự lừa dối và bóc lột không khoan nhượng, và tồn tại cả chủ nghĩa vị tha.

Gen vị kỷ giúp xóa đi nhiều ngộ nhận trước đó trong giới khoa học về các vấn đề liên quan đến gen và tiến hóa. Richard định nghĩa được sự tồn tại của con người thông qua mọi hoạt động của gen, những hoạt động “lạ hơn viễn tưởng”.

Công trình được xây dựng dựa trên lý thuyết chính của George C. Williams về chọn lọc tự nhiên. Thuật ngữ “gen vị kỷ” thể hiện quan điểm mới về động lực của tiến hóa, trái ngược với quan điểm tiến hóa tập trung chủ yếu vào cá thể sinh vật và các nhóm. Từ quan điểm lấy gen làm trung tâm, Richard Dawkins cho rằng tính vị kỷ có thể chính là mô hình của văn hóa nhân loại.

Những Cuộc Phiêu Lưu Trong Kinh Doanh

“Không lâu sau lần đầu gặp Warren Buffet vào năm 1991, tôi có hỏi về cuốn sách quản trị kinh doanh yêu thích nhất của ông. Không mất đến nửa giây suy nghĩ, ông trả lời: ‘Đó là Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh của John Brooks, tôi sẽ gửi cho cậu cuốn của mình.’

Đến nay đã hơn hai mươi năm kể từ ngày Warren cho tôi mượn cuốn sách đó ‒ và hơn bốn mươi năm kể từ khi nó được xuất bản lần đầu tiên ‒ Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh vẫn là cuốn sách quản trị kinh doanh hay nhất mà tôi từng đọc.” Bill Gates

Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh với 12 câu chuyện thú vị và không kém phần kịch tính về những sự kiện nổi tiếng tại Phố Wall này sẽ vén màn những âm mưu cũng như bộc lộ bản chất thất thường của thế giới tài chính. Xuyên suốt cuốn sách là những báo cáo chi tiết và sắc sảo của John Brooks, dù đó là sự kiện thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1962, thất bại của một công ty môi giới danh tiếng, hay nỗ lực táo bạo của các ngân hàng Mỹ nhằm cứu vãn đồng bảng Anh. Sau tất cả, những câu chuyện này vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự để giúp chúng ta nắm bắt được tính phức tạp của đời sống kinh doanh.

Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh thực sự là những phân tích tài chính sống động và xuất sắc nhất từ trước đến nay.

Cách Nền Kinh Tế Vận Hành – How The Economy Works

Hiểu được cách nền kinh tế vận hành như thế nào, giống như KHỔNG MINH NGỒI TRÊN NÚI PHẨY QUẠT LÔNG, nhìn toàn cục chiến trận thấy gió thổi hướng nào, thế trận ra sao… rồi điều binh khiển tướng.

Kinh tế học có vai trò quan trọng không thua kém gì so với hiểu biết về cách kinh doanh, toán học hay vật lí. Và việc nắm được cách các học thuyết kinh tế tác động lên những chính sách kinh tế thế nào và tiếp đó các chính sách này đang hằng ngày ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của chúng ta ra sao càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nội dung sách trình bày lại những học thuyết kinh tế và khái niệm kinh tế học cơ bản nhất, hiểu được cách vận hành và mối tương quan giữa những thành phần kinh tế quan trọng như Chính Phủ, Ngân Hàng Trung Ương, Doanh Nghiệp và Cá nhân. Những bài học trong lịch sử được phân tích rất chi tiết và logic. Từ đó giúp ích cho bạn đọc tăng khả năng tư duy về kinh tế, phân tích và hiểu được những tác động kinh tế trong và ngoài nước.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

15 cuốn sách hay về tài chính đầy sống động và cần thiết 15 cuốn sách hay về tài chính sẽ giúp bạn biết cách vận dụng những nguyên lý quan trọng để phát triển tài chính và đạt được các mục…
11 quyển sách hay về PR trang bị kiến thức cho độc giả 11 quyển sách hay về PR trang bị cho độc giả, những chuyên viên PR tiềm năng, khả năng tập hợp các kiến thức và kỹ năng quan trọng…
9 cuốn sách hay về người ngoài hành tinh đầy lôi cuốn và thuyết phục 9 cuốn sách hay về người ngoài hành tinh kể cho chúng ta nghe một câu chuyện đầy thú vị nhưng cũng cực kỳ nghiêm túc về hành trình…
Back to top button