Những cuốn sách gây tranh cãi trong lịch sử được nhiều người tìm đọc

Những cuốn sách này gây rất nhiều tranh cãi trong lịch sử nhưng vẫn được không ít người tìm đọc, cho đến tận ngày nay.

Huyễn Tưởng Thượng Đế­­

…”Tôi có cảm tưởng – vâng, tôi tin chắc, đó là có vô số người ở trong hoàn cảnh tương tự mà ta không biết, họ được nuôi dạy lớn lên trong một tôn giáo nào đó, cảm thấy khổ sở vì nó, không tin tưởng vào nó, hoặc băn khoăn về những điều ác đã làm nhân danh nó; họ lờ mờ nhận ra mình ao ước được từ bỏ tôn giáo của cha mẹ, và có thể từ bỏ được, nhưng chỉ đơn giản không nhận ra rằng từ bỏ hay không đó là một lựa chọn do mình. Nếu bạn là một trong số đó, quyển sách này dành cho bạn.

Mục đích của cuốn sách là gây dựng nhận thức – nâng cao nhận thức về sự thực rằng làm một người vô thần là một nguyện vọng thực tế, và là một nguyện vọng can đảm và tốt đẹp. Bạn có thể là một người vô thần mà vẫn hạnh phúc, đầu óc cân bằng, có đạo đức, thấy tinh thần mãn nguyện. Đó là thông điệp nâng cao nhận thức thứ nhất của tôi”…

Lời tựa

Con Lắc Của Foucault

Con lắc của Foucault kể về ba nhà biên tập tại một nhà xuất bản. Do thường xuyên nhận được các bản thảo về học thuyết âm mưu, họ quyết định bày ra một trò nghịch vui: gắn kết các dữ kiện từ các bản thảo nhận được và sự thật lịch sử vào để chế ra một thuyết âm mưu đồ sộ. Bộ ba này dần dần xây dựng cả một học thuyết rất công phu, đụng đến cả Trung Cổ Châu Âu và Cuộc Viễn Chinh, hội kín, sách bùa chú cổ xưa, thậm chí lôi cả Hitler và Phát-xít vào nữa. Dần dần, bộ ba thu hút sự chú ý của một hội kín thực sự, tin rằng trò đùa của họ là sự thật.

Mặc dù về bản chất là một cuốn trinh thám khám phá bí ẩn, nhưng lượng kiến thức trong Con lắc của Foucault khá khổng lồ. Truyện có những đoạn văn về những ngôn ngữ khác nhau, có những đoạn bàn về tôn giáo, vì triết lý, về tín ngưỡng hủ tục, về lịch sử và văn học Trung Cổ,… gần như không thiếu một thứ gì.

Mật Mã Da Vinci

Trong khi đang công tác ở Pari, nhà biểu tượng học của trường Đại học Harvard, Robert Langdon nhận được một cuộc điện thoại khẩn cấp lúc tối muộn. Người quản lý lớn tuổi của bảo tàng Louvre đã bị sát hại trong bảo tàng, một mật mã khó hiểu được tìm thấy gần thi thể nạn nhân. Khi Langdon và nhà mật mã học người Pháp tài năng, Sphie Neveu, giải mã những bí ẩn kỳ quái này, họ đã hết sức sửng sốt khi phát hiện ra một chuỗi các manh mối được giấu trong các tác phẩm của Da Vinci những đầu mối rõ ràng để mọi người nhìn thấy nhưng lại được nguỵ trang một cách tài tình bởi người hoạ sĩ.

Sự khẩn cấp tăng lên khi Langdon hé mở một mối liên hệ làm người ta phải giật mình: Người quản lý quá cố tham gia Tu viện của dân Do Thái – một tổ chức bí mật có thật mà trong số các thành viên của nó cả Ngài Isaac Newton, Bottcelli, Victor Hugo, và Da Vinci. Langdon có linh cảm rằng họ đang theo đuổi một bí mật lịch sử gây kinh ngạc, đã chứng minh trong nhiều thế kỷ là sáng tỏ và cũng rất nguy hiểm. Trong cuộc chạy đua điên cuồng qua Pari và các nơi khác, Langdon và Neveu nhận thấy rằng học đang đối chọi với một kẻ buôn đồ cổ đầy thế lực giấu mặt, hắn luôn xuất hiện để chặn trước mọi hàng động của họ. Trừ khi họ có thể giải mã câu đố hóc búa ấy, nếu không bí mật của Tu viện – và một sự thật lịch sử gây chấn động – sẽ biến mất mãi mãi.

Phá vỡ khuôn mẫu của các tiểu thuyết trinh thám truyền thống, mật mã Da Vinci vừa là bước đột phá nổi bật, đầy chất trí tuệ, vừa đươc sắp lớp một cách phức tạp với những chi tiết và những tìm tòi đáng chú ý. Từ những trang mở đầu cho đến phần kết không thể đoán trước và gây ngạc nhiên, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất Dan Brown, đã chứng tỏ mình là người kể chuyện bậc thầy.

Bắt Trẻ Đồng Xanh

Bắt Trẻ Đồng Xanh là một cuốn sách nhỏ, mỏng và chẳng giống ai. Điều đó cũng là tính cách của nhân vật chính, Holden – nổi loạn, thiếu giáo dục, và lạ lùng.

Holden không thích cái gì cả, cậu chỉ muốn đứng trên mép vực của một cánh đồng bao la, để trông chừng lũ trẻ con đang chơi đùa. Holden chán ghét mọi thứ, cậu lan man, lảm nhảm hàng giờ về những thói hư, tật xấu, những trò giả dối tầm thường mà người đời đang diễn cho nhau xem. Holden thô thiển, tục tĩu và chẳng tuân theo khuôn mẫu nào của cuộc sống, cậu cứ là chính cậu thôi.

Bắt Trẻ Đồng Xanh đã mượn suy nghĩ của một chàng trai trẻ để nhìn về cuộc sống một cách hài hước và thông minh. Ngôn từ đơn giản, đôi khi rất thô tục thể hiện con người nhân vật, cuốn sách đi vào lòng người bởi những triết lý giản đơn vẫn đang hiện hữu từng ngày trong cuộc sống. Và rồi sẽ đọng lại trong lòng người đọc một ý nghĩ tưởng như đã quên mất từ lâu: Mình là chính mình.

Lolita

“Lolita, ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, khẽ đập vào răng ba tiếng. Lo. Li. Ta.

Buổi sáng, em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi, đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu, chân đi độc một chiếc tất. Mặc quần thụng trong nhà, em là Lola. Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita.”

Lolita, hiện tượng bất thường bậc nhất của văn chương thế kỷ 20, được xuất bản lần đầu vào năm 1955 tại Paris, mặc dù viết bằng tiếng Mĩ. Cũng như mọi tác phẩm kỳ vĩ và có độ lệch chuẩn lớn, như tiểu thuyết của D. H. Lawrence hay của Anthony Burgess, khởi đầu của Lolita không hề suôn sẻ.

Giờ đây khi thực sự được đọc Lolita, ta hiểu tại sao Vladimir Nabokov nâng niu nó đến vậy. Thoạt tiên bị nhìn nhận một cách giản đơn quá mức, Lolita dần thoát khỏi cái định kiến coi nó là tác phẩm thuần túy gợi dục, bởi Lolita chứa đựng nhiều, rất nhiều hơn thế: nó tinh vi dò xét tâm lý con người (dù không cần viện tới tâm phân học, mà thậm chí Nabokov còn luôn luôn tìm cách bài xích Sigmund Freud), và nó còn là những nước cờ ngôn từ kiệt xuất của một trong những thiên tài văn chương lớn nhất.

Đến giờ, dù cho bao năm tháng đã qua đi, Lolita vẫn cứ là một hiện tượng bất thường, và cô bé Lolita, “ánh sáng của đời tôi, tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi” trong trí tưởng của Humbert. Và Lolita, vẫn bất tử trong dáng đứng thẳng cao chưa đầy một mét rưỡi và toàn bộ đặc tính của một “tiểu nữ thần” vĩnh viễn bất kham.

Bác Sĩ Zhivago

Tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago được Pasternak viết xong năm 1956, nhưng do nội dung không thích hợp với đời sống văn học, chính trị Liên Xô lúc bấy giờ, nên đã bị Viện Văn học Moskva và Hội Nhà văn Liên Xô kịch liệt phản đối, các nhà xuất bản ở Liên Xô từ chối xuất bản, còn bản thân Pasternak bị Hội Nhà văn Liên Xô kịch liệt lên án, đả kích.

Dù không được xuất bản trong nước và bị lên án dữ dội, nhưng tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago vẫn tìm được đường đến với độc giả các nước phương Tây. Năm 1957, bản thảo truyện được in thành sách tiếng Nga tại Ý. Năm sau có ấn bản tiếng Ý và tiếng Anh. Pasternak nhờ đó mà được đề nghị nhận giải Nobel văn chương năm 1958, nhưng chính quyền Xô viết bấy giờ ép ông phải từ chối nhận giải thưởng này. Mãi đến 1988, tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago mới được cho in và xuất bản tại Nga.

Cho đến tận ngày nay, Bác sĩ Zhivago vẫn được xem là cuốn tiểu thuyết gây sóng gió bậc nhất, là tác phẩm văn học điển hình nhất của cuộc chiến tư tưởng giữa hai siêu cường thời Chiến tranh lạnh.

Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huckleberry Finn

Ernest Hemingway từng nói: “Toàn bộ văn học Mỹ hiện đại đều thoát thai từ một cuốn sách của Mark Twain, đó là Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”.

Sau những cuộc phiêu lưu cùng Tom Sawyer, Huck Finn được bà quả phụ Douglas đón về nuôi. Nhưng với bản tính ưa tự do, Huck không chịu nổi việc phải ăn vận sạch sẽ, học hành theo khuôn phép trưởng giả dù được sống giàu sang. Cộng thêm với việc người cha tưởng đã chết đột ngột trở về tiếp tục hành hạ, gây rắc rối cho cậu, Huck quyết định cùng Jim – một nô lệ da đen bỏ trốn – cùng xuôi dòng Mississippi, bắt đầu những cuộc phiêu lưu mới.

Nhiều chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra trong chuyến phiêu lưu. Không chỉ thế, Huck còn lâm vào những tình huống nguy hiểm khi bị cuốn vào cuộc tranh chấp giữa hai dòng họ với những cuộc đọ súng chết chóc… Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, Huck đã nhận ra giá trị của cuộc sống để hướng về sự tự do và hết lòng giúp đỡ người nô lệ da đen tội nghiệp. Từ một cậu bé chỉ biết phá phách, Huck đã xác định rõ ràng mục đích sống, biết phân biệt đúng sai bằng trái tim thuần hậu và thoát khỏi những định kiến méo mó được nhồi nhét qua cách giáo dục sai trái.

Các nhà phê bình văn học đã đánh giá Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn là tiểu thuyết ưu tú nhất của Mark Twain, bởi tác giả đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn phương ngữ của nhiều vùng, nhiều tầng lớp người để diễn tả những trạng huống tâm lý phức tạp, cũng như mô tả xuất sắc cảnh vật thiên nhiên. Tác phẩm này đã lọt vào danh sách những tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại của văn học Mỹ, và rất nhiều lần được đưa lên màn ảnh.

Rừng Na Uy

Cùng thoát thai từ nỗi buồn thương trong sáng về tồn tại, Rừng Na Uy, bài hát năm nào của Beatles, đã được lấy làm tên gọi cho cuốn tiểu thuyết tình yêu ngọt ngào và u sầu của Haruki Murakami.

Bước vào cõi sống của Rừng Na Uy, qua sự sớm cô đơn như định mệnh của những người trẻ tuổi, qua mối tình tay ba vừa quấn quýt xác thân vừa u mặc sầu bi của Naoko-Toru-Midori, người ta cảm thấy ngỡ ngàng trước tình yêu như là nơi trú ngụ duy nhất của người đàn ông và người đàn bà trên thế gian này, và khám phá ra một nỗi buồn mênh mang, trống vắng rất Nhật Bản của thời hiện đại.

Trong nỗi ưu tư và cô đơn như một định mệnh đã cài đặt nơi những người mới lớn, trong sự tuyệt vọng của những tâm hồn trong sáng sẵn sàng hy sinh thân mình để khỏi thoả hiệp với cuộc sống thế gian. Và tình yêu đã là nơi trú ngụ duy nhất. tình yêu và sự giải phóng của xác thân bao bọc lấy nó, làm cho người đàn ông và người đàn bà có thể yêu nhau với tất cả những gì có thể trước cuộc đời ngắn ngủi và quý giá.

Với ý nghĩa đó, mối tình tay ba Naoko-Toru-Midori đã lay động hàng chục triệu độc giả trên toàn thề giới trong một tác phẩm được coi là tuyệt bút của Murakami.

Chùm Nho Phẫn Nộ

John Steinbeck sinh ngày 27 tháng 2 năm 1902 tại Salinas trong một gia đình nghèo. Lớn lên ông theo học khoa Sinh vật trường Đại học Tổng hợp Standford. Ra trường, ông phải làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Với vốn sống phong phú, Steindford sớm bước vào con đường văn học và liên tục cho ra mắt một loạt các tác phẩm. Tác phẩm đầu tiên giúp cho tên tuổi của ông nổi tiếng là tiểu thuyết “Về chuột và người”. Năm 1939, tác giả cho ra mắt tác phẩm lớn nhất của mình là tiểu thuyết “Chùm nho phẫn nộ”.

“Chùm nho phẫn nộ” là tác phẩm đau buồn nhất về nước Mỹ, về những người nông dân bị bóc lột đến cùng cực, bị chà đạp về tinh thần. Ngay từ khi ra đời, nó đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi sôi nổi trong giới bạn đọc, nhiều lời hết lòng ca ngợi nhưng cũng có nhiều người không tiết lời nguyền rủa. Nhờ tính khái quát cao, “Chùm nho phẫn nộ” đã trở thành tác phẩm cổ điển của văn học Mỹ và văn học thế giới hiện đại nói chung.

John Steinbeck là một nhà văn lớn của nước Mỹ và thế giới, đồng thời ông cũng là một cây bút phức tạp và đầy mâu thuẫn. Một lúc, ông vừa là tác giả của những tác phẩm thực sự có giá trị lớn về nội dung tư tưởng và văn học như “Chùm nho phẫn nộ”, lại vừa là người viết ra những quyển sách sơ lược hoặc sa vào triết lý rối rắm. Ông mất ngày 20 tháng 12 năm 1968 tại NewYork

Điệu Vũ Bên Lề

Tác phẩm The Perks of being a Wallflower (wallflower là tiếng lóng để chỉ những kẻ e thẹn, nhút nhát) khi chuyển thể thành phim mang tên Đặc quyền của e thẹn là một câu chuyện cảm động về sự mất mát, tình yêu, nỗi sợ hãi và hy vọng. Truyện đề cập đến những khía cạnh nhân văn của tình bạn ở ngấp nghé lứa tuổi trưởng thành. Tình bạn kỳ lạ và cảm động đã giúp một cậu bé nhút nhát, gặp vấn đề về tính cách trở nên tự tin và yêu cuộc sống. Tại Việt Nam, bộ phim đã gây được nhiều tiếng vang trong giới trẻ.

Cuốn sách được viết dưới dạng độc thoại qua những bức thư Charlie gửi cho một người bạn tưởng tượng. Charlie là một cậu bé sống nội tâm, phải chịu mất mát lớn trong quá khứ. Charlie bước vào trường trung học với nỗi sợ hãi, bơ vơ không bạn bè. Tại trường học mới, cậu gặp hai anh em nhà Sam và Patrick. Sam xinh đẹp, mạnh mẽ, cá tính nhưng mắc phải nhiều sai lầm trong quá khứ, còn Patrick vui vẻ, nhanh nhảu, hòa đồng nhưng giấu kín chuyện mình là một người đồng tính.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

Những cuốn sách được đọc nhiều nhất thế giới Những cuốn sách được đọc nhiều nhất thế giới trải qua nhiều năm vẫn giữ vẹn nguyên giá trị và sức ảnh hưởng như ngày đầu. Chúa Tể Những…
11 quyển sách hay về triều Nguyễn cho bạn đọc cái nhìn toàn diện 11 quyển sách hay về triều Nguyễn cung cấp nhiều kiến thức lịch sử bổ ích cho các bạn đọc, nêu cao sự hiểu biết toàn diện hơn về…
7 quyển sách hay về Chúa tràn đầy cảm hứng, niềm tin và hy vọng 7 quyển sách hay về Chúa truyền cảm hứng cho hàng triệu người với thông điệp về tình yêu, niềm hy vọng và tính nhất thể vũ trụ của…
Back to top button