19 quyển sách đoạt giải Pulitzer ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc về con người và thời đại, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử vẫn giữ vẹn nguyên giá trị và sức ảnh hưởng to lớn đến người đọc.
Ký Ức Đen
Từ thập niên 70 cho đến thời đại tương lai, từ Châu Phi cho đến Naples rồi New York và San Francisco, từ nhà sản xuất âm nhạc đến viên tướng diệt chủng… Nhà văn Jennifer Egan đã xử lý một cách hoàn hảo tất cả những chất liệu tưởng chừng như rất tương phản nhau ấy và dung hòa chúng trong một tập tiểu thuyết dài hơn 400 trang. Mỗi chương sách là một truyện ngắn về cuộc sống của các nhân vật, tưởng chừng như chẳng liên quan đến nhau nhưng lại được xâu chuỗi trong một sợi dây vô hình của định mệnh. Ký ức đen đem lại cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc: hài hước, buồn bã, nuối tiếc, hứng khởi…
Với kết cấu 2 phần A – B và nhân vật chủ đạo là các thành viên trong một ban nhạc của thập niên 70, người đọc dường như không phải đang xem sách nữa mà đang được nghe, giai điệu cuộc đời và số phận của những con người trong xã hội Mỹ, qua một cuốn băng cát-xét mà hễ lật mặt nào cũng thấy đủ mọi hỷ nộ ái ố của đời người.
Hãy níu giữ từng khoảnh khắc của tuổi trẻ, đừng để thanh xuân trôi qua vô nghĩa, rồi có khi phải thốt lên – như bao nhân vật trong tiểu thuyết này – “Thời gian là một tên khủng bố, có phải không?”
Thời Khắc
Thời khắc (The hours) là cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer của nhà văn Michael Cunningham từng được chuyển thể thành phim và là bộ phim xuất sắc nhất của năm 2002 với các giải thưởng: Oscar – 2002 dành cho nữ diễn viên chính, Quả Cầu Vàng – 2002 dành cho Phim tâm lý xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính trong phim bi xuất sắc nhất. Tác phẩm liên kết số phận của ba người phụ nữ ở ba thời đại khác nhau.
Câu chuyện thứ nhất diễn ra năm 1929, ở thị trấn Richmond nước Anh, nữ văn sĩ Virginia Woolf đang cố gắng bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết Bà Dalloway, trong khi vật lộn với căn bệnh trầm cảm của mình.
Câu chuyện thứ hai là vào năm 1951, ở California. Laura Brown – một người vợ hiền đang cùng con trai chuẩn bị chiếc bánh cho sinh nhật chồng. Trong lúc đó, tâm trí cô không khỏi bị phân tán bởi những điều cô đọc trong cuốn sách Bà Dalloway.
Câu chuyện cuối cùng là thời hiện đại ở New York. Clarissa Vaughan – một phụ nữ ở độ tuổi ngũ tuần chuẩn bị bữa tiệc mừng cho giải thưởng người bạn – nhà thơ Richard – nhận được. Bà phân vân tình cảm mình dành cho Richard và người bạn gái đang chung sống là Sally Lester.
Mỗi người phụ nữ đã phải trải qua những khổ đau, suy sụp và có cả những giây phút hạnh phúc để nhận rõ giá trị từng khoảnh khắc trong cuộc đời họ.
Lưỡng Giới
Tiểu thuyết xoay quanh cuộc đời một nhân vật được sống và giáo dục từ nhỏ trong thân phận phụ nữ nhưng đến giai đoạn dậy thì mới phát hiện ra đúng giới tính thật của mình. Qua giọng kể của cô Calliope Stephanides, sau này trở thành anh Cal, người dẫn chuyện sỗ sàng nhưng dễ thương bậc nhất trong văn chương đương đại, những mâu thuẫn dẫn đến sự chuyển biến của xã hội, gia đình và cơ thể đã làm nên một tác phẩm vĩ đại…
Tuyến Hỏa Xa Ngầm
Tuyến hỏa xa ngầm – một bí ẩn lớn trên đất Mỹ vào thời kỳ mà chế độ nô lệ hiện tồn, không chỉ bí ẩn với nhà cầm quyền, giới chủ nô, những tay trùm săn nô lệ mà ngay với chính người nô lệ. Không ai biết rốt cục có bao nhiêu ga, bao nhiêu trưởng ga, những chuyến tàu hoạt động thế nào v.v. cho đến lúc đặt chân lên một toa hành khách. Có thể ví tuyến hỏa xa ngầm như một dấu chấm hỏi khắc rất sâu trong giai đoạn rối ren đó của Hợp chúng quốc – quốc gia bị phân tách làm hai cực: các bang tự do và các bang có chế độ nô lệ.
Thời Thơ Ngây
Thời Thơ Ngây là tác phẩm đoạt giải Pulitzer năm 1921.
Cuốn sách kể về câu chuyện của một cặp đôi thuộc tầng lớp thượng lưu xã hội Mỹ đang chuẩn bị kết hôn. Newland Archer, một luật sư hào hoa và là người thừa kế của một trong những gia đình có danh tiếng bậc nhất ở New York lúc bấy giờ, đang háo hức chuẩn bị cho đám cưới mơ ước của mình với tiểu thư May Welland xinh đẹp. Đúng vào thời điểm ấy,nữ Bá tước Ellen Olenska, cô chị họ xinh đẹp của May trở về từ châu Âu sau tin đồn ly hôn với một Bá tước người Ba Lan. Ban đầu, Archer lo lắng vì tai tiếng của cô có thể ảnh hưởng đến May Welland nhưng dần dần anh lại bị Ellen- người coi thường những quy định hà khắc của xã hội New York thu hút. Tình cảm anh dành cho nữ Bá tước ngày càng sâu đậm và điều đó có thể làm hủy hoại đám cưới của anh và May. Điều gì sẽ xảy ra? Liệu Ellen có dành tình cảm cho anh? Đứng giữa cô dâu tương lai và tình yêu định mệnh của cuộc đời, anh sẽ lựa chọn như thế nào?
Bằng giọng văn châm biếm và hài hước, Edith Wharton đã tái hiện lại xã hội New York vào những năm 70 của thế kỉ XIX với những lề thói cổ hủ, lạc hậu, cái xã hội khiến con người ta không thể sống thật với bản chất, tình cảm của mình. Đồng thời, người đọc cũng cảm nhận được tài năng của bà qua cách bà miêu tả mối tình lặng lẽ của Ellen và Archer.
Lịch Sử Ung Thư – Hoàng Đế Của Bách Bệnh
Cuốn sách là biên niên sử về một căn bệnh cổ xưa – một thời là bí mật, một căn bệnh chỉ nên rỉ tai “nói thầm” với nhau – thường được nói một cách ẩn dụ thành một thực thể biến hình chết người có khả năng len lỏi vào tận các mặt chính trị, khoa học, y khoa, và thường được mô tả chắc chắn như một bệnh dịch khủng khiếp trong thế hệ chúng ta.
Cuốn sách nỗ lực đi vào tâm trí của căn bệnh bất trị này, để hiểu rõ đặc tính của nó, và để đánh tan huyền thoại bí ẩn về nó. Theo Mukherjee, cuốn sách này giúp trả lời câu hỏi muôn thuở của bệnh nhân: “Tôi sẵn sàng tiếp tục chiến đấu, nhưng tôi cần biết tôi đang chiến đấu với cái gì.” Nhưng mục đích tối thượng của Siddhartha Mukherjee là đặt một câu hỏi vượt ra ngoài cuốn tiểu sử này: liệu ung thư có còn xâm chiếm tâm trí chúng ta trong tương lai không? Liệu có thể loại bỏ hoàn toàn căn bệnh này ra khỏi cơ thể và xã hội chúng ta không?
Ông Già Và Biển Cả
Ông Già Và Biển Cả (tên tiếng Anh: The Old Man and the Sea) là một tiểu thuyết ngắn được Ernest Hemingway viết ở Cuba năm 1951 và xuất bản năm 1952. Tác phẩm là truyện ngắn dạng viễn tưởng và là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn, đoạt giải Pulitzer năm 1953.
Nhân vật trung tâm của các phẩm là một ông già đánh cá người Cu-ba, người đã chiến đấu trong ba ngày đêm với con cá kiếm khổng lồ trên vùng biển Giếng Lớn khi ông câu được nó. Sang ngày thứ ba, ông dùng lao đâm chết được con cá, buộc nó vào mạn thuyền và lôi về nhưng đàn cá mập đánh hơi thấy và lăn xả tới, ông lại đem hết sức tàn chống chọi với lũ cá mập, phóng lao, thậm chí cả mái chèo để đánh chúng. Ông giết được nhiều con, đuổi được chúng đi, nhưng con cá kiếm của ông chỉ còn trơ lại một bộ xương khổng lồ. Ông lão trở về khi đã khuya, đưa được thuyền vào cảng, về đến lều, ông nằm vật xuống và chìm vào giấc ngủ, mơ về những con sư tử.
Con Sẻ Vàng
Qua ngòi bút bậc thầy, Con sẻ vàng trở thành một sử thi hiện đại đầy ám ảnh trong bối cảnh nước Mỹ của hiện tại, một vở kịch sắc sảo, đầy sức lôi cuốn.
Câu chuyện mở màn với một cậu bé. Theo Decker, công dân mười ba tuổi thành phố NY, sống sót một cách kỳ tài qua một tai nạn đã cướp đi mạng sống của mẹ em. Bị cha đẻ khước từ, Theo dung thân cùng với gia đình cậu bạn nhà giàu. Lạ lẫm với mái ấm mới trên Đại lộ Park, muộn phiền khi không cùng tiếng nói với đám bạn bè cùng trường, và nhất là đau khổ nhất, day dứt nhất với niềm thương nhớ mẹ không nguôi, cậu bé bám dính lấy một thứ, nó nhắc nhớ về mẹ: bức họa có sức lôi cuốn kỳ bí, để dần dà kéo Theo rơi vào thế giới nghệ thuật tội ác từ lúc nào.
Trong quãng đời trưởng thành, Theo ra vào thế giới phòng khách của nhà giàu và mê cung bụi bặm của một cửa hàng đồ cổ là nơi anh làm việc. Anh đơn côi trong thế giới riêng, anh yêu một người, và là trung tâm của một cái vòng xoáy ngày càng thít lại, ngày càng hiểm nguy hơn bao giờ hết.
Cha Và Con ( The Road )
“Cha và con” là tác phẩm nghệ thuật về cái đẹp đến sững sờ, hoang dã và đau xót. Lấy bối cảnh là một mùa đông dài vô tận hậu Khải huyền, Cormac McCarthy viết về một người đàn ông không tên cùng đứa con trai, lang thang trong một thế giới điên loạn, lạnh lẽo, tối tăm, nơi tuyết tuyết rơi chuyển màu xám xịt, hướng về phía bờ biển, tìm kiếm một nơi nào đó có sự sống và ấm áp. Ở thế giới hoang tàn này không gì có thể sống sót nổi, con người thậm chí còn biến thành kẻ ăn thịt chính đồng loại của mình để tồn tại.
Cách viết và chọn lọc từng từ trong tác phẩm gợi lên một cách rõ ràng kết cấu, màu sắc lẫn nhiệt độ trên con đường họ đi qua, đặt trong ngữ cảnh phù hợp, nó làm bật lên nỗi sợ hãi, sự băn khoăn, tàn ác và mối đe dọa như hơi thở ngay sau gáy ám ảnh người đọc trong từng bước chân. Không những có một cốt truyện hay mà chiều sâu nhân vật nhờ cách khai thác các thủ pháp nghệ thuật cũng được khắc họa tuyệt vời dù các cuộc trò chuyện của cha và con hầu như rất ít ngôn từ được nói ra bằng lời. Đây là cuốn tiểu thuyết không dễ đọc và cảm nhận nhưng sức ám ảnh đằng sau mỗi tầng ý nghĩa của nó vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống thường nhật dù không phải ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra được.
Súng, Vi Trùng Và Thép
Cuốn sách giải thích vì sao các nền văn minh Á – Âu (bao gồm cả Bắc Phi) lại tồn tại được, cũng như đã chinh phục các nền văn minh khác, cùng lúc ông bác bỏ các lý thuyết về sự thống trị của các nền văn minh Á –Âu dựa trên trí tuệ, đạo đức hay ưu thế di truyền. Jared Diamond lập luận rằng, sự khác biệt về quyền lực và công nghệ giữa các xã hội loài người có nguồn gốc từ sự khác biệt về môi trường, trong đó sự khác biệt này được khuếch đại không ngường. Qua đó, ông giải thích tại sao Tây Âu, chứ không phải các nền văn minh khác trong thế giới Á – Âu như Trung Quốc, lại trở thành các thế lực thống trị
Mục đích của cuốn sách này là cung cấp một lược sử về tất cả mọi người trong khoảng 13.000 năm trở lại đây. Câu hỏi đã khiến tôi viết ra cuốn sách này là: tại sao lịch sử đã diễn ra trên mỗi châu lục một khác? Nếu như câu hỏi này lập tức khiến bạn nhún vai cho rằng bạn sắp phải đọc một luận văn phân biệt chủng tộc thì, xin thưa, không phải vậy. Như bạn sẽ thấy, những lời đáp cho câu hỏi này tuyệt không bao hàm những sự khác biệt về chủng tộc. Cuốn sách này tập trung truy tìm những lý giải tối hậu và đẩy lùi chuỗi nhân quả lịch sử càng xa bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Yêu Dấu
Nhìn thẳng vào vực thẳm của chế độ nô lệ, cuốn tiểu thuyết xuất sắc này đã biến lịch sử thành một câu chuyện dữ dội và rúng động. Seth, nữ nhân vật chính, sinh ra là nô lệ, bỏ trốn tới Ohio, nhưng mười tám năm sau chị vẫn chưa được tự do. Chị vẫn còn quá nhiều ký ức về Mái Ấm, về cái nơi tươi đẹp đã từng xảy ra biết bao chuyện kinh hoàng. Và ngôi nhà mới của chị bị ám bởi một hồn ma, hồn ma của chính đứa con chị đã giết, đứa trẻ đã chết mà chưa kịp có tên, trên mộ bia chỉ đề Yêu Dấu.
Yêu Dấu không dễ đọc. Không đơn giản. Dĩ nhiên nó không hề dễ chịu. Đó là kiểu câu chuyện sẽ bóp nghẹt rồi làm tan nát trái tim ta rất lâu trước khi đưa ra bất cứ dấu hiệu nào xoa dịu. Nhưng rồi, sau tất cả những ác nghiệt của số phận và của lòng người, sau đòn roi, sau hàm sắt, sau những xác người lủng lẳng trên cây không đầu không chân, những bạo lực cực đoan, những chuyến tàu chở nô lệ nơi người da đen ngày ngày chết đi rồi bị vứt xác xuống biển, Yêu Dấu vẫn là câu chuyện đẹp đẽ về sự kiên cường của tinh thần con người, về tình yêu và hy vọng, về khát vọng – khát vọng sống và tự do – mãnh liệt, bạo liệt vô cùng.
Cuốn Theo Chiều Gió
Cuốn theo chiều gió là cuốn tiểu thuyết duy nhất của nữ tác giả Margaret Mitchell, ngay từ khi mới ra đời, năm 1936, tác phẩm văn học này đã mau chóng chiếm được tình cảm của người dân Mỹ cũng như chinh phục trái tim của hàng triệu độc giả trên khắp thế giới.
Lấy bối cảnh từ cuộc nội chiến vô cùng khốc liệt giữa Bắc và Nam Mỹ, Cuốn Theo Chiều Gió với cốt truyện rõ ràng, logic, dễ hiểu, đã khắc họa một cách tài tình tâm trạng, tính cách và thân phận của nhiều lớp người trong chiến tranh và thời hậu chiến.
Cuộc Đời Ngắn Ngủi Và Lạ Kỳ Của Oscar Wao
Mọi chuyện chẳng bao giờ dễ dàng đối với Oscar, một anh chàng dễ thương nhưng thừa cân kinh khủng sống ở khu người Do Thái, một người New Jersey lãng mạn với giấc mơ trở thành nhà văn J.R.R Tolkien của Dominica và trên hết là giấc mơ tìm thấy tình yêu. Thế nhưng, Oscar không bao giờ nhận được điều mình mong muốn, bởi fukú chiếu vào cung tình duyên. Đó là một lời nguyền cổ xa đeo bám gia đình Oscar suốt nhiều thế hệ, khiến họ phải chịu cảnh tù tội, tra tấn, những tai ương thảm khốc và nhất là bệnh tật. Oscar, người không ngừng mơ tưởng đến nụ hôn đầu đời chỉ là nạn nhân mới nhất của lời nguyền đó – cho đến mùa hè định mệnh ấy, Oscar quyết định sẽ trở thành nạn nhân cuối cùng của lời nguyền.
Bọn Đạo Chích
Tiểu thuyết Bọn đạo chích (The Reivers, 1962) kể câu chuyện phiêu lưu khôi hài về ba kẻ trộm xe và thói mê đua ngựa ở thôn quê đầu thế kỷ Hai mươi qua cái nhìn ngây thơ của một đứa trẻ. Tác phẩm được dịch từ bản tiếng Anh của Nhà xuất bản Vintage International, New York, tháng Chín 1992. Đây là tác phẩm cuối cùng và cũng là một trong hai tác phẩm giành giải thưởng Pulitzer của William Faulkner.
Giấc Mơ Mỹ
Giấc mơ Mỹ, Khởi thủy chẳng có gì phổ quát, kì vĩ cả. Nó nảy trong đầu một cậu bé mang tên Martin Dressler, nó đi từ một tiệm xì gà tuy có tiếng song cũng chẳng mấy ấn tượng giữa một quốc gia. Giấc mơ ấy có thể lớn lên là bởi người-mơ không bằng lòng với nhịp điệu giản đơn, với nền nếp cố định – những hàng lối, công thức không còn chi để hoài nghi, khơi mở.
Martin Dressler, từ năm chín tuổi, đã khoái được “biểu diễn kĩ năng” cuốn xì gà trước các vị khách đang trầm trồ thán phục, đã cảm thấy chán cách bài trí “thuần một sắc nâu” trong cửa hiệu của cha, đã mơ tưởng tới không gian lấp lánh và sáng tạo cho riêng mình.
Giấc mơ của cậu bé nhà Dressler đầy lôi cuốn không chỉ ở chỗ đường biên được nới trải liên tục, cao hơn xa hơn mà còn ở quyết tâm mãnh liệt được dồn vào đó: trở lực không khiến cậu quay bước, và thành công cũng không làm Martin ngừng lại..
Giết Con Chim Nhại
Cho dù được kể dưới góc nhìn của một cô bé, cuốn sách Giết con chim nhại không né tránh bất kỳ vấn đề nào, gai góc hay lớn lao, sâu xa hay phức tạp: nạn phân biệt chủng tộc, những định kiến khắt khe, sự trọng nam khinh nữ… Góc nhìn trẻ thơ là một dấu ấn đậm nét và cũng là đặc sắc trong Giết con chim nhại. Trong sáng, hồn nhiên và đầy cảm xúc, những câu chuyện tưởng như chẳng có gì to tát gieo vào người đọc hạt mầm yêu thương.
Gần 50 năm từ ngày đầu ra mắt, Giết con chim nhại, tác phẩm đầu tay và cũng là cuối cùng của nữ nhà văn Mỹ Harper Lee vẫn đầy sức hút với độc giả ở nhiều lứa tuổi.
Ánh Sáng Vô Hình
“Marie Laure sống cùng cha tại Paris, gần bảo tàng Lịch sử tự nhiên, nơi cha cô làm thợ khóa chính. Khi lên 6 tuổi, Marie Laure bị mù. Cha cô đã dựng một mô hình thu nhỏ hoàn chỉnh về khu phố hai cha con đang sống để cô có thể ghi nhớ bằng cách chạm và lần tìm đường về nhà. Năm Marie Laure 12 tuổi, Đức Quốc xã chiếm giữ Paris, cô cùng cha chạy trốn đến thành phố nằm trong tường thành, Saint-Malo, nơi ông chú thích ẩn dật của cha cô sống trong một ngôi nhà cao ven biển. Hai cha con họ đã mang theo một viên đá quý giá trị nhất và cũng nguy hiểm nhất viện bảo tàng.
Cậu bé mồ côi Werner lớn lên cùng em gái trong một khu mỏ than ở Đức. Cậu bị một chiếc điện đài thô sơ mà hai anh em tìm được thu hút, sau này Werner trở thành chuyên gia lắp ráp và sửa chữa những thiết bị thông tin. Tài năng ấy đem lại cho cậu một vị trí trong học viện tàn bạo của Đoàn Thanh niên Hitler, sau đó là nhiệm vụ đặc biệt theo dấu quân kháng chiến. Ngày càng nhận thức được cái giá sinh mệnh con người phải trả cho trí tuệ của mình, Werner đi qua trung tâm cuộc chiến, cuối cùng, đến Saint-Malo, nơi cậu gặp gỡ Marie-Laure..
Chùm Nho Phẫn Nộ
John Steinbeck sinh ngày 27 tháng 2 năm 1902 tại Salinas trong một gia đình nghèo. Lớn lên ông theo học khoa Sinh vật trường Đại học Tổng hợp Standford. Ra trường, ông phải làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Với vốn sống phong phú, Steindford sớm bước vào con đường văn học và liên tục cho ra mắt một loạt các tác phẩm. Tác phẩm đầu tiên giúp cho tên tuổi của ông nổi tiếng là tiểu thuyết “Về chuột và người”. Năm 1939, tác giả cho ra mắt tác phẩm lớn nhất của mình là tiểu thuyết “Chùm nho phẫn nộ”.
“Chùm nho phẫn nộ” là tác phẩm đau buồn nhất về nước Mỹ, về những người nông dân bị bóc lột đến cùng cực, bị chà đạp về tinh thần. Ngay từ khi ra đời, nó đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi sôi nổi trong giới bạn đọc, nhiều lời hết lòng ca ngợi nhưng cũng có nhiều người không tiết lời nguyền rủa. Nhờ tính khái quát cao, “Chùm nho phẫn nộ” đã trở thành tác phẩm cổ điển của văn học Mỹ và văn học thế giới hiện đại nói chung.
John Steinbeck là một nhà văn lớn của nước Mỹ và thế giới, đồng thời ông cũng là một cây bút phức tạp và đầy mâu thuẫn. Một lúc, ông vừa là tác giả của những tác phẩm thực sự có giá trị lớn về nội dung tư tưởng và văn học như “Chùm nho phẫn nộ”, lại vừa là người viết ra những quyển sách sơ lược hoặc sa vào triết lý rối rắm. Ông mất ngày 20 tháng 12 năm 1968 tại NewYork
The Sympathizer
The Sympathizer (tạm dịch: Cảm tình viên). Câu chuyện nói về chiến tranh dưới góc nhìn của nhân vật chính – một người đàn ông mang hai dòng máu Việt – Pháp.
Cùng danh mục: