9 quyển sách hay về bản chất con người đáng để đọc trong đời

9 quyển sách hay về bản chất con người giúp chúng ta hiểu hơn về sự phức tạp của cuộc sống, về bản chất của con người, nhất là khi con người do lựa chọn hoặc vì bất đắc dĩ phải ở trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, giữa căm ghét và tha thứ, giữa trống rỗng và khổ đau.

Mười Hai Học Thuyết Về Bản Tính Con Người

Mười Hai Học Thuyết Về Bản Tính Con Người là một tác phẩm mong ước đưa lại một số thông tin, suy tư, biện luận, nghiệm sinh về các vấn đề thiết yếu của con người, thông qua các truyền thống tôn giáo từ cổ thời đến hiện đại (Khổng giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo), thông qua các tư tưởng và trào lưu triết học (Platon, Aristoteles, Kant, Marx, Sartre), tâm lý học (Freud), và Lý thuyết Tiến hóa (Darwin).

Bản Chất Của Người

“Bây giờ, tôi xin được hỏi anh.

Như vậy, có phải con người là một sinh vật tàn nhẫn từ trong bản chất? Hay đó chỉ là những trải nghiệm phổ biến của chúng ta? Có phải chúng ta chỉ đang sống trong ảo tưởng về phẩm giá con người, còn thực ra bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể biến thành một thứ chẳng là gì cả, thành sâu bọ, thành thú vật, thành một đống mủ dịch lẫn lộn? Bỉ sỉ nhục, bị bôi nhọ, bị tàn sát, phải chăng đó là bản chất của con người đã được chứng minh trong lịch sử?

Tôi đang chiến đấu. Ngày nào tôi cũng một mình chiến đấu. Tôi chiến đấu với nỗi nhục nhã vì mình đã sống sót, và vì mình vẫn còn đang sống tiếp. Tôi chiến đấu với sự thật rằng mình cũng là con người. Tôi chiến đấu với ý nghĩ rằng chỉ có cái chết mới là con đường duy nhất có thể kéo tôi thoát khỏi sự thật đó. Cùng là con người với nhau, anh có thể cho tôi một câu trả lời không?”

Bản chất của người, với sự kiện lịch sử Phong trào dân chủ Gwangju (1980) làm bối cảnh chính, được đánh giá là một trong những tiểu thuyết xuất sắc và giàu sức lay động nhất của Han Kang, được chính tác giả thừa nhận là “tác phẩm mà tôi không thể trốn tránh, không thể không viết, nếu không viết, không vượt qua, có lẽ tôi sẽ không thể đi tiếp đến bất cứ đâu.”

Khi Loài Vật Lên Ngôi

“Khi loài vật lên ngôi” – của Karel Čapek là một tác phẩm văn chương mang đầy tính tiên tri pha lẫn hài hước, châm biếm và phản biện xã hội cực kỳ sâu sắc; từ khoa học, nghệ thuật, giáo dục, kinh doanh, chính trị, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa nô lệ, chủ nghĩa quân phiệt, pháp luật, tôn giáo, triết học, sự phân biệt chủng tộc, quyền lực báo chí, và mọi đặc điểm của bản chất con người mà ta có thể nghĩ đến, không gì thuộc về con người mà xa lạ với Karel Čapek!

Khi Karl Marx giải thích sự biến đổi xã hội, giải thích về sự phân chia giai cấp và để xây dựng một lý thuyết về lịch sử phát triển xã hội ông đã đưa ra 3 câu hỏi: – Tại sao xã hội lại biến đổi? – Xã hội biến đổi như thế nào? – Tương lai xã hội sẽ ra sao? Karel Čapek đã trả lời một cách sắc bén và đầy đủ những câu hỏi ấy. Không những thế ông còn viết lại được cả lịch sử tiến trình của văn minh và đưa ra được cả một dự báo mang tính tiên tri cho cả nhân loại. Như Milan Kundera từng nói “Khi loài vật lên ngôi sẽ không bao giờ rơi vào quên lãng… Čapek có lẽ là nhà văn châu Âu đầu tiên có những tác phẩm hình dung trước được viễn cảnh khủng khiếp của thế giới toàn trị.”

“Khi loài vật lên ngôi” còn là cảm hứng cho vô số tác phẩm lừng danh được xuất bản sau này, có thể liệt kê ra như: 1984 hay Animal farm của George Orwell; hay The Sirens of Titan, Harrison Bergeron của Kurt Vonnegut… và ngay cả ý tưởng Sinh sản đơn tính của khủng long trong Jurassic Park…

Ngoài ra, “Khi loài vật lên ngôi” là trường hợp tiên phong và độc đáo nhất trong tiểu thuyết về cả FORM và STYLE. Čapek đã đi trước thời đại trong việc sử dụng yếu tố thị giác để tạo thêm những tầng lớp ý nghĩa khác cho văn bản. Čapek là họa sĩ trước khi thành nhà văn kiêm nhà báo, và kỹ thuật đồ họa báo chí được Čapek khai thác triệt để trong “Khi loài vật lên ngôi” để tạo thành một hình thức anti-novel đi trước thời đại. Bản dịch Tiếng Việt đã được Tao Đàn trình bày theo đúng tinh thần trình diễn thị giác, tạo bất ngờ rất lớn cho người đọc.

Suối Nguồn

” Trong lịch sử nhân loại, hiếm thấy ai phát biểu quan điểm này về con người. Ngày nay, quan điểm này hầu như không tồn tại. Tuy nhiên, chính quan điểm này – dù tồn tại ở các cấp độ khác nhau của sự khao khát, ao ước, đam mê và hoang mang đau khổ – là quan điểm khởi đầu cuộc sống của những người ưu tú nhất của nhân loại. Đối với đa số họ, đây thậm chí không phải là một quan điểm rõ ràng mà chỉ là một cảm giác mơ hồ, khó nắm bắt, nó được tạo thành từ những nỗi đau trần trụi và từ niềm hạnh phúc không thể diễn tả nổi. Nó là cảm giác về một kỳ vọng lớn, rằng cuộc sống của một người là quan trọng, rằng những thành tựu lớn lao có thể nằm trong khả năng, và rằng những điều vĩ đại còn nằm phía trước.

Bản chất của con người – và của bất cứ sinh vật nào – không phải là đầu hàng, hoặc phỉ nhổ và nguyền rủa sự tồn tại của mình; điều ấy thực ra đòi hỏi cả một quá trình suy đồi mà tốc độ của nó tuỳ thuộc mỗi người. Một vài người đầu hàng vào lần đầu tiên tiếp xúc với áp lực; một vài người mặc nhiên đầu hàng; một số khác đi xuống từ từ và cứ thế mất dần ngọn lửa mà chính họ cũng không hề nhận ra nó đã tàn lụi như thế nào. Sau đó, tất cả biến mất trong cái đầm lầy khổng lồ gồm những người già cỗi, những người rao giảng rằng trưởng thành bao hàm việc chối bỏ chính kiến, rằng sự ổn định bao hàm việc chối bỏ những giá trị riêng, và rằng sống thực tế có nghĩa là phải gạt bỏ sự tồn tại. Chỉ một số ít người kiên quyết không đầu hàng và tiếp tục tiến lên; họ biết rằng không thể phản bội ngọn lửa kia; họ học cách nuôi dưỡng nó, cho nó hình hài, mục đích và sự số Tóm lại, dù tương lai mỗi người khác nhau, ở vào thời điểm bắt đầu cuộc sống, nhân loại luôn tìm kiếm một hình ảnh cao cả về bản chất con người cũng như về cuộc sống.

Có rất ít cột chỉ đường trong cuộc tìm kiếm này. Suối nguồn là một trong những cột chỉ đường đó. Đây chính là một trong những lý do cơ bản nhất khiến cho suối nguồn có sức hấp dẫn lâu dài; nó tái khẳng định tinh thần của tuổi trẻ, nó tuyên bố về chiến thắng của con người, nó chỉ ra người ta có thể làm được những gì”.

Ghi Chép Dưới Hầm

Nếu Dostoyevsky tiếp tục trở thành một nhà văn, như Shakespeare, làm thay đổi nhận thức của chúng ta về con người, thì góc nhìn mới mẻ này bắt đầu trỗi dậy chính ở trong Bút ký dưới hầm, và nếu xem xét kỹ, chúng ta có thể thấy khám phá của ông vĩ đại như thế nào. Thất bại và bất hạnh đã khiến Dostoyevsky ở cách rất xa những người chiến thắng tự mãn và thế giới tinh thần của những kẻ kiêu hãnh, và ông bắt đầu cảm thấy giận dữ trước các trí thức phương Tây coi thường nước Nga. Nhưng dù muốn tranh cãi với khuynh hướng Tây hóa, ông vẫn là một sản phẩm của nền giáo dục và nuôi dưỡng theo kiểu phương Tây và vẫn thực hành một nghệ thuật phương Tây, nghệ thuật tiểu thuyết. Bút ký dưới hầm được sinh ra từ khao khát muốn viết một câu chuyện trong đó nhân vật đi qua mọi trạng thái tinh thần và ý thức, hoặc một mong ước khẩn thiết sáng tạo ra một nhân vật và một thế giới có thể giữ mọi mâu thuẫn này với nhau một cách thuyết phục.

Khi thoạt tiên ngồi xuống viết, tác giả không biết tác phẩm của mình sẽ dẫn đến đâu. Nhưng nếu ngày nay chúng ta chấp nhận rằng muốn đón nhận cái mùi của mình, rác rưởi của mình, thất bại của mình, nỗi đau của mình cũng là chuyện có thể xảy ra – nếu ta hiểu rằng việc thích bị hạ nhục cũng hợp logic – thì tức là chúng ta mắc nợ Bút ký dưới hầm. Chính từ sự lẫn lộn yêu ghét u ám và đọa đày của Dostoyevsky – sự gần gũi của ông với tư tưởng châu Âu và sự giận dữ của ông đối với tư tưởng ấy, những khao khát ngang bằng và đối lập nhau vừa muốn thuộc về châu Âu vừa chối từ nó – mà tiểu thuyết hiện đại tìm ra nguồn sáng tạo; và thật khuây khỏa biết bao khi nhớ chuyện là như thế.” (Orhan Pamuk, Những màu khác, Lâm Vũ Thao dịch, Nxb Văn học, 2013)

Thuyết Hiện Sinh Là Một Thuyết Nhân Bản

Thuyết Hiện Sinh Là Một Thuyết Nhân Bản là văn bản tốc kí, được Sartre sửa lại, buổi thuyết trình được tổ chức ở Paris vào thứ Hai ngày 29 tháng Mười năm 1945 theo yêu cầu của Câu lạc bộ Maintenant, do Jacques Calmy và Marc Beigbeder lập ra trong thời kì Giải phóng, với mục đích “thúc đẩy hoạt động văn học và trí tuệ”; văn bản này được Nhà xuất bản Nagel ấn hành sau đó một năm. Tại sao tác giả của Tồn tại và Hư vô (1943) lại muốn người ta chấp nhận chủ nghĩa nhân bản trong học thuyết của mình?

Ta cần nhớ rằng hai tập đầu tiên của bộ Những con đường của Tự do ngay lần đầu xuất bản đã gây được tiếng vang cũng như xì-căng-đan về chúng. Chúng ta không cần bàn nhiều về chi tiết của bộ sách, trong tập Tuổi trưởng thành và trong Ân xá, đã khiến cho các nhà tư tưởng chính thống thời đó khó chịu. Nhân vật chính bị đánh giá là nhu nhược hay khờ khạo. Sartre viết: “Tôi nghĩ rằng điều gây khó chịu nhất về các nhân vật của tôi là sự sáng suốt của họ. Họ biết họ là ai và đó là điều họ chọn để tồn tại.” Dù thiếu bến đỗ và không tự tin, Mathieu rõ ràng ít có nét chung với mẫu nhân vật sử thi hay nhân vật tích cực; cái quý giá duy nhất của anh, trong cuộc tìm kiếm bền bỉ một đời sống tự do đích thực – mang âm hưởng của cuộc truy tầm triết học trong Tồn tại và Hư vô- chính là sự sáng suốt khô khan ấy, cũng là nỗi khổ của anh ta. Điều xảy ra đối với anh, hay điều anh làm không mấy thực tế; anh không bắt đầu từ cuộc sống thực. Điều mà người ta chưa thấy đầy đủ đó là tấn kịch của trí tuệ và luân lí của một ý thức đang hình thành, mà sự tiến triển của nó vẫn chưa dừng ở cuối quyển thứ hai.

Chắc chắn là vì cả hai quyển tiểu thuyết này, vả lại chúng còn có những người biện hộ nhiệt tình, dễ đọc hơn các công trình triết học, và việc xuất bản chúng làm cho thuyết hiện sinh của Sartre có tiếng vang xa rộng; những cuộc tranh luận xoay quanh những khẳng định của Sartre trở nên nặng nề và rối beng vì cái mà ngày nay người ta ắt phải gọi là hiện tượng truyền thông – quảng cáo thổi phồng và hổ lốn, thù địch công khai hay ngấm ngầm, lối thông thái rởm – mà các lí do của nó vẫn còn chưa rõ. Kết quả của điều này là sự xâm nhập gần như lẫn nhau: của người viết qua sự tai tiếng khiến anh ta phải sửng sốt, và của công chúng qua thuyết hiện sinh; những ngữ thức không nằm trong ngữ cảnh nào như “Địa ngục là người khác”, “Hiện hữu đi trước bản chất”, “Con người là một đam mê vô ích” tản mác trên các tờ báo theo lối giật gân, được coi như là các khẩu hiệu quái gở…

Cọ Hoang

The Wild Palms (Cọ hoang) là tác phẩm văn học được xuất bản năm 1939 của nhà văn Mỹ được trao giải Nobel William Faulkner.

Trong cuốn sách này tác giả mang đến cho người đọc hai câu chuyện riêng rẽ về mặt văn bản nhưng về nội dung chúng lại có sự bổ trợ, soi rọi lẫn nhau một cách kín đáo và tinh tế.

Với hai câu chuyện đều là bi kịch, Faulkner đã rất tài tình và độc đáo trong cách diễn tả tâm lý căng thẳng, phức tạp và giằng xé của nhân vật cũng như sự biến động gây choáng váng của ngoại cảnh. Đặc biệt với những nhân vật chính là tù nhân, kẻ ngoại tình tác giả đã hướng người đọc đến với cái nhìn khách quan, nhân văn hơn là thành kiến và ghét bỏ bởi vì những con người được xã hội coi là tội lỗi ấy giúp chúng ta hiểu hơn về sự phức tạp của cuộc sống, về bản chất của con người, nhất là khi con người do lựa chọn hoặc vì bất đắc dĩ phải ở trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, giữa căm ghét và tha thứ, giữa trống rỗng và khổ đau.

Chuông Nguyện Hồn Ai

Chuông nguyện hồn ai là đỉnh cao trong cuộc đời sáng tác của Ernest Hemingway. Ông viết về cuộc nội chiến Tây Ban Nha bằng trái tim nhà văn và tấm lòng của người chiến sĩ trong hàng ngũ các Lữ đoàn Quốc tế tình nguyện chiến đấu cho nền Cộng hòa của xứ sở bò tót này. Nghĩa là ông không chỉ viết bằng bút mà cả bằng súng, đúng như lời công kích chủ nghĩa phát xít của ông tại Đại hội lần thứ hai các nhà văn Mỹ – 1937. Chuông nguyện hồn ai lập tức được cả thế giới đón nhận, và đến hôm nay hàng chục triệu bản với hàng chục thứ tiếng đã đến tay bạn đọc.Nhưng… tháng Bảy năm 1961, Ernest Hemingway đã ra đi ở tuổi 62 không còn trẻ nữa nhưng cũng chưa thể gọi là già, nhất là với một nhà văn và một con người có sức khỏe, có đời sống gần gũi thiên nhiên như ông. Xuất thân làm báo và cả khi đã viết văn vẫn gắn bó với nghề báo, E. Hemingway thường sử dụng cách viết ngắn gọn, chính xác, giản dị và nhiều thông tin. Ông là tác giả có nhiều đóng góp cho lối hành văn hiện đại hôm nay. Các nhà nghiên cứu, phê bình xếp ông vào Thế hệ (các nhà văn) lạc lõng (Lost Generation) như F. Scott Fitzgerald, John Dos Passos, William Faulkner (Giải Nobel Văn học năm 1949).

Đám Đông Cô Đơn

Hơn 60 năm qua, Đám Đông Cô Đơn chưa hề mất đi khả năng bao quát vấn đề chúng ta đang sống như thế nào. Chúng ta là những người “nội tại định hướng” – từ thuở bé đã bản chất hóa những mục tiêu mà người lớn “cấy cho”, hay người “ngoại tại định hướng” – luôn quá nhạy cảm trước những kỳ vọng và ý thích của người khác? Chúng ta có tự do và hạnh phúc hay không?

Lấy bối cảnh nước Mỹ khi chuyển dịch từ xã hội sản xuất sang xã hội tiêu thụ từ đầu đến giữa thế kỷ 20, với sự bùng nổ của giai tầng trung lưu lớp trên, David Riesman đã phân tích sắc sảo và đầy thuyết phục sự biến đổi trong tính cách của họ từ nội tại định hướng sang ngoại tại định hướng, thể hiện trong các lĩnh vực công việc, chính trị, giải trí, truyền thông, giáo dục, gia đình… Và ông đi đến một nhận định đáng giật mình: các kiểu tính cách ấy đều không làm cho con người được tự do, con người luôn bị định hướng dưới hình thức này hoặc hình thức khác, bởi vậy nó luôn mang cảm giác vong thân và cô đơn.

Nhưng đây không phải câu chuyện của riêng nước Mỹ. Đám Đông Cô Đơn là một cuộc giải phẫu xã hội hiện đại cho cả nhân loại trong kỷ nguyên toàn cầu hóa này, trong đó nó chỉ ra những khuyết tật của con người, của xã hội, đồng thời cho thấy những cơ may giúp con người trở nên hạnh phúc

Và nếu tự do, hạnh phúc con người là mục tiêu hướng đến của mọi quốc gia, mọi xã hội, thì những bài học của Đám đông cô đơn vẫn luôn tươi mới.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

11 cuốn sách hay về bất động sản chia sẻ kinh nghiệm thực tế 11 cuốn sách hay về bất động sản cung cấp cho bạn những lời khuyên bổ ích, giúp bạn lập kế hoạch để chính mình thành công trong lĩnh…
5 quyển sách hay về điện công nghiệp mang giá trị thực tiễn cao 5 quyển sách hay về điện công nghiệp giúp bạn đọc tiếp cận kiến thức về lĩnh vực điện công nghiệp một cách khoa học và đạt hiệu quả…
Những quyển sách hay về Oprah Winfrey truyền cảm hứng, động lực mạnh mẽ Những quyển sách hay về Oprah Winfrey phác họa chân thực và sống động cuộc đời của Oprah từ khi cô còn nhỏ cho đến trưởng thành. Oprah Winfrey…
Back to top button