15 quyển sách tự truyện best seller hay, dành cho những ai muốn hiểu thêm về hành trình cuộc đời, mục đích sống, triết lý sống,..
Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không
Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không là tự truyện của một bác sĩ bị mắc bệnh ung thư phổi. Trong cuốn sách này, tác giả đã chia sẻ những trải nghiệm từ khi mới bắt đầu học ngành y, tiếp xúc với bệnh nhân cho tới khi phát hiện ra mình bị ung thư và phải điều trị lâu dài.
Kalanithi rất yêu thích văn chương nên câu chuyện của anh đã được thuật lại theo một phong cách mượt mà, dung dị và đầy cảm xúc. Độc giả cũng được hiểu thêm về triết lý sống, triết lý nghề y của Kalanithi, thông qua ký ức về những ngày anh còn là sinh viên, rồi thực tập, cho đến khi chính thức hành nghề phẫu thuật thần kinh. “Đối với bệnh nhân và gia đình, phẫu thuật não là sự kiện bi thảm nhất mà họ từng phải đối mặt và nó có tác động như bất kỳ một biến cố lớn lao trong đời. Trong những thời điểm nguy cấp đó, câu hỏi không chỉ đơn thuần là sống hay chết mà còn là cuộc sống nào đáng sống.” – Kalanithi luôn biết cách đưa vào câu chuyện những suy nghĩ sâu sắc và đầy sự đồng cảm như thế.
Bạn bè và gia đình đã dành tặng những lời trìu mến nhất cho con người đáng kính trọng cả về tài năng lẫn nhân cách này. Dù không thể vượt qua cơn bệnh nan y, nhưng thông điệp của tác giả sẽ còn khiến người đọc nhớ mãi.
Tuesdays with Morrie
Có thể đó là ông bà, hoặc những người thầy cô hoặc đồng nghiệp. Một người lớn tuổi, kiên nhẫn và khôn ngoan, người hiểu bạn khi bạn còn trẻ và tìm kiếm, đã giúp bạn nhìn thế giới như một nơi sâu sắc hơn, đã cho bạn lời khuyên đúng đắn để giúp bạn vượt qua nó.
Đối với Mitch Albom, người đó là Morrie Schwartz, giáo sư đại học của ông từ gần hai mươi năm trước.
Có lẽ, giống như Mitch, bạn đã quên mất người thầy khi bạn phát triển theo cách của mình, và những sự hiểu biết mờ dần, và thế giới dường như lạnh hơn. Bạn có muốn gặp lại người đó không, hỏi những câu hỏi lớn hơn vẫn ám ảnh trong bạn, nhận được sự khôn ngoan cho cuộc sống bận rộn của bạn ngày hôm nay như cách bạn từng làm khi còn trẻ?
Mitch Albom đã có cơ hội thứ hai. Anh ta đã tìm lại người thầy Morrie trong những tháng cuối đời của người đàn ông lớn tuổi. Biết mình sắp chết, Morrie đã đến thăm Mitch tại phòng nghiên cứu của mình vào mỗi thứ ba, giống như khi họ từng quay lại trường đại học. Mối quan hệ nhen nhóm của họ biến thành một “lớp” cuối cùng: Bài học về cách sống.
Những ngày thứ ba với thầy Morrie là một biên niên sử kỳ diệu của thời gian họ bên nhau, qua đó Mitch chia sẻ món quà lâu dài của thầy Morrie với thế giới.
Becoming – Chất Michelle
Nội dung của cuốn sách Chất Michelle là những câu chuyện phản ánh chân thực và sâu sắc cuộc đời Michelle Obama do chính tác giả tự kể. Qua từng trang sách, Michelle dẫn dắt độc giả bước vào thế giới riêng của bà – những trải nghiệm đã góp phần tạo nên tố chất rất riêng của Michelle, từ tuổi thơ ở Chicago đến những năm tháng giữ vị trí điều hành, bí quyết cân bằng áp lực giữa công việc và gia đình, cho đến 8 năm quyền lực sống tại Nhà Trắng.
Với sự chân thực tuyệt đối và chất hóm hỉnh sống động, Michelle kể lại những thành công và cả những thất bại, cả trong chính trường lẫn cuộc sống riêng, kể lại từng lát cắt toàn bộ câu chuyện cuộc đời chính bà đã sống, đã trải qua – bằng một chất văn riêng rất Michelle cùng góc nhìn rất khác biệt.
Khác với các hồi ký của những nhân vật chính trị trước đó, nội dung mà Chất Michelle chứa đựng không chỉ là những thông tin phong phú về chính trường nước Mỹ mà còn là những sự kiện lần đầu công bố trong 8 năm Tổng thống Barack Obama lãnh đạo đất nước, khát vọng, bản lĩnh vươn lên khẳng định nữ quyền và là hành trình khẳng định mình đầy chất cảm xúc của một cô gái da màu với nỗ lực và ý chí không ngừng nghỉ.
Chất Michelle là những câu chuyện gần gũi, trung thực khác thường từ một người phụ nữ có tố chất mạnh mẽ và sâu sắc, người đã kiên định thách thức các ước mơ, gợi mở và truyền cảm hứng cho bạn đọc trong hành trình tự khẳng định mình đến những tương lai hiện thực..
Đêm – Elie Wiesel
Tiểu thuyết Đêm của nhà văn Elie Wiesel được bình chọn là tác phẩm hay nhất của văn chương holocaust. Ngày hôm nay, dù Phát-xít đã thất trận, nhưng Lịch sử giải thích thế nào về những trẻ sơ sinh đã bị ném vào lửa, về những đứa con sẵn sàng đánh chết cha mình vì một miếng ăn, về những con người trần truồng giẫy chết trong các buồng hơi ngạt? Và Lịch sử sẽ nói gì với những con người sống sót bước ra từ các khu trại chết chóc ấy?
Không có lời giải đáp thích đáng nào cho những thân phận vô tội đã bị ép chết, cũng không có câu trả lời hợp lẽ về các trại tập trung ghê rợn đã đày đọa người Do Thái, càng không có lời lẽ nào công bằng cho những con người bước ra từ nhục hình ấy; bởi lẽ chính những cái chết phi lý đã là sự kiện, những trại tập trung đã là nơi chốn, những tù nhân sống sót đã là nhân chứng của một trang đen tối và bi thảm nhất trong lịch sử loài người.
Được Học – Educated
Cô bé Tara sống trên núi, đã vậy còn chưa bao giờ được đi học bởi vì bố của Tara – một người quyết liệt bài bác trường công cũng như bất cứ khía cạnh văn minh nào “phản tự nhiên”, phản lại ý Chúa – muốn như thế. Thậm chí cô bé này không có cả giấy khai sinh, nghĩa là trong hệ thống xã hội cô không tồn tại. Tara tồn tại theo “luật” của bố: cô được định nghĩa qua những công việc nhằm sửa soạn cho ngày Tận thế, những lao động khổ ải ở bãi phế liệu, và trên hết là nề nếp khắc kỷ tuyệt đối thể hiện lòng sùng kính Chúa.
Cô gái ấy lớn lên hầu như chỉ trong cảm giác vi phạm và tội lỗi – đi học là tội lỗi, rung động với bạn khác giới là tội lỗi, mặc váy và áo thun ôm sát là tay sai của quỷ Sa-tăng. Bố Tara đã nuôi dạy cô (cũng như các anh chị em khác) ở một “thành trì” kiên cố đến mức cô hầu như không thể quen với những lời khen, với tình cảm ân cần, ưu ái. Tara Westover không hề hư cấu chuỗi kịch tính trong đời mình (đọc tự truyện, chúng ta sẽ thấy tác giả luôn lo ngại việc kể sai, kể sót): từ chuỗi vận nạn của chính cô đến những tai nạn lần lượt xảy ra với các thành viên gia đình, mà hầu như tất cả đều bắt nguồn nơi tính cách, lối sống kì dị của ông bố. Song càng lật mở những trang sách thì tim chúng ta càng thắt lại với câu hỏi: Sao kia, chuyện này là có thật?
Tara Westover đã vượt qua cái có thật ấy, dĩ nhiên chẳng hề theo cách thẳng băng, dễ dàng, để được đi học; và mãi về sau, khi trở thành Tiến sĩ tại Đại học Cambridge lừng danh, cô đã buộc phải chấp nhận tình cảnh đứt lìa mối quan hệ với hầu hết người ruột thịt.
Được học, được giáo dục là niềm vui, niềm hạnh phúc, với một số người đó còn là cứu rỗi. Như Tara. Dẫu giá phải trả cực kỳ đắt đỏ, dai dẳng, thấu xương. Nhưng cô đã chọn để được tự do, để trở nên tốt đẹp hơn, dù bao đơn độc.
Nhật Ký Anne Frank
Được tìm thấy trong căn gác áp mái, nơi Anne Frank đã sống hai năm cuối đời mình, từ đó cuốn đó nhật ký đặc sắc của cô đã trở thành một tác phẩm kinh điển của thế giới – một lời nhắc nhở thật mạnh mẽ về sự rùng rợn của chiến tranh và là một lời tuyên bố về tinh thần của loài người.
Năm 1942, Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan, cô gái Do Thái mười ba tuổi cùng gia đình phải chạy trốn và sống bí mật. Suốt hai năm trời, cho đến khi nơi ẩn náu của họ bị một kẻ đê tiện chỉ điểm cho bọn Gestapo, gia đình Frank cùng một gia đình khác phải sống chen chúc trong “Chái nhà bí mật” của một tòa nhà cũ. Bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài, họ phải đối mặt với cái đói, với sự buồn chán, với cuộc sống khắc nghiệt, bị giam hãm và mối đe dọa về bị lộ, về cái chết luôn luôn hiện diện trước mắt.
Trong nhật ký của mình, Anne Frank ghi lại một cách sống động những trải nghiệm trong thời gian đó. Suy tư, cảm động, rồi hài hước, những miêu tả của cô là một lời ca ngợi về lòng dũng cảm cũng như sự yếu đuối của con người, một bức chân dung tự họa tuyệt vời về một cô gái trẻ thông minh, nhạy cảm, một tài năng hứa hẹn đã bị cắt ngang một cách bi thảm.
Đọc cuốn nhật ký này bạn sẽ thấy cảm thương lẫn kính phục nghị lực và sức sống mãnh liệt của cô gái trẻ, vượt qua sự “gặm nhấm”, “mài mòn” của những toan tính nhỏ mọn, tầm thường ngột ngạt xung quanh để sống và ước mơ.
Tự Truyện Của Một Yogi
Xuất bản lần đầu năm 1946, gần bảy mươi năm qua, Tự truyện của một yogi đã cuốn hút hàng triệu độc giả khắp nơi trên thế giới. Được đánh giá là một trong 100 cuốn sách tâm linh hay nhất thế kỷ 20, câu chuyện về cuộc đời đặc biệt của Paramahansan Yogananda đưa độc giả vào một hành trình khám phá khó quên thế giới của các thánh và yogi, khoa học và phép màu, cái chết và sự phục sinh.
Với một trí tuệ uyên thâm và sự hóm hỉnh đáng mến, thầy đã soi tỏ những bí ẩn thâm sâu của đời người và của vũ trụ – mở rộng con tim và khối óc cho niềm vui, cái đẹp và những khả năng tinh thần vô hạn vốn tồn tại trong mỗi con người. Qua cuốn sách và chính cuộc đời hành đạo của mình, Paramahansan Yogananda, cũng như Gandhi, đã đưa tâm linh vào xu thế chủ đạo của xã hội.
12 Năm Nô Lệ
12 năm nô lệ – câu chuyện có thật về Solomon Northup, một công dân tự do của New York, bị bắt cóc làm nô lệ tại thành phố Washington năm 1841, và được giải cứu từ một đồn điền trồng bông ở tiểu bang Louisiana năm 1853. Chuyện do chính Solomon thuật lại, với sự chắp bút của David Wilson. Giữ vai trò đồng hành cùng Solomon trên dòng hồi tưởng ấy, David thổ lộ: “Chúng tôi tin chuyện kể về trải nghiệm của ông nơi nhánh sông Con Bò sẽ xây nên một bức tranh đúng đắn về Chế độ nô lệ, trong hết thảy sáng tối của nó, như chế độ ấy thực đang tồn tại trên vùng đất đó. Không bị chệch lạc đi, theo ông quan niệm, vì bất cứ ấn tượng sẵn có hay định kiến nào, tôn chỉ duy nhất của người biên tập là trao đi một chuyện đáng tin cậy về cuộc đời Solomon Northup, đúng như chính mình nghe ông kể”.
Mười hai năm không hẳn là quãng đường dài với một đời người tự do, nhưng chắc chắn là ngàn thu đối với phận số nô lệ. 12 năm nô lệ đi theo trật tự tuyến tính thông thường; những lời kể – dẫu được một nô lệ có ăn học đàng hoàng cất lên – cũng không lấy gì làm cầu kì, hoa mĩ, trái lại, rất mộc mạc và lắm lúc “dông dài” như cái lối truyền khẩu xưa nay của người bình dân. Câu chuyện đẹp vì lẽ khác, vì tâm ý sao mà chân thành, xúc cảm sao mà thống thiết khiến ta những muốn khóc cười theo..
Phúc Ông Tự Truyện
Cuốn tự truyện kể về những bước thăng trầm của cuộc đời Fukuzawa Yukichi từ khi sinh ra cho đến những năm tháng tuổi già. Qua từng chi tiết nhỏ, từng vấp váp trong đời sống thường nhật hiện lên chân dung một con người kiên nghị, quyết đoán, luôn độc lập trong suy nghĩ, sắc sảo trong phê phán nhưng về mặt tâm tư, tình cảm lại không kém phần trầm lắng, sâu sắc.
Cuốn tự truyện còn tái hiện bối cảnh phức tạp của xã hội Nhật Bản với những chuyển biến dữ dội vào nửa cuối thế kỷ XIX qua những trải nghiệm thực tế và con mắt phân tích sắc sảo của một người đương thời. Con đường chông gai của Nhật Bản trong tiếp thu nền văn minh của phương Tây để tăng cường nội lực văn hóa đã và sẽ còn để lại nhiều bài học quý giá cho nhiều quốc gia có những điểm tương đồng, trong đó có Việt Nam..
Dốc Hết Trái Tim – Cách Starbucks Xây Dựng Công Ty Bằng Từng Tách Cà Phê
Thành công của Công ty Cà phê Starbucks là một trong những câu chuyện kỳ diệu nhất về kinh doanh trong suốt nhiều thập kỷ. Một cửa hàng nhỏ ven sông ở Seattle rốt cuộc lại lớn mạnh và phát triển nên hơn một ngàn sáu trăm cửa hàng trên khắp thế giới và mỗi ngày lại có thêm một cửa hàng mới mọc lên.
Tuyệt vời hơn cả, Starbucks đã thành công trong việc giữ vững cam kết về chất lượng sản phẩm ưu việt và mang lại những gì tốt đẹp nhất cho nhân viên của mình. Trong Dốc hết trái tim, CEO Howard Schultz chỉ ra các nguyên tắc định hình nên hiện tượng Starbucks, chia sẻ những tri thức mà ông đúc kết được từ cuộc hành trình biến cà phê ngon thành một phần tất yếu của trải nghiệm Mỹ.
Các nhà tiếp thị, các nhà quản lý, và các doanh nhân sẽ khám phá ra cách biến lòng đam mê thành lợi nhuận trong cuốn biên niên ký của một công ty “đã làm thay đổi mọi thứ… từ khẩu vị của chúng ta, ngôn ngữ của chúng ta cho đến bộ mặt của toàn khu Main Street”.
Tự Truyện Benjamin Franklin
“Mười bảy tuổi, tôi khăn gói thu xếp hành lý cùng lên tàu với anh. Sau ba ngày lênh đênh trên biển, từ Boston, chúng tôi đã đến New York. Nhưng đáng tiếc, tại đây, chúng tôi không tìm được việc làm và phải tiếp tục lên đường đến Philadelphia. Thật không may, chuyến đi không biết trước lần này lại đem đến cho chúng tôi một tai họa. Chúng tôi gặp phải một cơn bão lớn, chiếc thuyền bị đánh nát tươm những cánh buồm. Trôi lênh đênh 30 giờ trên biển, rốt cuộc chúng tôi không thể đi xa hơn để đến Philadelphia mà phải dừng lại ở một bến cách đó vài mươi dặm…”
Được coi là một trong những tác phẩm kinh điển trong nền văn học Mỹ, cuốn tự truyện của Benjamin Franklin đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ và được độc giả nhiều nước hoan nghênh đón nhận. Cuốn sách có nội dung bao trùm toàn bộ cuộc đời của Benjamin Franklin từ khi ông còn sinh sống tại London cho tới khi trở thành người đại diện cho Hội đồng lập pháp bang Pensylvania.
Franklin là một chính khách, nhà lập quốc nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ. Ông là một trong 4 người ký vào tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776. Ngoài ra, ông còn là người đa tài của Thời Đại Khai Sáng: nhà khoa học, tác giả, triết gia, nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội và nhà ngoại giao hàng đầu..
Tôi – Elton John: Tự Truyện Duy Nhất Của Biểu Tượng Âm Nhạc Elton John
Trong cuốn tự truyện chính thức đầu tiên và duy nhất của mình, biểu tượng âm nhạc Elton John hé lộ sự thật về cuộc đời phi thường của ông, về phong cách sống đặc biệt của ông như những gì chúng ta đã thấy ở bộ phim Rocketman, để trở thành một huyền thoại âm nhạc sống.
Elton John thuở bé là một cậu bé nhút nhát lớn lên ở vùng ngoại ô Pinner của Luân Đôn và mơ ước trở thành một ngôi sao âm nhạc. Ở tuổi 23 ông đã thực hiện buổi biểu diễn đầu tiên của mình ở Mỹ, đối diện với đám đông người hâm mộ cuồng nhiệt, với chiếc quần bò màu vàng sáng, chiếc áo phông đầy sao và đôi ủng có cánh. Elton John đã đến và thế giới âm nhạc sẽ thay đổi mãi mãi.
Cuộc đời của ông đầy những thăng trầm kịch tính, từ việc sản phẩm âm nhạc đầu tiên cùng người cộng sự Bernie Taupin bọ từ chối, cho đến khi bứt phá trở thành ngôi sao âm nhạc xếp đầu các bảng xếp hạng; từ việc cố gắng tự nhấn chìm bản thân trong bể bơi ở Los Angeles cho đến những điệu nhảy disco với Công nương Diana và Nữ hoàng Elizabeth; từ tình bạn với John Lennon, Freddie Mercury và George Michael cho đến khi thành lập Quỹ từ thiện AIDS, cho đến việc chinh phục Broadway với Aida, The Lion King và Billy Elliot the Musical. Và cùng lúc đó, Elton vẫn che giấu việc nghiện ngập đã hành hạ ông hơn một thập kỷ.
Trong Me, Elton cũng mô tả về việc thay đổi bản thân và thay đổi cuộc đời của mình, về việc tìm được tình yêu với David Furnish và trở thành một người cha. Với một giọng văn ấm áp, hài hước và cởi mở, Elton John cho chúng ta thấy âm nhạc của ông, các mối quan hệ của ông, đam mê và sai lầm của ông.
Miền Đất Hứa – Barack Obama
“Miền đất hứa” (tựa gốc “A Promised Land”) là một trong những cuốn sách được bạn đọc trông chờ nhất trong năm nay. Đây là cuốn hồi ký của cựu Tổng thống Barack Obama, chứa đựng những ghi chép cuốn hút, đầy riêng tư về lịch sử trong quá trình tạo lập đến từ vị Tổng thống đã truyền cảm hứng để chúng ta tin vào sức mạnh của nền dân chủ.
“Miền đất hứa” là tập một trong bộ hai cuốn tự truyện của Barack Obama. Trong tập đầu tiên này, ông đã kể lại câu chuyện về cuộc viễn du của chàng thanh niên da đen, từ lúc đi tìm danh tính cho mình, cho đến khi trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Cuốn sách mô tả chi tiết góc nhìn cá nhân đầy ấn tượng cả về Giáo dục, Chính trị, lẫn những bước ngoặt ở nhiệm kỳ đầu khi giữ cương vị Tổng thống – khoảng thời gian có tính chất lịch sử đối với bản thân Barack Obama và cũng là thời kỳ chuyển đổi đầy hỗn loạn và kịch tính.
Obama đã dẫn dắt độc giả vào một hành trình cuốn hút, khởi đi từ khát vọng chính trị đầu tiên của ông cho đến chiến thắng then chốt tại hội nghị cử tri Iowa, rồi đến đêm 4 tháng 11 năm 2008 trọng đại, khi ông được bầu làm tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ chức vụ cao nhất của cường quốc này..
Gã Nghiện Giày – Tự Truyện Của Nhà Sáng Lập NIKE
Một câu chuyện cuốn hút, và truyền cảm hứng…. 24 tuổi, lấy bằng MBA ở Đại học Stanford, trăn trở với những câu hỏi lớn của cuộc đời, băn khoăn không biết tiếp tục làm việc cho một tập đoàn lớn hay tạo dựng sư nghiệp riêng cho mình… 24 tuổi, năm 1962, Phil Knight quyết định rằng con đường khác thường mới là lựa chọn duy nhất dành cho ông… Rồi ông khoác ba lô đi đến Tokyo, Hongkong, Bangkok, Việt Nam, Calcutta, Kathmandu, Bombay, Cairo, Jerusalem, Rome, Florence, Milan, Venice, Paris,, Munich, Vienna, London, Hy Lạp… Để rồi khi về lại quê nhà ở bang Oregon, ông quyết định mở công ty nhập khẩu giày chạy từ Nhật. Ban đầu chỉ một đôi để thử, rồi vài chục đôi, bán tại tầng hầm của gia đình bố mẹ Phil. Đam mê, quyết tâm, dám chấp nhận thất bại, vượt qua nhiều chông gai từ chuyện thiếu vốn, đến chuyện cạnh tranh từ đối thủ nhập khẩu khác… Phil Knight đã đưa công ty nhập khẩu giày ra đời với 50 đô-la mượn của bố phát triển đến doanh nghiệp có doanh số hơn 1 triệu đô-la chỉ 10 năm sau đó, năm 1972.
Nhưng không may, đối tác Nhật Bản trở chứng, đứng trước nguy cơ phải giải tán công ty mình dày công thành lập, ông và cộng sự đã chuyển hướng sang sản xuất giày, từ đó logo và thương hiệu Nike ra đời..
Tôi Biết Tại Sao Chim Trong Lồng Vẫn Hót (I Know Why the Caged Bird Sings)
Tôi Biết Tại Sao Chim Trong Lồng Vẫn Hót là bức tranh khắc họa rõ nét về tuổi thơ của các bé gái da đen tại Mỹ những năm 1930, 1940. Nó là sự đan xen của sự cô đơn, tự ti, bất công và đau đớn. Là sự vùng vẫy để bảo vệ danh dự cho bản thân, cho người thân và khát khao có được tình yêu, sự quan tâm của cô bé Maya đầy nghị lực.
Maya và anh trai của cô – Bailey, được mẹ gửi đến sống với người bà sùng đạo cùng người chú tật nguyền tại một thị trấn nhỏ miền Nam nước Mỹ. Hai anh em phải chịu đựng nỗi đau khi bị bỏ rơi và định kiến của những người da trắng địa phương “ngu ngốc”. Lúc tám tuổi, Maya trở về bên mẹ tại St. Louis và bị xâm hại bởi chính cha dượng của mình, phải sống cùng nỗi đau đó suốt đời. Nhiều năm sau, tại San Francisco, Maya học được rằng: tình yêu đối với bản thân, lòng tốt của người khác, tinh thần mạnh mẽ của bản thân và ý tưởng của các tác giả vĩ đại (“Tôi đã gặp và yêu William Shakespeare”) sẽ mang đến cho cô sự tự do.
Xúc động và mạnh mẽ, Tại Sao Chim Trong Lồng Vẫn Hót sẽ chạm đến trái tim và dẫn dắt độc giả đến với suy nghĩ lạc quan, tích cực.
Maya Angelou đã được Tổng thống Barack Obama trao Huân chương Công dân danh dự hạng nhất vào năm 2011 và luôn được Nữ hoàng Truyền thông – Tỷ phú Oprah Winfrey trân trọng và nhắc đến như một người thầy, người ảnh hưởng nhiều nhất tới cuộc đời của bà.
Cùng danh mục: