25 quyển sách văn học Nhật Bản hay đưa người đọc đến tận cùng bản ngã

25 quyển sách văn học Nhật Bản hay đánh thức những xúc cảm mãnh liệt và sự trưởng thành về bản ngã của con người trong đời sống hiện tại.

Thất Lạc Cõi Người

Thất Lạc Cõi Người là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng của văn học Nhật Bản hiện đại và là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Dazai Osamu. Thất Lạc Cõi Người mang nhiều nét tự thuật, là một tiểu thuyết tự truyện. Sau khi hoàn thành tác phẩm này, Dazai cùng với người tình là Tomie trầm mình tự sát ở hồ nước ngọt Tamagawa, chấm dứt cuộc đời 39 năm ngắn ngủi. Cuộc đời của Dazai là cuộc đời đau thương và vỡ mộng. Tự sát đến năm lần, nghiện rượu, nghiện thuốc giảm đau, vào bệnh viện tâm thần, ly dị vợ, tái hôn, một con trai tật nguyền, đường văn chương lận đận. Tất cả những điều này in dấu trong tác phẩm của ông, làm nên nét độc đáo và mang lại vinh quang cho Dazai Osamu.

Chiếc Hộp Pandora

Nước Nhật sau Đệ nhị Thế chiến lâm vào đại họa không khác gì cảnh tượng khi Chiếc hộp Pandora vừa được mở ra. Thế nhưng, tác phẩm của Dazai Osamu không bàn về thứ ẩn chứa bên trong chiếc hộp, mà luận về bên ngoài chiếc hộp – tức tâm tư của người mở hộp. Trong bầu không khí tàn tạ lúc bấy giờ, những con thuyền kiêu hãnh lướt trên đạo lộ thủy triều chính là những thanh niên mang lại hương vị tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết cho cuộc tái thiết Nhật Bản mới.

Với giọng văn điềm đạm, Dazai Osamu đưa người đọc đến với sự dịu dàng trong nỗi u hoài, màu thanh tân nơi chốn thê lương. Có lẽ vẻ đẹp của con người khi bước ra từ nỗi đau mà vẫn giữ được nét ngây thơ trong sáng chính là sự thanh cao bậc nhất.

Đẹp Và Buồn

“Thời gian trôi. Nhưng thời gian của đời người có những dòng chảy khác nhau. Như dòng sông, dòng đời có chỗ nhanh chỗ chậm, có chỗ còn dừng lại như nước ao tù. Thời gian vũ trụ tất nhiên là một, nhưng thời gian trong tâm thay đổi với từng người. Dòng sông thời gian là một cho mọi người, nhưng mỗi người trôi đi trong dòng sông ấy một cách khác nhau.

Xấp xỉ bốn mươi, Otoko nghĩ Oki vẫn còn sống trong nàng, phải chăng là dòng thời gian của nàng đã không chảy. Hay hình ảnh Oki cùng nàng trôi với cùng một vận tốc, như cánh hoa trôi theo nước. Rồi nàng lại nghĩ, không biết nàng trôi theo dòng thời gian của Oki thế nào. Dù Oki vẫn không quên nàng, nhưng ông tất có một dòng thời gian khác.”

“Một hòa tấu tuyệt vời của thơ, của tình dục thường và bất thường, của tình yêu thường và bất thường, của thiên nhiên, của người của cảnh, của mộng và ác mộ”

Những Người Đẹp Say Ngủ

“Cô gái đang nằm quay về phía Eguchi. Cô hơi đưa đầu ra phía trước và thu ngực lại, khiến trên cái cổ hơi dài và non tơ tạo thành một đường gân thấp thoáng dưới bóng của chiếc cằm. Mái tóc dài xõa ra tận sau gối. Ông lão Eguchi đưa mắt khỏi đôi môi đang khép lại rất đẹp của cô, và trong lúc ngắm cặp lông mày và hàng mi, lão tin chắc rằng cô là một cô gái còn trinh trắng. Cặp lông mày và hàng mi cô ở gần đến mức mà đôi mắt lão thị của Eguchi không thể thấy rõ từng sợi. Làn da mà những sợi lông tơ cũng không thể thấy bằng đôi mắt lão thị đang sáng lên một cách dịu nhẹ. Từ mặt đến cổ cô không một nốt ruồi. Ông lão quên hẳn cơn ác mộng lúc nửa đêm và cảm thấy yêu thương cô gái vô ngần, rồi sau đó một cảm giác ấu thơ như thể chính bản thân mình cũng đang được cô gái yêu thương dâng đầy trong tim lão.”

“Một kiệt tác của dòng văn học suy đồi, tỏa thứ mùi như mùi hư hoại của trái cây chín nẫu, song vẫn giữ được vẻ đẹp hoàn hảo về mặt hình thức.” – Mishima Yukio, tác giả của Kim các tự

Hồ

Em đã bao giờ bắt gặp cảm giác đó chưa? Cái cảm giác: Ôi! Thật tiếc, chỉ một lần lướt qua nhau rồi mãi mãi cách xa. Anh thì bắt gặp nhiều lắm. Con người này sao mà khiến ta yêu mến quá chừng, cô gái này sao mà xinh đẹp quá chừng, trên đời không thể có kẻ thứ hai hút hồn ta đến vậy, ta tình cờ sượt qua người ấy trên đường, hoặc ngồi gần người ấy trong rạp hát, hoặc cùng bước xuống bậc thang lúc rời khỏi khán phòng sau một buổi hòa nhạc rồi cứ thế cách xa mà chẳng thể bắt gặp lần thứ hai trong đời. Dẫu là như thế, song ta chẳng thể níu chân một kẻ không quen để bắt chuyện. Đời là vậy ư? Những lúc ấy, anh buồn muốn chết, và trở nên như kẻ mất hồn. Muốn bám theo người ấy đến cùng trời mà không được. Bởi nếu muốn bám theo đến cùng trời, thì chỉ còn cách giết chết người ấy mà thôi.”

“Ánh sáng lập lòe của chiếc lồng đom đóm đung đưa bên hông người thiếu nữ, ngọn lửa từ đám cháy đêm ở bờ bên kia in bóng xuống hồ. Tất cả phản chiếu trong đôi mắt tràn đầy những vọng niệm của Momoi Gimpei, gã đàn ông kỳ quái. Một thế giới truyện ma mị mà rào cảo của hiện thực đã hoàn toàn bị tước bỏ.”

Xứ Tuyết

Xứ Tuyết là tiểu thuyết dạng vừa đầu tiên của Kawabata Yasunari, cũng là tác phẩm đại diện cho chủ nghĩa duy mỹ ở ông. Trước khi chỉnh sửa và xuất bản thành sách vào năm 1948, Xứ Tuyết đã xuất hiện từng phần trên tạp chí trong rải rác mười hai năm, qua hình hài các truyện ngắn Kính chiều, Kính ngày… là thành quả sau nhiều lần lữ du như áng mây lang bạt sang miền tuyết trắng, nơi trước tiên là ông, rồi đến nhân vật của ông chìm đắm trong vẻ đẹp hoang sơ đầy ắp động-tĩnh-thanh-sắc của thiên nhiên, trong vẻ đẹp tương phản nhưng đều hút hồn của con người.

Nhân vật chính, Shimamura, là một người cơm áo không lo, dần dần thành ra mau chán và ì trệ. Vì muốn củng cố thái độ sống của mình, anh quyết định đi xa leo núi, lấy sự vất vả về thể xác làm phương pháp rèn tinh thần. Từ trên núi xuống, anh ghé vào làng suối nước nóng ngay cạnh đó để nghỉ ngơi, nào ngờ từ đây buông mình vào mối quan hệ khiến anh nhiều khi ân hận nhưng không dứt bỏ được với một geisha nồng nàn, giàu nhục cảm, cho đến ngày một ngọn lửa điêu tàn bùng lên thiêu rụi tất cả.

Là tác phẩm đỉnh cao của Kawabata, giúp ông giành giải Nobel Văn chương năm 1968, Xứ Tuyết đẩy đến cực hạn cái đẹp hư vô, cái đẹp thanh khiết và cái đẹp bi thiết bằng một bút pháp tinh tế, cô đọng, gợi ý, khó nắm bắt, tạo nên cuộc hội ngộ hoàn hảo giữa thể loại tiểu thuyết và thơ Haiku.

Kawabata có biệt danh là “bậc thầy tang lễ”. Thuở nhỏ chứng kiến liên miên sự ra đi của người thân, lớn lên làm chủ tế cho nhiều đám tang nổi tiếng, cuối cùng khi quyết định tự sát bằng khí đốt, đến lượt ông làm “chủ tế cho chính mình”, trở thành người lữ hành vĩnh cửu trong thế giới của hư ảo và chân không. Nhưng trước đó, nỗi niềm u uẩn, mờ sương của cuộc đời ông đã kịp soi chiếu vào cái đẹp chớp nhoáng rồi tan dần theo dòng chảy thời gian, như bông tuyết tan khi mùa xuân đến, mà ta sẽ thấy trong cuốn sách này.

Một Nỗi Đau Riêng

Oe Kenzaburo là nhà văn Nhật Bản thứ hai – sau Yasunary Kawabata (1899-1972) – đoạt giải Nobel văn học vào năm 1994 và hiện đang còn sống. Oe sinh năm 1935 tại Shikoku trong một gia đình địa chủ giàu có, nhưng gia đình ông đã mất hầu như toàn bộ gia sản do bị tịch biên trong cải cách ruộng đất. Tài năng văn chương của ông hé lộ ngay từ những năm ông còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học Tokyo (1954-1959). Tác phẩm đầu tiên của Oe gây được sự chú ý của giới văn chương là Hoang phí hay là cái chết (1957). Tuy nhiên, phải đến tiểu thuyết đầu tay, Những nụ héo chồi độc, những đứa trẻ bạo tàn (1958), thì vị trí của Oe trên văn đàn mới được khẳng định bằng giải thưởng Akutagawa.

Các tác phẩm tiêu biểu của ông như Tiếng gào câm lặng (1967), Trò chơi của những người cùng thời (1979), Thức dậy, con người hiện đại (1983)… biểu hiện sự tan vỡ ảo tưởng và sự nổi loạn của thế hệ Hậu Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đó cũng là những tác phẩm tiêu biểu cho sáng tác của các nhà văn hiện đại về mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, giữa con người với con người. Năm 1960, Oe kết hôn và năm 1963 vợ chồng ông sinh con trai đầu lòng bị dị tật bẩm sinh về trí tuệ. Sự kiện này đã ghi đậm dấu trong văn nghiệp của Oe bằng một tiểu thuyết được cho là hay nhất của nhà văn, Một nỗi đau riêng (1964). Tác phẩm mang tầm vóc nhân loại và chứa đựng hầu hết mọi âm hưởng thời đại trong nó. Một nỗi đau riêng kể về cuộc đấu tranh của người cha trẻ tên Điểu trong việc đối đầu với thảm họa: đứa con mới chào đời mắc chứng thoát vị não. Thằng bé, nếu có phẫu thuật và may mắn tránh được đời sống thực vật thì lớn lên cũng trở thành một đứa trẻ không bình thường. Điểu, trong khi hoang mang lo sợ đã đi đến quyết định thông đồng với bác sĩ giảm khẩu phần sữa của thằng bé. Nhưng thật kì lạ, đứa bé “có tới hai cái đầu” ấy vẫn sống khỏe mạnh. Điểu, cùng với cô nhân tình Himiko quyết định mang đứa bé khỏi bệnh viện để nhờ một tay bác sĩ lang băm ra tay giúp. Nhưng tình cờ họ gặp lại người bạn nhỏ Kikuhiko năm nào, kí ức hiện về khiến Điểu bừng ngộ thoát khỏi cơn ác mộng và dũng cảm đương đầu với nó. Đứa con được phẫu thuật, anh bỏ nghề dạy học trở thành một hướng dẫn viên du lịch để nuôi vợ con và cũng để nuôi ước vọng về những miền đất xa xôi của mình.

Kafka Bên Bờ Biển

Kafka Tamura, mười lăm tuổi, bỏ trốn khỏi nhà ở Tokyo để thoát khỏi lời nguyền khủng khiếp mà người cha đã giáng xuống đầu mình.Ở phía bên kia quần đảo, Nakata, một ông già lẩm cẩm cùng quyết định dấn thân. Hai số phận đan xen vào nhau để trở thành một tấm gương phản chiếu lẫn nhau. Trong khi đó, trên đường đi, thực tại xào xạc lời thì thầm quyến rũ. Khu rừng đầy những người linh vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh vừa qua, cá mưa từ trên trời xuống và gái điếm trích dẫn Hegel. Kafka bên bờ biển, câu chuyện hoang đường mở đầu thế kỷ XXI, cho chúng ta đắm chìm trong một chuyến du hành đầy sóng gió đầy chất hiện đại và mơ mộng trong lòng Nhật Bản đương đại.

Haruki Murakami, nhà văn Nhật đương đại nổi tiếng với những tác phẩm như Rừng Nauy; Xứ sở kỳ diệu vô tình và Nơi tận cùng thế giới; Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời; Người tình Sputnik, Biên niên ký chim vặn dây cót và Kafka bên bờ biển.

Rừng Na Uy

Cùng thoát thai từ nỗi buồn thương trong sáng về tồn tại, Rừng Na Uy, bài hát năm nào của Beatles, đã được lấy làm tên gọi cho cuốn tiểu thuyết tình yêu ngọt ngào và u sầu của Haruki Murakami. Bước vào cõi sống của Rừng Na Uy, qua sự sớm cô đơn như định mệnh của những người trẻ tuổi, qua mối tình tay ba vừa quấn quýt xác thân vừa u mặc sầu bi của Naoko-Toru-Midori, người ta cảm thấy ngỡ ngàng trước tình yêu như là nơi trú ngụ duy nhất của người đàn ông và người đàn bà trên thế gian này, và khám phá ra một nỗi buồn mênh mang, trống vắng rất Nhật Bản của thời hiện đại. Trong nỗi ưu tư và cô đơn như một định mệnh đã cài đặt nơi những người mới lớn, trong sự tuyệt vọng của những tâm hồn trong sáng sẵn sàng hy sinh thân mình để khỏi thoả hiệp với cuộc sống thế gian. Và tình yêu đã là nơi trú ngụ duy nhất. tình yêu và sự giải phóng của xác thân bao bọc lấy nó, làm cho người đàn ông và người đàn bà có thể yêu nhau với tất cả những gì có thể trước cuộc đời ngắn ngủi và quý giá. Với ý nghĩa đó, mối tình tay ba Naoko-Toru-Midori đã lay động hàng chục triệu độc giả trên toàn thề giới trong một tác phẩm được coi là tuyệt bút của Murakami.

Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời

Cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều nhất con người thật của Haruki Murakami và là câu chuyện đơn giản nhất mà Murakami từng kể. Tuy vậy, đơn giản không có nghĩa là dễ hiểu, và một lối kể chuyện giản dị không loại bỏ những nỗ lực kín đáo trong việc thoát ra khỏi những lối đi văn chương đã cũ mòn.

“Sự kết nối” dễ thấy giữa Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời và những tác phẩm khác của Murakami có lẽ là năng lực đặc biệt của nhà văn Nhật Bản đối với cách tạo ra và xử lý cái bí ẩn. Không có mật độ dày đặc như trong Biên niên ký chim vặn dây cót hay Kafka bên bờ biển, cái bí ẩn ở đây giống như những đoạn nhạc jazz biến tấu ngẫu hứng trên nền của những bản nhạc cũ, và chính là cái để lại dư vị lâu nhất cho người đọc.

“Có những gì?” có lẽ là câu hỏi mà cuốn sách nhỏ của Haruki Murakami đặt ra. Có những gì ở phía Nam biên giới, khi đó không chỉ là nước Mêxicô. “Có những gì” ở phía Tây mặt trời, khi đó không chỉ là một chứng bệnh của những người nông dân Xibêri sống trong cảnh ngày đêm không phân cách..

1Q84

Đừng chỉ đọc các trích đoạn nho nhỏ đăng trên những trang báo, tin tức, giới thiệu sách. Hãy mang một quyển về nhà và tự chiêm nghiệm, để thấy được tài năng của Murakami, cũng như để không bỏ lỡ một câu chuyện được kể một cách rất xuất sắc.

Bất chấp thể loại bạn yêu thích là lãng mạn, kỳ bí hay điều tra vụ án, 1Q84 đều sẽ đáp ứng được. Nói cách khác, quyển sách có đầy đủ các yếu tố hấp dẫn mọi thể loại độc giả.

Bên trong quyển sách, có một câu chuyện tình. Đó là chuyện tình từ khi còn rất nhỏ giữa Aomame và Tengo. Một khoảnh khắc nắm tay để rồi mãi hàng chục năm sau, cả hai vẫn mang trong lòng nỗi mong mỏi được gặp lại, được bộc bạch nỗi lòng với người kia.

Có một câu chuyện huyền bí về giáo phái Sakikage, về Người Tí Hon dệt nên Nhộng Không Khí, về thế giới có hai mặt trăng cùng tồn tại, nơi khiến người ta nghi ngờ về logic trong chính đầu óc của mình – đến mức Aomame không còn tin rằng mình đang sống ở năm 1984, rằng cô đang tồn tại ở một không gian gọi là năm 1Q84 (Q nghĩa là Question).

Rồi lại có những tội lỗi đan xen. Một Bà chủ muốn đưa những gã đàn ông đốn mạt sang thế giới khác trong yên lặng, và Aomame là cánh tay đắc lực của bà với ngón nghề điêu luyện. Một Lãnh tụ tà giáo cưỡng bức trẻ em mà không ai hay biết. Một quyển tiểu thuyết được chỉnh sửa để thắng giải Tác giả mới và trở thành Best-sellers đình đám. Vẫn chưa hết…

Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót

Câu chuyện đưa ta đến nước Nhật thời hiện đại, với những thân phận con người bé nhỏ, lạ lùng. Những cô bé 15 tuổi, như Kasahara May, ngồi sau xe môtô phóng với tốc độ kinh hoàng, vươn tay bịt mắt bạn trai phía trước. Sau tai nạn, bạn trai qua đời, chỉ còn lại mình cô với nỗi day dứt khôn nguôi: “Chính vì có cái chết, người ta mới phải băn khoăn nhiều đến thế về sự sống.” Những thiếu nữ, như Kano Kreta, tự kết liễu đời mình để giải thoát những cơn đau triền miên có thể gặp phải bất cứ lúc nào, vì bất cứ điều gì nhưng không thành. Phải trả nợ một khoản tiền lớn cho hãng bảo hiểm, không do dự, cô đi làm gái điếm. Những Dân biểu nghị viên như Wataya Noburu, leo cao trong danh vọng nhờ tài lừa dối đám đông và khả năng khơi dậy những bản năng sa đọa ở người khác… Trong thế giới ấy, nhân vật chính của Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót, Okada Toru, chàng trai giản dị và chân thành, phải đối mặt với biến cố lạ lùng: Kumiko, người vợ yêu dấu của anh bỗng nhiên biến mất không một lời nhắn gửi. Sự kiện phi lý này khơi nguồn cho sự thức tỉnh trong Okada, thúc đẩy anh ngắm nhìn, chứng nghiệm lại thế giới tràn đầy cái phi lý chung quanh mình, bằng con mắt bản thể.

Với Murakami, thế giới đầy những điều bất thường, phi lý trở thành động lực để con người lên đường trở lại với bản thể chính mình. Cũng tại thời điểm này, Toru Okada nghe thấy tiếng hót của con chim vặn giây cót, như tiếng vọng của bản ngã chính anh. Watanabe bắt đầu cuộc hành trình nhận thức, cuộc hành trình tràn đầy những xúc cảm mãnh liệt khám phá lại cuộc sống và tình yêu đã qua, cuộc sống đang diễn ra, của chính mình và những người xung quanh. Với Okada, từ đây cũng mở ra một thế giới siêu thực với những giấc mơ đầy ám ảnh tính dục, những căn phòng tối đen ngào ngạt phấn hoa cất giấu bí mật về sự lệ thuộc và nô dịch, bóng tối thẳm sâu của bản ngã và xa rời bản ngã, Thiền, và những năng lực tâm linh siêu hình. Trong những mối quan hệ đầy cảm thông và gần gũi với những phụ nữ khác, Kasahara May, mẹ con nhà tạo mẫu Akasaka Nhục đậu khấu, hay Kano Kreta…, Okada dần dần hiểu ra bản chất của cuộc sống con người, không phải một mắt xích của thế giới vật chất cơ giới từ bên ngoài, mà chính là những năng lực tưởng tượng sáng tạo của nội giới, những ám ảnh tinh thần truyền từ người nọ sang người kia, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tiếng hót của con chim vặn dây cót chỉ vang lên vào những thời khắc quyết định, khi con người tỉnh thức những tiếng lòng thầm kín, hay khoảnh khắc thấu suốt cảm giác về định mệnh; tiếng chim tiên báo những thảm họa khốc liệt khơi nguồn từ chính con người, cũng là tiếng thúc giục âm thầm của khát vọng đi tìm chân lý. Tiếng hót của chim vặn dây cót trở thành biểu tượng sự thức tỉnh những xúc cảm mãnh liệt và sự trưởng thành về bản ngã của con người trong đời sống hiện đại. Đó chính là ý nghĩa của hình tượng chim dây cót xuyên suốt cuốn tiểu thuyết lớn của Haruki Murakami.

Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Một tác phẩm khoa học giả tưởng, truyện trinh thám và bản tuyên ngôn của chủ nghĩa hậu hiện đại kết hợp trong cuốn tiểu thuyết dung lượng đồ sộ. Murakami đã hợp nhất Đông – Tây, bi – hài, sự thờ ơ và lòng trắc ẩn, ngôn ngữ lóng thông tục và các tư tưởng triết học siêu hình trong câu chuyện đặc sắc về toán sư 35 tuổi ly hôn trong hành trình đi xuống thế giới ngầm mang màu sắc Kafka dưới lòng Tokyo hiện đại. Kết quả là Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới với những tưởng tượng sáng tạo phóng túng và một trạng thái lắng đọng sâu xa của tâm thức, góp phần tạo nên thành công lớn làm gia tăng đáng kể lượng độc giả của Haruki Murakami trên toàn thế giới.

Tiểu thuyết Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới được trao Giải thưởng Văn học Tanizaki uy tín của Nhật Bản năm 1985.

Chào Mừng Đến Với N.H.K!

Ném bừa một hòn đá ra đường có khi cũng trúng một hikikomori… Dĩ nhiên điều này khó lòng xảy ra, vì hikikomori có ra đường đâu.

Bước sang thế kỷ 21, hiện tượng hikikomori bất ngờ bùng nổ ở Nhật Bản. Hikikomori là những người chỉ sống quanh quẩn trong phòng, không làm việc, không giao tiếp xã hội, cứ mãi mê man với cuộc sống ảo trên mạng, từ đó dẫn đến những mục ruỗng tâm hồn.

Sato là một thanh niên 22 tuổi nhưng hết bốn năm trong cuộc đời cậu đã sống như một kẻ khép kín, không giao tiếp, kỳ thị đời sống cộng đồng. Lối sống đó đáng ra sẽ tù đọng trôi đi mãi như thế trong căn phòng trọ bừa bộn nếu một ngày kia cậu không gặp một cô gái lạ lùng – xuất hiện trong trắng như thiên thần nhưng toàn thốt ra những lời kỳ quặc. Cô tự nhận có thể chữa chứng hikikomori cho cậu, miễn là cậu bằng lòng ký vào một hợp đồng do cô thảo.

Liệu người con gái thiên thần này có thể thay đổi số mệnh của Sato? Một điểm thú vị nữa là ngoài vấn nạn hikikomori, câu chuyện còn lôi tuột ra trước mặt người đọc một loạt vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện đại như anime otaku, mọt game online, tự tử qua mạng… Tất cả được khai thác một cách bi kịch nhưng cũng không kém phần hài hước, và điều đó khiến câu chuyện có được một điểm nhìn sâu sắc: bàng quan, giễu cợt mà cũng nhân ái vô cùng.

Kitchen

Mikage Sakurai, sau cái chết của bà, hoàn toàn lẻ loi và chỉ biết yêu bếp hơn hết thảy mọi thứ trên đời. Cho tới ngày, một chàng trai tên là Yuchi Tanabe mời cô đến sống cùng hai mẹ con cậu trong căn hộ của họ, nơi có căn bếp tuyệt vời ấm áp cùng hai con người không là gì ngoài một sự đồng cảm bình dị và sâu xa mà cô vẫn hằng mong ước. Rồi cái chết lạnh lùng bất ngờ cướp đi người mẹ lạ kỳ của Yuchi. Trong nỗi đau, sự quyến luyến trở nên mãnh liệt, tình yêu bắt đầu chớm nở giữa hai con người trẻ tuổi… Và đó chính là Kitchen của Banana Yoshimoto, buồn bã nhưng chối từ bi lụy, giản dị nhưng đầy nghệ thuật, là nơi hoà kết nỗi ưu tư mẫn cảm đặc biệt Nhật Bản với niềm vui sống của tuổi trẻ một cách thanh thoát nhất. Mỗi áng văn ngọt ngào trong hình thức một bestseller đã làm nên tên tuổi của Banana Yoshimoto trên khắp Nhật Bản và thế giới.

Amrita

Sakumi,cô gái mới hai mươi tuổi đã trải qua biết bao biến cố gia đình đầy đau đớn. Cô gặp một tai nạn tưởng đã cướp đi sinh mạng của cô. Cú ngã khiến cô mất trí nhớ để rồi hồi sinh trong một cuộc sống mới, một nhân cách mới. Sự kiện tưởng chừng như đảo lộn cuộc sống của cô gái rốt cuộc đã đem lại cho cô những cảm nhận mới mẻ và lý thú về cuộc sống.

Tiểu thuyết của Banana Yoshimoto giống như trò jet-coaster, một khi đã ngồi lên rồi, ta sẽ bị cuốn đi đến tận cùng với tốc độ của nó. Không phải do kịch tính được đẩy đến cao trào mà do khả năng cảm thụ của nhân vật chính đóng vai trò kể truyện liên tục hướng về phía trước với một tốc độ đáng sợ, không những cảm nhận thế giới xung quanh. Đó là sự cảm nhận liên tục, không chỉ đối với phong cảnh xung quanh hay những lời nói của người khác mà ngay cả với từng hạt không khí nhỏ nhất hiện diện ở đó. Tất nhiên, cũng giống như jet-coaster, không phải lúc nào cũng lao đi với tốc độ cao nhất, trong tiểu thuyết của Banana Yoshimoto cũng có những đoạn chậm rãi, thong thả khi đang hướng đến một đỉnh cao. Và sức mạnh để làm được việc đó chính là những xúc cảm giống như một tứ thơ, kết tinh từ những cảm thụ của nhân vật chính. “Cứ thấy một phụ nữ đứng trong bếp là tôi lại cảm thấy mình sắp nhớ ra một điều gì đó, một điều gì đó thật buồn, như bóp chặt lấy lồng ngực và nhất định liên quan đến cái chết, đến cả việc tôi được sinh ra trên cõi đời này nữa…” Từng nhịp, từng nhịp cộng hưởng như vậy đưa người đọc cùng lên đến một độ cao, để rồi, khi lao bổ xuống từ độ cao đó, ta cảm thấy một trạng thái không trọng lượng rất đặc trưng của những chiếc Jet-coaster đang lao đi. Đúng lúc ấy, bên tai người đọc đang trong trạng thái bồng bềnh ấy sẽ vang lên một giai điệu chưa từng nghe thấy song lại có gì đó thật thân thương. Sự nhận biết thế giới của nhân vật chính hầu hết đều đi kèm với nỗi buồn, song thanh âm theo gió vẳng đến bên tai ta, không hiểu sao, lại luôn tràn đầy niềm vui sống. Và thêm nữa, nó như một giọng nói đến từ một nơi nào đó thuộc thế giới bên kia.

Em Sẽ Đến Cùng Cơn Mưa

Văn học Nhật đem đến cho độc giả cảm giác bình yên, lãng mạn khi đắm mình trong những tác phẩm tinh tế, chìm trong câu chữ nhẹ nhàng nhưng đầy trầm tư, ám ảnh. Em Sẽ Đến Cùng Cơn Mưa cũng vậy. Không nhiều màu sắc, không nhiều kịch tính, dữ dội mà chỉ với một gam màu trầm buồn, một khung cảnh ảm đạm ngày mưa, một cốt truyện nhẹ nhàng, Ichikawa Takuji đã vẽ nên được một bức tranh tình yêu tuyệt diệu.

Ở tác phẩm không có sự đối lập, hoặc giả có đi chăng nữa thì cũng hết sức nhạt nhòa, chỉ có sự hài hòa được đề cao (đặc trưng của văn phong Nhật). Sự hài hòa không chỉ ở vòng xoay giữa Takumi, Mio và Yuji mà còn lan ra cả những mối quan hệ khác với thầy Nombre,và chú chó Pooh, với cả thiên nhiên cùng mùa mưa ẩm ướt.

Nét u huyền phảng phất suốt tác phẩm gây cho người đọc những cảm xúc không thể diễn tả, có một cái gì đó không chắc chắn, không rõ ràng vẫn đang tồn tại đâu đó. Ta không thấy sự đau khổ đến tột cùng của Takumi khi Mio qua đời, không thấy niềm hạnh phúc mãnh liệt của anh khi bỗng nhiên nàng quay lại, ta chỉ thấy một sự nhẹ nhàng lan tỏa trong tình yêu đó – phẳng lặng nhưng tràn ngập ở khắp nơi. Vậy mới biết, tình yêu có rất nhiều cung bậc, không phải cứ cuồng nhiệt nhiều, đau đớn nhiều đã là yêu nhau nhiều, mà có khi chỉ cần nhẹ nhàng, êm dịu như tình yêu của Takumi và Mio là đã đủ chạm đến thiên đường hạnh phúc.

Em Sẽ Đến Cùng Cơn Mưa được viết với lời văn trong sáng, ngắn gọn và đôi chút ngộ nghĩnh sẽ đem đến sự thú vị và ấm áp khi “nhấm nháp” những trang sách, có thể trong một ngày mưa nhẹ nhàng.

Cảnh Đồi Mờ Xám

Nhận được tin Keiko, con gái lớn của mình tự tử, Etsuko, một phụ nữ Nhật Bản sống một mình ở Anh đã bắt đầu cuộc hành trình chìm đắm vào những kí ức về một mùa hè ở Nagasaki hậu chiến. Trung tâm của những kí ức mơ hồ ấy là một tình bạn lạ lùng với Sachiko, người đã bị cuộc chiến tranh tước đi tất cả trừ đứa con gái nhỏ cùng một khao khát mãnh liệt phải đến nước Mỹ bằng mọi giá.

Trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, Kazuo Ishiguro đã khắc họa nên bức tranh những số phận ở nước Nhật Bản bại trận, nơi các nhân vật của ông vật lộn, xoay xở, dằn vặt với những thay đổi đến quá nhanh và quá dữ dội. Nhưng sâu hơn, cuốn sách còn là một cuộc thăm dò đầy tinh tế cái bí ẩn của kí ức. Cuộc sống hiện tại đặt nền móng trên kí ức, nhưng đến lượt mình, chính kí ức lại vô cùng bất trắc, khó lường.

Cuộc Đời Một Kẻ Ngốc

Akutagawa, cái tên vốn dĩ không xa lạ gì với những người yêu mến văn học Nhật Bản, từ tên vị thiên tài vắn số cho tới giải thưởng nâng cánh vô vàn nhà văn hậu thế.

Được coi là “Cha đẻ của truyện ngắn Nhật Bản”, nhưng nhiều trong số những tác phẩm lớn nhất của Akutagawa lại mang dáng dấp của tiểu thuyết và phần nào tiến tới ngưỡng truyện vừa. Những “Địa ngục”, “Trong rừng trúc”, “Kappa” hay “Cuộc đời một kẻ ngốc”. Đó cũng là điều mà DTBooks ưu tiên nỗ lực giới thiệu tới quý độc giả trong tập sách này. Đặc biệt, truyện vừa “Cuộc đời một kẻ ngốc” được viết trong năm cuối đời của Akutagawa được coi là một tiểu tự truyện của tác gia, là một tác phẩm chưa được biết tới nhiều bởi các độc giả Việt Nam, tác phẩm sẽ cho chúng ta một cái nhìn thật sâu vào nội tâm nhiều phần bất ổn của Tiên sinh, vẫn được coi như một chỉ dấu, một manh mối dẫn tới lựa chọn cuối cùng của ông…

Tình Khờ

Bạo Liệt Đầy Đam Mê, hài hước cùng mỉa mai, biến thái nhưng lãng mạn… Tình khờ là điểm đồng quy toàn hảo của những áng văn diễm tình nức tiếng – Lolita, Lady Chatterley’s Lover và Pygmalion… Bằng nghệ thuật dẫn dắt bậc thầy, một lần nữa Tanizaki lại khiến người đọc trầm luân trong bể ái tình không lối thoát, say sưa trong những khát khao khó nói thành lời, cảm thông với những ám ảnh tính dục lệch chuẩn và đồng thời thấu hiểu phần nào những rối ren của Nhật Bản lúc giao thời, khi cái cũ bị cái mới thay thế, khi truyền thống và đạo đức cũng theo đó phai dần…

Sanshirō

Hầu hết người dân Nhật Bản sẽ phải đọc một cuốn tiểu thuyết Natsume Sōseki ít nhất một lần trong đời. Văn chương của Sōseki là chìa khóa cho sự hiểu biết về lịch sử Nhật Bản cận-hiện đại; các tác phẩm của ông nắm bắt được linh hồn của thời kỳ Minh Trị. Natsume Sōseki thể hiện cái nhìn phi thường sâu sắc vào một Nhật Bản đang trở mình hiện đại hóa nhanh chóng, một Nhật Bản bối rối trước những biến động không ngừng dưới ánh sáng của văn minh phương Tây.

Sanshirō là một trong những tiểu thuyết được yêu thích nhất Natsume Sōseki. Sanshirō là hiện thân của tất cả các nghi ngờ, hứng thú và hoang đường của thời kỳ Minh Trị. Sanshirō là chân dung toàn hảo nhất về lớp trẻ Nhật Bản trong giai đoạn giao thời, là hình ảnh kiêu ngạo ngây thơ nhưng lại rất tinh tế sâu sắc của một thanh niên trong thời điểm xã hội giao tranh cũ mới; trước những truyền thống tập tục và đạo đức cũng đang dần phải thích ứng với những biến động của đất nước, một Nhật Bản đang trở mình trước bình minh phương tây. Câu chuyện hài hước, hình ảnh lãng mạn, ý tưởng tinh tế cùng với những triết lý sâu xa đã đưa Sanshirō thành một tiểu thuyết của thời đại.

Tokyo Hoàng Đạo Án

Hãy tới đây, hạ giới và vòm trời Bombô

Ta sẽ giết các con và cháu ta

Cắt thân thể chúng rời rã ra

Ghép phần đẹp nhất thành người mới

Mảnh miếng còn lại đem chôn xa

Đối với phụ nữ, ta có niềm đam mê mãnh liệt. Đối với cái đẹp, ta nhất mực tôn sùng.

Sau ba chục năm nghiên cứu chiêm tinh và giả kim thuật, ta ấp ủ ước vọng tạo ra một tấm thân phụ nữ toàn bích hơn hết thảy nhan sắc trên đời.

Ta bí mật lên kế hoạch giết sáu đứa con gái và cháu gái trinh trắng trong nhà, lựa lấy đầu, ngực, bụng, hông, đùi và chân hoàn mỹ nhất để luyện thành một sinh thể mới. Những phần dư, ta sẽ đem chôn theo một sơ đồ hoàng đạo.

Chưa kịp làm gì cả, ta đã bị đập sọ đến chết.

Bất ngờ thay!

Bất ngờ hơn là, sau khi ta chết thảm, sáu đứa ấy cũng phơi xác ở nhiều nơi, đứa mất đầu, đứa mất ngực, đứa mất bụng… như ta đã định.

Ai đã giết ta rồi hoàn thành tâm nguyện của ta vậy? Nữ thần rốt cuộc có thành hình không?

Năm tháng trôi qua… Tất cả những gì ta có thể làm chỉ là chờ người nơi ấy, chờ người tìm giúp câu trả lời cho nghi vấn mỗi ngày một cồn cào.

Đảo Quỷ

Tác phẩm truyện dài được đánh giá là hay nhất của “Ông tổ trinh thám Nhật Bản” Edogawa Ranpo, lần đầu tiên được dịch và xuất bản tại Việt Nam.

Đã được chuyển thể thành rất nhiều phiên bản truyện tranh, kịch sân khấu, CD Drama…

Phiên bản tiếng Việt đầy đủ nhất, không cắt gọt, kèm thêm nhiều phụ lục để giải thích rõ hơn cả về bối cảnh thời đại lẫn ý nghĩa của câu chuyện.

Minh họa bìa sách đến từ đại thần Togai Jun của Guilt|Pleasure.

Những tưởng từ đây sẽ được nắm tay người thương chìm trong chốn phù vân màu hồng mãi mãi, thì oan nghiệt bỗng chốc đổ ập lên đầu Minoura khiến cậu trở tay chẳng kịp: Vợ chưa cưới bị sát hại một cách oan khuất và bí ẩn, tháng ngày bằng lặng phút chốc vụt xa đến không ngờ.

Minoura chính thức dấn bước trên hành trình đi tìm công lý cho người dấu yêu, mà đâu ngờ cái giá đánh đổi lại quá lớn, và tất thảy chỉ là mở đầu cho một âm mưu tàn độc vượt quá sức tưởng tượng. Từng sự kiện kinh hoàng nối tiếp dập dồn, những nhân vật dị hình dị dạng ám ảnh tựa bóng ma, người bạn cũ bấy lâu thầm ôm mối tương tư khác lạ… Mọi thứ xoáy tròn thành cơn lốc vằn vện trên nền không khí ngột ngạt, đen tối, bủa vây cắn nuốt cả kiếp người.

Nhân gian đâu là ta, đâu là quỷ, phút chốc đã chẳng thể phân.

Giật mình nhìn lại, quỷ đã ở ngay sát bên ta rồi.

Bạch Dạ Hành

Kosuke, chủ một tiệm cầm đồ bị sát hại tại một ngôi nhà chưa hoàn công, một triệu yên mang theo người cũng bị cướp mất.

Sau đó một tháng, nghi can Fumiyo được cho rằng có quan hệ tình ái với nạn nhân và đã sát hại ông để cướp một triệu yên, cũng chết tại nhà riêng vì ngộ độc khí ga. Vụ án mạng ông chủ tiệm cầm đồ rơi vào bế tắc và bị bỏ xó.

Nhưng với hai đứa trẻ mười một tuổi, con trai nạn nhân và con gái nghi can, vụ án mạng năm ấy chưa bao giờ kết thúc. Sinh tồn và trưởng thành dưới bóng đen cái chết của bố mẹ, cho đến cuối đời, Ryoji vẫn luôn khao khát được một lần đi dưới ánh mặt trời, còn Yukiho cứ ra sức vẫy vùng rồi mãi mãi chìm vào đêm trắng.

Xuyên Thấu

Xuyên Thấu là tác phẩm viết về ảnh hưởng tâm lý do bị bạo hành ở trẻ nhỏ.

Hai nhân vật chính của câu chuyện, Kawashima và Chiaki đều là những nạn nhân như thế. Họ gặp nhau, mang trong mình suy nghĩ hành hạ người khác và khiến đối phương đau khổ. Đây là một cuộc hội ngộ giữa một người đàn ông có mưu đồ giết người và một người phụ nữ mang ý định tự sát, một cuốn tiểu thuyết tâm lý có thể khiến người đọc căng thẳng, hồi hộp, được ra đời với mong muốn truyền đạt đến mọi người tiếng kêu cứu vô vọng của những đứa trẻ bị xã hội bỏ quên. Cuốn sách ấn tượng không chỉ bởi cảm giác ám ảnh đeo bám độc giả từ trang đầu tiên cho đến tận trang cuối cùng được mang đến nhờ ngòi bút miêu tả tâm lý tinh tế của nhà văn. Hơn tất cả, tác phẩm là lời cảnh tỉnh con người hiện đại hãy có một cái nhìn cảm thông sâu sắc đối với những đứa trẻ bị ngược đãi ngay trong chính gia đình mình. Ryu Murakami đã làm được điều mà ông muốn: “cố gắng tưởng tượng và diễn đạt cho mọi người hiểu được những tiếng kêu than, những lời thì thầm của những con người bé nhỏ khốn khổ…”

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

5 quyển sách hay về kim tự tháp dẫn lối bạn tới các di tích lịch sử 5 quyển sách hay về kim tự tháp giới thiệu về lịch sử hình thành cùng những giai thoại, bí ẩn chưa có lời giải đáp của Kim Tự…
5 quyển sách hay về tăng chiều cao hiệu quả nhất 5 quyển sách hay về tăng chiều cao hướng dẫn người đọc tăng chiều cao thông qua nhiều phương pháp, bao gồm dinh dưỡng hợp lý, vận động cơ…
Những quyển sách hay về công nghệ đúc đáng tham khảo Những quyển sách hay về công nghệ đúc giới thiệu về lý thuyết chung trong công nghệ đúc, mô tả kỹ thuật nấu luyện một số hợp kim đúc…
Back to top button