11 cuốn sách hay về tâm lý trẻ em nêu rõ những nguyên tắc tâm lý học căn bản để cha mẹ hiểu được con cái, có thêm góc nhìn và kinh nghiệm để có thể chăm sóc con của mình một cách hoàn hảo nhất.
Bạn Thật Ra Không Hiểu Tâm Lý Con Trẻ
Trong thời đại bùng nổ thông tin, con trẻ ngày càng già dặn. Sự thay đổi này làm cha mẹ trở tay không kịp, tuổi thơ của con không giống như tuổi thơ của họ. Nhiều bậc cha mẹ không kịp chuẩn bị, nên lo lắng. Trẻ đưa ra những câu hỏi thẳng tuột đến không ngờ khiến cha mẹ bối rối. Có nhiều trường hợp, cha mẹ không hiểu con mình cần gì, muốn gì, cảm thấy khó khăn trong việc dạy dỗ con cái. Gặp phải tình huống này, rất nhiều người thích lấp liếm bằng từ: “khoảng cách thế hệ”. Nhưng đó chỉ là cách miêu tả hiện tượng, không phải là cách giải quyết vấn đề mà còn bị cho là thiếu trách nhiệm.
Trên thực tế, chính vì cha mẹ “thiếu hiểu biết” nên mới có khoảng cách thế hệ. Nếu họ nắm bắt được chút ít về tâm lý học nhi đồng, thì có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề. “Bạn thật ra không hiểu tâm lý con trẻ” nêu rõ những nguyên tắc tâm lý học căn bản để cha mẹ hiểu được con cái hầu uốn nắn, hướng dẫn hiệu quả trong suốt quá trình trưởng thành của chúng.
Cuốn sách Bạn thật ra không hiểu tâm lý con trẻ sẽ giúp bạn hiểu con trẻ của mình một cách tốt nhất.
Thấu Hiểu Tâm Lí Trẻ Để Yêu Con Đúng Cách
Ai cũng biết khi mới sinh ra, mọi đứa trẻ đều là những trang giấy trắng. Khi chúng lớn lên, trên trang giấy đã được vẽ lên những kí hiệu khác nhau. Có trang là chính trực, lạc quan, kiên trì, nhưng cũng có trang là ích kỉ, cô độc, khép kín. Mỗi đứa trẻ sau một khoảng thời gian sống trong một môi trường nào đó sẽ có tâm lí và tính cách tương ứng. Môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến sự trưởng thành của trẻ.
Bên cạnh đó, trước tuổi 13 là giai đoạn rất quan trọng, mang tính quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ sau này. Cha mẹ cần đối xử với con như thế nào? Làm thế nào để con nghe lời mà vẫn giữ được sự liên kết thân tình giữa cha mẹ và con cái? Nhận biết được sự quan trọng trong giai đoạn phát triển này đối với trẻ, tác giả đã đặt hết những kiến thức và kinh nghiệm sống của bản thân nhằm tạo ra một quyển tài liệu hữu ích cho cha mẹ.
Một người cha, người mẹ thông thái là người có thể thấu hiểu con để con hiểu được tình cảm đằng sau những mong muốn người lớn đặt ra, giúp con hình thành những cảm xúc tích cực sâu trong tâm trí và nuôi dưỡng lòng tự trọng của mình.
Nhưng, bạn đã làm được điều gì cho con?
Đó là câu hỏi đáng suy ngẫm. Nếu như bạn cảm thấy mình vẫn chưa thật sự thấu hiểu con, hãy đọc quyển sách này để có thêm góc nhìn và kinh nghiệm để có thể chăm sóc con của mình một cách hoàn hảo nhất.
Bách Khoa Tâm Lý Trẻ Từ 0 – 2 Tuổi
Giữa những kiến thức ở thời đại kĩ thuật số như hiện nay, cha mẹ khó mà phân định rõ kiến thức nào là chính xác. Và kiến thức đến từ chuyên gia là một trong cách tốt nhất để học hỏi.
Trong năm đầu tiên, điều mà mẹ phải chú trọng nhất là đáp ứng mọi nhu cầu về mặt sinh lý của con. Đây là thời kỳ cơ thể và tâm hồn của con chưa tách biệt, nghĩa là sự phát triển thể chất cũng đồng nghĩa với sự phát triển tâm lý.
Trong mắt mẹ, những hành vi lạ thường như khóc lớn, ăn vạ,… đều chỉ là hành vi cố chấp vô lý nhưng thực ra nó chứng tỏ con đang hình thành tính độc lập và con đã hiểu rằng mình là một thực thể tồn tại riêng biệt với mẹ. Con bắt đầu coi cơ thể đã trở nên tự do của mình là vũ khí. Mong muốn khám phá thế giới mà mình đang sống thôi thúc khiến con chạy nhảy lăng xăng khắp nơi. Và thế là cuộc chiến bất đồng giữa con – người đang muốn tự mình trải nghiệm mọi thứ để thỏa mãn sự hiếu kỳ – và cha mẹ – những người không dám để mặc con làm theo ý mình – bắt đầu. Nếu tích cực đón nhận những hành động của con với hàm ý rằng “Đã đến lúc con muốn thể hiện ý kiến cá nhân rồi”, hẳn việc nuôi con của tôi đã hạnh phúc hơn biết bao nhiêu. Bởi lẽ, mặc dù hiểu lý thuyết nhưng tôi cũng không tránh khỏi đôi lần bật khóc khi chứng kiến con ăn vạ không biết trời đất là gì.
Đó cũng là những điều mà tác giả Shin Yee Jin, một người mẹ cũng như bao người mẹ khác đã trải qua những thời kỳ khủng hoảng trong khi mang thai và sau sinh. Cô đã cho ra nhiều tập sách giá trị giúp các bà mẹ Hàn Quốc nhẹ gánh hơn trong quá trình nuôi dạy con của mình.
Bách Khoa Tâm Lý Trẻ Từ 3 – 4 Tuổi
Người ta hay nói rằng “Việc quen tay lâu ngày thành giỏi” thế nhưng, ngay cả những mẹ có kinh nghiệm chăm con 3, 4 năm đi chăng nữa vẫn luôn thấy việc nuôi dạy con cái không hề dễ dàng chút nào. Dù đã biết tố chất của con và xác định được những nguyên tắc để nuôi dưỡng những tố chất đó, mẹ vẫn ngạc nhiên trước những tình huống chẳng thể ngờ tới của các con.
Thời kỳ 3 – 4 tuổi này, các con thật giống những quả bóng bầu dục, không biết sẽ bật nảy đi đâu. Đặc biệt, các con phải “đối đầu” với thách thức khó khăn nhất của cuộc đời là hình thành cá tính và phải làm thế nào để vượt qua thách thức đó một cách xuất sắc. Những đòi hỏi không kiểm soát được của con cứ tăng dần, sự bướng bỉnh, luôn muốn làm theo ý mình cũng thể hiện rõ hơn trước. Lúc này, các con bắt đầu làm quen với bạn bè cùng lứa tuổi, vấn đề rắc rối cũng theo đó tăng nhanh vì bé phải chịu nhiều áp lực khi bạn hàng xóm đọc được chữ, đếm được số rồi đấy….
Việc bố mẹ cần làm trong thời kỳ này là phán đoán xem mình có thể chấp nhận những đòi hỏi của bé hay không. Khi bé đòi hỏi điều có thể chấp nhận được, bố mẹ hãy đồng ý ngay. Nếu đó là điều không thể chấp nhận được, bố mẹ tuyệt đối phải kiên quyết từ chối đến cùng! Các bé rất thích nguyên tắc này vì chúng nghĩ rằng bố mẹ xây dựng và giữ vững những nguyên tắc đó là quan tâm đến bé. Theo đó, bé cũng sẽ xây dựng những nguyên tắc trong phạm vi bản thân cảm thấy thoải mái. Việc giữ được thái độ nhất quán là bài học quan trọng mà bố mẹ có thể dạy bé trong thời kỳ này.
Tóm lại, bố mẹ nên lưu ý: Đây là thời kỳ bé hình thành tính cách và nuôi dưỡng khả năng điều chỉnh của bản thân. Bố mẹ hãy phân biệt những thứ có thể chấp nhận được và những thứ không thể chấp nhận được để hành động một cách nhất quán. Xác định nguyên tắc giáo dục con cái là điều rất quan trọng!
Bách Khoa Tâm Lý Trẻ Từ 5 – 6 Tuổi
Dường như sẽ nhiều vấn đề hơn trong giai đoạn này. Trẻ lứa tuổi này cực kỳ thông minh. Bé biết cách điều chỉnh cảm xúc theo lý trí và trí tuệ phát triển vượt bậc giúp cho việc học trở nên dễ dàng. Vậy là nhiều bố mẹ sa vào việc dạy con như một lẽ đương nhiên. Thế nhưng, trong giai đoạn này, việc học kiến thức không quan trọng bằng việc chuẩn bị nền tảng cần thiết để con bước vào cuộc sống như khả năng điều chỉnh cảm xúc, kiềm chế bốc đồng, khả năng tập trung, đồng cảm với người khác, đạo đức, tính xã hội, sự hiếu học.
Thông qua quá trình chơi đùa với bạn bè, giao cảm với bố mẹ và các tình huống đa dạng trong thực tế, trẻ sẽ quan sát, trải nghiệm và cảm nhận một cách tự nhiên. Vì vậy, khi con ở giai đoạn này rất mong bố mẹ đừng cố dạy con điều gì đó mà hãy nắm tay con và bước ra ngoài, cho con hòa mình vào thế giới rộng lớn. Học tập là một quá trình lâu dài kéo dài suốt cuộc đời. Trong khi đó, những giây phút được ở bên cạnh và cảm nhận sự ấm áp của bố mẹ, những khoảnh khắc thoải mái vui đùa với bạn bè sẽ mãi mãi không thể quay trở lại với trẻ. Các ông bố, bà mẹ đừng quên rằng, xét cho cùng, hạnh phúc từng ngày với con mới chính là điều quan trọng nhất.
6 tuổi là thời điểm mà 70 % nền tảng cho cuộc sống sau này của trẻ đã được định hình. Bằng kinh nghiệm lâm sàng trong mấy chục năm làm việc cộng với kinh nghiệm của một người mẹ nuôi hai con, tác giả đã viết nên cuốn sách này. Hi vọng rằng cuốn sách không chỉ giúp ích cho các mẹ trong thời điểm hiện nay mà còn cho cả 20 năm đầu đời tiếp theo của trẻ!
Phương Pháp Giáo Dục Montessori – Thời Kỳ Nhạy Cảm Của Trẻ
Từ lúc bé cất tiếng khóc chào đời cho đến khi biết đi, biết nói, biết viết… tất cả đều bắt đầu từ con số 0. Trẻ đã làm thế nào để hoàn thành những “nhiệm vụ bất khả thi” ấy, để thích ứng với thế giới phức tạp này?
Montessori từng nói: “Những đứa trẻ trải qua thời kì nhạy cảm đang nhận sự “chỉ huy” từ một mệnh lệnh thần kì trong vô thức, ngay cả tâm hồn bé nhỏ của chúng cũng nhận được sự khích lệ”.Trong quá trình phát triển từ 0~6 tuổi, trẻ chịu sự chi phối của sức sống nội tại, ở một giai đoạn nào đó sẽ vô cùng chú ý tới những đặc trưng của sự vật trong một môi trường nào đó, đồng thời không ngừng lặp lại quá trình thực tiễn. Sau khi thuận lợi vượt qua thời kì nhạy cảm, trí tuệ của trẻ sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Thời kì nhạy cảm không chỉ là giai đoạn quan trọng cho việc học tập của trẻ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển tâm hồn và tính cách của chúng. Do vậy, các bậc phụ huynh nên tôn trọng những hành động mà tự nhiên đã ban tặng cho trẻ, đồng thời đưa ra những định hướng cần thiết, giúp trẻ không bỏ lỡ cơ hội duy nhất này.
Đọc Vị Mọi Vấn Đề Của Trẻ
“Trong cuốn sách này, tôi muốn giúp bạn, xoa dịu nỗi sợ của bạn và chỉ cho bạn cách tự tạo cho mình sức mạnh của một người làm cha mẹ. Tôi muốn dạy cho bạn những gì tôi đã học được từ công việc cả đời thì thầm với trẻ cũng như trả lời những câu hỏi mà bạn đặt ra cho tôi. Tôi muốn dạy bạn cách nghĩ giống như tôi. Tất nhiên, dù tôi có cố gắng liệt kê tất cả những vấn đề mà bạn có thể gặp phải thì mỗi một em bé và mỗi một gia đình lại có một chút khác biệt. Vì thế, khi các ông bố bà mẹ tìm đến tôi với một vấn đề cụ thể nào đó, để đánh giá xem chuyện gì đang xảy ra trong ngôi nhà và với đứa con sơ sinh hoặc đứa con mới chập chững biết đi của họ, tôi luôn hỏi ít nhất một, nếu không thì phải một loạt những câu hỏi về cả đứa trẻ và việc mà cha mẹ đã làm để ứng phó với tình huống đó. Sau đó, tôi mới có thể nghĩ ra kế hoạch hành động phù hợp. Mục tiêu của tôi là giúp bạn hiểu được quá trình tư duy và hình thành thói quen tự đặt câu hỏi. Như vậy, bạn sẽ không chỉ là người thì thầm với trẻ, mà còn trở thành một người giải quyết vấn đề xuất sắc – một Quý bà hoặc Quý ông vạn năng.
Khi đọc tiếp, tôi muốn bạn nhớ điều quan trọng này: Vấn đề không là gì khác ngoài một rắc rối cần phải giải quyết hoặc một tình huống đòi hỏi giải pháp sáng tạo. Hãy đặt ra đúng câu hỏi và bạn sẽ tìm ra câu trả lời chính xác.”
(Tracy Hogg)
Sự Ra Đời Trí Khôn Ở Trẻ Em
Jean Piaget (9/8/1896 – 16/9/1980): triết gia nhà tâm lý học người Thụy Sĩ sử dụng tiếng Pháp, nổi tiếng thế giới qua sự nghiệp nghiên cứu quá trình nhận thức của trẻ em. Lí thuyết về phát triển nhận thức và quan điểm tri thức học của ông được gọi chung là “tri thức học sinh triển” (genetic epistemology). Ông hết sức coi trọng việc giáo dục trẻ em. Là Giám đốc Văn phòng Giáo dục Quốc tế, năm 1934 Piaget đã tuyên bố: “Chỉ có giáo dục có khả năng cứu các xã hội của chúng ta khỏi sự sụp đổ có thể xảy ra, sụp đổ dữ dội hay từng bước”.
Xuất phát từ quan sát tỉ mỉ ba người con của mình (Laurent, Lucienne và Jacqueline) từng ngày trong suốt hai năm đầu đời của chúng, Jean Piaget khám phá thấy trẻ nhỏ xây dựng những kiến thức thông qua chính hành động của chúng (tìm vú, mút ngón trỏ, nhặt đồ vật hoặc buồng đồ vật…). Ông nhận ra mối quan hệ giữa trí khôn với hai quá trình cơ bản đồng hóa và điều tiết: Trẻ nhỏ đồng hóa các dữ liệu của thế giới xung quanh và điều tiết chúng thành hiểu biết thông qua những cấu trúc tư duy.
Những tiến trình trí khôn mô tả trong sách này bắt đầu trong hai năm đời đầu tiên mang tính thực hành, tiến trình cảm giác-vận động. Những tiến trình đó càng ngày càng được «tái tạo» theo cùng mô thức mỗi lúc một thêm trừu tượng – vì lẽ đó mà tác phẩm Sự Hình Thành Trí Khôn Ở Trẻ Nhỏ trở thành công trình cơ bản của ông. Piaget nêu rõ các giai đoạn phát triển mà bất kỳ con người nào cũng phải đi qua. Trí khôn ban đầu mang tính cảm giác-vận động (táy máy đồ vật) dần dần được «chuyển vào bên trong tâm lý» và chuyển dần thành tư duy ban đầu thì cụ thể, sau càng lúc càng trừu tượng cho tới khi hoàn toàn trừu tượng. Và trí khôn hình thành trên đại thể theo tiến trình đó. Vì thế mà có tên cuốn sách Sự Ra Đời Trí Khôn Ở Trẻ Em.
Vì Sao Mình Nhảy Nhót
Tác giả là một cậu bé mắc bệnh tự kỷ, cậu nói về thế giới và cảm nhận của người tự kỷ thông qua hình thức hỏi đáp. Những câu trả lời của cậu giúp người đọc hiểu thêm về những người mang bệnh này để cùng đồng hành và yêu thương.
Chữa Lành Đứa Trẻ Bên Trong Bạn
Cuốn sách này là quá trình khám phá và phục hồi dành cho những người trưởng thành gặp tổn thương từ gia đình.
Khái niệm “Đứa trẻ nội tâm” trở thành một phần của nền văn minh nhân loại từ cách đây ít nhất 2000 năm. Carl Jung gọi khái niệm này là “Đứa trẻ thần thánh” (Divine Child), còn Emmet Fox gọi là “Đứa trẻ kì diệu” (Wonder Child).
Hai nhà tâm lý trị liệu Alice Miller và Donald Winnicott đã đề cập đến nó như là “chân ngã” (cái Tôi đích thực) của chúng ta. Nhiều chuyên gia khác trong lĩnh vực nghiên cứu chứng nghiện rượu và chất kích thích khác gọi nó là “Đứa trẻ nội tâm” (Inner Child).
Thuật ngữ Đứa trẻ nội tâm dùng để nói về phần tâm hồn vô cùng sôi nổi, tràn đầy sức sống, sáng tạo và mãn nguyện trong sâu thẳm mỗi người; đây chính là Đứa trẻ nội tâm – là Chân Ngã – là con người thực sự của chúng ta.
Những chấn thương tâm lý xuất hiện lặp đi lặp lại sẽ làm gián đoạn quá trình phát triển lành mạnh của một đứa trẻ, điều này sẽ khiến phản xạ “chiến đấu, chạy trốn hoặc tê liệt” của trẻ trở nên mất kiểm soát.
Trải qua quá trình 10 năm nghiên cứu và tìm hiểu hơn 330 báo cáo khoa học khác nhau được thực hiện trên 230.000 người ở trên khắp thế giới, tôi có thể khẳng định rằng: chấn thương tâm lý từ tuổi thơ tạo ra vô số những hậu quả gây tổn thương khác nhau và được biểu hiện theo nhiều cách, bao gồm một hoặc nhiều hội chứng phổ biến được gọi chung là những rối loạn tâm thần – từ trầm cảm, đến nghiện ngập, tâm thần phân liệt – kéo theo một loạt các rối loạn về thể chất khác.
Những căn bệnh còn được gọi là “rối loạn chấn thương phổ quát” này thể hiện mối liên hệ mật thiết với quá khứ tuổi thơ phải trải qua những tổn thương liên tiếp. Hơn nữa, trái ngược với những kiến thức tâm thần học hiện đại, có rất ít bằng chứng cho thấy nguyên nhân của những chứng bệnh này xuất phát từ một rối loạn chuyển hóa gen trong tính chất hóa học của bộ não..
Tâm lý học phát triển
Tâm lý học phát triển là một chuyên ngành của tâm lý học, nghiên cứu nguồn gốc, động lực, cơ chế, quy luật và các điều kiện của sự phát triển tâm lý con người, với tư cách là thành viên của xã hội, qua các giai đoạn của cuộc đời.
Cùng danh mục: