4 quyển sách hay về Phở mang đến cho người đọc những mô tả chi tiết về lịch sử hình thành của Phở, sự phát triển của nó và cách chế biến món ăn này cho đến ngày nay.
Trăm Năm Phở Việt (Phở Việt Du Hành Xuyên Thế Kỷ)
Tôi rất mến mộ tác giả Trịnh Quang Dũng người yêu phở như tôi, đã dành trọn 10 năm cuộc đời viết nên tác phẩm tâm huyết “Trăm năm phở Việt” để tri ân với Phở. Sách là cách hữu hiệu và bền vững nhất tôn vinh giá trị món Phở – vốn là “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam. Tác phẩm chẳng những khẳng định ”bản quyền phở” của người Việt mà còn giới thiệu tới công chúng thân phận thăng trầm của phở trong đời sống Việt xuyên suốt hơn 100 năm lịch sử cận đại hào hùng. Trăm Năm Phở Việt thực sự là một cuốn biên niên Việt sử phở có giá trị vượt thời gian. Không chỉ vậy, cuốn sách còn dẫn dắt chúng ta đến với đời sống văn hóa phong phú đầy tính nhân văn của Phở.
Phở – món ăn tuyệt vời đang lan tỏa ra toàn cầu. Nhưng để Phở có thể “gõ cửa” từng thực khách nước ngoài giúp họ tự làm cho mình một tô phở chuẩn vị Việt, sứ mệnh đó thuộc về “Phở ăn liền” Acecook. Có thể nói Acecook đang và sẽ nỗ lực hết mình tôn vinh giá trị vật thể của phở. Nay tác phẩm Trăm Năm Phở Việt thổi hồn cho phở, cho phở một giá trị tinh thần mà thăng hoa và trường tồn. Phở ngày càng nổi tiếng sẽ cùng sánh vai với sushi – Nhật, Pizza – Ý trong và nhiều tinh hoa ẩm thực khác của nhân loại, từ đó nâng vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới.
— Kajiwara Junichi – Tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam
Phở – Nguyễn Tuân – Tùy bút
Nguyễn Tuân viết Phở dưới dạng tùy bút nên ngắn gọn và súc tích. Tùy bút viết trong hoàn cảnh ông đang tham dự Đại hội hòa bình thế giới ở Phần Lan năm 1957. Tại đó, tác giả được ăn uống với nghi thức trang trọng: đồ sứ, pha lê, khăn trải bàn trắng muốt… nhưng lại cảm thấy không ngon.
Ở nơi đất khách quê người, Nguyễn Tuân nhớ về bát phở Hà Nội. Ông cùng các bạn trong đoàn cùng bàn về những đặc điểm của phở dân tộc…
Phở còn tài tình ở cái chỗ là mùa nào ăn cũng thấy có nghĩa thâm thúy. Mùa nắng, ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợt thắm tươi lại.
Nguyễn Tuân mất tại Hà Nội vào năm 1987. Năm 1996, ông được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I). Hà Nội có một tuyến phố mang tên ông.
Hà Nội 36 Phố Phường
Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải… Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu… Ta phải nghe người Pháp nói đến Paris, người ở Paris, mới hiểu được sự yêu quý ấy đến bực nào.
Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật (chúng ta chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội, cũng như người Parisien chính hiệu yêu mến Paris… Trong những cuộc phiếm du, – phiếm du ngoài các phố Hà Nội là một cái thú vô song chỉ người Hà Nội có – ta nên chú ý đến những nét đổi thay của thành phố, nên nhận xét những vẻ đẹp cũng như vẻ xấu của phố phường, thân mật với những thú vui chơi hay những cảnh lầm than, với những người Hà Nội cũng như ta.
Hà Nội có một sức quyến rũ đối với các người ở nơi khác… Ở những hang cùng ngõ hẻm của làng xa, hay ở những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng của Hà Nội chiếu lên nền mây. Để cho những người mong ước kinh kỳ ấy, và để cho những người ở Hà Nội, chúng ta khuyến khích yêu mến Hà Nội hơn, chúng ta nói đến tất cả những vẻ riêng của Hà Nội, khiến mọi sự đổi thay trong ba mươi sáu phố phường đều có tiếng vang ra khắp mọi nơi.
THẠCH LAM
Phở Và Các Món Nước
Phở và các món nấu có nước dùng từ lâu đã rất quen thuộc với người Việt, mang đậm đặc trưng văn hóa ấm thực của từng vùng miền. Các món ăn này vừa như thức ăn nhanh, lại cũng rất cân đối, hài hòa về giá trị dinh dưỡng – chỉ trong một tô bún hay tô phở, tô hủ tiếu… chúng ta có chất đạm, có rau xanh, chất tinh bột… đủ để ăn no và thật ngon lành, hấp dẫn.
Ngày nay, ngoài món phở đã trở nên nổi tiếng trong nước và trên thế giới, các món nấu có nước dùng khác cũng đang dần vượt khỏi địa lý vùng miền và “hội nhập”. Ta có thể thưởng thức bún bò Huế, mì Quảng, bánh canh Trảng Bàng, bún cá Kiên Giang ở rất nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam.
Xin được giới thiệu với bạn đọc xa gần những món ăn có nước dùng đặc sắc của người Việt, với mong muốn các món ăn này ngày một lan xa, lan rộng bởi sự hấp dẫn, độc đáo và dinh dưỡng của chúng.
Cùng danh mục: