11 cuốn sách hay về nước Pháp đi sâu phân tích các khía cạnh lịch sử, văn hóa, khoa học, đời sống… đặc sắc của dân tộc Pháp. Bạn sẽ cảm nhận được âm thanh, hương vị và màu sắc của những gì thật Paris, thật Pháp và có thể lý giải vì sao nền văn hóa Pháp luôn có sức cuốn hút mạnh mẽ trong suốt chiều dài lịch sử..
NAPOLEON Đại Đế
Napoleon là một nhân vật đặc biệt vĩ đại và hấp dẫn trong lịch sử Pháp cũng như lịch sử thế giới. Cuộc đời, sự nghiệp, quan điểm, tài năng của ông đã là chủ đề của hàng nghìn cuốn sách trong suốt hai thế kỉ qua, và có lẽ sẽ còn được nghiên cứu tiếp trong nhiều thế kỉ sau nữa.Thuở nhỏ, cậu bé ham mê đọc sách, nhưng trình độ học vấn không cao. Pháp văn của ông rất tệ, ông thường bị trêu chọc ở trường vì chất giọng khôi hài.
Napoleon chỉ tìm thấy mình khi vào quân đội, sau khi tốt nghiệp Trường Quân sự ở Paris và tìm được vị trí sĩ quan pháo binh. Tới năm 1793 Napoleon đóng vai trò nổi bật trong cuộc đánh bật quân Anh khỏi cảng Toulon và chiếm được thành phố này cho các lực lượng cộng hòa, nhờ đó ông được thăng cấp tướng. Khi cuộc cách mạng bao trùm nước Pháp, tài năng của Napoleon trên cương vị một người lính lên đến tột đỉnh.
Ông từng gây tai tiếng khi dọn sạch các đường phố ở Paris bằng cách bắn đạn chùm vào quân nổi loạn. Ông đưa quân vào Italy và Ai Cập, nổi bật với một chuỗi những thành công ấn tượng cùng với uy danh về một thiên tài quân sự vô song. Ông trở thành người cai trị nước Pháp năm 1799. Năm 1804, ông tự phong mình làm Hoàng đế và vợ ông, Josephine lên ngôi Hoàng hậu. Napoleon được tôn sùng khi mới vừa qua độ tuổi hai mươi.
Sang Tây – Mười Tháng Ở Pháp
Sang Tây – mười tháng ở Pháp là những ghi chép của Đào Trinh Nhất trong chuyến đi sang Pháp vào đầu thế kỷ 20. Trong khoảng thời gian mười tháng ở Pháp, tác giả có nhiều dịp tham dự các hoạt động chính trị – xã hội và bước đầu nhận ra những điều khác lạ, bao gồm cả sự hợp lý và nghịch lý của xã hội dân chủ tư sản Pháp. Những ghi chép của tác giả cũng cho thấy phần nào diện mạo đời sống xã hội nước Pháp và khả năng áp bức, chi phối, bóc lột của tư bản Pháp với người dân lao động cả ở chính quốc cũng như nước thuộc địa…
Trí Tuệ Dân Tộc Pháp
Pháp, đất nước hình lục lăng, là quê hương của một nền văn hóa rực rỡ bậc nhất châu Âu và tỏa sáng khắp thế giới: nơi đây có thủ đô Paris hoa lệ, đã quyến rũ và vẫn quyến rũ đến mức mê hoặc bởi chính sự phù phiếm của nó, với những nhãn hiệu nước hoa, những nhà tạo mẫu thời trang lừng danh, những chai rượu vang hảo hạng. Có lẽ vị trí trung tâm châu Âu đã tạo nên thế giới tinh thần Pháp nhưng còn hơn thế, tâm hồn lãng mạn và trí tuệ sâu sắc đã vinh danh nước Pháp trong lịch sử với vô số triết gia, văn sĩ, nghệ sĩ bậc thầy, đồng thời còn lôi cuốn những tâm hồn lãng mạn và trí tuệ sâu sắc của toàn thế giới hội tụ ở Paris..
Hẹn Hò Với Paris
Vẫn lãng mạn, nhưng sâu lắng và thấm đẫm chất sống lạc quan, yêu đời, một lần nữa Trương Anh Ngọc lại cuốn độc giả vào những hành trình mới của anh với cuốn du ký đầy cảm xúc, dữ liệu và năng lượng này. Dưới ngòi bút anh viết, nước Pháp hiện lên đầy mơ mộng và lãng mạn, Brazil với những mảng tương phản mạnh mẽ, những thành phố, làng mạc và cánh đồng châu Âu cùng những nét văn hóa, lịch sử và con người được thể hiện một cách sống động, chân thực và đáng yêu. Mời bạn hãy bước vào cuộc hành trình qua những vùng đất, thành phố châu Âu, khám phá những nét văn hóa, con người và lịch sử theo cách đi của một người lữ hành say sưa với những chuyến đi khắp bốn phương trời.
Thanh Lịch Kiểu Pháp
Người ta vẫn thường rỉ tai nhau về vẻ xinh đẹp phóng khoáng và nhất là cái chất thanh lịch lạ kỳ của những người đàn bà Pháp quốc. Người ta không hiểu tại sao những phụ nữ sinh ra tại xứ sở này lại có thể mang trên mình ngần ấy vẻ thu hút, với khả năng gây bối rối ngay tắp lự trái tim hầu hết mọi đàn ông. Và đàn bà xứ khác mặc dù “ xanh mắt ghen tị” nhưng vẫn chưa khi nào thôi băn khoăn tìm kiếm bí mật cho vẻ quyến rũ lạ kỳ của phụ nữ Pháp.
Và nếu đã nói đến phụ nữ Pháp và nước Pháp, người ta không thể không nhắc tới Thời trang. Đường phố Paris dường như là một sàn catwalk khổng lồ dài bất tận với những người phụ nữ ăn vận đẹp đẽ và thanh lịch. Họ đẹp một cách phóng khoáng và tự do, họ hơi xuề xòa và không kiểu cách nên thường mang lại cảm giác tự nhiên và chân thực, không cầu kỳ, không phô trương, rất mực tinh tế và rất giỏi cân bằng. Họ “đẹp” mà không cần “gắng gượng”.
Đối với phụ nữ Pháp, thời trang không chỉ là quần áo, thời trang còn là phong cách sống, sâu sắc hơn, thời trang là văn hóa. Vậy nên mới có chuyện phụ nữ Pháp dõng dạc đưa ra những triết lý thời trang “kiêu hãnh” và đúng đắn như sau:
- Phụ nữ Pháp không bao giờ phải vất vả để “đẹp”.
- Không chạy theo xu hướng, xu hướng mới phải là thứ chạy theo chúng ta.
- Nếu có thứ gì xứng đáng để đầu tư tiền bạc mà không cần nghĩ ngợi tính toán, thì đó chính là những món quần áo căn bản như thế.
- Hãy mặc đồ bình dân một cách thanh lịch.
- Bản chất của một gu thẩm mỹ tốt luôn luôn nằm ở sự vừa phải, chừng mực.
Và quan trọng hơn tất thảy, triết lý “tuyệt đỉnh” nhất của họ chính là:
“Bạn không cần sinh ra ở Pháp để sở hữu vẻ ngoài thanh lịch kiểu Pháp”
Sống Như Người Paris
Những cô gái Paris luôn có điều gì thật bí ẩn, với vẻ duyên dáng và nhẹ nhõm chết người của họ. Bạn đã nhận ra điều đó từ lâu, nhưng không thể cắt nghĩa vì sao!
Ở đây, trong cuốn sách này, đích thân phụ nữ Paris sẽ đưa ra định nghĩa về… chính họ, và cho ta biết thế nào là một quý cô Paris xét trên mọi mặt: văn hóa, thời trang và thái độ…
Họ sẽ mách cho bạn biết làm thế nào để trở nên gợi cảm, để khiến bạn trai của bạn phải lên cơn ghen, để tiếp cận đám cưới và phòng tập gym một cách đúng đắn, rồi họ sẽ chia sẻ sổ địa chỉ của bản thân (áp dụng trong nội thành Paris) để bạn biết mình phải đi đâu vào cuối đêm, vào một dịp sinh nhật, vào một ngày thông minh đột xuất và nhiều hơn thế nữa…
Những dòng tâm sự hài hước, những bức ảnh minh họa đầy phong cách, những mẹo vặt hữu ích trong việc nấu ăn và chăm sóc nhà cửa sẽ giúp bạn nhận ra chân lý: thật thú vị khi sống như người Paris!
Gái Pháp Chính Hiệu
Với “Gái Pháp chính hiệu”, tác giả của cuốn sách – Laurence Caracalla, đã nhận được lời khen tặng từ tuần báo The Times danh giá, rằng cô xứng đáng là “một trọng tài quốc gia về phong cách sống”- cô đã chứng tỏ được kĩ năng quan sát tinh tế của mình khi thâm nhập và bóc tách được hết thảy mọi khía cạnh trong cuộc sống của một phụ nữ Pháp điển hình. Cần phải nói rõ rằng tác giả không phải nhất mực tôn sùng hay thần thánh hóa phụ nữ Pháp, mà rất công tâm, cô thậm chí bóc mẽ họ khá nhiều lần với những thói hư tật xấu được phơi bày thẳng thừng không giấu diếm… Qua ngòi bút của Laurence, phụ nữ Pháp thực sự là những người đàn bà ngọt ngào nhất nhưng cũng kiêu kì bậc nhất; thanh lịch nhất nhưng cũng đáo để nhất; nghiêm nghị nhất nhưng cũng khoái bông đùa nhất… Và quả thật, đây mới chính là họ!
Làm Dâu Nước Pháp
Nằm trong series sách “Làm dâu xứ lạ” do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành, tự truyện Làm dâu nước Pháp của tác giả Hiệu Constant là bức tranh về cuộc sống của một cô dâu Việt ở trời Âu xa xôi, một điển hình của người phụ nữ thời hội nhập: chủ động kiếm tìm hạnh phúc, tạo dựng mái ấm, xử lý hài hòa các mối quan hệ cá nhân – gia đình – xã hội và đặc biệt là không đánh mất bản sắc của chính mình và của dân tộc. Có lẽ mối tình nào cũng khởi đầu bằng một ngẫu nhiên thật đẹp. Ngẫu nhiên mà như duyên nợ, và có lẽ cái duyên ấy đã làm nên mối tình của một cô nàng tốt nghiệp Khoa tiếng Pháp, trường Đại học Ngoại ngữ với một chàng kỹ sư người Pháp. Họ tình cờ gặp nhau trong một cửa hàng đồ lưu niệm trên phố cổ. Chị trở thành phiên dịch viên bất đắc dĩ cho một “ông Tây” lúc này đang rất lúng túng không biết làm thế nào để cô bán hàng hiểu anh muốn gì. Và chính chị đã giúp anh chọn được món quà ưng ý cho mẹ anh. 27 tuổi, khăn gói theo chồng sang làm dâu, làm mẹ ở “Thủ đô Ánh Sáng”, với bao ngỡ ngàng và lạ lẫm. Một nước Pháp hoàn toàn xa lạ, khác hẳn với những gì chị từng biết qua những tác phẩm văn học mà chị đã đọc và yêu thích thời còn học phổ thông với mong muốn một ngày nào đó sẽ đọc chính những tiểu thuyết ấy bằng ngôn ngữ nguyên bản. Và một người chồng Pháp, dù đã vượt qua bao thử thách của gia đình vợ để cưới chị, vẫn vô cùng bí hiểm khi họ đã là vợ chồng:
“Những ngày này phải nói là tôi rất buồn! Chồng tôi cứ đi công tác thì chớ, về nhà lại nghe đài và đọc báo, tối thì ra ban công ngắm trời mây và nhấm nháp li rượu vang. Để mặc mẹ con tôi loay hoay với nhau. Tôi đã muốn khóc, nhưng không bao giờ thèm khóc trước mặt anh. Chỉ đợi cho anh đi làm thì mới dám ôm con ngồi khóc thút thít một mình! Phải thú thật rằng đã có lúc ý tưởng quay về Hà Nội đến mơn trớn tư tưởng tôi!”
Bá Tước Monte Cristo
Bá tước Monte Cristo không chỉ xuất sắc ở cốt truyện, cách xây dựng nhân vật, các cao trào mà còn gửi gắm những ý niệm về hạnh phúc, đau khổ, các triết lý cuộc sống và giá trị nhân văn. Đây là tác phẩm đặc sắc và nổi tiếng nhất của Alexandre Dumas, được hoàn thành trong năm 1844, kể về một chàng thủy thủ trẻ tuổi, tài năng tên là Edmond Dantès.
Cuộc sống của Edmond tuy không giàu có nhưng hạnh phúc vì có người cha già kính yêu, có vị hôn thê xinh đẹp, có người chủ vô cùng tử tế…
Ngày chàng cưới vợ là ngày bi thảm nhất cuộc đời. Edmond bất ngờ bị vu oan, bị nhốt vào ngục tối như một kẻ tội đồ nguy hiểm. Người yêu chàng đau khổ, cha chàng chết mà không được gặp con… Cuộc đời chàng hoàn toàn chìm xuống vực sâu tuyệt vọng không lối thoát.
Những tưởng Edmond sẽ chôn thây trong ngục tối, nhưng nhờ một vị tu sĩ, người thông thái nhưng bị cho là điên khùng, đãchỉ dạy tận tình chàng mọi điều. 19 năm nhịn đắng nuốt cay, Edmond vượt ngục và đi tìm kho báu. Chàng bí mật đổi tên thành Monte Cristo, làm lại cuộc đời bằng kế hoạch trả thù tất cả những kẻ đã gây ra cho chàng bi kịch năm xưa…
Nhà Thờ Đức Bà Paris
Nhà thờ Đức Bà Paris là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn của Victor Hugo. Cũng nhờ thành công của tác phẩm mà ông được biết đến như một nhà văn nhân đạo, lãng mạn bậc nhất của nước Pháp. Bằng cốt truyện khá bi thảm, nặng nề, các tình tiết xếp đặt khéo léo, mang kịch tính và hình ảnh tô đậm, phóng đại, lẫn lộn thực hư, kết hợp với bút pháp miêu tả thật rực rỡ, kỳ thú, Victor Hugo đã vẽ nên một bức tranh thu nhỏ về xã hội Pháp thế kỷ XV.
“Cạnh ngôi nhà thờ lớn cổ kính, Victor Hugo xây dựng một tòa nhà thờ lớn khác bằng thi ca, cũng vững chắc như nền móng, cũng ngất cao như dãy tháp của tòa nhà thờ nọ”.
Du Lịch Âu Châu – Hội Chợ Marseille – Đấu Xảo Quốc Tế Paris
Ngay từ cuối thế kỷ XIX đã xuất hiện nhiều tác giả người Việt Nam viết du ký nhân những chuyến đi đến Pháp và các nước châu Âu như Philipphê Bỉnh (1794-1830) với Sách sổ sang chép các việc (1822), Trương Minh Ký (1855-1900) với các tác phẩm Như Tây nhật trình (1880-1888), Chư quấc thại hội (1889-1891)… Bước sang giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, số lượng tác giả viết du ký khi đến nước Pháp ngày càng nhiều và hình thức tác phẩm cũng đa dạng hơn, chẳng hạn các tác phẩm du ký trường thiên Pháp du hành trình nhật ký và Thuật chuyện du lịch ở Paris của học giả Phạm Quỳnh (1892-1945), Sang Tây – Mười tháng ở Pháp của Phạm Vân Anh, bút danh của nhà báo, nhà khảo cứu Đào Trinh Nhất (1900-1951), và tác phẩm du ký công vụ Du lịch Âu châu – Hội chợ Marseille – Đấu xảo quốc tế Paris của nhà khoa học, nhà báo Nguyễn Công Tiễu (1892-1976)…
Các tác phẩm du ký viết về nước Pháp đương nhiên phải do những người đã trực tiếp đặt chân đến nước Pháp viết ra. Đây là tiếng nói của người trong cuộc, người trải nghiệm – những tác gia văn học và cũng là các trí thức lớn đương thời. Hầu hết họ đã cộng tác và có mối quan hệ tốt đẹp với người Pháp nên cách nhìn, cách cảm nhận, đánh giá của họ về mối quan hệ Việt-Pháp có những nét riêng, khác biệt. Trước hết, họ tự ý thức về hoàn cảnh, điều kiện và trình độ lạc hậu của bản thân và đất nước mình. Bên cạnh những quan sát về nền kỹ nghệ và cách thức tổ chức xã hội nước Pháp theo mô hình phương Tây hiện đại, các tác giả nhận thức rõ nhu cầu cần canh tân, cần tự cường và phát triển đất nước theo xu thế hiện đại hóa… Có thể nói các chuyến đi và tiếp xúc thực tế với người Pháp và nước Pháp đã khiến họ thay đổi, bình tĩnh đánh giá khách quan hơn về thực trạng xã hội Pháp một thời… Nhìn rộng ra, điều này cũng góp phần lý giải mối quan hệ giữa tính dân tộc và quốc tế, dân tộc và tiến bộ xã hội, phương Đông và phương Tây, thể chế xã hội và quy luật tiến hóa lịch sử… Những quan sát, nhận thức về nước Pháp góp phần mở đường cho nhận thức về so sánh văn hóa Đông-Tây, kỹ nghệ Đông-Tây, tư duy Đông-Tây và xu thế hội nhập, giao lưu quốc tế…
Cùng danh mục: