19 quyển sách hay về chính trị có sức ảnh hưởng lớn ở nhiều lĩnh vực

19 quyển sách hay về chính trị giúp bạn đọc nghiên cứu các vấn đề cơ bản về nhà nước, chính quyền, chính trị, tự do, công bằng, tài sản, quyền, luật và việc thực thi luật pháp của các cơ quan thẩm quyền.

Chính Trị Luận

Tác phẩm nổi tiếng viết về các khái niệm mà từ đó định hình các quốc gia và chính phủ. Mặc dù, Aristotle cổ vũ mạnh mẽ cho chế độ nô lệ lạc hậu, quan điểm của ông về Hiến pháp và cách điều hành chính phủ lại rất kinh điển. Dù chỉ thảo luận về nhà nước và các định chế thời Hy Lạp cổ nhưng tác phẩm này của ông đã đặt nền tảng cho khoa học chính trị hiện đại

Tác phẩm này được xem là căn bản cho Chính trị học Tây phương. Chính trị luận nghiên cứu các vấn đề cơ bản về nhà nước, chính quyền, chính trị, tự do, công bằng, tài sản, quyền, luật và việc thực thi luật pháp của các cơ quan thẩm quyền.

Aristotle là biểu tượng của trí tuệ tư duy triết học. Mặc dù nội dung rất sâu sắc nhưng cách trình bày của ông lại rất dễ hiểu. Ông viết những suy nghĩ của mình một cách rõ ràng với độ chính xác siêu phàm. Học thuyết của ông có ảnh hưởng lớn đến những lĩnh vực hiện đại như : khoa học, chủ nghĩa duy thực và logic học

Theo Aristotle, là một người tốt không thôi chưa đủ. Nếu người dân tốt mà không tích cực tham gia vào đời sống chính trị của chế độ thì chế độ đó có cơ nguy trở thành thoái hóa và trở thành một chế độ xấu. – Dịch giả Nông Duy Trường

Chính Trị – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn

Có đúng chăng khi chúng ta lật đổ một nhà cai trị bất công? Liệu nền dân chủ có thực sự là hình thức chính quyền tốt nhất? Và chiến tranh có thể được biện minh hay không? Xuyên suốt chiều dài lịch sử, loài người đã tự hỏi mình những điều này cùng những câu hỏi lớn lao khác về cách thức tốt nhất để chúng ta cai trị chính mình và các tư tưởng gia vĩ đại đã đưa ra những lời giải đáp mà cho đến nay vẫn đang tiếp tục định hình thế giới.

Với văn phong dễ hiểu và sáng sủa, Chính trị – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn là tập hợp những bài viết ngắn gọn hàm súc giải thích rõ những điều khó hiểu, những sơ đồ từng bước giúp làm sáng tỏ những lí thuyết rối rắm và những hình ảnh minh họa dí dỏm giúp chúng ta ý thức rõ hơn về vai trò của mình trong cách thức tổ chức xã hội.

Qatar – Đất Nước Nhỏ, Nền Chính Trị Lớn

Nhà nước vùng Vịnh Qatar có số dân chưa tới 2 triệu, gần như không có nguồn nước tự nhiên và mới chỉ giành được độc lập từ năm 1971. Nhưng nguồn dầu mỏ và khí đốt khổng lồ đã tạo điều kiện cho gia tộc al Thani cầm quyền ở đất nước này tạo được ảnh hưởng vô cùng lớn trong chính trị khu vực và quốc tế. Như Mehran Kamrava giải thích trong cuốn sách chi tiết và nhiều thông tin này, Qatar là một “người khổng lồ tí hon”: dù thiếu hầu hết các phương tiện của quyền lực nhà nước nhưng Qatar đã tự tạo cho mình quyền lực vô cùng lớn về phương diện kinh tế, văn hóa cũng như ngoại giao.

Karava mô tả Qatar như một đất nước thử nghiệm đang xây dựng một xã hội mới trong khi thực hành cái mà tác giả gọi là “quyền lực tinh tế.” Qatar là nơi đặt tổng hành dinh của hãng truyền thông toàn cầu Al Jazeera, là nơi trình diễn tài năng của các kiến trúc sư nổi tiếng thế giới, các trường đại học trứ danh của nước Mỹ như Harvard, Yale, Georgetown cũng đặt cơ sở ở đây. Qatar còn là nước đăng cai Fifa World Cup 2022. Kamrava lập luận rằng việc Qatar sử dụng hiệu quả quyền lực tinh tế thách thức hiểu biết của chúng ta về vai trò của các nước nhỏ trong hệ thống toàn cầu. Cuốn sách này là khảo cứu sâu sắc và kịp thời về xã hội và chính trị Qatar đương đại.

Quân Vương – Thuật Cai Trị

Cuốn sách nhỏ của Niccolò Machiavelli đã hội tự những nguyên tắc làm nền móng cho khoa học quản trị nói chung và chính trị học nói riêng.

Người ta sẽ luôn đọc Quân vương chừng nào con người vẫn chưa thôi trò chơi nguy hiểm nhưng hấp dẫn có cái tên “chính trị”.

Qua cuốn sách, độc giả sẽ tìm ra chân dung một vị quân vương hình mẫu : keo kiệt hay rộng lượng, độc ác hay nhân từ, thất hứa hay giữ lời nếu lời hứa đi ngược lại lợi ích của mình, phải làm gì để tránh bị dân chúng căm ghét, phải thực thi những hành động lớn lao để nâng cao uy tín của mình.

Cuốn sách bàn về khoa học chính trị của nhà ngoại giao, nhà triết học và nhà quân sự người Ý – Niccolò Machiavelli. Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1513 nhưng mãi đến năm 1532, ấn bản đầu tiên mới được chính thức xuất bản dưới sự cho phép của Giáo hoàng Clement VII.

Bàn Về Khế Ước Xã Hội

Khế ước xã hội là tên gọi vắn tắt của bản luận văn lớn mà J. J. Rousseau đặt dưới một nhan đề khá dài: Bàn về khế ước xã hội hay là các nguyên tắc của quyền chính trị (Du Contrat social – ou principes du droit politique).

Về lai lịch cuốn sách, tác giả viết: “Luận văn nhỏ này trích từ một công trình nghiên cứu rộng lớn mà trước kia tôi đã viết, nhưng vì chưa lượng được sức mình nên phải bỏ đi từ lâu”.

Về mục đích cuốn sách, tác giả viết: “Tôi muốn tìm xem trong trật tự dân sự có hay không một số quy tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người. Và có hay không luật pháp đúng với những ý nghĩa chân thực của nó”. Với luận văn này, J. J. Rousseau muốn “gắn liền cái mà luật pháp cho phép làm với cái mà lợi ích thúc đẩy phải làm, khiến cho công lý và lợi ích không tách rời nhau”.

Bàn Về Tự Do

Khác với việc tiếp cận các học thuyết tư tưởng phương Đông, việc tiếp cận các trào lưu tư tưởng tinh hoa của phương Tây đối với độc giả Việt Nam đã và vẫn đang gặp phải không ít khó khăn. Không nói tới các nhà tư tưởng cổ đại như Socrates, Plato, Aristotle, v.v… mà ngay cả các nhà tư tưởng cận đại của phong trào Khai sáng, độc giả cũng hiếm có cơ hội để có được bản dịch các tác phẩm kinh điển quan trọng. Nhìn tổng thể, có thể nói các sách biên khảo khoa học và các học thuyết quan trọng của phương Tây vẫn chưa được giới thiệu một cách nghiêm túc và hệ thống ở Việt Nam.

Khoảng trống về đề tài quan trọng này là điều bất lợi lớn với một đất nước đang muốn xây dựng nền kinh tế tri thức và mở rộng quan hệ kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hoá với các nước phát triển. Trên tinh thần mong muốn truyền tải những tư tưởng đó, bồi đắp thêm những khoảng trống về tri thức còn thiếu hụt, chúng tôi xin giới thiệu với độc giả bản dịch luận văn Bàn về tự do (On Liberty – 1859) của John Stuart Mill qua bản dịch của Nguyễn Văn Trọng.

Mặc dù được viết ra cách đây đã gần 150 năm nhưng Bàn Về Tự Do vẫn còn nguyên giá trị và là tác phẩm giữ vị trí quan trọng trong tư duy lý luận và tư tưởng phương Tây. Thời Canh tân Minh Trị ở Nhật Bản và thời Phong trào Ngũ Tứ ở Trung Quốc, hai nước đã cho dịch và phát hành rộng rãi cuốn sách này để mở mang tri thức cho dân tộc.

Cộng Hòa

Cuốn sách được xem là cột mốc lớn của triết học phương Tây. Tác phẩm được trình bày dưới dạng đối thoại giữa Plato và những người khác. Mặc dù chủ đề chính là về một nhà nước lý tưởng nhưng nó cũng xoay quanh giáo dục, tâm lý, đạo đức và chính trị. Trong các đoạn chính của Cộng hòa, Plato sử dụng những huyền thoại để khám phá bản chất tự nhiên của thực tế, truyền đạt cái nhìn về sự tiên đoán của con người và vai trò của triết học trong việc thiết lập tự do. Ông tưởng tượng ra một cái hang mà những con người bị xiềng xích từ khi mới sinh ra làm bạn với cái bóng của mình và mang họ đến thực tế. Vai trò của triết học, cụ thể là những gì Plato gọi là biện chứng, là đưa con người ra khỏi cái bóng và hướng bản thân họ tới thực tế. Đây là bản chất của việc theo đuổi sự khôn ngoan mà không có nhà nước lý tưởng nào không làm. Độc giả hiện đại có thể đồng ý với mọi điều Plato nói, cũng như lập luận chặt chẽ, cái nhìn đầy chất thơ vẫn có sức mạnh trong việc kích thích và thách thức. Sức mạnh lâu dài này đã làm của Cộng hòa trở thành một trong những nền tảng của văn hóa phương Tây.

Cộng hòa là cuốn sách đầu tiên rung chuyển thế giới, lay động tâm tư. Triết phẩm này chứa bên trong câu hỏi muôn thuở : Làm người nên sống thế nào cho phải ở đời ? Thế nào là công bình ? Thế nào là đạo đức ? – GS Đỗ Khánh Hoan

Bàn Về Tinh Thần Pháp Luật

Bàn về tinh thần pháp luật là tuyệt tác triết học của Montesquieu, là một trong những tác phẩm vĩ đại trong lịch sử triết học chính trị và trong lịch sử luật học. Mục đích cuốn sách, như chính tác giả đã nêu, là: Trình bày những nguyên nhân quyết định nền pháp lý cho mỗi quốc gia; trình bày sự phù hợp cần thiết giữa luật lệ và chế độ cai trị của một nước; trình bày những quan hệ giữa các luật lệ với nhau. Ông đã phải mất gần 20 năm cho tác phẩm này.

Bàn về tinh thần pháp luật của Montesquieu cùng với Bàn về Khế ước xã hội của Rousseau được coi là bộ đôi tác phẩm “xây dựng lý thuyết về xã hội công dân và nhà nước pháp quyền, dẫn tới cuộc Đại cách mạng Pháp 1789”. Những giá trị kinh điển của hai tác phẩm cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và được coi như những “tinh hoa tư tưởng của nhân loại”.

Montesquieu (1689-1755), nhà tư tưởng chính trị, nhà triết học Khai sáng người Pháp. Ông được biết đến với các tác phẩm hướng tới tinh thần đấu tranh, xây dựng một xã hội không còn áp bức, bất công; một xã hội đem lại tự do, hòa bình cho toàn nhân loại. Tên tuổi Montesquieu đặc biệt gắn liền với Bàn về tinh thần pháp luật, một ngọn đuốc trong khoa học xã hội, một lần được thắp lên thì sẽ không bao giờ tắt.

Hồi Ký Chính Trị

Phương Tây gọi ông là kẻ cứng đầu, phân biệt chủng tộc, bài do thái và ngạo mạn. Ngược lại, các nước đang phát triển lại vinh danh nguyên Thủ tướng Malaysia Tun Dr Mahathir Mohamad là một lãnh tụ nhìn xa trông rộng, một nhà lãnh đạo hiếm thấy, người đã đem lại cho nhân dân các nước thế giới thứ ba lý do để tự hào về dân tộc mình. Ngay cả những người chỉ trích gay gắt nhất cũng không thể chối bỏ sự thật rằng ông đã đem lại dũng khí cho những nước ít được chú ý đến nhất, chỉ cho họ con đường đến tương lai tương sáng hơn.

Trong sự nghiệp chính trị của ông không phải là không có những tranh cãi. Trong 22 năm lãnh đạo đất nước, tên tuổi ông gắn liền với hai cụm từ: Độc tài và Nhà lãnh đạo truyền cảm hứng. Rất ít nhà lãnh đạo có khả năng chuyển đổi một đất nước mà nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp thành một cường quốc công nghiệp – càng ít người có khả năng thành đạt được thành tựu này chỉ trong vòng hai thập kỷ ngắn ngủi.

Trong cuốn sách này, với sự chính xác của một nhà giải phẫu, Dr Mahathir đã đưa ra những phân tích sâu sắc về lịch sử phát triển dân tộc và vai trò của ông trong công cuộc định hình một nước Malaysia hiện đại.

33 Chiến Lược Của Chiến Tranh

Bao quát nhiều nền văn minh thế giới, tóm lược lịch sử hàng ngàn năm xung đột, tập hợp những nguyên tắc quân sự hiệu quả và thiên tài bậc nhất, 33 Chiến lược chiến tranh là bản hướng dẫn đầy đủ, chi tiết giúp bạn sống sót trong cuộc chiến xã hội diễn ra hằng ngày. Các chiến lược tấn công giúp bạn luôn dẫn thế thượng phong và thương lượng từ điểm mạnh của mình, chiến lược phòng thủ giúp bạn phản ứng với các tình huống nguy hiểm và tránh những cuộc chiến không thể chiến thắng. Dù ở chiến trường hay trong văn phòng, những chiến binh vĩ đại đều là những người khôn khéo, thức thời, biết cách giữ cân bằng, điềm tĩnh và am hiểu lý lẽ.

Là một cuốn sách không thể thiếu, 33 Chiến lược chiến tranh trang bị cho bạn tất cả những gì bạn cần để vượt qua thất bại và chiến thắng. Đây thực sự là một cuốn Binh pháp hiện đại.

Chính Trị – Nghề Nghiệp Và Sứ Mệnh

Max Weber – Tư tưởng gia người Đức, có vai vai trò nổi bật trong quá trình phát triển môn xã hội học hồi cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.

Weber nhấn mạnh chính trị có nghĩa là “lãnh đạo hoặc gây ảnh hưởng lên phương thức lãnh đạo nhà nước”. Định nghĩa rộng như thế lại đưa ông đến một câu hỏi trung tâm khác: Nhà nước là gì? Weber định nghĩa nhà nước là “cộng đồng người khẳng định (một cách thành công) độc quyền sử dụng bạo lực thể chất một cách hợp pháp trong một khu vực lãnh thổ nhất định”. Như vậy, có thể định nghĩa chính trị “đấu tranh để chia sẻ quyền lực hoặc để gây ảnh hưởng lên quá trình phân bố quyền lực giữa các nước hoặc giữa các nhóm người trong một nước”. Do đó, “người làm chính trị tìm cách giành quyền lực để làm phương tiện nhằm phục vụ các mục đích khác, có thể là mục đích lý tưởng hay ích kỷ, hoặc giành “quyền lực chỉ vì quyền lực”.

Trong những năm cuối thập kỉ đầu tiên của thế kỷ XX, Max Weber, một nhà xã hội học và học giả được mọi người kính trọng, đã được Đại học Munich mời nói chuyện hai lần. Bài đầu tiên là Khoa học – Nghề nghiệp và sứ mệnh (tháng 11 năm 1917) và sau đó là Chính trị – Nghề nghiệp và sứ mệnh (tháng 1 năm 1919). Trước sự kiện là nước Đức vừa bị đại bại trong Thế chiến I và đang có những rắc rối về chính trị trong giai đoạn thành lập nước Cộng hòa Weimar, nhiều người, trong đó có Weber như ông thừa nhận trong phần mở đầu bài nói, là ông “sẽ trình bày quan điểm của mình về những vấn đề thời sự hiện nay”. Nhiều người kỳ vọng như thế vì lúc đó Max Weber đang là học giả được kính trọng nhất ở Đức. Nhưng Weber đã nói tới những câu hỏi triết học rộng lớn hơn: Chính trị là gì và đặc điểm chung của những người coi chính trị là nghề nghiệp và sứ mệnh.

Ngày Cuối Trong Đời Socrates

Cuốn sách là một loạt bốn cuộc đối thoại của Socrates khi ông bị Bồi thẩm đoàn của Hội đồng Thành quốc kết tội hủ hóa thanh niên và coi thường thần linh của Thành quốc. Ông đã tự biện giải cho chính mình để chống lại những kẻ âm mưu đẩy ông vào khốn cùng, đưa ra những chân lý cũng như những lời phản biện sâu sắc. Tuy bị kết án tử hình, được bạn bè và quý nhân giúp vượt ngục nhưng với tinh thần cao quý và giữ gìn danh dự trong sạch hơn người, Socrates đã từ chốt vì theo ông “Tránh cái chết không khó, tránh đê tiện khó hơn nhiều. Vì đê tiện chạy nhanh hơn cái chết.”

Ông chủ trương khi sống thì sống sao cho phải đạo làm người, khi chết cũng chết như thế, không có gì bận lòng, thể xác cát bụi trở về với cát bụi, linh hồn bất diệt phiêu du trong cõi bao la. – Đỗ Khánh Hoan

Tiền Không Mua Được Gì

Trong cuốn sách này, Michael J. Sandel đặt ra một trong những câu hỏi về đạo đức quan trọng nhất của thời đại chúng ta: Có vấn đề gì đang xảy ra với thế giới này khi mọi thứ đều có thể mua được bằng tiền? Làm sao chúng ta có thể ngăn các giá trị thị trường khỏi xâm nhập vào những lĩnh vực của đời sống vốn không bị chi phối bởi các giá trị thị trường? Đâu là giới hạn đạo đức của thị trường? Trong những thập niên gần đây, các giá trị thị trường ngày càng lấn át các chuẩn mực phi thị trường trong hầu hết các mặt đời sống.

Sandel lập luận rằng, nếu chúng ta không sớm nhận ra điều này, chúng ta sẽ biến từ có một nền kinh tế thị trường sang trở thành một nền kinh tế thị trường. Trong Phải trái đúng sai, Sandel đã cho thấy khả năng bậc thầy trong việc mô tả một cách sáng tỏ mà hùng hồn những vấn đề đạo đức hóc búa mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. Giờ đây, trong Tiền không mua được gì?, tác giả lại một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận mà kỷ nguyên do thị trường định hướng của chúng ta chưa nghĩ tới, đó là: vai trò đích thực của thị trường trong một xã hội dân chủ là gì, và chúng ta phải làm gì để bảo vệ các giá trị đạo đức mà thị trường không coi trọng và tiền không thể mua được?

Những Cuộc Chinh Phạt Của Alexander Đại Đế

Cuốn sách này thực sự là một tuyệt tác của Arrian, một sự bảo đảm vĩnh viễn cho danh tiếng của ông. Arrian đã nói rõ về tầm quan trọng của cuốn sách này đối với ông : “Tôi không cần tuyên bố danh tính của mình – mặc dù nó chưa từng được ai biết tới, tôi không cần ghi rõ quê hương tôi và gia đình tôi, hoặc bất kỳ chức vụ hành chính nào mà tôi đã từng nắm giữ. Tôi chỉ muốn nói điều này : rằng cuốn sách này, từ khi tôi còn trẻ, đã quý giá hơn quê hương, dòng họ và sự thăng tiến – quả thực, đối với tôi, nó chính là tất cả những điều đó.”

Arrian đã nắm bắt được một đề tài hấp dẫn và một cơ hội huy hoàng. Không một ai từng viết về Alexander Đại đế nhiều hơn ông. Không một ai, một nhà thơ hoặc nhà văn nào, có được sự công minh như ông. Chừng nào những tác phẩm của những tác giả trước đó (viết về Alexander) còn chứa những sai lầm hiển nhiên, chừng đó một Alexander thực sự còn bị che giấu dưới vô vàn những tuyên bố mâu thuẫn. Cuốn sách của Arrian quả thực đã chấm dứt tình trạng này. Nó quan trọng đến mức Arrian đã không ngần ngại thách thức cả những sử gia Hy Lạp vĩ đại.

“… Nhưng là một con người, nếu ai đó coi thường Alexander, trước hết anh ta nên tự soi chiếu mình với ngài : bản thân anh ta, một kẻ tầm thường ít tiếng tăm còn Alexander là vị hoàng đế vĩ đại với những thành công mà không ngòi bút nào tả xiết, người cai trị hai lục địa, người mà danh tiếng đã được cả thế giới biết tới. Làm sao có ai đó dám lăng mạ ngài, khi người đó hiểu rằng sự khinh thị và mục đích tầm thường của anh ta chỉ chứng minh cho sự bất lực của bản thân mà thôi ?… ” – Arrian

Sự Va Chạm Giữa Các Nền Văn Minh Và Sự Tái Lập Trật Tự Thế Giới

Năm 1993, Samuel P. Hungtington, khi đó là Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Harvard, đã có bài viết mang tính dự báo: “Sự va chạm của các nền văn minh?”. Tiêu đề đó cho thấy tác giả của nó có phần hoài nghi: liệu có khả năng xảy ra sự đụng độ giữa các nền văn minh trong thế kỷ XXI hay không? Và thực tế, nội dung của bài viết đã nói lên rằng sự đụng độ là điều khó tránh khỏi. Năm 1996, Hungtington tiếp tục phát triển dự báo của mình thành cuốn sách Sự Va Chạm Giữa Các Nền Văn Minh Và Sự Tái Lập Trật Tự Thế Giới.

Trong cuốn sách của mình, S. Hungtington đã vẽ lại bức tranh chung về các nền văn minh khác nhau trên thế giới. Về cơ bản, ông phân chia nhân loại thành 2 bộ phận là văn minh phương Tây và văn minh ngoài phương Tây, trong đó văn minh phương Tây đóng vai trò trung tâm trong các phân tích của ông, là điểm tham chiếu để xem xét các nền văn minh khác ngoài phương Tây.

Văn Minh Phương Tây Và Phần Còn Lại Của Thế Giới

Quá trình văn minh phương Tây vươn tới vị thế thống trị hoàn cầu là một hiện tượng lịch sử đơn lẻ có ý nghĩa quan trọng nhất trong vòng 5 thế kỉ qua.

Bằng cách nào phương Tây vượt qua được những đối thủ phương Đông? Và có phải giờ đây phương Tây không còn ở đỉnh cao quyền lực nữa? Sử gia Niall Ferguson lập luận rằng bắt đầu vào thế kỉ 15, phương Tây đã phát triển sáu khái niệm mới đầy uy lực – cạnh tranh, khoa học, pháp quyền, y học hiện đại, chủ nghĩa tiêu dùng và đạo lý nghề nghiệp – cho phép họ vượt qua tất cả các đối thủ cạnh tranh khác.

Nhưng giờ đây, Ferguson cho thấy phần còn lại của thế giới đã tiếp thu tất cả các khái niệm mà phương Tây từng độc chiếm, trong khi phương Tây lại đang đánh mất niềm tin vào chính mình. Ghi lại sự hưng thịnh và suy tàn của các đế chế cùng với những cuộc va chạm (và giao hòa) của những nền văn minh, Văn Minh Phương Tây Và Phần Còn Lại Của Thế Giới đã đúc kết lại lịch sử thế giới, và đây được coi là cuốn sách xuất sắc nhất của Niall Ferguson.

Câu hỏi chủ đạo mà cuốn sách này đề cập chính là câu hỏi lý thú nhất mà một nhà sử học nghiên cứu về kỷ nguyên hiện đại có thể đặt ra. Tại sao bắt đầu từ khoảng những năm 1500, vài ba quốc gia nhỏ bé miền viễn Tây của liên lục địa Âu-Á lại có thể nổi lên nắm quyền thống trị phần còn lại của thế giới, trong đó có cả những xã hội nằm ở phía đông lục địa Âu-Á vốn đông dân hơn và tinh tế hơn xét về nhiều mặt?

Ông Già Nhìn Ra Thế Giới

Sinh năm 1923, cuộc đời chính trị của cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu có liên quan mật thiết tới nhiều sự kiện quốc tế. Ông từng hội kiến các lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc từ Mao Trạch Đông tới Tập Cận Bình và thân thiết với các tổng thống Hoa Kỳ từ Lyndon Johnson tới Barack Obama.

Trong quyển sách này, Lý Quang Diệu dựa trên kinh nghiệm phong phú và hiểu biết sâu rộng của mình để đưa ra quan điểm về thế giới đương đại với tầm nhìn hai mươi năm sau. Nhưng đây không phải một quyển sách giáo khoa bàn chuyện địa chính trị khô khan cũng như không nhằm tiết lộ những thâm cung bí sử trong những sự kiện thế giới. Thay vào đó, tác phẩm này phản ánh những quan điểm của ông về thế giới hiện tại trên phạm vi rộng lớn từ Mỹ, Trung Quốc tới châu Á và châu Âu. Trong bối cảnh ấy, ông phân tích sâu sắc các vấn đề xã hội cũng như tâm lý người dân và từ đó rút ra kết luận về cơ hội tồn tại của dân tộc đó và vị thế của họ trên thang bậc quyền lực tương lai.

Với văn phong giản dị, điềm đạm và không ngại động chạm, ông mô tả một Trung Quốc vẫn ám ảnh với sự cai trị của một nhà nước trung ương tập quyền trên con đường trỗi dậy mãnh liệt; một Hoa Kỳ rồi đây phải chia sẻ ngôi vị thống trị độc tôn của mình bất chấp nền kinh tế đất nước này vẫn luôn luôn năng động; và một châu Âu luôn phải vật lộn với những thách thức nhằm duy trì liên minh để tồn tại. Quan điểm thẳng thắn và thường gây ngạc nhiên của ông – về lý do Nhật Bản khép kín với người nước ngoài, vì sao Mùa xuân Ả rập sẽ không mang lại phổ thông đầu phiếu cho Trung Đông, và vì sao nỗ lực ngăn chặn hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ không hiệu quả bằng cách chuẩn bị sẵn sàng khi nó diễn ra – khiến cho ấn phẩm này trở nên mới mẻ và có sức lôi cuốn khác thường. Lý Quang Diệu kết thúc tác phẩm bằng cái nhìn hướng tới viễn cảnh của Singapore – mối quan tâm của tất cả đời ông – và cũng hé mở đôi chút cho độc giả liếc qua cuộc sống riêng của mình cũng như cách ông chuẩn bị để giã biệt thế giới này.

Odyssêy

Bản anh hùng ca Odyssêy là bức tranh hoành tráng, hào hùng của người Hy Lạp trong cuộc chinh phục thiên nhiên và di dân mở đất. Tác phẩm gồm 12.110 câu thơ, chia làm 24 khúc ca, kể lại hành trình gian nan của Odysseus trên đường trở về quê hương sau khi quân Hy Lạp hạ được thành Troa.

Odyssêy phản ánh giai đoạn cao trào trong quá trình tan rã của chế độ công xã thị tộc : Đó là thời kỳ những người Hy Lạp đã bước vào cuộc sống lao động hòa bình có khát vọng chinh phục thế giới xung quanh, thời kỳ hình thành gia đình một vợ một chồng với chế độ phụ quyền và quyền tư hữu tài sản. Ngoài ra ta còn thấy khát vọng sống văn minh, hữu ái, của người xưa như một nguyện vọng không riêng gì của thời đại Homer mà của nhân loại ở mọi thời đại.

Iliad

Iliad được kết hợp bởi truyện truyền khẩu và thần thoại gồm 24 khúc với 15.693 câu thơ, kể về một giai đoạn ngắn vào năm thứ 10 của cuộc chiến thành Troa, về những nỗi uất hận mà vị anh hùng Hy Lạp Achilleus cực chẳng đã phải mang trong lòng, những cảnh ác liệt đẫm máu của chiến trường, sự xung đột sâu sắc của thần linh và mọi thứ như đều nằm dưới bàn tay nghiệt ngã của định mệnh.

Đời sống xã hội Hy Lạp cổ đại cũng được phản ánh một cách chân thực trong tác phẩm, trong đó có thể thấy quá trình diễn biến từ chế độ thị tộc đến sự hình thành thành bang của chế độ nô lệ. Tất cả những điều đó đã tạo nên một pho sử thi được đánh giá là lâu đời và hay bậc nhất của nền văn học Tây phương từ cổ chí kim.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

7 cuốn sách hay về di truyền học đạt tầm vóc và sức ảnh hưởng to lớn 7 cuốn sách hay về di truyền học dẫn dắt chúng ta tới những khám phá bậc hất trong lĩnh vực di truyền học cũng như sự chi phối…
Những cuốn sách hay về Picasso, cuộc đời và tác phẩm của ông Những cuốn sách hay về Picasso cung cấp cho người đọc những nghiên cứu toàn diện về cuộc đời và các tác phẩm của danh họa Picasso. Những Bộ…
7 quyển sách hay về phương châm sống vô cùng sâu sắc và ý nghĩa 7 quyển sách hay về phương châm sống giúp bạn đúc kết cho riêng mình những tư duy sáng suốt tích cực trên hành trình cuộc đời mà mỗi…
Back to top button