Tác giả Mario Puzo, nhà văn nổi tiếng người Mỹ. Sách của Mario Puzo viết về Mafia, một thế giới đầy quyền lực và âm mưu hấp dẫn.
Sách hay nhất của Mario Puzo
Dại Thì Chết
Dại thì chết là tiểu thuyết đầu tiên của Mario Puzo từ sau Bố già, và ra đời sau Bố già đến chín năm. Bản quyền in sách bìa mềm của cuốn này được bán với giá hai triệu năm mươi lăm ngàn đô-la, một con số kỷ lục thời ấy.
Bố già được viết hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng và tư liệu nghiên cứu, còn Dại thì chết chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thực tế. Bản thân Puzo là nhà văn và nhà biên kịch, lại rất máu mê đánh bài, nên ông lấy văn chương, điện ảnh, và cờ bạc làm chủ đề cho tiểu thuyết này.
Nhiều nhân vật trong Dại thì chết được xây dựng trên nguyên mẫu có thật ngoài đời. Bối cảnh tiểu thuyết là ba kinh đô của nước Mỹ: kinh đô văn chương New York, kinh đô điện ảnh Hollywood, và kinh đô cờ bạc Las Vegas. Những chuyện hậu trường văn chương, điện ảnh, và những mánh mung của làng đỏ đen, tất cả đều được Puzo phơi bày với tư cách một người trong cuộc.
Bố Già
Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết Bố Già là sự gặp gỡ giữa một bên là ý chí cương cường và nền tảng gia tộc chặt chẽ theo truyền thống mafia xứ Sicily với một bên là xã hội Mỹ nhập nhằng đen trắng, mảnh đất màu mỡ cho những cơ hội làm ăn bất chính hứa hẹn những món lợi kếch xù. Trong thế giới ấy, hình tượng Bố Già được tác giả dày công khắc họa đã trở thành bức chân dung bất hủ trong lòng người đọc.
Từ một kẻ nhập cư tay trắng đến ông trùm tột đỉnh quyền uy, Don Vito Corleone là con rắn hổ mang thâm trầm, nguy hiểm khiến kẻ thù phải kiềng nể, e dè, nhưng cũng được bạn bè, thân quyến xem như một đấng toàn năng đầy nghĩa khí. Nhân vật trung tâm ấy đồng thời cũng là hiện thân của một pho triết lí rất “đời” được nhào nặn từ vốn sống của hàng chục năm lăn lộn giữa chốn giang hồ bao phen vào sinh ra tử, vì thế mà có ý kiến cho rằng “Bố Già là sự tổng hòa của mọi hiểu biết. Bố Già là đáp án cho mọi câu hỏi”.
Tổng Thống K. Thứ Tư
Tiểu thuyết chính trị giả tưởng Tổng thống K. thứ tư đưa một người con đầy tài năng nữa trong gia tộc Kennedy – Francis Xavier Kennedy – lên làm tổng thống Hoa Kỳ trong một thời đại đầy nhiễu nhương, khi lòng tin của thế giới đối với vị thế siêu cường đang mờ nhạt dần, và những âm mưu hãm hại Hoa Kỳ đang ngày càng trở nên táo tợn.
Câu chuyện mở đầu bằng hai bi kịch kinh hoàng: vụ ám sát Giáo hoàng, và song song với nó là vụ bắt cóc con tin trên một chuyến bay chở người con gái duy nhất của tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm.
Tác giả đã đưa bạn đọc hết từ âm mưu này đến âm mưu khác, cả từ phe khủng bố lẫn chính những vị đức cao vọng trọng trong chính quyền được coi là quyền lực nhất thế giới, và cả những nhà tài phiệt đứng đằng sau nó. Đứng giữa những lựa chọn khó khăn, Francis Xavier Kennedy đã đưa ra một quyết định cực đoan mà không ai – kể cả những người thân cận nhất với ông – có thể ngờ tới.
Cha Con Giáo Hoàng
Cha con Giáo hoàng là một thiên sử thi xuất sắc, pha trộn màu sắc lãng mạn với chất cuồng điên của lòng tham quyền lực, những mưu ma chước quỷ, tội lỗi và trừng phạt… vượt xa khỏi trí tưởng tượng của người thường.
Cuốn sách mang người đọc du hành đến một không gian, thời gian hoàn toàn khác, nơi Giáo hội nắm quyền thống trị tối cao, nơi lửa tham vọng ngùn ngụt cháy dưới tấm áo choàng đỏ rực. Đây là câu chuyện về mối quan hệ cha con kì lạ: gắn bó với nhau bởi huyết thống, lòng tận tụy và những ý đồ đen tối; về một gia đình khét tiếng mà công trạng và tội lỗi còn mãi lưu truyền hậu thế: gia đình Borgia.
Luật Im Lặng
“Tổ chức Mafia củng cố uy quyền bằng luật omerta nghĩa là làm thinh, câm nín. Dân quê Sicily kín miệng đến nỗi người lạ hỏi đường cũng làm thinh. Trong nội bộ Mafia có tội nào đáng chết bằng tội mật báo cảnh sát? Dù chỉ đi thưa lính, tố cáo một thằng vừa giết hụt mình hay vừa đánh đập mình có thương tích. Sau cùng luật omerta trở thành một đạo sống của mọi giới. Chồng con bị giết, con gái bị hãm hiếp, người đàn bà chính gốc Sicily chẳng bao giờ đi thưa lính, nhờ nhà nước giải quyết. Vì nhà nước không có quyền đó. Phải là Mafia!”
Cái luật im lặng cổ xưa ấy chính là bức tường thành của Mafia suốt mấy trăm năm. Nhưng đó là ở nơi đất máu Sicily nhiều năm trước. Trên đất Mỹ, khi nhân loại sắp bước sang thiên niên kỉ mới, liệu omerta có còn cái quyền năng vô song để bảo vệ các ông trùm?
Ông Trùm Cuối Cùng
Mario Puzo đã làm nên tên tuổi với tiểu thuyết Bố Già – một tác phẩm về đề tài mafia. Và rồi, sau một phần tư thế kỉ, với Ông trùm cuối cùng, ông lại một lần nữa chiêu đãi độc giả một bữa tiệc thịnh soạn nào những âm mưu, thủ đoạn, bí ẩn đen tối pha trộn cùng một tình yêu không kém phần lãng mạn ngọt ngào.
Lần này, Puzo xây dựng bối cảnh tại Mỹ – vùng đất ông chắc hẳn biết rất rõ – để kể câu chuyện về nhà Clericuzio, gia đình mafia hùng mạnh nhất đất nước này, cùng ông trùm già Domenico Clericuzio và những mưu tính của ông nhằm đưa tất cả các thành viên hòa nhập với xã hội hợp pháp. Nhưng than ôi, những toan tính tưởng chừng thập toàn thập mĩ của ông lại không hoàn hảo như ông tưởng! Ông không tính được cái bí ẩn đẫm máu của quá khứ sẽ trở về ám ảnh hiện tại sáng lạn, chẳng thể ngờ rằng trong đầu đứa cháu ông lại chất đầy những mưu đồ bẩn thỉu đe dọa làm chao đảo gia đình.
Có thể nói, Ông trùm cuối cùng là tác phẩm về một thế hệ mafia mới, những gã trai trẻ bằng cách này hay cách khác muốn tìm chỗ đứng cho mình. Nhưng liệu họ có được tự do vùng vẫy, hay tất cả vẫn nằm trong bàn tay sắp đặt của ông trùm đã gần đất xa trời?
Ông trùm cuối cùng, cùng với Bố già và Luật im lặng, đã tạo nên bộ ba tiểu thuyết trứ danh của Mario Puzo về đề tài mafia.
Đất Máu Sicily
Sicily ngập tràn ánh mặt trời Địa Trung Hải, thoang thoảng hương cam chanh là xứ sở của núi non đẹp như tranh rải rác những phế tích lâu đời. Ở đó tầng lớp dân nghèo suốt nhiều thế kỉ phải chịu sự đè nén của nhiều thế lực tham lam và hà khắc, từ ngoại xâm đến phát-xít, từ các phe phái chính trị đến giới mafia và quý tộc địa phương. Ở đó những huyền thoại anh hùng xa xưa được truyền tụng như chỉ là mơ ước. Cho đến một ngày, xứ sở tươi đẹp và bạo tàn ấy đã sản sinh ra một nhân vật được xưng tụng là anh hùng của dân nghèo, là Robin Hood của nước Ý…
Tác phẩm Đất máu Sicily của Mario Puzo dựng lên một thế giới chằng chịt những âm mưu và thù hận, bạo lực sinh bạo lực, phản trắc sinh phản trắc. Ở trung tâm của thế giới ấy là thủ lĩnh băng cướp Turi Guiliano được khắc họa đầy lãng mạn như một chiến binh, một người tình, và trên hết là một người Sicily từ trong máu thịt. Phải chăng một thiên sử thi mới đang được viết ra cho xứ sở khốn cùng này?
Đất Tiền Đất Bạc
Nếu người đọc Bố già thấy hào hứng ở những cảnh bắn giết máu óc tùm lum ở mỗi trang sách, mới đi sâu vào hai xã hội bí mật nhất và bẩn nhất Mỹ quốc là Mafia và Hollywood thì đọc Đất tiền đất bạc sẽ ngạc nhiên vì cùng một tác giả Mario Puzo mà không thấy súng nổ loạn, chỉ thấy cám cảnh vì con người tranh ăn để sống!
Cho tới bây giờ ông mới viết có hai truyện The Godfather và The Fortunate Pilgrim mà như tên gọi, con người đói quá bèn rủ nhau đổ xô sang Mỹ ‘hành hương’. Họ đâu cần tìm đạo, tìm triết lý mà chỉ đ tìm tiền! Đúng hơn là đi kiếm miếng sống, cho khỏi đói. Nhưng không chết đói là họ lại đòi no nữa. Họ lại muốn làm giàu, thật nhiều thật lẹ dù đồng tiền có bẩn và nếu cần còn phải triệt hạ đồng loại, nhiều khi còn đồng bào!
Vì vậy phải hiểu là Đất tiền đất bạc đã được viết trước để làm bối cảnh xã hội cho Bố già. Phải đọc kỹ Đất tiền đất bạc thì may ra mới hiểu ở Bố già những động cơ nào đã đưa đến sự lũng đoạn của phe nhóm Bàn tay đen, dễ dàng và bất nhân như vậy.
Cùng danh mục: