Cách Sống

Tác giảInamori Kazuo
Thể loạiDạy làm người, Giá trị sống
Số trang224
Năm2011
Rating4.3/5


Nội dung

Inamori Kazuo một doanh nhân hết sức thành đạt trong việc sáng lập và điều hành tập đoàn Kyocera lớn mạnh của Nhật Bản. Ông sẽ đem đến cho chúng ta những tư tưởng về Cách Sống. Đây là tập hợp những triết lý mà ông đúc rút ra được từ thực tế sau bao nhiêu năm gian nan xây dựng công ty.

Trước thực tại của một xã hội Nhật Bản mà con người ngày càng đánh mất đi giá trị truyền thống, Inamori Kazuo đưa ra một yêu cầu bức thiết là phải nhìn lại “lẽ sống” của con người thời hiện đại. Lẽ sống qua cái nhìn của tác giả không phải là cái gì xa vời mà là những điều giản đơn, những giá trị gần gũi hay những thói quen hằng ngày: “những nguyên tắc đạo đức chân phương”. 

Tóm tắt sách

Chương 1. Biến suy nghĩ thành hiện thực.

Chúng ta không thể có các ý tưởng và sáng tạo nếu lười suy nghĩ. Chắc các bạn biết không ít những nhà bác học như Edison hay Newton tìm ra những phát minh trong những lúc bình thường nhất, bởi họ sống với những trăn trở, không ngừng tìm kiếm lời giải đáp cho vấn đề. Cuộc đời chỉ cho ta những điều ta muốn có, vì vậy hãy suy nghĩ “Suy nghĩ phải thấu đáo, phải liên tục, không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm…” hãy hình dung “sẽ thực hiện được nếu hình dung ra mọi ngõ ngách của công việc”, hãy lên kế hoạch “không thể thành công nếu không lập kế hoạch chi tiết và chuẩn bị chu đáo”.

Chương 2. Suy nghĩ từ nguyên lý và nguyên tắc.

Những nguyên lý và nguyên tắc chân phương như những chuẩn mực đạo đức mà bạn vẫn được bố mẹ dạy bảo từ khi còn nhỏ, chúng không những tốt cho cuộc sống mà còn cả trong kinh doanh. Hãy sống kiên định với những nguyên tắc đó, nó sẽ chỉ đường cho bạn ngay cả khi bạn lạc lối.

Chương 3. Mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn.

Tác giả có đưa ra một phương trình: “Cuộc đời và thành quả công việc = Tư duy x Nhiệt huyết x Năng lực”. Năng lực có thể do bẩm sinh hoặc học tập, nhiệt huyết có thể tìm thấy qua quá trình lao động nhưng có nhiệt huyết và năng lực mà đi sai hướng thì cũng không thể thành công. Cũng như một kẻ học giả trở thành mafia trí thức trong thế giới ngầm vậy. Vì vậy nhân cách và tâm hồn phải được đề cao, mài giũa qua thời gian.

Chương 4. Sống với lòng vị tha.

Vị tha không phải là cái gì quá cao xa, đơn giản chỉ là những hành động “suy nghĩ cho người khác” cống hiến hết mình cho nhân loại, cho xã hội. Hãy bắt đầu từ việc để tâm một chút đến những người thân thiết xung quanh ta.

Chương 5. Hòa hợp với dòng chảy vũ trụ.

Có hai bàn tay vô hình chi phối cuộc đời con người. Đó là “số mệnh” và “luật nhân quả báo ứng”. Mỗi ngươi tuy có mệnh sẵn nhưng nếu biết vận dụng luật nhân quả có thể thay đổi vận mệnh cho mình bằng cách nghĩ điều thiện, làm việc thiện.

Ở mỗi chương, mỗi quan điểm của mình tác giả đều đưa ra những dẫn chứng, những câu chuyện thực tế rất thuyết phục. Vốn đi lên từ những thất bại, con đường thành công của tác giả vô cùng khó khăn. Những điều ông viết trong “Cách Sống” là những kinh nghiệm quý giá mà ông muốn chia sẻ với giới trẻ. Đây quả thực là một cuốn sách thiết thực, hãy đọc, suy ngẫm và thay đổi.

Thể loại

Cách Sống có mặt trong:

Review


Jarvis - - Review on: Tiki

Ngay Lập Tức Tác Giả Đã Nằm Trong Danh Sách Tác Giả Yêu Của Mình

Ngay khi đọc và thưởng thức tác phẩm này tới lần thứ 2 vẫn còn thấy sự thâm thúy tinh hoa của tác giả. Ông thật sự là 1 người nghĩ, nói và làm một cách nhất quán. Con người của hành động của thực hành chứ không hề nói suông, cả cuộc đời ông là 1 minh chứng sống cho điều ông viết ra.

Mình đã thay đổi rất rất nhiều khi đọc các dòng tư tưởng tâm huyết của ông. Mình đã làm nhiều hơn, hiền hòa hơn, thương nhiều hơn và mình tin ông đã rất đúng khi sống một cuộc đời theo nền tảng tư tưởng đạo đức như vậy.

Ngay khi đọc xong mình đã mua ngay toàn bộ sách của ông được dịch sang tiếng việt, tầm 6 quyển. Và sẽ bắt đầu đọc từ từ, có lẽ 1 tháng nữa là xong hết.

Cuối cùng, nếu bạn nghĩ đây giống như các sách phát triển bản thân khác trên thì trường thì mình nghĩ bạn nên đọc để thấy thế nào là tâm huyết một đời để truyền lại, nói cho hậu nhân hiểu và làm để sống tốt hơn.


Lê Phương Tiến - - Review on: Tiki

Mục Đích Sống Của Bạn Là Gì

Lời văn mạnh mẽ. Đọc được một đoạn đầu là mình đã thích. Có những vấn đề tồn tại trong xã hội, không chỉ thời này thời xưa, không chỉ nơi này nơi khác… mà chúng đến từ con người chúng ta. Chúng ta ko cần hô hào cho tất cả mọi ng, chỉ cần mình sống tốt hơn ngày hôm qua là đc.


Thu Tra - - Review on: Tiki

Quá hay

Cuốn sách được đúc kết từ kinh nghiệm cuộc sống của một con người thấm nhuần tinh hoa của Phật giáo không chỉ đưa con người hướng đến sự thành công trong tiền bạc vật chất mà còn hướng đến sự hoàn thiện trong nhân cách của một con người, sách đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những ai đang lạc lối trong cuộc đời, một sự định hướng hoàn hảo cho những ai muốn vươn lên và hiểu rõ về gía trị và sứ mệnh của bản thân khi được sinh ra trong cuộc đời. Cảm hứng muốn sống tốt và cống hiến cho đời trong từng trang sách làm cho sách thật cuốn hút. Đây là một cuốn sách hay mà tất cả mọi người nên đọc


Phương - - Review on: Fahasa

Rất Hài Lòng

Một quyển sách bổ ích để đọc và nâng cao hình ảnh tự thân, tạo động lực hoàn thiện con người, góp phần định hướng sự phát triển một xã hội văn minh và đầy yêu thương. Mình đã được tặng một quyển sách này từ một người em, sau khi đọc xong mình quyết định đặt thêm 2 quyển nữa để làm quà tặng cho bạn bè. Hy vọng thông điệp của tác giả sẽ được lan tỏa sâu rộng và toàn diện khắp vũ trụ.

Lời văn mạnh mẽ. Đọc được một đoạn đầu là mình đã thích. Có những vấn đề tồn tại trong xã hội, không chỉ thời này thời xưa, không chỉ nơi này nơi khác… mà chúng đến từ con người chúng ta. Chúng ta không cần hô hào cho tất cả mọi người, chỉ cần mình sống tốt hơn ngày hôm qua là được.


Ái Quỳnh - - Review on: Goodreads

Những nguyên tắc đạo đức làm người và nguyên lý sống

Mỗi một cuốn sách của thầy Kazuo tôi đều đọc không chỉ một lần, bởi vì suy cho cùng tôi cũng là một tín đồ Phật giáo, cũng tôn thờ những nguyên tắc đạo đức làm người và nguyên lý sống – thứ quý giá đang bị đảo lộn giá trị trong cuộc sống xô bồ ngày nay, mỗi một lời tâm sự chân tình giản dị của thầy đều khiến tôi càng thêm vững tâm với cách sống mà tôi được ba mẹ giáo dục rất nghiêm khắc của mình.

Hãy trung thực dù rằng có nhiều lúc rất thiệt thòi,

Hãy khiêm tốn để đè áp cái tôi tự mãn mà tiếp tục tiến bước,

Hãy biết ơn đời vẫn cho mình thêm một ngày được sống dù rằng hiện tại khó khăn muốn nghẹn thở và cuối cùng là hãy ngừng hỏi tại sao nhiều người lại có thể cư xử với nhau kì đến thế để dành thời gian làm những việc hoàn thiện chính mình.

Thật sự rất hi vọng một ngày nào đó đại đa số các bạn trẻ sẽ cầm trên tay những cuốn sách như thế này và đưa nó làm kim chỉ nam để gạn lọc những vết nhơ trong cách nghĩ và hành xử giữa cuộc đời còn lắm bon chen nhỏ nhen thế này. Hãy đưa tài năng của mình để giúp ích cho xã hội và đừng quá đề cao thoả mãn vật chất hơn cái nhân cách sống cao đẹp vốn có trong con người mình.


Hà Xuyên - - Review on: Goodreads

Luôn luôn chỉnh đốn lại bản thân để ngày một tốt hơn và có ích hơn cho xã hội

Cuốn sách phù hợp để đọc vào thời điểm khi chúng ta chuẩn bị bước vào con đường lập nghiệp, đây sẽ là cuốn kim chỉ nam tốt định hướng những giá trị tốt đẹp về cách sống, cách làm việc đúng đắn cho những người trẻ đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Đồng thời, đây cũng là một cuốn sách tốt để chúng ta đọc và soi xét, đối chiếu lại bản thân sau một thời gian sống và làm việc. Từ đó mà biết phát huy những điều tốt, sửa những cái xấu, luôn luôn chỉnh đốn lại bản thân để ngày một tốt hơn và có ích hơn cho xã hội.

Tuy nhiên, không biết là do chất lượng bản dịch chưa tốt hay văn phong của tác giả không phù hợp với mình nên nhiều đoạn mình thấy khó tiếp thu được thấu đáo ý mà tác giả muốn truyền đạt.


Truong Hiep - - Review on: Goodreads

Làm cho mình tiến bộ mỗi ngày

Ý nghĩa lớn nhất đối với tôi khi đọc cuốn sách: Làm cho mình tiến bộ mỗi ngày đó là trách nhiệm mà tạo hóa đã giao cho mỗi người. Nếu làm trái điều đó nghĩa là đi ngược lại với quy luật của tạo hóa.

Vì vậy chúng ta không cần so sánh với người khác mà chúng ta chỉ cần cố gắng hết sức để chúng ta tiến bộ hơn ngày hôm qua.

Đọc thử sách

Quy luật cuộc đời – Chỉ có trong đời những thứ mình muốn có

“Sự đời không như mình tưởng”.

Chúng ta có những lúc thất vọng đối với những sự việc xảy đến trong cuộc đời. Tuy nhiên, chính là do ta nghĩ “cuộc đời chẳng bao giờ được như mong muốn” nên mới dẫn đến kết quả đó. Nếu ta cứ một mực suy nghĩ cuộc đời sao mà luôn trục trặc thì chắc chắn cuộc đời sẽ trục trặc đúng như ý nghĩ của ta.

Cuộc đời của một người được tạo ra bởi chính những suy nghĩ của người đó. Nhiều người thành công trên đường đời đều có chung quan điểm này. Tôi cũng vậy. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi mang trong lòng một niềm tin mãnh liệt rằng: “Điều gì mà mình không muốn thì chắc chắn nó sẽ không đến với mình”. Tức là chỉ có những thứ mình muốn mới hiện hữu trong cuộc đời. Còn mình đã không muốn thì ngay cả những thứ tưởng như chắc chắn nằm trong tầm tay cũng sẽ vuột đi mất.

Nói cách khác, tâm nguyện của ta như thế nào thì cuộc đời ta trong thực tế sẽ là như vậy. Vì thế, nếu chúng ta định làm điều gì thì trước hết phải xác định mình mong muốn “việc đó sẽ như thế này hoặc như thế kia” trước đã.

Khao khát “muốn như vậy” là rất quan trọng.

Tôi cảm nhận được điều này từ hơn 40 năm trước, khi lần đầu tiên tôi đến dự buổi diễn thuyết của ông Matsushita Konosuke. Ông Matsushita thời đó chưa được “thần thánh hoá” như những năm sau này. Và ngày đó tôi cũng chỉ là giám đốc một công ty mới thành lập, không tên tuổi.

Trong buổi thuyết trình đó, ông Matsushita đề cập đến phương pháp kinh doanh nổi tiếng theo hình thức xây đập. Những dòng sông không có đập thường gây ra lũ lụt vào mùa mưa và khô cạn vào mùa khô. Vì vậy cần phải xây đập trữ nước để điều hòa lưu lượng, không quá phụ thuộc vào khí hậu. Trong kinh doanh cũng vậy. Lúc đang ăn nên làm ra thì đã phải tích luỹ, chuẩn bị sẵn, dự phòng khi thất bát. Bài thuyết trình của ông xoay quanh phương thức kinh doanh có dự phòng như vậy.

Cả mấy trăm con người, giám đốc các công ty vừa và nhỏ trong hội trường, xôn xao trước những điều ông Matsushita nói.

“Nói thế mà cũng nói được. Nếu dư dả thì đã chẳng phải bàn. Vì không dư dả nên mới phải lo lắng chạy vạy. Điều mà chúng tôi muốn nghe là làm cách nào để xây được con đập như ông nói. Còn con đập quan trọng ra sao thì ai chẳng biết”. Ngồi ở hàng ghế sau cùng, tôi chứng kiến tất cả. Mọi người trong hội trường trao đổi râm ran.

Sau khi kết thúc thời gian thuyết trình, vào phần hỏi đáp giữa diễn giả và người nghe, một người đứng bật dậy, bức xúc: “Thật là lý tưởng nếu xây được con đập như ông trình bày. Nhưng trên thực tế thì không thể. Tôi và mọi người tụ họp ở đây cứ ngỡ được nghe ông chỉ bảo cho cách xây đập chứ không phải đến nghe những điều dông dài”.

Trước bức xúc của người nghe, ông Matsushita im lặng hồi lâu, vẻ mặt hiền hòa, nụ cười kiên nhẫn. Rồi bất chợt ông cất lời khiến mọi người chưng hửng, bật cười: “Chính tôi cũng không biết cách làm sao để xây được con đập. Nhưng không xây thì không ổn”.

Tất cả đều thất vọng trước câu giải đáp của ông – mà thật ra không thể coi đó là câu trả lời.

Tôi thì khác, không cười, cũng không thất vọng. Ngược lại, cảm thấy như có một luồng điện chạy dọc cơ thể, tôi ngây người ra, mặt tái đi. Bởi vì đối với tôi, câu chuyện ông Matsushita đã gợi ra một chân lý cực kỳ quan trọng.

Không ngừng suy nghĩ, ngay cả trong giấc ngủ

“Không nghĩ không được”. Lời nói buột miệng của ông Matsushita đã đề cập đến tầm quan trọng của việc “phải suy nghĩ trước đã”. Phương pháp xây đập thì mỗi người mỗi cách, không phải là thứ dạy sao là làm y chang như vậy.

Trước hết là phải có ý muốn xây con đập đó. Ý muốn sẽ khởi đầu tất cả. Tôi chắc rằng điều ông Matsushita muốn nói là như vậy.

Nghĩa là, nếu chúng ta không muốn làm thì không thấy cách làm và thành công cũng không đến. Vì thế, điều quan trọng là phải có khát vọng mãnh liệt và suy nghĩ nghiêm túc. Trên cơ sở đó, ý muốn trở thành khởi điểm và sau đó sẽ hình thành cách làm. Cuộc đời của bất kỳ người nào cũng sẽ hiện hữu như những gì người đó đã khao khát và hình dung. Ý muốn giống như hạt giống là nhân tố đầu tiên và quan trọng nhất để hiện thực nảy mầm, bén rễ, thành cây, ra hoa, kết quả trong mảnh vườn cuộc đời.

Tôi cảm nhận được chân lý này – chân lý sẽ xuyên suốt cuộc đời của chúng ta dẫu lúc tỏ lúc mờ – từ lời nói buột miệng sau tiếng thở dài của ông Matsushita khi ấy. Ngoài ra, tôi còn học hỏi và lĩnh hội nó sâu sắc từ cuộc sống thực tế sau này.

Tuy nhiên, để biến khát vọng thành hiện thực thì suy nghĩ ở mức bình thường là không đủ. Suy nghĩ phải thấu đáo, phải liên tục, không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm, khi thức cũng như khi ngủ chứ không nửa vời theo kiểu “làm được thì tốt”. Toàn bộ cơ thể từ đỉnh đầu đến gót chân đều tràn ngập suy nghĩ. Nếu đứt chân đứt tay thì “suy nghĩ chảy ra chứ không phải máu chảy ra”. Tập trung suy nghĩ, mãnh liệt suy nghĩ. Đó là nguồn động lực sáng tạo của con người.

Tại sao cùng có khả năng như nhau và mức độ nỗ lực ngang nhau nhưng người thì thành công, người thì thất bại? Người ta thường đổ lỗi cho vận số, cho may rủi. Nhưng thực ra đó là do sự khác nhau về sức mạnh, tầm cao, độ sâu và độ cháy bỏng của khát vọng mỗi người.

Đọc đến đây, có lẽ một số độc giả sẽ lắc đầu không đồng tình vì cho rằng tôi thuộc loại “lạc quan chủ nghĩa”. Nhưng, việc suy nghĩ, suy nghĩ đến quên ăn quên ngủ, suy nghĩ đến cùng kỳ lý là hành vi hoàn toàn không dễ dàng, không phải người nào cũng có thể làm được.

Lúc nào cũng phải nung nấu suy nghĩ mãnh liệt, khát vọng cháy bỏng và những điều đó phải ăn sâu vào tâm thức.

Ngay cả trong lĩnh vực kinh doanh, để triển khai những kế hoạch mới, để tạo ra một sản phẩm mới nếu chỉ suy nghĩ trong đầu không thôi thì phần lớn chúng ta chỉ nghĩ tới khó khăn và những cản trở.

Nếu cứ theo cung cách thông thường đó thì sự việc không trục trặc cũng phải trục trặc. Còn nếu thực sự có ý định làm gì thì điều không thể thiếu là phải có tư duy mãnh liệt, khát vọng mãnh liệt.

Để biến điều “không thể” thành “có thể” thì trước hết phải suy nghĩ mãnh liệt tới mức “điên khùng”. Tiếp đến là phải có niềm tin rằng sẽ làm được. Và cuối cùng quá trình lao động nỗ lực hướng về phía trước.

Đó là phương thức duy nhất để chúng ta đạt tới mục tiêu trong cả hoạt động kinh doanh lẫn trong cuộc đời.

Có thể thấy sản phẩm hiện ra trước mắt với đủ màu sắc không?

Khát vọng mãnh liệt là động lực để quá trình lao động hoàn tất sự vật. Cũng có người tránh không muốn đề cập tới cụm từ này vì cho rằng nó là biện pháp thuần tinh thần chứ không mang tính biện chứng khoa học.

Tuy nhiên, với một sự vật, nếu chúng ta luôn suy nghĩ về nó, suy nghĩ một cách triệt để, một cách thấu đáo thì sẽ phát sinh hiện tượng: Như thể chúng ta nhìn thấy được kết quả cuối cùng.

Nghĩa là chúng ta sẽ có thể nhìn thấy trước kết quả nếu suy đi tính lại “làm thế này thì… làm cách kia thì…” một cách nghiêm túc về quy trình, về các bước thực hiện, lặp đi lặp lại các thử nghiệm mô phỏng chứ không đơn thuần chỉ là muốn “được thế thì tốt quá” hoặc “muốn làm như thế” và chỉ muốn không thôi.

Chúng ta dùng phương pháp giả định thực nghiệm nhiều lần quá trình dẫn đến kết quả, như thể tính hàng vạn nước cờ, rồi chỉnh sửa kế hoạch mỗi lần gặp trục trặc như thể xoá đi những nước cờ không ổn.

Khi đã kiên trì theo đuổi một cách nhất quán quá trình tư duy như vậy thì thế nào cũng “thấy” con đường dẫn đến thành công giống như nhìn lại con đường đã từng đi qua.

Khi đó, chúng ta có thể vẽ ra một cách tỉ mỉ, chi tiết trong đầu toàn bộ trạng thái sự vật đã được hình thành và hoàn tất, chẳng khác nào từ trong giấc mơ, sự vật dần dần hiện ra trong thực tế và ranh giới giữa giấc mơ và hiện thực sẽ không còn nữa.

Hơn nữa, nếu sự vật mà chúng ta thấy vẫn ở hai màu đen trắng thì có nghĩa là nó vẫn còn chưa hoàn tất. Chỉ khi nào thấy sự vật với đầy đủ màu sắc chứng tỏ nó đã sát với thực tế hơn. Hiện tượng như tôi vừa kể thực sự xảy ra. Giống như phương pháp giả định trong thi đấu thể thao. Tình huống luyện tập càng tỉ mỉ, càng sát với thực tế, càng cô đọng thì người luyện tập sẽ càng thấy “hiện thực kết tủa”.

Tương tự, sẽ không có tính sáng tạo trong công việc và sẽ không thành công trong cuộc đời nếu chúng ta không tư duy trước một cách mạnh mẽ, suy nghĩ một cách sâu sắc và không nghiêm túc bắt tay vào nghiên cứu sự vật cho đến khi có thể nhìn thấy rõ mồn một hình thù của nó khi hoàn tất.

Chẳng hạn, để thiết kế một sản phẩm mới nếu chỉ tính toán việc đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết như tính năng, tác dụng thì vẫn chưa đủ.

Một thiết kế sẽ không đạt tiêu chuẩn lý tưởng – “thấy” rõ nó trên cơ sở suy nghĩ thấu đáo trước khi bắt tay vào thực hiện – thì cũng không được coi là thiết kế tốt mặc dù nó đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Các sản phẩm được thiết kế với tiêu chuẩn thông thường như thế chắc chắn sẽ không được tiếp nhận rộng rãi trên thị trường.

Trước đây, có một nhà nghiên cứu trạc tuổi tôi vốn tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng, cùng với các nhân viên của mình, anh ta đã hoàn thành một mẫu sản phẩm sau suốt mấy tháng mầy mò, vất vả nghiên cứu, thiết kế. Anh ta đưa sản phẩm cho tôi xem. Vừa nhìn thấy nó, tôi đã khẳng định: “Không được”. Anh ta tỏ vẻ khó chịu ra mặt.

– Sản phẩm làm đúng theo yêu cầu của khách hàng, vậy mà ông lại bảo là chưa được. Tại sao vậy?

– Thứ mà tôi kỳ vọng là một sản phẩm cao cấp hơn nhiều chứ không chỉ như thế này. Anh nhìn lại xem, màu sắc vừa thô vừa xỉn.

– Ông cũng là nhà kỹ thuật sao lại đưa ra đánh giá dựa trên cảm nhận về vẻ ngoài của nó? Đây là sản phẩm công nghiệp chứ không phải đồ mỹ nghệ nên không thể đánh giá một cách cảm tính.

– Cứ cho là tôi nói theo cảm tính nhưng thứ mà tôi hình dung trong đầu không phải là một đồ gốm với màu sắc tệ như thế này. Lý do là vậy.

Tôi yêu cầu anh ta làm lại. Bao nhiêu công sức của anh ta từ trước tới giờ đổ xuống sông xuống biển. Khỏi phải nói anh ta tức giận như thế nào. Nhưng công việc là công việc. Cái thứ mà anh ta làm ra khác hẳn sản phẩm mà tôi hình dung – ngay cả hình thức bên ngoài.

Thế rồi sau biết bao lần làm đi làm lại, cuối cùng nhóm thiết kế đã thành công với mẫu sản phẩm đạt đến mức độ lý tưởng.

Khi đó, tôi nói với họ: “Chúng ta phải làm ra những sản phẩm sắc sảo đến mức… sờ vào là đứt tay”. Nghĩa là sản phẩm phải hoàn hảo gần như tuyệt đối. Đó là điều tôi muốn nói.

“Sờ vào là đứt tay”, đây là câu nói cửa miệng của cha mẹ tôi mà tôi nghe được từ thủa nhỏ. Khi một sản phẩm hoàn hảo đến mức lý tưởng hiện rõ trước mắt khiến chúng ta vừa ngạc nhiên vừa khao khát đến mức chỉ muốn sờ vào nó nhưng lại do dự không dám chạm tay. Cha mẹ tôi diễn đạt điều đó bằng câu “sờ vào là đứt tay”.

Câu nói ấy cũng bật ra từ miệng tôi.

Phải không tiếc công sức, nỗ lực cho đến khi hoàn thành sản phẩm mà mình tự tin rằng “có một không hai”. Đây là điều vô cùng quan trọng và cũng là nghĩa vụ tinh thần của bất kỳ người nào định nhắm tới đỉnh cao chót vót của hành trình sáng tạo.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

Nguyên Tắc Kỷ Luật Bản Thân Thức dậy mỗi sáng sớm hơn năm phút có thể không có ý nghĩa gì nhiều khi xét trên cơ sở hàng ngày, nhưng lại có một hiệu ứng…
Khí Chất Single Mom Những người mẹ đơn thân còn có nhiều điểm chung hơn nữa: Áp lực tiền bạc; cô đơn đến thắt lòng; bất lực; bị cô lập về mặt xã…
Bác Sĩ Riêng Của Bé Yêu – Bước Đệm Vững Chắc Vào Đời Mỗi trẻ sẽ có một vòng cung tăng trưởng riêng của mình, và gần như không trẻ nào giống trẻ nào cả. Vì vậy, tốt nhất không so sánh…
Back to top button