15 cuốn sách hay về ngoại giao và quan hệ quốc tế

15 cuốn sách hay về ngoại giao cung cấp kiến thức cơ bản về hệ thống quan hệ quốc tế nói chung và ngoại giao nói riêng. Sách đi sâu phân tích diễn biến thực tế trên thế giới và Việt Nam, từ đó dự báo xu hướng phát triển và đề xuất những giải pháp mang tính định hướng chính sách cho công tác ngoại giao nước nhà.

Đàm Phán Ngoại Giao: Những Vấn Đề Cơ Bản

Đàm phán ngoại giao là một công việc phức tạp. Để đàm phán thành công, người đại diện cho quốc gia tham gia đàm phán phải nắm được bản chất của quá trình đàm phán cũng như những chiến lược, chiến thuật và sử dụng thành thục những kỹ năng đàm phán ngoại giao. Mặc dù sách về đàm phán thông thường đã có không ít, nhưng cho đến nay, ở nước ta chưa có một cuốn sách nào chuyên về đàm phán ngoại giao. Do vậy, cuốn sách này là một trong những nỗ lực khởi đầu về chủ đề này.

Cuốn sách này là sự đúc kết và chắt lọc từ nhiều nguồn khác nhau và những trải nghiệm cá nhân của chính tác giả trong gần 40 năm công tác ngoại giao.

Lịch Sử Quan Hệ Quốc Tế

Để bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu và tham khảo về lịch sử quan hệ quốc tế kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ mới, nội dung sách gồm 6 phần:

  • Phần một: Sự hình thành hệ thống lưỡng cực (1945 – 1953)
  • Phần hai: Những mâu thuẫn của hệ thống lưỡng cực: các chiến lược tiến công và sự chung sống hoà bình (1953 – 1962)
  • Phần ba: Giai đoạn đầu tiên của tình trạng ổn định trong thế đối đầu: Làm dịu tình hình và ổn định hệ thống thế giới (1962 – 1975)
  • Phần bốn: Giai đoạn thứ hai của tình trạng ổn định trong thế đối đầu
  • Phần năm: Sự sụp đổ của hệ thống lưỡng cực (1985-1996)
  • Phần sáu: Sự hình thành thế giới đơn cực (1996 – 2008)

Nền Ngoại Giao Toàn Diện Việt Nam Trong Thời Kỳ Hội Nhập

Cuốn sách tập hợp những bài viết, phát biểu, trả lời phỏng vấn được chọn lọc về việc triển khai và thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, cũng như công tác xây dựng ngành ngoại giao của đồng chí Phạm Gia Khiêm. Cuốn sách không chỉ là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng và cần thiết cho các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, học tập, làm công tác đối ngoại mà còn cho tất cả những ai quan tâm đến lịch sử ngoại giao của đất nước ta giai đoạn 2006-2011.

Cuốn sách gồm 5 chương chính:

  • Chương I: Ngoại giao chính trị
  • Chương II: Ngoại giao kinh tế – nhiệm vụ trọng tâm của ngoại giao thời kỳ hội nhập
  • Chương III: Ngoại giao văn hóa và công tác thông tin đối ngoại
  • Chương IV: Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài
  • Chương V: Công tác xây dựng ngành.

Một Số Vấn Đề Lý Luận Quan Hệ Quốc Tế Dưới Góc Nhìn Lịch Sử

Nội dung cuốn sách tập trung bàn về quan hệ quốc tế trên phương diện lý thuyết, xác định các xu hướng vận động trong quan hệ quốc tế, tìm hiểu những điều kiện chi phối sự tương tác giữa các chủ thể, dự báo hành vi và phản ứng của chúng trong quan hệ quốc tế,…

Cuốn sách cũng phân tích một số vấn đề lý luận cơ bản về hệ thống quốc tế, như tìm hiểu nhận thức về hệ thống quốc tế, các yếu tố tạo nên hệ thống quốc tế và khái niệm hệ thống quốc tế, trình bày các khái niệm về quyền lực, lý thuyết quyền lực, chạy đua vũ trang, nguyên nhân chiến tranh, quản trị toàn cầu,… Đồng thời, một số lý thuyết và khái niệm mới mẻ như chính trị xanh, lý thuyết phụ thuộc, phân định khu vực,… cũng được tác giả phân tích bằng lập luận sắc bén, như một sự gợi mở cho độc giả suy ngẫm về sự biến đổi không ngừng của thế giới toàn cầu hóa hôm nay.

Lý Thường Kiệt Lịch Sử Ngoại Giao Và Tông Giáo Triều Lý

Từ đời Tần, mỗi lúc có một họ thống nhất Trung Hoa, họ ấy liền nghĩ đến việc chiếm các nước nhỏ xung quanh. Tần có Nhâm Hiêu, Triệu Đà; Hán có Lộ Bác Đức đều đã đạt mục đích là diệt họ đang cầm quyền ở đất Việt.

Sau, trong khoảng độc lập hoàn toàn trở lại ở nước ta, những cuộc xâm lăng bắt đầu từ đời Tống, dưới triều Tống Thái Tông, tướng Tống tưởng lấy nước ta dễ, đã khinh cử, nên thất bại hoàn toàn bởi tay Lê Hoàn.

Lần thứ hai, dưới triều Tống Thần Tông, thế vua Tống và Tể tướng Vương An Thạch rất to, nên sự xuất quân được dự bị một cách cẩn thận và đầy đủ: quân hơn mười vạn, sửa soạn một năm, tướng tá tinh nhuệ, kế hoạch định rõ từng chi tiết.

Đáng lẽ nước ta lúc ấy bị đổi thành châu quận của Tống. May! đương thời, có một vĩ nhân cầm quyền, có đủ óc chính trị, biết kết thúc nhân tâm, có cao tài lợi dụng thời cơ, có kinh nghiệm điều binh, khiển tướng.

Bậc ấy là Lý Thường Kiệt.

Ngoại Giao Giữa Việt Nam Và Các Nước Phương Tây Dưới Triều Nguyễn (1802 – 1858)

Từ trước đến nay, những vấn đề của triều Nguyễn đã thu hút được sự chú ý của đông đảo học giả trong và ngoài nước. Riêng trong lĩnh vực ngoại giao, những đóng góp và hạn chế của triều Nguyễn trong tiến trình xây dựng đất nước trong nửa đầu thế kỷ XIX (1802 – 1858), đã và đang đặt ra nhiều vấn đề thời sự và khoa học trong nghiên cứu lịch sử nói chung và lịch sử ngoại giao nói riêng. Đã có nhiều công trình đề cập đến các vấn đề về chính sách đối ngoại dưới triều Nguyễn, quan hệ của triều Nguyễn đối với các nước nhưng cho đến nay chưa có một công trình nào đề cập một cách toàn diện và đầy đủ về những vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại của triều Nguyễn trong quan hệ với các nước phương Tây.

Ngoại Giao Giữa Việt Nam Và Các Nước Phương Tây Dưới Triều Nguyễn (1802 – 1858) góp phần khôi phục lại bức tranh lịch sử ngoại giao của Việt Nam thời kỳ cận đại, đồng thời tăng cường sự hiểu biết về vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế nửa đầu thế kỷ XIX

Vận Động Hành Lang Của Israel Và Chính Sách Ngoại Giao Của Hoa Kỳ

Nội dung cuốn sách chủ yếu tập trung vào ảnh hưởng của giới vận động hành lang của Israel lên chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và tác động của nó đến lợi ích của cả hai nước, gồm hai phần chính:

Phần I: Hoa Kỳ, Israel và giới lobby, từ Chương 1 đến Chương 6.

Nội dung phần này trực tiếp giải quyết vấn đề bằng cách miêu tả những viện trợ kinh tế và quân sự mà Hoa Kỳ đã trao cho Israel cũng như những hỗ trợ về mặt ngoại giao của Washington trong cả hòa bình lẫn chiến tranh; đánh giá những luận điểm chính thường được đưa ra để biện minh hoặc giải thích cho nhiều hỗ trợ ngoại lệ đặc biệt mà Israel nhận được từ Hoa Kỳ, thông qua nghiên cứu những lý lẽ có thể giải thích cho một “mối quan hệ đặc biệt” hiện tại giữa hai quốc gia; xác định những thành phần khác nhau trong giới lobby này và miêu tả quá trình phát triển của mối liên minh lỏng lẻo ấy, đồng thời chỉ ra làm thế nào mà theo thời gian một số tổ chức quan trọng nhất của giới lobby này lại nghiêng về cánh hữu và ngày càng không đại diện cho số đông những người mà họ tuyên bố đại diện; miêu tả những chiến lược khác nhau mà các nhóm trong giới lobby này sử dụng để đạt được lợi ích cho Israel ở Hoa Kỳ; …

Phần II: Lobby Israel hành động, từ Chương 7 đến Chương 11.

Nội dung phần này cho biết, Hoa Kỳ đã chống lưng cho Israel một cách bền bỉ như thế nào trong nỗ lực đàn áp hoặc hạn chế các nguyện vọng dân tộc của người Palestine; giới lobby Israel, đặc biệt là những người tân bảo thủ trong giới này đã trở thành thế lực chính bẻ ghi con tàu xâm lược tiến vào lãnh thổ Iraq năm 2003 của chính quyền Bush như thế nào; miêu tả diễn tiến của mối quan hệ khó khăn giữa Hoa Kỳ và chế độ Assad ở Syria; tìm kiếm dấu vết của giới vận động hành lang trong chính sách của Hoa Kỳ với Iraq;… Và cuối cùng, trên cơ sở đó, tìm hiểu những biện pháp để cải thiện tình hình u ám bằng cách xác định các lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ ở Trung Đông, phác thảo ra những nguyên tắc cơ bản cho một chiến lược được gọi là cân bằng khơi xa để có thể bảo vệ những lợi ích này hiệu quả hơn và đưa ra nhiều gợi ý điều chỉnh sức mạnh của giới lobby này nhằm đem lại lợi ích cho cả Hoa Kỳ và Israel.

Di Sản Hồ Chí Minh – Chúng Tôi Học Làm Ngoại Giao Với Bác Hồ

Tác giả là thế hệ cán bộ ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam. Thông qua các dịp được tiếp xúc với Bác Hồ, tác giả đã viết ra 14 câu chuyện nhỏ kể lại những bài học tâm đắc của mình trong quá trình học làm ngoại giao với Bác Hồ.

Chuyện Nghề, Chuyện Nghiệp Ngoại Giao

Như các tác giả bày tỏ trong Lời tựa cuốn sách, “Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao” không nhằm viết “lịch sử” hay “giáo trình” ngoại giao Việt Nam hoặc hồi ký “mà chỉ muốn qua những câu chuyện về người thật, việc thật, những công việc chúng tôi đã làm, những hoạt động đã từng tham gia, những sự kiện đã từng chứng kiến, những đất nước đã từng đi qua góp phần làm cho mọi người hiểu cho phần nào những điều hay nỗi khổ, điều khôn sự dại của một lớp người đã “sinh ư nghệ, tử ư nghệ” ngoại giao, đồng thời cũng ước sao lớp người sau may ra có thể lượm lặt được đôi điều bổ ích. Cũng xin nói ngay rằng, những câu chuyện trong sách mới chỉ do vài người kể lại. Tuy chúng khá đa chiều vì mỗi người một góc nhìn, một cương vị, một lĩnh vực, một khu vực nhưng chưa thể vẽ nên được bức tranh toàn cảnh về nghề ngoại giao. Lại nữa, đôi chỗ bạn đọc có thể thấy những nhận xét, đánh giá này nọ nhưng đó chỉ là những cảm nhận rất riêng tư, hoàn toàn không phải là sự đánh giá mang tính tổng quan hay những triết lý sâu xa gì về nghề nghiệp”.

Bằng một lối kể chuyện dung dị, nhiều khi dí dỏm, thông qua những trải nghiệm nghề nghiệp phong phú và đa dạng của mỗi người, các tác giả cuốn “Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao” đã kể lại những câu chuyện có thật trong đời hoạt động ngoại giao của mình, không chỉ đem lại nhiều điều bổ ích cho các nhà ngoại giao trẻ mà còn giúp bạn đọc rộng rãi khám phá thêm những điều được coi là “bếp núc” của nghề ngoại giao. Đúng như nhà thơ Việt Phương đã viết trong Lời giới thiệu, cuốn sách là một lời mời chia sẻ với “từng mẩu chuyện, nhỏ nhoi mà lớn rộng, nhẹ nhàng mà ý nhị, như chơi mà rất thật, bình thường mà xúc động, hóm hỉnh mà nghiêm trang, tự nhiên mà điêu luyện, nề nếp mà sáng tạo”.

Ngoại Giao Trung Quốc

Quyển sách là một tài liệu ngắn gọn, có tính khái quát cao, giúp bạn đọc có những hiểu biết tổng quát về Ngoại giao Trung Quốc, cho những ai quan tâm đến đất nước có một nền văn hóa đồ sộ và kinh tế đứng thứ 2 thế giới này.

Nhà Ngoại Giao Kể Chuyện

Sau khi nghỉ hưu (năm 1998), bằng vốn kiến thức và những kinh nghiệm công tác quý báu của mình, nhà ngoại giao Võ Anh Tuấn vẫn tiếp tục cống hiến cho ngành ngoại giao. Trên cơ sở những hồ sơ tư liệu được lưu trữ từ khi còn làm việc, ông đã hệ thống hóa, biên soạn và xuất bản một số sách chuyên đề về ngoại giao như: Phong trào Không liên kết (1999), Hệ thống Liên hợp quốc (2004), Lễ tân ngoại giao thực hành (2018), Mặt trận ngoại giao miền Nam Việt Nam trong chống Mỹ, cứu nước (Nxb. Phương Đông, 2017)…

Để giúp bạn đọc tìm hiểu về những cống hiến, đóng góp của Đại sứ Võ Anh Tuấn đối với công tác ngoại giao, qua đó hiểu hơn về những năm tháng “hoạt động đối ngoại rất sôi động” của nước ta, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Nhà ngoại giao kể chuyện, trong đó ghi lại những trải nghiệm, cảm xúc, những sự kiện đặc biệt mà ông đã trải qua trong suốt thời gian công tác của mình và cũng là chặng đường vô cùng quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam. Bạn đọc, nhất là những người làm công tác ngoại giao hiện nay, có thể tìm thấy trong cuốn sách những kinh nghiệm công tác bổ ích và hiểu thêm về những giờ phút lịch sử liên quan đến vận mệnh đất nước diễn ra trên mặt trận ngoại giao. Tác giả cũng dành một phần để viết về hoạt động khuyến học sôi động trong suốt 20 năm liền (sau khi nghỉ hưu) để thể hiện sự tri ân đối với đồng bào đã cưu mang đùm bọc thầy trò ngành Giáo dục Nam Bộ kháng chiến trước kia.

Vài Ngón Nghề Ngoại Giao

Không chỉ là một nghề, ngoại giao còn là một khoa học và nghệ thuật. Cuốn sách đi sâu phân tích chín kỹ năng cơ bản, quan trọng trong công tác ngoại giao: nghiên cứu, đàm phán, xử lý tình huống, ngoại giao đa phương, ngoại giao phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, công tác thông tin báo chí, lễ tân ngoại giao, soạn thảo văn bản, văn kiện, nói trong ngoại giao. Cuốn sách được xem là “cẩm nang gối đầu giường cho ” cán bộ làm công tác ngoại giao cũng như tất cả các bạn đọc mong muốn nâng cao kỹ năng ngoại giao, đàm phán trong công việc và cuộc sống.

Thuật Ngữ Quan Hệ Quốc Tế

Cuốn sách này gồm 100 thuật ngữ quan hệ quốc tế quan trọng liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, pháp luật, ngoại giao, được xây dựng, chắt lọc, tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu, tài liệu chuyên khảo, tham khảo giá trị trong nước và nước ngoài.

Ngoại Giao Đa Phương Trong Hệ Thống Quan Hệ Quốc Tế Đương Đại

Bước vào thế kỷ XXI, nhân loại đã và đang chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc của tình hình thế giới và khu vực. Nhiều vấn đề mang tính toàn cầu nảy sinh làm gia tăng sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia. Bởi vậy, ngoại giao đa phương ngày càng khẳng định mạnh mẽ vị trí là một kênh ngoại giao hữu hiệu để xử lý và giải quyết những vấn đề mang tính đa quốc gia, liên khu vực và toàn cầu.

Cuốn sách Ngoại Giao Đa Phương Trong Hệ Thống Quan Hệ Quốc Tế Đương Đại được biên soạn để góp phần cung cấp tư liệu tham khảo cho việc nghiên cứu về ngoại giao đa phương, xu hướng và thực tiễn phát triển của kênh ngoại giao này trong những năm tới.

Lễ Tân Ngoại Giao Thực Hành

Ngày nay, trong một vị thế mới, để phát triển đất nước, hoạt động ngoại giao đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, đòi hỏi phải có những ứng xử đúng đắn để vừa bảo đảm được lợi ích chính đáng của đất nước ta vừa tăng cường tình hữu nghị quốc tế. Đến nay, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 187 nước và có quan hệ kinh tế với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là thành viên tích cực của hầu hết các cơ chế đa phương quan trọng, có quan hệ và liên kết kinh tế sâu rộng với hầu hết các đối tác hàng đầu trên thế giới.

Nhằm mục đích giúp những người quan tâm đến hoạt động ngoại giao có thể tham khảo, tìm hiểu một số quy định, tập quán quốc tế cũng như của Việt Nam liên quan đến lễ tân ngoại giao trong hoạt động ngoại giao, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản có sửa chữa, bổ sung cuốn sách Lễ tân ngoại giao thực hành của tác giả Võ Anh Tuấn.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

11 quyển sách hay về thiên nhiên mở rộng kiến thức của người đọc 11 quyển sách hay về thiên nhiên cho bạn đọc nhiều kiến thức bổ ích và thú vị về thiên nhiên và môi trường sống. Đọc để hiểu thêm…
11 quyển sách hay về cái tôi mở rộng nhận thức của người đọc 11 quyển sách hay về cái tôi sẽ thay đổi cách bạn nhìn nhận bản thân, những người xung quanh và cả thế giới này. Cái Tôi Và Cái…
5 cuốn sách hay về ẩm thực Trung Hoa đầy tinh tế và hấp dẫn 5 cuốn sách hay về ẩm thực Trung Hoa đưa bạn đọc vào chuyến hành trình khám phá nền ẩm thực Trung Quốc lâu đời và đặc sắc. Trải…
Back to top button