19 quyển sách văn học Hàn Quốc này là những lát cắt hiện thực trần trụi, chân thực và chi tiết nhất về các vấn đề đang hiện hữu ở Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Đó là sự mất cân bằng về tăng trưởng kinh tế và đời sống tinh thần, sự rạn nứt của giá trị gia đình, cạnh tranh khốc liệt về công ăn việc làm…
Bước Chậm Lại Giữa Thế Gian Vội Vã
Chen vai thích cánh để có một chỗ bám trên xe buýt giờ đi làm, nhích từng xentimét bánh xe trên đường lúc tan sở, quay cuồng với thi cử và tiến độ công việc, lu bù vướng mắc trong những mối quan hệ cả thân lẫn sơ… bạn có luôn cảm thấy thế gian xung quanh mình đang xoay chuyển quá vội vàng?
Nếu có thể, hãy tạm dừng một bước.
Để tự hỏi, là do thế gian này vội vàng hay do chính tâm trí bạn đang quá bận rộn? Để cầm cuốn sách nhỏ dung dị mà lắng đọng này lên, chậm rãi lật giở từng trang, thong thả khám phá những điều mà chỉ khi bước chậm lại mới có thể thấu rõ: về các mối quan hệ, về chính bản thân mình, về những trăn trở trước cuộc đời và nhân thế, về bao điều lý trí rất hiểu nhưng trái tim chưa cách nào nghe theo…
Ra mắt lần đầu năm 2012, Bước chậm lại giữa thế gian vội vã của Đại đức Hae Min đã liên tục đứng đầu danh sách best-seller của nhiều trang sách trực tuyến uy tín của Hàn Quốc, trở thành cuốn sách chữa lành cho hàng triệu người trẻ luôn tất bật với nhịp sống hiện đại hối hả.
Yêu Những Điều Không Hoàn Hảo
“Ngẫm lại cuộc sống của chính mình, ta sẽ nhận thấy rất nhiều điều không hoàn hảo. Trước hết, chỉ nhìn vào bản thân mình thôi ta đã cảm nhận được nhiều thiếu sót rồi: lời nói và hành động mâu thuẫn với nhau, vụng về trong những mối quan hệ xã hội, chuyện học hành, công việc không suôn sẻ như ý muốn. Chưa kể đôi khi ta còn khiến người khác tổn thương, thậm chí còn làm những việc khiến bản thân cảm thấy tội lỗi và hối hận. Và khi nhìn vào những người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, ta cũng nhận thấy những điều không-hoàn-hảo tương tự như vậy.
Nhưng dù đang sống giữa thế gian đầy rẫy những điều không hoàn hảo, ta vẫn không thể ngừng yêu thương chính những điều không hoàn hảo ấy. Cuộc sống rất đáng để trân trọng, ta không thể phí hoài cuộc sống vào việc mỉa mai hay căm ghét thứ gì đó chỉ vì không thể hiểu được nó hoặc nó không vừa ý ta.
Mong sao những dòng chữ nhỏ bé của tôi có thể đem đến cho độc giả dũng khí, giúp họ chữa lành vết thương lòng và dành ra cho riêng mình khoảng thời gian để yêu bản thân… Mong sao cuốn sách này sẽ trở thành bàn tay giữ lấy bạn khi bạn rơi vào tuyệt vọng, sẽ trở thành khoảng lặng để bạn tạm dừng chân giữa những hỗn độn ồn ào.”
― Đại đức Hae Min
Điều Gì Xảy Ra, Ai Biết…
Phi hiện thực mà vẫn rất thực, đó là ấn tượng đầu tiên khi đọc tập truyện ngắn này. Những lát cắt mỏng của xã hội Hàn Quốc hiện đại, cuộc sống, tình yêu, ngẫm nghĩ… Một Hàn Quốc khác hơn những tập phim truyền hình. Có khi người ta quá cô đơn đến độ tìm thấy tình yêu đích thực với người máy (truyện Robot), hay tìm hiểu nhau qua bảng câu hỏi như trò giải đố trên truyền hình (truyện Quiz show), hay khi mà mọi thú vui trong đời sống gói gọn lại trong một hộp kem 24 viên, khiến môt khủng hoảng nho nhỏ xảy ra khi tự dưng nó bốc mùi dầu hỏa (truyện Kem) …
Sống động, như lời tác giả Kim Young Ha: “Trong những trang giấy kia có cuộc đời của tôi trong đó.”
Người Ăn Chay
3 truyện ngắn hay, độc lập nhưng cũng có thể gộp gọi tiểu thuyết (Bản gốc không định rõ). Bởi vì cũng những con người đó, nền tảng, xuất xứ đó, nhưng tác giả xây dựng thông qua cái nhìn của các nhân vật khác nhau theo từng sự chuyển biến của câu chuyện. Han Kang giải mã những vùng tăm tối nhất trong con người họ, bắt đầu từ những khao khát bình thường hay đặc biệt, dần dần trở thành những chấn thương không thể nào chữa được. Các nhân vật đi tìm những ảo ảnh, hình bóng chập chờn cho quên đi nỗi đau, để rồi cuối cùng biến mất theo chúng.
Hãy Chăm Sóc Mẹ
Tác phẩm Hãy chăm sóc mẹ của nhà văn Hàn Quốc Kyung-sook Shin mở đầu bằng khung cảnh xáo trộn của một gia đình. Mẹ bị lạc khi chuẩn bị bước lên tàu điện ngầm cùng bố ở ga Seoul. Hai ông bà dự định lên đây thăm cậu con cả. Con gái đầu, Chi-hon, là người đứng ra viết thông báo tìm người lạc thay cho cả gia đình. “Ngoại hình: Tóc ngắn đã muối tiêu, xương gò má cao, khi đi lạc đang mặc áo sơ mi xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu be”. Trong tiềm thức của mình, Chi-hon vẫn nghĩ mẹ là người thường“bước đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang nhìn thẳng xuống từ trên cao”. Trong khi đó, những người qua đường đáp lại thông báo tìm người lạc của cô bằng miêu tả về một “một bà già cứ lững thững bước đi, thỉnh thoảng lại ngồi bệt xuống đường hay đứng thẫn thờ trước cầu thang cuốn”. Liệu đó có phải là người mẹ mà cả gia đình cô đang cất công tìm kiếm?
Một ngày, một tuần rồi gần một tháng chầm chậm trôi qua. Người chồng và những đứa con hiện đều đã phương trưởng cả không chỉ lo sốt vó mà còn day dứt tâm can vì cảm giác tội lỗi, và rối bời “trong nỗi hoảng loạn như thể tất cả mọi người đều bị tổn thương ở vùng não”. Họ cũng lấy làm băn khoăn tại sao mẹ không biết hỏi đường về nhà cậu con cả cho đến khi phát hiện ra hai sự thật rằng mẹ không biết chữ và mẹ bệnh ung thư vú khiến đầu óc không được minh mẫn như thường.
Từ đây, những hy vọng tìm lại mẹ càng trở nên mong manh hơn…
Tôi Có Quyền Hủy Hoại Bản Thân
Tiểu thuyết ngắn này được dẫn dắt bởi một người dẫn chuyện không tên, như một bóng ma ám theo những cư dân bị tổn thương và lạc lối của cuộc sống đô thị, mời chào họ tìm sự ủy an nơi cái chết. Hai anh em C và K cùng yêu một cô gái tên Se Yeon. Cô gái Hồng Kông từng làm nghề ma nơ canh kỳ lạ. Nữ nghệ sĩ trình diễn chưa một lần cho phép ai được ghi hình. Dòng chảy cuộc đời họ có thể giao nhau, có thể không, nhưng sự tồn tại của họ trong suốt các trang sách này đều chưa từng ngưng thống khổ. Bằng một thứ văn chương mơ màng và đậm chất xi nê, gợi tình và uể oải, Kim Young Ha đã viết về cuộc vật lộn vô vọng để tìm kiếm mối liên hệ của cá nhân và thế giới nơi họ sống, về nỗi tuyệt vọng dưới hình hài sự chán chường, sự giải thoát được sinh ra từ hủy diệt, về cái chết trở thành một phần của sự sống; để rồi đến khi tựu hình, Tôi có quyền tự hủy hoại bản thân thực sự là một hư cấu không mấy dễ đọc, không mấy dễ chịu, nhưng đầy sức ám ảnh với những ai kiếm tìm điều gì đó nằm bên ngoài ánh sáng và niềm hân hoan đơn thuần.
Cô Gái Viết Nỗi Cô Đơn
Mười sáu năm sau năm mười sáu tuổi, nhà văn đặt bút viết, “tôi của tuổi mười sáu”.
Tuổi mười sáu với chuyến tàu đêm đầu tiên lên thành phố, với cánh cổng dẫn vào khu công nghiệp lô nhô ống khói, với dây chuyền sản xuất chạy như không bao giờ biết dừng, với bộ đồng phục học sinh khoác lên người mỗi chiều lúc năm giờ, và căn phòng hiu quạnh thuộc ngôi nhà trọ ba mươi bảy phòng lắt léo như một mê cung,… Ngòi bút không ngừng kéo quá khứ về hiện tại đồng thời đẩy hiện tại vào quá khứ xa xăm, dần nối lại một quãng đời bị chặn đứng, dần vượt thoát những ký ức đầy ám ảnh, dần liền lại bao mảnh vỡ của một thời chớm đôi mươi nhọc nhằn trưởng thành từng ngày.
“Viết, có phải chính là như thế? Chừng nào còn viết thì chừng đó sẽ không bao giờ có thời gian nào là thời gian đã qua?”
Cô gái viết nỗi cô đơn, cuốn tiểu thuyết mang đậm màu sắc tự truyện của Shin Kyung-Sook, là lời đáp nhiều trăn trở nhưng kiên định cho câu tự vấn day dứt ấy của chính nhà văn.
Bố Con Cá Gai
Có những câu chuyện mãi được yêu thương, và nằm trong trái tim bạn đọc suốt năm này qua năm khác… Bố con cá gai là một câu chuyện như thế, trong trái tim độc giả Hàn Quốc, suốt nhiều năm nay. Ở đó có một em nhỏ đã chiến đấu với bệnh hiểm nghèo từ lúc lên ba, giờ em gần mười tuổi. Hãy khoan, đừng vội buồn! Vì em bé này sẽ chẳng làm bạn phải buồn nhiều. Em chịu tiêm rất giỏi, em không khóc, ngoài những lúc mệt quá ngủ thiếp đi, em còn bận đỏ bừng mặt nghĩ tới bạn Eun Mi kẹp-tóc-hoa, bận xếp hình tàu cướp biển, bận lật giở cuốn truyện Bảy viên ngọc rồng… Nhưng bố em thì khác, một ông bố làm em nhỏ của chúng ta phiền lòng quá nhiều, cũng làm những ai dõi theo “bố con cá gai” phải buồn không ít, có khi buồn quá hóa giận! Ông bố ấy đích thị là bố cá gai – một cá bố rất kỳ lạ – cả nguồn sống chỉ co cụm quẩn quanh cá gai con tí xíu. Như một ông bố ngốc!
Cô Gà Mái Xổng Chuồng
Mầm Lá là cô gà duy nhất trong đàn đến giờ ăn không chúi đầu vào máng mà lại thò cổ qua lưới sắt để ngắm tán cây Mimosa ngoài vườn, cũng là cô gà duy nhất có một cái tên riêng do cô tự đặt. Không chấp nhận cuộc sống quẩn quanh trong chuồng chỉ để xơi cám và đẻ trứng, Ipssac mơ ước được đi lại đó đây, được ấp trứng rồi dẫn bầy con của mình tha thẩn khắp nơi như Gà Mái nhà – thành viên của gia đình sân vườn.
Ước mơ của Mầm Lá có phải hoang đường? Mà có gà công nghiệp nào mà lại đầy quyết tâm và nghị lực được như cô?
Những trang viết tràn xúc cảm về cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm mà thú vị trên đồng hoang, rừng thông và hồ nước, về tình yêu và sự hy sinh của cô gà mái đặc biệt đó khiến tác phẩm trở thành cuốn truyện được yêu thích nhất của hàng triệu thiếu nhi tại Hàn Quốc.
Dù Con Sống Thế Nào, Mẹ Cũng Luôn Ủng Hộ
Đều đặn vào mỗi thứ Ba, Uy Nyung, cô bé đang bâng khuâng trước bậc thềm thanh xuân lại nhận được một lá thư. Lá thư luôn mở đầu bằng “Uy Nyung à” và kết thúc bằng “Chúc con một ngày tốt lành”, được gửi từ mẹ cô, một nhà văn vẫn dằn vặt vì không thể đối thoại trực tiếp với con mình. Dùng những cuốn sách bắc nhịp cầu, bằng con mắt quan sát thầm lặng mà sâu sắc, bà rủ rỉ trả lời từng câu hỏi cô bé đang vướng mắc: Nên gặp gỡ chàng trai thế nào? Làm sao tiếp nhận lời khen chê? Đâu mới là cuộc sống hạnh phúc… Không chỉ gói ghém những tâm tình gửi đến con gái, tập tản văn này của Gong Ji Young, nữ tác giả tiêu biểu của văn học Hàn Quốc hiện đại, còn là ngọn đèn soi lối tìm đến cuộc đời của mỗi chúng ta.
“Mẹ hy vọng con không chỉ đang tồn tại, mà sống sao cho đúng là con ngày hôm nay. Mẹ hy vọng con sẽ thử suy nghĩ về những điều đương nhiên theo một cách không đương nhiên, hy vọng con sẽ không e ngại trước bất cứ điều gì, mà thoải mái dang rộng đôi cánh của mình ra. Mẹ hứa, dù con sống thế nào, mẹ cũng luôn ủng hộ con.”
Yêu Người Tử Tù
Mười lăm năm trước, Yoo Jeong từ một cô bé hiền lành, chăm chỉ, ngoan ngoãn đã chịu một cú sốc lớn khiến cuộc đời cô hoàn toàn thay đổi. Sau lần tự tử thứ ba bất thành, cô trót hứa với cô Mônica, là cô ruột và cũng là một nữ tu, phải tới trại giam Seoul để gặp những người tử tù. Tại đây, cô đã gặp Yoon Soo – một kẻ giết người bị kết án tử hình. Mặc dù rất ghê tởm tội ác của anh ta, nhưng có một điều gì đó trong sâu thẳm tâm hồn người đàn ông này khiến Yoo Jeong chú ý.
Cô trở lại thăm anh vào tuần tiếp theo, rồi những tuần tiếp theo nữa… Dần dà, một thứ tình cảm khác lạ đã nhen nhóm lên bên trong họ. Nó như một phép màu quyền năng giúp họ vượt qua những thương tổn, làm thay đổi con người và niềm tin của họ. Cho đến khi cả hai có thể gọi tên mối quan hệ ấy thì chợt nhận ra thời gian hạnh phúc còn lại quá ngắn ngủi…
“Tôi đã trải qua một quãng thời gian vô cùng hạnh phúc khi tôi viết cuốn tiểu thuyết này. Nếu tôi không viết cuốn tiểu thuyết này, chắc tôi sẽ chỉ nói được câu “Tôi không biết” cũng như chẳng bao giờ tôi biết được những mặt khác của xã hội mà chúng ta đang sống. Tôi đã được gặp họ – những người biết tự kiểm điểm lại bản thân mình, những người như được tái sinh một lần nữa, những người vừa phải sống vừa phải chịu đựng những nỗi đau đớn tột cùng, những người đã sẵn sàng dang tay chấp nhận và tha thứ tội lỗi cho chính kẻ thù của mình dù không dễ dàng gì, hay những người lúc nào cũng luôn làm những việc thiện, việc tốt để giúp đỡ những người kém may mắn, cùng với họ tôi đã trải qua “Một khoảng thời gian hạnh phúc”. Tôi cũng mong rằng trong thời gian gặp tôi, họ cũng đã trải qua một khoảng thời gian hạnh phúc.”
Trong mùa đông lạnh giá mà ai cũng tưởng rằng vạn vật trên thế gian này đều đã chết,những nhành cây ngoài cửa sổ đang khẽ vươn ra những chồi non xanh,trên nền đất lạnh lẽo và tăm tối.Một mùa xuân mới,đang lặng lẽ về.
(GONG JI-YOUNG)
Chó Xanh Lông Dài
Lông Dài từ khi sinh ra đã cùng gia đình sống trong mảnh sân nhỏ nhà lão To Giọng. Chứng kiến các anh em lần lượt bị người lạ đến bắt đi, Lông Dài trở nên cảnh giác để bảo vệ các thành viên trong gia đình. Nhưng rồi cũng đến ngày, mảnh sân chỉ còn lại mình nó, loay hoay cùng câu hỏi: liệu còn có nơi nào tốt hơn “nhà”, nơi nó không phải mất thêm bất kỳ ai thương yêu nữa.
Chia ly rồi gặp gỡ, sum vầy lại lìa xa, Lông Dài hết lần này đến lần khác đương đầu với những trải nghiệm bắt buộc của cuộc sống. Song nó không bao giờ bỏ cuộc, vẫn kiên cường bước tiếp để cuối cùng tìm ra câu trả lời rất đỗi giản dị về nơi chốn lý tưởng ấy.
Cùng với Cô gà mái xổng chuồng, Chó xanh Lông Dài nằm trong bộ sách “Văn học về loài vật” đã gặt hái nhiều giải thưởng của nhà văn Hàn Quốc viết cho thiếu nhi.
Lưỡi
Tình yêu là gì? Là kim cương với người này, vàng ngọc với người khác, âm nhạc với người khác nữa. Còn với đầu bếp như Won, tình yêu nhạy cảm như măng tây, quý giá như nấm truyp. Dù là gì, tình yêu cũng là thứ mọi người đều khao khát nhưng chẳng ai tự làm ra được. Tình yêu bỏ đi mang theo khỏi Won tiếng tăm, tiền tài, lòng ham sống, thậm chí cả vị giác.
Cô nằm trong bóng tối mịt mùng, xương sườn nhô cả lên. Nhớ anh. Nhớ tà dương rực rỡ và rắn chắc như pha lê khi hai người vui đùa trong vườn nhà hạnh phúc. Nhớ ngày dông gió trên giường, như sên trong mưa họ cảm nhận ở nhau những tua ẩm ướt. Nhớ cả lúc cô đem từ bếp lên đủ mọi món ăn kích thích cơn đói của anh đối với mình. Lưỡi là những tâm tưởng miên man và đầy nhục cảm, của một phụ nữ không bao giờ đi qua được nỗi buồn của mình. Để khỏi luẩn quẩn mãi giữa hỗn hợp khó tả của quá khứ ngọt ngào và hiện tại cay đắng, cô đã chọn lấy một cách thức giàu tưởng tượng nhất…
7 Năm Bóng Tối
“Nếu định mệnh ném vào đêm đen một cú đánh vô định, liệu ta sẽ đáp trả cuộc đời bị nguyền rủa ấy như thế nào.”
Tác phẩm là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú và quá trình điều tra, phân tích tỉ mỉ, thấu đáo về một câu chuyện đau buồn, kỳ bí nhưng cũng không kém phần dữ dội xảy ra với một người cha cùng cậu con trai trong suốt 7 năm bóng tối.
Bằng những câu văn rờn rợn, lạnh gáy và hệ thống nhân vật được xây dựng rõ ràng, chặt chẽ, Jung Yoo Jung đã mang lại cho độc giả những giây phút hồi hộp, gay cấn đến nghẹt thở. Tác giả không chỉ sáng tạo nên một thế giới truyện sừng sững, dữ dội mà thông qua đó, còn thành công trong việc truyền đi thông điệp sắc bén, sâu thẳm về hiện thực và sự thật.
Một Trăm Cái Bóng
Tại một trung tâm thương mại xập xệ, nằm bên rìa một xã hội hiện đại phát triển thần tốc, những con người trong đó rỉ tai nhau giữa âm thanh ồn ào của những thiết bị điện tử, rằng đừng đi theo cái bóng của chính mình nếu nó sống dậy. Bởi một khi cái bóng sống dậy, nghĩa là ta đã không thể chịu đựng thêm nữa…
Cái bóng của Eun Gyo sống dậy lần đầu ngày cô đi lạc trong rừng, cùng với Mu Jae. Giữa hai người trẻ tuổi nhanh chóng nhen lên một tình cảm thầm lặng, không hứa hẹn nhưng như một món quà nhỏ gieo nên hy vọng. Dù vậy, sự ngột ngạt xung quanh vẫn ngày một siết lại, như cái bóng vẫn dần tách khỏi họ, đứng dậy nhăm nhe lấn át tất cả…
“Cuốn sách nhỏ này chứa một vẻ đẹp lạ lùng khó quên. Đây đó có những yếu tố kỳ ảo, nhưng cùng lúc cuốn sách cũng nghiêm nhặt tới cùng cực, mô tả một cách hiện thực thế giới mà nó dựng nên.” – Han Kang
Hoàng Hôn Đỏ Rực
Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh xã hội Triều Tiên bị Nhật Bản chiếm đóng và đô hộ. Nhật Bản đã cai trị Triều Tiên trong 35 năm, từ năm 1910 đến năm 1945.
Sunhee, một người phụ nữ dám bước ra nước ngoài du học, để lại con nhỏ cho bà nội nuôi; một quả phụ 30 tuổi có cảm tình với một em gần bằng tuổi con trai của mình… đặt những chuyện đó và thời điểm lúc bấy giờ quả thật rất hiếm có.
Cho đến cuối truyện, Sunhee vẫn giữ mình trong ý thức luân lý đạo đức.
Cá Thu
Câu chuyện bắt đầu từ Myeong Woo và Eun Rim rủ nhau đi trốn, thật xa khỏi những người quen biết, xa khỏi phong trào sinh viên, và quan trọng nhất, là xa khỏi chồng của Eun Rim. Nhưng rồi, đến phút cuối, Myeong Woo lại bỏ cuộc. Anh cũng bỏ lại Eun Rim trơ trọi trên con phố đầy gió heo may, một mình đối diện với tất cả những chỉ trích của mọi người.
Những tưởng mối tình giữa hai người sẽ đặt dấu chấm hết ở đó, như vô vàn dang dở trong thời đại ấy. Nào ngờ bảy năm sau, dĩ vãng một lần nữa được khơi lại…
Cá Thu khắc họa lại những nỗi đau và mộng tưởng của cả một thế hệ sinh ra vào thập niên 60, trưởng thành trong thập niên 80 của thế kỷ XX đầy biến động. Và khi thời đại đó qua đi, những con người ấy trở nên lạc lõng, không ngừng trăn trở kiếm tìm bản ngã, trong một xã hội giờ đây đã không còn cần đến nhiệt huyết và hy sinh.
Mẹ Xấu
Ji Hwan. Mười tám tuổi. Rất bình thường, đầy mâu thuẫn và thích kịch tính hóa cực nhiều chuyện như hầu hết mọi nam sinh cấp ba đang lớn.
Chỉ hơi khác hai điều. Một, cậu được sinh ra bởi một bà “mẹ xấu” – (mà cậu cho là) ngọn nguồn của mọi bất hạnh đời mình. Và hai, cậu ấp ủ ba điều ước (nghe thì giản đơn nhưng lại) khó với như thiên đường.
Loay hoay giữa ranh giới của những quy chuẩn về bình thường và khác thường, lao đao bởi những sóng gió liên miên từ nhà đến trường, Ji Hwan vừa nỗ lực “sống khác mẹ” vừa tìm cách hiện thực hóa ba ước nguyện mình hằng khao khát bấy lâu. Hơn ai hết, cậu hiểu con đường biến ước mơ thành sự thật luôn lắm chông gai, nhiều bi hài và cần không ít dũng cảm. Nhưng cũng hơn ai hết, cậu đã vững lòng bước từng bước, để dần lớn lên, để khám phá hạnh phúc và quan trọng nhất là để tự định nghĩa lại sự xấu – cái tốt cho riêng mình.
Những Năm Tháng Rực Rỡ
Những tháng năm rực rỡ kể về một câu chuyện cảm động xoay quanh tình cảm, sự yêu thương giữa các thành viên trong gia đình kỳ lạ có bố mẹ trẻ nhất và đứa con già nhất hẳn cũng đã quen thuộc với các khán giả Việt Nam qua bộ phim cùng tên do Song Hye Kyo và Kang Dong Won thủ vai.
Câu chuyện được dẫn dắt bởi giọng kể của Ah Reum, một cậu bé tuy mới 17 nhưng đã có hình hài của cụ ông 80. Những nỗi đau mà em và gia đình phải gánh chịu đôi khi được bộc lộ qua giọng văn ngây ngô và góc nhìn trong sáng, có lúc thốt lên những câu hỏi khiến người ta khó thốt nên lời.
Bonus:
Thành Phố Và Những Người Quen Xa Lạ
Một buổi sáng thức dậy, K chợt phát hiện ra xung quanh mình có gì đó… khang khác. Chiếc đồng hồ báo thức kêu inh ỏi cho dù hôm ấy là thứ Bảy, lọ nước hoa hồng K hay sử dụng đã bị thay thế bằng nhãn hiệu khác. Cũng từ đây, mọi thứ với K dần dần trở nên xa lạ, vợ và con gái K không còn như trước nữa (dù hình dáng bên ngoài không có gì thay đổi), K bắt đầu nhận ra rằng các “diễn viên” đang đảm nhận những vai diễn khác nhau trong cuộc sống thường ngày của mình – như cô phát thanh viên trên truyền hình có khuôn mặt của người phụ nữ làm việc ở quán rượu. Càng lúc K càng tin chắc rằng mình đang bị theo dõi, điều khiển, và K có bốn-mươi-tám tiếng đồng hồ để lần ra sự thật.
Cùng danh mục: