5 quyển sách hay về Tịnh độ trình bày và đúc kết tất cả cốt tủy Kinh Phật và cốt tủy Pháp môn Tịnh độ sẽ giúp cho quý bạn đọc tiết kiệm được thời gian khi tham cứu.
Thiết Lập Tịnh Độ – Kinh A Di Đà Thiền Giải
Kinh A Di Đà là một kinh Đại thừa, thuộc về nền Phật giáo Phát triển. Đạo Bụt giống như một cây đại thọ và cũng là một thực tại sinh động. Bất kỳ một cái gì đang sống cũng phải lớn lên. Một cây đang sống thì ngày nào cũng cho thêm cành, lá; cành dài ra thêm, lá mọc nhiều thêm. Có cành mới, lá mới, hoa mới và trái mới thì cây đạo Bụt mới là một thực tại linh động, một cái gì đang sống. Vì vậy, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, đạo Bụt phải phát triển thêm. Đạo Bụt Đại thừa là những hoa trái phát triển từ cội nguồn Phật giáo Nguyên thủy.
Mình không muốn đạo Bụt là một cái xác khô nằm trong viện bảo tàng mà là một thực tại sống động, mỗi ngày đều có thêm sức sống. Và vì vậy, mình phải chấp nhận rằng cây Phật giáo mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm phải có thêm cành mới, lá mới. Đạo Bụt phát triển không ngừng nhưng vẫn là đạo Bụt như thường.
Kinh A Di Đà hiện giờ đang được đọc tụng ở khắp các chùa, dù là chùa Thiền tông, vì kinh A Di Đà trình bày một giáo lý rất dễ thực tập. Những người không có căn trí lớn, những người không đủ Niệm, Định, Tuệ cũng có thể thực tập được kinh A Di Đà. Nói như vậy không có nghĩa là những người có căn trí lớn thì không thực tập được. Tại vì kinh A Di Đà có thể được hiểu rất sâu, cũng có thể được hiểu rất cạn. Người hiểu sâu cũng có thể thực tập, người hiểu cạn cũng có thể thực tập. Vì vậy chúng ta phải học kinh A Di Đà bằng một nhận thức hết sức cởi mở, bởi vì kinh A Di Đà là một giáo pháp có tính cách phổ biến. Người căn trí lớn thực tập cũng được mà người căn trí nhỏ hẹp thực tập cũng được.
Khi người có căn trí lớn niệm “Nam mô A Di Đà Phật” hay là “Nam mô Bụt A Di Đà” thì sở kiến và sở đắc rất lớn lao. Khi người có căn trí nhỏ hẹp niệm “Nam mô A Di Đà Phật” thì tuy người ấy cũng có sở kiến và sở đắc nhưng có thể sở kiến và sở đắc ấy nhỏ bé hơn. Niệm Bụt, ta có thể đạt tới Niệm, Định và Tuệ rất cao. Ta cũng có thể niệm Bụt mặc dù năng lượng Niệm, Định và Tuệ chưa hùng hậu. Hiệu quả của câu niệm Bụt lớn hay nhỏ là do cách hành trì của chúng ta. Hiệu quả lớn hay nhỏ là do Niệm và Định vững chãi nhiều hay ít..
An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Niệm Phật Cầu Sinh Tịnh Độ
An Sĩ toàn thư là một bộ sách khuyến thiện từng được Đại sư Ấn Quang hết lời ngợi khen. Từ trước đến nay, tuy sách này được rất nhiều người biết đến nhưng chưa từng có bản Việt dịch hoàn chỉnh nào.
Sách dày hơn ngàn trang khổ lớn trong nguyên bản Hán văn. Phần đầu tiên là Giảng rộng bài văn Âm chất (Âm chất văn quảng nghĩa) chiếm khoảng hơn 400 trang, hiện đã được chuyển dịch hoàn chỉnh sang tiếng Việt và chú giải công phu bởi dịch giả Nguyễn Minh Tiến. Các phần tiếp theo sẽ được tiếp tục chuyển dịch và phát hành trong thời gian sắp tới.
Về nội dung sách, soạn giả sách này đã dựa vào bài văn Âm chất rất ngắn gọn (chỉ khoảng hơn 800 chữ) để biên soạn thành một bộ sách hơn 400 trang chữ Hán khổ lớn. Cách trình bày khá nhất quán trong toàn bộ sách. Cứ mỗi một câu được mang ra phân tích, bao giờ cũng An Sĩ toàn thư có một phần giảng rộng mà ông gọi là “phát minh”, sau đó đến phần đưa ra nhận xét, lời bàn, mà ông gọi là “án”. Tiếp đó, hầu hết đều có thêm phần trưng dẫn sự tích, gồm những câu chuyện được rút ra từ kinh điển hoặc các truyện tích trong Phật giáo, nhằm mục đích minh họa cho ý nghĩa của các phần trên.
Chính phần giảng rộng và lời bàn của tiên sinh An Sĩ đã khai phá và mở rộng ý nghĩa của bài văn Âm chất hoàn toàn theo tinh thần Phật giáo, giúp người đọc qua đó tiếp nhận được những giáo lý tinh hoa, những tri thức hướng thiện trên tinh thần từ bi, vị tha và trí tuệ. Không khó để chúng ta nhận ra rằng, tuy dựa trên bài văn Âm chất, nhưng hầu như phần trước tác của tiên sinh An Sĩ đã chi phối hoàn toàn nội dung của sách này.
Đại Sư Vân Thê Pháp Ngữ Tịnh Độ
Đại sư Vân Thê luôn xót nghĩ rằng đời mạt pháp, người học xem thường Tông môn, bác bỏ Tịnh độ, có kẻ tâm như voi cuồng, voi say. Những giảng sư thì chỉ y vào tri giải mà giảng thuyết, chỉ nói ăn nên chẳng thể no. Suy nghĩ như pháp, thì chỉ có một môn niệm Phật mới cắt ngang dòng sinh tử, thâu hết ba hạng căn cơ.
Thế là ngài chỉ đề xướng Tịnh độ, soạn A-di-đà kinh sớ sao hơn mười vạn lời, gồm thâu các kinh Viên đốn, dung hội sự lí, trở về nhất tâm. Sau khi sách hoàn thành, tăng tục gửi tâm vào Tịnh độ giống như cá rồng đổ về biển cả..
Tư Lượng Tịnh Độ
Hành giả tu học pháp môn Tịnh Độ, tất yếu đầy đủ tư lương Tịnh Độ. Những gì gọi là tư lương? Tức tất yếu phẩm, có nghĩa chuẩn bị, tích tập thực phẩm. Tư tức tư trợ, giúp đỡ, lương là lương thực; ví như người viễn hành, thì phải nương mượn vào lương thực để tư trợ thân mình, cho nên hành giả cực khổ muốn chứng được Tam thừa, phải dùng lương thực thiện căn công đức để tư trợ kỳ thân.
Cũng như trong các Kinh mỗi khi dùng đến từ “tư lương’’, tức suy rộng ra xu hướng vốn liếng Bồ đề, hoặc ý nói trưởng dưỡng chư thiện pháp của nhân (nhân duyên) mà tư ích, giúp đỡ lợi ích Bồ đề. Tư lương Tịnh Độ gồm Tín, Nguyện và Hành, cũng như cái Đỉnh ba chân, không thể thiếu một. Các học phái khác của Đại Thừa Phật Giáo, thì do Tín sinh Giải, do Giải sinh Hành. Còn pháp môn Tịnh Độ thì do Tín sinh Nguyện, do Nguyện đưa đến Hành..
Khai Thị Cho Đồng Tu Tịnh Độ Tông
“Mỗi người đều biết rằng, làm việc thiện sẽ được quả báo tốt. Hơn nữa hi vọng có thể nhận được lợi ích phước báo từ trong những thân thiện đó.
Công đức niệm Phật đúng là sẽ mang lại quả báo thù thắng tối thượng. Cổ đức trong nhà Phật đã từng dạy chúng ta: Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Phàm là người trì Phật hiệu, hoặc là nghe qua một câu A Di Đà Phật, khi thiện căn, phước đức, nguyên căn của chủng tử kim cang này ở trong đời nào hoặc kiếp nào đó chín muồi, thì chúng sanh sẽ được chủng tử Phật đó cầu sanh Tịnh Độ, liễu thoát sanh tử, vĩnh viễn thoát khỏi biển khổ luân hồi…”
(Trích Khai Thị Cho Đồng Tu Tịnh Độ Tông)
Cùng danh mục: