5 quyển sách hay về phố cổ Hà Nội tái hiện trong lòng bạn đọc một Hà Nội mà chúng ta đã biết, và cả một Hà Nội mà chúng ta chưa từng biết đến.
Phố Cổ Hà Nội – Kí Họa Và Hồi Ức
Phố cổ Hà Nội – Kí hoạ và hồi ức tập hợp hơn 200 bức tranh kí hoạ bằng nhiều chất liệu và những bài viết tràn đầy cảm xúc về phố cổ Hà Nội trong dòng chảy thời gian, gắn với những nét đẹp văn hóa, lịch sử và quá trình đô thị hóa.
Cuốn sách có sự tham gia của gần 60 tác giả, nhà văn, kiến trúc sư, họa sĩ chuyên và không chuyên đến từ nhóm Kí hoạ đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi) – Nhóm tác giả vừa được trao tặng Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12 năm 2019” với các hoạt động truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng, nhằm khám phá, sáng tác và lưu giữ vẻ đẹp Hà Nội bằng tranh.
Những tác phẩm kí hoạ trong Phố cổ Hà Nội – Kí hoạ và hồi ức cùng chung một cảm hứng dành cho “phố Phái”. Những phố Bát Đàn, Cao Thắng, Cổng Đục, Chả Cá, Chân Cầm, Lý Quốc Sư, Chợ Gạo, Gầm Cầ những góc đặc trưng chỉ có ở “phố thị” với bao cửa hàng, cửa hiệu san sát, bày bán cả trên vỉa hè, những ngôi nhà nhỏ với màu sơn vàng quen thuộc và hàng dây điện bắc qua, tấp nập người và xe cộ qua lại. Những công trình kiến trúc đã ngàn năm tuổi, từng dãy nhà cổ kính nằm bên những khách sạn, siêu thị, bar, tattoo shop, nhà hà mới xây dựng. Cùng với đó, sách còn dành một phần riêng giới thiệu về Đình trong phố cổ Hà Nội, gắn với tín ngưỡng thờ cúng, sự đa dạng của các phường nghề là những di sản quý giá cần được trân trọng và giữ gìn.
Hà Nội Tản Văn – Hàng Rong Phố Cổ
Với sự phát triển mạnh mẽ của nền ẩm thực đường phố đó, người Hà Nội “Bước chân ra đến vỉa hè là đã có nhiều sự lựa chọn những món ăn ngon”. Có lẽ mà vì thế khẩu vị của người Tràng An cũng nhiều khắt khe và lắm phần khó tính. Hà Nội có những gánh hàng rong ngon nổi tiếng được giới sành ăn truyền tai nhau. Họ sẵn sàng lặn lội đường sá xa xôi, chờ đợi, xếp hàng để được đứng ngồi lố nhố mà xì xụp chan húp, thưởng thức một món ăn ngon. Và cái sự sành ăn đó của người Hà Nội đã được các danh nhân văn sĩ đất Thăng Long thể hiện trong Hà Nội Tản Văn – Hàng Rong Phố Cổ.
Đầu tiên, Thạch Lam dẫn ta đi một vòng Hà Nội, chỉ cho ta những thức quà ngon nơi góc phố đông người. Từ bánh rán nóng lạc điệu trong một sớm mai Hà Nội về lại chính tông bánh cuốn Thanh Trì. Từ hàng cháo, hàng xôi đến ngô bung, cơm nắm. Từ tiết canh lòng lợn dân dã đến bát phở trứ danh đất Hà Thành. Từ những món ăn du nhập từ bên ngoài như bánh mì kebab đến những món cổ truyền dân tộc như cốm vòng. Từ quà mặn sang quà ngọt. Đi cho hết một vòng của Hà Nội, Thạch Lam vẽ nên một bức tranh chung về nền ẩm thực đường phố chốn kinh đô với tất cả sự phong phú và hấp dẫn vốn có của mình. Rồi sau đó, các danh sĩ khác dắt ta đi vào từng con hẻm nhỏ để thưởng thức trọn vẹn những tinh hóa văn hóa ẩm thực trứ danh đất Hà Thành.
Chẳng biết tự bao giờ, những đôi quang gánh hàng rong, những mẹt, thúng nặng trĩu bao thức quà ngon rẻ đó đã đi cùng Hà Nội. Chỉ biết rằng, trong ký ức lẫn trong cuộc sống thường ngày của mỗi người Hà Nội, Hàng Rong Phố Cổ đã là một điều không thể thiếu.
Phố Và Đường Hà Nội
“Sau một phần tư thế kỷ, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc mới cho in bộ sách thứ hai về các đường phố Hà Nội. Cũng vẫn một mục đích khiêm tốn là: “Đáp ứng yêu cầu tìm hiểu lịch sử các đường phố cổ Hà Nội”, song bộ sách trên 800 trang quả là đã qua các con đường ngõ phố mà giới thiệu được lịch sử của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
(…) Đây thực sự là một cuốn sách được biên soạn kỹ càng, khoa học và nghiêm túc. Kỹ càng vì không một phố, một ngõ lớn nhỏ nào có mặt cho đến ngày biên soạn sách mà lại không được đề cập, giới thiệu tương đối toàn diện; khoa học và nghiêm túc vì mỗi đơn vị được sắp xếp, giới thiệu theo một trật tự nghiêm ngặt; vị trí, độ dài, gốc tích, lai lịch, di tích lịch sử, cách mạng và những công trình mới. Nội dung đó lại được thể hiện với bút pháp khảo cứu, có đối chiếu và bổ sung, uốn nắn những điểm nhầm lẫn, sai sót của những người đi trước và của chính tác giả với tinh thần kế thừa và phát triển công việc biên soạn, khảo cứu về Thăng Long – Hà Nội đã có từ trước.”
(Hà Phương)
Hà Nội – Quán Xá Phố Phường
Cuốn sách là tập tản vẳn các bài viết về những điều bình dị ở Hà Nội. Chia thành 2 phần chính là phố phường với những con phố thân thuộc, gắn với những câu chuyện lịch sử như Đê La Thành, Hàng Đào, Hàng Ngang, không diêm dúa, đẽo gọt mà cố gắng mô tả, cung cấp thông tin vừa đủ để độc giả hình dung được khung cảnh và nhân vật, sự kiện đôi khi đã mờ khuất trong xa vắng đến những món ngon truyền thống đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn hương vịtrong tâm trí người thưởng thức như bánh rán, bún ốc, bún cá, phở bò,…
Một nét khắc họa sâu hơn chân dung của thành phố nghìn năm tuổi của Uông Triều giữa muôn bức họa đã ra đời trước đó nhưng cũng không làm vơi đi nguồn cảm hứng nơi anh. Viết về Hà Nội, đọc về Hà Nội biết bao nhiêu cho chán. Từng bước, từng bước anh dẫn dắt người ta đến cầu Long Biên “là con đường đi lại mưu sinh của nhiều người lao động” và chỉ cần “nhìn hướng di chuyển của dòng người là biết bên nào là trung tâm thành phố”; giới thiệu một “người đàn bà trung niên quê Nam Định bán hàng miến trộn, bún riêu” trên phố Phan Đình Phùng vàkhông xa là “hàng đậu phú mắm tôm của người đàn bà quê Thái Bình”; bắt tay làm quen “một ông cụ râu tóc bạc phơ, giữa mùa đông mà vẫn đánh trần, quần đùi áo cộc gánh nước tưới rau” ở phía sau chùa Láng…
Những thâu nhận ít nhiều sâu lắng đó, và hẳn cũng là thế mạnh của người viết đã khéo léo đẩy đưa làm cho ta khó lòng mà dừng bước nếu chưa đi đến trang cuối của cuốn sách. Những câu trích trong tác phẩm: – Hồ Tây vọng lên trong tâm tưởng người Hà Nội như một nơi lưu giữ những kỉ niệm. Tôi đã từng đi xe cả một ngày quanh hồ chỉ để ngắm nhìn, quan sát cảnh vật. Một khoảng lặng mênh mang, thơ mộng và đằm sâu văn hóa. Hồ Tây là thiên nhiên hoa cỏ, là cá tôm chim trời, là cuộc sống muôn màu trong lòng thành phố có nghìn năm tuổi… – Hà Nội phố nhiều, ngõ nhiều.
Phố Phường Hà Nội Xưa
“Ở huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông, có làng Phú Đôi, dân làng làm nghề nông, nhưng lại kiêm nghề gánh sách đi bán. Những người bán sách như vậy, gọi là phường Đổi đến, vi khao khát sách tốt văn hay. Hàng sách vào đến ngõ, là thầy búi tóc chạy ra, trò xúm xít lại; dăm ba người biết chữ trong làng cũng đến. Nhà hàng đưa danh mục xem trước, khách có tỏ ý mua, mới bày sách ra. Cách trả tiền cũng vừa với sức nhà nho nghèo. Có tiền thì trả tiền; không sẵn tiền thì đem ra sách cũ, giấy lộn, là thứ giấy đã viết kín một mặt rồi, lại lộn ra mặt sau mà viết lần nữa. Cứ xếp giấy bằng bê ngang hay bề dọc quyển sách là đủ.”
Với Phố phường Hà Nội xưa, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy đã kể lại thật sâu sắc văn hóa phong tục của mảnh đất kinh thành. Ông coi đó là những vật liệu quý để rèn đúc con người ngày mai. Bây giờ đây, khi chính người Hà Nội đôi lúc còn cảm thấy lạ lẫm với thành phố, với con người nơi mình đang sống thì những trang viết khúc triết, đầy hoài niệm của Hoàng Đạo Thúy lại càng thêm cần thiết: chúng tái hiện một Hà Nội khác, thâm trầm và sâu lắng hơn trong những căn rễ văn hóa chưa hẳn đã phôi phai…
Cùng danh mục: