25 cuốn sách tôn giáo hay cho độc giả cái nhìn tổng quan

25 cuốn sách tôn giáo hay tập trung khái quát bối cảnh ra đời, quá trình phát triển, phân phái, những kinh điển cơ bản, các nghi thức tế tự, của các tôn giáo lớn trên thế giới sẽ giúp độc giả có một cách nhìn tổng quan về lịch sử hình thành tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống tinh thần của nhân loại.

Lược Sử Tôn Giáo

Hơn bảy tỷ người trên thế giới có thể viết một thứ gì đó khác chữ “Không” vào mục Tôn giáo trong hồ sơ của mình. Một số sinh ra đã theo một tôn giáo được chọn sẵn; số khác có thể tự lựa chọn theo sở thích, theo định hướng, theo đám đô Thế rồi họ thực hành đức tin của mình hằng ngày, tự hào về nó và muốn truyền bá nó cho nhiều người khác nữa. Đó là con đường phát triển hết sức tự nhiên của tôn giáo suốt hàng nghìn năm qua, kết quả là vô số tín ngưỡng với cành nhánh xum xuê mà chúng ta thấy ngày nay.

Nhiều tôn giáo ra đời cách đây hàng nghìn năm với số lượng tín đồ hùng hậu, một số khác non trẻ hơn nhưng không kém phần đình đám vì những tín đồ ít ỏi nhưng nổi tiếng của mình. Thế nhưng, ai trong số họ dám chắc những gì mình đang làm là đúng nguyên bản và không khiến các vị khai sinh ra tôn giáo ấy lắc đầu, thất vọng?

Mười Tôn Giáo Lớn Trên Thế Giới

Tôn giáo là một hiện tượng lịch sử – xã hội, có quá trình ra đời và phát triển.

Trong thời kỳ đầu tồn tại, cách đây từ một đến hai triệu năm, loài người chưa có quan niệm về thần, cũng chưa có tôn giáo. Chỉ khi sức sản xuất xã hội phát triển đến một giai đoạn nhất định; bộ óc, bàn tay và công cụ lao động của con người ngày càng hoàn thiện; năng lực tư duy trừu tượng của con người xuất hiện một số khái niệm nào đó, con người mới sùng bái thần linh, tôn giáo mới xuất hiện.

Cuốn sách 10 tôn giáo lớn trên thế giới được biên soạn công phu, khoa học, tập hợp rất nhiều tư liệu có giá trị đem đến cái nhìn tổng quan về 10 tôn giáo lớn trên thế giới.

Tôn Giáo Học – So Sánh

Để hiểu rõ về một tôn giáo đã khó, nắm được tinh hoa của tôn giáo ấy để viết ra cho mọi người đọc lại càng khó hơn, huống gì là hiểu và viết về các tôn giáo lớn trên thế giới. Việc này không phải ai cũng có khả năng làm được. Đọc qua tác phẩm Tôn Giáo Học So Sánh của Pháp sư Thánh Nghiêm, chúng ta mới thấy được kiến thức uyên bác về các tôn giáo của Ngài. Có lẽ, chúng tôi không cần giới thiệu ra đây làm gì, sau khi xem xong độc giả sẽ tự cảm nhận điều đó.

Tuy nhiên, sách viết bằng Hoa ngữ nên việc đọc và hiểu thấu được nghĩa lý của nó cũng có phần hạn chế. Vì muốn góp sức mình cho lợi ích của mọi người, giúp cho Tăng Ni sinh các trường Phật học Việt Nam và các sinh viên chuyên ngành khoa học xã hội có thêm tài liệu tham khảo khi học về môn tôn giáo học, nên tôi đã cố gắng đem hết khả năng của mình dịch ra Việt ngữ.

Vì mỗi tôn giáo đều có những thuật ngữ riêng, cho nên bản dịch này không sao tránh khỏi những khiếm khuyết. Kính mong các bậc cao minh, các vị chức sắc tôn giáo bạn góp ý để cho bản dịch được hoàn thiện hơn.

Tôn Giáo – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn

Chỉ có một Thượng đế? Vì sao con người chịu khổ? Điều gì chờ ta sau cái chết? Hàng tỉ người trên thế giới tìm thấy ý nghĩa sống trong tôn giáo, nhưng những tư tưởng nào đã nâng đỡ những đức tin đó và chúng đã phát triển như thế nào?

Bao quát những tôn giáo tín ngưỡng lớn của thế giới bằng một văn phong dễ hiểu và sáng sủa, Tôn giáo – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn là tập hợp những bài viết ngắn gọn hàm súc giải thích rõ những điều khó hiểu, những sơ đồ từng bước một giúp làm sáng tỏ những giáo lí trọng tâm và những hình ảnh minh họa dí dỏm giúp chúng ta suy tư với nhận thức về tôn giáo của mình.

Sự Sống Bất Tử

Cuộc sống sau cái chết và sự tồn tại của một Đấng tối cao luôn là đề tài mà con người quan tâm trong suốt chiều dài lịch sử. Là một bác sĩ y khoa, người thành lập Cơ sở Nghiên cứu Trải nghiệm Cận tử (Near Death Experience Research Foundation, NDERF), Jeffrey Long đã nghiên cứu trải nghiệm cận tử của 3.000 nhân chứng có các hoàn cảnh sống, tôn giáo, truyền thống khác nhau; trong đó có những những người tin vào tâm linh và những người không tin vào tâm linh.

Dựa vào những nghiên cứu này, Jeffrey Long đã viết nhiều cuốn sách gây chú ý về đề tài cuộc sống sau cái chết và thế giới tâm linh. Trong đó, có cuốn “Sự sống bất tử”. Khác với những cuốn sách mô tả về “thế giới bên kia” trước đó, trong cuốn sách lần này, Jeffrey Long tập trung vào việc minh chứng sự tồn tại và mô tả “chân dung” của thượng đế, dựa trên những điểm tương đồng trong lời kể về trải nghiệm cận tử của hàng ngàn nhân chứng.

Khi cận tử, chúng ta sẽ gặp những điều gì? Liệu có tồn tại thượng đế? Chúng ta có thể gặp lại những người thân yêu đã khuất ở thế giới bên kia? Cuốn sách “Sự sống bất tử” không chỉ là những ghi chép chi tiết về thượng đế, thiên đường, sự khải thị, sự phán xét và địa ngục… được kể trực tiếp từ những người đứng trước “cửa tử” mà còn là tập hợp những minh chứng khoa học, cụ thể về thế giới tâm linh cho những ai quan tâm đến đề tài này.

Phật Giáo Có Là Tôn Giáo Không

Tác giả trình bày giáo lý cốt lõi của Phật giáo bằng một hình thức ngắn gọn, súc tích, phong phú với những câu chuyện minh họa và được truyền đạt với tinh thần mà theo đó truyền thống vĩ đại này đã mở ra. Alan W. Watts truy nguyên nguồn gốc, những thuật ngữ căn bản và những điểm cốt yếu trong giáo lý và xem xét tường tận những điều căn bản của Phật giáo Đại thừa bao gồm Thiền và truyền thống Phật giáo Tây Tạng.

Những bài viết chọn lọc trong sách cung cấp cho độc giả một tổng quan sâu sắc về sự phát triển của tư tưởng Phật giáo và đồng thời giới thiệu một trong những con đường giải thoát hấp dẫn nhất của nhân loại.

Tôn Giáo Nhìn Từ Viễn Cảnh Xã Hội Học

Tôn Giáo Nhìn Từ Viễn Cảnh Xã Hội Học được biên soạn nhằm mục tiêu giúp sinh viên chuyên ngành Tôn Giáo Học có thêm được một số tư liệu chuyên ngành Xã Hội Học Tôn Giáo để có thể đi sâu hơn vào lãnh vực nghiên cứu tôn giáo.

Theo tác giả, điểm đặc thù chính của ngành Xã Hội Học Tôn Giáo là đặt câu hỏi tại sao của một nhóm người nào đó (chứ không phải một cá nhân nào đó) lại thực hiện một nghi lễ nào đó, trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, mà không phải là một nhóm khác, hay một nghi lễ khác, và đâu là các ảnh hưởng của văn hóa, cấu trúc xã hội, bối cảnh kinh tế đối với các hành vi tôn giáo của nhóm đó. Không hẳn chỉ tập trung nghiên cứu các giáo phái, các hành vi phi tôn giáo, phủ nhận, thậm chí chống đối tôn giáo cũng có thể là chủ đề nghiên cứu của lĩnh vực này. Một vài chủ đề chính của ngành Xã Hội Học Tôn Giáo: Việc phân loại thế nào là giáo phái (sect), tông phái (denomination), tín ngưỡng (cult).

Từ Điển Tôn Giáo Thế Giới Giản Yếu

Tôn giáo, ngày nay, không còn là thế giới thần linh huyền ảo mờ mịt không thể diễn giải như thuở xa xưa vốn đã dẫn dắt con người đi tìm hiểu niềm tin qua quá nhiều trung gian và nghi lễ.

Cho nên cũng từ đời sống hiện thực và sinh hoạt phong phú đa dạng được ghi chép, thể hiện qua kinh sách, truyền thuyết, sự tích, thần thoại, lễ nghi và các biểu tượng… của tôn giáo nói chung và từng tôn giáo nói riêng quả thật có quá nhiều điều cần thiết đáng để chúng ta tìm hiểu.

Cuốn từ điển này được nghiên cứu, biên soạn dựa trên các nguồn tham khảo có tính khoa học đáng tin cậy nhất dành cho những bạn đọc muốn tìm hiểu về tôn giáo và các tôn giáo thêm chính xác, đầy đủ hơn.

Những Thay Đổi Trong Văn Hóa Và Tôn Giáo Của Đông Nam Á

Sự quyến rũ của khu vực Đông Nam Á là ở những hình thái văn hoá đa dạng. Nằm giữa hai nền văn minh lớn – Trung Hoa và Ấn Độ – khu vực này đã chịu ảnh hưởng của cả hai và còn tiếp nhận những ảnh hưởng của châu Âu và Mỹ qua các biến cố lịch sử. Sự phong phú của tín ngưỡng cũng là điểm đặc sắc: Ấn giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo cùng những tín ngưỡng bản địa khác tạo nên bức khảm tinh tế trên khắp khu vực này.

Những Thay Đổi Trong Văn Hóa Và Tôn Giáo Của Đông Nam Á (Tái Bản) của Niels Mulder không phải là sự khảo sát về sự đa dạng ấy mà là một chuyên luận về việc nhận dạng những đặc điểm xã hội, văn hoá và tôn giáo, của các cộng đồng người Thái, người Java và người Philippines, xác định những mối quan hệ trong đời sống hàng ngày và những tư tưởng chỉ đạo chúng. Việc nhận dạng văn hoá và tôn giáo sẽ dẫn đến những đánh giá về quá trình thay đổi đã diễn ra như thế nào tại khu vực có tầm quan trọng ngày càng lớn này của thế giới.

Tôn Giáo Và Nhân Sinh

Cuốn sách gồm một số nội dung chính như sau:

  • Đường đời muôn nẻo khiếm khuyết
  • Bàn tiếp về đường đời muôn nẻo khiếm khuyết
  • Nhân cách thăng hóa trong nỗi cô đơn
  • Cõi đời hiu quạnh
  • Thân tâm an ổn và tâm tính siêu thoát
  • Từ sự đau khổ của cuộc đời đến sự thăng hoa của nhân tính
  • Từ con người và xã hội đến con đường giải thoát
  • Chuẩn bị cho giây phút cuối cùng của cuộc đời như thế nào?
  • Bàn về thần thông và nhân thông
  • Xã hội lý tưởng

Cẩm Nang Về Tín Ngưỡng, Tôn Giáo

Cuốn sách cập nhật quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; cung cấp kiến thức cơ bản, toàn diện về các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, những điều cần lưu tâm trong giao tiếp, ứng xử với các tôn giáo; giải đáp những thắc mắc, chưa rõ về tôn giáo và tín ngưỡng thường gặp.

Những Biến Động Trong Đời Sống Tôn Giáo Hiện Nay Và Tác Động Của Nó Đến Lối Sống Người Việt

Cuốn sách cung cấp cho người đọc cái nhìn khái quát về tình hình tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam, những biến động theo chiều lịch sử của đất nước và tác động của tôn giáo đến lối sống người Việt trên các phương diện: hoạt dộng sản xuất, kinh doanh; ứng xử với thiên nhiên; ứng xử với xã hội. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng trong hoạch định các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi nhu cầu về tâm linh, tôn giáo của mọi giai tầng xã hội đang thể hiện một cách mãnh liệt, chằng chịt.

Huyền Thuật Và Các Đạo Sĩ Tây Tạng

Hành trình 12 năm trong đất Phật huyền bí

Gần 100 năm kể từ ngày ra mắt, Mystyquet et Magiciens du Tibet, cuốn sách vang dội châu Âu của nữ tác giả người Pháp Alexandra David – Neel, mới có dịp đến tay bạn đọc Việt Nam với tên gọi Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng. Cuốn sách là một thiên phóng sự đáng kinh ngạc của tác giả trong hành trình xuyên qua vùng đất Tây Tạng để khám phá các huyền thuật của đạo sĩ nơi đây.

Với ý định tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 đang lánh nạn tại Ấn Độ (vì xung đột chính trị với triều đại Mãn Thanh), Alexandra David – Neel không ngờ các bí mật về huyền thuật Tây Tạng lẫn lời chỉ dẫn sâu xa của những vị đạo sư đã dẫn bà đi xa hơn dự định ban đầu của mình. Sau 12 năm rong ruổi khắp Tây Tạng, Alexandra đã để lại tập sách Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng như một công trình nghiên cứu quan trọng về vùng đất đầy bí ẩn này.

Trước khi cuốn sách của Alexandra ra đời, huyền thuật Tây Tạng hoặc chỉ được biết đến như những câu chuyện hư ảo về phù phép, bùa chú hoặc bị những nhà nghiên cứu Phật học chính thống ở phương Tây xem là mê tín dị đoan. Tác giả Alexandra David – Neel chính là người phụ nữ ngoại quốc đầu tiên với kiến thức Phật học của mình đã đặt chân đến Tây Tạng để tận mắt chứng kiến và ghi chép những hiện tượng kì bí.

Lược Sử Phật Giáo

Đây là một tác phẩm biên khảo ra đời khá sớm của cố học giả người Đức Edward Conze. Mặc dù vậy, cho đến nay tập sách vẫn giữ được nhiều tính chất đặc biệt mà các tác phẩm ra đời về sau này chưa thể vượt qua được. Một trong các đặc điểm đó chính là tính khái quát và khách quan của người biên soạn.

Mặc dù bản thân là một Phật tử, Conze vẫn luôn giữ được khoảng cách khách quan cần thiết khi trình bày các vấn đề về lịch sử Phật giáo. Hơn thế nữa, ngay khi đề cập đến các bộ phái khác nhau, ông cũng không bao giờ để cho ngòi bút của mình nghiêng về theo những khuynh hướng tư tưởng mà mình đã chọn. Và đây chính là yếu tố đã tạo được sự tin cậy cần thiết cho một tác phẩm có tính cách sử học như thế này.

Conze cũng tạo được cho tập sách của mình một cấu trúc rất chặt chẽ. Mặc dù với những sự kiện khá dày đặc diễn ra trong hơn 2.500 năm mà chỉ với không đầy 150 trang sách (Anh ngữ), ông đã không làm cho người đọc phải choáng ngợp bởi sự dồn dập của chúng. Bằng một sự liên kết khéo léo, ông đã trình bày tất cả theo một cách khái quát nhất mà vẫn bao hàm được những chi tiết cốt lõi cần thiết nhất.

Nhưng lịch sử phát triển của một tôn giáo, nhất là khi tôn giáo ấy là Phật giáo, không thể chỉ bao gồm những sự kiện, mà điều cần thiết và thậm chí còn quan trọng hơn nữa chính là các khuynh hướng tư tưởng với sự hình thành và phát triển của chúng. Và việc trình bày ngắn gọn những vấn đề vô cùng phức tạp, đa dạng và đôi khi rất trừu tượng này thật không dễ dàng chút nào. Người viết nếu không nắm vững tất cả mọi vấn đề và tuân theo một phương pháp trình bày hết sức khoa học, thì chắc chắn sẽ không tránh được sự lạc lối trong khu rừng tư tưởng đầy bí ẩn của Phật giáo. Conze đã làm được điều khó làm, và thậm chí còn làm rất tốt, khi ông giới thiệu hầu như tất cả những khuynh hướng tư tưởng lớn khác nhau trong Phật giáo, và nêu lên được sự khác biệt cơ bản nhất của chúng..

Bách Khoa Tôn Giáo Đông – Tây

Cuốn sách với hơn 1000 đề mục về các tôn giáo Đông – Tây với đầy đủ hình ảnh minh họa.

Là nguồn dữ liệu giúp luận giải và hiểu biết những ẩn dụ trong hội họa, điêu khắc, văn chương, kịch nghệ và âm nhạc. Đồng thời là nguồn kiến thức về những nơi thờ phượng chính yếu, thánh điển, lễ hội , thánh nhật, nghi thức chuyển giai đoạn đời và các tín lý căn bản.

Tất cả được trình bày dễ hiểu dưới ngòi bút của Philip Wilkinson, với sự góp ý của các nhà chuyên môn ở khoa Thần Học và Nghiên Cứu Tôn Giáo thuộc viện Roehampton, London.

Dẫn Luận Về Kitô Giáo

Cuốn sách Dẫn luận về Kitô giáo rất ngắn gọn này thăm dò những chiều kích văn hoá và thiết chế của Kitô giáo, cung cấp một bức chân dung mới mẻ, sinh động và chân thực về tông giáo đông tín đồ nhất trên thế giới qua suốt hai thiên niên kỉ. Sách phân biệt ba kiểu thức chủ yếu của Kitô giáo – Giáo hội, Kinh thánh, và Huyền học – và khảo sát những sự xung đột của ba kiểu thức ấy với nhau và với xã hội rộng mở hơn.

Đạo Bụt Nguyên Chất

Đạo Bụt Nguyên Chất là một cuốn sách gồm có 16 bài kinh rất nguyên chất, rất cổ xưa về văn và về nghĩa, được Bụt nói vào những năm đầu khi Ngài mới thành đạo.

Những kinh này được dịch từ kinh Nghĩa Túc phẩm thứ tư của kinh tập (Sutta- Nipàta)…Đạo Bụt của kinh Nghĩa Túc, nghĩa là thời Nguyên Thủy của Nguyên Thủy, không phải là một tôn giáo, không mang tính chất tín mộ, không vướng vào nghi lễ và giới cấm, tuy nhiên sự hành trì rất nghiêm túc.

Dẫn Luận Về Do Thái Giáo

Sách Dẫn luận về Do Thái giáo – cuốn sách cô đọng của Norman Solomon là một dẫn nhập lý tưởng vào đạo Do Thái như một thực thể tôn giáo và như một lối sống. Trong nỗ lực khảo sát bản chất và sự phát triển của Do Thái giáo, cuốn sách phác hoạ những nền tảng thực hành của tôn giáo cổ xưa này, những lễ hội, lời nguyện cầu, phong tục tập quán và các giáo phái… Những mối quan tâm và tranh cãi trong lịch sử và hôm nay của người Do Thái cũng được đề cập một cách sâu sắc, như ảnh hưởng nặng nề của thảm hoạ Holocaust sau Thế chiến 2, sự thành lập quốc gia Israel, tình trạng người phụ nữ Do Thái trong xã hội hiện đại cũng như các vấn đề đạo lý y học và thương mại

Bước Vào Thế Giới Hồi Giáo

Một cuộc hành trình kỳ thú với nhiều khám phá lạ lẫm kéo dài bảy tháng từ năm 1979 đến 1980 qua bốn quốc gia Iran, Pakistan, Malaysia và Indonesia – những đất nước có tín đồ Hồi giáo chiếm đại đa số, đặc biệt có quốc gia còn xem Hồi giáo như quốc giáo.

Với cách quan sát nhạy bén, vừa chi tiết vừa bao quát; với năng lực phân tích và tổng hợp có chọn lọc những sự kiện, nhân vật, tình huống, thực trạng… thật sắc sảo, chính xác, tác giả đã dựng nên một bức tranh toàn cảnh vô cùng sinh động về từng đất nước. Hầu như, ở những nơi đây, mọi sinh hoạt trong tất cả các lĩnh vực đều phải tuân theo hay được áp dụng những chuẩn mực tín điều của Hồi giáo với tất cả niềm sùng bái. Tuy nhiên, cũng chính trong lòng của bầu khí tín ngưỡng ấy vẫn không tránh khỏi quan điểm khác nhau, chưa đồng thuận về các quy định hay luật lệ áp dụng thống nhất cho toàn thể tín đồ.

Có rất nhiều lối dẫn vào thế giới Hồi giáo, cho nên trong phần này, V.S.Naipaul đã không ngại đưa ra một cách nhìn, một cách đánh giá có thể có phần chủ quan nhưng lại là cơ hội cung cấp cho người đọc khá nhiều thông tin, tư liệu để mời gọi độc giả hãy tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về một tôn giáo đang tạo ra nhiều hấp lực đồng thời cũng nhiều tranh cải trên thế giới..

Ngôn Ngữ Của Chúa

Trong cuốn sách này, ông chia sẻ với độc giả hành trình của chính mình từ một người vô thần tới có đức tin, sau đó dẫn dắt độc giả vào chuyến đi đầy kinh ngạc của khoa học hiện đại để chứng minh rằng vật lý, khoa học và sinh học đều hòa hợp được với đức tin vào Chúa và Kinh thánh. Ngôn ngữ của Chúa là cuốn sách không thể thiếu cho bất kỳ ai luôn băn khoăn về những câu hỏi vĩnh cửu : Tại sao chúng ta có mặt trên đời? Chúng ta đến cuộc đời này bằng cách nào ? Đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc sống?

Câu hỏi trọng tâm cho cả cuốn sách này chính là : Liệu có thể có cơ hội cho sự hòa hợp giữa những quan điểm của giới khoa học và giới tâm linh khiến cả hai đều cảm thấy hoàn toàn hài lòng trong kỷ nguyên mới của vũ trụ học, của sự tiến hóa và của hệ gen người hay không ? Tiến sĩ Collins đưa ra một cách giải quyết hoàn hảo cho tình trạng khó xử của những người vừa tin vào Chúa, vừa coi trọng khoa học. Đức tin vào Chúa và niềm tin vào khoa học có thể hòa hợp trong một thế giới. Đức Chúa mà ông đặt niềm tin vào có thể lắng nghe lời cầu nguyện và quan tâm đến phần hồn của chúng ta. « Khoa học là cách duy nhất đáng tin cậy để hiểu về thế giới tự nhiên, và khi các công cụ của nó được sử dụng hợp lý, chúng ta sẽ có được hiểu biết sâu sắc về sự tồn tại của vật chất. Nhưng khoa học không thể trả lời được những câu hỏi như: Tại sao vũ trụ lại xuất hiện?, Sự tồn tại của con người có ý nghĩa gì?, Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi chúng ta chết? Một trong những động lực mạnh mẽ nhất của con người chính là tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi lớn này. Chúng ta cần kết hợp sức mạnh của cả khoa học và tôn giáo mới có thể thấu hiểu được những điều thấy và không thể nhìn thấy. » Francis S. Collins

Dẫn Luận Về Ấn Độ Giáo

Ấn Độ giáo được thực hành bởi khoảng 80% dân số Ấn Độ và khoảng 30 triệu người bên ngoài Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ giáo được định nghĩa như thế nào, và tôn giáo ấy có cơ sở là gì? Trong Dẫn luận về Ấn Độ giáo, Kim Knott cung cấp hiểu biết sáng tỏ về những niềm tin của người Hindu, tìm hiểu xem nó đã bị tác động bởi quá khứ và hiện tại như thế nào.

Tác giả đưa ra lời giải thích ngắn gọn về những vấn đề trung tâm của Ấn Độ giáo, như vai trò của các đạo sư và vị thầy đương đại trong quá trình tìm kiếm thành tựu tâm linh; chức năng của Mahabharata và Ramayana – những thánh điển trình bày đấng thiêng liêng dưới hình tướng con người (avatara) để cung cấp hình mẫu ứng xử cho tất cả mọi người, cũng như tập trung vào dharma, bổn phận và trách nhiệm đạo đức thích hợp của mỗi giai cấp. Tác giả cũng xem xét những thách thức đặt ra cho Ấn Độ giáo vào cuối thế kỷ 20 khi nó lan xa ngoài Ấn Độ và những vấn đề liên quan trong xã hội Hindu.

Đạo Giáo

Sách viết về Đạo giáo, nếu tính luôn cả những bản dịch Đạo đức kinh là sách triết lý cơ bản của nó, thì trong vòng 60-70 năm nay đã có khá nhiều, của một số tác giả như Ngô Tất Tố, Nghiêm Toản, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê, nhưng phần nhiều chỉ tập trung cho phần triết lý cơ bản theo học thuyết Lão Tử, về vũ trụ quan và nhân sinh quan, liên quan những lý lẽ cao sâu của đạo và đời, như về bản chất-sự cấu tạo-luật tuần hoàn của vũ trụ, về chủ nghĩa vô vi, và từ đó xác định lối sống, phép xử thế, phép dưỡng sinh cho phù hợp.

Cuốn Đạo giáo (Đạo Lão Tử) của Trần Trọng Kim trái lại có đặc điểm khác hơn hẳn. Đó là tính bao quát toàn diện của nó, mặc dù chỉ trong một khuôn khổ tương đối giới hạn, vì tác giả không chỉ trình bày một cách gọn gàng dễ hiểu học thuyết cao siêu của Lão Tử chứa đựng trong khoảng 5.000 chữ của bộ Đạo đức kinh (nội dung của phần I), mà còn tóm thuật được tư tưởng của các nhà thừa kế xuất sắc tiêu biểu nhất của phái Đạo gia như Liệt Tử, Trang Tử (nội dung của phần II), và đặc biệt hơn cả là còn cho biết tương đối đầy đủ những biến thể suy đồi của Đạo giáo đời sau dưới hình thức đạo thần tiên/tu tiên chủ yếu nhắm vào mục đích trường sinh bất lão của giới đạo sĩ từ thời Tần Hán trở đi (nội dung của phần III và IV), kể cả những ảnh hưởng xấu của nó đến đời sống thực tế của dân gian người Việt chúng ta.

Dẫn Luận Về Nho Giáo

Trong sách Dẫn luận về Nho giáo, Gardner khám phá những ý tưởng lớn của truyền thống Khổng học, cho thấy ảnh hưởng sâu sắc của nó trong đời sống Trung Hoa, và tập trung vào hai câu hỏi triết học quan trọng nhất – điều gì tạo nên một con người tử tế? và điều gì lập nên một chính quyền tốt? – đồng thời mô tả cách các nhà tư tưởng lớn trong truyền thống Nho gia đáp ứng với mỗi chủ đề. Gardner đã làm sáng tỏ một khía cạnh: Nho giáo vẫn tồn tại trong cuộc sống hiện đại. Hiện nay, người dân Trung Quốc lại một lần nữa tìm đến giáo lý của Khổng Tử trong một thời đại đầy biến động về kinh tế – xã hội Cuốn sách này đặt trọng tâm vào sự hiểu biết về nền văn minh Trung Hoa thông qua Nho giáo. Xuất hiện lần đầu tiên ở thế kỷ 6 trước Công nguyên, những giáo huấn của Khổng Tử đã thống trị xã hội, nền chính trị, kinh tế và đạo đức Trung Hoa trên 26 thế kỷ qua. Là một dịch giả linh động với các văn bản cổ điển, một nhà nghiên cứu sâu sắc, Daniel K. Gardner đã cung cấp cho chúng ta một khái quát tuyệt vời về tư tưởng và hành động thực tiễn của Nho giáo.

Tôn Giáo Và Xã Hội Hiện Đại

Môn xã hội học ra đời ở châu Âu hồi thế kỷ 19 để nghiên cứu một cách có hệ thống và khoa học những biến chuyển đã đưa châu Âu đến “xã hội hiện đại”. Khoa học kỹ thuật lúc đó đã phát triển, Thiên Chúa giáo bị phê phán như lạc hậu, “tính hiện đại” là đối tượng của môn nghiên cứu mới, nhưng đồng thời môn nghiên cứu mới đó cũng mang tính hiện đại. Vì vậy, hiển nhiên, câu hỏi về số phận của tôn giáo nằm tận trong căn bản của môn xã hội học vừa khai sinh. Ngay từ khởi thủy, với Auguste Comte, với Emile Durkheim, với Max Weber, khoa xã hội học đã đặc biệt chú trọng đến hiện tượng tôn giáo, và, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của khoa học, đã lạc quan tin tưởng có thể thay thế tôn giáo bằng một đạo đức thế tục mang tính khoa học, cởi bỏ những tin tưởng và những hình thức có tính siêu hình, huyền thoại.

Môn xã hội học trở thành vừa là một dụng cụ nghiên cứu, vừa là một khí giới hành động, nhắm mục đích hoàn thiện “tính hiện đại”. Từ quan niệm dấn thân như vậy vào quá trình “hiện đại hóa”, các nhà xã hội học có khuynh hướng xem tính hiện đại như đối kháng với tính tôn giáo. Mà thật vậy, kỹ nghệ hóa, đô thị hóa, lý tính hóa đã chẳng góp phần vào việc phá vỡ những hệ thống tôn giáo vững chắc qua bao nhiêu chục thế kỷ đó sao? Con người hiện đại ở châu Âu đã chẳng trở nên lạnh lùng, khô cứng, đánh mất “thế giới thần tiên” mà nhân loại đã được nuôi dưỡng qua bao nhiêu thời đại đó sao? Trước tình trạng thoái trào càng ngày càng rõ của Thiên Chúa giáo, đâu có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà xã hội học dự đoán tôn giáo sẽ bay về trời vào cuối quá trình của hiện đại hóa?

Cả hai phía đối kháng đều đã góp phần vào tiên đoán đó. Về phía các nhà xã hội học, Saint Simon, Comte, Durkheim, và sau đó kể cả Marx, với quan niệm tiến hóa diễn ra qua từng giai đoạn kế tiếp bắt buộc, đã vẽ ra một tương lai trong đó tôn giáo truyền thống sẽ úa tàn, sẽ khuất núi, hoặc sẽ được thay thế bằng một tôn giáo thế tục, khoa học. Về phía tôn giáo, sự chống đối bảo thủ quyết liệt để cố giữ lại vị trí ưu tiên trong Nhà nước rồi trong xã hội, suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã góp phần minh chứng luận thuyết Nhà thờ và tính hiện đại không đội chung trời. Khái niệm “thế tục hóa” đã trở thành chìa khóa để các nhà xã hội học nghiên cứu hoàng hôn của tôn giáo trong những xã hội kỹ nghệ hóa..

Hạnh Phúc Tại Tâm

Tác phẩm Hạnh phúc tại tâm (JOY: The Happiness That Comes from Within) mà bạn đang cầm trên tay cũng là một trong số những tâm tình thánh thiện đó. Osho từng nói sứ mạng của ông là tạo điều kiện cho việc ra đời một thế giới của những con người ưu tú. Ông thường mô tả loài người mới này với tên gọi “Zorba-Phật” – những con người có thể vui sống giữa trần gian mà vẫn an tịnh khoan hòa như Đức Phật vĩ đại.

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm của Osho là cái nhìn chứa đựng sự thông thái vĩnh hằng của phương Đông kết hợp với những tiềm năng vô tận từ khoa học công nghệ phương Tây. Những mẩu chuyện hài hước, những ngụ ngôn triết học, những tâm sự đầy trải nghiệm cá nhân, những đúc kết hiền minh… về hạnh phúc chân thật là tất cả những gì mà Osho dành cho người lắng nghe ông. Toàn bộ các chương mục trong cuốn sách này tập trung vào bản chất của đời sống và khả năng hạnh phúc của con người.

Hạnh phúc là trở về với chính mình. Mệnh đề ngắn gọn này có vẻ chỉ đơn giản trong cấu trúc ngữ pháp hoặc chuỗi âm tiết; nó thực sự là một mệnh đề khắc nghiệt nhất trong hành trình sống của mỗi chúng ta. Cuộc trở về này, theo Osho, là sự hồi sinh phần trong trẻo và tự nhiên nhất của năng lượng, là khả năng nhận biết và yêu mến Sự thật. Trong lập luận của Osho, tôn giáo cũng không đủ chỗ cho mệnh đề ấy được sinh sôi. Là một giáo sư triết học, một đạo sư có khuynh hướng dẫn dắt tâm linh, Osho đã tổng hợp và đưa vào những bài thuyết giảng của mình ánh sáng của nhiều tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Jain giáo, Ấn Độ giáo,

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

5 cuốn sách hay về cầu lông đi từ cơ bản đến nâng cao 5 cuốn sách hay về cầu lông giới thiệu chi tiết: từ cách cầm vợt cho đến việc nắm bắt tinh thần vận động của môn cầu lông, cũng…
5 quyển sách hay về toàn cầu hóa nên đọc để có sự chủ động trong quá trình hội nhập 5 quyển sách hay về toàn cầu hóa trình bày những thách thức cũng như cơ hội to lớn mà toàn cầu hóa mang lại cho chúng ta trong…
8 cuốn sách hay về bảo hiểm nhân thọ chia sẻ bài học và lời khuyên thực tế 8 cuốn sách hay về bảo hiểm nhân thọ giúp những người đã, đang và sẽ làm nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ thêm tin yêu để gắn…
Back to top button