15 cuốn sách kiếm hiệp hay gây được tiếng vang lớn và sức ảnh hưởng mạnh mẽ

15 cuốn sách kiếm hiệp này mở ra một thời đại huy hoàng cho văn chương kiếm hiệp, đề cao chủ nghĩa anh hùng, khiến dòng văn học này không những phát triển mạnh tại Trung Quốc mà còn tạo sức ảnh hưởng sang nước ngoài, kể cả các nước phương Tây. 

Ỷ Thiên Đồ Long Kí

Bối cảnh tiểu thuyết lấy vào cuối thời nhà Nguyên, hơn 100 năm sau sự kiện trên đỉnh Hoa Sơn trong Thần Điêu Hiệp Lữ, lúc này nhà Nguyên đang bị suy yếu bởi các cuộc khởi nghĩa và vì sự xa hoa lãng phí của triều đình. Truyện xoay quanh Trương Vô Kỵ và mối tình phức tạp với 4 cô gái. Bên cạnh đó là những âm mưu thủ đoạn đầy máu tanh trên giang hồ nhằm chiếm đoạt 2 món báu vật là Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm, với lời đồn nếu tìm được bí mật trong đao kiếm sẽ hiệu triệu được thiên hạ.

Trương Vô Kỵ được xem là có nội tâm phức tạp hơn so với Quách Tĩnh và Dương Quá trong khi không có những phẩm chất anh hùng như hai người kia. Điều này làm cho nhân vật trở nên thực tế hơn. Mặc dù có võ công cao cường, gần như vô địch đương thời, và là một người chính trực khẳng khái, người có thể truyền cảm hứng cho người khác nhưng anh không hề có những tố chất cần thiết của một nhà lãnh đạo là lòng ham muốn mãnh liệt đối với quyền lực và tâm kế để duy trì quyền lực. Chính vì vậy vào cuối truyện, anh đã bị Chu Nguyên Chương lừa nên bỏ đi cùng Triệu Mẫn và quyền lực Minh giáo dần rơi vào tay Chu Nguyên Chương, làm bước đệm cho nhà Chu tranh thiên hạ.

Tuyết Sơn Phi Hồ

Tuyết Sơn Phi Hồ là ngoại hiệu của Hồ Phỉ trẻ tuổi, trí tuệ và võ công hơn người. Câu chuyện xảy ra từ hơn một trăm năm trước, bốn vệ sĩ trung thành của Sấm Vương Lý Tự Thành là bốn họ Hồ, Miêu, Điền, Phạm, bốn người kết nghĩa anh em, cùng nhau sinh tử và đều trung thành với Lý Tự Thành. Tuy nhiên vì hiểu lầm Hồ phản bội mà ba anh em đã tìm để giết. Mối thù kéo dài đến mấy đời sau. Cuộc gặp gỡ định mệnh dẫn đến tình yêu giữa Hồ Phỉ và Miêu Nhược Lan liệu có hoá giải được mối thâm thù, ân oán tổ tiên?

Thiên Long Bát Bộ

Tác phẩm lấy bối cảnh thời Tống Triết Tông giai đoạn đánh dấu chế độ phong kiến Trung Quốc chuyển từ thịnh sang suy. Sáu nước: Lý, Tống, Liêu, Kim, Yên lúc thì liên kết đồng minh, lúc lại nhòm ngó, thôn tính lẫn nhau. Trong mớ bòng bong mâu thuẫn ấy, nổi bật lên xung đột hai nước Tống – Liêu với đỉnh điểm tập trung vào KIều Phong (nay là Tiêu Phong) – nhân vật có số phận tận cùng bất hạnh và nhân cách tuyệt vời cao thượng. Có thể nói, Thiên Long Bát Bộ đã vượt qua giới hạn của tiểu thuyết lịch sử truyền thống, đồng thời cũng vượt qua giới hạn của tiểu thuyết võ hiệp, làm nên đỉnh cao trong sự nghiệp của Kim Dung.

Tiếu Ngạo Giang Hồ

Bộ truyện xoay quanh những đề tài về tình bạn, tình yêu, sự dối trá, phản bội, những âm mưu và cả ham muốn quyền lực. Trung tâm của toàn bộ cốt truyện là nhân vật chính Lệnh Hồ Xung, một đệ tử của chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần. Xuyên suốt câu chuyện, người đọc được dẫn dắt theo hành trình trở thành một kiếm khách lẫy lừng của chàng lãng tử này, đồng thời trải nghiệm những chứng kiến của Lệnh Hồ Xung đối với nhiều âm mưu tranh quyền đoạt vị trên giang hồ.

Các diễn biến được phát triển dựa trên một bí kíp kiếm pháp truyền thuyết và sự liên hệ giữa các nhân vật với bí kíp đó. Theo lời đồn đại trên giang hồ, trong gia đình nhà họ Lâm có một pho kiếm phổ chép tay tên gọi “Tịch tà kiếm pháp”, người luyện được kiếm pháp này có thể sở hữu tốc độ như sấm chớp, võ công làm mưa làm gió chốn võ lâm. Nhiều người thực sự thèm khát có được nó, trong đó có những nhân vật tiếng tăm trên giang hồ như Tả Lãnh Thiền chưởng môn phái Tùng Sơn, minh chủ khối Ngũ Nhạc, Nhạc Bất Quần chưởng môn phái Hoa Sơn, Dự Thương Hải chưởng môn phái Thanh Thành hay Mộc Cao Phong, Lao Đức Nặc… Chính từ đây đã nảy sinh bao âm mưu, bất hòa, tranh chấp hòng giành giật pho bí kíp này, xưng bá võ lâm.

Lộc Đỉnh Ký

Trong loạt sách kiếm hiệp nổi tiếng của Kim Dung, Lộc Đỉnh Ký là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất. Nếu ở các tác phẩm khác, nhân vật chính là các hiệp khách võ công cao cường, nhân tâm hiệp cốt, trừ gian diệt bạo, thì Lộc đỉnh ký mang màu sắc mới lạ, thu hút ở chỗ nhân vật chính xuất thân hèn kém và hoàn toàn không phải người chính trực.

Vi Tiểu Bảo là một nhân vật có khắc họa khá đặc biệt, tuy không biết chữ, chẳng biết võ công, nhưng nhờ có miệng lưỡi trơn như mỡ, óc thực dụng, tính ích kỷ, tiểu nhân điển hình cộng với đầu óc linh hoạt ứng biến nhanh nhạy mà đạt được nhiều thành công, danh lợi. Vi Tiểu Bảo có những nét hao hao giống những nhân vật chính mà Kim Dung đã dàn dựng: trọng tình nghĩa bạn bè, bị đưa đẩy vào những tình thế tiến thoái lưỡng nan, yêu một cuộc sống bình dị… nhưng cũng bao gồm những tính khác như tiểu nhân gian xảo, mưu mô thủ đoạn… Qua đó Kim Dung cũng xây dựng một nhân vật điển hình cho một bộ phận dân tộc Trung Quốc tương phản với AQ của Lỗ Tấn.

Hiệp Khách Hành

Mười tám năm một lần, Thưởng Thiện Phạt Ác Lệnh cùng thiệp mời của đảo Hiệp khách lại xuất hiện. Không ai biết đảo Hiệp khách ở đâu. Cũng không biết đảo chủ là ai. Chỉ biết người của đảo Hiệp khách võ công rất cao cường. Những kẻ kháng lại thiệp mời đều bị trừng phạt một cách thảm khốc. Những người phó hội thì biệt vô âm tín. Tính từ lần đầu tiên kể đã 36 năm trôi qua, tất cả tiền bối võ lâm nhận lời đến đảo Hiệp khách đều chưa thấy trở về, không biết sống chết ra sao. Thiệp mời lần thứ 3 kể cũng đã sắp đến ngày hội ngộ võ lâm Trung nguyên. Trong khi đó, bí mật về đảo Hiệp khách cùng số phận các võ lâm cao thủ vẫn còn nằm trong bóng tối. Phải chăng võ lâm Trung nguyên đến hồi mạt vận ?

Thủy Hử

Thủy Hử là một trong Tứ đại danh tác của nền văn học cổ điển Trung Quốc. Qua giọng văn sống động của tác phẩm, một trăm linh tám anh hùng Lương Sơn mỗi người một vẻ, một xuất thân, một tính cách, một cuộc đời hiện lên qua từng trang sách. Trong quá trình tụ nghĩa Lương Sơn, họ gặp quan tham thì chống, gặp ác bá thì trừng, đặt chữ “nghĩa” làm phương châm hành động. Lối hành động không câu nệ và tính cách hào sảng ấy nơi các nhân vật đã quyện xoắn những mẩu chuyện rời thành một thế giới võ lâm thu nhỏ, tạo cảm giác sảng khoái trong từng câu chữ.

“Văn chương Thủy Hử không “dệt gấm thêu hoa” như Tây Sương Ký, không “nhả ngọc phun châu” như Hồng Lâu Mộng mà là “nhạc trỗi chuông ngân”, hùng hồn, dồn dập. Văn chương Thủy Hử thì vẫn gần gũi với truyện kể dân gian. Tác phẩm Thủy Hử giữ được tính sống động của nhân vật trong ngôn ngữ gần gũi với đời sống hằng ngày, trong lối hành văn ít trang sức tô điểm.” – Giáo sư Lương Duy Thứ.

12 Kỳ Án Trung Hoa

Với chiều dài lịch sử hơn 5000 năm, các triều đại phong kiến Trung Hoa xưa kia chắc chắn phải đối mặt với muôn vàn vụ án khó khăn, tế nhị và không ít vụ án phán đoán sai lệch, làm cho nhiều người khác bị hàm oan, bởi thiếu rất nhiều lý luận khoa học như ngày nay. Tuy nhiên, cũng không ít các phán quan công minh sáng suốt xuất hiện, giúp cho người dân giải được hàm oan. Nổi bật nhất trong các phán quan là Bao Chửng, được dân gian biết đến qua tên Bao Công ở đời Bắc Tống. Sau đó đến thời Nam Tống, một phán quan khác còn nhiều công lao hơn đó là Tống Từ, không những lấy việc giải oan cho người dân làm niềm đam mê mà còn có tinh thần rất tiến bộ, lấy pháp y học ra làm chứng cứ kết tội hoặc giải oan.

Trong khi Tây phương mãi đến thập niên 17, 18 mới có hai nhà nghiên cứu pháp y học người Italia đứng ra phổ biến thì Tống Từ đã biết đến phương pháp khoa học từ hơn 450 năm trước. Sau khi Tống Từ qua đời vào 1247, tức là vào thập niên thứ 13, ông để lại cuốn “Tẩy oan lục” rất có giá trị, giúp những phán quan đời sau có thêm tư liệu để hoàn thiện phương pháp để xử án.. Trải qua mấy trăm năm nữa, hệ thống dùng Pháp Y học làm chứng cứ xét án đã được phát triển rất mạnh và lên tới tột đỉnh vào các đời nhà Minh, Thanh với rất nhiều phán quan sáng suốt chẳng kém Bao Công

Thiết Hồn Ảnh

Minh tướng quân quyền khuynh triều chính, oai khiếp giang hồ, không ngừng ra tay bài trừ dị kỉ, giết kẻ trung lương, lại dẫn theo cánh quân xâm lược bạo tàn ra Tái Ngoại, đẩy biết bao con người vào cơn nước lửa tang thương, khiến tám phương chấn động. Người trong giang hồ vô cùng căm phẫn, liên tiếp nổi lên, Xảo Chuyết đại sư đoán việc như thần, Ngụy công tử tài hoa diệu vợi, Trùng đại sư chính nghĩa ngút trời, Ám khí vương một thân hào khí, Toái Không đao nhiệt huyết sôi trào, tất cả họ lần lượt viết ra những khúc ca tráng liệt mà hoa lệ, làm nền tảng cho một cuộc lật đổ ngày sau.

Dưới ngòi bút của tác giả, thế giới giang hồ trong hệ liệt Minh tướng quân hiện lên như thực như ảo, đó là một giang hồ truyền thống với những bang phái chính tà và đủ hạng người trung lương gian ác, nhưng đó cũng là một giang hồ riêng biệt khi chạy song song với những mưu mô chính trị chốn triều đình, những thân phận như hiệp khách giang hồ và quan lại triều đình đôi lúc tưởng chừng hòa vào làm một. Thủ pháp xây dựng nhân vật của tác giả cũng thật sự tài tình, mỗi nhân vật hiện lên chỉ bằng vài ngòi bút nhưng cũng đủ để lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc, chỉ ngó riêng phần miêu tả về “một vị tướng quân, nửa gã tổng quản, ba tay chưởng môn, bốn tên công tử, thiên hoa lóe sáng, bát phương danh động” cũng đủ thấy được phần nào. Đến sau này, càng bước vào sâu trong tác phẩm, tính cách mỗi nhân vật lại càng thêm sâu sắc, mỗi người đều có những lý tưởng, mục tiêu riêng, như Lâm Thanh chuyên tâm truy cầu võ đạo, Trùng đại sư một lòng vệ đạo trừ ma, Diệp Phong khát khao sự tự do và tình ái, thậm chí đến những kẻ tiểu nhân phản diện như Tiết Bát Mặc, Ninh Hồi Phong cũng là những tính cách riêng biệt khó có thể lẫn vào đâu.

Hoán Nhật Tiễn

Thiết Hồn Ảnh đâu chỉ là món thứ binh khí, đó còn là chính nghĩa ngút trời, Phá Lãng Chùy đâu chỉ là chiếc chùy sắt, nó còn là ân oán tình thù… Có khác gì tiểu thuyết của Cổ Long đâu? Ấy thế mà Thời Vị Hàn cũng có độc giả riêng, thậm chí còn là độc giả cuồng, rất nhiều độc giả cuồng? Vậy là do đâu? Là do Thời Vị Hàn đã biết cách dung hòa những tinh túy trong ngòi bút của cao nhân đi trước, để biến nó trở thành đặc sản của chính mình. Kiếm cung tranh đấu chốn võ lâm, thù nhà nợ nước, nhi nữ thường tình… Tất cả đều được Thời Vị Hàn vận dụng khéo léo vào từng con chữ. Một cuốn sách hội tụ đủ tất cả những “đặc sản” ngon lành nhất của tiểu thuyết kiếm hiệp, thử hỏi có đáng để đọc, có đáng để mong chờ? Tác giả tài ba như thế, có đáng để kỳ vọng?

Loạn Thế Anh Hùng

Thời kỳ thái bình giả tạo, khoảng lặng giữa sóng động. Chỉ có triều đình là vẫn còn đang tô vẽ cho cảnh quốc thái dân an thịnh trị, mơ một giấc mộng đẹp rằng bốn bề ngăn nắp ổn yên. Kỳ thực chẳng lẽ chốn đồng ruộng khe hoang toàn là dân lành cả? Không thể tin được… Tới cả trẻ thôn lão xóm cũng rất thích nghe chuyện hiệp khách hồng nhan, mà lại chẳng biết những thăng trầm, hào sảng rung động ấy luôn xảy ra ngay bên cạnh họ…

Kinh Diễm Nhất Thương

Chốn giang hồ thù bạn khó phân, chính tà cách nhau kẽ tóc, đâu mới là trang hào kiệt?

Bị ép phải ám sát Gia Cát tiên sinh, đứng trước chính – tà, tình – nghĩa, Vương Tiểu Thạch đã đưa ra quyết định của riêng gã. Một quyết định đã trực tiếp ảnh hưởng đến các lộ bang phái trong triều ngoài nội¸ cuốn ba huynh đệ – ba bậc vĩ nhân Tự Tại Môn: Thiên Y cư sĩ, Gia Cát tiên sinh, Nguyên Thập Tam Hạn vào vòng xoáy của ân oán tình cừu từ quá khứ, châm ngòi cho trận quyết chiến Điềm Sơn lừng lẫy võ lâm.

Mưu được tính, trận được bày, mưu trong mưu, trận trong trận, đâu sẽ là lối thoát của oán tình chồng chất giữa những bậc hào kiệt một thời?

Một mũi tên thương tâm?

Một đòn thương kinh diễm?

Hay chính là thứ nghĩa khí vẫn luôn tồn tại vô hình chốn giang hồ?

Lang Gia Bảng

Lang Gia Bảng kể về Mai Trường Tô, một mưu sĩ không tên tuổi bỗng một ngày trở thành tâm điểm cho những tranh đoạt chốn cung đình nhờ lời khẳng định của Lang Gia Các thần bí, có được chàng sẽ lấy được thiên hạ.

Được mệnh danh là “Bá tước Monte Cristo” của Trung Quốc, bộ tiểu thuyết Lang Gia Bảng của tác giả Hải Yến liên tục lọt vào top những bảng xếp hạng văn học danh giá của xứ sở gấu trúc. Năm 2007, Lang Gia Bảng được độc giả bình chọn đứng đầu thể loại Giá Không Lịch Sử, năm 2011 Lang Gia Bảng lọt top 100 tiểu thuyết ngôn tình kinh điển, đứng trên rất nhiều tác phẩm nổi tiếng khác.

Danh thế ngày càng tăng, Lang Gia Bảng được độc giả cũng như giới yêu thích phim ảnh chờ đợi chuyển thể thành phim truyền hình, nối tiếp truyền thống chuyển thể các tác phẩm văn học rất thành công tại Trung Quốc.

Long Duyên

Một đại hiệp bản lĩnh kém cỏi không mơ ước xa xôi.

Một thiếu niên đạo sĩ nho nhã lánh đời.

Một thư sinh kiết xác vờ vĩnh cơ hội.

Và vây quanh là long, lân, quy trình độ tạp nham

Tập hợp thành một lữ đoàn cùng đi tranh giành nghiệp đế.

Lấy bối cảnh sơn thủy kỳ ảo với sự đồng hiện của thần, người, linh thú, Long duyên là câu chuyện về hoài bão, nhiệt huyết, tình cảm của thanh xuân – một thanh xuân kiêu hãnh chỉ sôi nổi với kết quả mà rất ít bận tâm tới quá trình. Càng đi xa, họ càng gặp nhiều vấp váp. Khi vấp váp, họ buộc phải tinh chỉnh mục tiêu để cuối cùng chấp nhận một đích điểm vừa vặn với khả năng, hoàn cảnh, và nhất là số phận mà định mệnh ngồi một bên đã dành sẵn. Cũng bởi thế, Long duyên còn là tiếng thở dài bùi ngùi cho những giấc mơ huy hoàng không đạt tới, cho một hình hài trưởng thành quá khác với ước vọng người ta từng ấp ủ khi mới bước vào đời.

Một Thời Ngang Dọc

Tiểu thuyết Một thời ngang dọc của Hoàng Ly đặt trên bối cảnh đất nước ta dưới thời đô hộ. Khi vua Hàm Nghi bị bắt, Tôn Thất Thuyết lên đường sang Long Châu (Trung Quốc) tiếp tục hoạt động, chờ thời cơ trở về khôi phục giang sơn. Đi đến bên bờ sông Đà ở Lai Châu (Tây Bắc), Tôn quyết định chôn giấu số vàng trong kho tàng triều Nguyễn tích lũy bao năm mà Tôn mang theo ở một địa điểm bí mật, lại vẽ một tấm bản đồ để sau này biết đường tìm kiếm, dùng số vàng đó chiêu binh mãi mã, trả thù cho nước. Tất cả những đám sơn tặc đều tìm cách chiếm đoạt kho vàng đó nhưng không lần ra tấm bản đồ.

“Đi được nửa dặm ngàn, hết thung lũng, tới con đường mòn chạy vào hẻm, hai bên núi dựng như thành, còn đang đảo mắt quan sát, chàng Đại Sơn Vương đã nghe từ trên cao, từng hồi cồng đổ dồn vang khắp vùng núi thẳm, dư âm vang như man dại ngân nga trong buổi chiều tà.

Và giữa vùng không gian thăm thẳm, bất ngờ, từ trên ngọn núi chênh vênh, tiếng địch bổng chìm rót xuống, thanh âm theo trận gió chiều thu hút trên cao tít mơ hồ xa xôi, rồi thình lình đổ xuống, chờn vờn quanh bờm ngựa.

Chàng tướng trẻ nghiêng đầu lắng tai nghe tiếng địch lộng thổi non cao, như muốn ru hồn khách dọc ngang vào mộng ảo.”

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

11 cuốn sách hay về điện tử cho bạn nhiều thông tin và kiến thức cần thiết 11 cuốn sách hay về điện tử cung cấp cho bạn những kiến ​​thức từ cơ bản đến nâng cao về điện tử như: mạch điện tử, chất bán…
9 cuốn sách hay về F&B truyền tải nhiều kiến thức và kinh nghiệm đến người đọc 9 cuốn sách hay về F&B cho bạn đọc nhiều thông tin và kinh nghiệm cần thiết trong ngành F&B, một thị trường bùng nổ nhưng cạnh tranh cao,…
7 quyển sách dạy nấu món Âu hay đầy hấp dẫn và tinh tế 7 quyển sách dạy nấu món Âu hay hướng dẫn từ việc chuẩn bị nguyên liệu đến cách thức nấu từng món Âu ngon, hấp dẫn và tinh tế.…
Back to top button