7 quyển sách hay về Trần Hưng Đạo cho bạn đọc cái nhìn toàn vẹn về cuộc đời và sự nghiệp của Trần Hưng Đạo, một trong những nhân vật hiển hách nhất trong lịch sử của Việt Nam.
Trần Hưng Đạo – Nhà Quân Sự Thiên Tài
Trần Quốc Tuấn là bậc danh nhân đức tài trọn vẹn. Là Nhân tướng, ông hết lòng thương yêu quân dân, chỉ cho một con đường sống. Là Nghĩa tướng ông luôn coi việc phải hơn điều lợi. Là Tri tướng, ông biết lẽ đời sẽ dẫn tới đâu.
Là Dũng tướng, ông sẵn sàng xông pha vào chiến trận dẫu lúc gian nan nhất để đánh giặc. Là Tín tướng, ông bày tỏ trước quân lính biết theo ông sẽ được gì, trái lời ông sẽ mất gì. Bởi vậy, ba lần kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, ông đã lập được công lớn, được vua tin dùng, gia phong Thượng Quốc Công.
Nội dung cuốn sách gồm các phần:
- Chương 1: Nước Đại Việt và vương triều Trần
- Chương 2: Quê hương, gia đình, thân thế và nhân sách Trần Hưng Đạo
- Chương 3: Trần Hưng Đạo trong 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên – Mông
- Chương 4: Nghệ thuật quân sự Trần Hưng Đạo
- Chương 5: Lý luận, tư tưởng quân sự Trần Hưng Đạo
Đức Thánh Trần
Tiểu thuyết lịch sử Đức Thánh Trần của nhà văn Trần Thanh Cảnh chính là diễn giải của tác giả về vương triều Trần lẫy lừng ba lần kháng Nguyên toàn thắng, nhất là về cuộc đời và sự nghiệp của một trong những nhân vật hiển hách nhất thời đại: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Diễn giải ấy thể hiện tinh thần cốt yếu của nó ngay trong nhan đề tác phẩm: Đức Thánh Trần. Đức Thánh Trần, ở đây tác giả Trần Thanh Cảnh đã thần thánh hóa nhân vật lịch sử Trần Quốc Tuấn. Hay chính xác hơn, là tác giả nhấn mạnh và khẳng định phẩm chất thần thánh, vị thế thần thánh, uy vọng thần thánh của Hưng Đạo Đại Vương…
Binh Thư Yếu Lược
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Quốc Tuấn có soạn một bộ sách quân sự là Binh gia diệu lý yếu lược để giáo dục các tướng sĩ phép dùng binh. Lịch triều hiến chương loại chí (phần Văn tịch chí) cho biết Trần Quốc Tuấn đã soạn sách Binh gia yếu lược và sách Vạn kiếp binh thư.
Nhiều người cho rằng Binh gia diệu lý yếu lược hay Binh gia yếu lược chỉ là một, cũng như Vạn kiếp tôn bí truyền thư hay Vạn kiếp binh thư chỉ là một. Nhiều người lại cho rằng Binh gia yếu lược và Binh thư yếu lược cũng chỉ là một.
Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí cho biết Binh gia yếu lược và Vạn kiếp binh thư đã thất lạc từ lâu.
Ở Thư viện Khoa học xã hội hiện nay có một bộ sách chữ Hán chép tay mang ký hiệu 476 đề là Binh thư yếu lược. Trang đầu bộ sách này ghi rõ rằng: Binh thư yếu lược bốn quyền do Trần Hưng Đạo Vương soạn, vương húy là Quốc Tuấn.
Binh thư yếu lược mang ký hiệu 476 gồm bốn quyển. Quyển I gồm có chín chương, là: 1. Thiên tượng, 2. Tuyển mộ, 3. Tuyển tướng, 4. Tướng đạo, 5. Giản luyện, 6. Quân lễ, 7. Mạc hạ, B. Binh cụ, 9. Hiệu lệnh. Quyển II có mười một chương, là: T Hành quân, 2. Hướng đạo, 3. Đồn trú, 4. Tuần canh, 5. Quân tư, 6. Hình thế, 7. Phòng bị, 8. Xem mưa gió, 9. Binh trưng, 10. Dụng gián, 11. Dụng trá. Quyển III có bảy chương, là: 1. Liệu địch, 2. Dã chiến, 3. Quyết chiến, 4. Thiết kỳ, 5. Lâm chiến, 6. Sơn chiến, 7. Thủy chiến. Quyển IV cũng có bảy chương, là: 1. Công thành, 2. Thủ thành, 3. Đột vây, 4. Cứu ứng, 5. Lui tránh, 6. Được thua, 7. Đầu hàng.
Trong Binh thư yếu lược, thì quyển II, quyển III và quyển IV có nhiều đoạn rút ra từ Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ, một nho sĩ có tài kinh bang tế thế đã giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Phật) xây dựng cơ đồ hồi nửa đầu thế kỷ XVII ở Đường Trong. Những đoạn này, có đoạn ghi rõ là đã rút ra từ Hổ trướng khu cơ, có nhiều đoạn tuy lấy từ Hổ trướng khu cơ, song lại không có chú thích gì cả.
Ở quyển IV (Binh thư yếu lược) có mục “Phép làm hỏa tiễn chứa thuốc độc”; ở Hổ trướng khu cơ cũng có mục “Phép làm hỏa tiễn chứa thuốc độc”. – Nguyên văn chữ Hán ở Binh thư yếu lược cũng như Hổ trường khu cơ đều là “Hỏa tiễn trữ độc pháp”. Liều lượng các vị thuốc dùng để chế hỏa tiễn ở Binh thư yếu lược và ở Hổ trướng khu cơ giống hệt nhau. Mở đầu mục “Phép làm hỏa tiễn chứa thuốc độc” trong tinh thư yếu lược, có đoạn văn như sau: “Phàm ít không địch được nhiều, yếu không địch được mạnh, đó là lẽ thường.
Nhưng Binh pháp có nói: Người giỏi đánh làm thế địch không thể thắng để đợi thế địch mà mình có thể thắng. Cho nên, cầm quân ba nghìn chống giặc năm đường phỏng ở đồng ruộng đường dài, giặc đem cả nước sang đánh, thì lấy cái gì mà chống được? Nên dùng phép “hỏa tiễn chứa thuốc độc”. Đoạn văn này ở Hổ tướng khu cơ lại nhắc lại nguyên văn như thế, không sai và không thiếu một chữ nào.
Góc Nhìn Sử Việt – Trần Hưng Đạo
Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn chẳng những là một vĩ nhân Việt Nam, mà lại là một danh nhân trên mảnh đại lục Đông Nam Á từ thế kỷ XIII đến nay.
Đối với lịch sử Việt Nam, ngài là một đại anh hùng dân tộc, có công quét sạch giặc Nguyên xâm lược, giữ vững tự do, độc lập cho nhân dân, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cho tổ quốc; trên nối được dòng máu truyền thống của Trưng Vương, Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt…, dưới treo được tấm gương tranh đấu cho Đặng Dung, Nguyễn Súy, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung…
Ngài là kết tinh của cả Việt Nam, một dân tộc có sức đấu tranh dai dẻo, bền bỉ, không chịu khuất phục dưới bất cứ một ách cường quyền đô hộ nào hoặc bó tay cúi đầu trước bất cứ một cuộc xâm lược công khai hay trá hình nào.
Công nghiệp ngài đã đi sâu vào dân chúng. Tên tuổi ngài đã sống mãi với non sông. Vậy sao còn cần đến cuốn tiểu sử này? Là vì võ công, văn nghiệp của ngài, trước kia, người mình chỉ chép toàn bằng chữ Hán, mà lại tản mát chưa có hệ thống; gần nay, tuy có một vài cuốn sách, tờ báo quốc ngữ nói đến, nhưng hãy còn sơ lược chưa đủ hoặc truyền văn thất chân.
Vả, lối dân chúng “thần thánh hóa” các bậc vĩ nhân lại làm cho một số người hiểu đức Trần Hưng Đạo theo một phương diện khác, một ý nghĩa khác.
Vậy xin cố gắng tra cứu sử sách Nam Bắc, sưu tầm tài liệu xưa nay, làm thành cuốn Trần Hưng Đạo này, mong đi tới mấy mục đích đã đặt:
1. Giới thiệu cho các bạn nam nữ thanh niên biết rõ hơn về một nhân vật lịch sử, văn võ toàn tài: chống ngoại xâm, giành độc lập;
2. Bổ sung thêm đôi chút vào chỗ khuyết trong các sử sách ta xưa nay đã chép về đức Trần Hưng Đạo;
3. Nhắc lại những kinh nghiệm trong mấy cuộc kháng chiến Mông Cổ do anh hùng Trần Quốc Tuấn lãnh đạo;
4. Lấy Trần Hưng Đạo làm đối tượng nghiên cứu, lại lấy lịch sử đương thời làm bối cảnh, cung chút tài liệu cho văn, sử học sau này.
Nếu mấy mục đích ấy đạt được thì thật là một sự khuyến khích lớn cho kẻ viết.
Nói thêm
Những sách, báo tham khảo đều có liệt kê ở cả cuối sách. Tựu trung, khi dẫn chứng, có mấy tên sách viết tắt như:
Đại Việt sử ký toàn thư, viết là Toàn thư;
Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết là Cương mục;
Lịch triều hiến chương loại chí viết là Lịch triều hiến chương.
Các địa danh về quan, ải, sông, núi và đất… ở đời Trần, so với ngày nay, duyên cách nhiều lắm. Ngay như một con sông Cái (hồi Minh thuộc gọi là Nhị Hà, ngày nay gọi là Hồng Hà) bấy giờ chia gọi nhiều khúc khác nhau; khúc trên mạn ngược (từ miền Lào Cai, Yên Bái xuống đến ngã ba Hạc) thì gọi sông Thao; khúc từ ngã ba Hạc đến Thăng Long thì gọi sông Lô; khúc từ miền Hưng Yên thì gọi sông Tha Mạc hoặc Thiên Mạc; khúc từ miền Hà Nam thì gọi Đại Hoàng giang hoặc Hoàng giang… Trong mấy cuộc kháng Nguyên, có lắm địa danh thấy chép ở An Nam chí lược như Tích Nỗ Nguyên, Tứ Thập Nguyên, Lãnh Mỹ, Hải Thị quan, Lãng Sơn (Lãng là sóng: Núi Lóng), chợ Đông Hồ (Đông Hồ thị), cầu Phù Lỗ… và ở Toàn thư như Linh Kinh quan, Vũ Cao quan, Đa Mỗ loan…, nay rất khó kê cứu. Vậy phàm địa danh nào có thể khảo được thì xin cước chú ở dưới. Đúng lý ra, một địa danh nào nếu đã chú thích ở một chương trên rồi thì ở các chương dưới không phải nhắc lại nữa. Nhưng vì muốn cho độc giả khỏi phí thì giờ tìm lại chỗ trước, nên thỉnh thoảng cũng có chua lại. Còn những địa danh nào hoặc đánh dấu hỏi trong hai ngoặc đơn hoặc không chua ở dưới đều là “tồn nghi”, đợi khảo sau. Xin bạn đọc lượng thứ.
Ba bức bản đồ kháng chiến Mông Cổ ở cuối sách về địa điểm lịch sử thì có chất chính cùng nhà học giả Hoàng Xuân Hãn; về phương diện chuyên môn thì nhờ hoa tay của nhà khảo cổ Biệt lam Trần Huy Bá. Tiện đây, tác giả xin ghi mấy lời thành thực cảm tạ.
Tác giả
Ngày 4 tháng 2 năm 1950
Hào Khí Đông A – Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
Quyển sách Hào Khí Đông A – Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn viết về cuộc đời và sự nghiệp của một trong những nhân vật hiển hách nhất trong lịch sử Việt Nam: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Tranh Truyện Lịch Sử Việt Nam: Trần Hưng Đạo
Trần Hưng Đạo là vị Thống lĩnh quân sự tài ba trong hai cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên (1285 và 1287-1288). Dưới sự chỉ huy của ông, quân dân nhà Trần đã khiến đạo quân xâm lược mạnh nhất thế giới thời bấy giờ phải thu bại quân về nước. Tài năng và khí tiết của ông còn muôn đời lưu danh cho hậu thế
Lịch Sử Việt Nam Bằng Tranh Tập 25: Trần Hưng Đạo
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, không thể nào không đề cao vai trò lãnh đạo của bậc danh tướng kỳ tài Trần Hưng Đạo. Với công lao lẫy lừng, người đã trở thành tấm gương sáng về tấm lòng tận trung báo quốc, hết lòng vì dân nước, gạt bỏ hiềm riêng, lấy việc chung làm trọng, đáng để muôn đời noi theo.
Cùng danh mục: