11 quyển sách hay về miền Tây Nam Bộ phóng khoáng, chứa chan cảm tình

11 quyển sách hay về miền Tây Nam Bộ cho độc giả cảm nhận rõ nét cách sống, con người phóng khoáng nơi sông nước chứa chan tình cảm này.

Đất Rừng Phương Nam

Câu chuyện mượn hình ảnh một cậu bé bị lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ để giới thiệu Đất rừng Phương Nam. Nơi đó, một vùng đất vô cùng giàu có, hào phóng và hùng vĩ với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến.

Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi như một xã hội của miền sông nước Tây Nam bộ thu nhỏ. Bởi ở nơi đó, người đọc đã tìm thấy hình ảnh người dân của vùng đất phương Nam từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang – Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau. Bối cảnh trong Đất rừng phương Nam là cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài…

Hương Sắc Miền Tây

Vùng đất miền Tây Nam bộ mới chỉ cách nay trên dưới ba trăm năm hình thành. Một khoảng thời gian không dài so với lịch sử, nhưng cũng đủ để nó ghi lại những dấu ấn văn hóa của cư dân sinh sống nơi này. Có điều, theo quy luật phát triển đời sống, sinh hoạt của con người đã từng tháng, từng năm thay đổi. Những nét đẹp trong văn hóa gắn liền với nền kinh tế tự túc tự cấp đã và đang dần lùi vào dĩ vãng. Những biểu hiện đa dạng từ hình thức cư trú đến những hoạt động thường nhật trên cánh đồng thửa ruộng, những buổi chèo ghe, bơi xuồng kiếm cá tôm trên sông, những buổi trăng thanh gió mát trai gái trong xóm vần công giã gạo, đươn sàng,… đến những câu hò, điệu lý, hay những nét văn hóa lễ tục gắn liền với đời người từ đầy tháng thôi nôi đến cưới hỏi, chôn cất,… của các dân tộc anh em Việt – Khmer – Hoa sinh sống cộng cư, tất cả những điều đó được chúng tôi sưu tầm biên khảo qua những bài viết và tập hợp trong công trình: Hương sắc miền Tây. Đây là những bài nghiên cứu mà một phần trong số đó đã được công bố rải rác trên tạp chí Kiến thức Ngày nay và báo Giáo dục & Thời đại. Nay xin được trân trọng giới thiệu tập hợp các bài viết đó.

Sách gồm 3 phần: đời sống của người miền tây, phong tục, tín ngưỡng dân gian, đời sống của người miền tây trong văn học dân gian.

Văn Hóa Người Việt Vùng Tây Nam Bộ

Tây Nam Bộ là một vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển đặc biệt, con người đặc biệt, vai trò và sự đóng góp cho sự phát triển của đất nước cũng rất đặc biệt.

Song từ thập nin 1990, Tây Nam Bộ dường như đã chững lại, nếu không muốn nói là đi xuống trong một số mặt. Muốn tiếp tục phát triển, Tây Nam Bộ cần có một cú hích. Từ đầu thập niên 2000, Tây Nam Bộ đi tìm cú hích đó trong kinh tế và khoa học – kỹ thuật. Đương nhiên là kinh tế và khoa học – kỹ thuật là quan trọng. Nhưng hình như chưa đủ. Loay hoay với những biện pháp thuần túy kinh tế và khoa học – kỹ thuật, đồng bằng sông Cửu Long luôn gặp trước mặt mình những khó khăn buộc phải đi tìm những biện pháp kinh tế và khoa học – kỹ thuật mới để rồi lại tiếp tục gặp khó khăn mới rất tốn kém sức lực và tiền bạc. Nó gây cảm giác dường như sự phát triển của Tây Nam Bộ đã đụng trần. Các nhà kinh tế học gọi loại trần này là “trần thủy tinh” (glass ceiling), l “bẫy thu nhập trung bình” (middle-income trap).

Nhưng “bẫy thu nhập trung bình” thì có thể giải quyết bằng “kinh tế tri thức” (tức là khoa học), còn tấm trần này sở dĩ là “thủy tinh” không nhìn thấy được , có lẽ là vì nó chủ yếu được làm bằng một chất liệu tinh thần là văn hóa. Trong khi ta luôn xác định rằng “văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội” (Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII, tháng 7-1998), “phát triển văn hóa là mục tiêu và động lực của phát triển kinh tế – xã hội” (Hội nghị lần thứ 10 BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX, tháng 7-2004), thì dường như chính chúng ta lại cũng thường quên văn hóa đầu tiên mỗi khi bàn đến sự phát triển cụ thể của một vùng miền. Đã bao năm nay, những nét tương đồng và khác biệt của Tây Nam Bộ với Đông Nam Bộ về địa lý, lịch sử, kinh tế, , đã hiện lên khá rõ, song về văn hóa thì những đặc điểm văn hóa của Tây Nam Bộ, đặc điểm tính cách con người, tính cách văn hóa Tây Nam Bộ đáng tiếc là vẫn bị hòa lẫn trong trong một bức tranh mờ nhòa có tên chung chung là “Nam Bộ”..

Biển Cỏ Miền Tây Và Hình Bóng Cũ

Từ thập niên 1950, Sơn Nam được giới văn học cả nước biết đến như một tài năng của văn chương Nam bộ. Ông không những là một nhà văn, mà còn được đánh giá cao như một nhà Nam bộ học, một nhà văn hoá. Thế giới văn chương muôn màu muôn vẻ, nhưng trong lòng bạn đọc vẫn giữ lại chân dung thuần hậu của Sơn Nam – một nhà văn Nam Bộ với tính cách đặc biệt Nam Bộ. Ông không giống ai, đi theo con đường mà mình đã chọn: quay về cội nguồn văn hoá dân tộc, với văn hoá Nam Bộ bằng lối văn mộc mạc, bằng chữ nghĩa giản dị gần gũi.

Đọc Biển cỏ miền tây và hình bóng cũ càng thấm thía dư vị chân chất, mộc mạc nhưng rất đỗi thân thương của đất và người Nam Bộ. Tưởng tượng là dân Nam Bộ thì vỗ đùi đánh đét mà khen. Dân Bắc Bộ, Trung Bộ thì tò mò, thèm thuồng được một lần Hành phương Nam, mà nhâm nhi, mà tận hưởng cái bao la hồn hậu của đất và người Nam Bộ. Đây cũng là một trong những tập sách của nhà văn Sơn Nam được in rất trang trọng.

Đồng Bằng Sông Cửu Long – Nét Sinh Hoạt Xưa & Văn Minh Miệt Vườn

Đây là tập sách của nhà Nam Bộ học Sơn Nam về những sinh hoạt truyền thống của nhân dân Đồng bằng song Cửu Long, thông qua những lễ hội và hò vè đối đáp cũng những sinh hoạt của cư dân vùng Miệt Vườn Nam Bộ trong lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển vùng đất phía Nam của Tổ quốc, ưu tiên nghiên cứu các đặc tính dân tộc vùng Miệt Vườn có khác nhiều so với cư dân Miệt Thứ – là vùng đất mới bồi lấp khai khẩn với những hạn chế về địa lý.

Hương Rừng Cà Mau

Tổng tập Hương Rừng Cà Mau in lại từ 3 tập sách đã xuất bản, giới thiệu 64 truyện ngắn với hơn 900 trang sách, kể những câu chuyện về làng quê, về nông thôn, nhất là vùng quê Tây Nam Bộ. Đến nay, trải qua bao nhiên năm tháng, các câu truyện trong Hương Rừng Cà Mau vẫn là những câu chuyện hấp dẫn đối với bạn đọc, đặc biệt là đối với bạn đọc không có điều kiện gần gũi quê hương, phải tha phương cầu thực hay đi làm ăn nơi xứ người lạ lẫm.

Hòn Đất

Hòn Đất là một tiểu thuyết của nhà văn Anh Đức. Cuốn tiểu thuyết này viết về cuộc chiến đấu của dân và quân huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá, Việt Nam, chống lại quân đội Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ trong giai đoạn chiến tranh đặc biệt của cuộc Chiến tranh Việt Nam.

Bánh Trái Mùa Xưa

Bánh Trái Mùa Xưa là một cuốn sách nhỏ xíu và vuông vức như một cái bánh. Nhỏ vậy nhưng lại thân thương mộc mạc biết dường nào.

Nguyễn Ngọc Tư trải lòng trong cái góc nhỏ miền Tây đã nuôi dưỡng tâm hồn chị. Góc nhỏ ấy có tấm lưng ông ngoại, có căn nhà chất đầy những món đồ hoài cổ, có mái hiên của bà cụ hiền như bà nội, có những chiếc bánh thảo thơm đồng bãi,… Cứ thế miền Tây hiện ra gần gũi tưởng như có thể chạm tới để cảm nhận cách sống, con người phóng khoáng nơi sông nước chứa chan tình cảm.

Nhưng Bánh Trái Mùa Xưa rất buồn. Buồn vì những gì đã mất đi không bao giờ còn có thể lấy lại. Buồn vì cuộc sống hiện đại chà mòn những vẻ đẹp đơn sơ thấm đẫm tình người. Buồn vì giá trị vật chất đang lấy đi những hoài niệm.

Tản văn của Nguyễn Ngọc Tư ngắn ngủi. Chị dùng câu chữ đơn giản mà lại đẹp lạ thường. Miền Tây quê mùa chân chất hồn hậu nhưng lại khiến lòng người đau nhói. Bánh trái mùa xưa – hồi ức mùa xưa ở đâu trong cuộc sống tiện nghi hiện đại? Để rồi nhìn lại, độc giả sẽ cay đắng nhận ra lòng mình đã không còn buộc dây nơi bến cũ, tiếc nuối thì rồi cũng sẽ để đấy thôi.

Mật Nắng Biên Thùy

“Tản văn của Nghiêm Quốc Thanh như những cây thốt nốt của quê hương anh, vùng Bảy Núi tỉnh An Giang. Thốt nốt mọc ở đất biên thùy nắng lửa tưởng sẽ khô cằn, không ngờ chúng vẫn lớn mạnh và vươn cao. Một loài cây hữu dụng từ lá đến rễ. Bông và trái thốt nốt đã dâng tặng cho đời hai món quà gần như trái ngược nhau: Đường thốt nốt và rượu thốt nốt. Tản văn của Nghiêm Quốc Thanh cũng dâng tặng cho bạn đọc hai thứ tưởng như là trái ngược nhau: Vị dịu ngọt của một vùng đất và men rượu đằm say của tình người.” (Nhà văn Đoàn Thạch Biền)

“Nghiêm Quốc Thanh hút mật nắng quê mình để làm nên những dòng văn nồng hương rừng núi, cỏ cây, xen trong sỏi đá khô cằn và hẳn là thơm mùi nắng gió. Văn được chắt từ đất nên cũng chân tình như chính đất lửa Thất Sơn. Một An Giang rất An Giang nhưng lại lạ lẫm mà ngay cả người từng tìm hiểu về vùng đất này cũng phải ngỡ ngàng như xứ nào xa lắm. Bởi thấm trong nắng gió biên thùy là mấy mươi năm Nghiêm Quốc Thanh sống, rất sống, sống nhiều hơn nữa. Bức tranh biên cương đầy khói lửa chợt bừng lên sức sống hồn nhiên như bất chấp những năm tháng đã rất nhọc nhằn.” (Nhà văn Võ Diệu Thanh)

Nghiêm Quốc Thanh sinh năm 1983, hiện là giáo viên môn Ngữ văn tại An Giang.

Trong Sương Thương Má

“Những trang văn đầu tiên của cuộc đời, người cầm bút thường viết về má về ba, về thầy cô và những đứa bạn thân, về những kỉ niệm ấu thơ ngập tràn niềm vui lẫn nỗi khốn khó.

Tôi thích xê dịch, đôi chân luôn thèm hơi đất mới. Nhưng dù đi đến đâu, tôi vẫn không quên ngôi nhà tuổi thơ giữa mùa nước nổi, khung cảnh lúc hiền hòa lúc dữ dội khi tháng nước về, khúc sông má bơi xuồng chở tôi đi bán bông điên điển, không quên cái nền nhà ba vít đất đắp lên năm này qua tháng khác. Những lúc đang rong ruổi ở nơi xa xôi nào đó, tôi lại chợt thèm về quê, thèm nằm ở hàng ba ngủ một giấc ngon lành.

Mỗi trang văn trong quyển sách này có thể xem như lát cắt từ kí ức của một đứa trẻ miền Tây. Đọc Trong sương thương má, biết đâu bạn sẽ bắt gặp khung trời tuổi thơ mình trong đó. Mà tuổi thơ nào cũng chỉ đong đầy khi có má có ba…” – Trương Chí Hùng –

Tín Ngưỡng Thiên Hậu Vùng Tây Nam Bộ

Tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu (Bà Ma Tổ, Bà Mã Châu) gốc Hoa Nam đã theo bước di dân người Hoa đến Nam Bộ Việt Nam từ các thế kỷ 17- 19, đã trở thành một dạng tín ngưỡng thờ Mẫu khá phổ biến tại đồng bằng Nam Bộ. Tục thờ này cùng với các hoạt động văn hóa – nghệ thuật và các khía cạnh văn hóa vật thể gắn liền với nó đã sớm trở thành một “kho tàng” văn hóa dân gian, ở đó người ta gìn giữ linh hồn của truyền thống, đồng thời cũng là một kênh giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả và sâu sắc của người Hoa nói riêng, của các tộc người Nam Bộ nói chung.

Trong mối tương quan với văn hóa dân gian các tộc người Việt, Khmer và Chăm trong vùng, tín ngưỡng Thiên Hậu đã góp phần quan trọng tạo nét đặc trưng mang bản sắc người Hoa – một bộ phận của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, ngày càng có giá trị lớn lao trong quá trình dung hợp đa văn hóa để tạo nên diện mạo văn hóa Nam Bộ Việt Nam trong suốt 300 năm qua.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

7 quyển sách hay về bạo hành trẻ em thực sự đáng đọc 7 quyển sách hay về bạo hành trẻ em giúp chúng ta nhận định rõ hơn về bản chất của nạn bạo hành trẻ em, đồng thời biết rằng…
Những cuốn sách hay về trường West Point mà bạn có thể học hỏi nhiều điều Những cuốn sách hay về trường West Point cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và trải nghiệm của West Point bao gồm lịch sử…
11 quyển sách hay về lãnh đạo đầy thiết thực và giá trị 11 quyển sách hay về lãnh đạo giúp người đọc xác lập sứ mệnh lãnh đạo cá nhân, phát triển bộ công cụ lãnh đạo, xây dựng đội ngũ…
Back to top button