9 quyển sách hay về làm dâu hết sức gần gũi và thực tế

9 quyển sách hay về làm dâu chia sẻ kinh nghiệm vun đắp một mái ấm nơi giao hòa hai nền thế hệ, quan điểm nuôi dạy con cái, cách ứng xử với gia đình chồng sao cho hài hòa yên ấm mà vẫn giữ được cuộc sống riêng tư của chính mình.

Giang San Nhà Chồng

Bà Tùng Long là một nhà văn nữ nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975 với các tiểu thuyết tâm lý xã hội. Phần lớn các tác phẩm của bà đề cập đến thân phận người phụ nữ, ca ngợi tình yêu. Một lần bà dự buổi nói chuyện về văn chương. Một cậu sinh viên trẻ đứng lên chê tiểu thuyết của bà và một số tác giả khác là nhảm nhí. Bà Tùng Long đáp: “Tôi không có khả năng để viết những loại sách cao siêu… Tôi có đọc một đoạn văn trên một tờ báo Pháp, thấy có nhà văn nào đó tuyên bố rằng: “Nếu tôi có một ngai vàng thì tôi sẵn sàng đổi nó để tìm hiểu tâm lý phụ nữ”. Như thế thì tôi, một phụ nữ, tại sao lại không viết để nói lên tâm lý của phụ nữ? Vì tôi đã trải qua thời kỳ niên thiếu dưới mái ấm gia đình của cha mẹ, bên các em thân yêu, tôi từng là một thiếu nữ, tôi hiểu những ước muốn, những buồn vui của giới thiếu nữ, của tuổi mới lớn. Tôi từng là một người vợ, một người mẹ. Tôi hiểu tâm sự của một người vợ khi gặp cảnh ngộ ngang trái, khi sống hạnh phúc, khi nuôi dạy con… Tôi muốn nói lên tâm lý của phụ nữ vì tôi là một phụ nữ…”

Giang san nhà chồng xoay quanh nhân vật chính tên Thanh không may mất cha. Mẹ Thanh, không học thức, không nghề nghiệp, đành bước thêm bước nữa với ông phán và nương tựa vào ông mà sống. Khi Thanh lớn lên và trở thành một thiếu nữ xinh đẹp thì ông cha dượng lộ mặt là kẻ háo sắc, không cho cô đi học nữa, buộc cô ở nhà và âm mưu giở trò đồi bại. Bị Thanh phản ứng quyết liệt và biết Thanh tìm cách lập gia đình để thoát khỏi tay ông, ông đã bày mưu tách hai người ra và trả thù cô bằng cách gả cô cho một người đồng nghiệp lớn tuổi đã hai lần đổ vỡ, có cha mẹ và cô em là địa chủ dưới quê quá khó khăn và hung dữ. Sống đúng với tinh thần “Có con phải khổ vì con, Có chồng phải gánh giang san nhà chồng”, Thanh về Bạc Liêu làm dâu trong khi chồng vẫn đi làm ở Sài Gòn. Đó là những ngày gian khổ và cay đắng. Nhưng với sự nhẫn nại vô biên, lòng chân thành nên Thanh đã cảm hoá được gia đình chồng, biến thành gia đình mình và thực sự có hạnh phúc.

Thông điệp mà bà mang đến cho bạn đọc rất mới mẻ: phụ nữ phải có học, phải có nghề nghiệp bình đẳng với nam giới thì mới mong tìm được hạnh phúc cho mình, tuy nhiên nếu chưa đạt được điều đó thì với sự hiền dịu, nhẫn nại, khéo léo và nhân cách sống tốt đẹp, người phụ nữ vẫn có thể kiến tạo được hạnh phúc cho gia đình. Điều này, tới nay vẫn chưa phải là đã cũ.

Mẹ Chồng Nàng Dâu

” Dâu là con, Rể là khách” phương châm cư xử tốt đẹp đó đã đi vào gia đình Việt Nam từ bao đời với hàm ý: người con dâu được yêu thương như người con gái ruột , còn người con rể được quý như khách.

Thế nhưng thực tế mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu đã trở nên ám ảnh các cô gái khi bước chân về nhà chồng. Những xung đột, mâu thuẫn trong mối quan hệ này nhiều khi đem lại cho các cô bao đau khổ, mệt mỏi mà có khi suốt đời vẫn không thể thoát được. Có nàng mồ côi cha mẹ phải tự lập thân, có nàng là tiểu thư khuê các sống trong giàu sang nhung lụa. Thế nhưng “thân gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu”, họ lần lượt dấn thân vào vào vóng xoáy tình yêu toan tính, hôn nhân sắp đặt để rồi từ đó không ít bi kịch xảy ra. Hạnh phúc của một cô gái khi đi lấy chồng phụ thuộc hoàn toàn vào tấm lòng của mẹ chồng. Nếu sự khách nghiệt của bà Phủ đã phá tan không phải hạnh phúc của con dâu mà của chính con trai mình để cuối đời phải sống trong hối hận, thì sự bao dung của bà Phùng đã mở ra một gia đình hạnh phúc..

Mẹ chồng nàng dâu lại là câu chuyện về mối quan hệ phức tạp muôn thuở về mối quan hệ giữa 2 bà mẹ chồng và 3 nàng dâu với nhiều kịch tính và xung đột. Yêu thương có, khắc nghiệt và thủ đoạn có đề rồi cuối cùng hạnh phúc hay khổ đau cùng đều từ đó mà ra. Nếu ai đã từng đọc các tác phẩm nổi tiếng của Bà Tùng Long như: Giang san nhà chồng, Một lần lầm lỡ, Bóng người xưa, Đời con gái v.v… thì chắc chắn không thể bỏ qua tác phẩm Mẹ chồng nàng dâu này.

Làm Dâu Nước Đức

Làm Dâu Nước Đức là những suy nghĩ và những câu chuyện nhỏ, “tự họa” chân dung Phan Hà Anh, chia sẻ những câu chuyện vui có buồn có của chính chị trong vai trò làm dâu, làm vợ và làm mẹ tại thành phố Lübeck xa xôi, thuộc CHLB Đức.

Tác giả đã mở đầu tự truyện bằng khung cảnh hài hước khi chồng và con gái đánh thức chị vào buổi sáng, rồi một tiếng sau, lúc chồng cùng “nàng công chúa bé nhỏ” rời khỏi nhà đi làm và đi học, chị lại nghe cậu con trai nghịch ngợm trên gác thét lên: “MAMA”. Sau chín năm làm nội trợ, Hà Anh không giấu nổi niềm tự hào là người giữ lửa gia đình: kiên nhẫn chờ chồng về nhà hàng tối để nấu ăn, mát-xa cho anh; dịu dàng chăm sóc và nhẫn nại dạy dỗ các con thành những đứa trẻ tự lập, nhân hậu; bên cạnh đó, thực lòng gần gũi, quan tâm đến mẹ chồng bởi bố chồng chị đã qua đời. Song, nàng dâu thời hiện đại trong tự truyện cũng không giới hạn mình giữa bốn bức tường, chị vẫn dành ra những giờ phút “hướng ngoại”: viết lách và giao lưu, trò chuyện với bạn bè trên trang web và facebook của chị, hoặc… học lái ô tô hay… bắt tay thực hiện một kế hoạch “dài hơi”: theo học lấy bằng ngôn ngữ và văn hóa Đức.

Hành trình làm vợ, làm mẹ của Phan Hà Anh ngập tràn hạnh phúc – là khi “ông xã” quyết định vượt cả chặng đường trường trở về để ăn một bát mỳ khuya vợ nấu, khi hai con Sophie Linh và Tim Long bắt đầu giúp mẹ làm việc nhà, hay lúc nhận món quà giản dị từ mẹ chồng: “Mẹ mua cho con đôi giày đi trong nhà. Đừng đi chân đất rồi lại viêm bàng quang”, v.v. Hành trình ấy cũng là rất nhiều lo toan, tính toán để giữ cho gia đình nhỏ có đủ những khoản chi tiêu cho con cái học hành, dự phòng đau ốm hay đi du lịch,… vì “người Đức đóng thuế rất cao”, kỷ luật nghiêm túc và có trách nhiệm cao với xã hội.

Quãng đường chín năm làm dâu xa xứ của Hà Anh tuy mới chỉ là một chặng đường chưa thật dài, nhưng xứng đáng được ghi nhận bởi chị phần nào đã tôn vinh và giới thiệu ra thế giới bên ngoài, cụ thể là với nước Đức những phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: đảm đang, khéo léo, hết lòng vì chồng, vì con; đồng thời cũng mang những nét mới của phụ nữ thời hiện đại: hài hước, tự tin và có chí tiến thủ.

Làm Dâu Nước Anh

Làm dâu nước Anh của Khanh Record là cuốn tự truyện chia sẻ hành trình kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc của một cô gái Việt ở xứ sở sương mù Anh quốc. Qua đó, tự họa chân dung một người phụ nữ vừa truyền thống, lãng mạn, giàu tình yêu nhưng cũng rất hiện đại và bản lĩnh. Câu chuyện tình yêu trong tự truyện diễn ra tự nhiên như thể số phận đã sắp đặt buộc họ phải gặp gỡ nhau. Một chàng trai Anh quốc muốn học tiếng Việt, anh bị ấn tượng ngay lập tức bởi một tờ rơi quảng cáo, và chỉ liên lạc với chủ nhân của tờ rơi đó, khi số điện thoại liên tục tắt máy, anh tạm dừng việc tìm giáo viên dạy tiếng Việt. Và như một câu chuyện cổ tích có thật, định mệnh lại kéo hai người gặp nhau.

Làm Dâu Nước Mỹ

Mở đầu cuốn tự truyện là những trang nhật kí ghi lại những đắng ngọt, buồn vui trong chuyện tình của tác giả. Số phận như trêu ngươi khi gán ghép cô gái xứ Nghệ, con của một gia đình từng tham gia kháng chiến chống Mỹ với một chàng trai Mỹ. Sự am hiểu tường tận văn hóa Việt Nam của chàng trai Mỹ cũng khó dỡ bỏ được bức tường định kiến của gia đình trí thức xứ Nghệ yêu nước. Cô gái buộc phải đứng trước sự lựa chọn: hoặc gia đình đã nuôi dạy, chăm sóc và yêu thương cô hết mực, hoặc người con trai cô yêu bằng cả trái tim. Bản lĩnh và dám là chính mình, cô gái lựa chọn rời xa bàn tay chở che của mẹ trong một ngày mưa bão.

“Cùng với việc sập cánh cửa nhà trước mặt tôi, mẹ tôi đã đẩy tôi về phía anh, một cách vô thức. Mẹ đã chấp nhận trao trả lại thứ tự do tôi hằng muốn, nhưng không quên tước đi của tôi quyền được có gia đình. Chắc mẹ muốn dạy tôi rằng, nếu tôi yêu tự do nhường ấy, tôi buộc phải trả giá. Cái giá ấy tôi không được quyền lựa chọn. Chính mẹ tôi – trong cơn phẫn nộ với đứa con gái ngang ngạnh đã mạnh tay ra giá đắt. Tôi nhận được món hàng tự do hằng mơ ước mà không chút hạnh phúc vì vẫn ngỡ ngàng trước cái giá cắt cổ mẹ tôi đưa ra”.

Khi một con người dám đối diện và chiến đấu để vượt qua giông bão thì người đó có được hạnh phúc. Vượt qua những cản ngăn của mẹ và họ hàng, những hờn giận của tình yêu đôi lứa, Nguyễn Thị Thanh Lưu bắt đầu cuộc sống ở “thiên đường” nước Mỹ. Là người phụ nữ thông minh và bản lĩnh, cô không khó để hòa nhập với văn hóa nơi đây. Cô ý thức được Xứ lạ là thầy – để bắt đầu học hỏi và hòa nhập với văn hóa Mỹ từ những trải nghiệm đầu tiên ở bệnh viện Mỹ trong lần sinh Rau Muống, tới việc đi hộp đêm ở Mỹ phải chuẩn bị những gì để không bị “quê”, bài học về quyền ưu tiên khi lái xe ở Mỹ và ngay cả chuyện đổ rác sao cho đúng cách – một việc tưởng chừng rất nhỏ ở Việt Nam.

Khi nước Mỹ đã không còn là xứ lạ thì Nước Mỹ là nhà. Nguyễn Thị Thanh Lưu không giấu nổi niềm hạnh phúc khi chia sẻ về gia đình nhỏ của mình với hai đứa con Cà Kiu và Rau Muống thông minh và đáng yêu, với người chồng luôn thấu hiểu và yêu thương, đặc biệt là có cùng đam mê đọc sách, với bố chồng luôn kiên nhẫn chờ con dâu “đếm cơm” xong mới rời khỏi bàn ăn, với mẹ chồng tâm lý luôn “vô tình” chia sẻ cho con dâu những mẹo vặt hoặc công thức nấu ăn ngon cũng như những tri thức hiểu biết về văn hóa, chính trị nước Mỹ. Chính tình yêu thương của những thành viên trong gia đình đã xóa nhòa khoảng cách giữa hai nền văn hóa Mỹ – Việt, để mái ấm của cô luôn tràn ngập tiếng cười.

Làm Dâu Nước Pháp

Nằm trong series sách “Làm dâu xứ lạ” do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành, tự truyện Làm dâu nước Pháp của tác giả Hiệu Constant là bức tranh về cuộc sống của một cô dâu Việt ở trời Âu xa xôi, một điển hình của người phụ nữ thời hội nhập: chủ động kiếm tìm hạnh phúc, tạo dựng mái ấm, xử lý hài hòa các mối quan hệ cá nhân – gia đình – xã hội và đặc biệt là không đánh mất bản sắc của chính mình và của dân tộc. Có lẽ mối tình nào cũng khởi đầu bằng một ngẫu nhiên thật đẹp. Ngẫu nhiên mà như duyên nợ, và có lẽ cái duyên ấy đã làm nên mối tình của một cô nàng tốt nghiệp Khoa tiếng Pháp, trường Đại học Ngoại ngữ với một chàng kỹ sư người Pháp. Họ tình cờ gặp nhau trong một cửa hàng đồ lưu niệm trên phố cổ. Chị trở thành phiên dịch viên bất đắc dĩ cho một “ông Tây” lúc này đang rất lúng túng không biết làm thế nào để cô bán hàng hiểu anh muốn gì. Và chính chị đã giúp anh chọn được món quà ưng ý cho mẹ anh. 27 tuổi, khăn gói theo chồng sang làm dâu, làm mẹ ở “Thủ đô Ánh Sáng”, với bao ngỡ ngàng và lạ lẫm. Một nước Pháp hoàn toàn xa lạ, khác hẳn với những gì chị từng biết qua những tác phẩm văn học mà chị đã đọc và yêu thích thời còn học phổ thông với mong muốn một ngày nào đó sẽ đọc chính những tiểu thuyết ấy bằng ngôn ngữ nguyên bản. Và một người chồng Pháp, dù đã vượt qua bao thử thách của gia đình vợ để cưới chị, vẫn vô cùng bí hiểm khi họ đã là vợ chồng:

“Những ngày này phải nói là tôi rất buồn! Chồng tôi cứ đi công tác thì chớ, về nhà lại nghe đài và đọc báo, tối thì ra ban công ngắm trời mây và nhấm nháp li rượu vang. Để mặc mẹ con tôi loay hoay với nhau. Tôi đã muốn khóc, nhưng không bao giờ thèm khóc trước mặt anh. Chỉ đợi cho anh đi làm thì mới dám ôm con ngồi khóc thút thít một mình! Phải thú thật rằng đã có lúc ý tưởng quay về Hà Nội đến mơn trớn tư tưởng tôi!”

Làm Dâu Cõi Chết

Vào một năm cuối thế kỷ 19, giữa đêm mùa hè Mã Lai nóng nôi với những con thiêu thân lượn bời bời quanh ngọn đèn dầu lạc, một người cha đang nằm chiếc chõng rách nát đã bảo con gái rằng. Có một nhà giàu Hoa kiều cầu hôn, hỏi cưới cô về cho người con trai vừa chết của họ.

Sau đó chính hồn ma cũng tự bắt tay vào công cuộc chinh phục. Đêm khuya y nhập mộng cô và hứa hẹn:

Em sẽ có một hôn lễ trong mơ của các thiếu nữ. Sính lễ đầy đủ, đồ trang sức lộng lẫy, thậm chí cả mấn đội đầu bằng lông chim bói cá. Nhà ta sẽ đưa kiệu và dàn nhạc tới cho em.

Chỉ có điều…

Rượu giao bôi, em sẽ uống với bài vị thay vì ta.

Làm lễ cùng em cũng không phải ta, mà là một con gà trống.

Làm dâu cõi chết là cuộc chạy đuổi giữa ma quỷ và người sống, giữa cõi âm và trần gian. Nếu thoát, cô gái sẽ được hưởng đời yên ổn, với tình yêu cô hằng ấp ủ. Nếu không thoát, cô sẽ đứng vào vị trí cô dâu trước bàn thờ cưới ma, và sống một cuộc đời bệnh hoạn với linh hồn đến hút dương khí hằng đêm.

Câu chuyện này cũng điểm xuyết một vài nét về Malaysia gần mà xa, quen mà lạ cuối thế kỷ 19, từ những món ăn đặc sắc, trang phục độc đáo đến tình trạng loay hoay tăm tối của một đất nước đang oằn mình vươn lên dưới ách cai trị của phương Tây.

365 Tình Huống Ứng Xử Mẹ Chồng – Nàng Dâu

“Trong nhà có một người đàn bà thì yên, có hai người đàn bà thì dễ rối.” – Hai nguời đàn bà đó là mẹ chồng, nàng dâu.

Nhà nào cũng có vấn đề mẹ chồng – nàng dâu. Mẹ chồng, nàng dâu là hai người đàn bà xa lạ, không có quan hệ máu mủ, cũng không có cơ sở tình cảm đồng điệu, mà lại khác nhau rất nhiều, lớn là môi trường sinh trưởng, tính nết và chuẩn mực hành xử); nhỏ là thói quen ăn-mặc-ở, đi lại, vệ sinh… Vì cùng yêu một người đàn ông, hai người không hẹn mà ở chung một mái nhà, nên sự thích ứng với nhau không khỏi gặp nhiều khó khãn và cần có thời gian.

Trong đời sống thực tế, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu có thể trở thành mối đe dọa hạnh phúc gia đình nhỏ, cũng như đe dọa bầu không khí đầm ấm hòa mục của gia đinh lớn. Tác hại của nó chỉ sau ngoại tình.

Có người ví quan hệ mẹ chồng – nàng dâu như “khối u ác tính” trên cơ thể hôn nhân và gia đình, coi đó là một trong những tác nhân chủ yếu dẫn đến mâu thuẫn gia đình. Nó là “bài học” khó nhất đối với những người phụ nữ khi bước vào hôn nhân.

Có người nói mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu là bẩm sinh, không thể điều hòa. Nói như vậy có lẽ hơi quá một chút, nhưng cũng có cái lý của nó. Vì theo lẽ trời đất, mâu thuẫn là động lực thúc đẩy sự phát triển. Ở đâu có sự sống, ở đó có mâu thuẫn.

Trong mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu không tồn tại vấn đề ai đúng ai sai, cũng không nhất thiết phải truy cứu trách nhiệm. Mâu thuẫn đó chẳng qua là sự tác động của tâm lý, hoàn toàn có thể hóa giải bằng trí thông minh của bạn. Vậy trí thông minh đó là gì? Cuốn sách này sẽ đưa ra lời giải đáp.

Đạo ứng xử mẹ chồng nàng dâu

Mẹ chồng nàng dâu thường xảy ra bất đồng trên vấn đề tiền nong và cách giáo dục con – cháu, nhiều khi bất đồng dẫn đến xung khắc. Hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu như thế nào? Cuốn sách này sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Muốn có mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu tốt đẹp, cần phải có sự chung sức vung đắp của ba người là mẹ chồng, con dâu và con trai.

Thật ra, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu không có gì đáng phải lo ngại, hoàn toàn có thể cải thiện bằng sự cố gắng của bạn, vì đó là mối quan hệ tình cảm giữa hai thế hệ. Mặt khác, trong thời đại ngày nay, xã hội đã phát triển, vị trí và trình độ của người phụ nữ được nâng cao rất nhiều khiến quan hệ mẹ chồng nàng dâu trở nên tiến bộ , tốt đẹp, đổi mới. Trong mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, không tồn tại vấn đề ai đúng ai sai,cũng không cần thiết truy cứu trách nhiệm, sự bất hòa đó chẳng qua là sự tác động của tâm lý, hoàn toàn có thể hóa giải bằng trí thông minh của bạn.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

9 quyển sách hay về Mỹ học và nghệ thuật của cái đẹp 9 quyển sách hay về Mỹ học trình bày ý nghĩa, sự phát triển, nguyên tắc, hình thái của Mỹ học và nghệ thuật của cái đẹp. Dẫn Luận…
5 cuốn sách hay về văn hoá Mỹ cho độc giả nhiều thông tin thiết thực 5 cuốn sách hay về văn hoá Mỹ khơi gợi cho độc giả thấy một nền văn hóa Mỹ đa chiều trên nhiều phương diện con người, lịch sử,…
7 cuốn sách hay về Iran đầy khách quan, toàn diện và dễ đọc 7 cuốn sách hay về Iran dành cho các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm đến lịch sử Iran nói riêng và lịch sử Trung Đông nói…
Back to top button