15 quyển sách hay về chiến tranh có giá trị vượt thời gian

15 quyển sách hay về chiến tranh xứng đáng để tìm hiểu, không chỉ tái hiện lịch sử nhân loại mà nó còn giúp chúng ta hiểu được giá trị của hòa bình và căm ghét chiến tranh.

Nỗi Buồn Chiến Tranh

Tác phẩm là dòng hồi ức của người lính về chiến tranh và thời tuổi trẻ đã trải qua trong bom đạn. Đó là lòng tiếc thương vô hạn đối với những người cùng thế hệ với mình đã nằm xuống, là ám ảnh về thân phận con người trong thời buổi loạn ly, và thông qua thân phận là sự tái hiện đầy xót xa về quá khứ, những suy tư nghiền ngẫm về con đường dấn thân của cả một thế hệ sinh ra trong chiến tranh. Bao trùm lên tất cả, là nỗi buồn sâu xa gắn với từng mảnh đời riêng. Tác phẩm đã bước ra khỏi lối mòn về lòng tự hào dân tộc cùng những chiến công và vinh quang tập thể để nêu lên thông điệp về sự ghê tởm, về tính chất hủy diệt của chiến tranh đối với con người.

Vào thời điểm ra đời cuối thập niên 1980, “Nỗi buồn chiến tranh” có thể được xem là tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đầu tiên viết về chiến tranh có cái nhìn khác với quan niệm truyền thống, khẳng định mạnh mẽ vai trò cá nhân trong xã hội, quyền sống, hạnh phúc và đau khổ của con người với tư cách một cá thể độc lập. Tiểu thuyết nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991.

Lịch Sử Chiến Tranh Peloponnese

Hy Lạp là cái nôi của nền văn minh phương Tây và là nơi biết bao cuộc chiến tranh đã đi vào huyền thoại. Thần thoại Hy Lạp cũng như Sử thi Iliad và Odyssey của Homer đã trở thành kiến thức chung của nhân loại từ lâu, nhưng có lẽ nhiều người Việt Nam chúng ta chưa biết đến cuộc Chiến tranh Peloponnese, cuộc chiến tranh được coi là lớn nhất tính từ thời Hy Lạp sơ khai cho đến thế kỷ V trước CN, thậm chí còn lớn hơn cả cuộc Chiến tranh thành Troy. Đây là cuộc nội chiến kéo dài hơn một phần tư thế kỷ giữa hai thế lực hùng mạnh nhất Hy Lạp là Athens và Sparta cùng các đồng minh của mỗi bên, cuộc chiến tranh mà Thucydides đã chép vào sử sách.Cuốn Lịch sử Chiến tranh Peloponnese của Thucydides được đánh giá rất cao về tính chân xác của các sự kiện và tính triết học, các sử gia Hy Lạp thế hệ sau ông như Ctesias, Diodorus, Strabo, Polybius và Plutarch coi tác phẩm của ông là khuôn mẫu của lịch sử đích thực. Thucydides nhìn lịch sử dưới góc độ lịch sử chính trị, những phân tích của ông về các sự kiện chính trị không chịu ảnh hưởng của các suy xét về mặt đạo đức truyền thống. Tác phẩm của ông là tác phẩm đầu tiên ghi lại những phân tích về mặt chính trị và đạo đức trong các sách lược chiến tranh của một dân tộc. Ông được gọi là cha đẻ của ‘lịch sử khoa học’ và đồng thời là cha đẻ của ‘chủ nghĩa hiện thực chính trị’. Trên thực tế, di sản mà Thucydides để lại đã vượt gần 2500 năm để đến với chúng ta. Cuốn sử ký vĩ đại của ông vẫn đang được nghiên cứu ở cả các trường đại học và các trường quân sự tiên tiến trên thế giới. Thucydides là người đã góp phần biến lịch sử Hy Lạp thành một phần không thể thiếu được của lịch sử thế giới. Xin trân trọng gửi đến độc giả cuốn sách này! n

Thucydides (460 trước công nguyên – 395 trước công nguyên) là sử gia Hy Lạp. Thucydides được coi là cha đẻ của khoa học lịch sử do những tiêu chuẩn khắt khe mà ông đưa ra đối với việc thu thập cứ liệu và phân tích lịch sử trên cơ sở quan hệ nhân quả không có sự can thiệp của các vị thần, hay các yếu tố tâm linh.

Phía Tây Không Có Gì Lạ

Thế chiến thứ nhất nổ ra, những chàng trai đang ngồi trên ghế nhà trường bị chuyển thẳng ra mặt trận. Tại đây sự khốc liệt của chiến tranh đã khiến họ tê dại khi bom đạn không chỉ tước đi những phần cơ thể mà còn cả tâm hồn. Thế nên chưa kịp trưởng thành họ đã trở nên già nua, bởi gần với cái chết hơn là sự sống. Họ cũng chẳng còn tin tưởng ai, chẳng thiết tha điều gì, kể cả ngày trở về.

Cho nên khi tất cả đồng đội cùng trang lứa đã ngã xuống, cái chết đối với những chàng trai ấy là sự giải thoát. Họ nằm xuống nhẹ nhàng thanh than đến độ tưởng như chẳng hề may may lay động đến thứ gì xung quanh, dù chỉ là một ngọn cỏ. Mặt trận hoàn toàn yên tĩnh, bản báo cáo chiến trường chỉ ghi vẻn vẹn một câu: “Ở phía Tây, không có gì lạ.” Phải, chẳng có gì lạ, chỉ có một người vừa rời khỏi cuộc đời khi độ tuổi mới chớm đôi mươi.

Chuông Nguyện Hồn Ai

Chuông nguyện hồn ai là đỉnh cao trong cuộc đời sáng tác của Ernest Hemingway. Ông viết về cuộc nội chiến Tây Ban Nha bằng trái tim nhà văn và tấm lòng của người chiến sĩ trong hàng ngũ các Lữ đoàn Quốc tế tình nguyện chiến đấu cho nền Cộng hòa của xứ sở bò tót này. Nghĩa là ông không chỉ viết bằng bút mà cả bằng súng, đúng như lời công kích chủ nghĩa phát xít của ông tại Đại hội lần thứ hai các nhà văn Mỹ – 1937. Chuông nguyện hồn ai lập tức được cả thế giới đón nhận, và đến hôm nay hàng chục triệu bản với hàng chục thứ tiếng đã đến tay bạn đọc.Nhưng… tháng Bảy năm 1961, Ernest Hemingway đã ra đi ở tuổi 62 không còn trẻ nữa nhưng cũng chưa thể gọi là già, nhất là với một nhà văn và một con người có sức khỏe, có đời sống gần gũi thiên nhiên như ông. Xuất thân làm báo và cả khi đã viết văn vẫn gắn bó với nghề báo, E. Hemingway thường sử dụng cách viết ngắn gọn, chính xác, giản dị và nhiều thông tin. Ông là tác giả có nhiều đóng góp cho lối hành văn hiện đại hôm nay. Các nhà nghiên cứu, phê bình xếp ông vào Thế hệ (các nhà văn) lạc lõng (Lost Generation) như F. Scott Fitzgerald, John Dos Passos, William Faulkner (Giải Nobel Văn học năm 1949).

Chiến Tranh Và Hoà Bình

“Chiến Tranh Và Hoà Bình” – đại tiểu thuyết của đại văn hào Lev Tolstoy – sớm vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ để được thế giới thừa nhận là thiên tiểu thuyết vĩ đại nhất mọi thời đại bởi những vấn đề lớn lao của cả nhân loại hiện lên sinh động và xúc động qua từng từ, từng câu bởi ngòi bút nghệ thuật trác việt của tác giả.

“Chiến Tranh Và Hoà Bình” đã có ảnh hưởng lớn lao đối với sự phát triển của văn học Xô Viết và Tây Âu nói riêng, văn học thế giới nói chung. Bởi từ khi ra đời tới nay, bộ tiểu thuyết đã được xuất bản hàng nghìn lần bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Tại Việt Nam, “Chiến Tranh Và Hoà Bình” được dịch và xuất bản lần đầu tiên vào khoảng năm 1961 -1962. Kể từ đó cho đến nay, tác phẩm vẫn giữ nhiều kỉ lục tái bản đáng ngưỡng mộ đối với một tác phẩm văn học dịch.

Sự Trỗi Dậy Và Suy Tàn Của Đế Chế Thứ Ba – Lịch Sử Đức Quốc Xã

Ngay trong năm đầu tiên phát hành – 1960, Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba đã bán được tới 1 triệu bản tại Mỹ và được tái bản hơn 20 lần. Cuốn sách là bản tường thuật hết sức chi tiết về nước Đức, dưới sự cai trị của Adolf Hitler và Đảng Quốc xã. Tác giả đã nghiên cứu kĩ lưỡng về sự ra đời của Đế chế thứ ba ở Đức, con đường dẫn đến quyền lực tuyệt đối của Đảng Quốc xã, diễn biến của Chiến tranh thế giới lần thứ hai và sự thất bại của Phát xít Đức. Nguồn tài liệu của cuốn sách bao gồm lời khai của các nhà lãnh đạo Đảng Quốc xã, nhật kí của các quan chức, cùng hàng loạt các quân lệnh và thư mật. Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba là một trong những công trình nghiên cứu lịch sử quan trọng nhất, nói về một trong những giai đoạn u ám nhất của lịch sử loài người.

Kẻ Trộm Sách

Kẻ trộm sách – tác phẩm của nhà văn Úc Markus Zusak xuất bản năm 2005 đã làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times hơn 100 tuần liên tiếp, trở thành một tác phẩm kinh điển, một sự lựa chọn của hệ thống các thư viện trường học của Anh và Mỹ. Kẻ trộm sách khi mới ra đời đã lập tức gây ngạc nhiên cho những cây bút phê bình văn học trên thế giới và làm hàng triệu cặp mắt phải nhòa lệ.

Chọn một đề tài tưởng như đã có quá nhiều cây bút đào xới – cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 – nhưng Markus Zusak vẫn gây bất ngờ cho người đọc. Người kể chuyện trong tác phẩm này là Thần Chết – một “gương mặt” quen thuộc của chiến tranh, gắn liền với cái chết, với sự bi thương, sự tăm tối. Nhưng câu chuyện mà thần chết kể ra, về sự dữ dội của những gì con người gây ra đối với chính đồng loại của họ thì đến ngay cả Thần Chết cũng phải rùng mình. Lật giở những trang sách, người đọc như bước vào cuộc trò chuyện với Thần Chết, một nhân vật có khiếu hài hước, với một lời cảnh báo nho nhỏ đầy hóm hỉnh ngay khi mở đầu câu chuyện rằng “Bạn sẽ chết”. Đây là một câu chuyện với quá nhiều cái chết nhưng cũng đầy ắp tình yêu thương và thấm đẫm tính nhân văn.

Nhật Ký Anne Frank

Được tìm thấy trong căn gác áp mái, nơi Anne Frank đã sống hai năm cuối đời mình, từ đó cuốn đó nhật ký đặc sắc của cô đã trở thành một tác phẩm kinh điển của thế giới – một lời nhắc nhở thật mạnh mẽ về sự rùng rợn của chiến tranh và là một lời tuyên bố về tinh thần của loài người.

Năm 1942, Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan, cô gái Do Thái mười ba tuổi cùng gia đình phải chạy trốn và sống bí mật. Suốt hai năm trời, cho đến khi nơi ẩn náu của họ bị một kẻ đê tiện chỉ điểm cho bọn Gestapo, gia đình Frank cùng một gia đình khác phải sống chen chúc trong “Chái nhà bí mật” của một tòa nhà cũ. Bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài, họ phải đối mặt với cái đói, với sự buồn chán, với cuộc sống khắc nghiệt, bị giam hãm và mối đe dọa về bị lộ, về cái chết luôn luôn hiện diện trước mắt.

Trong nhật ký của mình, Anne Frank ghi lại một cách sống động những trải nghiệm trong thời gian đó. Suy tư, cảm động, rồi hài hước, những miêu tả của cô là một lời ca ngợi về lòng dũng cảm cũng như sự yếu đuối của con người, một bức chân dung tự họa tuyệt vời về một cô gái trẻ thông minh, nhạy cảm, một tài năng hứa hẹn đã bị cắt ngang một cách bi thảm.

Đọc cuốn nhật ký này bạn sẽ thấy cảm thương lẫn kính phục nghị lực và sức sống mãnh liệt của cô gái trẻ, vượt qua sự “gặm nhấm”, “mài mòn” của những toan tính nhỏ mọn, tầm thường ngột ngạt xung quanh để sống và ước mơ.

Đi Tìm Lẽ Sống

Trước hết, đây là quyển sách viết về sự sinh tồn. Giống như nhiều người Do Thái sinh sống tại Đức và Đông Âu khi ấy, vốn nghĩ rằng mình sẽ được an toàn trong những năm 1930, Frankl đã trải qua khoảng thời gian chịu nhiều nghiệt ngã trong trại tập trung và trại hủy diệt của Đức quốc xã. Điều kỳ diệu là ông đã sống sót, cụm từ “thép đã tôi thế đấy” có thể lột tả chính xác trường hợp này. Nhưng trong Đi tìm lẽ sống, tác giả ít đề cập đến những khó nhọc, đau thương, mất mát mà ông đã trải qua, thay vào đó ông viết về những nguồn sức mạnh đã giúp ông tồn tại.

Ánh Sáng Vô Hình

Đây là cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh về chiến tranh Thế giới thứ II kể về số phận một cô gái mù người Pháp và cậu bé mồ côi người Đức.

“Marie Laure sống cùng cha tại Paris, gần bảo tàng Lịch sử tự nhiên, nơi cha cô làm thợ khóa chính. Khi lên 6 tuổi, Marie Laure bị mù. Cha cô đã dựng một mô hình thu nhỏ hoàn chỉnh về khu phố hai cha con đang sống để cô có thể ghi nhớ bằng cách chạm và lần tìm đường về nhà. Năm Marie Laure 12 tuổi, Đức Quốc xã chiếm giữ Paris, cô cùng cha chạy trốn đến thành phố nằm trong tường thành, Saint-Malo, nơi ông chú thích ẩn dật của cha cô sống trong một ngôi nhà cao ven biển. Hai cha con họ đã mang theo một viên đá quý giá trị nhất và cũng nguy hiểm nhất viện bảo tàng.

Cậu bé mồ côi Werner lớn lên cùng em gái trong một khu mỏ than ở Đức. Cậu bị một chiếc điện đài thô sơ mà hai anh em tìm được thu hút, sau này Werner trở thành chuyên gia lắp ráp và sửa chữa những thiết bị thông tin. Tài năng ấy đem lại cho cậu một vị trí trong học viện tàn bạo của Đoàn Thanh niên Hitler, sau đó là nhiệm vụ đặc biệt theo dấu quân kháng chiến. Ngày càng nhận thức được cái giá sinh mệnh con người phải trả cho trí tuệ của mình, Werner đi qua trung tâm cuộc chiến, cuối cùng, đến Saint-Malo, nơi cậu gặp gỡ Marie-Laure.”

Bẫy – 22

Trên một hòn đảo ngoài khơi nước Ý thời Thế chiến II có một liên đoàn không quân Mỹ. Một trong số lãnh đạo của họ là đại tá Cathcart, kẻ khao khát muốn gây ấn tượng với cấp trên bằng cách ép lính đi ném bom mỗi lúc một nhiều hơn. Nhân vật chính của chúng ta, Yossarian, mỗi lần đủ chỉ tiêu giải nhiệm thì lại phải đối mặt với chỉ tiêu mới. Trước sự chết chóc kinh hoàng của cuộc đại chiến, tất cả những gì y mong muốn là toàn mạng trở về. Nhưng mỗi khi chỉ tiêu ra trận tăng lên, xác suất sống sót của y lại giảm xuống. Y không có cách nào thoát ra, bởi ở đó có một cái bẫy. Bẫy-22.

Thứ logic vừa giản dị vừa điên rồ của Bẫy-22 chi phối suốt ngót 600 trang sách với hàng chục nhân vật, qua chiến trường qua đạn bom, qua bệnh viện quân y và nhà bếp hậu cần, qua tướng lĩnh và lính tráng, qua cả những số phận tan nát và những kẻ trục lợi từ chiến tranh. Sự điên rồ chảy qua mọi đối thoại, sự ngớ ngẩn thấm đẫm mọi nhân vật, cho tới tận cú nhảy kết cục cuối cùng. Bộ mặt của chiến tranh hiện ra khủng khiếp trong sự nực cười, phi lý. Bẫy-22 hài hước một cách trần trụi, một cách dữ dội, một cách cay đắng, một cách man rợ, nhưng những ai có thể chịu đựng được nó thì hẳn sẽ không thể nào lãng quên.

Lịch Sử Chiến Tranh – John Keegan

Chiến tranh là văn minh hay dã man? Trả lời câu hỏi tưởng như dễ này, không dễ. Loài người ngày càng văn minh hơn, ngày càng nhiều khám phá khoa học gây sốc hơn và nhiều phát minh khó ngờ hơn, song chẳng phải vì vậy mà các cuộc chiến tranh ít đi. Ngược lại, chiến tranh vẫn tiếp tục, và sự tàn bạo của chiến tranh không hề giảm bớt – có chăng, chiến tranh chỉ ngày càng đa dạng, tinh vi hơn, khả năng giết người càng khủng khiếp hơn. Vậy loài người cần dựa vào đâu, cần có những gì để bảo đảm rằng các thế hệ tương lai sẽ chứng kiến một thế giới tuy vẫn còn quân đội nhưng sẽ ít chiến tranh hơn và vạn nhất chiến tranh có xảy ra, nó sẽ được kiểm soát tốt hơn, ít tàn bạo hơn?

Lịch sử chiến tranh của John Keegan là một tác phẩm công phu và quả cảm nhằm tìm câu trả lời không dễ cho những câu hỏi đó.

Giã Từ Vũ Khí

GIÃ TỪ VŨ KHÍ là một tiểu thuyết bán tự truyện của nhà văn Ernest Hemingway viết vào năm 1929. Câu chuyện được dẫn dắt qua lời kể của Trung úy Frederic Henry, từ một chàng trai người Mỹ với nhiều hoài bão trong cuộc sống muốn tìm cảm giác mạnh nên đã đầu quân vào quân đội Ý. Khi nếm đủ mùi cay đắng từ cuộc chiến khốc liệt, Henry nhận ra tình yêu của mình không thể thắng được số mệnh và không có giá trị trường tồn. Henry cho rằng con người khi được ban cho các ân huệ từ cuộc sống, thì cũng phải trả giá. Trong thời kỳ biến động đấy, người ta không những phải học cách sống sao cho tốt đẹp mà còn phải học cả cách chết, và tình yêu là chất keo – kết nối con người lại với nhau.

Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ

Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ – Một tác phẩm của tác giả Svetlana Alexievich – Nobel văn chương 2015, bản dịch đầy đủ nhất từ trước tới nay, không cắt gọt, không kiểm duyệt của chính tác giả do dịch giả Nguyên Ngọc dịch mới hoàn toàn. Có một cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai mà bạn chưa từng nghe nói tới, những câu chuyện chưa bao giờ được đưa ra ánh sáng, những số phận gắn liền với chiến tranh, đã được tác giả tái hiện lại một cách chân thực nhất, đầy đủ nhất trong “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”. “Ở đấy, ta không thấy anh hùng cũng chẳng thấy chiến công không tưởng tượng nổi, mà chỉ đơn giản có những cá nhân bị cuốn vào một công việc phi nhân của nhân loại. Và trong ấy, không chỉ có họ (con người!) phải chịu đau đớn vì chiến tranh: cùng với con người là đất đai, chim chóc, cây cỏ. Toàn bộ thiên nhiên. Chúng chịu đau đớn mà chẳng nói được một lời, thế càng kinh khủng hơn… Thậm chí một sai lầm lớn. Còn có một cuộc chiến tranh khác mà chúng ta không biết.”

Thế Chiến Thứ Ba – Chiến Tranh Mạng Lưới

Cuộc chiến tranh thế giới thứ ba sắp tới, thật ra nó đang diễn ra, theo Korovin, không có chiến trường như bạn hình dung, không có những đơn vị quân đội truyền thống với sự so kè cơ số quân, sự ưu việt của vũ khí và độ hiểm hóc của chiến thuật. Mà nó là cuộc chiến mạng lưới, đã được Hoa Kỳ xây dựng nhiều thập niên qua và giờ đang âm thầm nhưng hiệu quả hoạt động. Đơn vị chiến đấu của nó có thể chỉ là một người với một máy tính, một nhà báo, một cô thư ký của một tập đoàn… Chiến trường của nó có thể chuyển từ các diễn đàn mạng sang các quảng trường, không loại trừ bạo loạn và bạo lực, đổ máu. Vũ khí của nó là các meme vô thưởng vô phạt trên Internet, là hiệu ứng mạng, là hình ảnh, là một cuộn băng phát nhầm trên kênh CNN. Chi phí của nó rất thấp – không bằng bắn một tên lửa Tomahawk, nhưng hậu quả vô cùng lớn: Iraq, Libya giờ đã “dân chủ” nhưng liệu có bình yên?

Quyển sách giúp bạn hiểu cách nghĩ của người Nga trước những bước đi xoay chuyển tình hình thế giới: vì sao Nga lấy lại Crimea, vì sao Nga đưa quân vào Syria, hay vì sao mới đây tổng thống Nga V. Putin tuyên bố sẽ xem xét lại hoạt động của các NGO trong các trường học, vì sao hình ảnh Putin ngày càng “xấu xí” trên các phương tiện truyền thông thế giới. Không chỉ thế, nó cung cấp thêm một góc nhìn về giới tinh hoa Nga hiện nay, chủ nghĩa dân tộc Nga (không phải là những kẻ đầu trọc méo mó trên đường phố Moskva) không có chỗ cho những suy nghĩ nhỏ. Nước Nga đã từng vàng son, hùng cường với một Pierre đại đế, nên “kẻ độc tài” Putin – như truyền thông phương Tây đang xây dựng hình ảnh – với những người như Korovin vẫn chưa đủ cứng rắn, chưa đủ quyết liệt trên con đường phục hồi lại vị thế của nước Nga, xây dựng một trung tâm đối trọng với Hoa Kỳ – đế chế Nga.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

9 cuốn sách rèn luyện kỹ năng giao tiếp hay ứng dụng trong đời sống thực tế 9 cuốn sách rèn luyện kỹ năng giao tiếp hay hướng dẫn người đọc cách giao tiếp hiệu quả, có thể áp dụng thực tế trong cuộc sống và…
5 cuốn sách hay về đá quý hữu ích cho độc giả 5 cuốn sách hay về đá quý trình bày các phương pháp xử lý và tổng hợp đá quý, đặc điểm của chúng và dấu hiệu nhận biết các…
5 cuốn sách dạy vẽ kỹ thuật đầy chi tiết, cụ thể và dễ hiểu 5 cuốn sách dạy vẽ kỹ thuật cung cấp kiến thức và kỹ năng để người đọc có thể tạo lập và đọc hiểu bản vẽ kỹ thuật, nó…
Back to top button