7 quyển sách hay tặng bác sĩ được viết từ những câu chuyện thực tế, xoay quanh đời sống của những bác sĩ và bệnh nhân sẽ khiến người đọc nhớ mãi.
Vô Thường
Cuốn sách là góc nhìn đầy nhân văn của vị bác sĩ hàng ngày chứng kiến những mảnh đời chấp chới giữa hai bờ sinh tử. Con người ta sinh ra, bàn tay nắm chặt. Con người ta chết đi, hai tay buông thõng, được mất bại thành bỗng chốc hoá hư không.
Đèn Không Hắt Bóng
Đèn Không Hắt Bóng không đơn thuần kể về đời sống bệnh viện. Nhìn ở góc độ khác, nó là câu chuyện tình yêu lạnh lùng, bí ẩn và đau đớn. Mối quan hệ giữa Noriko và bác sĩ Naoê phải chăng là tình yêu một chiều? Đứng bên cạnh vị bác sĩ tài hoa, hình ảnh của Noriko khá lặng lẽ. Yêu Naoê, tự nguyện gắn bó với anh, cô vẫn phải chứng kiến hàng loạt mối quan hệ bất thường của Naoê với những phụ nữ khác, từ vợ và con gái của bác sĩ viện trưởng, cô gái quán bar, cho đến nàng ca sĩ ngôi sao… Nhưng đau khổ hơn hết, cô nhận ra Naoê là một pháo đài riêng, không cho cô thâm nhập, ngay cả những giây phút gần gũi nhất cả về thân xác lẫn tình cảm.
Chỉ đến khi Naoê mất đi, bức màn bí mật mới được vén lên. Giữa bao nhiêu phụ nữ vây quanh, Naoê chỉ yêu một mình Noriko. Cô chính là mảnh gương cuộc đời để anh soi vào, là chỗ bấu víu duy nhất trong những cơn đau đớn tuyệt vọng vì cái chết gần kề… Nhưng vì kiêu hãnh và xót thương, anh không bao giờ phơi bày sự thật với cô. Tình yêu bền bỉ của Noriko đã được đền đáp, dù muộn mằn…
Ai Rồi Cũng Chết
Ngành y học thế giới đã có nhiều bước phát triển vượt bậc trong những năm qua: giảm thiểu tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh, nâng cao tỉ lệ sống sót sau chấn thương, chữa trị và kiểm soát được nhiều loại bệnh tật – kể cả nhiều căn bệnh từng được xem là không có thuốc chữa trong quá khứ. Nhưng dù có bành trướng hùng mạnh đến đâu, y học vẫn muôn đời bất lực trước quy luật sinh-lão-bệnh-tử bất biến của con người: Mỗi khi con người phải đối diện với Tuổi Già và Cái Chết, những công cụ y học vốn dĩ quyền năng bỗng chốc phản bội lại chính lý tưởng cứu nhân độ thế mà chúng đang phục vụ.
Bằng những công trình nghiên cứu khoa học giá trị và những câu chuyện sống động từ các bệnh nhân và người thân của chính mình, bác sĩ Gawande bóc trần cho chúng ta thấy những hệ lụy và nỗi đau mà con người phải gánh chịu bởi nghịch lý trên. Viện dưỡng lão vốn dĩ được lập ra với mục đích ban đầu tốt đẹp là giúp cho người cao tuổi có một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn bất chấp tuổi già, nhưng nhiều nhà dưỡng lão ngày nay bị biến tướng thành những tòa nhà khép kín không khác gì nhà tù, nơi mà người già không được phép ăn những món ăn họ thích và không được phép làm những gì mình muốn. Nhiều bác sĩ được đào tạo xuất sắc về mặt chuyên môn, nhưng lại không biết cách làm thế nào để nói cho bệnh nhân biết sự thật về bệnh tình của họ; thay vào đó, bác sĩ lại vin vào những hy vọng hão huyền về khả năng cứu sống người bệnh của y học và đề xuất cho bệnh nhân hàng loạt biện pháp chữa trị để nuôi những hy vọng hão đó. Rốt cuộc, hành động này chỉ khiến cho người bệnh và cả thân nhân của họ thêm hao mòn khổ sở chứ không hề mang lại ích lợi gì cho họ cả về mặt thể xác lẫn tinh thần.
Trong những cuốn sách của mình, bác sĩ phẫu thuật Atul Gawande đã dùng ngòi bút mạnh mẽ không chút sợ hãi của mình tiết lộ cho chúng ta biết sự thật đằng sau ngành y cũng như những cuộc chiến mà các thầy thuốc như ông phải đối mặt và tranh đấu vượt qua. Lần này, với tác phẩm Ai rồi cũng chết!, ông phơi bày cho chúng ta thấy những giới hạn và nhược điểm của ngành y – trong cả chuyên môn của ông lẫn những chuyên ngành khác – khi cuộc sống con người bị đe dọa bởi sự lão hóa và cái chết. Qua đó, ông cũng đồng thời khám phá ra rằng mọi chuyện đều có cách giải quyết, rằng chúng ta hoàn toàn có thể làm khác đi, để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người cũng như cho chính bản thân chúng ta.
Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không
Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không là tự truyện của một bác sĩ bị mắc bệnh ung thư phổi. Trong cuốn sách này, tác giả đã chia sẻ những trải nghiệm từ khi mới bắt đầu học ngành y, tiếp xúc với bệnh nhân cho tới khi phát hiện ra mình bị ung thư và phải điều trị lâu dài.
Kalanithi rất yêu thích văn chương nên câu chuyện của anh đã được thuật lại theo một phong cách mượt mà, dung dị và đầy cảm xúc. Độc giả cũng được hiểu thêm về triết lý sống, triết lý nghề y của Kalanithi, thông qua ký ức về những ngày anh còn là sinh viên, rồi thực tập, cho đến khi chính thức hành nghề phẫu thuật thần kinh. “Đối với bệnh nhân và gia đình, phẫu thuật não là sự kiện bi thảm nhất mà họ từng phải đối mặt và nó có tác động như bất kỳ một biến cố lớn lao trong đời. Trong những thời điểm nguy cấp đó, câu hỏi không chỉ đơn thuần là sống hay chết mà còn là cuộc sống nào đáng sống.” – Kalanithi luôn biết cách đưa vào câu chuyện những suy nghĩ sâu sắc và đầy sự đồng cảm như thế.
Bạn bè và gia đình đã dành tặng những lời trìu mến nhất cho con người đáng kính trọng cả về tài năng lẫn nhân cách này. Dù không thể vượt qua cơn bệnh nan y, nhưng thông điệp của tác giả sẽ còn khiến người đọc nhớ mãi.
Từ Kiến Trúc Sư Thành Bác Sĩ Tại Hoa Kỳ
Từ Kiến trúc sư thành Bác sĩ tại Hoa Kỳ là quyển sách kể về hành trình cậu sinh viên chuyên Toán trường THPT Chuyên Bạc Liêu theo học Kiến trúc tại Việt Nam và tại Mỹ, đến khi quyết định từ bỏ Kiến trúc để theo đuổi con đường Y khoa – ngành học được xem là khó nhất và tốt nhất tại Mỹ. Và sau chục năm học hành miệt mài, đến nay đã trở thành một Bác sĩ ít nhiều có tiếng tăm trong cộng đồng.
Những chia sẻ từ góc nhìn của người trong cuộc sẽ giúp bạn đọc phần nào hiểu được quá trình thực tế cũng như những khó khăn, nỗi niềm vui buồn trong nghề. Qua đó, hy vọng sẽ tiếp thêm động lực trên hành trình theo đuổi nghề nghiệp cho bạn. Dám lựa chọn, hết mình vì lựa chọn của bản thân, thành công sẽ đến.
GEN: Lịch Sử Và Tương Lai Của Nhân Loại
Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại được sắp xếp cả theo thứ tự niên đại lẫn chủ đề mà đường cong chính yếu là lịch sử. Mukherjee bắt đầu dẫn dắt từ khu vườn trồng đậu của Mendel, trong một tu viện hẻo lánh ở Moravia vào năm 1864, nơi Gen được khám phá rồi nhanh chóng bị quên lãng. Được kể song song với câu chuyện này là học thuyết tiến hóa của Darwin. Gen đã mê hoặc các nhà cải cách Anh và Mỹ, những người nuôi hy vọng thao túng di truyền học người để tăng tốc quá trình tiến hóa và giải phóng nhân loại. Ý niệm này leo thang đến tột đỉnh ghê rợn ở Đức thời Quốc xã vào những năm 1940 với những thí nghiệm dị hợm, mà đỉnh điểm là sự giam cầm, triệt sản cưỡng bức, gây chết êm dịu, và giết người hàng loạt.
Có những câu chuyện lồng trong mỗi câu chuyện, nhưng cuốn sách này còn là một câu chuyện rất cá nhân – một lịch sử riêng tư. Tác giả dẫn giải từ chính những bi kịch gia đình với một số thành viên của nhiều thế hệ mắc phải những bệnh trạng tâm thần khó hiểu, đây cũng chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuốn sách, đặt ra những trăn trở về khả năng tiến xa đến đâu của loài người trong hành trình từ phòng thí nghiệm khoa học di truyền ra với thực tế.
Mukherjee đã rất thành công với Lịch sử ung thư – Hoàng đế của bách bệnh (đạt giải Putlitzer 2011), và tới Gen, vẫn nguyên vẹn lối kể chuyện lôi cuốn tài năng, bằng con mắt của một chuyên gia, một nhà nghiên cứu khoa học – uyên bác, đa chiều, đầy khám phá và bằng ngòi bút của một người trong cuộc – trải nghiệm, lay động, đầy ám ảnh.
Bác Sĩ Trưởng Khoa
Cũng như hầu hết các tiểu thuyết khác, Bác Sĩ Trưởng Khoa cũng đã chú ý đến thân phận và nhân cách con người với rất nhiều chuyện yêu đương. Nhân vật chính – bác sĩ quân y Trần Tử Khang, trưởng thành từ chiến trường, một “bàn tay vàng” hết lòng với bệnh nhân, coi khinh thói nịnh hót và những kẻ đố kị, tham lam tuy mang danh “lãnh đạo” nhưng chỉ chờ cơ hội để cướp công, cướp cả tiền bồi dưỡng qua những ca mổ khó khăn làm ông kiệt sức. Ba cuộc tình đến với ông cũng khá lãng mạn, nhưng rốt cuộc ông là người trắng tay, gánh chịu mọi đau khổ…
Cùng danh mục: