Sách hay nhất của Victor Hugo

Tác giả Victor Hugo, nhà văn danh tiếng của nước Pháp. Sách của Victor Hugo đa dạng về thể loại và trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, thấm nhuần tư tưởng nhân văn chân chính.

Sách hay nhất của Victor Hugo

Những Người Khốn Khổ

Những Người Khốn Khổ

Những người khốn khổ là bộ truyện lớn nhất và cũng là tác phẩm có giá trị nhất trong sự nghiệp văn chương của đại văn hào Pháp Victor Hugo. Ông suy nghĩ về tác phẩm này và viết nó trong gần ba mươi năm. Sau khi hoàn thành bộ tiểu thuyết, Victo Hugo đã nói: “Quyển truyện này là một trái núi”. “Một trái núi”, không những vì số trang của bộ tiểu thuyết và những vấn đề to lớn mà nó bàn tới, mà chính là vì Những người khốn khổ thấm nhuần tư tưởng nhân đạo, ca ngợi đạo đức cao cả của nhân dân lao động, ca ngợi tự do, dân chủ, chống lại cường quyền áp bức, bóc lột. Đó là lòng thương cảm đối với những con người bị xã hội chà đạp, lòng tin vào tâm hồn cao thượng của họ. Jean Valjean bị xã hội tư sản bóp nghẹt, chăng lưới bao vây, lùng bắt, cho đến chết vẫn sống một cuộc sống hi sinh cao quý vì những kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Fantine bị xã hội đạp xuống, vẫn là một tâm hồn thanh cao, là một tấm gương sáng của tình mẹ con. Gavroche là một đứa trẻ bị vứt bên lề đường Paris, vẫn là một tâm hồn thơ ngây, yêu đời, dũng cảm và nghĩa hiệp.

Những người khốn khổ là bức tranh của cả một xã hội rộng lớn. Bộ tiểu thuyết không chỉ nói tới bản chất của cái tốt, cái xấu, của luật pháp, mà còn là cuốn bách khoa thư đồ sộ về lịch sử, kiến trúc của Paris, nền chính trị, triết lý, luật pháp, công lý, tín ngưỡng của nước Pháp nửa đầu thế kỷ XIX.

Nhà thờ Đức Bà Paris

Nhà thờ Đức Bà Paris

Nhà thờ Đức Bà Paris là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn của Victor Hugo. Cũng nhờ thành công của tác phẩm mà ông được biết đến như một nhà văn nhân đạo, lãng mạn bậc nhất của nước Pháp. Bằng cốt truyện khá bi thảm, nặng nề, các tình tiết xếp đặt khéo léo, mang kịch tính và hình ảnh tô đậm, phóng đại, lẫn lộn thực hư, kết hợp với bút pháp miêu tả thật rực rỡ, kỳ thú, Victor Hugo đã vẽ nên một bức tranh thu nhỏ về xã hội Pháp thế kỷ XV.

Nhà thờ Đức Bà Paris là sự kết hợp của tình yêu, định mệnh, lịch sử, kiến trúc và chính trị, đây là tác phẩm được ví như ánh sang bình minh của trào lưu văn học lãng mạn thời hiện đại chiếu vào đêm trường Trung Cổ. Victor Hugo đã tạo nên một bản tình ca hào hùng, đậm chất sử thi với đầy đủ các thái cực tâm lý con người, niềm đam mê và tôn giáo của thời kỳ Gothic, khám phá những bất công xã hội qua sự đau khổ của các nhận vật trong thế giới văn học bất khả xâm phạm của riêng mình.

Thằng Cười – Victor Hugo

Thằng Cười – Victor Hugo

Được khởi thảo và hoàn thành trong vòng hai năm (1866-1868) trong thời kỳ Victor Hugo bị lưu đày từ Bruxelles tới đảo Guernesey rồi lại trở lại Bruxelles, Thằng Cười đã vượt qua dự định ban đầu của người viết: cuốn sách không chỉ dừng lại ở một tác phẩm chính trị mà còn là một tác phẩm triết học, lịch sử và thi ca.

“Nếu hỏi tác giả vì sao ông viết Thằng Cười, ông sẽ trả lời, là triết gia, ông muốn khẳng định tâm hồn và ý thức, là sử gia, ông muốn vạch rõ những thực tế ít được biết đến của nền quân chủ và giảng giải về dân chủ, và là thi gia, ông muốn tạo nên một bi kịch […] Bi Kịch của Tâm Hồn.” (Phác thảo lời tựa)

Émile Zola từng ngợi ca: “Thằng Cười vượt lên trên tất cả những gì Victor Hugo đã viết từ mười năm qua (từ 1859). Ở đó ngự trị một khí thế siêu phàm”, “một tác phẩm thấm thía và kì vĩ […] Độc giả của tôi hiểu tác phẩm ấy trong từng chi tiết nhỏ nhất. Cũng như tôi, họ yêu cuốn sách này. Cũng như tôi, họ đánh giá đây là một tác phẩm hay và vĩ đại.”

Tuy nhiên, sự thật là, khi ra đời, Thằng Cười đã không được độc giả hào hứng đón nhận. Bản thân Victor Hugo cũng thừa nhận thất bại này, mà một phần nguyên nhân được ông quy cho tham vọng quá lớn của mình: “Tôi đã muốn đưa tác phẩm của mình trở thành một thiên sử thi. Tôi đã muốn buộc độc giả phải suy nghĩ về từng câu từng dòng tôi viết ra. Vì thế mà họ nổi giận với tôi.” Và phải chờ đến thế kỷ 20, giá trị tác phẩm của đại thi hào mới được nhìn nhận lại, Thằng Cười khi ấy mới trở về đúng ngôi vị đáng kính của mình.

Gavroche – Chú Bé Thành Paris

Gavroche – Chú Bé Thành Paris

Kiệt tác NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ của đại văn hào Pháp Victor Hugo (1802-1885) đã vượt qua biên giới Pháp và sống mãi với thời gian. Tác phẩm đã khắc họa sống động chú bé Gavroche hồn nhiên, dũng cảm và nghĩa hiệp… Gavroche tuy đói khổ và nhiễm chút ‘‘bụi đời’’ nhưng vẫn rạng ngời phẩm chất tốt đẹp. Chú căm ghét những kẻ giàu có, độc ác và sẵn sàng giúp đỡ những người nghèo khó.

Paris khởi nghĩa, Gavroche hăng hái ra trận với khẩu súng không cò, miệng hát vang những khúc ca “hòa âm của tiếng chim và xưởng thợ”. Trên chiến lũy, chú làm cho những anh lè phè phải xấu hổ. Chú kích thích người làm biếng. Chú hồi sức cho người mệt nhọc. Chú chọc tức những anh mơ màng. Cái chiến lũy to tướng như cảm thấy có chú cưỡi trên lưng.

CHÚ KHÔNG PHẢI LÀ TRẺ CON, CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI LỚN. CHÚ LÀ MỘT TRẺ

RANH THẦN TIÊN!

“‘Những người khốn khổ’ của đại văn hào Victor Hugo được Nhóm Văn học Lê Quý Đôn dịch, và do cha tôi là Giáo sư Huỳnh Lý chủ biên. Là nhà giáo lão thành, nặng lòng với thế hệ trẻ nên cha tôi đã thống nhất với các dịch giả để tôi biên soạn ‘Gavroche – Chú bé thành Paris’ và Nhà xuất bản Kim Đồng đã in lần đầu năm 2002. Những lần in sau, tôi có bổ sung cho hoàn chỉnh hơn. Mong rằng với ‘Gavroche – Chú bé thành Paris’, các bạn đọc trẻ sẽ hiểu hơn về các tác phẩm văn học kinh điển. Qua Victor Hugo, các bạn sẽ biết thêm cách mạng Pháp, hiểu được nhân dân Pháp, thiếu nhi Pháp yêu chuộng tự do, công lý và biết trân trọng những gì mà mình đang có.” – Huỳnh Phan Thanh Yên

Chín Mươi Ba

Chín Mươi Ba

Tác phẩm lấy bối cảnh năm 1793 kinh hoàng của cuộc Cách mạng Pháp, mà người ta còn gọi là thời kỳ khủng bố, thời kỳ mà các cuộc tàn sát diễn ra đẫm máu ở cả hai phe, phe cộng hòa và phe bảo hoàng.

Lúc này, De Lantenac trở về Pháp, cầm đầu dân quê Bretagne nổi dậy chống lại cách mạng. Gauvain, một vị tướng trẻ có tài, mà cũng là cháu ruột của De Lantenac, được cử đi dẹp loạn Vendée, dưới sự giám sát của Cimourdain.

Anh đã thành công, sau ba tháng giao tranh, quân cộng hòa đã dồn De Lantenac vào đường cùng, nhưng hắn vẫn trốn thoát ngay đường tơ kẽ tóc. Lúc đó, một sự kiến bất ngờ đã diễn ra…

Ngày Cuối Cùng Của Một Tử Tù

Ngày Cuối Cùng Của Một Tử Tù

Tác phẩm ghi lại 24 giờ cuối cùng của cuộc đời một tử tù qua nhật ký của nhân vật xưng tôi – nhân vật không tên tuổi, lai lịch, không nguồn gốc tội lỗi, không ai biết anh ta phạm tội gì đến nỗi trở thành tử tù. Anh ta kể về không gian sinh tồn là nhà tù, những con người va chạm với anh ta trong 24 giờ đó là bạn tù, linh mục, cai ngục… và những người phụ nữ trong tâm tưởng gồm mẹ, vợ và con gái. Tất cả những suy tư đó đan xen với dòng suy nghĩ về việc anh ta sắp bị thi hành án.

Tác phẩm này gần như chứa đừng đầy đủ phong cách, mô típ nhân vật và chủ đề quen thuộc trong sáng tác văn xuôi của Victor Hugo. Đặc biệt hơn nữa, có lẽ đây là tác phẩm chứa đựng nhiều tâm sự thầm kín, những nhức nhối khôn cùng của một nhà văn suốt đời đấu tranh cho quyền “được sống” của con người: án tử hình và sự xóa bỏ vĩnh viễn nó khỏi cuộc sống nhân loại.

Lao Động Và Biển Cả

Lao Động Và Biển Cả

Lao động biển cả (Les Travailleurs de la mer) đã cuốn hút rất nhiều bạn đọc Việt Nam biết tiếng Pháp qua nhiều thế hệ. Đây không chỉ là một tác phẩm hiện thực phản ánh xã hội tư sản Pháp trong những ngày đầu của chế độ tư bản ở nước này. Qua tác phẩm này tác giả cũng xây dựng thành công một số nhân vật điển hình đại diện cho cái Thiện và cái Ác. Với một ngòi bút vững vàng đầy kinh nghiệm, tác giả đã vạch trần những mánh khóe xảo quyệt táng tận lương tâm của những con người như Rantaine hay Clubin. Đồng thời ông cũng miêu tả rất thực và rất sinh động những con người chân chính, lao động không mệt mỏi như Gilliatt. Qua câu chuyện tình éo le, dang dở của Gilliatt, bạn đọc vừa cảm thương cho số phận hẩm hiu của anh vừa căm giận những bất công trên đời này. Phải chăng đấy là một thứ “định mệnh của vạn vật”?

Dẫu sao, sau khi đọc xong dòng chữ cuối cùng, gập sách lại, bạn đọc vẫn còn thấy lắng lại trong tâm tư những gì cao quý, tuy chua chát, của con người. Bởi vì trước sau Victor Hugo vẫn là một nhà văn đại diện cho các nhà văn lớn thế giới với những tư tưởng nhân văn cao quý.

Thông tin tác giả Victor Hugo

  • Victor Hugo sinh năm 1802, tại Pháp.
  • Là nhân vật dẫn đầu phong trào lãng mạn của nền văn học Pháp.
  • Đồng thời là một nhà chính trị, một trí thức đấu tranh không ngừng cho chính nghĩa, tự do, hòa bình, dân chủ tiêu biểu của thế kỉ XIX.
  • Những người khốn khổ (Les Misérables, 1862), bộ tiểu thuyết lớn nhất mà cũng là tác phẩm có giá trị nhất trong sự nghiệp văn chương của Victor Hugo.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

Sách hay nhất của Yu Dan Yu Dan là người gốc Bắc Kinh, là một bậc thầy của văn học cổ điển Trung Quốc, một tiến sĩ về chủ đề phim và truyền hình, có…
Sách hay nhất của Deepak Chopra Tác giả Deepak Chopra, một nhà lãnh đạo tinh thần nổi tiếng của Ấn Độ. Sách của Deepak Chopra nói về sức mạnh của tâm trí, ý thức và…
Sách hay nhất của Joe Vitale Tác giả Joe Vitale, một nhà tâm linh, huấn luyện viên tinh thần. Sách của Joe Vitale nói về sức mạnh của suy nghĩ tích cực và cách sử…
Back to top button